P3. Đảng Cộng sản Liên Xô thực hiện thắng lợi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.



Dựa vào những nghị quyết Đại hội XV, Đảng Cộng sản (B) Liên Xô đã phát triển thêm về công tác tổ chức, công tác Đảng, công tác chính trị và kinh tế nhằm tạo nên những tiền đề chính trị, vật chất và kỹ thuật cần thiết để cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp.

 Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi đã đem lại ruộng đất cho quần chúng nông dân, nhưng hết thảy điều đó vẫn chưa đủ. Sự cần thiết phải xây dựng một nền công nghiệp lớn chế tạo máy móc là một trong những điều kiện chủ yếu và quyết định để chuẩn bị tập thể hóa nông nghiệp.

 Lê-nin từng chỉ rằng, công nghiệp nặng chính là xương sống của chế độ Xô viết, là cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Không khôi phục và phát triển công nghiệp nặng, không áp dụng những cơ sở kỹ thuật phát triển đến một trình độ cao trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân thì không thể nào giải quyết được nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đất nước đầu tiên của giai cấp công nhân đang trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Trong vấn đề xây dựng nền công nghiệp lớn chế tạo máy móc, Lê-nin đã nhìn thấy cái chìa khóa để cải tạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong đó có nông nghiệp trên những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.

 Lê-nin cho rằng chỉ có công nghiệp lớn mới có thể là cơ sở vật chất có khả năng cải tổ nền nông nghiệp. Căn cứ trên những quan điểm đấy của Lê-nin, Đại hội Đảng Cộng sản (B) Liên Xô lần thứ XIV đã thông qua đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đất nước và trong nghị quyết của đại hội đã nói lên sự cần thiết phải phát triển việc sản xuất các tư liệu sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là đồng chí Stalin, Đảng đã đấu tranh kiên quyết bác bỏ các quan điểm của Trotsky, Bukharin khi họ phản đối đường lối chung của Đảng là ưu tiên công nghiệp nặng.

 Sự thắng lợi của đường lối công nghiệp hóa đất nước mà nhân dân Liên Xô và giai cấp công nhân đạt được, mà trong đó có khả năng cải tạo nông nghiệp, là đã xây dựng thành công các nhà máy sản xuất các loại máy kéo và máy móc phục vụ nông nghiệp.

 Chỉ trong kế hoạch 5 năm đầu tiên, nông nghiệp Liên Xô đã nhận 154 ngàn máy kéo (15 mã lực), Công nghiệp xã hội chủ nghĩa đã cung cấp máy kéo cho nông nghiệp mỗi ngày nhiều hơn, theo cách nói của Stalin thì máy kéo đã hoàn thành vai trò của những viên đại bác “phá vỡ thế giới tư sản cũ và xây dựng một con đường cho chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” .

 Trong vấn đề tập thể hóa nông nghiệp, vai trò chủ đạo trong công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện qua các trạm máy móc và máy kéo. Từ 1929, Chính phủ Xô viết đã mở rộng việc xây dựng trạm máy móc và máy kéo để phục vụ nông trang tập thể. Những trạm này là đòn bẩy để cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp, là phương tiện để củng cố sự liên minh sản xuất giữa công nghiệp và nông nghiệp. Những trạm máy móc và máy kéo là những chỗ dựa của Chính phủ Liên Xô để giúp đỡ nông dân cảo tạo lao động nông nghiệp và trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp.

 Những nghị quyết của phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1929, đóng một vai trò đặc biệt trong việc phát triển các trạm máy móc và máy kéo và công tác của nó. Phiên họp nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng quan trọng của các trạm máy móc và máy kéo tạo nên những khả năng áp dụng rộng rãi kỹ thuật hiện đại và phiên họp này cũng đề ra nhiệm vụ biến những trạm này thành trung tâm của việc tập thể hóa toàn bộ ở tất cả các vùng. Phiên họp đã tán thành việc thành lập cơ quan trạm máy móc và máy kéo toàn liên bang.

 Năm 1928, ở Liên Xô mới có một trạm máy móc và máy kéo. Cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã có 2.500 trạm. Đến năm 1955, có gần 9.000 trạm. Thông qua các trạm máy móc và máy kéo, Nhà nước Xô viết đã giúp đỡ các nông trang tập thể rất nhiều về mặt tổ chức cũng như kỹ thuật. Trạm máy móc và máy kéo là cơ sở công nghiệp của chế độ nông trang tập thể, nó đóng vai trò chủ yếu và quyết định trong việc củng cố các nông trang đó về mặt tổ chức cũng như là kinh tế.

 Do đó, công nghiệp nặng là cơ sở vật chất vững chắc mà lần đầu tiên, Đảng và Nhà nước Xô viết dựa vào đó để giúp máy móc cho nông dân. Quần chúng nông dân đã bước lên con đường nông trang tập thể, họ rất cần đến kỹ thuật mới, nên không thể không tiếp thu sự giúp đỡ ấy.

  Vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp phát triển mạnh mẽ có một ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đưa nông dân vào con đường nông trang tập thể. Trong lúc thực hiện kế hoạch hợp tác hóa của Lê-nin và những nghị quyết của Đại hội Đảng lần VIII về vấn dề giúp đỡ mọi mặt cho hợp tác hóa, Đảng cộng sản luôn kiên trì phổ biến trong nông thôn những hình thức hợp tác xã khác nhau khiến cho nông dân làm quen với công việc làm ăn tập thể. Đảng Cộng sản đã tiến hành công tác chính trị và công tác tổ chức với quy mô rộng lớn nhằm mở rộng việc xây dựng chế độ hợp tác hóa ở nông thôn.

 Năm 1925, ở Liên Xô đã có 99.471 hợp tác xã các loại, trong đó có 24.522 hợp tác xã tiêu dùng, 13.225 hợp tác xã thủ công nghiệp và 54.813 hợp tác xã nông nghiệp.

 Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển đã nói lên khối lượng công tác lớn lao mà Đảng đã thực hiện và đã chứng tỏ quần chúng bần nông, trung nông ở nông thôn thiết tha tiến lên nền kinh doanh tập thể to lớn. Đảng và Nhà nước Xô viết tích cực nắm lấy nguyện vọng của nông dân lao động đối với nền kinh tế tập thể, nên đã ủng hộ bằng mọi cách đối với sáng kiến của họ và giúp đỡ họ về mọi mặt. Ví dụ, từ năm 1927 đến 1930, phương pháp ký hợp đồng có ý nghĩa to lớn trong hợp tác hóa. Trong quá trình tiến hành ký hợp đồng, năm 1928 đã tổ chức gần 8.000 tổ gieo giống và 4.000 tổ hợp tác lao động và hợp tác xã nông nghiệp.

 Khi đánh giá vai trò của hợp tác xã tiêu dùng và cung cấp trong bước chuyển hướng nông dân vào con đường nông trang tập thể, đồng chí Stalin đã chỉ ra rằng “trong khi xây dựng một cơ sở thực tế để chuyển nông dân vào phong trào nông trang tập thể, chính sách hợp tác hóa về mặt cung cấp và tiêu thụ đã tự chứng minh là hoàn toàn đúng đắn” .

 Do đó, khi xúc tiến việc phát triển những hình thức hợp tác xã khác nhau ở nông thôn, Đảng đã chuẩn bị bước quá độ cho nông dân tiến lên con đường nông trang tập thể. Qua những hình thức hợp tác xã khác nhau, các tầng lớp nông dân rộng rãi đã sơ bộ làm quen với lối ăn tập thể.

 Những cơ sở kinh tế Xô viết như nông trường quốc doanh, đã đóng một vai trò to lớn trong việc chuẩn bị tập thể hóa nông nghiệp và trong việc xây dựng quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

 Nông trường quốc doanh là một xí nghiệp nông nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa của Nhà nước, trong đó tư liệu sản xuất và tất cả các sản phẩm làm ra thuộc về Nhà nước. Nông trường quốc doanh là một trong những nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu quan trọng cho Nhà nước sử dụng. Đồng thời nông trường quốc doanh là kiểu mẫu của kinh tế xã hội chủ nghĩa được cơ giới hóa cao độ, làm cho nông dân có thể tin tưởng vào tính hơn hẳn của kỹ thuật tiên tiến và của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa to lớn, và nông trường quốc doanh đã giúp nông dân máy kéo, các loại hạt giống, gia súc làm giống, …

 Nông trường quốc doanh là những cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa đầu tiên to lớn ở nông thôn, ở đấy kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng và đất đai đã được cày cấy tốt. Sức mạnh và vai trò chủ đạo của nông tường quốc doanh đã biểu hiện rõ ở việc tổ chức kinh doanh có tính chất kiểu mẫu, ở chỗ sản phẩm hàng hóa tăng lên và tổ chức có khoa học cả tất cả các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Những chỉ số sản xuất cao của nông trường quốc doanh đã có những ảnh hưởng đến ý thức của nông dân.

 Nhà nước cũng chú ý đến những nhu cầu ngày càng tăng của nông dân; và Nhà nước đã giúp đỡ kinh tế nông dân thông qua các nông trường quốc doanh, qua các trạm cho thuê và các đội máy kéo; những máy móc dụng cụ nông nghiệp, những hạt giống chọn lọc và những gia súc giống. Ngoài ra, nông trường quốc doanh còn hướng dẫn nông dân cày ruộng tốt hơn qua những khóa học nông nghiệp ngắn hạn, hoặc bằng cách tổ chức những cuộc nói chuyện, báo cáo và đi tham quan.

 Trong lúc được các nông trường quốc doanh giúp đỡ sản xuất, nông dân qua kinh nghiệm bản thân đã tin tưởng rằng ở những cơ sở kinh tế tập thể to lớn có áp dụng kỹ thuật và thành tựu khoa học thì có thể thu hoạch được những vụ mùa thắng lợi và thu hoạch được nhiều sản phẩm nông nghiệp. Từ đó tư tửng chuyển nền kinh tế tiểu nông cá thể lên nền kinh tế tập thể to lớn đã chín muồi trong ý thức nông dân.

 Khi đánh giá vai trò của nông trường quốc doanh trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, đồng chí Stalin đã nói rằng, những nông trường quốc doanh với những kỹ thuật mới của họ, với sự giúp đỡ của họ đối với nông dân xung quanh, với tầm quan trọng chưa từng thấy của nó về mặt kinh tế là một lực lượng chủ đạo làm dễ dàng bước chuyển hướng của quần chúng nông dân lên chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy họ đi vào con đường tập thể.

 Những nông trang tập thể đầu tiên ra đời, đóng một vai trò quan trọng trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp. Những nông trang tập thể đó là những mầm mống của chế độ xã hội chủ nghĩa trong nông thôn.

 Những nông trang tập thể đầu tiên là trường học trực tiếp đối với quần chúng bần trung nông ở nông thôn, làm cho họ tin tưởng vào tính hơn hẳn của nền kinh tế tập thể so với nền kinh tế nông dân cá thể.

 Đảng Cộng sản (B) Liên Xô nhận thấy kinh nghiệm công tác của nông trang tập thể đầu tiên là phương tiện và điều kiện cần thiết để cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Do đó, Đảng đã tổng kết và phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm công tác của các nông trang tập thể. Nông trang tập thể đã áp dụng nhữn phương pháp tốt nhất về việc cày cấy ruộng đất, đã áp dụng chế độ luân canh và sử dụng có hiệu quả những máy kéo và máy móc nông nghiệp khác. Các nông trang tập thể đã thu hoạch nhiều hơn nông dân cá thể.

 Các nông trang tập thể đã tổ chức giúp đỡ các hộ nông dân cá thể về máy móc, dụng cụ, hạt giống tốt, gia súc làm giống và dụng cụ trồng trọt. Ngoài ra các nông trang tập thể đã giúp đỡ nông dân nghèo cày bừa ruộng đất, gặt hái, đập và cho họ vào trong xí nghiệp của nông trang tập thể để chế biến những nông phẩm. Tất cả những điều đó không thể không làm cho các tầng lớp bần trung nông ở nông thôn chú ý đến nông trang tập thể, đến những thành tích sản xuất của nông trang và làm cho họ tin tưởng vào tính hơn hẳn của nông trang tập thể so với nền kinh doanh cá thể. Nông dân đã dần đi đến chỗ tin rằng nếu tập trung ruộng đất và tư liệu sản xuất lại thì họ cũng có thể thu hoạch cao về ngũ cốc và cây công nghiệp như những nông trang tập thê hiện có.

 Cuộc đấu tranh chống bọn phú nông đã chuẩn bị bước chuyển biến đưa quần chúng nông dân cơ bản tiến lên nền nông nghiệp tập thể hóa. Bọn phú nông đã thấy rằng vấn đề công nghiệp hóa và tập thể hóa sẽ đưa đến chỗ chúng bị thủ tiêu về mặt giai cấp. Giai cấp phú nông đã điên cuồng chống lại chính quyền Xô viết, trong những năm 1928-1929, khi đất nước Xô viết gặp khó khăn về lúa mì, thì bọn phú nông đã tổ chức phá hoại việc thu mua lúa mì, đã gây ra những hành động khủng bố những nông trang tập thể, những cán bộ chính quyền và Đảng, chúng đốt kho thóc của Nhà nước, …

 Đường lối đấu tranh quyết liệt của Nhà nước đối với bọn phú nông đã đoàn kết quần chúng bần – trung nông xung quanh Đảng và Chính phủ Xô viết.

 Trong việc mở rộng tập thể hóa nông nghiệp, giai cấp công nhân đã giúp nông dân rất nhiều. Trong thời gian chuẩn bị và tiến hành tập thể hóa rộng rãi, vai trò tổ chức của công nhân đối với nông thôn đã phát triển một cách đặc biệt.

 Tháng 11-1929, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô đã thông qua nghị quyết động viên 25.000 công nhân đưa về nông thôn công tác trong các nông trang tập thể, ở các Xô viết nông thôn và ở các trạm máy kéo và máy móc. Trong số 25.000 người đó, số đảng viên chiếm 70%; gần một nửa (48%) số đảng viên này đã trải qua hơn 12 năm thực tập trong sản xuất.

 Công nhân đã mang những kinh nghiệm, sự tôi luyện trong cách mạng và tài năng tổ chức của họ về nông thôn. Họ đoàn kết bầng – trung nông lại trong cuộc đấu tranh chống bọn phú nông, giúp xây dựng những nông trang tập thể mới và củng cố những nông trang cũ, họ tổ chức thành đoàn thanh niên cộng sản, đội thiếu niên tiền phong, họ là đội ngũ tiên phong nhất, cổ động giỏi nhất trong nông dân.

Nửa cuối năm 1929, tầng lớp trung nông là quần chúng nông dân cá thể cơ bản sau tầng lớp nông dân nghèo gia nhập các nông trang tập thể; như thế là đã đánh dấu sự chuyển hướng căn bản không chỉ của bần nông mà cả của trung nông đi theo con đường nông trang tập thể. Trong bước đầu của sự chuyển hướng đó đã tập hợp được một triệu nông hộ. Đến năm 1930, số nông hộ đó tăng lên gần 6 triệu. Nông dân gia nhận nông trang tập thể cả làng, cả khu và cả vùng. Đó là quá trình hợp tác hóa toàn bộ đã được chuẩn bị bằng các biện pháp của Đảng và Nhà nước Xô viết. Do chỗ tập thể hóa toàn bộ nên tất cả ruộng đất của thôn xóm hoặc cả khu đều chuyển vào tay nông trang tập thể. Nhưng vì một phần ruộng đất đáng kể đang nằm trong tay bọn phú nông, nên khi thành lập các nông trang tập thể nông dân đã phải đuổi phú nông ra khỏi ruộng đất, tước đoạt gia súc, nông cụ và của cải.

Việc tước đoạt bọn phú nông do quần chúng bần – trung nông tự làm lấy trong khi thực hiện tập thể hóa bằng cuộc đấu tranh có tính chất quần chúng của nông dân lao động chống bọn phú nông. Khi đã quyết định tổ chức nông trang tập thể bì bần trung nông đòi thủ tiêu kinh tế phú nông và đòi sáp nhập của cải của phú nông vào nông trang tập thể.

Trước khi tập thể hóa toàn bộ, Đảng và Nhà nước Xô viết đã tiến hành chính sách hạn chế và loại trừ những yếu tố phú nông ở nông thôn. Các cơ sở kinh doanh của phú nông đều bị đánh thuế nặng. Pháp luật Xô viết hạn chế bọn phú nông thuê mướn nhân công, không cho bọn chúng có khả năng tập trung trong tay nhiều ruộng đất bằng cách thuê ruộng đất. Tất cả vấn đề đặt ra là hạn chế lối bóc lột phú nông trong những phạm vi nhất định, không để cho phú nông phát triển, bằng cách loại trừ những phú nông riêng lẻ nào không chịu phục tùng sự hạn chế đó.

Nhưng chính sách đó không tiêu diệt được những cơ sở kinh tế phú nông và không thủ tiêu được về mặt giai cấp. Chính sách như thế chỉ cần thiết cho đến lúc những điều kiện tập thể hóa toàn bộ chưa được hình thành, cho đến lúc mà ở nông thôn chưa có một hệ thống rộng rãi nông trường quốc doanh và nông trang tập thể có thể lấy nền sản xuất xã hội chủ nghĩa thay thế cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa về lúa mì. Năm 1927, phú nông đã sản xuất 600 triệu pút lúa mì và đã bán ra gần 130 triệu pút, còn các nông trường quốc doanh và nông trang tập thể chỉ bán ra 35 triệu pút. Năm 1929, tình hình thay đổi căn bản, khi đó nông trường quốc doanh và nông trang tập thể đã sản xuất được 400 triệu pút lúa mì và đã bán ra hơn 130 triệu pút, nghĩa là đã vượt qua số lúa mì bán ra của giai cấp phú nông.

Việc chuyển hướng quần chúng nông dân cơ bản tiến lên chủ nghĩa xã hội đã tạo ra khả năng lấy nền sản xuất của nông trường quốc doanh và nông trang tập thể thay thế hoàn toàn cho nền sản xuất lúa mì của phú nông. Cũng trong thời gian ấy, sự chuyển hướng đó đã đánh dấu một chuyển biến căn bản giữa các lực lượng giai cấp torng nước có lợi cho chủ nghĩa xã hội và không có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Tất cả những việc trên đã tạo ra khả năng để Đảng Cộng sản (B) Liên Xô chuyển từ chính sách hạn chế và loại trừ những yếu tố tư bản chủ nghĩa đến một chính sách mới là thủ tiêu phú nông về mặt giai cấp trên cơ sở tập thể hóa toàn bộ.

Chính sách tập thể hóa đã được củng cố trong nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương ngày 5-1-1930 “Về nhịp độ tập thể hóa và về những biện pháp của Nhà nước giúp đỡ xây dựng nông trang tập thể”. Chính sách mới của Đảng đã được thể hiện trong Nghị định của Ủy ban Chấp hành Trung ương và Hội đồng ủy viên nhân dân Liên Xô ban bố ngày 1-2-1930 “Về những biện pháp củng cố công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp ở những khu vực tập thể toàn bộ và đấu tranh với phú nông”. Nghị định đó cho phép tịch thu không bồi thường tất cả tài sản của bọn phú nông ở những khu vực tập thể hóa toàn bộ. Tất cả của cải tịch thu đều bỏ vào quỹ không chia của nông trang tập thể coi như là của bần cố nông đóng góp khi vào nông trang tập thể. Nghị định đó cho phép đuổi cổ giai cấp phú nông ra khỏi những khu vực tập thể hóa toàn bộ. Những sắc luật về việc thuê ruộng đất và thuê nhân công đều xóa bỏ.

Trong cuộc đấu tranh công khai, giai cấp bóc lột cuối cùng và đông đảo nhất đã bị tiêu diệt. Việc tập thể hóa đã thủ tiêu đám đất nuôi dưỡng chủ nghĩa tư bản. Nó chấm dứt sự phân hóa giai cấp của nông dân và ngăn chặn con đường tái sinh của nền kinh tế phú nông.

Như thế trước sự chứng kiến và ủng hộ của hàng triệu quần chúng nông dân, Nhà nước đã tịch thu của cải ruộng đất của phú nông. Giai cấp phú nông bị tịch thu của cải cũng như giai cấp tư bản đã bị tịch thu trong lĩnh vực công nghiệp hồi 1918, nhưng có một điều khác là trong lần này tư liệu sản xuất của bọn phú nông không phải chuyển vào tay Nhà nước, mà chuyển vào tay nông dân trong nông trang tập thể.

Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô ngày 5-1-1930 là cương lĩnh cụ thể để thực hiện chuyển biến cách mạng ở trong nông thôn. Trong nghị quyết có một điều rất quan trọng nói rằng ác-ten (tổ hợp lao động nông nghiệp) là hình thức chủ yếu của phong trào nông trang tập thể trong một giai đoạn nhất định.

Trước khi tập thể hóa toàn bộ, những tổ cày chung là hình thức kinh doanh nông nghiệp tập thể phổ biến nhất. Trong những tổ này ruộng đất và lao động đã xã hội hóa, nhưng trâu bò và nông cụ thì còn thuộc quyền tư hữu của nông dân. Ở nhiều vùng còn có công xã nông nghiệp, trong đó không phải chỉ tất cả tư liệu sản xuất mà cả nền kinh tế cá nhân cũng đều xã hội hóa.
Nhưng công xã ấy không sống lâu vì nó đã xuất hiện trên cơ sở kỹ thuật chưa phát triển và sản phẩm còn thiếu thốn. Khi vấn đề tập thể hóa được mở rộng thì tổ cày chung đã lạc hậu, nhưng điều kiện để tổ chức công xã nông nghiệp thì chưa có. Trong công cuộc xây dựng nông trang tập thể, hình thức ác-ten đã trở thành hình thức chủ yếu của kinh tế tập thể ở nông thôn trong một giai đoạn nhất định này.

Trong bài nói “Say sưa vì thắng lợi”, đồng chí Stalin đã chỉ ra rằng ác-ten là một hình thức phổ biến của phong trào nông trang tập thể trong một giai đoạn nhất định. Ác-ten là một hình thức kinh doanh tập thể, trong đó những tư liệu sản xuất chủ yếu đều được xã hội hóa như: nông cụ, gia súc kéo, thóc giống dự trữ, thức ăn để nuôi gia súc chung, công trình kiến trúc cần cho ác-ten hoạt động, tất cả các xí nghiệp chế biến sản phẩm lao động. Ngoài ra nhà ở, một phần động vật lấy sữa, gia súc nhỏ, gà vịt, những nhà cửa để nuôi gia súc riêng, nông cụ nhỏ là của riêng của nông trang viên và đất đai trong vườn do nông trang viên sử dụng đều không xã hội hóa. Các ác-ten đã chấp hành đúng nguyên tắc do Lê-nin đề ra và đã được Người chứng minh bằng lý luận tức là guyên tắc làm cho nông dân vì lợi ích vật chất mà quan tâm đến kết quả lao động của họ.

Trong bản báo cáo của Stalin và trong nghị quyết của Đại hội Đảng lần XVII đã chỉ rằng ác-ten là một hình thức duy nhất đúng đắn của phong trào nông trang tập thể ở Liên Xô, bởi vì nó kết hợp đúng đắn lợi ích cá nhân của nông trang viên với lợi ích tập thể, và nó đã khéo làm cho lợi ích cá nhân trong đời sống hàng ngày thích ứng với lợi ích tập thể, do đó đã dễ dàng giáo dục tinh thần chủ nghĩa tập thể cho những người vừa mới hôm qua vẫn còn là nông dân cá thể.

Ác-ten được đẻ ra từ kinh nghiệm của phong trào nông trang tập thể là thành quả lịch sử của Đảng và Chính phủ Xô viết. Và cả trong giai đoạn phát triển sau đấy nữa cho đến lúc những điều kiện cần thiết của công xã nông nghiệp hình thành đầy đủ, thì ác-ten vẫn sẽ còn là hình thức chủ yếu và quan trọng của chế độ nông trang tập thể.

Trong bản nghị quyết 5-1-1930, Ban chấp hành Trung ương đã giao cho Bộ dân ủy nông nghiệp Liên Xô thảo ra bản điều lệ kiểu mẫu cho ác-ten có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức nông trang tập thể. Ban chấp hành Trung ương cũng hết sức nghiêm chỉnh báo trước cho các tổ chức Đảng phải đề phòng, chống lại bất cứ “mệnh lệnh” nào từ trên xuống trong phong trào nông trang tập thể, có thể gây ra nguy cơ biến cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa thành trò chơi hình thức trong công cuộc tập thể hóa. Như thế có nghĩa là bảo đảm một cách đầy đủ nguyên tắc tự nguyện làm cho nông dân tin tưởng rằng nền kinh tế xã hội tập thể hơn hẳn nền kinh tế nông dân cá thể. Mọi chủ trương dùng bạo lực trong việc tập thể hóa chỉ đưa lại kết quả tai hại, đẩy nông dân ra khỏi nông trang tập thể. Đảng Cộng sản và Chính quyền Xô viết kiên quyết tuân theo những nguyên tắc ấy trong công tác xây dựng nông trang tập thể của mình.

Điều lệ kiểu mẫu của ác-ten mà đại hội chiến sĩ thi đua nông trang viên lần 2 toàn liên bang thông qua vào 2-1935, cùng với việc nông trang tập thể được quyền sử dụng vĩnh viễn số ruộng đất do nông trang tập thể cày cấy, đã củng cố chế độ nông trang tập thể.

Điều lệ ghi rõ nguyên tắc xã hội chủ nghĩa kết hợp đúng đắn lợi ích riêng của nông trang viên với lợi ích tập thể, đã trở thành nguyên tắc cao nhất trong đời sống nông trang tập thể. Trong điều lệ tiếp tục ghi rõ: “Con đường nông trang tập thể, con đường của chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đắn đối với nông dân lao động. Những thành viên của nông trang tập thể có nhiệm vụ phải củng cố nông trang tập thể của mình, phải lao động trung thực, phải chia các khoản thu nhập của nông trang theo lao động, phải bảo vệ tài sản chung, phải giữ gìn của cải của nông trang, giữ gìn máy kéo và máy móc, phải chăm nom ngựa cho chu đáo, phải hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước công nông đã giao cho, và do đó làm cho nông trang tập thể của mình có tính chất bôn-sê-vích, làm cho tất cả nông trang viên sống sung túc” .

Việc xây dựng và hoàn thiện điều lệ kiểu mẫu của ác-ten là một sự củng cố cụ thể có tính chất pháp chế trong công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Nó quy định rõ những nguyên tắc chủ yếu của đời sống nông trang tập thể, nó thể hiện chính sách và hoạt động thực tiễn của Đảng cộng sản trong lĩnh vực xây dựng nông trang tập thể và tổng hợp kinh nghiệm tiên tiến về tổ chức khoa học nền đại nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Bản điều lệ kiểu mẫu của ác-ten đã củng cố về mặt pháp chế những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa của chế độ nông trang tập thể: sự thống trị của chế độ công hữu ruộng đất trong nông trang tập thể, nông trang tập thể có quyền sử dụng vĩnh viễn, nhưng không được mua bán hoặc phát canh ruộng đất đó; kinh doanh có kế hoạch, trước hết phải lo hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, lao động tập thể và phân phối thu nhập theo lao động; tiến hành kinh doanh một cách khoa học nền kinh tế tập thể và quản lý dân chủ việc sản xuất ở các nông trang tập thể. Chỉ có chấp hành nghiêm chỉnh những nguyên tắc sinh hoạt hàng ngày các nông trang tập thể mới có thể phát triển thuận lợi và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Đến tháng 7-1930, trong cả nước có 23,6% nông hộ đã vào nông trang tập thể, còn ở những vùng sản xuất ngũ cốc chủ yếu tỷ lệ đó đạt được 40-50%. Kế hoạch 5 năm phát triển tổng sản lượng ngũ cốc đã được các nông trường quốc doanh hoàn thành trong kế hoạch ba năm và các nông trang tập thể hoàn thành trong hai năm. Như vậy có thể nói vai trò của nền kinh tế nông dân cá thể không còn là cơ sở quyết định số phận của nông nghiệp mà một lực lượng mới đã thay thế và hoàn toàn thay thế nó, đó là nông trường quốc doanh và nông trang tập thể. Việc các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm đa số trong nông thôn đã đưa nông thôn Liên Xô bước lên con đường của chủ nghĩa xã hội, và do đó đảm bảo được việc xây dựng vững chắc chủ nghĩa xã hội ở nông thôn.

Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô vạch rõ rằng: “Ở những vùng sản xuất ngũ cốc quan trọng của Liên Xô từ nay nông thôn chia làm hai bộ phận chủ yếu: bộ phận trang viên nông trang tập thể là chỗ dựa thực sự và vững chắc của chính quyền Xô viết, và bộ phận bần – trung nông không phải là trang viên nông trang tập thể hiện nay chưa muốn vào nông trang tập thể, nhưng kinh nghiệm phong phú của các nông trang tập thể trong một thời gian tương đối ngắn chắc chắn sẽ làm cho số người đó thấy rõ sự cần thiết phải đi vào con đường tập thể hóa” .

Đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ở nông thôn đã có hơn 20 vạn nông trang tập thể và gần 5 ngàn nông trường quốc doanh. Việc tập thể hóa nông nghiệp trong toàn quốc thì các vùng chủ yếu (vùng 1) của Liên Xô đã kết thúc, còn các vùng khác thì đã tập hợp được 60% nông hộ và 70% tổng số diện tích cày cấy.

Tất cả những điều đó đã nói lên thắng lợi hoàn toàn của sự chuyển biến xã hội ở nông thôn, kết quả là những vấn đề khó khăn nhất của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được giải quyết. Hàng triệu nông dân đã chuyển từ con đường kinh tế cá thể, nguồn gốc đẻ ra chủ nghĩa tư bản, sang con đường kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nếu trước khi có sự chuyển biến đó, nông dân lao động mới chỉ ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sau đấy họ tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng đó. Chỗ dựa của chính quyền Xô viết ở nông thôn được mở rộng. Nếu trước kia bần nông là chỗ dựa duy nhất thì sự thắng lợi của chế độ nông trang tập thể, thì nông dân trong nông trang tập thể trở thành chỗ dựa của chính quyền Xô viết. Như vậy là chính quyền của nhân dân ngày càng được củng cố.

Chế độ nông trang tập thể trong những năm kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã giành lấy những thành công to lớn. Giữa năm 1937, 93% nông hộ trong nước đã được tổ chức vào nông trang tập thể, còn diện tích trồng trọt ngũ cốc của các nông trang tập thể đạt 99% tổng số diện tích trồng ngũ cốc.

Cũng trong năm 1939, các nông trang tập thể đã tập hợp được 18 triệu 80 vạn nông hộ, nghĩa là 93,5 % tổng số nông hộ.

Khi tiến hành tổng kết kế hoạch 5 năm lần hai, Đại hội Đảng Cộng sản (B) Liên Xô lần XVIII rất hài lòng khi nhận xét: “Nhiệm vụ khó khăn nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được giải quyết: công cuộc tập thể hóa nông nghiệp đã được hoàn thành, chế độ nông trang tập thể đã được củng cố hẳn hỏi” .

Đồng chí Stalin đã chỉ ra rằng phương pháp tập thể hóa là một phương pháp tiến bộ ở một trình độ cao nhất thời bấy giờ, không chỉ phương pháp đó làm nông dân thoát khỏi tình trạng phá sản mà đặc biệt là vì trong một thời gian ngắn đã đem lại khả năng xây dựng trên khắp đất nước Xô viết rộng lớn những cơ sở kinh tế tập thể to lớn. Những cơ sở kinh tế đó có khả năng áp dụng kỹ thuật nông nghiệp mới, áp dụng các thành tựu khoa học nông nghiệp, và cung cấp nhiều hơn cho đất nước những sản phẩm bán ra thị trường.

Ý nghĩa vĩ đại của nông trang tập thể là ở chỗ nó đã tạo ra những khả năng vô tận để sử dụng rộng rãi máy móc nông nghiệp phức tạp trong công tác nhằm nâng cao năng suất.

Ở Liên Xô thực tế đã chứng minh rằng đường lối phát triển nông nghiệp do Lê-nin vạch ra là hoàn toàn đúng đắn. Sức mạnh vĩ đại và sức sống của học thuyết của Lê-nin về con đường thu hút đại bộ phận quần chúng nông dân vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là bài học đầy phong phú cho các nước khác noi theo.

#Gấu