P.5. Liên Xô cuối thời kỳ khôi phục. Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Phe « đối lập mới » Di-nô-vi-ép - Ca-mê-nép. Đại hội XIV của đảng. Phương hướng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đất nước.

Chương IX

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG THỜI KỲ CHUYỂN SANG HÒA BÌNH 

KHÔI PHỤC NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN (1921 - 1925)

5. Liên Xô cuối thời kỳ khôi phục. Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Phe « đối lập mới » Di-nô-vi-ép - Ca-mê-nép. Đại hội XIV của đảng. Phương hướng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đất nước.


Đảng bôn-sê-vích và giai cấp công nhân đã làm việc bền bỉ hơn bốn năm theo con đường chính sách kinh tế mới. Công việc anh dũng khôi phục nền kinh tế quốc dân sắp hoàn thành. Lực lượng kinh tế và chính trị của Liên Xô càng ngày càng phát triển.

Lúc ấy tình hình quốc tế đã thay đổi. Chủ nghĩa tư bản đã đứng vững chống được đợt tấn công cách mạng thứ nhất của quần chúng sau cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Phong trào cách mạng ở Đức, Ý, Bun-ga-ri, Ba-lan, và nhiều nước khác đã bị đàn áp. Trong việc này giai cấp tư sản đã được bọn lãnh tụ các đảng thoả hiệp dân chủ - xã hội giúp sức. Thời kỳ thoái trào tạm thời của cách mạng bắt đầu. Bắt đầu có sự ổn định tạm thời, cục bộ của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu; chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu củng cố từng bộ phận vị trí của nó. Nhưng sự ổn định của chủ nghĩa tư bản không gạt bỏ được những mâu thuẫn cơ bản đang phá hoại xã hội tư bản. Trái lại, sự ổn định cục bộ của chủ nghĩa tư bản lại là gay gắt thêm mâu thuẫn giữa công nhân và bọn tư bản, giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc thuộc địa, giữa các nhóm đế quốc các nước khác nhau. Sự ổn định của chủ nghĩa tư bản chuẩn bị cho những mâu thuẫn lại nổ tung ra lần nữa, chuẩn bị những cuộc khủng hoảng mới ở các nước tư bản.

Song song với sự ổn định của chủ nghĩa tư bản, Liên Xô cũng bước vào ổn định. Tuy nhiên, hai thứ ổn định ấy khác hẳn nhau về căn bản. Sự ổn định tư bản chủ nghĩa báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới của chủ nghĩa tư bản. Sự ổn định của Liên Xô có nghĩa là một bước tiến mới của lực lượng kinh tế và chính trị của nước xã hội chủ nghĩa.

Mặc dầu cách mạng ở phương Tây thất bại, địa vị quốc tế của Liên Xô vẫn tiếp tục được củng cố, dĩ nhiên là với nhịp chậm hơn.

Năm 1922, Liên Xô được mời dự Hội nghị kinh tế quốc tế ở Giê-nơ nước Ý. Trong hội nghị ấy, các chính phủ đế quốc, được khuyến khích vì cách mạng ở các nước tư bản đã thất bại, đã tìm cách làm áp lực đối với nước Cộng hòa Xô-viết một lần nữa và lần này bằng hình thức ngoại giao. Bọn đế quốc về những yêu sách láo xược với nước Xô-viết. Chúng đòi trả lại cho bọn tư bản ngoại quốc các công xưởng và nhà máy mà Cách mạng tháng Mười đã quốc hữu hỏa, đòi nước Xô-viết phải trả tất cả những món nợ mà chính phủ Nga hoàng đã vay. Có nhận những điều kiện như thế, bọn đế quốc mới hứa cho chính phủ Xô-viết vay một số tiền nhỏ. Liên Xô bác những yêu sách ấy.

Hội nghị Giê-nơ không đem lại kết quả. Năm 1923, bộ trưởng Ngoại giao Anh là Kéc-dôn gửi tối hậu thư dọa sẽ can thiệp bằng quân sự một lần nữa, sự dọa nạt ấy cũng đã bị bác đi một cách đích đáng.

Sau khi thử thách đã thấy rõ chính quyền Xô-viết vững chãi, các nước tư bản lần lượt khôi phục quan hệ ngoại giao với nước Nga. Trong năm 1921, quan hệ ngoại giao với Anh, Pháp, Nhật và Ý đã được khôi phục. Rõ ràng là nước Xô-viết đã biết giành lấy cả một thời kỳ tạm hòa bình.

Tình hình trong nước cũng đã thay đổi. Dưới sự lãnh đạo của đảng bôn-sê-vích, công nhân và nông dân tận tụy làm việc đã thu được nhiều kết quả. Kinh tế quốc dân phát triển nhanh. Năm 1924 - 1925, nông nghiệp đã gần đạt được mức trước chiến tranh, bằng 87% mức ấy. Đại công nghiệp Liên Xô năm 1925 đã cung cấp được gần ba phần tư mức sản xuất trước chiến tranh. Trong hai năm 1924- 1925, nước Xô-viết đã đầu tư 385 triệu rúp vào kiến thiết cơ bản. Kế hoạch điện khí hóa đất nước tiến hành có kết quả. Các vị trí then chốt trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được củng cố. Công tác đấu tranh chống tư bản tư nhân trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp thu được nhiều thắng lợi quan trọng.

Cao trào kinh tế làm cho đời sống công nhân và nông dân được cải thiện. Số lượng giai cấp công nhân tăng nhanh. Tiền lương tăng. Năng suất lao động cũng tăng. Đời sống vật chất của nông dân khá hẳn hơn trước. Năm 1924 - 1925, Nhà nước công nông đã bỏ ra được 290 triệu rúp để giúp đỡ tầng lớp nông dân yếu thế. Trên cơ sở đời sống của công nhân và nông dân được cải thiện, sự hoạt động chính trị của quần chúng phát triển rất mạnh. Chuyên chính vô sản lược củng cố. Uy tín và ảnh hưởng của đảng bôn-sê-vích tăng thêm.

Công cuộc khôi phục kinh tế quốc dân sắp hoàn thành. Nhưng đối với nước Xô-viết, nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ khôi phục kinh tế, chỉ đạt tới mức trước chiến tranh thì không đủ. Mức trước chiến tranh là mức của nước lạc hậu. Phải tiến lên nữa. Hòa bình kéo dài mà Nhà nước Xô-viết giành được, đã bảo đảm khả năng tiếp tục công cuộc xây dựng.

Nhưng ở đây, vấn đề triển vọng, vấn đề tính chất sự phát triển của nước Nga, tính chất công cuộc xây dựng của nước Nga, vấn đề vận mệnh của chủ nghĩa xã hội Liên Xô, được đặt ra hết sức rõ ràng. Phải xây dựng kinh tế ở Liên Xô theo hướng nào, theo hướng chủ nghĩa xã hội hay hướng khác ? Chúng ta có phải và có thể xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa không, hay là buộc phải vun bón cho một nền kinh tế khác, kinh tế tư bản chủ nghĩa ? Nói chung thì có thể xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô không, và nếu có thì có thể xây dựng nền kinh tế ấy trong tình hình cách mạng chậm nổ ra ở các nước tư bản và trong tình hình có sự ổn định của chủ nghĩa tư bản, hay không ? Có thể xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo con đường chính sách kinh tế mới, trong khi hết sức củng cố và mở rộng các lực lượng của chủ nghĩa xã hội trong nước, thì đồng thời có để cho chủ: nghĩa tư bản tạm thời phát triển một đôi chút, hay không ? Phải xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa như thế nào, và phải bắt đầu từ đâu ?

Tất cả các vấn đề ấy đặt ra trước đảng lúc cuối thời kỳ khôi phục không phải với tính cách là những vấn đề lý thuyết mà là những vấn đề thực tiễn, những vấn đề xây dựng kinh tế hàng ngày.

Phải giải đáp trực tiếp và rõ ràng tất cả những vấn đề ấy để các cán bộ kinh tế của đảng đang xây dựng công nghiệp và nông nghiệp, cũng như để toàn dân, biết hướng đi, về phía chủ nghĩa xã hội hay là về phía chủ nghĩa tư bản.

Không giải đáp rõ ràng những vấn đề ấy, toàn bộ công tác thực tiễn của chúng ta về xây dựng sẽ là công việc không có triển vọng, công việc nhắm mắt mà làm, công việc vô ích.

Đảng đã giải đáp các vấn đề ấy một cách rõ ràng và dứt khoát.

Đảng giải đáp: Đúng, có thể và phải xây dựng kinh tế tế xã hội chủ nghĩa nước Nga, vì chúng ta có tất cả những điều cần thiết để xây dựng nền kinh tế ấy, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn. Tháng Mười 1917, về chính trị, giai cấp công nhân đã thắng chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính của giai cấp công nhân. Từ đó, chính quyền Xô-viết đã dùng mọi phương sách để đập tan thế lực kinh tế của chủ nghĩa tư bản và tạo điều kiện để xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tước đoạt bọn tư bản và bọn địa chủ; biến ruộng đất, nhà máy, đường giao thông, ngân hàng thành sở hữu toàn dân; thi hành chính sách kinh tế mới; xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa của Nhà nước; thực hiện kế hoạch hợp tác hóa do Lê-nin đề ra, – đó là những phương sách đã thi hành. Bây giờ, nhiệm vụ chủ yếu là mở rộng việc xây dựng nền kinh tế mới, xã hội chủ nghĩa ở khắp nước, và qua đó đè bẹp chủ nghĩa tư bản cả trên địa hạt kinh tế nữa. Toàn bộ công việc thực tiễn của chúng ta, mọi hành động của chúng ta phải phục tùng những yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chủ yếu ấy. Giai cấp công nhân có thể và sẽ làm tròn nhiệm vụ ấy. Phải bắt đầu thực hiện nhiệm vụ to lớn ấy bằng việc công nghiệp hóa nước nhà. Công nghiệp hóa nước nhà theo chủ nghĩa xã hội, đó là khâu chủ yếu mà ta phải bắt đầu từ đó để mở rộng việc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tình trạng cách mạng chậm nổ ra ở phương Tây cũng như sự ổn định bộ phận của chủ nghĩa tư bản ở những nước không phải là Xô-viết, đều không thể làm ngừng bước tiến tới chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Chính sách kinh tế mới chỉ có thể làm cho nhiệm vụ của chúng ta dễ thực hiện hơn, vì chính sách ấy là do đảng đề ra để làm dễ dàng việc xây dựng cơ sở xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế quốc dân của chúng ta.

Đó là lời giải đáp của đảng đối với vấn đề thắng lợi của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Nhưng đảng biết rằng không phải vấn đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong một nước chỉ có thế. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại và là một thắng lợi có tính cách mạng lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân và nông dân Liên Xô. Nhưng dù sao, đó chỉ mới là sự nghiệp trong nước của Liên Xô và chỉ là một phần của vấn đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Phần nữa của vấn đề, tức là mặt quốc tế của vấn đề. Khi chứng minh luận điểm nói rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước, tuân theo sự chỉ dẫn của Lê-nin, đồng chí Sta-lin đã nhiều lần chỉ rằng phải phân biệt hai phương diện của vấn đề: phương diện trong nước và phương diện quốc tế. Về phương diện trong nước của vấn đề tức là về mối tương quan của các giai cấp ở trong nước, thì giai cấp công nhân và nông dân ở Liên Xô hoàn toàn có thể thắng giai cấp tư sản ở nước mình về kinh tế và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng còn có phương diện quốc tế của vấn đề nữa, tức là lĩnh vực quan hệ ngoài nước, lĩnh vực quan hệ giữa nước Xô-viết và các nước tư bản, giữa nhân dân Xô-viết và giai cấp tư sản quốc tế, giai cấp này căm ghét chế độ Xô-viết và tìm cơ hội để lại can thiệp vũ trang vào nước Xô-viết một lần nữa, để lại thực hiện những mưu toan khôi phục lại chế độ tư bản Liên Xô. Vì hiện nay Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất và các nước khác vẫn là nước tư bản, cho nên xung quanh Liên Xô vẫn còn vòng vây tư bản, sự bao vây ấy đẻ ra nguy cơ các nước tư bản có thể can thiệp. Rõ ràng là chừng nào còn vòng vây tư bản thì vẫn còn nguy cơ can thiệp của bọn tư bản.

Chỉ riêng với lực lượng của chính mình, nhân dân Liên Xô có thể thủ tiêu được nguy cơ bên ngoài, nguy cơ bọn tư bản can thiệp vào Liên Xô không ? Không, không thể được. Không thể được, vì muốn tiêu diệt nguy cơ can thiệp của bọn tư bản thì phải tiêu diệt vòng vây tư bản, mà chỉ có thể tiêu diệt được vòng vây tư bản sau khi cách mạng vô sản đã thắng lợi ít nhất là ở vài nước. Từ đó ta thấy rằng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, thể hiện ở chỗ đã thủ tiêu hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa và xây dựng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, cũng không thể coi là một thắng lợi hoàn toàn, chừng nào mà nguy cơ can thiệp vũ trang của nước ngoài và mưu toan khôi phục chủ nghĩa tư bản vẫn chưa loại trừ được, chừng nào mà nước xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được đảm bảo tránh khỏi nguy cơ ấy. Muốn thủ tiêu nguy cơ can thiệp của bọn tư bản ngoại quốc thì phải thủ tiêu vòng vây tư bản.

Đương nhiên, nhân dân Liên Xô và Hồng quân của nhân dân Liên Xô, nhờ chính sách đúng của chính quyền Xô-viết, sẽ có thể đánh trả một cách thích đáng sự can thiệp của bọn tư bản nước ngoài như họ đã đánh trả cuộc can thiệp lần thứ nhất của bọn tư bản vào những năm 1918 - 1920. Nhưng như thế vẫn không có nghĩa là đã hết nguy cơ can thiệp mới của bọn tư bản đầu. Sự thất bại của lần can thiệp thứ nhất không xóa bỏ được nguy cơ can thiệp lần thứ hai, vì nguồn gốc của nguy cơ can thiệp - vòng vây tư bản - vẫn còn. Sự thất bại của cuộc can thiệp lần thứ hai cũng sẽ không dập tắt được nguy cơ can thiệp, nếu vòng vây tư bản vẫn còn.

Do đó sự thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước tư bản là quyền lợi sống còn của lao động Liên Xô. Đó là phương châm của đảng trên vấn đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở trong nước Nga.

Ban Chấp hành trung ương đảng yêu cầu phương châm đó sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị XIV của đảng sắp họp, sẽ được tán thành và coi đó là phương châm của đảng, luật lệ của đảng, bắt buộc toàn thể đảng viên phải tuân theo.

Phương châm ấy của đảng làm cho phái đối lập choáng váng. Trước hết vì đảng đem lại cho phương châm ấy một tính chất thực tiễn và cụ thể, gắn nó với kế hoạch thực tiễn công nghiệp hóa nước nhà theo chủ nghĩa xã hội và đòi hỏi phải làm cho phương châm ấy mang hình thức một luật lệ của đảng, hình thức một nghị quyết của hội nghị XIV, bắt buộc toàn thể đảng viên phải tuân theo.

Bọn Tơ-rốt-ski phản đối phương châm của đảng và đối lập lại bằng thuyết « cách mạng thường trực » theo quan điểm men-sê-vích; chỉ để giễu cợt chủ nghĩa Mác thì mới có thể gọi thuyết này là lý luận Mác, nó phủ nhận khả năng thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Bọn Bu-kha-rin không dám trực tiếp chống lại phương châm của đảng. Nhưng tuy vậy chúng vẫn kín đáo đối lập lại phương châm ấy bằng « thuyết » của chúng chủ trương giai cấp tư sản chuyển thành chủ nghĩa xã hội một cách hòa bình, bổ sung cho phương châm ấy một khẩu hiệu « mới » : « Hãy làm giàu đi ». Theo bọn Bu-kha-rin thì chủ nghĩa xã hội thắng lợi không có nghĩa là thủ tiêu giai cấp tư sản, mà là nuôi dưỡng giai cấp ấy, làm giàu giai cấp ấy.

Di-nô-vi-ép và Ca-mê-mép có lúc đã dám ló ra nói rằng chủ nghĩa xã hội không thể thành công ở Liên Xô được, vì kinh tế và kỹ thuật Liên Xô còn lạc hậu, nhưng về sau bọn chúng đã phải lẩn đi.

Hội nghị XIV của đảng (tháng Tư 1925) lên án tất cả các « thuyết » đầu hàng ấy của bọn đối lập công khai và giấu mặt; hội nghị đã khẳng định phương châm của đảng đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Di-nô-vi-ép và Ca-mê-nép bị đẩy vào chân tường, đã phải tán thành nghị quyết ấy. Nhưng đảng biết rằng bọn chúng chỉ hoãn cuộc đấu tranh của chúng chống lại nghị quyết và quyết định sẽ « chiến đấu với đảng » tại đại hội XIV của đảng. Chúng tập hợp những kẻ ủng hộ chúng tại Lê-nin-gơ-rát và lập ra cái gọi là « phái đối lập mới ».

Tháng Chạp năm 1925 họp đại hội XIV của đảng. Đại hội tiến hành trong hoàn cảnh nội bộ đảng căng thẳng. Từ khi có đảng, chưa bao giờ có tình hình cả đoàn đại biểu của một trung tâm lớn của đảng như Lê-nin-gơ-rát lại chuẩn bị chống lại Ban Chấp hành trung ương như thế.

Tham dự đại hội có 665 đại biểu có quyền biểu quyết và 611 đại biểu tư vấn, đại diện cho 643.000 đảng viên chính thức và 445.000 đảng viên dự bị, tức là kém số đảng viên lần đại hội trước một ít. Ở đấy biểu lộ kết quả của cuộc thanh trừ bộ phận ở các chi bộ trường đại học và cơ quan đầy rẫy những phần tử chống đảng.

Đồng chí Sta-lin thuyết trình báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương. Đồng chí trình bày rõ ràng sự phát triển của lực lượng chính trị và kinh tế của Liên Xô. Nhờ ưu thế của hệ thống kinh tế Xô-viết, công nghiệp cũng như nông nghiệp đã được khôi phục trong một thời gian tương đối ngắn, và đã gần đạt tới mức trước chiến tranh. Mặc dầu những thành công ấy, đồng chí Sta-lin đề nghị không nên thỏa mãn với điều đó, vì những thành công ấy không thể xóa bỏ được sự thật này là nước Nga vẫn còn là một nước lạc hậu, nông nghiệp. Hai phần ba tổng sản lượng là do nông nghiệp, chỉ có một phần ba là do công nghiệp. Đồng chí Sta-lin nói: trước đảng đề ra một cách hết sức rõ ràng vấn đề biến nước ta thành một nước công nghiệp, độc lập về kinh tế đối với các nước tư bản. Điều đó có thể làm được và cần phải làm được điều đó. Nhiệm vụ trung tâm của đảng là đấu tranh cho việc công nghiệp hóa nước nhà theo chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Đồng chí Sta-lin chỉ rằng :

« Biến nước ta từ nước nông nghiệp thành nước công nghiệp, có thể với lực lượng của chính mình sản xuất được những trang bị cần thiết, đó là nội dung, cơ sở đường lối chung của chúng ta ».

Công nghiệp hóa nước nhà sẽ đảm bảo sự độc lập về kinh tế, củng cố khả năng quốc phòng và tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Bọn Di-nô-vi-ép chống lại đường lối chung của đảng. Xô-cô-ni-cốp thuộc phái Di-nô-vi-ép đem cái kế hoạch tư sản đang được lưu hành trong bọn cá mập của chủ nghĩa đế quốc đối lập lại kế hoạch công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Sta-lin. Theo kế hoạch của Xô-cô-ni-cốp thì Liên Xô phải cứ là một nước nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất nguyên liệu và lương thực, xuất khẩu những thứ ấy và nhập khẩu từ bên ngoài những máy móc mà bản thân nó không chế tạo và không phải chế tạo. Trong điều kiện năm 1925, kế hoạch của Xô-cô-ni-cốp rõ ràng là kế hoạch để các nước có công nghiệp phát triển nô dịch Liên Xô về kinh tế, là kế hoạch để cho Liên Xô lạc hậu mãi về công nghiệp làm vừa lòng bọn cá mập đế quốc ở các nước tư bản.

Chấp nhận kế hoạch ấy có nghĩa là biến nước Nga thành một nước nông nghiệp bất lực, phụ thuộc thế giới tư bản, nghĩa là để cho nước Nga không có vũ khí, suy yếu trước vòng vây tư bản, và cuối cùng là chôn vài sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Đại hội kết án « kế hoạch » kinh tế của bọn Dino-vi-ép là kế hoạch nô dịch Liên Xô.

« Phái đối lập mới » cũng thất bại trong những mánh khóe như khẳng định (ngược lại ý của Lê-nin !) rằng công nghiệp quốc doanh của chúng ta không phải là công nghiệp xã hội chủ nghĩa, hoặc như tuyên bố (cũng lại ngược lại ý của Lê-nin !) rằng trung nông không thể là đồng minh của giai cấp công nhân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội kết án những âm mưu của « phái đối lập mới » là phản chủ nghĩa Lê-nin.

Đồng chí Sta-lin vạch trần thực chất men-sê-vích - tơ-rốt-kit của « phải đối lập mới ». Đồng chí chỉ rõ rằng Di-nô-vi-ép và Ca-mê-nép chỉ lặp lại những luận điệu của kẻ thù của đảng, mà lúc sinh thời Lê-nin đã thẩng tay đấu tranh.

Rõ ràng bọn Di-nô-vi-ép chỉ là bọn Tơ-rốt-ski ngụy trang một cách vụng về.

Đồng chí Sta-lin nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng là giữ vững sự liên minh vững chắc của giai cấp công nhân với trung nông trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí chỉ rõ hai khuynh hướng sai lầm có trong đảng lúc bấy giờ về vấn đề nông dân, những khuynh hướng sai lầm ấy là mối nguy hiểm cho liên minh nói trên. Khuynh hướng sai lầm thứ nhất là đánh giá quá thấp và coi nhẹ nguy cơ cu-lắc; khuynh hướng sai lầm thứ hai là khiếp sợ bọn cu-lắc và đánh giá quá thấp vai trò trung nông. Trả lời câu hỏi: trong hai khuynh hướng ấy khuynh hướng nào tệ hại hơn, đồng chí Sta-lin nói: « Cả hai đều tệ hại, cả khuynh hướng thứ nhất cũng như khuynh hướng thứ hai. Nếu những khuynh hướng ấy phát triển thì nó có thể làm cho đảng tan rã và tiêu vong. May mắn thay trong đảng chúng ta lại có những lực lượng đánh quỵ được cả khuynh hướng thứ nhất cũng như khuynh hướng thứ hai ».

Đảng đã thực sự đè bẹp và đánh quỵ cả khuynh hướng « tả » cũng như khuynh hướng hữu.

Tổng kết các cuộc tranh luận về việc xây dựng kinh tế, đại hội XIV của đảng đã nhất trí bác bỏ các kế hoạch đầu hàng của phái đối lập và ghi vào nghị quyết nổi tiếng của đại hội:

« Trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, đại hội xuất phát từ chỗ nhận định rằng nước ta, nước của vô sản chuyên chính, có « tất cả những điều cần thiết để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn » (Lê-nin). Đại hội coi cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở Liên Xô là nhiệm vụ cơ bản của đảng ta ».

Đại hội XIV thông qua điều lệ mới của đảng. Từ đại hội XIV, đảng được gọi là Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) Liên Xô.

Bọn Di-nô-vi-ép bị đánh bại ở đại hội, không chịu phục tùng đảng. Chúng mở cuộc đấu tranh chống những quyết định của đại hội XIV. Ngay sau đại hội, Di-nô-vi-ép triệu tập Ban chấp hành tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin-gơ-rát, bọn lãnh đạo Ban này đã được Di-nô-vi-ép, Da-lít-ski, Ba-ca-ép, Ép-đô-ki-ốp, Cu-rơ-lin, Xa-pha-ốp và những tên hai mặt khác giáo dục theo tinh thần thù ghét Ban Chấp hành trung ương lê-nin-nít của đảng. Trong cuộc họp ấy, Ban chấp hành tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin-sơ-rát thông qua một quyết định chưa hề có trong lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Liên Xô : không phục tùng các nghị quyết của đại hội XIV của đảng.

Nhưng bọn lãnh đạo đi theo Di-nô-vi-ép của đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin-gơ-rát không phản ánh tinh thần của quần chúng thanh niên cộng sản ở Lê-nin-gơ-rát. Vì thế chúng đã bị đập tan một cách dễ dàng, và không bao lâu, tổ chức thanh niên cộng sản ở Lê-nin-gơ-rát lại trở lại vị trí xứng đáng của họ trong Đoàn thanh niên cộng sản khi các ủy viên lê-nin-nít được các chi ủy bên dưới bầu mới vào Ban chấp hành.

Lúc cuối đại hội XIV của đảng, một nhóm đại biểu gồm các đồng chí Mô-lô-tốp, Ki-rốp, Vô-rô-si-lốp, Ca-lin-in, An-đờ-re-ép và một số đồng chí nữa được phái đến Lê-nin-gơ-rát. Phải giải thích cho các đảng viên đảng bộ Lê-nin-gơ-rát thấy tinh chất chống bôn-sê-vích của lập trường của đoàn đại biểu Lê-nin-gơ-rát trong đại hội - đoàn đại biểu này được ủy nhiệm đi dự đại hội là vì đã gian lận trong khi tuyển cử. Những buổi họp báo cáo về đại hội thật là sôi nổi. Một hội nghị bất thường của đảng bộ Lê-nin-gơ-rát đã được triệu tập. Đại đa số đảng viên ở đây (trên 97%) hoàn toàn tán thành quyết nghị của đại hội XIV của đảng, lên án « phái đối lập mới » chống đảng của Di-nô-vi-ép. Phái này lúc đó chỉ còn là những tên tướng không có quân. Những người bôn-sê-vích ở Lê-nin-gơ-rát vẫn đứng trong hàng đầu của đảng của Lê-nin và Sta-lin.

Tổng kết công việc của đại hội XIV của đảng, đồng chí Sta-lin viết:

« Ý nghĩa lịch sử của đại hội XIV của Đảng cộng sản toàn Liên Xô là ở chỗ nó bóc trần tận gốc những sai lầm của phái đối lập mới, vứt bỏ sự ngờ vực và sự than vãn của phe đối lập, vạch rõ ràng và rành mạch con đường đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, đem lại triển vọng thắng lợi cho đảng, và do đó vũ trang cho giai cấp vô sản lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội » (Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, tr. 150).