Liên Xô và vấn đề Tân Cương - Phần 2


Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 2

Phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tài liệu từ kho lưu trữ của Cơ quan lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nga (RGASPI) được giải mật đã cho phép chúng ta có thể giải đáp một cách đáng kể về chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với các nước láng giềng, khu vực láng giềng; cũng như là quan điểm, tư tưởng của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Trong loạt chuyên mục này, tôi xin tóm tắt cho các bạn về phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương và sự giúp đỡ của Liên Xô

⏪⏪⏩⏩

Những hành động thù địch của Thịnh Thế Tài trong bức thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô ngày 3/7/1942, khi quy chụp Liên Xô đứng đằng sau âm mưu lật đổ chính quyền Thịnh ở Tân Cương. Vấn đề đó đã làm cho mối quan hệ giữa Liên Xô và chính quyền Tân Cương suy giảm, mối quan hệ giữa Liên Xô và chính phủ Quốc dân cũng suy giảm.

Ngoài ra theo RGASPI, tôi còn tìm thấy một văn kiện cho thấy sau khi Liên Xô nhận thức được sự phản bội của Thịnh Thế Tài vào năm 1942, họ đã tiến hành các hoạt động điều tra tình hình và phát hiện rằng, ngay sau khi Thịnh phản bội, thì y đã thi hành các chính sách thuộc địa hóa và nô dịch các dân tộc thiểu số tại Tân Cương và điều đó là bùng lên ngọn lửa xung đột dân tộc sâu sắc tại khu vực này. Cụ thể là sau khi đánh bại các đội quân tay sai của đế quốc Nhật, Thịnh đã phong chức tước cho một số đại diện của các sắc tộc thiểu số tại Tân Cương để lôi kéo các phong trào dân tộc chủ nghĩa này đứng về phía mình trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Nhật và bọn quân phiệt cát cứ Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển của các dân tộc thiểu số này đã làm Thịnh lo ngại đến quyền lực của mình, và bắt đầu thi hành một chính sách đàn áp dân tộc thiểu số, loại bỏ các đại diện các dân tộc thiểu số khỏi các cơ quan lãnh đạo của mình. Biên bản cuộc họp của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 4/5/1943 cho biết:

< < Chính phủ Liên Xô không thể dung thứ cho hoạt động khiêu khích chống Liên Xô của Tỉnh trưởng Thịnh và không thể tiếp tục viện trợ cho ông ta để tiếp tục theo đuổi một chính sách nhằm đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, và bắt buộc phải tiến hành một số biện pháp cụ thể để ngăn chặn những cuộc đàn áp đó.

Ngoài các biện pháp đã được Ủy Ban Trung ương Đảng thông qua trước đây, Bộ Chính trị ra nghị quyết:

1. Hỗ trợ các dân tộc thiểu số không phải người Hoa ở Tân Cương (người Duy Ngô Nhĩ, người Ca-dắc, người Ki-rít, người Mông Cổ,...) trong cuộc đấu tranh chống lại các chính sách thực dân và đàn áp của Tỉnh trưởng và chính quyền Tân Cương.

a) vì quyền bình đẳng của tất cả dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

b) để phát triển tự do văn hóa của các dân tộc; giáo dục tiểu học và trung học bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

c) chống lại áp bức tôn giáo

d) thành lập chính quyền cấp huyện gồm những người được nhân dân địa phương tín nhiệm

e) thành lập Hội đồng quốc gia Tân Cương trên cơ sở bầu cử từ quy mô dân số của mỗi sắc tộc.

f) nghiêm cấm việc nhất thể hóa chính quyền dân sự và quân sự ở quy mô cập huyện và cấp tỉnh

g) khôi phục các lực lượng vũ trang dân tộc

h) trả tự do cho các tù chính trị và đại diện các sắc tộc bị Tỉnh trưởng ra lệnh bắt giữ

i) giảm thuế cho người lao động và giảm ngân sách bộ máy cảnh sát - quân đội hiện đang cồng kềnh

j) cung cấp cho thương nhân quyền tự do buôn bán với Liên Xô và loại bỏ bất kỳ sự cấm đoán nào để phát triển thương mại

k) bãi bỏ việc quy định giá - vốn không phù hợp với tình trạng Tân Cương

l) mở rộng việc xây dựng các kênh thủy lợi

m) xóa bỏ lao động cưỡng bức

n) cấm việc tái định cư ồ ạt người từ tỉnh khác đến Tân Cương.

2. Hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương, Ủy ban Trung ương Đảng - Xô viết Uzerbekistan, Xô viết Kazakhstan, Xô viết Kirgizstan:

a) tạo ra các nhóm bí mật "Phục Quốc" trên lãnh thổ Tân Cương giữa những người Duy Ngô Nhĩ, Ca-dắc, Ki-rít, Mông Cổ,...bao gồm cả cư dân địa phương và các nhóm chuyên gia từ Liên Xô.

b) giúp các nhóm "Phục Quốc" đào tạo cán bộ quân sự và chính trị, xây dựng các trường học ở Uzerbekistan, Kazakhstan, Kirgizstan và cung cấp vũ khí cho họ

c) tổ chức thông tin liên lạc với các nhà khoa học, nhân vật chính trị của Uzerbekistan, Kazakhstan, Kirgizstan với nhà khoa học, nhân vật chính trị của Tân Cương.

d) tổ chức tuyên truyền, in ấn tờ rơi về sự phát triển của Uzerbekistan, Kazakhstan, Kirgizstan bằng ngôn ngữ thông dụng ở Tân Cương.

e) tổ chức viết thư yêu nước gửi cho những công dân Liên Xô ở Tân Cương từ người thân họ ở Liên Xô.

f) tổ chức xuất bản một cuốn sách về tình trạng người Hồi giáo ở Liên Xô và việc người Hồi giáo tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại để phổ biến ở Tân Cương.

3. Tổ chức tuyên truyền ở Tân Cương những nhiệm vụ sau đây:

a) tố cáo những sai trái trong tuyên truyền và hành động của Tỉnh trưởng Thịnh không phù hợp với quan điểm và chính sách hữu nghị với Liên Xô

b) giải thích cho nhân dân Tân Cương hiểu rằng việc Liên Xô rút thương mại, chuyên gia của mình về nước là do hoàn cảnh của các chính sách chống Liên Xô mà Tỉnh trưởng Thịnh đang thi hành và đồng thời là do các biện pháp mà Thịnh đang cố gắng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Ca-dắc, Ki-rít, Mông Cổ,...ở Tân Cương.

..... >>

(Trích Biên bản N.40 của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Mục 166, lưu trữ Tuyệt mật, 4/5/1943. RGASPI F. 17, Op. 162, D. 37, ll. 76-78)

Có thể thấy, thái độ của Liên Xô đối với vấn đề Tân Cương thay đổi, đó không phải là vì quan điểm thiếu nhất quán, mà trên hết là vì sự phát triển của các tình huống chính trị xuất hiện xung quanh khu vực này. Cần phải nói rằng phong trào Đông Turkestan không phải xuất hiện vào năm 1944, mà trên thực tế từ năm 1933 đã có. Và tất nhiên phong trào này đã bị Thịnh Thế Tài đàn áp dưới sự hỗ trợ của Hồng quân Liên Xô. Vì sao lại có vấn đề như vậy ? Câu trả lời nằm ở chính bản chất của phong trào.

Phong trào Đông Turkestan thứ nhất với sự ra đời của Cộng hòa Đông Turkestan thứ nhất trên thực tế không phải là phong trào giành độc lập dân tộc, mà nó là phong trào ly khai mang tính chất Hồi giáo. Trước nhất, vì vùng đất Tân Cương này trên thực tế là lãnh thổ Trung Quốc được công nhận; Thứ hai, Trung Quốc sau cách mạng Tân Hợi thì chưa đủ tiềm lực trở thành một nước đế quốc nô dịch, mà thực tế thì lại trở thành thuộc địa bị phân chia với các đế quốc khác và nội chiến loạn lạc giữa các đám quân phiệt cát cứ; Thứ ba, trình độ lạc hậu và nghèo nàn của vùng Tân Cương làm cho Chính phủ Quốc dân Đảng cũng chưa thể thi hành các chính sách áp bức và khai thác thuộc địa như các chính phủ đế quốc Anh, Pháp, Mỹ được; Thứ tư, mặc dù trên lý thuyết Tân Cương được quản lý bởi một vị thống đốc - tỉnh trưởng, nhưng thực ra ông ta chỉ quản lý các khu vực kinh tế của người Hán và quản lý các đại diện của các gia tộc, sắc tộc ở Tân Cương thôi. Nghĩa là trên thực tế, các dân tộc thiểu số ở Tân Cương không phải bị cai trị bởi người Hán mà chính bản thân họ tự cai trị nhau trên cơ sở quan hệ xã hội tiền phong kiến lạc hậu, quan hệ bộ lạc, thậm chí nông dân các dân tộc thiểu số trên thực tế là nô lệ của các chủ nô người dân tộc thiểu số. Chính vì thế nó xảy ra một hiện tượng là không phải người Hán áp bức trực tiếp các dân tộc thiểu số, mà chính giai cấp chủ nô của người dân tộc thiểu số áp bức nô lệ của họ, do đó sự kháng áp bức dân tộc của người Hán ở khu vực này chưa đi đến chỗ trầm trọng. 

Trên thực tế nguồn gốc của phong trào Đông Turkestan bắt nguồn từ lý do tôn giáo - sứ phát động phong trào Hồi giáo của người Thổ. Chính vì sự quan hệ gần gũi về mặt dân tộc và tôn giáo, mà chủ yếu là tôn giáo, các sắc tộc người Thổ ở Trung Á bắt đầu vùng lên thành lập các nước Cộng hòa Hồi giáo. Nhưng điều này không có nghĩa là không có phong trào dân tộc, rõ ràng là có, nhưng nó bắt nguồn từ việc phân chia địa vị và vùng kiểm soát giữa các bộ lạc của các dân tộc thiểu số, điều này làm dẫn đến những cuộc xung đột đẫm máu giữa các bộ lạc, các nhóm sắc dân tộc thiểu số với nhau gây nên những cuộc chiếm đẫm máu kéo dài trong hàng thế kỷ.

Chính vì thế thái độ của Liên Xô đối với phong trào Đông Turkestan lần thứ nhất nó hoàn toàn không giống thái độ đối với phong trào Đông Turkestan lần thứ hai. Khác biệt nằm ở chỗ bản chất.

1. Liên Xô không phủ hộ phong trào Đông Turkestan lần thứ nhất là vì họ không thể ủng hộ phong trào Hồi giáo hóa ở Trung Á, căn bản là khác biệt về ý thức hệ. Liên Xô ủng hộ quyền tự quyết của các quốc gia dân tộc về sự giành độc lập của các dân tộc, chứ không ủng hộ phong trào ly khai nhuốm màu tôn giáo chính trị hóa.

2. Liên Xô coi rằng sự ổn định và hòa bình và toàn vẹn chủ quyền của Trung Quốc là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm an ninh Liên Xô ở Viễn Đông và Trung Á. Mục tiêu của Liên Xô trong giai đoạn 1930-1940 là ưu tiên phát triển kinh tế để đuổi kịp các nước Tư bản đế quốc, hòng tạo ra những cơ sở vật chất để có thể đối đầu trong một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa giữa hai trật tự TBCN và XHCN, do đó các vùng đất phía Nam và Viễn Đông mất an ninh sẽ làm cho chính sách phát triển của Liên Xô gặp nhiều khó khăn.

3. Liên Xô lo ngại rằng các bước tiến của chủ nghĩa quân phiệt Nhật vào vùng Đông Bắc Trung Quốc có thể làm dấy động lên nguy cơ mất an ninh hay một cuộc xâm lược trực tiếp vào Liên Xô. Rất rõ ràng là sau khi chiếm đóng Mãn Châu, người Nhật đã mua chuộc đám quân phiệt cát cứ hồi giáo như Mã Trọng Anh, thi hành các chiến dịch tấn công vào Tân Cương phối hợp với phong trào Đông Turkestan thứ nhất đã làm Liên Xô dấy lên những nghi ngại cho việc đảm bảo an ninh Liên Xô ở Trung Á.

4. Các phong trào Hồi giáo này cũng chẳng thiện cảm với Liên Xô, với người Nga trắng, do đó thường có quan điểm thù địch.

Cho nên trong thời kỳ đầu những năm 30 thế kỷ XX, Liên Xô đã tiến hành những hỗ trợ về người, vũ khí hoặc tham chiến trực tiếp ở Tân Cương giúp Thịnh Thế Tài hòng thiết lập lại trật tự hòa bình và an ninh ở Tân Cương chính là vì thế.

Nhưng đối với phong trào Đông Turkestan lần thứ hai thì hoàn toàn khác. Phong trào này dựa hoàn toàn trên một tình huống khác  - đó là Chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương đã thi hành một số biện pháp đàn áp và nô dịch đối với các dân tộc thiểu số Tân Cương, và chính vì lẽ đó, lúc này phong trào không còn là phong trào tôn giáo thuần thúy nữa, mà trên thực tế nó là phong trào giải phóng dân tộc.

1. Trong suốt gần 10 năm hợp tác kinh tế Liên Xô - Tân Cương, tình trạng và điều kiện sống ở Tân Cương đã có những bước phát triển mới. Nhà máy, trang trại, xí nghiệp, trường học, thành thị, hợp tác xã, xuất hiện đã làm thay đổi đời sống của các dân tộc nghèo nàn lạc hậu.

2. Do mối quan hệ gần gũi và giao thương, nhiều người từ Tân Cương sang Liên Xô và ngược lại một số công dân Liên Xô sang Tân Cương. Điều này cũng làm thay đổi kết cấu dân số và dân tộc. Đồng thời cũng làm phát triển ý thức và nhận thức của các dân tộc thiểu số. Nên lưu ý rằng các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, thuộc nguồn gốc từ các dân tộc Thổ, và họ nằm rải rác trên toàn bộ vùng Trung Á và Nam Liên Xô, việc nhiều người sang Liên Xô học tập tại các trường dạy nghề rồi quay trở lại hay việc các chuyên gia người dân tộc ở Liên Xô sang đây sinh sống đã làm cho trình độ của các dân tộc này đạt những bước tiến mới.

3. Sự phát triển của kinh tế, đồng thời sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa - vì Tân Cương vẫn còn là chính quyền dân chủ tư sản - đã làm cho một sự liên kết thống nhất giữa toàn bộ kết cấu kinh tế ở Tân Cương bắt đầu xuất hiện, các ngành nghề công nghiệp khai thác xuất hiện, sự bóc lột cũng xuất hiện ngay cả trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, dưới thời kỳ hợp tác kinh tế Liên Xô - Tân Cương, Bộ Chính trị Liên Xô trong nhiều lần gửi thư cho Tỉnh trưởng Thịnh Thế Tài đã nhấn mạnh đến việc giảm thuế, tăng cường quyền lợi của người lao động và củng cố đời sống chính trị của họ - tự do tôn giáo, tự do chính trị, các đại diện dân tộc thiểu số tham gia vào chính quyền Tân Cương. Điều đó đã làm giảm đáng kể sự bóc lột và ách áp bức đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

4. Việc Chính quyền Tân Cương dưới thời hợp tác Liên Xô - Tân Cương đã thi hành những chính sách theo đề nghị của Liên Xô về mặt chính trị như trên, đã làm ý thức tộc người, ý thức về tự do tôn giáo, ý thức về quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số, trình độ tri thức cũng bắt đầu phát triển.


Sự phát triển của nền kinh tế Tân Cương và các dân tộc ở Tân Cương trong giai đoạn 1934-1942 đã làm cho tính chất của phong trào Đông Turkestan lần thứ hai sau đó đã phải khác biệt đi nhiều. Kể từ khi Thịnh tiến hành các biện pháp đàn áp và nô dịch, các dân tộc thiểu số ở Tân Cương đã bắt đầu rơi vào tình trạng thuộc địa hóa:

1. Các đại diện chính trị của họ nhanh chóng bị loại khỏi các cơ quan quyền lực của chính quyền, việc Hán hóa - đã trực tiếp gây nên sự xung đột giữa người Hán và các dân tộc thiểu số, làm cho phong trào bài người Hán ở Tân Cương phát triển mạnh.

2. Mất tiếng nói chính trị, đời sống kinh tế các dân tộc thiểu số ở Tân Cương rơi vào tình trạng ngày càng bị bóc lột và áp bức nô dịch trong các đồn điền, nhà máy, tô thuế ngày càng nặng, sự suy giảm trong việc giáo dục và y tế công cộng cho người thiểu số. Những điều đó đã làm cho các dân tộc thiểu số mâu thuẫn với chính quyền người Hán ở Tân Cương.

3. Các cuộc đàn áp và giết chóc người dân tộc thiểu số dưới tay Thịnh Thế Tài trong thời kỳ 1942-1944 đã làm bùng lên lòng căm phẫn của các dân tộc thiểu số đối với chính quyền người Hán.

Chính vì sự thay đổi đó, nó dẫn đến việc phong trào Đông Turkestan lần thứ hai không còn giữ nguyên tính chất lạc hậu và tôn giáo, cũng như là xung đột sắc tộc vì lợi ích địa bàn như phong trào Đông Turkestan lần thứ nhất. Chính vì sự thay đổi đó, nó làm thay đổi cả bản chất của phong trào Đông Turkestan thứ hai, biến cho phong trào này thực sự trở thành cuộc đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc. Và do đó, Liên Xô với tư cách là Nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể đứng ngoài việc ủng hộ cho sự phát triển của các phong trào này.

Tháng 11 năm 1944, phong trào Đông Turkestan lần thứ hai bùng nổ với sự ra đời của Cộng hòa Đông Turkestan thứ hai do Alihan Tore làm Tổng thống. Trong bức thư gửi Stalin ngày 22/4/1945, Alihan Tore viết như sau:

< <
Kính gửi Tổng tư lệnh 
Nguyên soái Stalin.

Tôi gửi lời chào nồng nhiệt của mình đến với vị lãnh tụ vĩ đại của Liên Xô, người cha của các nền văn hóa và quyền bình đẳng của các dân tộc.

Tôi và các dân tộc dân tộc ở Đông Turkestan hy vọng Ngài sẽ giúp đỡ trong công cuộc giải phóng của các dân tộc ở Đông Turkestan dưới sự hỗ trợ toàn diện của Liên Xô vĩ đại. Hàng triệu người ở Đông Turkestan coi Ngài là vị lãnh đạo tối cao của họ trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc đang bị áp bức ở nơi đây. Nhân dân Đông Turkestan hoàn toàn tin tưởng sâu sắc về sự giúp đỡ mà Ngài đã đang và sẽ làm cho chúng tôi. Vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng quét sạch bọn thực dân khỏi quê hương của mình. Và tôi hy vọng sẽ nhận được tất cả sự trợ giúp cần thiết từ Liên Xô để thực hiện điều đó. > >

Thư từ Alihan Tore, Tổng thống Cộng hòa Đông Turkestan gửi Stalin, 22/4/1945. RGASPI, f.9401, op.2, d.95, l.352-359 )

Ngay sau khi nhận được tin tức, Dân ủy Nội vụ Beria đã ngay lập tức gửi đến Stalin một bản cáo đầy đủ và chi tiết về phong trào giải phóng dân tộc này vào ngày 29/4/1945. Trong Báo cáo Beria cho biết:

1. Phong trào dân tộc này đã giành thắng lợi ở huyện Y Lê (Ili) và thủ phủ Y Ninh (Ghuja) thuộc tỉnh Tân Cương. Địa phương này là một trong những nơi trù phú của Tân Cương, cung cấp cho Tân Cương ngũ cốc và gia súc trong nhiều năm qua.

2. Cuộc khởi nghĩa này đã bước đầu giành lấy những thắng lợi : tiêu diệt 2.520 và bắt sống 2.632 lính Quốc dân. Trong số đó có 50 sĩ quan.

3. Chính phủ lâm thời Đông Turkestan được thành lập do Alihan Tore đứng đầu. Hồ sơ của Beria viết như sau:

< < Alihan Tore Shakirjan, sinh 1887, người Uzerbekistan sống ở Liên Xô cho đến năm 1931. Năm 1931, Tore bị bắt vì hoạt động chống chính quyền Xô viết và bị kết án 10 năm tù. Nhưng sau đó đã vượt ngục và trốn sang Tân Cương. Ở Tân Cương, với tư cách là một người mộ đạo, ông đã nhanh chóng giành lấy ảnh hưởng của mình ở thủ phủ  Y Ninh (Ghuja) và trở thành người đứng đầu nơi đây > >

4. Lực lượng giải phóng gồm 9.300 người và sẽ đạt con số 12.000 người trong vòng 2 tháng tới.

5. Ngoài lực lượng Đông Turkestan còn có lực lượng khởi nghĩa của người Ca-dắc ở huyện A Lặc Thái (Altay), Tân Cương lên đến 4000 người.

6. Vào tháng 12/1944, với sự chấp thuận của Stalin, NKVD Liên Xô đã quyết định điều thiếu tá Yegnarov sang để giúp lực lượng khởi nghĩa Đông Turkestan huấn luyện chiến đấu. Nguyên nhân là do lực lượng khởi nghĩa lúc bấy giờ còn nhỏ, thiếu thốn vũ khí, và tổ chức kém.

7. Để giúp đỡ phong trào này, đề nghị giải ngũ 500 sĩ quan và 2000 binh sĩ gốc Trung Á trong Hồng Quân, và điều động họ sang chiến đấu trong đội hình quân khởi nghĩa.

8. Thi hành tổ chức các biện pháp kinh tế - chính trị cấp thiết: cấp đất cho các nông dân người dân tộc thiểu số từ các vùng đất của địa chủ và phú nông; dân chủ hóa chính quyền bằng cách cử đại diện các dân tộc vào đó; phát hành khoản vay, thuế và tổ chức thương mại để ổn định đời sống kinh tế.

(Báo cáo Beria và Vyshinsky gửi cho Stalin, Tuyệt mật, ngày 29/4/1945. RGASPI, f.9401, op.2, d.95, l.334-338)

Ngày 22/6/1945, các đề nghị của Beria và Vyshinsky đã nêu vào ngày 29/4/1945 được một nghị quyết đặc biệt của Bộ Chính trị chấp thuận. 

Đến tháng 9/1945 lực lượng khởi nghĩa đã giành lấy những thắng lợi đáng kể. Tổng số quân của họ lên đến 17.000 người, bắt 4.182 tù nhân và loại khỏi vòng chiến 3676 lính Quốc dân. Tổn thất của họ là 314 người chết và 548 người bị thương. Tình hình chiến sự đến tháng 9/1945 hoàn toàn có lợi cho phong trào dân tộc Đông Turkestan vì, các huyện lị phía Bắc và một số thị trấn phía nam Tân Cương bùng nổ khởi nghĩa, lực lượng Quốc dân đảng tại đây trang bị kém, lực lượng viện binh của Tưởng đường sá xa xôi nên cứu viện chậm. Đến cuối tháng 9/1945, quân khởi nghĩa đã giải phóng huyện A Lặc Thái (Altay) sau khi kết hợp với một toán quân khởi nghĩa khác của huyện A Lặc Thái (Altay) - Ospan Batyr. Tuy nhiên, tình hình lúc này bắt đầu trở nên phức tạp, Ospan Batyr - theo biên bản cuộc họp giữa Stalin và lãnh tụ Mông Cổ Choibalsan ngày 22/6/1944 cho biết, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông ta chống Trung Quốc từ những năm 1939. Ospan Batyr có mối liên hệ mật thiết với Choibalsan và ông ta mong muốn giành độc lập cho huyện A Lặc Thái và tách rời nó hoàn toàn khỏi Tân Cương và ông ta muốn xưng mình thành "Hãn" của A Lặc Thái. Trong báo cáo vào ngày 5/10/1945, Beria gửi cho Molotov cho biết: < < Theo thông tin có được, sau khi giải phóng A Lặc Thái, Ospan Batyr, thủ lĩnh quân khởi nghĩa ở huyện A Lặc Thái không có ý định công nhận Cộng hòa Đông Turkestan được thành lập ở Y Ninh và tự bản thân đang coi A Lặc Thái là một quốc gia độc lập và tự coi bản thân của mình là Hãn nơi đây > > (Thư Beria gửi Molotov, Tuyệt mật, 5/10/1945. GASPI  f. 9401, op. 2, d. 10004, ll. 62-63)

Nhưng chiến tranh không phải là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Đông Turkestan. Mâu thuẫn chủ yếu giữa những người khởi nghĩa và Chính phủ Quốc dân Đảng chỉ có một, cái người dân Đông Turkestan mong muốn: đó là Chính phủ Quốc dân phải từ bỏ chính sách và lập trường thực dân hóa Tân Cương. Chỉ có thể giải quyết một yêu cầu chính đáng như thế của các dân tộc thiểu số thì Tân Cương sẽ quay trở lại hiện trạng hòa bình vốn có của nó trước khi có các chính sách đàn áp của quân phiệt Thịnh Thế Tài. 

Việc quân đội Quốc dân Trung Quốc thất bại nặng nề trước các cuộc hành quân vào huyện lỵ Y Lê và sự bất lực trước việc mở rộng quy mô hoạt động của quân khởi nghĩa - trên thực tế là được giúp đỡ bởi Liên Xô và vũ khí Liên Xô - đã buộc Chính phủ Quốc dân tạm lùi bước. Trên trường Quốc tế, sau Hiệp ước Yalta, Trung Quốc trong vai trò yếu thế hơn cũng phải chấp nhận nhượng bộ trước Liên Xô, một siêu cường đang trỗi dậy. Một hiệp ước hòa bình hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc đã được ký kết, và tất nhiên, nó ảnh hưởng lớn đến tình hình Tân Cương. Trước sự suy yếu về chính trị, Chính phủ Quốc dân đã ngừng các biện pháp tiến hành chiến tranh và nô dịch hóa các dân tộc Tân Cương, và thay vào đó là chính sách hòa bình hữu nghị. Điều này phù hợp với lập trường của Liên Xô và chính phủ , và nhân dân Đông Turkestan, trên thực tế là chỉ mong muốn Chính phủ Quốc dân từ bỏ chính sách phát xít của mình và họ sẵn sàng tham gia bất kỳ chính phủ liên hiệp nào miễn là tôn trọng các dân tộc ở Đong Turkestan. Chính phủ Quốc dân còn đề nghị Liên Xô làm trung gian hòa giải giữa lực lượng khởi nghĩa và Chính phủ Quốc dân.

Phía Liên Xô cho biết, vào ngày 7/9/1945, đại diện của lực lượng khởi nghĩa đã gửi thông điệp cho Lãnh sự quán Liên Xô tại Y Ninh đã đồng ý đề nghị rằng Liên Xô sẽ là trung gian hòa giải giữa họ và Trung Quốc, mong muốn của họ là được quyền tự trị nhất định ở Tân Cương, và cộng đồng các dân tộc Hồi giáo được cung cấp những quyền bình đẳng và cơ bản nhất. Một lệnh ngừng bắn đã được ban bố và Tân Cương đi đến việc thành lập chính quyền liên hiệp có các đại diện của các sắc tộc theo Hồi giáo. Từ tháng 10/1945 cho đến tháng 6/1946, những cuộc tiếp xúc giữa các phái đoàn Đông Turkestan và Chính phủ Quốc dân đã đi đến việc ký kết Hiệp định 11 điểm trong đó Chính phủ Quốc dân buộc phải nhượng bộ và thành lập chính quyền liên hiệp ở Tân Cương. Tuy nhiên, tình hình chưa hẳn là đã êm xuôi, vấn đề hòa bình ở Tân Cương trên thực tế là chỉ mới bắt đầu, giữa 3 huyện lỵ - nơi thành lập Cộng hòa Đông Turkestan - phía Bắc Tân Cương, mặc dù dân chúng ủng hộ Hiệp định 11 điểm, nhưng họ vẫn dè chừng khi có đến 100.000 quân Quốc dân đang đóng ở Tân Cương và Hiệp định 11 điểm trên thực tế cũng mới chỉ là vừa ký chưa ráo mực. Tân Cương cần một thời gian tương đối để cả hai bên cùng hàn gắn những vết thương chiến tranh. Để củng cố hệ thống chính trị ở Ba huyện phía Bắc Tân Cương, đồng chí Suslov - Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi cho đồng chí Zhdanov một bản kế hoạch để trình bày trước Ủy ban Trung ương về việc thành lập Đảng nhân dân Cách mạng ở Đông Turkestan (lúc này thuật ngữ Turkestan chỉ còn nằm trong các biên bản chính trị tuyệt mật của phía Liên Xô, các văn bản hành chính khác thì đã đổi sang thành tên hành chính của các Huyện lỵ của Tân Cương - đều đó cho thấy họ sẵn sàng hòa nhập vào Tân Cương). Việc tiến tới hòa bình ở Tân Cương sẽ khó khăn hơn nếu không tồn tại các Đảng chính trị, mà thực chất đây là một Đảng tiền vô sản, nhiệm vụ của nó là phải thực thi triệt để sự phát triển của phong trào dân chủ tư sản ở một nơi lạc hậu như ở phía Bắc Tân Cương. Tại sao nó không phải là Đảng vô sản (Đảng Cộng sản) ? Điều đó là rất khó, trước nhất vì cộng đồng các dân tộc ở Ba Huyện này đa số là người Hồi giáo, quan hệ xã hội là đi từ bộ lạc đi lên, những lý thuyết cộng sản chủ nghĩa chưa thể phát huy ở những vùng dân tộc lạc hậu như thế này được, và trên thực tế ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong quần chúng ở đây cũng chẳng có, từ thời Thịnh Thế Tài, các đảng viên cộng sản chỉ có thể làm việc trong chính quyền Tân Cương mà thôi. Chính vì thế, một Đảng tiền vô sản như Đảng Nhân dân Cách mạng có thể làm nhiệm vụ tập hợp đông đảo quần chúng thực hiện chính sách dân chủ ở Tân Cương.

Nhưng một vấn đề khác đã xảy ra, Alihan Tore không phù hợp và không đủ khả năng trong công tác hoạt động để đảm bảo cho lợi ích của Đông Turkestan trong tình hình mới - tình hình hợp tác với Chính phủ Quốc dân. Điều đó buộc Liên Xô phải đưa một người có ít nhiều sự hiểu biết (có trình độ) - và trên hết không phải là một người cuồng tín Hồi giáo như Alihan Tore để có thể tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giành quyền tự do và dân chủ cho các dân tộc thiểu số Tân Cương. Một nhân vật mà nhanh chóng phía Liên Xô để ý - Ahmetjan Qasimi - người trở thành Tổng thống thứ hai của Cộng hòa Đông Turkestan (mặc dù trên thực tế họ không dùng từ này công khai), đồng thời là phó chủ tịch tỉnh Tân Cương trong chính phủ liên hiệp Tân Cương. Tại sao Liên Xô lại chọn ông ta ? Trên thực tế Ahmetjan Qasimi là Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, thành viên của Quốc tế Cộng sản, từng học tại Trường Đại học Phương Đông I.V. Stalin chi nhánh Trung Á ở Tashket, một cử nhân lịch sử chuyên về người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 6/1942, ông bí mật sang Trung Quốc hoạt động. Trong các hoạt động đàn áp của Thịnh Thế Tài, chính quyền quân phiệt này xem Ahmetjan Qasimi là thành phần nguy hiểm và tiến hành bắt giữ tù giam tại Thủ phủ tỉnh Tân Cương - Thiên Sơn (Urumqi). Khi phong trào Đông Turkestan lần thứ hai nổ ra, để đàm phán với phe khởi nghĩa, Chính phủ Quốc dân buộc phải nhượng bộ thả tù chính trị, trong đó có Ahmetjan Qasimi. Nhanh chóng, sau khi ra tù ông năng nổ hoạt động trong cộng đồng dân tộc thiểu số Đông Turkestan và được Liên Xô hỗ trợ đã nhanh chóng trở thành người đứng thứ hai - Phó Tổng thống, sau khi Alihan Tore kết thúc vai trò lãnh đạo của mình trong phong trào, nhường cho thời kỳ phát triển mới, ông đã bí mật sang Liên Xô định cư. Thì lúc này Ahmetjan Qasimi được bầu lên thay làm Tổng thống Cộng hòa Đông Turkestan thứ hai, và đồng thời cũng là Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Đông Turkestan, lãnh đạo toàn bộ các nhóm chính trị và quân sự ở Ba huyện lỵ phía Bắc Tân Cương.

Việc thống nhất cả trong hệ thống chính trị như thế đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất định cho phong trào, tạo ra những khả năng huy động và tổ chức hiệu quả các biện pháp đấu tranh, xây dựng chính quyền và tổ chức phòng thủ quân sự chống lại các cuộc tấn công bởi quân phiệt A Lặc Thái - Ospan Batyr. Cần phải nói rõ rằng, từ khi trở thành tỉnh trưởng A Lặc Thái, Ospan Batyr dần say mê trước quyền lực, vàng bạc và ông bị mua chuộc bởi Quốc dân Đảng, sau đó y tiến hành phản bội và bí mật tổ chức các hoạt động quân sự tiến công vào Đông Turkestan dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Quốc dân hòng tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa ở 3 huyện lỵ Bắc Tân Cương.

Điều đó đã cho thấy, Chính phủ Quốc dân đã không tuân thủ Hiệp định 11 điểm đã ký kết. Ngoài mặt họ vờ như tuân thủ Hiệp định, nhưng sâu bên trong, các thế lực quân phiệt ở Tân Cương vẫn nuôi một ảo vọng rằng họ có thể đập tan sức kháng cự của phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương. Vẫn coi người Hán mình là cái rốn của thiên hạ, xem các dân tộc thiểu số là mọi rợ và hòng thiết lập chế độ nô dịch tại nơi đây. Trong một báo cáo Ahmetjan Qasimi gửi cho đồng chí Savel'yev, Tổng lãnh sự Liên Xô tại Thủ phủ Thiên Sơn, Tân Cương đã cho biết tình hình chính trị trong suốt một năm sau Hiệp định 11 điểm như sau:

< < Khi ký kết Hiệp định hòa bình, chúng tôi, những người đại diện cho ba huyện lỵ đã hy vọng rằng các dân tộc ở Tân Cương sớm sẽ được trao cho những quyền bình đẳng. Nhưng hơn một năm qua kể từ ngày ký kết Hiệp định, tất cả những điểm thỏa thuận trên thực tế là chỉ nằm trên giấy và thỏa thuận hiện nay như một cái bẫy. Cuộc áp bức các dân tộc thiểu số nơi đây càng diễn ra ác liệt hơn.

Người dân cảm thấy rất vui vì đã ký kết được Hiệp định. Bất chấp những nỗ lực đàn áp của một số bọn quan lại, nhiều nơi nhân dân đã cố gắng bầu chọn cho địa phương mình những người họ cho là xứng đáng, tuy nhiên họ đã bị đáp trả bởi những tràn súng trường và súng máy. Ví dụ tại Khố Xa (Kuchar) và Vu Điền (Keriya), các cuộc biểu tình đã bị đàn áp bằng súng máy. Việc bổ nhiệm các quan chức trên thực tế theo tính chất quân phiệt. Một vài người được bầu bởi nhân dân, nhưng sau đó họ bị đàn áp, họ bị đuổi và bị truy sát. Một số thì tiếp tục làm việc bất chấp bị đe dọa, thì kết cục là bị bắt tù, nhiều nơi những người được bầu lại không được bố trí công việc. Tại Toa Xa (Yarkand), Hòa Điền (Hotan), Goma, Hiệp Thành (Kargilik), Luân Đài (Bugur), Ba Sở (Maralbexi), A Khắc Tô (Aksu), Khố Xa (Kuchar), Bạch Thành (Baicheng), Mặc Ngọc (Karakax), chính quyền quân phiệt Trung Quốc tự bổ nhiệm người của mình vào các chức vụ huyện trưởng và thành viên ủy ban mặc dù không thông qua bầu cử. Do đó, điểm đầu tiên trong Hiệp định đã không được thực hiện ở Toa Xa, Hòa Điền và A Khắc Tô.

Các vụ lạm quyền ở các huyện lỵ này diễn ra vô cùng nghiêm trọng và còn kinh khủng hơn ở các nước phát xít trước đây.

Điểm thứ 3 của Hiệp định cũng không được thực hiện trừ tiểu mục giáo dục.

Điểm thứ 5 của Hiệp định. Theo tôi, rõ ràng điểm này là chỉ là lời nói suông, vì bất cứ ai đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc, .... đều phải gánh chịu hậu quả. Họ bị truy sát, phải từ bỏ nhà cửa quê hương chạy đến huyện Y Lê (Thủ phủ Đông Turkestan), và một số phải lánh nạn nơi khác.

Điểm thứ 6, về sự trả tự do cho những người khởi nghĩa. Trên thực tế là nhiều người vẫn bị giam cầm. Tình trạng bắt bớ, đàn áp gia tăng, sát hại tù chính trị cũng diễn ra phổ biến. Bất chất những điều này, người dân tại Thiên Sơ (Uruqmi) và Khách Thập (Kashgar) vẫn kiên quyết bảo vệ những quyền tự do báo chí mà mình vừa giành được. Và trên thực tế các báo này đã trích dẫn vô số trường hợp mà ở đây tôi không thể liệt kê hết được. > >

( Thư từ Ahmetjan Qasimi gửi đến Tổng lãnh sự Liên Xô, Savel'yev. RGASPI f. 17, Op. 128, D. 391, ll. 115-119)

Như vậy, tình hình ở Tân Cương tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, mà ở đây sự tuân thủ Hiệp định 11 điểm mà Chính phủ Quốc dân đã ký - đã bị chính quyền Tân Cương thiếu tôn trọng và không chấp hành. Cuộc chiến ở Đông Turkestan đã ngừng vì các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở nơi đây họ như trút bỏ được mâu thuẫn áp bức dân tộc khi thông qua việc ký kết Hiệp định hòa bình, họ đang mơ về một hòa bình thực sự ở Tân Cương, nhưng chính các hành động của chính quyền Tân Cương trong thực tế đã làm thức tỉnh họ. Sự hòa hợp giữa Đông Turkestan và Chính phủ Quốc dân Trung Quốc là không thể, và các dân tộc thiểu số ở Tân Cương không còn con đường nào khác là vùng lên đấu tranh. 

Nhận được báo cáo của Ahmetjan Qasimi, Liên Xô cũng xem xét lại vấn đề hòa bình ở Tân Cương và quyết định tiếp tục hỗ trợ cho phong trào Đông Turkestan, nhưng là dưới các hình thức tổ chức hoàn toàn mới. Trong thư Fedotov gửi cho Molotov, ông đã kiến nghị cử Yegnarov tiếp tục quay trở lại Tân Cương hoạt động. Thiếu tướng Vladimir Stepanovich Yegnarov, thành viên ủy ban đặc biệt Cheka từ năm 1926, dày dạn trong lĩnh vực tình báo quân sự. Trong giai đoạn năm 1945-1946, trên thực tế là người trực tiếp cố vấn toàn bộ các chiến dịch quân sự của quân khởi nghĩa tại huyện Y Lê cũng như tất cả các quan điểm chính trị trong các phiên đàm phán sau đó để thành lập Chính phủ Liên Hiệp. Năm 1947, ông quay trở lại Liên Xô và trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Turkemen. Phó cho Yegnarov là Đại tá Petr Andreyevich Chibayev, cựu Cục trưởng cục tình báo Viễn Đông, cũng từng tham gia các hoạt động bí mật tại Tân Cương 1945-1946. Khoảng 20 điệp viên người Trung Á sẽ được tung vào Tân Cương cải trang thành người địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bí mật như cung cấp vũ khí cho Đông Turkestan, trinh sát quân sự và cố vấn quân sự.

Hoạch định ra các biện pháp cần thiết nhất để giúp đỡ Cộng hòa Đông Turkestan, Ủy ban kinh tế của Hội đồng bộ Trưởng Liên Xô ngày 10/9/1947 đã đề xuất:

1. Các lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương sẽ gửi công bố về việc bất hợp tác của Chính phủ Quốc dân và yêu cầu ngừng ngay các biện pháp đàn áp ở Tân Cương. Họ sẵn sàng tham gia chính quyền Tân Cương nếu chính quyền Quốc dân ở Tân Cương từ bỏ đường lối phát xít.

2. Đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh để đòi thi hành Hiệp định 11 điểm

3. Liên Xô sẽ cung cấp vũ khí, đạn dược cho các phong trào giải phóng này.

4. < < Đề nghị các nhà lãnh đạo của phong trào tiến bộ Hồi giáo ở Tân Cương thành lập "Hiệp hội thúc đẩy hòa bình ở Tân Cương" ở Y Ninh, trên thực tế là tổ chức lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc hoạt động theo việc ủng hộ Hiệp định 11 điểm. Hiệp hội này được tổ chức một cách chặt chẽ và có thể trở thành một tổ chức chính trị - xã hội cách mạng để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của những người Hồi giáo trong giai đoạn phát triển tiếp theo > >

(Đề xuất của Ủy ban kinh tế Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, 10/9/1947. RGASPI f. 17, op. 162, d. 38, ll. 202-208)

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 4/1948 đã ban hành một chỉ thị đặc biệt về tình hình Tân Cương, trong đó :

1. Ahmetjan Qasimi - với tư cách là phó chủ tịch Tỉnh Tân Cương (và tư cách bí mật là Tổng thống Cộng hòa Đông Turkestan) triệu tập một hội nghị đặc biệt tại Thủ phủ Y Ninh gồm các nhà lãnh đạo của ba huyện lỵ khởi nghĩa. Hội nghị này sẽ đi đến việc thành lập một ủy ban thường trực - trên thực tế là Chính phủ Đông Turkestan - của cả ba huyện nhưng hoạt động bí mật, thực hiện chức năng giám sát hành chính, chính trị và kinh tế của cả ba huyện. Để tránh sự dòm ngó của Chính phủ Quốc dân, ủy ban này sẽ có tên gọi là "Ủy ban Nghiên cứu và cải thiện tình hình tài chính và Kinh tế".

2. Ủy ban này bao gồm những người ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương, Bộ Chính trị Liên Xô cho rằng Ahmetjan Qasimi và Iskhakbek Monunov không nên ở trong Ủy ban này, mặc dù vẫn là những người lãnh đạo của phong trào dân tộc giải phóng. Trước nhất là tránh sự dòm ngó của Chính phủ Quốc dân, và tiện cho việc điều phối công việc vì Ahmetjan Qasimi còn đang làm phó chủ tịch Tỉnh Tân Cương, làm việc chủ yếu ở Thủ phủ Thiên Sơn.

3. Đông Turkestan cần một mặt trận dân tộc thống nhất, do đó họ sẽ thành lập cái gọi là "Hiệp hội bảo vệ hòa bình và dân chủ ở Tân Cương" và Ahmetjan Qasimi,  Iskhakbek Monunov sẽ trở thành những người lãnh đạo mặt trận dân tộc thống nhất này.

4. Tiến hành các biện pháp dẹp băng đảng của Ospan Batyr. Thành lập một ủy ban bảo vệ trật tự và pháp luật, trong đó lôi kéo quần chúng tham gia tích cực trong việc chống lại các mưu mô chia rẽ và gián điệp của băng đảng Ospan Batyr. Ủy ban này bao gồm thủ lĩnh các bộ lạc và các giáo sĩ đáng tin cậy.

5. Thành lập một Công ty Cổ phần thương mại và công nghiệp Y Lê, mà thực chất là công ty Tư bản Nhà nước thuộc Cộng hòa Đông Turkestan và được Chính phủ bảo trợ để có thể phối hợp và thúc tiến trao đổi thương mại với Liên Xô.

(Nghị quyết Bộ Chính trị về việc quản lý và trị an ở Cộng hòa Đông Turkestan, Tài liệu Tối mật. RGASPI f. 17, op. 162, d. 39, ll. 32-34)

Chúng ta có thể thấy rõ từ tháng 9/1947, Liên Xô đã bày tỏ thái độ và ủng hộ cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Cộng hòa Đông Turkestan và bắt đầu bằng việc cung cấp cho họ tất cả những lực lượng có thể nhất:

1. Liên Xô cung cấp và trang bị vũ khí quân sự và đạn dược cho tổng số khoảng 12.000 quân ở huyện Y Lê.

2. Liên Xô cung cấp và trao đổi thương mại buôn bán giữa chính quyền Y Lê thông qua Công ty Cổ phần thương mại và công nghiệp Y Lê nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện lỵ này.

3. Liên Xô cung cấp nhân lực bao gồm tất cả cán bộ, bác sĩ, quản lý, ... bao gồm trong số những người từ Tân Cương đã sang Liên Xô học tập và sinh sống; đồng thời phái cán bộ trong các sắc tộc Trung Á từ Liên Xô sang Tân Cương để phát triển Cộng hòa Đông Turkestan.

4. Liên Xô cung cấp đường lối, kế hoạch cho một cuộc đấu tranh giải phóng Đông Turkestan thông qua các đảng viên hoặc cựu các thành viên Quốc tế Cộng sản tại đây.

Có thể nói, trong giai đoạn 1943-1949, Liên Xô đã có quan điểm và thái độ tích cực trong việc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương. Trong nhiều giai đoạn lịch sử cụ thể, có lúc họ ủng hộ cho đường lối đấu tranh giành độc lập, có lúc họ ủng hộ cho đường lối đấu tranh chính trị giành hòa bình, tự do và dân chủ cho nhân dân Tân Cương, ... Tất cả trên hết là vì mục tiêu và nhu cầu chính trị của các dân tộc thiểu số Tân Cương trong cuộc đấu tranh chống Chính phủ Trung Quốc Trung ương - do Quốc Dân Đảng nắm quyền.

Mặt khác, tình hình Trung Quốc từ giữa năm 1948 đến cuối 1948 ngày càng có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc ở Tân Cương khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành lấy nhiều chiến thắng quan trọng trong việc cắt đứt tuyến đường kết nối giữa Chính phủ Quốc dân với chính quyền Tân Cương sau khi Dã chiến quân đệ tứ của Lâm Bưu tiến vào đồng bằng Hoa Bắc. Điều đó làm cho tàn quân của Tưởng giới Thạch tại đây gồm 100.000 quân rơi vào tình trạng bị bao vây và cô lập.

Trong cuộc gặp gỡ với Mikoyan đầu năm 1949, Mao đã trình bày về những khó khăn của cách mạng Trung Quốc và yêu cầu được hỗ trợ. Rõ ràng lo ngại của Mao là thực tế, mặc dù Quân giải phóng đã đánh nhiều trận thắng, chiếm nhiều vùng chiến lược hay thậm chí là chia cắt cả Tân Cương, Tây Tạng với vùng đồng bằng nhưng Tưởng Giới Thạch hiện vẫn còn 120 sư đoàn với khoảng 800 nghìn quân vẫn trấn giữ dọc các thành thị lớn ở miền Nam và Đông Nam Trung Quốc. Đặc biệt các lực lượng cát cứ, quân phiệt hay lực lượng đồn trú ở Tây Tạng và Tân Cương cũng sẽ đóng một trở ngại đáng kể cho công cuộc giải phóng Trung Hoa đại lục. Đồng thời Mao cũng rất quan tâm đến Tân Cương, vì nơi đây nhiều tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, nhưng khả năng hành quân của Quân giải phóng từ Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải đi lên Tân Cương rõ ràng là chuyện không dễ dàng gì.

Sự phát triển của cách mạng Trung Quốc cuối 1948 và giữa năm 1949 đã tạo ra những yếu tố tích cực làm thay đổi bản chất vấn đề Tân Cương. Nếu Quân giải phóng tiến vào Tân Cương và giải phóng vùng này khỏi Chính phủ Quốc dân, và thi hành chính sách liên hiệp, ủng hộ quyền tự trị của các dân tộc Tân Cương thì phong trào giải phóng dân tộc Đông Turkestan khỏi ách thống trị và áp bức của Chính phủ Quốc dân Đảng sẽ không còn thực hiện nữa, và do đó Chính phủ Đông Turkestan trên thực tế là tan rã và gia nhập vào Chính phủ hiệp thương chính trị nhân dân do Mao Trạch Đông làm chủ tịch.

Cụ thể của vấn đề này chúng ta sẽ nói rõ trong Phần 3: Việc Liên Xô giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc hòa bình giải phóng Tân Cương.

Xem thêm