P2. Cơ sở thực tiễn (Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành công tác chuẩn bị cho quá trình tập thể hóa).



Cuối năm 1927, trong lúc thực hiện cương lĩnh về xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lê-nin, nhân dân Xô viết đã gặt hái được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp hóa đất nước. So với nhu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp xã hội chủ nghĩa đang phát triển nhanh chóng theo nguyên tắc tái sản xuất mở rộng thì nông nghiệp còn phát triển ì ạch với một tốc độ chậm chạp. Ngành chủ yếu của nông nghiệp là sản xuất ngũ cốc phát triển rất chậm. Mặc dù trong năm 1927, diện tích gieo trồng giống đã đạt 96,9% mức trước chiến tranh và đã thu hoạch được 91,9% tổng sản lượng ngũ cốc, song số lúa mì bán ra cung cấp cho thành thị và quân đội vẫn chỉ đạt 27% so với năm 1913. Việc sản xuất lúa mì bán ra gặp phải nguy cơ phá sản. Đứng trước tình hình như thế, quân đội và nhân dân thành thị sẽ bị nạn đói đe dọa. Nông nghiệp phát triển chậm chạp so với sự phát triển của công nghiệp, do đó nông nghiệp không thõa mãn được những cơ sở nguyên liệu cần thiết cho công nghiệp đang phát triển và không thõa mãn được nhu cầu của thành thị về lương thực. Sự phát triển chậm chạp như vậy của nông nghiệp đe dọa khối liên minh giữa thành thị và nông thôn, đe dọa làm thất bại công cuộc công nghiệp hóa đất nước và do đó đe dọa đến sự phát triển có kế hoạch của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

 Nguyên nhân chủ yếu của việc nông nghiệp phát triển chậm so với công nghiệp là do tính chất phân tán của nông nghiệp, nên không áp dụng được kỹ thuật hiện đại. Nông nghiệp phát triển chậm còn do kỹ thuật nông nghiệp còn lạc hậu, do trình độ văn hóa nông dân còn kém.

 Đảng Cộng sản (B) Liên Xô đã thấy rằng nếu mâu thuẫn đó ngày càng sâu sắc thêm có thể dẫn tới chỗ làm cho nền kinh tế quốc dân hoàn toàn tan rã, đồng thời Nhà nước Xô viết và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga không thể dựa trên hai cơ sở khác nhau trong một thời kỳ tương đối dài: trên cơ sở của một nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở của một nền kinh tế tiểu nông sản xuất hàng hóa phân tán.

 Tất cả tiến trình phát triển kinh tế của đất nước đòi hỏi phải thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cũ ở nông thôn bằng quan hệ sản xuất tập thể mới. Cần phải xây dựng cơ sở xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, nghĩa là chuyển những cơ sở kinh doanh nông nghiệp phân tán vào những cơ sở kinh doanh tập thể to lớn có khả năng phát triển kinh doanh dựa trên cơ sở tái sản xuất mở rộng, sử dụng rộng rãi máy kéo, máy gặt đập và những loại máy nông nghiệp khác, để có thể nâng cao số lượng lúa mì bán ra.

 Do đó, vấn đề tập hợp dần những cơ sở kinh doanh tiểu nông thành cơ sở sản xuất tập thể, trang bị bằng kỹ thuật tiên tiến là một điều kiện quan trọng nhằm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đó được đặt ra là do sự đòi hỏi của quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất của lực lượng sản xuất.

 Lê-nin dã chỉ rằng với nền tiểu sản xuất thì không thể thoát ra khỏi cảnh nghèo khổ được và nếu hoàn thành bước quá độ từ nền kinh tế tiểu nông phân tán lên nền kinh tế tập thể xã hội thì năng suất lao động sẽ được nâng cao đáng kể, sức lao động của con người dùng trong nông nghiệp hay trong lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng sẽ được tiết kiệm hai hoặc ba lần.

 Đại hội XV của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô là một trong những dấu mốc của lịch sử. Đây là Đại hội Tập thể hóa, và đã hoàn chỉnh về cương lĩnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa nhỏ.

 Dựa theo những chỉ thị của Lê-nin, trong bản báo cáo tổng kết củ Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô ở Đại hội XV, đồng chí Stalin đã dẫn chứng để cho thấy rằng chính sách tập thể nóa nông nghiệp là một chính sách phù hợp với những yêu cầu cần thiết của công cuộc phát triển xã hội Xô viết.

 Đồng thời, Đại hội XV cũng chỉ rõ về những phương pháp đấu tranh để thực hiện tập thể hóa nông nghiệp và tấn công mạnh hơn nữa vào các yếu tố tư bản chủ nghĩa. Những nghị quyết của Đại hội đã nói rằng Đảng cộng sản dựa và bần nông, củng cố liên minh với trung nông, sử dụng tất cả các lực lượng của các tổ chức kinh tế, Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc tấn công vào bọn phú nông và dùng nhiều biện pháp mới để hạn chế sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở trong nông thôn và đưa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do đó Đại hội Đảng XV đã đặt vào chương trình nghị sự một nhiệm vụ khó khăn nhất của cách mạng vô sản sau khi giành được chính quyền là nhiệm vụ chuyển những cơ sở kinh doanh tiểu nông vào con đường của chủ nghĩa xã hội.

 Đại hội thông qua chương trình mở rộng công tác ở trong nông thôn, đề ra những biện pháp chuẩn bị đưa nông dân vào nông trang tập thể, đã kêu gọi mở rộng việc xây dựng nông trang tập thể và nông trường quốc doanh, đồng thời cương quyết tấn công bọn phú nông.

 Trong nghị quyết, Đại hội Đảng lần XV rất coi tọng nhiệm vụ chủ yếu của Đảng ở nông thôn là phổ biến tất cả những hình thức hợp tác xã. Đại hội đã chỉ rằng dựa trên cơ sở phát triển hơn nữa việc ký hợp đồng về nông phẩm, cần thiết phải tiến hành sửa đổi lại chế độ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp, củng cố hơn nữa khối liên minh công nông, củng cố hơn nữa liên minh sản xuất công nghiệp xã hội chủ nghĩa và những cơ sở kinh doanh của nông dân, cần thiết phải củng cố các nông trường quố doanh kiểu mẫu, ngày càng tăng cường giúp đỡ các cơ sở kinh doanh của nông dân bằng các trạm cho thuê máy móc, bằng các đoàn máy kéo và bằng nhiều hình thức giúp đỡ khác có tác dụng đến bước quá độ của nông dân vào con đường cày cấy ruộng đất tập thể.

Những nghị quyết lịch sử của Đại hội lần thứ XV chứng tỏ sự sáng suốt của tập thể lãnh đạo Đảng đã quán triệt những tư tưởng của Lê-nin về việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Những nghị quyết của Đại hội đã hướng dẫn Đảng thực hiện tập thể hóa rộng rãi nền nông nghiệp, mở rộng việc chuẩn bị đầy đủ để tập thể hóa toàn bộ và trên cơ sở đó mà thủ tiêu giai cấp bóc lột đông đảo nhất là giai cấp phú nông.

 Chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng đáp ứng những quyền lợi căn bản của quần chúng nhân dân rộng rãi, đã đáp ứng những nhu cầu bức thiết về vật chất của sự phát triển xã hội Xô viết. Đảng cộng sản đã chú ý một cách đúng đắn về quy luật kinh tế khách quan là quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất của sức sản xuất mà Đảng đã đưa ra đúng lúc chính sách hợp tác hóa nông nghiệp. Đảng cộng sản và Ban chấp hành Trung ương đã dũng cảm tin tưởng lãnh đạo giai cấp công nhân liên minh với nông dân để giải quyết mâu thuẫn giữa hai cơ sở hiện có trong nền kinh tế quốc dân và xây dựng ở nông thôn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, mở ra một điều kiện rộng mở để phát triển lực lượng sản xuất trong tất cả ngành nông nghiệp.

#Gấu