Phái đối lập mới ngả theo Chủ nghĩa Trotsky

"Phái đối lập mới" ngả theo Chủ nghĩa Trotsky


Vấn đề về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia được nêu lại và đặt rõ ràng vào năm 1925, khi Liên Xô căn bản đã khôi phục kinh tế và bước vào giai đoạn phát triển. Vấn đề này, Ban chấp hành Trung ương gặp phải sự phản đối của các phe phái đối lập, và nó trở thành cơ sở cho việc hình thành khối liên minh đối lập mai sau. Nhưng trước hết cần thấy rõ, phái đối lập mới của Zinoviev và Kamenev lúc này đã bắt đầu chuyển sang lập trường của Chủ nghĩa Trotsky. Tức, phủ nhận khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô. Ban chấp hành đảng bộ Moskva hồi tháng Mười hai 1925 đã có tuyên bố như sau:


<<Cách đây không lâu ở trong Bộ Chính trị, Kamenev và Zinoviev đã bảo vệ quan điểm cho rằng chúng ta không thể khắc phục được những khó khăn trong nước do tình trạng lạc hậu về kỹ thuật và kinh tế, nếu cuộc cách mạng quốc tế không cứu thoát chúng ta. Còn chúng tôi cũng như đa số Ban chấp hành Trung ương thì lại nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang xây dựng và sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mặc dù chúng ta có lạc hậu kỹ thuật (ngay lúc này) đi nữa. Đương nhiên, chúng tôi cho rằng công cuộc xây dựng ấy sẽ được tiến hành một cách chậm hơn nhiều so với trong hoàn cảnh thắng lợi trên phạm vi thế giới, tuy vậy chúng ta đang và sẽ tiến lên phía trước. Chúng tôi cũng quan điểm của Kamenev và Zinoviev biểu lộ tâm trạng mất tin tưởng vào lực lượng nội bộ của giai cấp công nhân nước ta và của quần chúng nông dân đi theo giai cấp công nhân. Chúng tôi cho rằng quan điểm ấy xa rời lập trường leninist>> (Lời phúc đáp, đảng bộ Moskva, 12/1925).


Cuốn sách Chủ nghĩa Lenin xuất bản vào tháng Chín 1925 của Zinoviev, đã đánh dấu việc xa rời Chủ nghĩa Lenin và sa vào lập trường tư tưởng của Chủ nghĩa Trotsky trong vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội. Zinoviev viết:


<<Ít nhất cũng phải hiểu rằng thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội như sau: 1) thủ tiêu các giai cấp và do đó cũng là 2) thủ tiêu nền chuyên chính của một giai cấp, trong trường hợp này là nền chuyên chính vô sản>>. Zinoviev nói tiếp: <<Để hiểu rõ hơn xem năm 1925 vấn đề đó ở Liên Xô đã được đặt ra như thế nào, cần phải phân biệt hai điểm: 1) khả năng đảm bảo có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, - tất nhiên khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn có thể trong phạm vi một nước, và 2) xây dựng xong hoàn toàn và củng cố chủ nghĩa xã hội, tức là thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa, xã hội xã hội chủ nghĩa>> (Zinoviev, Chủ nghĩa Lenin, tiếng Nga, tr.291 và 293).


Nếu đọc lướt qua, khó có ai nhận ra rằng Zinoviev đã có một quan niệm sai lầm. Trước hết, tôi xin tóm tắt lại rằng vấn đề chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước theo quan điểm của Lenin được hiểu như sau: 1) Xây dựng thành công và thắng lợi của Chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia. Có nghĩa là Liên Xô không chỉ có thể tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, mà còn có thể làm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở Liên Xô, hình thành xã hội xã hội chủ nghĩa. 2) Chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để và hoàn toàn. Có nghĩa là sau khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi hoàn toàn và triệt để, nguyên nhân là vì chủ nghĩa xã hội mới chỉ thắng lợi trong phạm vi một nước, cho nên nó chưa đủ để xóa bỏ nguy cơ can thiệp vũ trang từ bên ngoài đối với nước xã hội duy nhất đó, vì nó đang sống giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội thắng lợi hoàn toàn và triệt để chính là ở chỗ nó xóa bỏ nguy cơ bị can thiệp vũ trang, bằng cách tạo ra một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, hay chủ nghĩa xã hội đạt đến quy mô khu vực và thế giới chứ không còn trong phạm vi quốc gia.


Đoạn trích đầu tiên Zinoviev cho rằng thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ giai cấp và xóa bỏ chuyên chính vô sản, điều đó không đúng, nó phải là xóa bỏ nguy cơ can thiệp vũ trang bên ngoài. Đồng thời mối liên hệ giữa đoạn trích thứ nhất và đoạn trích thứ hai cũng sẽ đi đến chỗ không đúng khác. Đoạn trích thứ hai hàm ý rằng thắng lợi hoàn toàn (và triệt để) của chủ nghĩa xã hội là khi đã có xã hội xã hội chủ nghĩa, nó có nghĩa là khi đã có được xã hội xã hội chủ nghĩa thì sẽ chấm dứt chuyên chính vô sản (liên hệ với đoạn trích thứ nhất). Nó hoàn toàn khác với Chủ nghĩa Lenin. 


Chủ nghĩa Lenin đi đến kết luận rằng thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội là khi xóa bỏ được nguy cơ can thiệp vũ trang từ bên ngoài, tức là mặc dầu Liên Xô có xây dựng được xã hội xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội vẫn chưa kết thúc, nó chỉ mới thanh toán khả năng phục hồi của chủ nghĩa tư bản, chứ chưa thể thanh toán nguy cơ can thiệp của chủ nghĩa tư bản từ bên ngoài vào. Do đó, nếu kết thúc chuyên chính vô sản và đi đến chỗ sự tan rã của Nhà nước trong điều kiện còn nằm trong vòng vây của Chủ nghĩa tư bản. Điều đó hết sức tai hại. Chúng ta có thể hình dung như sau: Năm 1936, Liên Xô xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện xã hội xã hội chủ nghĩa. Nếu như công thức của Zinoviev là đúng thì Liên Xô sẽ bắt đầu xóa bỏ chuyên chính vô sản và giải thể (lụi tàn) Nhà nước. Vậy khi Chiến tranh Vệ quốc 1941 nổ ra thì ai tổ chức và quản lý toàn bộ hệ thống kinh tế có tính chất tập trung trong thời chiến ?


Cái công thức đó của Zinoviev đã sai lệch như thế, cố nhiên, nó vẫn chưa phải là đi đến chỗ phủ định khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia.


Nhưng tại Đại hội XIV (12/1925), Zinoviev đã phát biểu như sau:


<<Các đồng chí hãy xem xem, chẳng hạn đồng chí Yakolev đã đi đến chỗ nói nhảm nhí như thế nào tại hội nghị đại biểu gần đây của tỉnh đảng bộ Kursk. Đồng chí ấy hỏi: “Ở một nước bị kẻ thù tư bản chủ nghĩa bao vây tứ phía, liệu rằng chúng ta có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở một nước trong những điều kiện như thế, hay không ?”. Và đồng chí tự trả lời: “Căn cứ vào tất cả những điều trình bày, chúng ta có thể nói rằng không những đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà chúng ta sẽ nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mặc dù tạm thời còn đơn độc, tạm thời còn là một nước Xô viết duy nhất, một quốc gia xô viết duy nhất trên thế giới (Sự thất Kursk, số 279, 8/12/1925)”.....Phải chăng đó là cách đặt vấn đề một cách leninist ? Chả phải ở đây đã toát lên cái tinh thần hẹp hòi dân tộc hay sao ?>>


Nếu như trong tác phẩm Chủ nghĩa Lenin hồi tháng Chín 1925, Zinoviev chỉ phạm sai lầm đó là hiểu lệch Chủ nghĩa Lenin. Thì tại Đại hội XIV, Zinoviev đi đến chỗ khẳng định lại những lời lẽ Trotsky phê phán Lenin hồi năm 1915, tức là cho rằng cổ súy cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia tức là “mắc bệnh dân tộc hẹp hòi”. Chính ở điểm này, Zinoviev đã ngả về Trotsky về mặt tư tưởng, chuyển sang lập trường Chủ nghĩa Trotsky. Và đó cũng chính là cơ sở chính trị cho sự ra đời của liên minh phái đối lập của “phái đối lập mới” của Zinoviev - Kamenev và phái Trotsky.