Liên Xô và việc giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc giải phóng Tân Cương (P3)




Liên Xô và vấn đề Tân Cương

(Liên Xô và việc giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc giải phóng Tân Cương)

⏪⏪⏩⏩

Trước khi đi thẳng vào vấn đề Tân Cương, có lẽ chúng ta nên cần làm sáng tỏ đôi chút về mối quan hệ giữa Liên Xô, Quốc tế Cộng sản đối với Cách mạng Trung Quốc.

Hiện nay, có xu hướng xét lại chủ nghĩa cho rằng Mao Trạch Đông đã đúng trong vấn đề Cách mạng Trung Quốc, tức là họ đã đúng trong việc đi một con đường riêng biệt, độc lập với Quốc tế Cộng sản, với Liên Xô và chống lại sự áp đặt của chủ nghĩa Quốc tế với vấn đề cách mạng Trung Quốc. Thoạt qua, với những người ít kinh nghiệm hoặc không có bất kỳ kinh nghiệm nào nghiên cứu về cách mạng Trung Quốc, họ sẽ dễ dàng đồng ý với cái mạch logic rằng cách mạng ở mỗi nước có tính chất riêng biệt và đi đến chỗ cho rằng Liên Xô, Quốc tế cộng sản đã bá quyền trong việc áp đặt lên các nước nhỏ. Rằng đường lối cách mạng của Mao Trạch Đông là đúng đắn, Cách mạng Trung Quốc thắng lợi đó là công lao to lớn vĩ đại của Mao Trạch Đông. Liệu điều đó đúng không ?

Đáng tiếc là cái mạch logic đó đã bị thực tế lịch sử phủ nhận.

Trái lại với các tuyên truyền của Mao và Đảng Cộng sản Trung Quốc thập niên 60s, tự cho mình là những người vạch ra những nhiệm vụ cho phong trào giải phóng dân tộc Trung Quốc và mặt trận dân tộc thống nhất, ngược lại, chính những chiến sĩ cộng sản mác-xít - lênin-nít, những chiến sĩ đấu tranh bênh cạnh Quốc tế Cộng sản và Liên Xô là những tác giả của vấn đề trên. Từ năm 1935, trong các văn kiện Đảng mà khi ấy Mao là người lãnh đạo thì mới nói về đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Trung Quốc 1928 thì vấn đề dân tộc đã được khẳng định, nhiệm vụ mà Đại hội VI đã khẳng định đó là : đánh đuổi đế quốc và thống nhất đất nước, phá tan hẳn chế độ ruộng đất của địa chủ và giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, đấu tranh thành lập chính quyền Xô viết công - nông - binh, thành lập Hồng quân Trung Quốc.

Khi Nhật tấn công Trung Quốc, theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản tháng 1-1933, Quốc tế Cộng sản chỉ thị Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải sẵn sàng liên minh với bất kỳ lực lượng nào để đánh Nhật, tức là tiền đề của việc thành lập mặt trận dân tộc thống nhất nhân dân để kháng Nhật. Điều này, mãi đến năm 1937 sau khi Vương Minh từ Liên Xô về tổ chức lại Đảng thì khẩu hiệu này mới trở thành khẩu hiệu chính thức.


Như vậy còn quan điểm của Mao ? Tháng 1-1934, Hội nghị TW 5, sau đó là Đại hội Xô viết toàn Trung Quốc lần 2 dưới sự chủ trì của Mao đã đi đến kết luận: "chỉ có thông qua chiến tranh cách mạng mới có thể tiêu diệt được Quốc dân đảng và các lực lượng vũ trang của đế quốc và giành thắng lợi hoàn toàn ở một hay nhiều tỉnh và cuối cùng là ở toàn bộ Trung Hoa"; từ đó đi kế luận là "cuộc đấu tranh vũ trang chống Quốc dân Đảng và bọn tay sai của chúng, tức là cuộc nội chiến, là nhiệm vụ số một và quan trọng bậc nhất" (Nghị quyết HNTW 5 khóa VI của Đảng Cộng sản Trung Quốc). Ở đây, bằng việc xem Quốc dân Đảng là kẻ thù chính thức, trong khi đó Quốc dân Đảng là lực lượng mạnh nhất, lớn nhất toàn Trung Hoa, thì đồng nghĩa là Mao đã không chấp nhận bất kỳ một mặt trận dân tộc thống nhất nào, điều đó cũng đồng nghĩa là xem nhẹ kháng chiến chống Nhật. Chủ trương của Mao là xem nhẹ kháng chiến chống xâm lược, xem nặng cuộc nội chiến; còn Quốc tế Cộng sản thì nhấn mạnh chủ yếu vào phong trào kháng chiến chống bọn xâm lược, từ tô giới các nước phương Tây đến Nhật.

Có người nói rằng, lúc đấy Tưởng Giới Thạch đang khủng bố và truy quét Hồng quân, sao mà không xem họ là kẻ thù được ? Điều đó là đúng, Quốc dân Đảng là kẻ thù lớn và trực tiếp của Hồng quân trong các đợt vây quét Hồng Quân. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về mặt chính sách, chủ trương, chứ không phải nói về vấn đề quân sự. Đồng thời, không phải cứ là kẻ thù trực tiếp về mặt quân sự, thì không thể không có đường lối về mặt trận dân tộc thống nhất, hay về tổ chức cuộc kháng Nhật được. Chúng ta phải hiểu, đây là hai vấn đề hoàn toàn cách biệt. Chúng ta vẫn chủ trương thành lập mặt trận dân tộc thống nhất để kháng Nhật, vừa đồng thời đánh trả, thương thảo, thuyết phục Quốc dân Đảng chấm dứt các hoạt động quân sự, thậm chí có thể sử dụng hình ảnh đó để tuyên truyền rộng rãi, tập hợp lực lượng, củng cố Hồng quân trong quần chúng nhân dân khi tâm lý của cao trào kháng Nhật đang bùng lên rất mạnh mẽ. Chính vì không phân biệt được sự khác biệt giữa hai đường lối đó đã làm cho nhận định của Mao đi chệch hướng như thế.

Có ý kiến cho rằng, thành công lớn nhất của Mao chính là chỗ gạt bỏ được sự áp đặt của Quốc tế Cộng sản. Thực hư điều đó ? Trên thực tế rõ ràng là không. Vì các cố vấn của Quốc tế Cộng sản trong Đảng Cộng sản Trung Quốc không có chức năng và quyền hạn trong việc ra chỉ thị, mà chỉ có chức năng tham mưu, cố vấn mà thôi. Đó là lý do, mà trong một số Hội nghị Trung ương quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Xô viết, đại diện Quốc tế Cộng sản không được mời tham dự, hoặc chỉ tham gia thảo luận góp ý trong một số cuộc họp bàn bạc về tình hình chiến sự. Do đó, mặc dù đường lối chính trị của Quốc tế Cộng sãn đã chỉ rõ từ năm 1931, nhưng trong thực tế, các cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc một bộ phận Đảng của Xô viết Trung ương dưới sự chủ trì của Mao có xu hướng đi chệch. Nếu Quốc tế Cộng sản chi phối, thì liệu Mao có thoải mái làm sai lệch đường lối như thế không, Đảng Cộng sản Trung Quốc có đi chệch khỏi quỹ đạo của cách mạng dân tộc dân chủ không ?

Người ta sẽ thắc mắc vì sao Quốc tế Cộng sản ở tận Moskva lại có thể chỉ đạo đúng đắn được tình hình của Cách mạng Trung Quốc được chứ, trong khi đấy ở Trung Quốc thì lại không ? Làm sao người nước ngoài lại hiểu vấn đề Trung Quốc hơn người Trung Quốc được chứ ? Điều đó có nghĩa là họ đã không hiểu đúng về phương thức hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Trên thực tế, các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản được ban hành là căn cứ trên những báo cáo của phái bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quốc tế Cộng sản, họ hoạt động thường trực và đóng góp như kênh liên lạc chính thức giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản. Chứ không phải các những người ngoại quốc quyết định đường lối, chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

a) Từ Đại hội VI đến trước Hội nghị TW 4 khóa 6, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc nhấn mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là chính xác. Đường lối đó do các hạt nhân mác-xít - lênin-nít trong Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng dựa trên góp ý của Quốc tế Cộng sản.

b) Nhưng từ Hội nghị TW 4 trở đi, đường lối của Đảng đã đi chệch, có xu hướng đấu tranh quyền lực, đấu tranh giai cấp do Mao phát động. Nguyên nhân là do, những hạt nhân mác-xít - lênin-nít trong Đảng bị suy giảm; một bộ phận phải sang Moskva làm việc thường trực tại Quốc tế Cộng sản, một bộ phận trong những năm khủng bố trắng của Tưởng Giới Thạch đã sát hại và cầm tù họ. Kể từ năm 1934 đến năm 1936, việc văn phòng Trung ương Đảng ở Thượng Hải bị quân Tưởng đột phá đã làm cắt đứt hoàn toàn liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc tế Cộng sản; các cuộc vây ráp của Tưởng vào các khu Xô viết đã làm vai trò của các khu Xô viết trở nên quan trọng hơn, nhất là trong điều kiện bị cắt đứt liên lạc. Những điều trên đã làm cho xu hướng cách mạng đấu tranh giai cấp do Mao lãnh đạo trong Đảng chiếm ưu thế, nhất là lúc này, sinh hoạt của Đảng trên thực tế là tổ chức theo quân đội. Ngay cả trong nội bộ Đảng cũng phức tạp, không phải tất cả các tổ chức Đảng đều theo hoặc được nhận tin từ Trung ương Đảng, do bị chia cắt và vây ráp thành các khu Xô viết riêng biệt. Đến cả việc Mao quyết định cuộc Trường Chinh lên phía Bắc cũng không hề biết sự tồn tại của khu Xô viết Thiểm - Cam - Ninh.

c) Đến khi Vương Minh trở về, liên lạc với Quốc tế Cộng sản được nối lại, thì đường lối của Đảng lúc này mới được uống nắn lại. Đường lối về kháng chiến chống Nhật và thành lập mặt trận dân tộc thống nhất của Vương Minh đã đúng đắn và góp phần làm cho cao trào kháng Nhật lần thứ nhất 1937-1939 đạt được những thành công đáng kể.

Cần phải nói rằng trong những năm đó, quan điểm của Mao thực sự rất nguy hiểm. Mao lập lại những sai lầm của Lý Lập Tam là xem Trung Quốc là trung tâm cách mạng của thế giới trong thời đại mới, rằng nghĩa vụ của Liên Xô là ủng hộ và giúp đỡ cách mạng Trung Quốc và không loại trừ cả việc tham gia vào cuộc chiến tranh nhằm giải phóng Trung Quốc. Quan điểm đó trở nên hết sức nguy hại và phản động.

a) Cách mạng Trung Quốc không thể thắng lợi nếu được gây nên bởi lực lượng bên ngoài tham gia trực tiếp vào. Việc Mao ấp ủ kế hoạch đánh Tưởng hay đánh Nhật, trên thực tế không phải là nhằm đáp ứng nhu cầu của Cách mạng Trung Quốc, mà nhằm đáp ứng nhu cầu của quan điểm phản động đó. Chính vì thế mà chủ trương chính sách của Mao lúc này, lúc thế kia là vì vậy. Ví dụ, trong thời điểm mặc dù Nhật tấn công vào Mãn Châu, nhưng Mao lại không xem Nhật là kẻ thù trọng yếu mà là Tưởng, phát động một cuộc chiến tranh chống Tưởng là điều kiện tiên quyết để đưa Hồng quân Liên Xô can dự vào Trung Quốc, đó chính là mục tiêu mà cuộc Vạn lý Trường Chinh do Mao lãnh đạo tiến hành trong đó đặc nhiệm vụ là Hồng quân sẽ hành quân tiến lên phía Bắc, khu vực giáp với biên giới Mông Cổ và Tân Cương nhằm thiết lập khu căn cứ cách mạng ở đây, dựa vào viện trợ của Liên Xô hoặc xem là bàn đạp đưa quân đội Xô viết tấn công lực lượng Tưởng. Khi Nhật bành trướng và tấn công sâu vào lãnh địa phía Bắc Trung Quốc, cùng với biên giới Mông Cổ, thì kẻ thù lúc này Mao lại xem là Nhật, do đó phát động phong trào kháng Nhật tại khu Xô viết Thiểm - Cam - Ninh. Đó không phải là thái độ thiếu nhất quán như các nhà nghiên cứu trước đây phân tích, mà đó là thái độ của Mao nhất quán theo suy nghĩ của cá nhân ông ta, chứ không phải đứng trên lập trường cách mạng Trung Quốc.

b) Chủ trương của Liên Xô là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định nhằm phát triển kinh tế xã hội. Đó là quan điểm nhất quán của Chính phủ Xô viết. Việc tham gia vào cuộc chiến tranh chống Tưởng, hay chống Nhật trên đất Trung Quốc rõ ràng là điều không thể. Chưa kể, cuộc tiến công Trung Quốc có thể diễn ra vô cùng khó khăn, khó thắng lợi, và nguy cơ bị các cường quốc bao vây rõ ràng là lớn hơn bao giờ hết. Thời điểm 1934-1935, Liên Xô mặc dù đã là một nước công nghiệp, nhưng tàn tích của sự lạc hậu chưa thể xóa bỏ hết được, tình trạng lạc hậu trong quân đội còn tồn tại. Một cuộc chiến tranh như thế là thiếu suy nghĩ.

c) Liên Xô không thể không coi Tưởng Giới Thạch là một lực lượng đáng kể trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Nhật ở Viễn Đông. Việc Nhật tấn công vào Mãn Châu, rồi tiến về Mông Cổ đã cho thấy rằng rõ ràng hơn bao giờ hết, Liên Xô rất cần những lực lượng chống lại Nhật Bản ở Viễn Đông, rõ ràng lực lượng Tưởng Giới Thạch là sự lựa chọn không thể nào khác được, còn lực lượng cộng sản thì chỉ nằm gọn trong một số khu Xô viết nhỏ. Nhưng ủng hộ phong trào kháng Nhật và lực lượng kháng Nhật còn là cơ sở cho việc phát triển Đảng Cộng sản và uy tín của Đảng Cộng sản nói riêng và phong trào dân chủ tiến bộ chống phát xít nói chung. Nếu ủng hộ quan điểm cá biệt của Mao mà làm hại đến phong trào dân chủ tiến bộ toàn Trung Quốc hay mặt trận chống phát xít Quốc tế thì đó mới là quan điểm sai lầm.

Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn thấy được rằng vì sao quan điểm của Mao sai, và vì sao Quốc tế Cộng sản lại đúng. Và cái mạch logic nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa cho rằng Quốc tế Cộng sản áp đặt tư tưởng lên Cách mạng Trung Quốc rõ ràng là sai nốt.

Nhưng đáp lại tinh thần quốc tế đó thì Mao đã thi hành những đường lối gì ? Đó là đàn áp những nhà cách mạng ít nhiều có dính líu đến Quốc tế Cộng sản và Liên Xô. Đợt đàn áp đầu tiên là từ những năm 1934-1936 khi tiến hành chỉnh đốn Đảng lại theo quan điểm Mao Trạch Đông, trù ép, loại dần các đảng viên học tập ở Liên Xô, ra khỏi các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tuy nhiên, khi Vương Minh về và liên lạc với Quốc tế được kết nối thì Mao thất thế, đàn áp ngừng lại. Khi Đức tấn công Liên Xô cuối tháng 6/1941, thì ở bên này, Mao tiến hành thanh Đảng lần hai với tên gọi "chỉnh phong" trong đó tiến hành đàn áp luôn cả lực lượng từ Quốc tế Cộng sản về năm 1937, bao gồm cả Vương Minh. Lúc đó Mao, cũng như Thịnh Thế Tài, cũng cho rằng Liên Xô sẽ không trụ được bao lâu. Mao cho rằng giờ đã đến lúc Trung Quốc trở thành Trung tâm cách mạng Thế giới, và do đó loại bỏ những ai theo Quốc tế Cộng sản, Liên Xô. Nhưng Liên Xô không thua, mà ngược lại còn chiến thắng phát xít Đức, đến năm 1945, các cuộc đàn áp của Mao đã chấm dứt và ngược lại quay lại ủng hộ Liên Xô, trong khi trước đó từ năm 1942-1945 ở Diên An, Mao còn cho các đơn vị tình báo của Mỹ hoạt động ở đây nữa.

Khi Mãn Châu được Hồng quân Liên Xô giải phóng, đã trở thành bàn đạp chiến lược cho việc cung cấp hậu cần cho quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, trong kế hoạch giải phóng toàn bộ đất nước Trung Hoa. Tập đoàn quân Mãn Châu với sự trang bị vũ khí Liên Xô đã giành lấy thắng lợi trong 2 trận quyết định : Liêu - Thẩm và Bắc kinh - Thiên Tân. Tình thế cách mạng Trung Quốc đã xoay chuyển và bước vào giai đoạn có lợi. Thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc năm 1949 không thể không gắn với sự giúp đỡ của Liên Xô, đó là điều không có gì chối cãi. 

Giờ đây, các thế lực thù địch cũng như chính nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc theo chủ nghĩa Mao trong hơn nửa thế kỷ qua đã cố tình xuyên tạc và làm bôi nhọ sự giúp đỡ ấy của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về việc Liên Xô giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc giải phóng Tân Cương.

Tân Cương quá rõ ràng là địa bàn chiến lược mà quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phải chiếm lấy. Trước mắt là nhu cầu về kinh tế, chiến lược hậu chiến - dầu mỏ, khoáng sản. Như đã biết, Tân Cương từ lâu đã là khu vực quan trọng kết nối với Liên Xô về mặt kinh tế, dầu ở Tân Cương cũng thế. Nước Trung Quốc mới rất cần cả hai, sự hợp tác kinh tế với Liên Xô và tài nguyên Tân Cương. Bản thân Mao rất mong muốn nắm giữ Tân Cương, nhưng thế và lực của quân giải phóng rõ ràng là không thể tiến công Tân Cương trong năm 1949 được.

Do đó, muốn giải phóng sớm Tân Cương, chỉ có cách là nhờ cậy Liên Xô giúp đỡ.

Nhưng điều thú vị là trong các tài liệu được cung cấp bởi Cục lưu trữ Nhà nước đã cho thấy, Stalin là người đầu tiên đặt ra vấn đề giải phóng Tân Cương và tỏ ý muốn giúp đỡ quân giải phóng Trung Quốc tiến vào vùng đất này.

Trong cuộc hội đàm giữa Mikoyan và Mao Trạch Đông, thì Mao có nói rằng họ sẽ tiến vào Tân Cương vào năm 1951 (Cuộc gặp gỡ giữa Mikoyan và các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 6 tháng 2 năm 1949. APRF: F. 39, Op. 1, D. 39, Ll. 78-88). Nhưng đến ngày 18 tháng 6 năm 1949, Stalin đã gửi một bức thư đến Mao Trạch Đông, trong đó ông khuyên quân giải phóng nên nhanh chóng chiếm lấy Tân Cương để đáp ứng nhu cầu kinh tế trong tương lai. Trong thư có viết:

<< Khuyên đồng chí nên chú ý hơn đối với vấn đề Tân Cương, ở đó có dầu và bông. Nếu không có dầu thì sẽ rất bất lợi. Nếu sớm có nó, thì chỉ sau 2-3 năm là có thể tiến hành khai thác được. Có thể đặt một đường ống từ khu khai thác và chế biến đến Khâm Châu, từ đây có thể vận chuyển nó đi khắp Trung Quốc bằng đường thủy và đường sắt. Vì vậy, đồng chí không nên trì hoãn lâu trong việc chiếm Tân Cương >> (Thư từ Stalin gửi Mao Trạch Đông. APRF, F. 45, Op. 1, D. 331, Ll. 119 và RGASPI, f. 558, sđd. 11, d. 331)

Ngày 27 tháng 6 năm 1949, Stalin đã nhắc lại điều này đối với phái đoàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Liên Xô do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu. Biên bản cuộc họp cho biết, Stalin đã nhắc lại việc quân giải phóng cần nhanh chóng chiếm đóng Tân Cương vì nếu muộn, người Anh có thể can thiệp vào và kích động phong trào hồi giáo chống lại họ, và Trung Quốc đang rất cần dầu để tái thiết đất nước. Stalin nhấn mạnh, người Hán ở Tân Cương chỉ chiếm 5%, do đó, cần phải tái định cư đưa người lên đó để đạt mức 30% là điều cần thiết để đảm bảo an ninh biên giới. (APRF: F. 45, Op. 1, D. 329, Ll. 1-7)

Mao tán thành cuộc tiến công này, và nhanh chóng chuẩn bị lực lượng. Cuối hè năm 1949, quân giải phóng tiến vào Cam Túc, chuẩn bị sẵn sàng tiến lên Tân Cương. Vấn đề trước nhất ở Tân Cương đó là việc buộc các lực lượng Quốc dân Đảng phải đầu hàng, sau đó là thuyết phục chính phủ Đông Turkestan tham gia Chính phủ liên hiệp Trung Quốc theo gợi ý mà Stalin đã gửi Mao trong một bức thư hồi 1948.

Ngày 25 tháng 9 năm 1949, nhận thấy tình hình Quốc dân Đảng đương trong tình thế bất lợi, các nhà lãnh đạo Quốc dân ở Tân Cương đã quyết định đầu hàng quân giải phóng nhân dân. Một số tướng lĩnh và binh lính đã chính thức gia nhập vào hàng ngũ quân giải phóng nhân dân sau đó. Còn vấn đề chính phủ Đông Turkestan thì có chút phức tạp nhưng cũng thuận lợi: một số nhà lãnh đạo Đông Turkestan là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và chính phủ này gắn chặt với Liên Xô, nhưng từ trước đây họ không có mối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên Liên Xô có thể hỗ trợ làm cầu nối cho việc đàm phán hòa bình để Đông Turkestan gia nhập nước Trung Quốc mới.

Ngày 19 tháng 8 năm 1949, Mao đánh điện mời các nhà lãnh đạo Đông Turkestan đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất vào Chính phủ liên hiệp của Trung Quốc mới. Lẽ dĩ nhiên, chính sách Hiệp thương chính trị này là từ góp ý của Liên Xô, còn Đông Turkestan trên thực tế là do đảng bộ Đảng Cộng sản Liên Xô tại đây lãnh đạo, cho nên việc thống nhất Đông Turkestan vào thành phần Chính phủ Liên hiệp Trung Quốc là một điều hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện được. Chấp thuận lời mời của Chính phủ Trung Quốc và được Đảng Cộng sản Liên Xô bật đèn xanh, phái đoàn do Tổng thống Qasim đã lên máy bay Liên Xô từ Almata để bay đến Bắc Kinh, nhưng một sự cố đã khiến máy bay gặp tai nạn và tất cả đại biểu đã tử nạn. Một phái đoàn khác thay thế đã đến Bắc Kinh tiếp tục thực hiện quyết định của Tổng thống Qasim. Hội nghị Hiệp thương kết thúc, Đông Turkestan chính thức gia nhập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Nhưng việc tiến vào Tân Cương không phải không còn khó khăn. Trong bức thư gửi Stalin ngày 26 tháng 9 năm 1949, Mao đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ:

<< 500.000 quân của chúng tôi dự định sẽ tiến vào Tân Cương qua Lan Châu hoặc Quảng Châu vào đầu tháng 11. Nhưng ở đây, tình trạng đường sắt lạc hậu, điều kiện khó khăn, ít người, thiếu lương thực - vì vậy, hãy giúp đỡ chúng tôi bằng cách cung cấp 30-50 máy bay vận tải để có thể chuyển quân, lương thực, quân nhu yếu phẩm, cán bộ.....Việc này phải hoàn thành vào tháng 10, để cho đồng chí Bành Đức Hoài, chỉ huy phương diện quân số 1 quân giải phóng có thể sử dụng vào tháng 11. Nếu chậm trễ, thời tiết sẽ trở lạnh, việc chuyển quân có thể sẽ được tiến hành vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau >> (Thư từ Mao Trạch Đông gửi Stalin. RGASPI, f. 558, sđd. 11, d. 332, ll. 54-56).

Lời nhờ vả của Mao đã được Chính phủ Liên Xô chấp thuận. Dưới sự giúp đỡ hàng không Liên Xô, ngày 25 tháng 10 năm 1949, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào Urumchi, thủ phủ của Tỉnh Tân Cương. Lực lượng Quốc dân Đảng ở đây đã đầu hàng, lực lượng quân sự Đông Turkestan đứng về phía quân giải phóng. Tân Cương nhanh chóng được giải phóng.

Nhưng vẫn còn khó khăn nữa, việc 90.000 binh sĩ Trung Quốc tiến vào Tân Cương đã làm xuất hiện nhu cầu lớn về việc tiêu thụ lương thực, mà ở đây, việc trưng thu từ nhân dân đã bị cấm. Khả năng vận tải của Trung Quốc rất hạn chế. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Liên Xô tiếp tục giúp đỡ trong việc vận chuyển 10.000 tấn lương thực cho quân giải phóng nhân dân ở Tân Cương. Điều đó đã được chính phủ Liên Xô chấp nhận (RGASPI, f. 558, sđd. 11, d. 333, l. 74). Điều đó đảm bảo cho việc duy trì chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Tân Cương.

Ngay sau khi Tân Cương được giải phóng, trong một bức điện gửi Ban chấp hành Trung Ương, Tư lệnh Bành Đức Hoài đã nhấn mạnh vai trò hợp tác và viện trợ của Liên Xô đối với Tân Cương như sau:

<< 4. Dựa trên những điều đó, tôi cho rằng rất cần sự hỗ trợ to lớn từ Liên Xô để giúp đỡ Tân Cương vượt thời điểm khó khăn lúc này. Cụ thể như sau:

a) về việc cung cấp vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cho quân giải phóng ở Tân Cương, .... cần được sự viện trợ từ Liên Xô.

b) khôi phục ngay lập tức quan hệ thương mại giữa Tân Cương và Liên Xô, có thể dùng hàng hóa địa phương để trao đổi với các hàng hóa tiêu dùng của Liên Xô.

c) hợp tác kinh tế giữa Tân Cương và Liên Xô nhằm phát triển nơi đây. Trước đây, ở Tân Cương, một hiệp định kinh tế với Liên Xô về thành lập công ty liên doanh Xô - Trung để khai thác dầu khí và kim loại hiếm, kim loại màu; hiện nay cần soạn thảo một văn kiện tương ứng. Ngay bây giờ, cần thiết phải đạt thỏa thuận với Liên Xô về việc nối lại hoạt động của công ty này.

d) vùng Tây Bắc rất rộng lớn và những vấn đề đường sắt đang tác động tiêu cực đến công việc nơi đây. Do đó, cần đàm phán với Liên Xô về việc mở tuyến đường từ Alma Ata - Urumchi - Hami - Lan Châu - Tây An - Bắc Kinh như đã đề cập trước đây >> (Báo cáo tình hình Tân Cương RGASPI, f. 558, sđd. 11, d. 334, l. 4-7)

Tất nhiên, những yêu cầu đó sau này đã được phía Liên Xô đáp ứng.

Có thể nói, Liên Xô đối với nhân dân Trung Quốc chí tình, chí nghĩa, hết lòng trong việc giúp đỡ Cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi, và ngay cả trong công cuộc hồi sinh đất nước sau này.

Đảng Cộng sản Liên Xô, Quốc tế Cộng sản đã giúp đỡ cách mạng Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực:

1. Xây dựng về đường lối chính trị. Từ rất sớm, cuối những năm 20 của thế kỷ trước, sau các sai lầm của những khuynh hướng hữu khuynh và tả khuynh, được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng đường lối chính trị đúng đắn tại Đại hội II của Đảng. Liên tiếp những năm sau đó, đường lối kháng chiến chống đế quốc và bọn xâm lược Nhật, về chính sách hợp tác và mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật của Quốc tế Cộng sản và các đồng chí Trung Quốc mác-xít là đúng đắn. Trong thời kỳ 1945-1946, Đảng Cộng sản Liên Xô hết lòng khuyên nhủ Mao và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên tự mãn khi nghĩ rằng có thể đánh thắng Tưởng một sớm một chiều; trong thời kỳ 1948-1949 thì khuyên nhủ Mao không nên nản lòng sau khi để mất Diên An, từng bước tái tổ chức lực lượng.

2. Giúp đỡ về vật chất, khoa học, kỹ thuật và quân sự. Mãn Châu là vùng lãnh thổ do Liên Xô chiếm đóng sau khi quét sạch 1 triệu quân Quan Đông của Nhật, cũng chính tại đây, Liên Xô đã xây dựng những cơ sở hậu phương kinh tế, khoa học, kỹ thuật và quân sự cho quân giải phóng nhân dân. Chính Mãn Châu, sau này trở thành Chính phủ Mãn Châu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính là bàn đạp chiến lược để quân giải phóng nhân dân tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng đại lục. Cùng với trang thiết bị, vũ khí Liên Xô, nhiều đoàn cán bộ cố vấn Liên Xô từ Viễn Đông sang huấn luyện cho quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Thế và lực của cách mạng Trung Quốc từ đây phát triển mạnh mẽ.

3. Liên Xô đã dùng nhiều biện pháp, đấu tranh chính trị, ngoại giao, và đồng thời cả quân sự hòng ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào Mãn Châu. Trước nhất là việc đánh tan hoàn toàn quân Tưởng ở Nam Mãn Châu. Điều này tạo điều kiện rất quan trọng cho việc tiến công về phía Nam của quân giải phóng.

Mặc dù trong một vài năm, Đảng Cộng sản Liên Xô đã không nhận được sự hồi đáp tốt đẹp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, tuy nhiên, bằng sự kiên trì đường lối, bằng sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa đã kịp thời uốn nắn tư tưởng Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, để từ đó giúp họ trưởng thành hơn trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Lịch sử đã cho thấy, đường lối của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với vấn đề cách mạng Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn.

Xem thêm

Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 1

Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 2

Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 3