SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ- P1
SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ
( Cải cách kinh tế dưới thời của Khrushchev - Brezhnev và hậu quả)
🔺🔺🔺
Phần 1: Hệ thống chính trị thời đại Khrushchevist
(Sự lũng đoạn của các “tập đoàn chính trị” trong Đảng Cộng sản Liên Xô)
a) Sau Stalin
Cuối tháng 10 năm 1952, vài tháng trước khi Stalin qua đời, ông đã đề xuất tăng gấp đôi số thành viên của Bộ Chính trị. Kế hoạch của ông được Ủy ban Trung ương Đảng thông qua và một danh sách đã được liệt kê đầy đủ:
Bao gồm: V.M. Andrianov (Bí thư thứ nhất Leningrad -50t), A.B. Aristov (Bí thư Ủy ban TW, Bí thư thứ nhất Ủy bam Khu vực Chlyabinsk – 49t), S.D. Ignatiev (Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước-48t), D.S. Korotchenko (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ukraina-58t), V.V. Kuznetsov (Chủ tịch Hội đồng Công Đoàn Trung ương Liên bang-51t), O.V. Kuusinen (Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Cộng hòa Karelian-Phần Lan-61t), V.A. Malyshev (Bộ trưởng Bộ công nghiệp đóng tàu – 50t), L.G. Melnikov (Bí thư thứ nhất Ukraina-46t), N.A. Mikhailov (Bí thư Ủy Ban TW, Trưởng phòng tuyên truyền và cổ động – 46t), M.G. Pervukhin (Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - 48t), P.K. Ponomarenko (Bí thư Ủy ban TW- 50t), M.Z. Saburov (Phó chủ tịch HDBT – 52t), M.A. Suslov (Bí thư Ủy ban TW – 50t), D.I Chesnokov (Trưởng văn phòng UBTW – 42t), N.M Shvernik (Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô viết tối cao LX – 64t), M.F. Shkiryatov (Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Đảng – 59t).
Các thành viên dự bị bao gồm: L.I. Brezhnev (Bí thư UBTW – 46t), A.Ya. Vyshinsky (Bộ Trưởng ngoại giao – 49t), N.G. Zverev (Bộ trưởng tài chính -52t), N.G. Ignatov (Bí thư UBTW – 51t), I.G. Kabanov (Chủ tịch ủy ban kế hoạch NN – 54t), Kosygin (Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ - 48t), N.S. Patolichev (Bí thư thứ nhất Belorussia – 44t), N.M Pegov (Bí thư TW – 47t), A.M. Puzanov (Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Nga - 46t), N.F. Tevosyan (Phó chủ tịch HĐBT Liên Xô – 51t), P.F. Yudin (học giả - 53t).
Nhưng ý định của Stalin nhanh chóng sau đó bị dập tắt. Một cuộc “đảo chính” chính trị nổ ra ngay sau khi Stalin vừa từ trần.
Bộ ba Beria, Malenkov và Khrushchev đã triệu tập Phiên họp liên tịch Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng và Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao đã diễn ra vào ngày 6-3-1953. Tại đây, một quyết định có tính chất phủ định Nghị quyết Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô vừa rồi đã được đề ra, thay vì Đoàn chủ tịch UBTW có 25 thành viên như Đại hội 19 đã quy định, họ đã thu hẹp thành phần chỉ còn lại các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng: “Beria, Malenkov, Khrushchev, Voroshilov, Kaganovich, Molotov, Bulganin, Mikoyan, M. Saburov, M. Pervukhin”.
Bước ngoặt này làm phá vỡ kết cấu chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô, mà còn trở thành mầm mống cho việc phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô sau này.
b) Loại bỏ Beria
Đảo chính chính trị 6/3/1953 là cuộc đảo chính tập thể, tuy nhiên, nó không thể không có kẻ chủ mưu. Trong thời điểm đó, không thể có ai khác ngoài - Beria.
Trong hồi ký của mình Svetlana Alliluyeva đã viết về một số vấn đề trong khoảng thời gian Stalin vừa mới qua đời:
“Sau khi bố tôi chết, ngôi nhà ở Kuntsevo đã trải qua những sự kiện kỳ quặc. Ngày thứ hai sau khi bố tôi mất, theo lệnh của Beria, toàn thể những nhân viên phục vụ và bảo vệ, toàn bộ số nhân viên phục vụ biệt thự này được triệu tập lại, và người ta tuyên bố với họ rằng các đồ vật trong tòa nhà này phải được lập tức chuyển khỏi nơi này, và tất cả mọi người phải rời khỏi tòa nhà này.
Không ai có thể tranh cãi với Beria được. Những con người hết sức hoang mang, không hiểu gì cả ấy thu xếp đồ đạc, sách, bát đĩa, đồ gỗ, họ vừa khóc vừa chất tất cả các thứ ấy lên những chiếc xe tải, - tất cả được chở tới một nơi nào đó, đến những kho nào đó... trước kia Bộ An ninh quốc gia và Ủy ban an ninh quốc gia có không ít những kho như vậy. Người ta đã đuổi ra ngoài đường những con người đã từng phục vụ (Stalin) trong suốt khoảng thời gian 10-15 năm là vì tình cảm chứ không phải sự sợ hãi. Họ đã bị đuổi hết đi các nơi: nhiều sĩ quan trong đội bảo vệ bị đưa đến các thành phố khác. Hai người đã tự sát bằng súng vào những ngày ấy. Những con người ấy đã không hiểu nổi điều gì cả, họ không hiểu họ có tội gì? Tại sao người ta đã hành họ như thế? Nhưng trong phạm vi Bộ An ninh quốc gia, mà tất cả họ đều là nhân viên của Bộ ấy theo chức vụ, thì họ có nghĩa vụ chấp hành vô điều kiện mọi mệnh lệnh của cấp trên”.
Tuy nhiên, sau khi đã đạt được mục đích, để xóa bỏ khả năng bản thân mình bị lật đổ Beria nghĩ đến việc cần lập nên một ban lãnh đạo mới – hiển nhiên điều đó dẫn đến phải loại bỏ những người tham gia cùng Beria. Chính việc âm mưu loại bỏ “những nhà lãnh đạo Bolsheviks lão thành” là nguồn gốc dẫn đến cuộc đảo chính chính trị ngược của Đoàn chủ tịch UBTW Đảng chống Beria dưới sự lãnh đạo của Nikita Khrushchev vào 4 tháng sau đó nhằm tự cứu lấy chính mình, tức là cuộc đảo chính chính trị tháng 26/6/1953.
Sau khi tiến hành một loạt các biện pháp nhằm củng cố quyền lực của mình, Beria tiến tới việc xóa bỏ những ai có thể cạnh tranh quyền lực chính trị đối với ông ta. Ngay trong mùa hè năm 1953, thông tin Beria chỉ đạo việc thu thập hồ sơ nhằm tố cáo Malenkov, Khrushchev và các Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời Beria cũng chỉ đạo bắt giữ cựu Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng – Ignachev, là người quan hệ thân thiết với Malenkov.
Tại phiên họp ngày 26/6/1953, Khrushchev, Malenkov và các ủy viên Bộ Chính trị đã tìm kiếm sự ủng hộ của Nguyên soái Zhukov và Bộ Tư lệnh thủ đô Moskva, sau đó đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp Beria ngay tại giữa phiên họp Bộ Chính trị không theo bất kỳ một phương thức hợp pháp nào. Đây là sự tiếp nối của các hành động phi pháp kể từ Phiên họp liên tịch 6/3/1953 của Ban chấp hành Trung ương.
Khrushchev đã cáo buộc Beria về các tội danh: chủ nghĩa xét lại khi công kích Stalin, phản cách mạng khi từ bỏ xây dựng nước Cộng hòa dân chủ Đức, âm mưu khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô. Mặc dù chức vụ của Beria là do Nhà nước bổ nhiệm, song việc loại bỏ Beria lại là do quyết định của Bộ Chính trị, về mặt cơ bản đây là: đảo chính chính trị, vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng, điều lệ đảng và luật pháp Liên Xô.
Từ đây có thể thấy rõ, sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị tan rã về mặt tổ chức, trở nên hỗn loạn thì kéo theo tình trạng vô chính phủ và vô pháp luật trong kết cấu quyền lực Liên Xô. Từ Đây, Đảng và Nhà nước Xô viết không những không ngăn chặn tình trạng quan liêu hóa bộ máy Nhà nước, mà ngược lại, đã thoái hóa hoàn toàn thành thế lực dung dưỡng tính quan liêu của Nhà nước bằng cách tạo ra hệ quyền lực thống trị trong kết cấu Đảng và Nhà nước Liên Xô. Tuy nhiên, lúc này nó còn non yếu và phải trải qua những cuộc hỗn loạn khác thì mới có thể củng cố địa vị của các tập đoàn quan liêu đó trong hệ thống chính trị Liên Xô.
c) Độc chiếm quyền lực
Cuộc “đảo chính” chính trị 6/3/1953 hay 26/6/1953 đều không mang lại quyền lực tuyệt đối, mà nó chỉ chuyển từ tập đoàn cơ hội này sang tập đoàn cơ hội khác. Nó chỉ chấm dứt khi trong tập đoàn này chỉ còn duy nhất một kẻ nắm quyền lực. Sau khi nổi lên như một gương mặt chống Beria quyết liệt nhất trong phiên họp ngày 26/6/1953, Khrushchev từng bước dành được sự ủng hộ Ban chấp hành Trung ương và đạt tới vị trí cao nhất trong Đảng khi đó, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội 20 vào năm 1956.
Tháng 6/1957, tức chỉ 16 tháng sau Đại hội 20, cuộc tranh chấp nội bộ trong các nhóm những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đi đến đỉnh điểm. Kaganovich, Malenkov, Molotov đã bị Khrushchev xóa bỏ toàn bộ các chức vụ và vu cáo rằng đây là nhóm chống Đảng mới. Ngay cả, người tận tụy và trung thành với Khrushchev như Shepilov cũng không tránh khỏi. Sau 3 tháng tiếp theo, ngay cả “người quan trọng nhất trong việc bắt giữ Beria”, Nguyên soái Zhukov, cũng bị cắt chức nốt. Rồi đến Bulganin và Voroshilov cũng bị loại khỏi Bộ Chính trị. Những người chống Stalin cuồng nhiệt nhất như các thành viên Thư ký UBTW là Aristov, Ignatov, Kirichenko, Furtseva và Pestoov cũng nhanh chóng bị loại.
Bằng cách loại bỏ toàn diện những người có khả năng chống lại sự lãnh đạo chuyên chế của mình, Nikita Khrushchev đã làm được cái điều mà Beria cố gắng làm nhưng không thành. Nikita Khrushchev đã tạo ra xung quanh mình một cơ cấu quyền lực thống nhất, một “giáo phái” sùng bái Nikita Khrushchev một cách thực sự. Mọi lời nói của Nikita Khrushchev trở thành “tôn chỉ” cho các hành động của đảng viên trong Đảng, và mở đầu cho một thời kỳ thực sự tai hại.
d) Thời kỳ mới
Trong khoảng thời gian từ 1957 cho đến Đại hội 21 (1959) và Đại hội 22 (1961), Khrushchev không ngừng công kích vào Stalin và công kích vào cái gọi là “nhóm Chống Đảng” với mục đích là “tạo ra” các trào lưu tư tưởng thù địch như một cái cớ nhằm từng bước thay đổi thành phần trong Đảng, thay đổi những người chống Khrushchev bằng những người ủng hộ Khrushchev. Bằng cách này, Khrushchev không chỉ thống trị về mặt tư tưởng trong Đảng Cộng sản Liên Xô mà còn thống trị về mặt tổ chức, để dần dần từng bước xoay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước Xô viết đi theo một khuynh hướng khác mà nó dẫn đến hệ quả là khôi phục những mầm mống của chủ nghĩa tư bản trong cấu trúc chế độ Xô viết, và trở thành cơ sở cho sự thay đổi bản chất của Nhà nước vô sản Liên Xô sang tư sản vào cuối những năm 1980s, đầu 1990s.
Năm 1961, Khrushchev đã đi đến chỗ xóa bỏ nền chuyên chính vô sản. Chuyển dần Nhà nước Xô viết sang “Nhà nước toàn dân”. Thay vì tạo ra những tiền đề để Nhà nước có thể đi đến chỗ tự tiêu vong như Lenin từng đề cập, Khrushchev đã đi đến chỗ củng cố bộ máy Nhà nước quan liêu trong một thời gian dài. Đảng Cộng sản Liên Xô cũng thay đổi về mặt tổ chức, Đảng từng bước trở thành Đảng của toàn dân, đảng của bất kể mọi thành phần chứ không mang bản chất thuần túy giai cấp vô sản. Đối với thành phần và nguồn gốc giai cấp trong Đảng, ý nghĩa của đề xuất Khrushchev đi đến chỗ cho phép bất kỳ gia nhập Đảng bất kể trước đây họ có quan điểm, xuất thân thành phần giai cấp, hay cựu thành viên các đảng phản cách mạng. Thu hút vào Đảng đông đảo cái gọi là các nhà trí thức, các nhà quản lý, kỹ sư, học giả, … trong số đó có những kẻ xa rời lợi ích của giai cấp công nhân và người lao động. Danh hiệu đảng viên của Đảng lại trở thành cái bình phong, là kim bài cho việc “thăng quan tiến chức” trong cơ cấu quyền lực và hệ thống chính trị Liên Xô.
Cùng với việc xóa bỏ chuyên chính vô sản, Khrushchev đã “bổ sung” về cái gọi là : nguyên tắc sản xuất. Khrushchev đã chỉ rõ Đảng cần phải “ưu tiên” hơn nữa cho nhiệm vụ quản lý kinh tế và thúc đẩy sản xuất - Đảng biến thành một bộ máy có tính chất quan liêu vã kỹ trị.
Thời đại mà sự thống trị của Khrushchev đã đi đến chỗ Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô viết thoái hóa thành một tập đoàn quan liêu và cơ hội chủ nghĩa, có xu hướng phủ định Chủ nghĩa Lenin trong những việc làm thực tế, mặc dù bên ngoài vẫn ngụy tạo bằng những lời lẽ Marx - Lenin.
Trong một thời gian tương đối dài, mầm mống cho việc phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô dần dần hình thành cùng theo bước đường lũng đoạn của hết tập đoàn cơ hội này đến tập đoàn cơ hội khác, mà kết quả tất yếu của nó là sự thoái hóa của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm 1990s thế kỷ trước.
#Gấu
SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ- P1
SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ- P2