Liên Xô và vấn đề Tân Cương - Phần 1
Phần 1
Liên Xô và vấn đề Tân Cương
1934-1942
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tài liệu từ kho lưu trữ của Cơ quan lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nga (RGASPI) được giải mật đã cho phép chúng ta có thể giải đáp một cách đáng kể về chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với các nước láng giềng, khu vực láng giềng; cũng như là quan điểm, tư tưởng của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Trong loạt chuyên mục này, tôi xin tóm tắt cho các bạn về mối quan hệ của Liên Xô đối với Tân Cương từ năm 1934 - 1949, trong đó phần thứ nhất là nói về giai đoạn 1934-1942.
⏪⏪⏩⏩
Ít ai biết rằng, trong nhiều thế kỷ đời sống kinh tế của Tân Cương lại gắn chặt với nước Nga, chứ không phải Trung Quốc. Có một thực tế là vùng Tân Cương khá độc lập với các Trung tâm văn hóa kinh tế của người Hán ở phía Đông, bởi hàng vạn dăm sa mạc và bán sa mạc, chính vì thế nó phải phụ thuộc vào thương mại với nước Nga. Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực của nước Nga (Liên Xô) đối với Tân Cương chỉ bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX, sau khi quân đội Liên Xô đã giúp đỡ lãnh chúa - Tỉnh trưởng Tân Cương, ông Thịnh Thế Tài, dẹp bỏ các cuộc "thảo phạt" của lãnh chúa tỉnh Cam Túc, Mã Trọng Anh, một tướng lĩnh quân phiệt Hồi giáo Trung Quốc hay còn được biết đến là chỉ huy Sư đoàn 36.
Báo chí tư sản lúc đó cho rằng việc Liên Xô giúp đỡ tướng lĩnh quân phiệt Thịnh Thế Tài chắc hẳn là vì Liên Xô muốn thôn tính vùng đất Tân Cương. Nhưng thực tế lúc này Nhật Bản đang tiến hành cuộc xâm lược Trung Quốc, và họ tràn vào Mãn Châu, sự kiểm soát của Nhật Bản lúc này đã lan tới Nội Mông, Tân Cương, những vùng đất này giáp với Turkestan của Liên Xô, và như chúng ta biết, người Xô viết hoàn toàn không thể không phòng bị trước bất kỳ ý đồ tấn công Liên Xô của đế quốc Nhật. Và sự thật là đến năm 1939, Nhật Bản đã quyết tiến hành một cuộc chiến xâm lược vào vùng Ngoại Mông và trực tiếp đối đầu với quân đội Xô viết qua trận Khalin Gol.
Thịnh Thế Tài |
Mối quan hệ giữa Liên Xô và Tỉnh trưởng Thịnh Thế Tài ngày càng được phát triển, không chỉ đơn thuần là giúp đỡ quân sự mà còn về sự hợp tác kinh tế, văn hóa. Liên Xô cũng cử các chuyên gia làm cố vấn trong các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải,... Trong khoảng gần 10 năm, từ 1934 đến 1942, Tân Cương là một trong những tỉnh phát triển nhất ở Trung Quốc về kinh tế, hệ thống giáo dục và tính chất dân chủ của chính quyền địa phương. Tỉnh trưởng Thịnh Thế Tài đã gần như là người đứng đầu về mặt chính trị nơi đây với tư cách chủ tịch Hội đồng chống đế quốc, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ở đây dường như là không đáng kể. Nhưng một số nhân vật có số ở Tân Cương lại là người Cộng sản, trong đó bao gồm cả anh trai của Thịnh Thế Tài, là Tổng chỉ huy các lực lượng ở Tân Cương.
Có tài liệu nói rằng Thịnh Thế Tài vào năm 1938 đã gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1938 và có số hiệu đảng viên là 1859118. Điều đó là chính xác. Các tài liệu RGASPI hiện nay đã cho thấy rằng Thịnh đã thực sự gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng từ đó quy kết rằng Liên Xô muốn lợi dụng Thịnh thì điều đó rõ ràng là không đúng. Bằng các tài liệu đã được giải mật, chúng tôi cung cấp cho các đồng chí và bạn đọc toàn cảnh về vấn đề này:
Sau khi được Liên Xô giúp đỡ chống lại tướng quân phiệt Hồi giáo Mã Trọng Anh, Thịnh Thế Tài đã có một bức thư hồi tháng 6/1934 gửi đến Ban Bí thư Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cụ thể gồm các đồng chí bí thư: Stalin, Molotov và Voroshilov có nội dung như sau:
< < 1. Tháng 8/1932 tôi có gửi thư cho Quốc tế Cộng sản và đồng chí Stalin, trong đó tôi đã trình bày ngắn ngọn thế giới quan của mình.
2. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với sự hỗ trợ to lớn mà Liên Xô đã giúp đỡ trong việc trấn áp và tiêu diệt băng đảng Mã Trọng Anh.
3. Mặc dù tôi chưa phải đảng viên cộng sản, nhưng tôi vẫn nghiên cứu Chủ nghĩa Marx và tôi luôn tin tưởng vào sự thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản, sự tất yếu của chủ nghĩa duy vật lịch sử từ các tác phẩm "Tư bản Luận", "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", "Phê phán Gotha",....
.....
4. Là một người trung thành với học thuyết cộng sản chủ nghĩa và với mong muốn xóa bỏ hoàn toàn hệ thống áp bức hiện đang tồn tại ở Trung Quốc, để giúp đỡ và hỗ trợ cho Chính phủ Xô viết ở Giang Tây, xây dựng một Nhà nước trên nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, sẽ cùng Liên Xô như một mặt trận thống nhất đấu tranh cho một cuộc cách mạng thế giới, và trên hết tôi mong muốn tiếp tục được quản lý Tân Cương của mình dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản.
.....
9. Tôi đã quyết định thực hiện các biện pháp để loại bỏ sự ảnh hưởng của Quốc dân đảng tại Tân Cương. Tôi cho rằng trong tình hình quốc tế hiện nay, Tân Cương không chỉ có tầm quan trọng đối với Liên Xô, mà sẽ còn là nhân tố cực kỳ quan trọng trong một cuộc chiến thế giới trong tương lai hoặc trong cuộc cách mạng thế giới. Quyết định của tôi sẽ tạo ra một hàng rào vững chắc ở phía Đông Nam của Liên Xô trong thời bình, và kể cả trong điều kiện chiến tranh, chúng tôi sẽ trở thành lực lượng tiên phong của Quốc tế Cộng sản trong các trận chiến với các nước đế quốc. > >
(Thư từ Thịnh Thế Tài gửi Stalin, Molotov và Voroshilov, tháng 6/1934. RGASPI, f.17, op.128, d.824, l.404-410)
Nếu như một cái logic tuyên truyền méo mó của Phương Tây về ý đồ xâm lược Tân Cương hay cố gắng đàn áp người dân tộc thiểu số Tân Cương, thì quá rõ ràng bức thì bức thư này của Thịnh Thế Tài lại cho thấy rằng Liên Xô dường như dễ dàng thiết lập một chính quyền theo kiểu Xô viết tại đây, thậm chí có thể sáp nhập nó vào Liên Xô. Tuy nhiên, mọi dự đoán hồi đó và những xuyên tạc sau này của báo chí tư sản Phương Tây cũng không ngờ rằng Stalin lại có thái độ hoàn toàn khác. Stalin đã không hài lòng về những lời xu nịnh và cả ý đồ gia nhập Quốc tế Cộng sản hoặc cả ý đồ thành lập một Đảng Cộng sản ở Tân Cương của Thịnh Thế Tài. Trong một bức thư tuyệt mật gửi ngày 27/7/1934 đến đồng chí Apresov, Tổng lãnh sự Liên Xô tại thủ phủ Tân Cương - Urumql, có đoạn Stalin viết:
< < Bức thư của Thịnh Thế Tài đã gây ấn tượng sâu sắc đối với các đồng chí của chúng ta. Rằng chỉ có một kẻ khiêu khích hoặc tả khuynh cuồng loạn không biết gì về Chủ nghĩa Marx mới có thể viết nó. Điều gì đã xảy ra khi Thịnh Thế Tài lại viết cho chúng tôi một bức thư như vậy trong khi đồng chí đang làm cố vấn ở đó ? > >
(Thư từ Stalin gửi Apresov, Tổng lãnh sự Liên Xô tại thủ phủ Tân Cương - Urumql. RGASPI, f.558, op.11 , d.323, l.22-25 )
Trong cùng ngày 27/7/1934, Ban Bí thư đã gửi thư trả lời Thịnh Thế Tài, trong đó đã chỉ ra những điểm không chính xác trong quan điểm của ông ta:
1. Trung ương Đảng Liên Xô không tán thành việc thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Tân Cương vào lúc đó. Trước nhất, Tân Cương rõ ràng là một vùng đất còn lạc hậu, chưa có công nghiệp, và lực lượng lao động chưa phát triển, trình độ văn hóa thấp. Việc cho rằng phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở một nơi như vậy là một sự lố bịch (không nói trắng là thiếu hiểu biết), và cầm chắc sự thất bại. Trung ương Đảng Liên Xô cho biết ở Tân Cương lúc này chỉ có thể là chế độ dân chủ tư sản, và phải trãi qua một thời gian nhất định, bằng sự bền bỉ và nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội để từng bước hiện đại hóa và phát triển Tân Cương.
2. Trung ương Đảng Liên Xô coi ý đồ lật đổ Chính phủ Nam Kinh (Tưởng Giới Thạch) là không đúng, vì lúc này Nhật Bản đang xâm lược Trung Quốc, mặc dù Chính phủ Nam Kinh rõ ràng là chẳng tốt lành gì, nhưng hiện nay nó vẫn đương là một trong những lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc, chống ách xâm lược của Nhật Bản. Rõ ràng, việc mưu toang lật đổ Chính phủ Nam Kinh lúc này chẳng phải là con đường đúng đắn, nó sẽ xé nát sự đoàn kết và thống nhất của Trung Quốc và do đó sẽ làm suy yếu đi lực lượng kháng Nhật Bản ở Trung Quốc mà thôi. (Ở đây Stalin và Trung ương Đảng đã nhấn mạnh đến ngọn cờ kháng chiến cứu nước - chứ không phải ĐẤU TRANH GIAI CẤP)
3. Trung ương Đảng Liên Xô không tán thành việc Thịnh Thế Tài gia nhập Đảng Cộng sản. Trước nhất, việc đó sẽ làm ảnh hưởng quan hệ giữa Thịnh Thế Tài và Chính phủ Quốc dân ở Nam Kinh; thứ hai, điều đó sẽ khiến Thịnh gặp phiền phức trước những mưu toan của gián điệp đế quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nhật) và các quân phiệt cát cứ ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Trung ương Đảng Liên Xô nhấn mạnh, không phải cứ trở thành đảng viên thì mới là người cộng sản, mà thuyết phục Thịnh rằng người cộng sản là người biết phấn đấu cho việc thực thi đến cùng của chủ nghĩa cộng sản, mà việc cần thiết trước tiên là giải phóng Trung Quốc khỏi ách xâm lược Nhật Bản.
(Thư từ Stalin, Molotov và Voroshilov gửi Thịnh Thế Tài. RGASPI f.558, op.11 , d.323, l.12-21 )
Hoặc một tài liệu khác khá liên quan: Điện tín của Stalin, Molotov, Voroshilov gửi Apresov - Tổng lãnh sự Liên Xô ở Tân Cương vào đầu năm 1936 có nội dung như sau:
<< Chúng tôi coi điện tính của đồng chí báo cáo về tình trạng tả khuynh của Thịnh Thế Tài và các cuộc thảo luận xoay quanh việc thành lập Xô viết Tân Cương là cực kỳ nguy hiểm. Hãy giải thích với Tỉnh trưởng Thịnh Thế Tài rằng:
1. Liên Xô kiên định trong quan điểm về sự toàn vẹn của lãnh thổ Trung Quốc và không có bất kỳ yêu sách trực tiếp hay gián tiếp đối với lãnh thổ Trung Quốc.
2. Liên Xô ủng hộ Thịnh Thế Tài chủ yếu là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, không chỉ theo quan điểm của người Trung Quốc, mà nó còn là quan điểm của người Xô viết.
3. Liên Xô là một trong số ít những nước, nếu không muốn nói là duy nhất, ủng hộ và sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chống lại mọi âm mưu của bọn đế quốc Anh, Nhật Bản và những nước khác, miễn là Thịnh Thế Tài kiên định trong việc đấu tranh chống bọn đế quốc và tay sai của chúng như Mã Trọng Anh.
4. Việc Xô viết hóa Tân Cương dưới bất kỳ hình thức nào, đều không nằm trong kế hoạch của chúng ta và chúng tôi coi bất kỳ ý tưởng nào về việc Xô viết hóa Tân Cương hay việc sáp nhập Tân Cương vào lãnh thổ Liên Xô là cực kỳ nguy hiểm.
5. Chúng tôi phản đối bất kỳ sự bất bình đẳng nào trong mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Liên Xô và Tân Cương, vì chúng đều có thể gây ra những tổn thất cho Tân Cương. Các mối quan hệ giữa chúng ta nên dựa trên những lợi ích chung và bình đẳng.
6. Nếu các cố vấn Liên Xô để xảy ra sự vi phạm này, Thịnh phải thông báo cho chúng tôi để ngay lập tức chỉnh đốn những sai lầm trên...... > >
(Thư từ Stalin gửi Apresov, Tổng lãnh sự Liên Xô tại thủ phủ Tân Cương - Urumql. RGASPI, f.558, op.11 , d.323, l.1-2 )
Ghi chép biên bản một cuộc gặp gỡ giữa các thành viên Chính phủ Liên Xô với Tỉnh trưởng Tân Cương - Thịnh Thế Tài vào ngày 2/9/1938 có những đoạn như sau:
< < Đồng chí Molotov hỏi: liệu Thịnh có câu hỏi nào không, thì Tỉnh trưởng trả lời rằng ông rất muốn nói chuyện với đồng chí Stalin. Đồng chí Stalin đồng ý và nói rằng luôn có thời gian cho các câu hỏi. Thịnh nói rằng việc gia nhập vào hàng ngũ Đảng Cộng sản là ước mơ từ lâu của ông ta, nhiều lần ông đã đề xuất việc này cho Apresov, thậm chí là nói chuyện này với Vương Minh, khi đồng chí ấy ở Tân Cương. Vương Minh rất hoan nghênh ý định này và hứa sẽ giới thiệu cho ông ấy. Thịnh nói rằng ông ta muốn tham gia Đảng Bolshevik, vì ông ta nghiên cứu chủ yếu về Marx - Engels - Lenin - Stalin, ông ấy nói rằng ông ấy xem đó là những chỉ dẫn duy nhất mà ông ấy tin theo và điều quan trọng là ông ấy tin vào sự giúp đỡ của một nhà nước xã hội chủ nghĩa duy nhất trong thực tế đang giúp đỡ các dân tộc yếu thế không phải là bằng những lời nói suông, mà là những hành động trong thực tế và chính vì thế ý muốn gia nhập Đảng của ông ấy ngày càng vững chắc hơn. Và hiện tại, ông đang cảm thấy may mắn vì đang được trực tiếp nói chuyện với đồng chí Stalin, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới, và do đó ông quyết định sử dụng cơ hội này để bày tỏ yêu cầu của mình. Nếu đồng chí Stalin đồng ý nhận ông ấy vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Bolshevik thì ông ta rất vui mừng.
Đồng chí Stalin trả lời rằng: Nếu Thịnh đã kiên quyết thì ông ấy cũng không phản đối; nhưng đồng chí Voroshilov lại phản đối, nói rằng việc này sẽ gây nguy hiểm cho bản thân Thịnh vì chắc rằng khi Tưởng Giới Thạch và đại sứ Trung Quốc chắc chắn không bỏ qua. Thịnh trả lời rằng điều này sẽ được giữ bí mật. Đồng chí Stalin phản đối, ông cho biết rằng việc này rất khó giữ bí mật và Thịnh sẽ phải gắn bó với một tổ chức cơ sở nào đó của Đảng, và điều này sẽ bị người khác phát hiện. Đồng chí Voroshilov nói rằng bất kỳ một đảng viên nào cũng có thể bỏ từ đảng này sang đảng khác, và do đó bí mật có thể bị bại lộ. Đồng chí Stalin hỏi, liệu rằng Tưởng sẽ không nghi ngờ rằng Thịnh đã bị ép buộc và đe dọa phải gia nhập Đảng Cộng sản ? Thịnh đã trả lời rằng Tưởng sẽ nghĩ xấu về ông dù bất thể chuyện gì và một lần nữa kiên định nêu ra vấn đề gia nhập Đảng. Stalin, Molotov, Voroshilov trả lời rằng họ không phản đối nếu Thịnh đã kiên quyết như thế > >
(Biên bản ghi chép cuộc hội đàm giữa các thành viên Chính phủ Liên Xô với Tỉnh trưởng Tân Cương - Thịnh Thế Tài vào ngày 2/9/1938. RGASPI, f.558, op.11, d.323, l.32-41)
Chúng ta có thể đối chứng trong bức thư Thịnh Thế Tài gửi Stalin, Molotov và Voroshilov ngày 4/1/1939 có đoạn như sau:
< < Từ Moskva về Tân Cương, tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn và đang nỗ lực thực thi các công tác, điều này có lẽ là do:
1. Tôi đã có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản vinh quang, trở thành một đảng viên Bolshevik và chiến đấu để thực hiện những lời dạy của Marx - Engels - Lenin - Stalin.
2. Tôi là người theo chủ nghĩa Marx trong nhiều năm, một người theo chủ nghĩa Lenin - Stalin. Là một người cộng sản, sau Cách mạng tháng Tư ở Tân Cương 1933, tôi đã ủng hộ chính sách 6 điểm của Tân Cương: chống chủ nghĩa đế quốc, hữu nghị với Liên Xô, quyền bình đẳng cho các dân tộc, trung thực và vị tha, hòa bình và phát triển. Tôi xem chính sách này là sự chuẩn mực trong việc quản lý Tân Cương. Chính sách 6 điểm này là nguyên tắc sống còn trong việc vận dụng Chủ nghĩa Marx - Lenin - Stalin trong điều kiện xã hội phong kiến ở Tân Cương lạc hậu về cả kinh tế và văn hóa.
Khi ở Moskva, nhận được cơ hội đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản toàn Liên minh, tôi đã hoàn thành ước nguyện của mình và do đó tôi cảm thấy rất vui. > >
( Thư từ Thịnh Thế Tài gửi Stalin, Molotov, Voroshilov ngày 4/1/1939. RGASPI, f.82, op.2, d.1238, l.176-182 )
Những tài liệu trên đủ để thổi tung các lời lẽ xuyên tạc trên báo chí tư sản hiện nay khi cố tình bôi xấu Stalin và Liên Xô khi gán ghép việc Liên Xô dường như có ý đồ biến Tân Cương thành một quốc gia vệ tinh hay việc lợi dụng Thịnh Thế Tài để bành trướng lãnh thổ Liên Xô ở Tân Cương.
Những thiện cảm của Thịnh đối với Liên Xô, Tưởng Giới Thạch không phải không biết, thậm chí ông ta còn từng ủng hộ Mã Trọng Anh trong vụ "thảo phạt" Thịnh trước đây. Trong suốt khoảng thời gian khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, nhiều lần Tưởng đã nhiều lần thuyết phục Thịnh chống lại Liên Xô. Tình hình đặc biệt diễn ra vào năm 1942, lúc này bọn phát xít Đức sau thời kỳ tung hoành trên khắp các vùng lãnh thổ phía Tây Liên Xô, giờ đây đang tiến sát gần đến thành phố Stalingrad, ở Trung Quốc người ta còn cho rằng Liên Xô sẽ khó có thể tránh khỏi sự sụp đổ. Chính lúc này, Thịnh Thế Tài đã vì những động cơ lợi ích cá nhân đã quyết định ngả sang lập trường họ Tưởng, và ra lệnh cho anh trai mình nhanh chóng trục xuất toàn bộ các cố vấn và công dân Liên Xô ra khỏi Tân Cương. Nhưng anh trai của Thịnh, là một đảng viên cộng sản kiên trung đã từ chối mệnh lệnh này. Khuynh hướng bất đồng trong nội bộ gia tộc của Thịnh xuất hiện, một bên là anh trai Thịnh, một đảng viên cộng sản Liên Xô kiên trung, được sự ủng hộ đông đảo của quan chức Tân Cương khi muốn duy trì mối liên hệ với Liên Xô và một bên là Thịnh Thế Tài, cùng bố vợ và một số quan chức quân sự đang lo sợ địa vị chính trị của mình, muốn ngả theo họ Tưởng để củng cố quyền lực. Biến cố đã xảy ra, trong một đêm tĩnh lặng 19/3/1942, anh trai Thịnh Thế Tài bị bắn chết ngay sân giữa của biệt phủ mình, mặc dù không có bất kỳ phát hiện vết tích của sự đột nhập bên ngoài nào cả.
Trong bức thư của Thịnh Thế Tài gửi Stalin, Molotov, Voroshilov ngày 10/5/1942, Thịnh Thế Tài đã thông báo rằng, sau khi điều tra ông ta cho rằng kẻ giết anh trai mình chính là chị dâu của ông ta. Ông ta cáo buộc rằng chị dâu của ông ta đã đi đêm với cố vấn quân sự Liên Xô tại Tân Cương - Ratov, và tất cả được thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng lãnh sự Liên Xô tại Tân Cương - Bakulin (Thư từ Thịnh Thế Tài gửi Stalin, Molotov, Voroshilov ngày 10/5/1942. RGASPI, f.558, op. 11, d. 323, l. 42-52). Rất nhanh ngay sau đó, chị dâu của Thịnh đã bị xử bắn với tội danh "giết chồng". Một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi của Quốc dân Đảng cáo buộc Liên Xô đứng đằng sau vụ giết người này, thậm chí còn tung tin đồn rằng chị dâu của Thịnh là người Nga, và tuyên bố rằng bà đứng đằng sau một trung tâm gián điệp âm mưu lật đổ chính quyền Tân Cương. Tuy nhiên trong thực tế là bà ấy là người Trung Quốc và không tham gia bất kỳ một hoạt động chính trị nào, trong thực tế bà ấy bị Thịnh đem ra làm "vật tế thần" cho các âm mưu chống Liên Xô.
Rất rõ ràng, Liên Xô gần như chẳng có động cơ gì để sát hại anh trai Thịnh, khi đó còn là một đảng viên kiên trung và một người ủng hộ Liên Xô hết mực, nhưng ngược lại Thịnh lại hoàn toàn có động cơ cho việc tiến hành vụ mưu sát đó hơn cả. Tức giận đối với bức thư Thịnh gửi, đồng chí Molotov đã có một bức thư hồi đáp vào ngày 1/7/1942, trong đó Molotov mặc dù giữ vững giọng nhẹ nhàng nhắc nhở Thịnh nên tránh những tin đồn khiêu khích của bè lũ đế quốc hòng đang muốn chia rẽ Liên Xô - Tân Cương, và nhắc lại rằng Liên Xô đã rất rất nhiều lần giúp đỡ Thịnh, thậm chí là còn giúp Thịnh nhận ra những sai lầm đã phạm phải như: Thịnh từng đề xuất việc nhanh chóng thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Tân Cương; Thịnh đã từng ủng hộ Trương Học Lương bắt giết Tưởng Giới Thạch; năm 1941, Thịnh còn đề nghị thành lập ở Tân Cương một quốc gia Xô viết độc lập và sáp nhập vào Liên Xô như một nước cộng hòa phụ thuộc,... Molotov khuyên Thịnh nên tự xem xét lại xem toàn bộ vụ án và trên hết giữ vững cho tình hữu nghị mà Liên Xô - Tân Cương đã xây dựng trong suốt khoảng thời gian 10 năm vừa qua. (Thư từ Molotov gửi Thịnh Thế Tài, ngày 3/7/1942. RGASPI, f. 558, op. 11, d. 323, l. 54-57)
Không phải chỉ riêng vụ án ám sát anh trai Thịnh, mà liên tục sau đó nhiều sự kiện sau đó đã cho thấy xu hướng chống Liên Xô đang ngày càng lớn mạnh ở Tân Cương và sau đó là khuynh hướng ngã hẳn về Tưởng của Thịnh. Cuối tháng 8/1942, một phái đoàn của Chính phủ Quốc dân từ Trùng Khánh đã đến thăm hỏi Thịnh. Tại đây người ta đã tổ chức một buổi lễ về sự gắn kết giữa Tân Cương và Chính phủ Trùng Khánh, tham dự buổi tiệc này do đích thân phu nhân Tưởng Giới Thạch tham dự cùng một số tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Trùng Khánh; đáng chú ý là ngày 28/8/1942, một ngày trước khi phu nhân Tưởng đến, chính quyền Tân Cương đã ra một chỉ thị đặc biệt bắt giam hàng loạt những người cộng sản và cánh tả đang làm việc trong chính quyền Tân Cương, với cáo buộc những người này đang âm mưu chuyển Tân Cương cho Liên Xô, chỉ thị này đích thân Thịnh trực tiếp ký.
Nếu người ta nói rằng Liên Xô có ý định thôn tính Tân Cương thì rõ ràng một sự khiêu khích như vậy là quá phù hợp cho việc tổ chức một cuộc tấn công vào Tân Cương của Liên Xô - đồng thời xin lưu ý rằng quân đội Liên Xô đã đồn trú tại Tân Cương trong suốt khoảng thời gian gần 10 năm và họ quá thông thạo Tân Cương khi liên tục đập tan 2 lần chiến dịch "thảo phạt Thịnh" của Sư đoàn 36 Mã Trọng Anh không chỉ trong năm 1933 mà còn vào năm 1937. Trái với ý đồ bôi nhọ truyền thông của báo chí tư sản, Chính phủ Liên Xô đã quyết định rút toàn bộ quân đồn trú, chuyên gia quân sự và công dân Liên Xô khỏi Tân Cương. Ngay lập tức, tất cả các xí nghiệp hợp tác Liên Xô - Tân Cương bị giải thể, thiết bị khoa học kỹ thuật, sản phẩm của Liên Xô toàn bộ chuyển về nước đến từng sản phẩm nhỏ, buôn bán giữa Liên Xô - Tân Cương bị cắt đứt. Ngay lập tức Tân Cương rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế chưa từng có vì trong suốt gần 10 năm qua khi họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hợp tác kinh tế với Liên Xô và nhận viện trợ kinh tế từ Liên Xô.
Có hai lý do để Liên Xô rút đi:
1. Khả năng tấn công xâm lược của Nhật Bản từ Tân Cương vào Liên Xô đã không còn nữa.
2. Liên Xô muốn cho thấy rằng Liên Xô hoàn toàn không có bất kỳ tham vọng lãnh thổ nào đối với Trung Quốc.
Và Tân Cương đã phải trả một cái giá đắt cho việc thực thi các hoạt động chống Liên Xô. Suốt trong giai đoạn 1943-1945 tình hình kinh tế Tân Cương đã phải trãi qua những biến động kinh tế với sự lạm phát cao, thiếu hàng hóa, đói nghèo và bần cùng. Các nhà lãnh đạo Tân Cương đã không thể cứu vãn nổi tình hình kinh tế nơi đây. Thịnh sau khi phản bội Liên Xô cũng đã nhanh chóng bị đẩy khỏi chức vụ Tỉnh trưởng Tân Cương, và thay vào đó là một quan chức do Chính phủ Nam Kinh bổ nhiệm. Tỉnh trưởng mới đã nhanh chóng sửa lại các sai lầm của Thịnh, tuyên bố về mối giao hảo hữu nghị giữa Tân Cương với Liên Xô. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tân Cương và Liên Xô không trở nên tốt đẹp hơn bởi quan hệ giữa Chính phủ Nam Kinh với Liên Xô ngày càng kém đi, đồng thời càng về sau Liên Xô dần ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, kể từ năm 1943, các cuộc điều tra của Liên Xô đã cho thấy sau khi Thịnh phản bội đã thi hành các biện pháp phát xít và quân phiệt trong việc đàn áp các nhà lãnh đạo người dân tộc thiểu số, đồng minh của Thịnh trong những năm tháng chống Chính phủ Quốc dân ở Nam Kinh và chống lại bọn quân phiệt Đông Bắc Trung Quốc, Thịnh đã thi hành một số chính sách đàn áp các phong trào tiến bộ người dân tộc thiểu số, thi hành các chính sách quân phiệt diệt chủng và nô dịch các dân tộc Tân Cương như nô dịch thuộc địa. Trước tình thế này Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định thay đổi hoàn toàn lập trường đối với vấn đề Tân Cương và quyết định bí mật ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở nơi đây. Kể từ đây, loạn Đông Bắc Tân Cương hay Nước Cộng hòa Đông Turkestan xuất hiện. Tôi sẽ cung cấp đến quý bạn đọc trong Phần 2 của series này
⏪⏪⏩⏩
Qua các tài liệu chúng ta có thể thấy:
1. Việc Thịnh Thế Tài có ý định gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và việc Xô viết hóa Tân Cương hay muốn Tân Cương gia nhập Liên Xô là ý đồ hoàn toàn cá nhân của ông ta. Việc này hoàn toàn độc lập với vấn đề Liên Xô.
2. Trung ương Đảng Liên Xô đã bày tỏ thái độ là phản đối việc Thịnh gia nhập Đảng Cộng sản tuy nhiên, họ đã miễn cưỡng chấp nhận trước thái độ kiên định của ông ta hồi năm 1938. Nhưng những hành động của y vào năm 1942 sau khi suy đoán Liên Xô sẽ thất bại đã cho thấy ông ta chỉ đơn thuần là một kẻ mưu đồ chính trị, và có ý định dựa vào quan hệ tốt với Liên Xô mà mưu toang xây dựng lực lượng cát cứ quân phiệt ở Đông Bắc Trung Quốc, chứ không phải vì ông ta là người cộng sản chân chính.
3. Trung ương Đảng Liên Xô bày tỏ thái độ kiên định đối với việc Xô viết hóa Tân Cương và việc đề xuất biến Tân Cương gia nhập Liên Xô của Thịnh. Lập trường của Liên Xô là sự toàn vẹn lãnh thổ đối với Trung Quốc, trên cơ sở một chính phủ dân chủ tư sản tiến bộ trên lập trường kháng chiến chống Nhật bản để giải phóng nhân dân Trung Quốc. Liên Xô không có bất kỳ yêu cầu lãnh thổ nào đối với Trung Quốc.
4. Trung ương Đảng Liên Xô coi việc hợp tác với Tân Cương là trên cơ sở cùng nhau có lợi, không chấp nhận việc Thịnh muốn nhượng bộ lợi ích của Tân Cương cho việc sáp nhập vào Liên Xô.
5. Trung ương Đảng Liên Xô, và cụ thể là các đồng chí Stalin, Molotov, Voroshilov ngay từ năm 1934 đã có thái độ dè chừng đúng đắn với những lời nói suông "tả khuynh" của Thịnh, và luôn giữ sự bình tĩnh cũng như thái độ đúng đắn trong việc giải quyết vấn đề Thịnh sao cho phù hợp với hình ảnh Liên Xô trên trường quốc tế - về một quốc gia hòa bình hữu nghị và đáng tin cậy. Điều này đã được sự công nhận của chính phủ Trung Hoa Quốc dân và các thống đốc của Tân Cương.
#Gấu
Xem thêm
Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 1
Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 2
Liên Xô và vấn đề Tân Cương Phần 3