P.4 Sự thất bại của Đức về quân sự. Cách mạng ở Đức. Việc thành lập Quốc tế III. Đại hội VIII của Đảng

Chương 8

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC 

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA SAU CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

4. Sự thất bại của Đức về quân sự. Cách mạng ở Đức. Việc thành lập Quốc tế III. Đại hội VIII của Đảng.

Trong khi Nhà nước Xô viết chuẩn bị những trận đánh mới chống sự can thiệp của nước ngoài thì ở phương Tây, hậu phương và tiền tuyến các nước tham chiến, những biến cố quyết định đã xảy ra. Đức và Áo càng bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm của chiến tranh và khủng hoảng lương lực. Giữa lúc Anh , Pháp và Bắc Mỹ đưa ra những dự trữ luôn mới thì Đức và Áo cạn hết những dự trữ cuối cùng. Tình hình đã đi đến chỗ là hai nước này kiệt quệ đến cực độ.

Đồng thời trong các nước Đức và Áo nhân dân sôi sục phản đối cuộc chiến tranh không dứt và tai hại, phản đối chính phủ đế quốc của họ đã làm đất nước kiệt quệ và nghèo đói. Ở đây cũng có ảnh hưởng của cuộc cách mạng to lớn của Cách mạng tháng Mười, của việc binh lính Xô viết bắt tay thân thiện với binh lính Đức-Áo ở ngoài mặt trận, ảnh hưởng của việc đình chiến với nước Nga Xô viết và của hòa ước ký với Nga. Cái gương của Nga- nhân dân đã chấm dứt chiến tranh bằng cách lật đổ chính phủ đế quốc của mình – không thể không là một bài học cho công nhân Áo, Đức. Còn binh sĩ Đức trước kia ở mặt trận phía Đông, sau khi ký hòa ước với Nga đã bị ném sang mặt trận phía Tây, đã kể lại những câu chuyện bắt tay với lính Nga thế nào, nên không thể không làm tan rã quân đội Đức.

Tất cả những tình hình đó đã làm cho xu hướng hòa bình trong quân Đức càng mạnh mẽ; họ không còn khả năng chiến đấu như trước nữa, họ lùi bước trước sự tiến công của quân Đồng minh. Ở chính nước Đức, một cuộc cách mạng đã nổ ra tháng Mười một 1918, lật đổ vua Guy-ôm và chính phủ. Đức buộc phải đầu hàng quân Đồng minh.

Như vậy, nước Đức, một cường quốc có hạng, bỗng chốc bị hạ gục và tụt thành cường quốc hạng thứ.

Đối với chính quyền Xô viết, tình hình đó có ý nghĩa phần nào tiêu cực vì nó làm cho những nược Đồng minh tổ chức sự can thiệp chống chính quyền Xô viết trở thành lực lượng thống trị châu Âu và châu Á, làm cho các nước Đồng minh có thể tăng cường sự can thiệp và tổ chức phong tỏa nước Nga Xô viết, xiết chặt dây thòng lọng xung quanh chính quyền. Nhưng mặt khác, tình hình trên cũng có những ý nghĩa tích cực, về căn bản làm giảm hẳn gánh nặng cho nước Nga Xô viết, một là chính quyền Xô viết có thể hủy bỏ hòa ước ăn cướp Bơ-rét Li-tốp, ngừng trả chiến phí và tiến hành công cuộc giải phóng E-stô-ni, Lét-tô-ni, Li-tu-a-ni (Baltic), Bê-lô-rút-xi, U-cờ-ren (Ukraina), Nam Cáp-ca-dơ khỏi ách thống trị của Đức; hai là sự tồn tại của chính phủ cộng hòa và các Xô viết đại biểu công nhân và binh lính ở trung tâm Châu Âu, ở Đức, chắc chắn sẽ cách mạng hóa à thực tế nó đã cách mạng hóa các nước châu Âu, và như thế địa vị của chính quyền Xô viết tại Nga lại đợc củng cố hơn. Đành rằng cách mạng ở Đức là cách mạng tư sản chứ không phải cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn các Xô viết ở đây là công cụ của các nghị viện tư sản, vì trong các Xô viết ấy, bọn dân chủ xã hội, bọn thỏa hiệp kiểu men-sê-vích Nga, chi phối tất cả, chính điều ấy giải thích sự yếu ớt của cách mạng Đức. Cách mạng Đức yếu đến mức nào, điều đó thấy rõ chẳng hạn ở việc bọn bạch vệ Đức giết hại những nhà cách mạng có tiếng như R. Lúc-xăm-bua và C. Liếp-nếch mà không bị trừng phạt. Nhưng dù sao, dó cũng là cách mạng, vua Guy-ôm bị lật đổ, công nhân phá tan xiềng xích trói buộc họ; chỉ một việc này cũng thúc đẩy cách mạng ở phương Tây, gây một cao trào cách mạng ở các nước châu Âu.

Cao trào cách mạng bắt đầu ở châu Âu. Ở Áo, phong trào cách mạng lan rộng. Chế độ Cộng hòa Xô viết xuất hiện ở Hung. Nhờ làn sóng cách mạng, các đảng cộng sản đều xuất hiện ở châu Âu.

Một cơ sở thực sự đã được tạo ra để thống nhất cả đảng cộng sản trong Quốc tế III, Quốc tế cộng sản.

Tháng Ba 1919, ở Mát-xcơ-va, trong đại hội I của các đảng cộng sản ca1cn ước. Quốc tế cộng sản được thành lập theo sáng kiến của Lê-nin và những người bôn-sê-vích. Mặc dầu sự phong tỏa và sự đàn áp của bọn đế quốc làm cho nhiều đại biểu không tới Mát-xcơ-va được, tại đại hội cũng có đại biểu của các nước quan trọng nhất châu Âu và châu Mỹ. Lê-nin lãnh đạo đại hội.

Trong bản báo cáo về dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản, Lê-nin chỉ rõ ý nghĩa của chính quyền Xô viết là một nền dân chủ chân chính đối với những người lao động. Đại hội thông qua bản tuyên ngôn gửi giai cấp vô sản quốc tế, kêu gọi đấu tranh quyết liệt cho chuyên chính vô sản, cho thắng lợi của Xô viết ở khắp nước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản.

Thế là một tổ chức cách mạng quốc tế kiểu mới của giai cấp vô sản – Quốc tế cộng sản, Quốc tế marxist-leninist đã được thành lập.

Trong tình hình mâu thuẫn, một mặt thì khối phản động các nước Đồng minh chống chính quyền Xô viết ngày càng tăng cường, mặt khác cao trào cách mạng phát triển ở châu Âu, chủ yếu là những nước bại trận, làm giảm gánh nặng rất nhiều cho nước Xô viết, - Đại hội VIII của Đảng đã họp hồi tháng Ba 1919 trong tình hình như thế.

Đại hội có 301 đại biểu có quyền biểu quyết thay mặt cho 313.766 đảng viên và 102 đại biểu tư vấn.

Khai mạc Đại hội. Lê-nin dành lời đầu tiên nói đến một trong những nhà tổ chức ưu tú nhất của Đảng Bôn-sê-vích: đồng chí Svéc-lốp vừa từ trần trước khi Đại hội khai mạc.

Đại hội thông qua cương lĩnh mới của đảng. Cương lĩnh ấy nêu rõ đặc điểm của chủ nghĩa tư bản và giai đoạn cao nhất của nó, chủ nghĩa đế quốc. Trong cương lĩnh, hai chế độ Nhà nước được đem ra so sánh: chế độ dân chủ tư sản và chế độ xô viết. Cương lĩnh chi tiết những nhiệm vụ cụ thể của đảng trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội: tiến hành đến cùng việc tước đoạt giai cấp tư sản, quản lý nền kinh tế của cả nước theo một kế hoạch xã hội chủ nghĩa thống nhất , để các công đoàn tham dự vào việc tổ chức nền kinh tế quốc dân dưới sự kiểm soát của các cơ quan xô viết, lôi cuốn dần dần và có kế hoạch trung nông vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội chấp nhận đề nghị của Lê-nin là: bên cạnh định nghĩa chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản, ghi thêm trong cương lĩnh một đoạn nói về chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp và nền kinh tế hàng hóa giản đơn, đoạn này đã có trong bản cương lĩnh cũ mà Đại hội II của đảng đã thông qua. Lê-nin cho rằng trong cương lĩnh cần chú ý tính phức tạp của nền kinh tế Nga và chỉ rõ trong nước có những thành phần kinh tế khác nhau, kể cả nền kinh tế hàng hóa nhỏ mà trung nông là đại biểu. Vì vậy, khi thảo luận cương lĩnh Lê-nin kiên quyết phản đối quan điểm của Bu-kha-rin đề nghị xóa bỏ những đoạn nói về chủ nghĩa tư bản, về nền sản xuất hàng hóa nhỏ, về kinh tế của trung nông. Quan điểm của Bu-kha-rin là phủ nhận vai trò trung nông trong công cuộc xây dựng chế độ xô viết. Đồng thời Bu-kha-rin làm lơ không nói đến hiện tượng là những phần tử cu-lắc (phú nông) đã xuất hiện và phát triển trong nền kinh tế hàng hóa nhỏ của nông dân.

Lê-nin cũng bác bỏ quan điểm của Bu-kha-rin và Pi-ta-cốp về vấn đề dân tộc. Cả hai đều phản đối việc ghi vào cương lĩnh đoạn nói về quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối sự bình đẳng về pháp luật của các dân tộc, viện lẽ rằng khẩu hiệu ấy ngăn trở thắng lợi của cách mạng vô sản, ngăn trở sự thống nhất vô sản các dân tộc khác nhau. Lê-nin bác bỏ những quan niệm nước lớn và sô-vanh tai hại của Bu-kha-rin và Pi-ta-cốp.

Vấn đề thái độ với trung nông chiếm một vị trí quan trọng trong công việc của Đại hội VIII của đảng. Sau sắc lệnh về ruộng đất, nông thông ngày càng trở thành nông thôn của tầng lớp trung nông. Trung nông ngày càng thành đa số trong nông dân. Tâm trạng và thái độ của trung nông, một tầng lớp ngả nghiêng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, có một tầm quan trọng đặc biệt đối với số phận của cuộc nội chiến và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội chiến thắng hay bại một phần lớn do chỗ trung nông ngã về phía nào, giai cấp nào – tư sản hay vô sản – lôi kéo được trung nông. Mùa hạ 1918, bọn binh lính Tiệp, bọn Bạch vệ, bọn cu-lắc, bọn xã hội chủ nghĩa cách mạng, bọn men-sê-vích đã lật đổ được chính quyền Xô viết ở miền lưu vực sông Vôn-ga là ì chúng được một bộ phận lớn trung nông ủng hộ. Những vụ cu-lắc nổi loạn ở miền Trung nước Nga thắng được cũng là vì thế. Nhưng từ mùa thu 1918, tâm trạng của quần chúng trung nông đã đổi khác, họ quay trở về phía chính quyền Xô viết. Nông dân thấy rằng bọn bạch vệ thắng lợi sẽ khôi phục chính quyền địa chủ, lấy lại đất của nông dân, sẽ xảy ra cướp bóc, đánh đập và hành hạ nông dân như trước kia dưới chế độ Nga hoàng. Sự hoạt động của các ủy ban bần nông đã đánh bại bọn cu-lắc cũng đã giúp cho nông dân thay đổi thái độ. Do đó tháng Mười một 1918, Lê-nin nêu khẩu hiệu: “Biết đạt tới thỏa thuận với trung nông – không một phút nào ngừng đấu tranh chống bọn cu-lắc và chỉ dựa một cách vững chắc vào bầng nông”.

Tất nhiên, sự ngả nghiên của trung nông chưa hoàn toàn mất hẳn, nhưng họ xích lại gần chính quyền Xô viết hơn và cương quyết ủng hộ chính quyền hơn. Chính sách đối với trung nông mà Đại hội VIII của Đảng đề ra đã giúp rất nhiều cho họ thay đổi thái độ.

Đại hội VIII của đảng là bước ngoạt trong chính sách của đảng đối với trung nông. Báo cáo của Lê-nin và nghị quyết của đại hội đã xác định đường lối mới của đảng trong vấn đề này. Đại hội yêu cầu các tổ chức của đảng và những người cộng sản phải phân biệt rành rọt trung nông với cu-lắc, phải chú ý đến nhu cầu của họ, lôi cuốn họ đi theo giai cấp công nhân. Phải đấu tranh chống sự lạc hậu của trung nông bằng cách thuyết phục, tuyệt nhiên không sử dụng biện pháp cưỡng bức, bạo lực. Vì vậy đại hội chỉ thị phải thực hiện những biện pháp xã hội chủ nghĩa ở nông thông (lập công xã, ác ten nông nghiệp) không dùng cách cưỡng bách. Trong trường hợp đụng chạm đến lợi ích sống còn của trung nông, thì phải thỏa thuận với họ về mặt thực tiễn, nhượng bộ họ trong việc quy định phương thức tiến hành những cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đại hội đề nghị thi hành chính sách liên minh chặt chẽ với trung nông nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản trong liên minh ấy.

Chính sách mới với trung nông mà Lê-nin nêu ra trong Đại hội VIII, yêu cầu giai cấp vô sản phải dựa vào bần nông, phải liên minh chặt chẽ với trung nông và đấu tranh chống bọn cu-lắc. Trước đại hội VIII nói chung đảng thực hiện chính sách trung lập hóa trung nông. Có nghĩa là đảng muốn làm cho trung nông không đứng về phía cu-lắc, không đứng về phía giai cấp tư sản nói chung. Nhưng như thế hiện nay là chưa đủ. Đại hội VIII chuyển từ chính sách trung lập hóa sang liên minh chặt chẽ với họ để đấu tranh chống bọn bạch vệ và sự can thiệp của nước ngoài cũng như để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đường lối đã được đại hội thông qua với quần chúng cơ bản trong nông dân, đối với trung nông, có một vai trò quyết định đưa lại sự thắng lợi của cuộc nội chiến chống can thiệp của nước ngoài, và chống bọn bạch vệ. Mùa thu 1919, khi phải chọn giữa chính quyền Xô viết và Đê-ni-kin, nông dân đã ủng hộ Xô viết, thế là chuyên chính vô sản đã đánh bại kẻ thù của mình.

Vấn đề xây dựng Hồng quân có một vị trí đặc biệt trong đại hội. Phe gọi là “Đối lập quân sự” đã phát biểu tại đại hội. Họ gồm một số khá đông những người “cộng sản phái tả cũ” đã từng theo Trotsky và chưa từng theo, nhưng bất mãn với sự lãnh đạo của Trotsky, phản đối việc trọng dụng bọn chuyên gia quân sự của quân đội Nga hoàng cũ – một số trong chúng đã phản bội ngay trên chiến hào -, phản đối thái độ của Trotsky đối với các cán bộ bôn-sê-vích cũ trong quân đội (Nga hoàng). Trong đại hội, người ta đưa ra những ví dụ “rút ra trong thực tiễn”, nhất là việc Trotsky đề nghị xử bắn một số cán bộ nhiều đồng chí lãnh đạo trong quân đội vì không tuân lệnh Trotsky, về sau chính Trung ương Đảng can thiệp và các cán bộ quân sự khác (bao gồm cả “phe đối lập quân sự” ) phản đối nên các đồng chí ấy thoát khỏi bản án tử.

Nhưng trong cuộc đấu tranh chống việc Trotsky làm sai lệch chính sách quân sự của Đảng, phe “đối lập quân sự” vẫn bênh vực những quan điểm sai lầm về nhiều vấn đề xây dựng quân đội. Lê-nin cương quyết chống lại phe “đối lập quân sự” trong việc họ bênh vực tàn tích của chủ nghĩa du kích trong quân đội, đấu tranh chống việc phản đối thành lập Hồng quân chính quy, chống lại việc phản đối sử dụng chuyên gia quân sự, chống lại việc phản đối kỷ luật sắt là thứ kỷ luật mà nếu không có nó thì quân đội không thể là đội quan chân chính được. Phản đối phe “đối lập quân sự”, đồng chí Stalin yêu cầu cần thiết phải thiết lập một đội quân chính quy, thấm nhuần tinh thần kỷ luật chặt chẽ:

Đồng chí Stalin nói:

“Hoặc là chúng ta lập một đội quân công nông thực sự, chủ yếu là nông dân, có kỷ luật nghiêm khắc và như thế chúng ta sẽ bảo vệ được nền cộng hòa, hoặc là chúng ta sẽ thất bại”.

Trong khi bác bỏ một loạt đề nghị của phe đối lập quân sự, đại hội cũng đồng thời cũng yêu cầu Trotsky cũng phải tiến hành cải tiến công tác trong cơ quan quân sự trung ương và tăng cường vai trò của những người cộng sản trong quân đội. Kết quả công việc của tiểu ban quân sự của đại hội là đã đạt được một nghị quyết về vấn đề quân sự mà đại hội nhất trí đã thông qua. Những nghị quyết của đại hội về vấn đề quân sự đã củng cố Hồng quân và làm cho Hồng quân gần đảng hơn.

Đại hội đã thảo luận các vấn đề xây dựng đảng và xây dựng các xô viết, các vấn đề vai trò lãnh đạo của đảng trong công tác của các xô viết. Trong khi thảo luận, đại hội đã phản đối nhóm cơ hội chủ nghĩa Xa-pơ-rô-nốp, Ô-xin-ski vì họ phản đối vai trò lãnh đạo của đảng trong công việc của Xô viết.

Cuối cùng, trước tình hình số đảng viên mới vào đảng ngày càng đông, đại hội quyết định cải tiến thành phần xã hội của đảng và đăng ký lại đảng viên.

Công việc thanh đảng lần thứ nhất bắt đầu từ đấy.

#Gấu

Ảnh: Các lãnh đạo Đảng tại Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Bolsheviks Nga năm 1919.