P.2. Tranh luận trong đảng về vấn đề công đoàn. Đại hội X của đảng. Sự thất bại của phái đối lập. Chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP).

Chương IX

ĐẢNG BÔN-SÊ-VÍCH TRONG THỜI KỲ CHUYỂN SANG HÒA BÌNH 

KHÔI PHỤC NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN (1921 - 1925)

2. Tranh luận trong đảng về vấn đề công đoàn. Đại hội X của đảng. Sự thất bại của phái đối lập. Chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP).

Ban Chấp hành trung ương đảng, đa số trong Ban Chấp hành trung ương theo Lê-nin đều hiểu rõ rằng khi chiến tranh đã chấm dứt và khi đã chuyển sang hòa bình xây dựng kinh tế thì không còn có lý do để giữ mãi chế độ cộng sản thời chiến, chế độ cứng rắn do hoàn cảnh chiến tranh và phong tỏa buộc phải thi hành.

Ban Chấp hành trung ương hiểu là không cần phải trưng mua lương thực nữa, cần thay thế việc trưng mua bằng thuế lương thực để nông dân có thể sử dụng phần lớn sản phẩm thừa của họ theo ý muốn của họ. Ban Chấp hành trung ương hiểu rằng một biện pháp như thế sẽ tạo khả năng phục hồi nông nghiệp, mở rộng sản xuất lúa mì và cây công nghiệp cần thiết cho việc phát triển công nghiệp, phục hồi lưu thông hàng hóa trong nước, cải tiến việc tiếp tế cho thành thị, tạo ra cơ sở kinh tế mới của liên minh công nông.

Ban Chấp hành trung ương đảng cũng nhận thấy phục hội công nghiệp là nhiệm vụ chủ yếu nhất, nhưng cho rằng không thể phục hồi công nghiệp nếu không thu hút giai cấp công nhân và các công đoàn tham gia công việc ấy, rằng có thể thu hút công nhân vào việc ấy nếu thuyết phục được cho họ thấy sự tàn phá về kinh tế cũng là một kẻ thù nguy hiểm đối với nhân dân như can thiệp và phong tỏa, rằng đảng và các công đoàn chắc chắn sẽ làm được việc phục hồi công nghiệp nếu đối với công nhân đảng và công đoàn dùng cách thuyết phục, dùng phương pháp thuyết phục chứ không phải dùng mệnh lệnh quân sự như ở ngoài mặt trận, nơi mà mệnh lệnh quân sự là thật sự cần thiết.

Nhưng không phải tất cả các đảng viên đều nghĩ như Ban Chấp hành trung ương. Những nhóm đối lập như bọn Tơ-rốt-ski, « đối lập công nhân » , « cộng sản phái tả », « tập trung dân chủ » v.v. đều hoang mang do dự trước những khó khăn của việc chuyển sang con đường hòa bình xây dựng kinh tế. Trong đảng còn khá nhiều những người trước kia là men-sê-vích, xã hội chủ nghĩa cách mạng, phái Bun (Do Thái), phái « Đấu tranh » và những người nửa quốc gia chủ nghĩa đủ các loại ở các miền biên thùy Nga. Phần lớn những người này tham gia nhóm đối lập này hay nhóm đối lập khác. Không phải là những người mác-xít chân chính, không hiểu quy luật phát triển kinh tế, không được rèn luyện theo tinh thần đảng và theo chủ nghĩa Lê-nin, những người này chỉ làm cho những nhóm đối lập thêm hoang mang và giao động. Trong số đó, có kẻ nghĩ rằng không nên làm suy yếu chế độ cứng rắn cộng sản thời chiến, trái lại, phải « siết chặt đinh ốc » hơn nữa. Có kẻ lại nghĩ rằng đảng và Nhà nước phải đứng ngoài công cuộc phục hồi kinh tế quốc dân, công việc ấy phải hoàn toàn giao cho các công đoàn.

Rõ ràng là trước tình trạng một số đảng viên hoang mang như thế, thì có những kẻ thích tranh luận, những « lãnh tụ » các phái đối lập đủ mọi loại tìm cách buộc đảng phải mở cuộc tranh luận.

Thế là cuộc tranh luận đã xảy ra.

Cuộc tranh luận bắt đầu từ vấn đề vai trò của công đoàn, tuy bấy giờ vấn đề công đoàn không phải là vấn đề chính trong chính sách của đảng.

Tơ-rốt-ski là người khởi xướng cuộc tranh luận và cuộc đấu tranh chống Lê-nin, chống đa số ủy viên Ban Chấp hành trung ương theo Lê-nin. Mong làm cho tình hình thêm gay gắt, Tơ-rốt-ski đã phát biểu trong buổi họp các đại biểu đảng viên cộng sản dự hội nghị đại biểu ý của các công đoàn toàn Nga vào đầu tháng Một 1920, nêu ra khẩu hiệu đáng nghi ngờ như « siết chặt đinh ốc » hơn nữa và « rũ sạch các công đoàn ». Tơ-rốt-ski đòi phải lập tức « Nhà nước hóa các công đoàn », y phản đối phương pháp thuyết phục quần chúng công nhân. Y tán thành áp dụng phương pháp quân sự trong các công đoàn. Tơ-rốt-ski phản đối việc mở rộng dân chủ trong các công đoàn, phản đối chế độ bầu cử các cơ quan công đoàn.

Bọn tơ-rốt-kít đề nghị chỉ dùng phương pháp cưỡng bách, phương pháp ra lệnh, chứ không dùng phương pháp thuyết phục, mà không có phương pháp thuyết phục thì sự hoạt động của các tổ chức công nhân là điều không thể có được. Ở nơi nào mà bọn tơ-rốt-kít chiếm được địa vị lãnh đạo công đoàn thì chính sách của chúng làm nổ ra những cuộc xung đột, phân liệt và tan rã công đoàn ở đấy. Chính sách của chúng kích những quần chúng công nhân ngoài đảng chống lại đảng, chia rẽ giai cấp công nhân.

Sự thật, cuộc tranh luận về công đoàn có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với vấn đề công đoàn sau này. Đúng như nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nga (17 tháng Giêng 1925) đã chỉ rõ, cuộc tranh luận thực ra đã đề cập đến thái độ đối với nông dân nổi dậy chống chính sách cộng sản thời chiến, thái độ đối với quần chúng công nhân ngoài đảng, nói chung, thái độ của đảng đối với quần chúng trong thời kỳ mà nội chiến đã chấm dứt (Đảng cộng sản (b) toàn Liên-cô qua những nghị quyết, phần I, tr. 651).

Tiếp sau Tơ-rốt-ski, các nhóm chống đảng khác cũng lên tiếng: nhóm « đối lập công nhân » (Sơ-li-áp-ni-cốp, Mét-xê-đép, Cô-lông-tai và những người khác), nhóm « tập trung dân chủ » (Xa-pơ-rô-nốp, Đơ-rop-nit, Bô-gu-sláp-ski, Ô-xin-ski, V. Smiếc-lốp và những người khác), nhóm « cộng sản phái tá » (Bu-kha-rin, Pơ-rê-ô-bơ-ra-gien-ski).

Nhóm « đối lập công nhân » đưa ra khẩu hiệu trao quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân cho Đại hội những người sản xuất toàn Nga. Nhóm này cho rằng đảng không có vai trò gì cả, phủ nhận tầm quan trọng của chuyên chính vô sản trong việc xây dựng kinh tế. Nhóm « đối lập công nhân » đem đối lập công đoàn với Nhà nước Xô-viết và đảng cộng sản. Nhóm này cho rằng hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân là công đoàn, chứ không phải là đảng. Nhóm « đối lập công nhân » thực chất là nhóm chống đảng thuộc khuynh hướng vô chính phủ công đoàn chủ nghĩa.

Nhóm « tập trung dân chủ » đòi tự do hoàn toàn cho các phái và các nhóm nhỏ. Cũng như bọn tơ-rốt-kít, bọn này tìm cách phá hoại vai trò lãnh đạo của đảng trong các Xô-viết và các công đoàn, Lê-nin gọi phái ấy là « to họng nhất », gọi lập trường của nó là lập trường men-sê-vích - xã hội chủ nghĩa-cách mạng.

Bu-kha-rin đã giúp Tơ-rốt-ski trong cuộc đấu tranh chống Lê-nin và chống đảng. Bu-kha-rin đã cùng với Pơ-rê-ô-bơ-ra-gien-ski, Xe-rê-bơ-ri-a-cốp và Xô-cô-ni-cốp lập ra nhóm « đệm ». Nhóm này bênh vực và bao che bọn bè phái tệ hại nhất là bọn Tơ-rốt-ski. Lê-nin gọi thái độ của Bu-kha-rin là « sự đồi trụy về tư tưởng đến tột bực ». Ít lâu sau, bọn Bu-kha-rin công khai đi với bọn Tơ-rốt-ski chống lại Lê-nin.

Lê-nin và những người theo Lê-nin giành đòn đả kích chính đánh vào bọn Tơ-rốt-ski, coi chúng là lực lượng chủ yếu của những nhóm chống đảng. Lê-nin và những người theo Lê-nin vạch cho bọn Tơ-rốt-ski thấy chúng đã lẫn lộn công đoàn với các tổ chức quân sự, chỉ cho chúng thấy rõ rằng không thể đem áp dụng các phương pháp của các tổ chức quân sự vào các công đoàn được. Đối lại lập trường của các nhóm đối lập, Lê-nin và những người theo Lê-nin đã nêu rõ lập trường của mình. Theo lập trường này thì công đoàn là trường học quản lý, trường học làm chủ, trường học chủ nghĩa cộng sản. Tất cả công tác của công đoàn phải dùng phương pháp thuyết phục. Chỉ với điều kiện như thế công đoàn mới phát động được tất cả công nhân đấu tranh chống sự tàn phá về kinh tế, thu hút được công nhân vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc đấu tranh chống các nhóm đối lập, các tổ chức của đảng đoàn kết xung quanh Lê-nin. Cuộc chiến đấu đặc biệt gay gắt ở Mát-xcơ-va. Ở đây, phe đối lập đã tập trung lực lượng chính nhằm giành lấy các tổ chức ở thủ đô. Nhưng những người bôn-sê-vích Mát-xcơ-va đã cương quyết chống lại mưu mô của bọn bè phái. Trong các tổ chức của đảng ở U-cơ-ren cũng nổ ra một cuộc đấu tranh gay gắt. Những người bôn-sê-vích dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mô-lô-tốp lúc bấy giờ là bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản (b) U-cơ-ren, đã đánh bại bọn Tơ-rốt-ski và bọn Sơ-li-áp-ni-cốp. Đảng cộng sản U-cơ-ren trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng của Lê-nin. Ở Ba-cu, đồng chỉ Oóc-giô-ni-kít-dê lãnh đạo việc tổ chức đánh tan phái đối lập. Ở Trung Á, đồng chí Ca-ga-nô-vi-tsơ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống những nhóm chống đảng.

Tất cả các tổ chức địa phương chủ yếu của đảng đều theo lập trường của Lê-nin.

Ngày 8 tháng Ba 1921, đại hội X của đảng khai mạc. Tham dự đại hội có 694 đại biểu có quyền biểu quyết, thay mặt cho 732.521 đảng viên, và 296 đại biểu tư vấn. Đại hội đã tổng kết cuộc tranh luận về vấn đề công đoàn và đã thông qua lập trường của Lê-nin với tuyệt đại đa số phiếu.

Khai mạc đại hội, Lê-nin tuyên bố rằng cuộc tranh luận ấy là một sự xa xỉ không thể tha thứ được, Lê-nin chỉ rằng quân thù trông chờ vào cuộc đấu tranh nội bộ và sự phân liệt trong đảng cộng sản.

Nhận thấy sự tồn tại của các nhóm bè phái là nguy cơ lớn cho đảng bôn-sê-vích và cho nền chuyên chính của giai cấp vô sản, đại hội X đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề thống nhất đảng. Lê-nin đã đọc một bản báo cáo về vấn đề này. Đại hội đã lên án tất cả các nhóm đối lập và chỉ rõ ràng : thực tế thì các nhóm ấy giúp cho kẻ thù giai cấp của cách mạng vô sản.

Đại hội chỉ thị phải lập tức giải tán tất cả các nhóm bè phái và giao cho tất cả các tổ chức phải hết sức chặt chẽ không để xảy ra một hành động bè phái nào ; người nào không chấp hành nghị quyết của đại hội lập tức sẽ bị khai trừ khỏi đảng. Đại hội giao cho Ban Chấp hành trung ương có toàn quyền, trong trường hợp có ủy viên Trung ương phạm kỷ luật và trong trường hợp lại sinh ra hoặc để cho xảy ra hành động bè phái, thi hành mọi biện pháp kỷ luật của đảng, kể cả việc khai trừ những người đó ra khỏi Trung ương và ra khỏi đảng.

Tất cả những nghị quyết ấy đều ghi trong nghị quyết đặc biệt « Về sự thống nhất của đảng » do Lê-nin đề nghị và được đại hội thông qua.

Trong nghị quyết ấy, đại hội lưu ý toàn thể các đảng viên rằng sự thống nhất và đoàn kết hàng ngũ của đảng, sự thống nhất ý chí của đội tiền phong của giai cấp vô sản là đặc biệt cần thiết trong lúc mà nhiều tình hình xảy ra trong thời kỳ đại hội X đã làm cho tầng lớp tiểu tư sản trong nước thêm giao động. Bản nghị quyết ghi rằng :

« Tuy vậy, ngay từ trước khi có cuộc tranh luận về vấn đề công đoàn trong toàn Đảng, trong đảng đã có những dấu hiệu bè phái, nghĩa là đã thấy xuất hiện những nhóm có lập trường riêng và có xu hướng muốn đứng riêng rẽ đến một mực nào đấy và muốn lập ra kỷ luật riêng của nhóm mình. Cần phải làm sao cho tất cả những công nhân giác ngộ nhận thức rõ rằng bất kỳ thứ bè phái nào thì cũng đều có hại và không thể dung thứ được, vì hoạt động bè phái thực tế nhất định sẽ đưa đến chỗ làm suy yếu sự hòa hợp trong công tác và làm cho kẻ thù đang bám lấy đảng chấp chính tăng cường việc lặp lại những mưu toan khoét sâu sự chia rẽ (trong đảng) và lợi dụng sự chia rẽ ấy để đạt mục đích phản cách mạng » .

Đại hội nói thêm trong nghị quyết:

« Kẻ thù của giai cấp vô sản lợi dụng mọi thiên hướng đi chệch đường lối cộng sản rất kiên định, điều đó thể hiện rõ rệt ở vụ bạo động Cơ-rôn-stat, lúc đó bọn phản cách mạng tư sản và bạn Bạch vệ ở khắp các nước đã lập tức tỏ ra sẵn sàng thừa nhận cả những khẩu hiệu của chế độ Xô-viết miễn là chuyên chính vô sản ở Liên Xô bị lật đổ , lúc đó bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng hay nói chung bọn phản cách mạng tư sản đã lợi dụng ở Cơ-rôn-stat những khẩu hiệu khởi nghĩa giả danh vì chính quyền Xô-viết để chống lại chính phủ Xô-viết ở Nga. Những việc như thế đủ tỏ rằng bọn Bạch vệ muốn và biết ngụy trang thành những người cộng sản và thậm chí còn « tả hơn » cả những người cộng sản nữa, chỉ cốt sao làm suy yếu và phá đổ được thành trì của cách mạng vô sản ở Nga. Những truyền đơn men-sê-vích Pê-tơ-rô-gơ-rát trước vụ bạo động Cơ-rôn-stat cũng chứng tỏ rằng bọn men-sê-vích đã lợi dụng những sự bất đồng ý kiến trong nội bộ Đảng cộng sản Nga đề thực sự thúc đẩy và ủng hộ cho bọn bạo động ở Cơ-rôn-stat, bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng và bọn Bạch vệ hành động, trong khi đó chúng vẫn thơn thớt rằng trừ một vài điểm sửa đổi nhỏ con thì chúng chống lại bọn bạo động và tán thành chính quyền Xô-viết ».

Bản nghị quyết chỉ rằng công tác tuyên truyền của đảng phải giải thích cặn kẽ rằng bè phái là tai hại và nguy hiểm cho sự thống nhất của đảng và cho việc thực hiện sự thống nhất ý chỉ trong đội tiền phong của giai cấp vô sản, coi đó là điều kiện chủ yếu để cho chuyên chính vô sản thắng lợi.

Bản nghị quyết nói rằng mặt khác, công tác tuyên truyền của đảng phải giải thích rõ tính chất độc đáo của những thủ đoạn sách lược mới nhất của kẻ thù của chính quyền Xô-viết.

Bản nghị quyết chỉ rõ:

« Những kẻ thù ấy đã biết rằng mưu mô phản cách mạng mà công khai đứng dưới lá cờ Bạch vệ thì không ai theo cả, cho nên chúng hết sức cố gắng lợi dụng những sự bất đồng ý kiến trong nội bộ Đảng cộng sản Nga, và đẩy tới phản cách mạng bằng cách giao quyền cho những nhóm chính trị bề ngoài tỏ ra sẵn sàng thừa nhận chính quyền Xô-viết hơn cả » (Đảng cộng sản (b) toàn Liên Xô qua những nghị quyết, phần I, tr. 373-374).

Bản nghị quyết còn chỉ rằng công tác tuyên truyền của đảng « cũng phải vạch rõ kinh nghiệm những cuộc cách mạng trước, khi mà bọn phản cách mạng ủng hộ những nhóm tiểu tư sản hết sức gần gũi đảng cách mạng cực đoan để làm lung lay và lật đổ chuyên chính cách mạng, do đó mở đường cho sự thắng lợi hoàn toàn sau này của bọn phản cách mạng, bọn tư bản và đại địa chủ ». Một nghị quyết khác « Về thiên hướng công đoàn chủ nghĩa và vô chính phủ chủ nghĩa trong đảng ta » cũng do Lê-nin đề ra và được đại hội thông qua, gắn liền với nghị quyết « Về sự thống nhất của đảng ». Trong nghị quyết này, đại hội X lên án cái gọi là phái « đối lập công nhân ». Đại hội tuyên bố rằng tuyên truyền những tư tưởng của thiên hướng và chính phủ - công đoàn chủ nghĩa là trái với danh hiệu đảng viên đảng cộng sản và kêu gọi đảng cương quyết đấu tranh với thiên hướng ấy.

Đại hội X thông qua quyết định rất quan trọng về việc chuyển từ chính sách trưng mua lương thực sang chính sách thuế nộp bằng lương thực, về việc chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP).

Trong bước ngoặt chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới người ta thấy được tất cả cái thông minh và sáng suốt của chính sách của Lê-nin.

Trong nghị quyết của Đại hội có nói về việc thay thế chính sách trưng mua lương thực bằng chính sách nộp thuế bằng lương thực. Thuế lương thực nộp bằng hiện vật ít hơn số lượng thực trưng mua. Tổng số thuế là bao nhiêu cần được công bố ra trước khi gieo mạ mùa xuân. Thời hạn nộp thuế được ấn định một cách chính xác. Thuế nộp xong rồi, còn lại bao nhiêu người nông dân có toàn quyền sử dụng, họ được tự do bán số còn thừa ấy. Lê-nin chỉ rõ trong báo cáo rằng lúc đầu sự tự do buôn bán sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản phục hồi một phần nào ở trong nước. Phải để cho tư nhân buôn bán và cho phép các nhà công nghiệp tư nhân mở những xí nghiệp nhỏ. Nhưng không nên vì thế mà lo ngại. Lê-nin cho rằng một ít tự do lưu thông hàng hóa sẽ làm cho nông dân tha thiết sản xuất, sẽ nâng cao năng suất lao động của nông dân và đưa đến chỗ nông nghiệp phát triển nhanh chóng ; rằng trên cơ sở ấy, công nghiệp Nhà nước sẽ phục hồi và tư bản tư nhân sẽ bị loại; rằng sau khi tập hợp lực lượng và các phương tiện, có thể xây dựng một nền công nghiệp mạnh mẽ, cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, và sau đó chuyển sang tấn công cương quyết, tiêu diệt tàn tích của chủ nghĩa tư bản ở trong nước.

Chủ nghĩa cộng sản thời chiến là mưu toan đoạt lấy đồn lũy của những thành phần tư bản chủ nghĩa ở thành thị và ở nông thôn bằng công kích, bằng tấn công chính diện. Trong cuộc tấn công ấy, đảng đã tiến lên khá xa, có cơ tách rời với cơ sở. Nay Lê-nin đề nghị lùi lại một tý, tạm thời lùi lại gần hậu phương hơn, chuyển từ công kích sang bao vây đồn lũy lâu dài hơn, để sau khi tích trữ đủ lực lượng lại bắt đầu tấn công.

Bọn Tơ-rốt-ski và những kẻ đối lập khác cho rằng chính sách kinh tế mới chỉ là một bước lùi. Đó là cách giải thích chính sách kinh tế mới hết sức tai hại, trái với tinh thần của chủ nghĩa Lê-nin.

Sự thật là chỉ một lát sau khi thi hành chính sách kinh tế mới, tại đại hội XI của Đảng, Lê-nin đã tuyên bố rằng thời kỳ rút lui đã chấm dứt và đã đưa ra khẩu hiệu « Chuẩn bị tấn công tư bản tư nhân trong kinh tế » (Lê-nin, tập XXVII, tr. 213).

Bọn đối lập là những người mác-xít tồi và là những người ngu xuẩn không hiểu các vấn đề của chính sách bôn-sê-vích, không hiểu thực chất của chính sách kinh tế mới cũng như tính chất của bước lùi khi chính sách tế mới bắt đầu. Về thực chất của chính sách kinh kinh tế mới chúng ta đã nói ở trên. Còn về tính chất của bước lùi, thì phải biết rằng có nhiều thứ lùi bước khác nhau. Có lúc đảng hay quân đội phải lùi vì thua trận. Trong trường hợp ấy, đảng hay quân đội phải lùi để giữ mình và bảo toàn cán bộ để đánh những trận mới. Lúc đề ra chính sách kinh tế mới, Lê-nin không đề nghị kiểu lùi này vì không những đảng không thất bại và không bị đánh tan, mà ngược lại, đảng đã đánh tan bọn can thiệp và bọn Bạch vệ trong thời gian nội chiến. Nhưng có lúc trong một cuộc tấn công thắng lợi, đảng hay quân đội đã tiến quá xa không bảo đảm được cơ sở hậu phương cho mình. Do đó sinh ra một nguy cơ nghiêm trọng. Trong trường hợp ấy, một đảng giàu kinh nghiệm hay là một quân đội thao lược, thường nhận thấy cần thiết, để không bị cắt đứt với căn cứ của mình, phải lùi một chút, xích lại gần hậu phương hơn, để liên hệ chắc chắn hơn với căn cứ hậu phương, đảm bảo cho mình mọi nhu cầu và sau đó lại tấn công một cách vững tin hơn, bảo đảm thành công. Khi đề ra chính sách kinh tế mới, Lê-nin đã chủ trương tạm lùi bước như thế. Khi báo cáo với đại hội IX của Quốc tế Cộng sản và những nguyên nhân đưa đến chỗ thi hành chính sách kinh tế mới, Lê-nin đã nói thẳng ra rằng trong khi tấn công về kinh tế, chúng tôi đã đi quá xa, không đảm bảo được cho mình một cơ sở đầy đủ ở phía sau, rằng do đó cần tạm thời lùi về phía hậu phương vững chắc đã.

Điều bất hạnh của phái đối lập là ở chỗ vì ngu dốt nên phái ấy trước đây không hiểu được và rồi suốt đời cũng sẽ không hiểu được sự lùi bước trong việc thực hiện chính sách kinh tế mới.

Nghị quyết của đại hội X về chính sách kinh tế mới bảo đảm sự liên minh kinh tế vững chắc giữa giai cấp công nhân và nông dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một quyết định khác của đại hội X về vấn đề dân tộc cũng phục vụ cho nhiệm vụ chủ yếu ấy. Báo cáo về vấn đề dân tộc do đồng chí Sta-lin trình bày. Đồng chí Sta-lin nói: chúng ta đã xóa bỏ sự áp bức dân tộc, nhưng như thế chưa đủ. Nhiệm vụ đặt ra là xóa bỏ cái di sản nặng nề của quá khứ, thủ tiêu tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị và văn hóa của các dân tộc trước kia bị áp bức. Phải giúp họ tiến kịp vùng trung tâm của nuớc Nga về phương diện ấy.

Đồng chí Sta-lin chỉ rõ hai khuynh hướng chống đảng trong vấn đề dân tộc; chủ nghĩa sô-vanh nước lớn (Đại Nga) và chủ nghĩa dân tộc địa phương. Đại hội lên án cả hai khuynh hướng có hại và nguy hiểm cho chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đồng thời đại hội đã chĩa đòn chủ yếu đánh vào chủ nghĩa nước lớn, coi đó là nguy cơ chính, tức là đánh vào những vết tích và tàn dư của thái độ đối với các dân tộc mà bọn sô-vanh Đại Nga đã biểu thị đối với các dân tộc không phải Nga dưới thời Nga hoàng.