P.4. Đấu tranh chống những khó khăn trong việc khôi phục nền kinh tế quốc dân. Nhân lúc Lê-nin lâm bệnh, bọn Tơ-rốt-ski tăng cường hoạt động. Cuộc tranh luận mới trong đảng. Bọn Tơ-rốt-ski thất bại. Lê-nin mất. Khóa Lê-nin. Đại hội XIII của đảng.


Chương IX

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG THỜI KỲ CHUYỂN SANG HÒA BÌNH 

KHÔI PHỤC NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN (1921 - 1925)

4. Đấu tranh chống những khó khăn trong việc khôi phục nền kinh tế quốc dân. Nhân lúc Lê-nin lâm bệnh, bọn Tơ-rốt-ski tăng cường hoạt động. Cuộc tranh luận mới trong đảng. Bọn Tơ-rốt-ski thất bại. Lê-nin mất. Khóa Lê-nin. Đại hội XIII của đảng.


Việc đấu tranh để khôi phục nền kinh tế quốc dân đã đạt được những thắng lợi lớn trong những năm đầu. Đến năm 1924, sự tiến bộ đã thấy rõ trong tất cả các lĩnh vực. Từ năm 1921, diện tích gieo trồng tăng lên nhiều, kinh tế nông dân càng ngày càng mạnh. Công nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng phát triển. Số lượng giai cấp công nhân tăng rất nhiều. Tiền lương đã cao hơn. Mức sống của công nhân và nông dân khá hơn, dễ chịu hơn những năm 1920 – 1921.

Nhưng người ta vẫn cảm thấy những hậu quả do tình trạng kinh tế bị tàn phá tình trạng này chưa được xóa bỏ. Công nghiệp còn chưa đạt mức trước chiến tranh, phát triển không kịp nhu cầu trong nước. Cuối năm 1923, gần một triệu người không có việc làm; kinh tế quốc dân tiến chậm làm cho không giải quyết được vấn đề thất nghiệp. Thương nghiệp phát triển thất thường vì giá ở thành thị quá cao do bọn nép-man và những phần tử nép-man trong các tổ chức thương nghiệp của ta gây ra. Vì thế, đồng rúp xô-viết không vững và bị sụt giá. Tất cả những điều đó kìm hãm việc cải thiện đời sống của công nhân và nông dân.

Đến mùa thu năm 1923, những khó khăn về kinh tế lại hơi gay gắt hơn trước, vì các cơ quan công nghiệp và thương nghiệp của ta vi phạm chính sách giá cả của Xô-viết. Giá hàng công nghiệp và giá nông phẩm chênh lệch nhau nhiều. Giá lúa mì thì hạ, còn giá công nghiệp phẩm thì cao vọt. Trong công nghiệp chi phí chung nhiều quá, nên hàng đắt lên. Tiền của nông dân do bán thóc mà có mất giá rất nhanh. Thêm vào đó tên tơ-rốt-kit Pi-ta-cốp, lúc bấy giờ ở trong Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao, đã ra một chỉ thị hết sức tai hại cho cán bộ quản lý kinh tế: phải kiếm nhiều lãi trong việc bán các hàng công nghiệp, nâng giá bán lên, dường như đề phát triển công nghiệp. Sự thực, khẩu hiệu nép-man ấy chỉ đưa đến kết quả là thu hẹp các cơ sở sản xuất lại và phá hoại công nghiệp. Trong điều kiện như thể, nông dân không có lợi gì trong việc mua hàng ở thành thị ; họ không mua nữa. Thế là khủng hoảng thị trường, khủng hoảng ấy ảnh hưởng đến công nghiệp. Việc trả công cho công nhân gặp khó khăn. Điều đó khiển cho công nhân bất bình. Trong một vài xưởng, công nhân lạc hậu nhất bỏ việc.

Ban Chấp hành trung trong đảng vạch ra cách giải quyết tất cả những khó khăn và khuyết điểm ấy. Nhiều biện pháp đã được thi hành để xóa bỏ khủng hoảng thị trường. Các loại hàng thường dùng hằng ngày được hạ giá. Cải cách tiền tệ được kiên quyết thực hiện: chuyển sang dùng một đồng tiền ổn định và vững chắc, đồng tséc-bô-ne-txơ, việc trả lương cho công nhân cũng được ổn định lại. Qua các cơ quan Xô-viết và hợp tác xã, nhiều biện pháp được thi hành để phát triển thương nghiệp và giải quyết các loại con buôn và đầu cơ.

Cần phải đồng tâm hiệp lực, xắn tay áo lên cùng làm. Những người trung thành với đảng đã nghĩ và làm như thế. Nhưng bọn Tơ-rốt-ski thì khác. Lợi dụng lúc Lê-nin vắng mặt vì bệnh nặng, bọn Tơ-rốt-ski mở một cuộc tấn công mới vào đảng và vào cơ quan lãnh đạo của đảng. Bọn Tơ-rốt-ski nghĩ rằng thời cơ thuận tiện đã đến để đánh bại đảng và lật đổ bộ máy lãnh đạo của đảng. Đề đấu tranh chống đảng, chúng lợi dụng tất cả : lợi dụng sự thất bại của cách mạng ở Đức và ở Hungary mùa thu 1923, lợi dụng những khó khăn kinh tế trong nước, lợi dụng lúc Lê-nin lâm bệnh. Chính giữa lúc Nhà nước Xô-viết đang gặp khó khăn như thế, khi mà lãnh tụ của đảng phải nằm trên giường bệnh, Tơ-rốt-ski đã mở cuộc tấn công vào đảng bôn-sê-vích. Sau khi đã tập hợp xong những phần tử chống Lê-nin trong đảng, Tơ-rốt-ski nặn ra cương lĩnh của phái đối lập, nhằm chống lại đảng, chống lại sự lãnh đạo của đảng, chống lại chính sách của đảng. Cương lĩnh ấy được gọi là : tuyên bố của 46 người đối lập. Tất cả những nhóm đối lập hợp lại chống đảng của Lê-nin: bọn Tơ-rốt-ski, bọn tập trung dân chủ, tàn dư của bọn « cộng sản phải tả » và của nhóm « đối lập công nhân ». Trong tuyên bố, chúng tiên đoán là sẽ có khủng hoảng kinh tế trầm trọng và chính quyền Xô-viết sẽ bị đổ , chúng đòi được tự do lập các phái và các nhóm, coi đó là lối thoát duy nhất ra khỏi tình thế.

Đó là sự đấu tranh để tái lập những bè phái, mà theo lời đề nghị của Lê-nin, đại hội X của đảng đã cấm hẳn.

Bọn Tơ-rốt-ski không đề ra được vấn đề cụ thể nào để cải thiện công nghiệp hay nông nghiệp, cải thiện việc lưu thông hàng hóa trong nước, cải thiện đời sống của lao động. Chúng không chú ý đến những việc ấy. Chúng chỉ tha thiết có một điều là lợi dụng sự vắng mặt Lê-nin để tái lập bè phái trong đảng và làm lung lay các cơ sở của đảng và làm cho Ban Chấp hành trung ương đảng không đứng vững được.

Sau bản cương lĩnh của 46 người, Tơ-rốt-ski tung ra một bức thư bôi nhọ cán bộ của đảng và đưa ra một loạt việc vu cáo đảng. Trong thư, y nhắc lại những điệp khúc men-sê-vích cũ rích mà đảng đã nghe y nói nhiều lần rồi.

Trước nhất, bọn Tơ-rốt-ski công kích bộ máy của đảng. Chúng hiểu rằng không có một bộ máy đảng vững mạnh thì đảng không thể tồn tại và làm việc được. Phe đối lập tìm cách lay chuyển, phá hoại bộ máy ấy, đối lập đảng viên với bộ máy của đảng, đối lập cán bộ mới với cán bộ cũ của đảng. Trong thư, Tơ-rốt-ski nhằm vào thanh niên học sinh, nhằm vào các đảng viên trẻ tuổi không biết lịch sử đảng đấu tranh chống chủ nghĩa Tơ-rốt-ski như thế nào, để tranh thủ thanh niên và học sinh, Tơ-tốt-ski phỉnh họ, gọi họ là « cái phong vũ biểu trung thực nhất của đảng », đồng thời tuyên bố rằng đội tiền phong cũ của Lê-nin đã thoái hóa rồi. Nói đến bọn lãnh tụ đồi trụy của Quốc tế II, Tơ-rốt-ski đã hèn hạ ám chỉ rằng các chiến sĩ bôn-sê-vích cũ cũng sẽ đi theo con đường đó. Tơ-rốt-ski rêu rao là đảng thoái hóa để che đậy sự thoái hóa của y và mưu mô phản đảng của y. Cả hai tài liệu của phe đối lập – cương lĩnh của 46 người và cả bức thư của Tơ-rốt-ski – đều được bọn Tơ-rốt-ski gửi đi khắp các cấp bộ, chi bộ để các đảng viên thảo luận.

Chúng thách thức đảng tranh luận.

Như vậy là, cũng giống như khi tranh luận về vấn đề công đoàn trước đại hội X, bây giờ bọn Tơ-rốt-ski lại đòi đảng mở cuộc tranh luận trong toàn đảng. Mặc dầu mắc bận về những vấn đề kinh tế quan trọng hơn, đảng cũng tiếp nhận sự thách thức và mở cuộc tranh luận.

Cuộc tranh luận bao gồm toàn đảng. Đấu tranh có tính cách gay go ; nhất là ở Mát-xcơ-va. Bọn Tơ-rốt-ski muốn trước tiên chiếm lấy tổ chức ở thủ đô. Nhưng việc tranh luận đã không giúp gì cho chúng, trái lại chi làm nhục chúng. Chúng bị đập gãy ở Mát-xcơ-va cũng như ở trong toàn Liên Xô. Duy chỉ có một vài chi bộ trường đại học và cơ quan là bỏ phiếu cho chúng mà thôi.

Tháng Giêng 1924, họp hội nghị XIII của đảng. Hội nghị nghe báo cáo của đồng chí Sta-lin tổng kết cuộc tranh luận. Hội nghị lên án phe đối lập, phe tơ-rốt-kit và tuyên bố rằng đảng đã phải đối phó với một khuynh hướng tiểu tư sản đi chệch chủ nghĩa Mác mà tiêu biểu là phe đối lập tơ-rốt-kít. Sau đó các quyết nghị của hội nghị được đại hội XIII của Đảng và đại hội V của Quốc tế Cộng sản thông qua. Giai cấp vô sản cộng sản quốc tế ủng hộ đảng bôn-sê-vích trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Tơ-rốt-ski.

Nhưng bọn Tơ-rốt-ski chưa chịu thôi phá hoại. Mùa thu 1924, Tơ-rốt-ski viết bài báo « Những bài học tháng Mười », trong đó, y muốn đem chủ nghĩa Tơ-rốt-ski thay thế chủ nghĩa Lê-nin. Bài báo ấy chỉ là một mớ những lời vu cáo đảng, vu cáo lãnh tụ của đảng :Lê-nin. Tất cả kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản và của chính quyền Xô-viết đều níu lấy cái luận điệu vu cáo ấy. Đảng rất phẫn nộ trước sự vu cáo của Tơ-rốt-ski đối với lịch sử anh dũng của chủ nghĩa bôn-sê-vích. Đồng chí Sta-lin vạch rõ mưu toan của Tơ-rốt-ski muốn đem chủ nghĩa Tơ-rốt-ski thay chủ nghĩa Lê-nin. Khi phát biểu ý kiến, đồng chí Sta-lin đã nói : « nhiệm vụ của đảng là chôn chủ nghĩa Tơ-rốt-ski với tư cách là một trào lưu tư tưởng ». Không phải chỉ mỗi Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà ngay cả một bộ phận thành viên phe đối lập cũng lên án một cách gay gắt với Tơ-rốt-ski, lên án sự xuyên tạc và có tính chất bị đặt của y, tiêu biểu nhất chính là N. K-rúp-cai-a.

Tác phẩm lý luận của đồng chí Sta-tin: Về những nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin, xuất bản năm 1924, có tầm quan trọng rất lớn trong việc đập tan về mặt tư tưởng chủ nghĩa Tơ-rốt-ski và bảo vệ chủ nghĩa Lê-nin. Cuốn sách ấy là một bản trình bày tài tình về chủ nghĩa Lê-nin và là một bản luận chứng nghiêm túc về mặt lý luận cho chủ nghĩa Lê-nin. Cuốn sách ấy lúc bấy giờ đã vũ trang và ngày nay vẫn vũ trang cho những người bôn-sê-vích toàn thế giới vũ khí sắc bén của lý luận Mác - Lê-nin trong cuộc đấu tranh chống bọn tơ-rốt-kít đang ngày đêm xuyên tạc và bịa đạt Chủ nghĩa Lê-nin.

Trong đấu tranh chống chủ nghĩa Tơ-rốt-ski, đồng chí Sta-lin đã đoàn kết toàn đảng xung quanh Ban Chấp hành trung ương và động viên toàn đảng tiếp tục đấu tranh xây dựng để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội ở trong nước. Đồng chí Sta-lin đã chứng minh rằng đập tan chủ nghĩa Tơ-rốt-ski về tư tưởng là điều kiện cần thiết để đảm bảo tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi.

Tổng kết thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa Tơ-rốt-ski, đồng chí Sta-lin nói :

« Nếu không đánh bại chủ nghĩa Tơ-rốt-ski thì không thể thắng được trong điều kiện chính sách kinh tế mới, không thể biến nước Nga hiện tại thành nước Nga xã hội chủ nghĩa được ».

Nhưng chính sách lê-nin-nít của đảng vừa đạt được nhiều kết quả thì một điều bất hạnh rất lớn đã đến với đảng và giai cấp công nhân. Ngày 21 tháng Giêng 1924, Lê-nin, người lãnh tụ và người thầy của chúng ta, người sáng lập đảng bôn-sê-vích, đã tạ thế ở Goóc-ki, ngoại thành Mát-xcơ-va. Giai cấp công nhân toàn thế giới hết sức đau đớn khi được tin Lê-nin mất. Ngày đưa đám, giai cấp vô sản quốc tế tuyên bố ngừng công việc năm phút. Xe lửa ngừng chạy, mọi việc trong các nhà máy đều ngừng. Lao động toàn thế giới hết sức đau buồn tiễn đưa Lê-nin, người cha và người thầy, người bạn và người che chở tốt nhất của họ, đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Đáp lại việc Lê-nin mất, giai cấp công nhân Liên Xô lại càng đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh đảng của Lê-nin. Trong những ngày tang ấy, mỗi người công nhân giác ngộ đều suy nghĩ về thái độ của mình đối với đảng cộng sản đang thực hiện những lời di huấn của Lê-nin. Hàng nghìn, hàng vạn đơn của công nhân ngoài đảng tới tấp gửi đến Ban Chấp hành trung ương xin gia nhập đảng. Ban Chấp hành trung ương hoan nghênh phong trào ấy của các công nhân tiên tiến và tuyên bố kết nạp hàng loạt công nhân tiên tiến vào đảng, tuyên bố kết nạp đảng viên khóa Lê-nin. Có thêm hàng vạn công nhân gia nhập đảng. Tất cả những người sẵn sàng hiến dâng đời mình cho sự nghiệp của đảng, cho sự nghiệp của Lê-nin, đều đã gia nhập đảng. Trong một khoảng thời gian ngắn, trên 240.000 công nhân đã gia nhập hàng ngũ đảng bôn-sê-vích. Bộ phận tiên tiến nhất, giác ngộ nhất và cách mạng nhất, dũng cảm và kỷ luật nhất của giai cấp công nhân đã gia nhập đảng. Đó là khóa Lê-nin.

Cái chết của Lê-nin chứng tỏ đảng gần gũi với quần chúng công nhân, và quần chúng công nhân quý đảng của Lê-nin như thế nào.

Trong những ngày tang ấy, tại đại hội II các Xô-viết Liên Xô, đồng chí Sta-lin đã thay mặt đảng trịnh trọng đọc lời thề:

« Chúng tôi, những người cộng sản, là những người được rèn luyện đặc biệt. Chúng tôi được tạo ra từ một chất liệu đặc biệt. Chúng tôi là những người trong đạo quân của nhà chiến lược vô sản vĩ đại, đạo quân của đồng chí Lê-nin. Không có gì cao hơn vinh dự được làm chiến sĩ của đạo quân ấy. Không có gì cao hơn danh hiệu đảng viên của đảng mà đồng chí Lê-nin là người sáng lập và lãnh đạo ».

« Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải nêu cao và giữ gìn trong sạch cái danh hiệu to lớn của người đảng viên. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thì đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí !...»

« Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải gìn giữ sự thống nhất trong đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn ấy của đồng chí !...»

« Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải bảo vệ và củng cố chuyên chính của giai cấp vô sản. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thì không tiếc sức đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn ấy của đồng chí!...»

« Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải ra sức củng cố liên minh giữa công nhân và nông dân, Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn ấy của đồng chí…..»

« Đồng chí Lê-nin đã luôn luôn nói với chúng tôi về sự cần thiết phải có liên minh tự nguyện của các dân tộc trong nước, về sự cần thiết phải có sự hợp tác anh em của các dân tộc ấy trong khuôn khổ liên minh các nước cộng hòa... Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải củng cố và mở rộng Liên minh các nước cộng hòa. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thề đen hết danh dự thực hiện lời căn dặn ấy của đồng chí!.....»

« Lê-nin đã nhiều lần chỉ cho chúng tôi thấy củng cố Hồng quân và cải thiện tình hình của Hồng quân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng ta... Các đồng chí, chúng ta hãy thề không tiếc sức trong việc củng cố Hồng quân và Hạm đội đỏ của chúng ta...

« Vĩnh biệt chúng tôi, đồng chí Lê-nin đã dặn lại chúng tôi phải trung thành với những nguyên tắc của Quốc tế Cộng sản. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thề không tiếc gì tính mạng trong việc củng cố và mở rộng liên minh của những người lao động toàn thế giới – Quốc tế Cộng sản »...

Đó là lời thề của đảng bôn-sê-vích trước Lê-nin, vị lãnh tụ bất diệt của mình.

Tháng Năm 1924 họp đại hội XIII của Đảng. Có 748 đại biểu có quyền biểu quyết thay mặt cho 735.881 đảng viên. Số đảng viên tăng nhiều hơn so với khi họp đại hội lần trước là vì có gần 250.000 đảng viên mới được kết nạp vào đảng trong khóa Lê-nin. Số đại biểu tư vấn là 416 người.

Đại hội nhất trí lên án cương lĩnh của phe đối lập Tơ-rốt-ski, xác định đó là khuynh hướng tiểu tư sản đi chệch chủ nghĩa Mác, là xét lại chủ nghĩa Lê-nin, đại hội thông qua các nghị quyết của Hội nghị XIII của đảng « Về công tác xây dựng đảng » và « Về bản tổng kết cuộc tranh luận ».

Xuất phát từ nhiệm vụ củng cố sự liên minh giữa thành thị và nông thôn, đại hội chỉ thị phải phát triển công nghiệp hơn nữa, trước hết là công nghiệp nhẹ, đồng thời đại hội nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển nhanh công nghiệp luyện kim.

Đại hội thông qua việc thành lập Bộ dân ủy nội thương và đề nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan thương nghiệp phải nắm thị trường và loại trừ tư bản tư nhân ra khỏi lĩnh vực thương nghiệp.

Đại hội đề nhiệm vụ mở rộng tín dụng của Nhà nước cho nông dân vay nhẹ lãi và trừ bỏ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn ..

Đại hội nêu khẩu hiệu ra sức hợp tác hóa quần chúng nông dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác ở nông thôn. Cuối cùng, đại hội vạch ý nghĩa to lớn của khóa Lênin, và lưu ý đảng phải tăng cường việc giáo dục nguyên lý chủ nghĩa Lê-nin cho đảng viên mới, trước tiên là đảng viên khóa Lê-nin.