P.6 Bọn địa chủ Ba Lan tấn công nước Nga Xô Viết. Tướng Wrangel mạo hiểm. Kế hoạch của Ba Lan đổ vỡ. Wrangel bị đánh bại. Chấm dứt sự can thiệp.


Chương 8

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC 

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA SAU CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

6. Bọn địa chủ Ba Lan tấn công nước Nga Xô Viết. Tướng Wrangel mạo hiểm. Kế hoạch của Ba Lan đổ vỡ. Wrangel bị đánh bại. Chấm dứt sự can thiệp.

Mặc dầu Kolchak và Denikin đã bị đè bẹp, mặc dầu nước Nga Xô Viết ngày càng mở rộng đất đai của mình, giải phóng khu phía Bắc, Turkestan, Siberia, sông Đông, Ukraine, v.v. khỏi bọn bạch vệ và bọn can thiệp, mặc dầu bọn Đồng minh phải bỏ phong tỏa nước Nga, nhưng các nước Đồng minh vẫn chưa chịu nhận rằng chính quyền Xô Viết là vô địch, rằng chính quyền ấy đã thắng. Cho nên các nước ấy quyết định can thiệp một lần nữa chống nước Xô Viết. Lần này, một mặt bọn can thiệp lợi dụng Pilsudski, một tên theo chủ nghĩa dân tộc tư sản phản cách mạng, cầm đầu chính phủ Ba Lan, một mặt chúng dùng tướng Wrangel, tên này đã tụ tập được tàn quân của Denikin ở Crimea và từ đó, uy hiếp vùng mỏ than Donbass và Ukraine.

Theo lời Lenin nói, Ba Lan là bọn địa chủ và Wrangel là hai bàn tay của chủ nghĩa đế quốc quốc tế đang tìm cách bóp chết nước Nga Xô Viết.

Kế hoạch của Ba Lan là: chiếm Ukraine vùng phía hữu ngạn Đông Dniepr, chiếm Belorussia Xô Viết, lập lại chính quyền của bọn địa chủ Ba Lan trong những miền này, mở rộng biên giới nước Ba Lan “từ biển này sang tận biển kia”, từ Danzig đến Odessa và, để trả công tướng Wrangel đã giúp chúng, giúp tướng này đánh tan Hồng quân và lập lại ở nước Nga Xô Viết chính quyền của bọn địa chủ và tư sản.

Kế hoạch ấy được các nước Đồng minh thông qua.

Những cố gắng của chính phủ Xô Viết điều đình với Ba Lan để duy trì hòa bình và tránh chiến tranh không đem lại kết quả. Pidsudski không muốn nói đến hòa bình. Y muốn chiến tranh. Y tưởng rằng Hồng quân mệt mỏi sau những trận đánh nhau với Kolchak và Denikin, sẽ không chống nổi cuộc tấn công của quân đội Ba Lan.

Thời kì ngưng chiến ngắn ngủi đã chấm dứt.

Tháng Tư 1920, quân đội Ba Lan xâm nhập Ukraine Xô Viết và chiếm Kiev. Đồng thời Edward Rydz-Śmigły cũng tấn công, uy hiếp khu mỏ vùng Donbass.

Để trả lời cuộc tấn công của quân đội Ba Lan, Hồng quân đã phản công suốt các mặt trận. Sau khi giải phóng Kiev và đuổi bọn đại địa chủ Ba Lan ra khỏi Ukraine và Belorussia, Hồng quân ở Mặt trận phía Nam trên đà tiến công tiến thẳng đến cửa thành Lvov ở Galicia, còn bộ đội mặt trận Tây tiến sát đến Warsaw. Quân đội của bọn địa chủ Ba Lan sắp hoàn toàn thất bại.

Nhưng những hành động của Trotsky và đồng bọn ở Bộ Tư lệnh Hồng quân đã làm tan vỡ những thắng lợi của Hồng quân. Vì lầm lỗi của Trotsky, và Tukhachevsky, cuộc tấn công của Hồng quân trên mặt trận Tây, tiến về phía Warsaw một cách hoàn toàn không có tổ chức; người ta không để cho bộ đội có thời gian củng cố các vị trí đã chiếm được, những đơn vị đi trước tiến sâu quá, còn đạn dược và quân dự bị thì lại để quá xa ở hậu phương, do đó những đơn vị này không có đạn dược và quân dự bị; tuyến mặt trận thì kéo dài vô tận, do đó mặt trận dễ bị chọc thủng. Vì thế khi một đội quân nhỏ của Ba Lan cũng có thể chọc thủng một chỗ ở mặt trận phía Tây của Hồng quân, thì quân ta vì thiếu đạn dược nên đã phải rút lui. Còn về quân đội mặt trận phía Nam lúc bấy giờ đã ở trước thành Lvov và đang uy hiếp quân Ba Lan, nhưng “chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng” - Trotsky cấm không cho chiếm Lvov và ra lệnh cho đội kỵ binh, tức là lực lượng chính của mặt trận phía Nam, phải kéo về Đông Bắc, lấy cớ là để giúp mặt trận phía Tây, tuy rất dễ hiểu rằng chiếm Lvov là cách giúp đỡ duy nhất có thể được và tốt nhất cho mặt trận phía Tây. Nhưng rút đội kỵ binh khỏi mặt trận phía Nam và khỏi miền Lvov thực ra có nghĩa là lùi quân cả ở mặt trận phía Nam. Thế là mệnh lệnh tai hại của Trotsky đã bắt quân đội mặt trận phía Nam rút lui, một cuộc rút lui không thể hiểu được và không có căn cứ nào hết: một cuộc rút lui chỉ làm cho bọn địa chủ Ba Lan mừng rỡ mà thôi.

Đó là một sự giúp đỡ trực tiếp, nhưng không phải cho mặt trận phía Tây của Hồng quân, mà là cho bọn địa chủ Ba Lan và phe Đồng minh.

Mấy ngày sau, cuộc tấn công của quân đội Ba Lan bị chặn lại, Ba Lan không còn sức tiếp tục chiến tranh và buộc phải bỏ tham vọng chiếm Ukraine vùng phía hữu ngạn sông Dniepr và Belorussia, và phải kí hòa ước với Nga. Ngày 20 tháng Mười 1920, hòa ước với Ba Lan đã được ký kết ở Riga, theo hòa ước ấy thì Ba Lan giữ lại miền Galicia và một phần Belorussia.

Ký hòa ước với Ba Lan xong, nước Cộng hòa Xô Viết quyết định giải quyết với Wrangel. Tên tướng này đã được Anh và Pháp trang bị vũ khí tối tân, ô tô bọc sắt, xe tăng, máy bay, quân nhu. Y nắm trong tay những đơn vị xung kích bạch vệ chủ yếu là bọn sĩ quan. Nhưng Wrangel không tập hợp được những lực lượng nông dân và cossack tương đối lớn xung quanh những đội quân mà y đã cho đổ bộ ở Cuban và vùng sông Đông. Tuy nhiên Wrangel đã tiến đến gần miền Donbass, uy hiếp vùng mỏ than của nước Nga. Tình thế chính quyền Xô Viết lại thêm khó khăn vì bấy giờ Hồng quân đã rất mệt mỏi. Hồng quân phải tiến trong những điều kiện hết sức khó khăn, vừa phải đánh quân của Wrangel, đồng thời lại vừa phải dẹp tan bọn vô chính phủ Marno lúc này giúp Wrangel. Nhưng mặc dù Wrangel có ưu thế về kỹ thuật, và Hồng quân không có xe tăng, Hồng quân vẫn đuổi Wrangel đến tận bán đảo Crimea. Tháng Mười Một 1920, Hồng quân chiếm những vị trí vững chắc Perekov, tiến vào Crimea, đánh tan quân của Wrangel và giải phóng Crimea khỏi bọn bạch vệ và bọn can thiệp. Crimea trở thành đất Xô Viết.

Kế hoạch nước lớn của Ba Lan bị tan vỡ, Wrangel bị đánh tan, thế là chấm dứt thời kì can thiệp.

Cuối năm 1920, miền Nam Caucasus bắt đầu được giải phóng khỏi ách của bọn dân tộc chủ nghĩa tư sản: bọn Musavat ở Azerbaijan, bọn menshevik dân tộc chủ nghĩa ở Georgia, bọn Dasonac ở Armenia. Chính quyền Xô Viết đã thắng ở Azerbaijan, ở Armenia và ở Georgia.

Như thế vẫn chưa có nghĩa là sự can thiệp đã hoàn toàn chấm dứt. Ở Viễn Đông, sự can thiệp của Nhật Bản kéo dài mãi tới 1922. Ngoài ra, vẫn còn những mưu đồ tổ chức can thiệp mới (Ataman Semyonov và bá tước Ungern ở phía Đông, bọn bạch vệ Phần Lan ở Karelia năm 1921). Song những kẻ thù chính của nước Xô Viết, những lực lượng căn bản của bọn can thiệp đã bị đánh tan cuối năm 1920.

Chiến tranh của bọn can thiệp ngoại quốc và bọn bạch vệ Nga chống các Xô Viết đã kết thúc bằng thắng lợi của các Xô Viết.

Nước Cộng hòa Xô Viết đã giữ được độc lập của quốc gia và tồn tại tự do của mình.

Sự can thiệp vũ trang của nước ngoài và cuộc nội chiến chấm dứt.

Đó là thắng lợi lịch sử của chính quyền Xô Viết.