P.3. Kết quả đầu tiên của chính sách kinh tế mới. Đại hội XI của đảng. Thành lập Liên minh Xô-viết, Lê-nin ốm. Kế hoạch hợp tác hóa của Lê-nin, Đại hội XII của đảng.

Chương IX

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG THỜI KỲ CHUYỂN SANG HÒA BÌNH 

KHÔI PHỤC NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN (1921 - 1925)

3. Kết quả đầu tiên của chính sách kinh tế mới. Đại hội XI của đảng. Thành lập Liên minh Xô-viết, Lê-nin ốm. Kế hoạch hợp tác hóa của Lê-nin, Đại hội XII của đảng.

Việc thi hành chính sách kinh tế mới gặp phải sự chống đối của những phần tử bấp bênh trong đảng. Sự chống đối là từ hai phía lại. Một mặt là bọn to mồm « tả khuynh », những kẻ như Lô-mi-nát-de, Sát-kin, v.., họ « chứng minh » rằng chính sách kinh tế mới là sự từ bỏ những thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, trở lại chủ nghĩa tư bản, giết chết chính quyền Xô-viết. Vì dốt về chính trị, vì không biết những quy luật phát triển kinh tế, những người này không hiểu chính sách của đảng, đâm ra hoảng hốt và gieo rắc sự hoang mang ra xung quanh. Mặt khác là bọn thật sự đầu hàng như Tơ-rốt-ski, Ra-đéc, Di-nô-vi-ép, Xô-cô-ni-cốp, Ca-mê-nép, Sô-li-áp-ni-cốp, Bu-kha-rin, Ru-cốp, v.v., bọn này không tin ở khả năng phát triển xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, họ quỳ gối trước « uy lực » của chủ nghĩa tư bản và, muốn củng cố vị trí của chủ nghĩa tư bản trong nước Xô-viết, họ đòi phải có những nhượng bộ quan trọng đối với tư bản tư nhân ở trong nước cũng như ở ngoài nước, họ đòi giao cho tư bản tư nhân một loạt vị trí then chốt của chính quyền Xô-viết trong nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở các tô nhượng hay các công ty cổ phần có tư bản tư nhân tham gia. Cả hai bọn đều xa lạ với chủ nghĩa Mác, với chủ nghĩa Lê-nin.

Đảng vạch mặt và cô lập cả bọn thứ nhất và bọn thứ hai. Đảng đã kiên quyết chống lại bọn hoảng hốt và bọn đầu hàng.

Tình trạng có sự chống lại chính sách của đảng như thế lại một lần nữa làm cho thấy cần phải thanh trừ ra khỏi đảng những phần tử bấp bênh. Do đó Ban Chấp hành trung ương đã ra sức củng cố đảng và tổ chức một cuộc thanh đảng năm 1921. Việc thanh đảng đã tiến hành trong những cuộc họp công khai có những người ngoài đảng tham gia. Lê-nin đã góp ý là phải triệt để thanh trừ ra khỏi đảng «... những tên ăn cắp, những tên quan liêu hóa, những tên gian dối không trung thực, những đảng viên mềm yếu không kiên quyết, và những tên men-sê-vích bên ngoài đã thay đổi « bộ mặt » nhưng trong thâm tâm vẫn là men-sê-vích » (Lê-nin, tập XXVII, tr. 13).

Kết quả, có tất cả 170.000 người bị thanh trừ, tức là khoảng 25% tổng số đảng viên.

Việc thanh đảng làm cho đảng mạnh lên nhiều, thành phần xã hội của đảng được cải thiện, quần chúng thêm tín nhiệm đảng, uy tín của đảng lên cao. Sự đoàn kết và tinh thần kỷ luật cũng tăng lên.

Năm đầu tiên của chính sách kinh tế mới đã chứng tỏ rằng chính sách của đảng đúng. Việc chuyển sang chính sách kinh tế mới đã tăng cường rất nhiều sự liên minh giữa công nhân và nông dân trên cơ sở mới. Chuyên chính vô sản mạnh và vững hơn nhiều. Nạn giặc cướp do bọn cu-lắc gây ra hầu như hoàn toàn bị thủ tiêu. Trung nông, từ sau khi bỏ chế độ trưng mua lương thực, đã giúp chính quyền Xô-viết đấu tranh chống bọn ăn cướp cu-lắc. Chính quyền Xô-viết nắm trong tay tất cả các vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân: đại công nghiệp, giao thông, ngân hàng, ruộng đất, nội thương, ngoại thương. Đảng đã thực hiện được bước ngoặt trên mặt trận kinh tế. Không bao lâu nông nghiệp đã tiến bộ. Công nghiệp và giao thông thu được những thành tích đầu tiên. Sự tiến bộ về kinh tế tuy bắt đầu còn chậm nhưng chắc chắn. Công nhân và nông dân đã thấy rõ là đảng đi đúng đường ..

Đại hội XI của đảng họp vào tháng Ba 1922. Tham dự đại hội có 522 đại biểu có quyền biểu quyết, thay mặt 532.000 đảng viên, tức là ít hơn kỳ đại hội trước. Có 165 đại biểu tư vấn. Số đảng viên giảm đi vì việc thanh trừ đã bắt đầu tiến hành trong đảng.

Trong đại hội, đảng đã tổng kết năm thứ nhất của chính sách kinh tế mới. Dựa vào những tổng kết ấy, Lê-nin tuyên bố tại đại hội:

« Chúng ta đã lùi trong một năm. Bây giờ chúng ta phải nhân danh đảng nói rằng: đủ rồi ! Mục đích chúng ta theo đuổi khi lùi bước đã đạt được. Thời kỳ ấy đang chấm dứt hay đã chấm dứt. Bây giờ, một mục tiêu khác đề ra: tập hợp lực lượng lại » (Lê-nin, tập XXVII, tr. 238).

Lê-nin chỉ rằng chính sách kinh tế mới là một cuộc đấu tranh kịch liệt, một cuộc chiến đấu sống còn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. « Ai thắng ai », – đó là câu hỏi đặt ra. Muốn thắng, phải giữ vững liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân, giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa và kinh tế nông dân, bằng cách hết sức phát triển lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn. Muốn thế, cần phải học quản lý kinh tế, học buôn bán một cách có văn hóa.

Trong thời kỳ ấy, thương nghiệp là khâu chủ yếu trong chuỗi xích những nhiệm vụ đặt ra trước đảng. Chưa giải quyết nhiệm vụ ấy thì không thể mở rộng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, không thể tăng cường liên minh kinh tế giữa công nhân và nông dân, không thể nâng nông nghiệp lên, đưa công nghiệp ra khỏi tình trạng bị tàn phá được.

Lúc bấy giờ thương nghiệp Xô-viết còn rất yếu. Bộ máy thương nghiệp cũng rất yếu, những người cộng sản thì chưa quen buôn bán, họ chưa nghiên cứu tìm hiểu kẻ thù, tức là bọn « nép man », họ chưa học cách đấu tranh với chúng. Bọn tư thương, bọn mép-man lợi dụng tình hình thương nghiệp Xô-viết còn yếu, chiếm giữ trong tay việc buôn bán vải vóc và các thứ hàng thường dùng khác. Vấn đề tổ chức thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã có tầm quan trọng rất lớn.

Sau đại hội XI, hoạt động kinh tế tăng mạnh lên. Những hậu quả của nạn mất mùa đã được thanh toán xong. Kinh tế nông dân hồi phục mau chóng. Đường xe lửa đi lại khá hơn trước. Số công xưởng và nhà máy làm việc trở lại ngày càng tăng lên.

Tháng Mười 1922, nước cộng hòa Xô-viết ăn mừng một thắng lợi lớn: Hồng quân và quân du kích Viễn đông đã đánh xong quân Nhật can thiệp, giải phóng Vơ-la-đi-vô-stốc, khu vực cuối cùng của đất đai Liên Xô còn trong tay bọn can thiệp.

Bây giờ, khi mà toàn bộ lãnh thổ nước Xô-viết đã được giải phóng khỏi bọn can thiệp và nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và quốc phòng đòi hỏi phải tiếp tục củng cố hơn nữa liên minh các dân tộc trong nước Xô-viết, thì vấn đề được đề ra trước mắt là: thống nhất chặt chẽ hơn nữa các nước Cộng hòa Xô-viết thành một liên minh quốc gia duy nhất. Phải thống nhất tất cả mọi lực lượng nhân dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải tổ chức quốc phòng vững chắc. Phải bảo đảm cho tất cả các dân tộc trong nước phát triển toàn diện. Muốn thế phải làm cho các dân tộc trong nước Xô-viết gần gũi nhau hơn nữa.

Tháng Chạp 1922 họp đại hội I các Xô-viết toàn Liên Xô. Tại đại hội ấy, theo đề nghị của Lê-nin và Sta-lin, đã thực hiện việc tự nguyện thống nhất các dân tộc Xô-viết vào một quốc gia: Liên minh các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô). Lúc đầu, Liên Xô gồm có: Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga, Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nam Cáp-ca-dơ, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết U-cơ-ren và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Bi-ê-lơ-rút-xi. Ít lâu sau, ở miền Trung Á, thành lập ba nước Cộng hòa liên minh Xô-viết độc lập: Cộng hòa U-dơ-bếch, Cộng hòa Tuốc-mê-ni và Cộng hòa Tát-gi-ki. Ngày nay tất cả các nước cộng hòa ấy đều thống nhất vào một liên minh duy nhất các nước Xô-viết tức là Liên Xô, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, mỗi nước Cộng hòa có quyền tự do ra khỏi Liên minh Xô-viết.

Lập ra Liên minh các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết là củng cố chính quyền Xô-viết và là một thắng lợi lớn của chính sách Lê-nin - Sta-lin của đảng bôn-sê-vích trong vấn đề dân tộc.

Tháng Một 1922, Lê-nin phát biểu ý kiến ở hội nghị toàn thể Xô-viết Mát-xcơ-va. Tổng kết 5 năm chính quyền Xô-viết, Lê-nin tin chắc rằng « nước Nga xã hội chủ nghĩa sẽ nảy nở từ trong nước Nga theo chính sách kinh tế mới » . Đó là lần phát biểu cuối cùng của Lê-nin trước toàn quốc. Mùa thu 1922, một sự bất hạnh lớn đối với đảng : Lê-nin ốm nặng. Toàn đảng, toàn thể những người lao động, ai nấy đều thấy Lê-nin ốm là một điều đau khổ lớn của mình. Ai nấy đều lo lắng cho tính mệnh của Lê-nin yêu dấu. Nhưng ngay khi ốm Lê-nin vẫn tiếp tục làm việc. Khi đã đau nặng, Lê-nin còn viết một loạt những bài rất quan trọng. Trong những bài báo cuối cùng này, Lê-nin tổng kết công tác đã qua và vạch ra kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội trong nước bằng cách lôi cuốn nông dân vào sự nghiệp xây dựng ấy. Trong kế hoạch ấy, Lê-nin đề ra kế hoạch hợp tác hóa của mình để huy động nông dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lê-nin thấy việc hợp tác hóa nói chung, và hợp tác hóa nông nghiệp nói riêng là con đường mà hàng triệu nông dân có thể hiểu và làm được, để chuyển từ kinh tế cá thể nhỏ sang các tổ chức sản xuất tập thể lớn, các nông trang tập thể. Lê-nin chỉ rằng sự phát triển nông nghiệp trong nước Nga phải đi con đường qua việc hợp tác hóa thu hút nông dân vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dần dần đưa những nguyên tắc của chế độ tập thể vào nông nghiệp, trước tiên trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản, sau đó trong lĩnh vực sản xuất nông sản. Lê-nin chỉ rằng, khi đã có chuyên chính của giai cấp vô sản và liên minh của giai cấp công nhân với nông dân, khi quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với nông dân đã được bảo đảm, khi đã có một nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, khi hợp tác xã sản xuất tổ chức đúng, thu hút được hàng triệu nông dân tham gia, là phương tiện để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn ở trong nước Nga.

Tháng Tư 1923 họp đại hội XII của đảng. Từ ngày những người bôn-sê-vích nắm chính quyền đó là đại hội thứ nhất mà Lê-nin không dự được. Đại hội có 408 đại biểu có quyền biểu quyết, thay mặt 380.000 đảng viên, tức là ít hơn số đảng viên lần đại hội trước. Đó là do việc thanh đảng vẫn tiếp tục, một số đáng kể đảng viên đã bị khai trừ. Số đại biểu tư vấn là 417 người.

Trong mọi quyết định, đại hội XII của đảng đều chú ý đến những giáo huấn của Lê-nin trong các bài báo và thư từ cuối cùng của Người.

Đại hội kịch liệt phản đối tất cả những người quan niệm rằng chính sách kinh tế mới là ly khai lập trường xã hội chủ nghĩa, là trao các vị trí của ta cho chủ nghĩa tư bản, tất cả những người muốn để cho chủ nghĩa tư bản nô dịch. Ra-đéc, Cơ-rát-xin, thuộc phái Tơ-rốt-ski, đã đưa ra những đề nghị ấy trong đại hội. Chúng đề nghị để cho tư bản nước ngoài muốn làm gì thì làm, đem những ngành công nghiệp có lợi ích sống còn của Nhà nước Xô-viết nhường cho bọn tư bản nước ngoài. Chúng đề nghị trả những món nợ mà chính phủ Nga hoàng đã vay và Cách mạng tháng Mười đã xóa bỏ. Toàn đảng đều phê phán những đề nghị đầu hàng ấy là phản bội. Đảng không từ chối dùng chính sách tô nhượng, nhưng chỉ chủ trương làm như thế trong những ngành công nghiệp nào và với những quy mô nào có lợi cho Nhà nước Xô-viết.

Từ trước đại hội, Bu-kha-rin và Xô-côn-ni-cốp đã đề nghị bỏ độc quyền ngoại thương. Đề nghị ấy cũng là kết quả của việc hiểu chính sách kinh tế mới là đầu hàng chủ nghĩa tư bản. Lúc đó Lê-nin đã vạch Bu-kha-rin là kẻ bênh vực bọn đầu cơ, bọn nép-man, bọn cu-lắc. Đại hội XII kiên quyết bác bỏ những sự xâm phạm vào tính chất độc quyền không thể phá vỡ được của ngoại thương. Đại hội cũng phản đối cả Tơ-rốt-ski mưu toan bắt đảng theo một chính sách tại hại đối với nông dân. Đại hội chỉ rõ không nên quên một sự thực là : kinh tế tiểu nông chiếm ưu thế trong nước. Đại hội nhấn mạnh rằng sự phát triển công nghiệp, kể cả công nghiệp nặng, không thể trái với lợi ích của quần chúng nông dân, mà phải đi đôi với lợi ích ấy, vì lợi ích của toàn thể quần chúng lao động. Quyết định ấy nhằm chống Tơ-rốt-ski vì Tơ-rốt-ski chủ trương bóc lột kinh tế nông dân để xây dựng công nghiệp và thực sự không thừa nhận chính sách giai cấp vô sản liên minh với nông dân.

Đồng thời Tơ-rốt-ski còn đề nghị đóng cửa những xí nghiệp lớn và quan trọng đối với quốc phòng như các nhà máy Pu-ti-lốp, Bơ-ri-an và nhiều nhà máy khác, vì theo Tơ-rốt-ski thì những nhà máy không đem lại lợi nhuận. Đại hội đã bác đề nghị của Tơ-rốt-ski.

Theo một đề nghị của Lê-nin viết thư gửi đến, đại hội XII lập ra cơ quan thống nhất Ban giám sát trung ương và Ban kiểm tra công nông. Cơ quan mới này có trọng trách giữ gìn sự thống nhất trong đảng, tăng cường kỷ luật trong đảng và trong nước, cải tiến bộ máy nhà nước Xô-viết bằng mọi cách.

Đại hội rất chú ý vấn đề dân tộc. Báo cáo viên về vấn đề này là đồng chí Sta-lin. Đồng chí Sta-lin nhấn mạnh tầm quan trọng quốc tế của chính sách của chúng ta về vấn đề dân tộc. Các dân tộc bị áp bức ở châu Âu và châu Á coi Liên Xô là mẫu mực về việc giải quyết vấn đề dân tộc và xóa bỏ sự áp bức dân tộc. Đồng chí Sta-lin chỉ rõ sự cần thiết phải kiên quyết công tác xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các dân tộc trong Liên Xô về kinh tế và văn hóa. Đồng chí kêu gọi toàn đảng kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong vấn đề dân tộc, chống chủ nghĩa sô- vanh Đại Nga và chủ nghĩa dân tộc địa phương tư sản.

Đại hội vạch mặt bọn có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chính sách nước lớn của họ đối với các dân tộc thiểu số. Lúc bấy giờ, bọn dân tộc chủ nghĩa ở miền Giê-oóc-gi: Mơ-li-va-ni và bè lũ - phát biểu chống lại đảng. Chúng phản đối việc thành lập Liên bang Nam Cáp-ca-dơ, phản đối việc củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc Nam Cáp-ca-dơ. Đối với các dân tộc khác Giê-oóc-gi, họ tỏ ra là sô-vanh nước lớn thực sự. Ho trục xuất tất cả những người không phải là Giê-oóc-gi, nhất là người Ác-mê-ni ra khỏi Ti-phơ-lít, họ ra một đạo luật quy định tất cả phụ nữ Giê-oóc-gi lấy chồng người dân tộc khác sẽ mất quốc tịch Giê-oóc-gi. Tơ-rố-tski, Ra-đéc, Bu-kha-rin, Scơ-rứp-nic, Ra-cốp-ski đã ủng hộ bọn dân tộc chủ nghĩa Giê-oóc-gi.

Chẳng bao lâu sau đại hội, một hội nghị riêng của cán bộ các nước cộng hòa dân tộc được triệu tập để nghiên cứu vấn đề dân tộc. Tại hội nghị này đã vạch mặt nhóm dân tộc chủ nghĩa tư bản Tác-ta: bọn Xun-tan Ga-li-ép và những tên khác, và nhóm dân tộc chủ nghĩa U-dơ-béc: Phai-du-la Khô-gia-ép và những tên khác.

Đại hội XII của Đảng tổng kết hai năm thực hiện chính sách kinh tế mới. Bản tổng kết ấy đã làm cho người ta lạc quan và tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Sta-lin tuyên bố ở hội nghị:

« Đảng ta vẫn đoàn kết, gắn bó với nhau, đảng đã thực hiện bước ngoặt vĩ đại, tiến lên phía trước phất cao ngọn cờ của mình ».