SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ-P2



SỰ KHÔI PHỤC MẦM MỐNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN Ở LIÊN XÔ

( Cải cách kinh tế dưới thời của Khrushchev - Brezhnev và hậu quả)


🔺🔺🔺

Phần 2: Cải cách kinh tế kiểu Khrushchevist


a) Bãi bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung

Một trong những đặc điểm cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa đó là sản xuất có kế hoạch với mục đích là thỏa mãn không ngừng nhu cầu ngày càng tăng lên của quần chúng nhân dân. Nhưng từ năm 1955, chỉ hai năm sau khi Stalin qua đời, các nhà kinh tế học dưới sự lãnh đạo của Khrushchev đã đi đến chỗ kết luận rằng, cần thiết phải “giải phóng” nền kinh tế Liên Xô khỏi sự chỉ đạo tập trung và trao quyền tự do hơn cho các giám đốc xí nghiệp để đưa doanh nghiệp đến chỗ tự chủ trong hoạt động sản xuất. Tất nhiên, hệ quả tất yếu là các hoạt động kinh tế - tài chính của chế độ Xô viết sẽ dần giảm phụ thuộc và đi đến chỗ không còn phụ thuộc vào sự kế hoạch hóa tập trung. Xem rằng sự tự do trong việc lựa sản xuất hàng hóa, sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, đáp ứng cái gì, …trong một thị trường tự do sẽ mang lại lợi nhuận tối đa cho nền kinh tế Liên Xô.

Nhà kinh tế học Liên Xô - Liberman đã viết trên Tạp chí kinh tế học, số 6, 1955 như sau: “Những bất cập này trong quản lý kinh tế cần được loại bỏ bằng cách phát triển tính chủ động và độc lập kinh tế của các doanh nghiệp” (Liberman, Kế hoạch chi phí và khuyến khích vật chất cho lao động công nghiệp, Tạp chí kinh tế học, số 6, 1955).

Đến tháng 9 năm 1965, luận điểm của Liberman đã được Ủy ban TW Đảng thông qua:

Công việc của các xí nghiệp bị quy định bởi nhiều chỉ số dẫn đến sự hạn chế tính độc lập và sự chủ động của lãnh đạo xí nghiệp, làm giảm tinh thần trách nhiệm của họ trong việc cải tiến tổ chức sản xuất ….” (Tạp chí Cải cách kinh tế Liên Xô: Đặc điểm và mục tiêu, Moskva, 1967, tr.147).

Để mở rộng tính độc lập và chủ động về kinh tế của xí nghiệp, số lượng kế hoạch giao cho các bộ, ban ngành được giảm đến mức tối thiểu” (Yefimov: Các kế hoạch dài hạn và dự báo khoa học, Tạp chí Cải cách kinh tế Liên Xô: Tiến bộ và những vấn đề, Moskva, 1972, tr.16).

Những nhà kinh tế học Liên Xô thời Khrushchev đi đến chỗ cho rằng không cần thiết phải có một chỉ tiêu cụ thể cho từng xí nghiệp kinh tế, và do đó, với tư cách là các xí nghiệp sản xuất hàng hóa độc lập, các xí nghiệp Liên Xô chỉ hoạt động vì một mục tiêu duy nhất - lợi nhuận. Và do đó, nó đối lập và xem sự tập trung kinh tế là một loại chủ nghĩa tập trung quan liêu độc quyền.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nhà kinh tế Liên Xô thời kỳ Khrushchev không nói đến kế hoạch hóa, tuy nhiên, nó không phải là phạm trù như kế hoạch hóa kinh tế xã hội chủ nghĩa thời Stalin, mà đơn thuần nó chỉ là các chỉ số về giá trị như lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận, tỷ lệ lợi nhuận/vốn, phân phối lợi nhuận. Cái gọi là kế hoạch hóa này trên thực tế không có chỉ số về số lượng, phạm vi sản phẩm được sản xuất, các loại quỹ cho quá trình lưu thông, chỉ số quy mô lực lượng lao động, chỉ số tiền lương, chỉ số phân phối sản phẩm, chỉ số đầu tư cơ bản … Các xí nghiệp Liên Xô không thể đặt ra các chỉ số đó bởi vì nó đã bị biến dạng mục tiêu khi chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận.

Như vậy, trên thực tế, các chỉ số trong kế hoạch kinh tế của Liên Xô dưới thời Khurshchev không còn là chỉ thị, sự ràng buộc đối với xí nghiệp nữa, mà chỉ trở thành cái ước lượng mà xí nghiệp nên thực hiện, có thể đạt hoặc không đạt.

Các chỉ số sẽ được giao cho xí nghiệp, không phải là chỉ thị bắt buộc, mà là sự ước lượng để xây dựng kế hoạch cho họ” (Liberman: Kế hoạch, mối quan hệ giữa lợi nhuận trực tiếp và gián tiếp, Pravda, 21/11/1965)

Vì vậy, khi các xí nghiệp bước vào con đường cải cách kinh tế dưới thời Khrushchev và những kẻ kế tục, nghĩa là họ đi đến chỗ kế hoạch riêng lẻ mỗi xí nghiệp của bản thân mình - tức sự phi tập trung hóa kế hoạch hóa sản xuất.

Các doanh nghiệp này giờ đây sẽ tự lập kế hoạch sản xuất cho riêng mình” (Sokolov, Nazarov, Kozlov: Xí nghiệp và khách hàng, Thời báo Kinh tế, 6/1/1965).

Xí nghiệp quyết định sản xuất cái gì, sản lượng, giá trị hàng hóa ...và các chỉ tiêu kinh tế khác” (Braginsky: Hoạch định và quản lý trong nền kinh tế Xô viết, Nền kinh tế kế hoạch Liên Xô, Moskva, 1974, tr.125-126).

Chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô từ năm 1917-1954 đã chứng minh rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải là nền kinh tế có chức năng, được điều tiết và quản lý một cách có kế hoạch; là nền kinh tế - đáp ứng cho các nhu cầu cơ bản của xã hội được quyết định và bảo vệ một cách có ý thức, tập trung, bởi một trung tâm duy nhất - nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ chế điều tiết duy nhất đúng, dựa trên các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội được điều tiết trong khuôn khổ kế hoạch, tuân theo và phục vụ cho kế hoạch.

Sự thay đổi quan niệm trong tư duy kinh tế đã dẫn đến những tác động chính trị đầu tiên đối với hệ thống chính trị Liên Xô và nền kinh tế Liên Xô, đáng kể nhất phải là sự thất bại trong việc thành lập các Hội đồng kinh tế nhân dân của Khrushchev.

Mục đích của việc thành lập các hội đồng kinh tế nhân dân ở từng địa phương là nhằm phi tập trung hóa việc quản lý kinh tế của Liên Xô, được những người kế tục - Brezhnev, Kosygin coi là “phát triển sáng tạo” các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý kinh tế xã hội, được cho là sửa chữa những méo mó mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa do “bệnh sùng bái của Stalin” gây ra.

Tuy nhiên, ngay từ đầu nó đã vi phạm nghiêm trọng quan điểm của Lênin, khi Người cho rằng, chủ nghĩa xã hội “đòi hỏi phải tập trung cao nhất của sự sản xuất theo quy mô lớn trong phạm vi toàn quốc” (Lênin, toàn tập, tiếng Nga, t.36, tr392).

Kết quả của chính sách này đó là việc quản lý kinh tế Liên Xô sẽ từ chỗ quản lý theo ngành sang phương thức quản lý theo lãnh thổ. Tất yếu, việc phi tập trung sự quản lý đó đã dẫn đến những hậu quả kinh tế mà không thể che giấu nổi.

Cải cách đã dẫn đến sự phá vỡ mối quan hệ thống nhất giữa kinh tế và kỹ thuật trong việc quản lý ngành công nghiệp. Nó dẫn đến tình trạng kế hoạch sản xuất và việc sử dụng kỹ thuật do một đơn vị nọ nghiên cứu và phê duyệt, thì kế hoạch sản xuất và đầu tư vốn lại do một đơn vị khác đảm nhiệm, còn kế hoạch trang bị lại do một đơn vị khác nữa đảm nhiệm.

Cải cách đã dẫn đến hiện tượng biệt lập của chủ nghĩa kinh tế địa phương. Điều đó dẫn đến hiện tượng muốn thiết lập một sự khép kín các hoạt động sản xuất của mỗi hội đồng kinh tế nhân dân. Đã có những trường hợp, các hội đồng kinh tế này cố gắng để tổ chức sản xuất hàng hóa, thiết bị này mặc dù nếu sản xuất ở vùng khác sẽ đạt chất lượng và sản lượng tốt hơn.

Cải cách còn làm cho tình trạng quan liêu và độc đoán trong kinh tế gay gắt hơn. Một vài hội đồng kinh tế địa phương đã thành lập nhiều xí nghiệp cùng sản xuất một loại hàng hóa, độc lập và cạnh tranh lẫn nhau. Hiện tượng này bao trùm lên các ngành công nghiệp máy kéo, ô tô, thiết bị điện, tàu bè, và một số ngành công nghiệp khác. Có lẽ không cần chứng minh rằng điều này có hại như thế nào đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều kỳ lạ là những cách thức vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang được áp dụng vào nền kinh tế Liên Xô, thật kỳ lạ ?

Cải cách đã làm cho kỷ luật Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước trở nên kém đi và bắt đầu nhường chỗ cho sự hỗn loạn. Hệ thống này đã dẫn đến việc các xí nghiệp thường đổ lỗi cho sự thất bại của các kế hoạch sản xuất, kế hoạch lợi nhuận rằng đó là “nguyên nhân khách quan”.

Cải cách đã làm cho sự mất cân đối của nền kinh tế tăng lên. Sự chậm phát triển của một số ngành kinh tế do hỗn loạn, công nghiệp nhẹ tụt xa công nghiệp nặng, các kế hoạch hàng tiêu dùng không được thực hiện có hệ thống và rộng rãi, số đề án kinh tế không hoàn thành tăng lên, lưu thông kinh tế chậm lại.

Tất cả những điều trên đã khiến cho nền kinh tế Liên Xô đã bị chững lại vào giai đoạn 1963-1964, một dấu mốc chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế Liên Xô trước đó.

Cuối cùng, việc thành lập các hội đồng kinh tế nhân dân địa phương phải bị bãi bỏ, và thay vào đó là tái lập lại các bộ ngành, tuy nhiên, họ vẫn chưa từ bỏ âm mưu bãi bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

b) Lợi nhuận - với tư cách là người điều tiết sản xuất

Việc bãi bỏ kế hoạch hóa kinh tế với tư cách là cơ quan quản lý sản xuất, đã đòi hỏi nó phải thay thế bằng một cơ quan quản lý khác - lợi nhuận. Nó được các nhà kinh tế Xô viết thời Khrushchev và sau đó định nghĩa là:

...chênh lệch giữa giá cả và chi phí sản xuất” (Gatovsky, Vai trò của lợi nhuận trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Cộng sản, số 18, tr.62).

Do đó, các nhà lý luận kinh tế Liên Xô lúc này đi đến chỗ xem lợi nhuận là yếu tố điều tiết sản xuất:

Sản xuất sẽ thay đổi khi chịu sự tác động của lợi nhuận” (Kosiachenko, Những điều kiện quan trọng để cải thiện kế hoạch, Tạp chí Kinh tế học, số 11, 1962).

....lợi nhuận là tiêu chí chung nhất của toàn bộ hoạt động của xí nghiệp” (Leontiev, Kế hoạch và phương pháp quản lý kinh tế, Pravda, 7/9/1954)

Dưới chủ nghĩa xã hội, mục đích của sản xuất là đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của toàn xã hội, mục đích này là tiêu chí cơ bản để xác định hiệu quả kinh tế của sản xuất trong mọi giai đoạn phát triển. Do đó, mục tiêu duy nhất mà nền sản xuất xã hội chủ nghĩa phải đạt được đó là thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng lên của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và phúc lợi xã hội.

Nhưng ở đây, các nhà kinh tế học Liên Xô dưới thời Khrushchev và sau đó nữa đã thay đổi mục tiêu này bằng các tiêu chí được áp dụng một cách phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa. Điều đó thật kỳ lạ, một đất nước đã tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa như Liên Xô khi cải cách kinh tế lại phải áp dụng những tiêu chí của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ? Những nhà kinh tế học Liên Xô đã cố gắng loại bỏ quan niệm đúng đắn về quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội đã được áp dụng trong hàng chục năm trước đó bằng một quy luật mới - quy luật hiệu quả kinh tế.

Tất nhiên, việc hướng tới hiệu quả kinh tế tối đa, bằng nỗ lực tối thiểu không phải là vấn đề sai. Nhưng ở đây, các nhà kinh tế học Liên Xô thời Khrushchev đã đi đến chỗ bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin về nó, biến nó thành mục tiêu tương tự nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, và kết quả là toàn bộ cách thức, phương pháp, hình thức tổ chức trong nền kinh tế được áp dụng một cách hoàn toàn theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong đó, lợi nhuận chính là tiêu chí duy nhất dùng làm cơ sở, thước đo hiệu quả kinh tế của nền sản xuất.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô và các nhà kinh tế học thời Khrushchev đã từng bước biến lợi nhuận, trở thành động lực chính trong nền sản xuất xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô.

Luôn đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, các nhà lãnh đạo Liên Xô kêu gọi sự cải cách phương thức quản lý kinh tế một cách triệt để. Cần phải chuyển từ phương thức quản lý kinh tế “hành chính” sang “phi hành chính”. Nghĩa là chuyển từ việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách tập trung và có kế hoạch sang cơ chế vận hành tự do theo quy luật giá trị và hoạt động của thị trường. Họ xem việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách tập trung và có kế hoạch là một hệ quả của việc “sùng bái kế hoạch” của Stalin và do đó đòi hỏi phải thủ tiêu nó mãi mãi. Chính vì thế, trong khi thực hiện các phương pháp kinh tế của mình, các nhà lãnh đạo Liên Xô lúc này đã đánh giá cao những phương pháp và kinh nghiệm của các nước tư bản chủ nghĩa trong việc sử dụng đòn bẩy thị trường.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô xem rằng, nền sản xuất xã hội chủ nghĩa càng phát triển cao độ thì nhu cầu điều tiết sản xuất trên cơ sở quy luật giá trị và thị trường càng trở nên cần thiết và nó sẽ hạn chế vai trò của việc lập kế hoạch tập trung. Trong điều kiện đó, hoạt động của các xí nghiệp và trong các mối quan hệ giữa các xí nghiệp với nhau cũng sẽ được “giải phóng” khỏi sự can thiệp của Nhà nước và chỉ được điều tiết bằng quy luật giá trị và thị trường. Như vậy, trên thực tế là để nền kinh tế xã hội chủ nghĩa rơi vào tình trạng tự phát, vô chính phủ. Duy trì lối chơi của thị trường tự do trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có nghĩa là phá hoại kế hoạch xã hội chủ nghĩa, phá hoại nền kinh tế quản lý tập trung, mở đường cho sự phát triển tự phát và vô chính phủ. Điều này có nghĩa là xóa nhòa ranh giới giữa sản xuất tư bản chủ nghĩa và sản xuất xã hội chủ nghĩa. Bằng con đường này, các nhà lãnh đạo Liên Xô thời Khrushchev và những kẻ kế tục đã đi theo lối mòn của các quan điểm Bukharin và những kẻ cơ hội chủ nghĩa cánh hữu khác mà Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã chôn vùi cuối những năm 1920s, đầu những năm 1930s.

Có thể thấy rõ, các phương pháp quản lý kinh tế xem trọng lợi nhuận mà các nhà lãnh đạo Liên Xô theo đuổi, chẳng qua là sự vay mượn hạn chế từ thực tiễn quản lý kinh tế của các nhà tư bản. Với mục đích giải giáp nền kinh tế kế hoạch tập trung và thay vào đó nền kinh tế tự phát, vô chính phủ theo quy luật giá trị và thị trường, đã mở đường cho việc phục hồi các mầm mống chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô. Hay nói cách khác, nền kinh tế Liên Xô bước vào con đường suy tàn của chính nó.

c) Các biện pháp cụ thể của cuộc cải cách kinh tế

Các biện pháp được đề xuất trên cơ sở cuộc cải cách kinh tế đã tác động và làm biến đổi tất cả cấu trúc của hệ thống kinh tế Liên Xô. Điều đó đã dẫn đến hiện tượng rằng nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô từ giữa thập niên 1950s trở đi đã không còn có điểm chung gì với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo dưới thời kỳ Lênin - Stalin. Trên cơ sở đổi mới kinh tế đó, các phương pháp vận hành theo lối tư bản chủ nghĩa bắt đầu được thiết lập trong các xí nghiệp, trong tất thảy các mạch máu kinh tế quốc dân Liên Xô. Mối quan hệ này biểu hiện trên cơ sở của chủ nghĩa tự do và phân quyền, với trung tâm lấy lợi nhuận trở thành động lực chính của nền sản xuất xã hội, còn thị trường chính là cơ quan điều tiết chính của toàn bộ quá trình sản xuất. Còn kế hoạch kinh tế giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính nó mà thôi, được thay thế bằng một kiểu kế hoạch ước lượng.

Biện pháp đầu tiên mà cải cách thực hiện đó là mở rộng hoạt động tự do của các xí nghiệp kinh tế khỏi sự kế hoạch hóa tập trung, trao các quyền tự chủ cho các xí nghiệp hoạt động theo nhu cầu của thị trường, nhằm đảm bảo thu nhập lợi nhuận lớn nhất có thể. Để đạt được mục tiêu này, xí nghiệp chỉ cần quan tâm đến hai vấn đề: lợi nhuận và thị trường. Lợi nhuận đại diện cho toàn bộ mục tiêu hoạt động kinh tế của xí nghiệp, còn thị trường là phương tiện để đạt lấy mục tiêu đó.

Lợi nhuận, được xác định trên cơ sở là hàng hóa bán ra thị trường, chứ không phải trên cơ sở hàng hóa được sản xuất ra” (Kosiachenko, Kế hoạch và hạch toán chi phí, Tạp chí Tài chính Liên Xô, số 12, 1964)

Do đó, sự điều tiết của lợi nhuận thực chất là sự điều tiết của thị trường:

Chúng ta phải thừa nhận rằng, cơ chế thị trường đóng vai trò điều tiết sản xuất” (Konnik: Kế hoạch và thị trường, Tạp chí kinh tế học, số 5, 1966)

Nói tóm lại, xí nghiệp hoạt động không phải để đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của quần chúng nhân dân, mà là để đạt lợi nhuận cao nhất khi bán hàng hóa ra thị trường.

Biện pháp tiếp theo mà cải cách thực hiện đó là phân cấp một cách rộng rãi sự tích lũy và đầu tư vốn của xí nghiệp. Nó cho phép các xí nghiệp tùy ý sử dụng một phần lớn lợi nhuận để mở rộng tái sản xuất theo hướng cố định các khoản đầu tư một cách độc lập. Các khoản đầu tư tập trung bắt đầu giảm xuống, các khoản đầu tư phi tập trung sẽ dần tăng lên. Như vậy, tín dụng sẽ được sử dụng như một phương tiện nhằm đảm bảo lợi nhuận của các xí nghiệp.

Việc phân cấp quản lý sản xuất và kế hoạch hóa tiêu chí cũng dẫn đến mối quan hệ tùy ý giữa các xí nghiệp sản xuất và xí nghiệp thương mại bán lẻ, họ được tự do xây dựng mối quan hệ, bán hàng hóa của họ và sản xuất theo các đơn đặt hàng mà các xí nghiệp thương mại kiếm được. Từ đó dẫn đến hiện tượng phụ thuộc giữa các xí nghiệp sản xuất vào cuộc chơi của thị trường tự do, với mấu chốt cuối cùng là đạt được tối đa lợi nhuận. Đồng thời nó còn dẫn đến hiện tượng các xí nghiệp này có xu hướng giảm dần tốc độ cải tiến kỹ thuật, việc cung cấp vật tư, kỹ thuật tập trung trước đây đã nhường chỗ cho việc trao đổi mua bán tư liệu sản xuất giữa các xí nghiệp sản xuất và thương mại.

Biện pháp tiếp theo mà cải cách thực hiện đó là đổi mới mối quan hệ tài chính giữa xí nghiệp và nhà nước. Bãi bỏ thuế đánh vào doanh thu, như một hình thức thu nhập ròng của xã hội và thay vào đó là thuế mới - các xí nghiệp sẽ phải nộp một tỷ lệ phần trăm cố định dựa trên quỹ sản xuất - hay là cái mà chúng ta rất đỗi quen thuộc trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa: tỷ lệ phần trăm trên vốn.

Hệ quả của các biện pháp nêu trên tất yếu sẽ tác động đến việc thay đổi trong hệ thống giá cả. Và do đó, để đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp và vì mục đích tái sản xuất mở rộng phi tập trung, giá cả hàng hóa sẽ không còn giảm nữa, thường là có xu hướng tăng lên.

Sự thay đổi của hệ thống giá cả và dưới tác động của lợi nhuận, nguyên tắc phân phối theo lao động xã hội chủ nghĩa dưới thời Stalin cũng sẽ phải bị bãi bỏ và nhường cho lối trả công - hay gọi nôm na là bán sức lao động.

Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy chúng ta rằng, việc sử dụng lợi ích vật chất trong lao động sẽ trở thành nhân tố kích thích sự phát triển hiệu quả của sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Mặt khác lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng nguyên tắc lợi ích vật chất chỉ có thể sử dụng hiệu quả vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của chính quần chúng lao động khi nó kết hợp đúng đắn với lập trường cộng sản chủ nghĩa của công nhân, bằng việc giáo dục người lao động đặt tinh thần xã hội trên lợi ích cá nhân.

Nhưng cải cách kinh tế ở Liên Xô dưới thời Khrushchev đã xem rằng lợi nhuận là yếu tố duy nhất vì lợi ích của họ mà công nhân trong các xí nghiệp xã hội chủ nghĩa phải lao động và sản xuất trên cơ sở chế độ sức lao động là hàng hóa. Vì thế, các xí nghiệp Liên Xô được phép trích lập từ lợi nhuận của mình một cái gọi là quỹ trả thù lao không hạn chế. Người lao động sẽ được trả công theo cách thức “lãi cùng lãi, lỗ cùng lỗ với xí nghiệp”. Đây là một lối vận hành đặc thù trong các xí nghiệp tư bản chủ nghĩa. Hệ thống này tạo ra các cơ hội để các giám đốc xí nghiệp làm phương hại đến quyền và lợi ích của người lao động, ăn chặn lương của người lao động, tham nhũng, ăn cắp … để mau giàu có.

Hệ thống trả công này còn dẫn đến hiện tượng bất bình đẳng về lương giữa các xí nghiệp khác nhau cho cùng một công việc, một khối lượng công việc. Thù lao sẽ bị ảnh hưởng tùy vào hiệu quả làm ăn của các xí nghiệp, còn các xí nghiệp thì è cổ cạnh tranh nhau trên thị trường dẫn đến các hiện tượng: mua chuộc quan chức, chia chác, … Mà cuối cùng người khổ chính là những người lao động ở mọi xí nghiệp “xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô. Điều này cũng làm cho tình trạng người lao động bỏ việc ở các xí nghiệp kém hiệu quả, đổ dồn vào các xí nghiệp có hiệu quả, làm mất cân đối nền kinh tế.

Phương thức trả công mới này đã “giáo dục” tinh thần của người lao động theo góc độ lợi ích vật chất tiền bạc, chạy theo đồng tiền, trở thành nô lệ của đồng tiền. Nó truyền bá và nuôi dưỡng các quan điểm tư sản về làm giàu, về đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích xã hội, chà đạp hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của quần chúng và đầu độc tư tưởng quần chúng lao động.

#Gấu