P.19 - Trận chiến ở vòng cung Kursk
Trận chiến ở vòng cung Kursk
Sau chiến thắng ở Stalingrad, thế chủ động chiến lược đã chuyển về phía Hồng quân Xô Viết. Toàn bộ cụm quân Đức ở phía Bắc Caucasus nằm trong vòng vây của phương diện quân Voronezh dưới sự chỉ huy của Golikov và phương diện quân Tây Nam của Vatutin.
Stalin có ý định khuếch trương thắng lợi của hai phương diện quân này và yêu cầu các đơn vị của hai phương diện quân tiếp tục tác chiến và hỗ trợ cho các mặt trận khác.
Tiếp tục chiến dịch tấn công, ngày 16 tháng 2 năm 1943 Hồng quân vượt qua Kharkov từ phía bắc và đông. Cùng ngày 16 tháng 2 năm 1943 Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã ra sắc lệnh phong quân hàm Nguyên soái Liên Xô cho Vasilevsky. Stalin đánh giá rất cao công trạng Vasilevsky trong chiến dịch Stalingrad và bây giờ lại đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tấn công vào vùng Donbass và Dnepr.
Bộ chỉ huy Hitler rất lo sợ một vòng vây mới, lớn hơn vòng vây ở Stalingrad sẽ được tạo ra, nếu để các đơn vị Hồng quân tiến về phía bờ biển Azov và sông Dnepr. Hitler cấp tốc tập hợp tất cả lực lượng có thể để cung cấp cho “cụm quân Nam” của Thống chế Manstein. Quân Đức tập trung một lực lượng lớn xe tăng và ngày 19 tháng 2 tấn công vào cạnh sườn các đơn vị Hồng quân.
Đòn tấn công này của Manstein là rất bất ngờ và đã đẩy lùi các đơn vị Hồng quân về phía sau, thậm chí đe dọa chiếm lại Belgorod.
Stalin điện thoại cho Zhukov để hỏi tình hình, Zhukov trả lời rằng các đơn vị phương diện quân Tây-Bắc có lẽ phải ngừng chiến dịch tấn công.
Stalin đồng ý tạm dừng tấn công để các đơn vị chuẩn bị lực lượng. Ngoài ra, Tổng tư lệnh thông báo cho Zhukov ý định bổ nhiệm Socolovsky làm tư lệnh phương diện quân phía nam.
- Tôi đề nghị bổ nhiệm Konev - Zhukov nói - Ông ta đã từng chỉ huy mặt trận Tây, hiểu rất rõ tình hình và các cán bộ. Còn Tymoshenko thì nên cử làm đại diện Đại bản doanh ở phía nam.
- Được - Stalin đồng ý - Tôi sẽ thông báo cho Konev, còn anh thì sáng mai hãy bay về Đại bản doanh, có một số việc chúng ta cần thảo luận, sau đó anh phải nhanh chóng bay tới Kharkov.
Tại Moskva diễn ra một cuộc họp quan trọng, tham gia có các Bộ trưởng, giám đốc các nhà máy lớn sản xuất máy bay, xe tăng, máy móc, các Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều Tổng công trình sư.
Sau khi phân tích tình hình mặt trận, Stalin ra lệnh cho các nhà máy phải gia tăng tốc độ sản xuất cung cấp tối đa cho các mặt trận vũ khí, trang bị để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn hơn. Cũng như mọi khi, Stalin không chỉ quan tâm đến tình hình quân sự mà còn quán xuyến tình hình kinh tế, chuẩn bị lực lượng dự bị, sản xuất vũ khí, vấn đề ngoại giao và công tác Đảng. Cuộc hội nghị kết thúc lúc ba giờ sáng. Stalin tiến về phía Zhukov và hỏi:
- Anh đã ăn chưa?
- Chưa.
- Thể thì hãy đến chỗ tôi, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện về tình hình ở Kharkov.
Ngay lúc ấy, sĩ quan tác chiến của Bộ Tổng tham mưu mang bản đồ chiến sự đến và báo cáo tình hình căng thẳng khu vực mặt trận Voronezh do Thượng tướng Golikov và thành viên Hội đồng quân sự Khrushchev chỉ huy. Các hành động kém hiệu quả của phương diện quân này đã làm ảnh hưởng đến các đơn vị của Vatutin.
- Tại sao Bộ Tổng tham mưu không nhắc nhở?
- Chúng tôi đã nhắc các mặt trận.
- Bộ Tổng tham mưu phải can thiệp trực tiếp vào công tác chỉ huy của các mặt trận - Stalin nói. Sau một hồi suy nghĩ, hướng về phía Zhukov, Stalin nói tiếp - Dù sao thì sáng mai anh phải bay đến đó xem tình hình thế nào?
Ngay lập tức, Tổng tư lệnh điện thoại cho mặt trận Voronezh, đầu dây đằng kia là Khrushchev.
- Thế nào đồng chí Khrushchev, ở đó các đồng chí không chống cự nổi đòn tấn công của quân Đức làm ảnh hưởng cả đến các mặt trận bạn phải không?
Sau khi chấn chỉnh Khrushchev, gác máy, Stalin nói với Zhukov:
- Chúng ta phải kết thúc bữa ăn tối thôi - Mặc dù lúc đó đã là năm giờ sáng
Sau khi nắm tình hình, Zhukov đã điện thoại cho Stalin và báo cáo rằng tình hình ở mặt trận còn xấu hơn là lúc sĩ quan Bộ Tổng tham mưu báo cáo - Zhukov nói tiếp:
- Một số đơn vị quân Đức đã tràn vào Kharkov và tiến về phía Belgorod mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Cần phải ngay lập tức ném vào đây các đơn vị dự bị chiến lược có thể có, nếu không quân Đức sẽ chiếm được Belgorod.
Các đơn vị quân dự bị chiến lược của Stalin chưa kịp thực hiện mệnh lệnh của ông thì ngày 18 tháng 3, Belgorod đã bị quân Đức chiếm lại.
Ngày 21 tháng 3, Stalin điều tập đoàn quân số 21 từ phía Bắc Belgorod, còn Zhukov thì tổ chức phòng ngự chặt bằng toàn bộ lực lượng của mình - tập đoàn quân xe tăng số 1 được Stalin điều về khu vực nam của Oboyansk - Như vậy, lực lượng dự bị của Stalin đã chặn được bước tiến của quân địch và ổn định được thế quân bằng. Để tránh tình trạng bị động như vừa xảy ra, Stalin ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu tổ chức trinh sát kỹ quân địch ở khu vực trung tâm, ở khu vực mặt trận Voronezh và Tây - Nam. Khi tình hình ở khu vực mặt trận Kursk đã tạm quân bằng, Stalin có thời gian để suy nghĩ sâu hơn về thế trận và nảy ra các ý đồ chiến lược mới về các chiến dịch tiếp theo.
Sau chiến tranh đã xuất hiện nhiều giả thiết xung quanh vấn đề: ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về chiến dịch ở vòng cung Kursk? Ngày 11 tháng 4, Stalin thông qua kế hoạch tác chiến mùa hè năm 1943, sau đó đã xây dựng riêng kế hoạch cho chiến dịch vòng cung Kursk. - Theo chỉ thị của Stalin, Vasilevsky, Antonov và Zhukov đã dành cả ngày 12 tháng 4 để làm việc ở Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị tài liệu báo cáo Tổng tư lệnh. Buổi chiều cùng ngày, cả ba đã báo cáo cho Stalin công tác chuẩn bị chiến dịch.
Ý đồ tác chiến của chiến dịch mà Stalin đã thông qua thể hiện ở hai bước: Bước một tổ chức phòng ngự chặt, tiêu hao lực lượng dịch; bước hai chuyển sang tấn công quyết liệt và tiêu diệt quân địch ở khu vực vòng cung Kursk. Stalin ra lệnh cho Vasilevsky và Antonov chuẩn bị các văn kiện và dự thảo mệnh lệnh cho các đơn vị. Công việc tổ chức cho chiến dịch kéo dài hàng tháng.
Trận tuyến phòng ngự được tổ chức có chiều sâu hơn 200km. Các vũ khí, xe tăng được ngụy trang che giấu trong các hầm trú ẩn, chiến hào. Các cuộc di chuyển quân nhằm đánh lừa quân địch diễn ra ở hai mặt trận: trung tâm và Voronezh. Toàn bộ lực lượng với sáu quân đoàn vũ trang hỗn hợp bộ binh, hai quân đoàn xe tăng, một quân đoàn không quân, 22 binh đoàn bộ binh độc lập, 76 sự đoàn hỏa tiễn Katyusha...
Tất cả đều sẵn sàng cho trận chiến.
Tất cả chờ quân Đức bắt đầu tấn công trước... Nhưng chúng lại nằm im.
Bộ chỉ huy suy nghĩ không hiểu có tình hình gì xảy ra? Liệu có sai lầm gì không? Quân ta đã tập trung một lực lượng rất lớn ở đây để chờ đợi. Liệu quân địch có tấn công vào nơi khác không? Có tấn công vào Moskva không?
Bộ đội trinh sát lại kiểm tra các thông tin và kết quả khẳng định là không có sai lầm nào, quân Đức vẫn tập trung tại đây một lực lượng rất lớn để chuẩn bị tấn công. Tuy vậy, quân Đức vẫn án binh bất động.
Stalin cử Vasilevsky phối hợp hoạt động hai phương diện quân Voronezh và phương diện quân Nam, còn Zhukov được giao nhiệm vụ phối hợp ba phương diện quân: Trung tâm, Bryansk và Tây.
Cuối cùng, trinh sát báo cáo là quân Đức sẽ chuyển sang tấn công vào ngày 10 đến 12 tháng 5 ở hướng Oryol - Kursk và Belgorod - Oboyansk. Các đơn vị được báo động chuẩn bị, nhưng vào phút cuối cùng quân địch đã không tấn công vào những ngày này.
Lại chờ đợi! Lại xuất hiện thông tin là quân địch sẽ chuyển sang phản công không muộn hơn ngày 26 tháng 5. Tuy nhiên, cả lần này nữa trận tấn công của Đức vẫn chưa diễn ra. Stalin và các tư lệnh mặt trận đều rất căng thẳng. Tướng Vatutin đã đề nghị Tổng tư lệnh cho chuyển sang phương án tấn công trước. Nhưng Stalin chưa đồng ý. Ông trao đổi với Vasilevsky để Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị sẵn kế hoạch chuyển sang tấn công. Nhưng cuối cùng ông vẫn nói thêm với Vasilevsky: “Về vấn đề này tôi sẽ có chỉ đạo sau".
Ngày 2 tháng 7, các trinh sát báo cáo quân Đức sẽ tấn công không muộn hơn ngày 6 tháng 7 - Cần phải nói rằng, cả trong các lần trước, trinh sát của ta đã không sai lầm. Họ đã thông tin đúng thời điểm dự định tấn công của quân Đức, nhưng bản thân quân Đức đến phút cuối đã lùi lại và thay đổi thời điểm tấn công.
Ngày 4 tháng 7, lúc 16 giờ, quân Đức điều một lực lượng bốn tiểu đoàn đi trinh sát - Quân ta bắt được một số tù binh và biết rằng ngày hôm sau quân Đức sẽ bắt đầu tổng tấn công. Lúc này, Tư lệnh các phương diện quân đã tập trung binh lực, hỏa lực rất lớn để chờ quân địch chuyển sang phản công. Có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra khi toàn bộ hỏa lực khổng lồ của Hồng quân tập trung vào một lực lượng bị bao vây rất lớn của quân địch.
4 giờ 30 phút sáng hôm sau, cuối cùng thì quân Đức đã bắt đầu loạt pháo chuẩn bị để vào lúc 5 giờ 30 phút chuyển sang tấn công trên toàn mặt trận. Phía Hồng quân chỉ cần hai giờ đồng hồ để tung hỏa lực vào các lực lượng tấn công của quân Đức. Tuy nhiên, như về sau này được làm rõ, đợt tập trung hỏa lực phản công của ta đã tiến hành quá sớm, vì vậy hiệu quả không cao như mong muốn. Đáng ra, đợt hỏa lực này cần bắt đầu muộn hơn khoảng một tiếng rưỡi, khi quân Đức đã ra khỏi các chiến hào. Tuy vậy, quân Đức vẫn chịu tổn thất khá lớn.
Đúng vào lúc này, tình hình đã bất ngờ xoay chuyển 180°. Một hỏa lực pháo binh và không quân rất mạnh của quân Đức bất ngờ bao trùm lên trận địa của Hồng quân. Đợt hỏa lực này kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, sau đó xe vị tăng của quân Đức xuất hiện. Trong đó có rất nhiều loại xe tăng mới như “Tiger” và “Panther”. Quân Đức tiến về phía trước rất hùng hổ, y như những ngày đầu chiến tranh. Tuy nhiên, Hồng quân đã được chuẩn bị rất kỹ về tâm lý nên tuy hỏa lực của quân Đức rất mạnh nhưng đợt tấn công này của chúng đã bị chặn đứng, bốn lần liên tiếp quân Đức phát động tấn công đều bị chặn đứng. Chỉ đến lần thứ năm, với sự yểm trợ mạnh của pháo binh và không quân, quân Đức mới tiến về phía trước được 3 đến 6km.
Stalin hạ lệnh cho tư lệnh Tập đoàn quân không quân ném bom số 16 - Rudenko, sử dụng toàn bộ số máy bay của mình để oanh kích trận địa quân Đức - Rudenko đã cho cất cánh 150 máy bay ném bom với sự yểm trợ của 200 máy bay tiêm kích.
Mặc dù bị tổn thất rất nặng, Tư lệnh cụm quân “Trung tâm” của Đức - Von Kluge tiếp tục đốc thúc các đơn vị tấn công về phía trước, nhưng vẫn không chiếm thêm được các trận địa mới. Sáng sớm ngày 7 tháng 7, Thống chế Von Kluge lại tổ chức đợt chuẩn bị hỏa lực pháo binh và không quân mới. Nhưng đến ngày 10 tháng 7, quân Đức không hề tiến thêm được một km nào. Các đơn vị Hồng quân phòng ngự vững chắc trên các mặt trận.
Ngày 9 tháng 7, khi trả lời điện thoại của Stalin, Zhukov báo cáo:
Tôi cho rằng, để không cho quân địch kịp củng cố các vị trí đã chiếm được và xây dựng thành các tuyến phòng ngự, cần phải nhanh chóng đưa tất cả lực lượng của phương diện quân Bryansk và phương diện quân “phía Tây” vào trận tấn công.
Stalin trả lời đồng ý và nói:
- Anh hãy đến ngay chỗ Popov và đưa toàn bộ các đơn vị của phương diện quân Bryansk vào hành động.
Ngày 12 tháng 7, hai phương diện quân “Tây” và Bryansk đồng loạt tấn công vào các trận địa nhỏ về phía trước của quân Đức. Thống chế Von Kluge hoảng sợ và hiểu rằng sẽ rất nguy hiểm nếu hậu phương bị uy hiếp. Vì vậy, Kluge lập tức rút một số đơn vị ở hướng chính về để che chắn cho hai cạnh sườn. Nhận được tin trinh sát báo cáo về việc điều quân này, Stalin lập tức ra lệnh tung các đơn vị của phương diện quân “Trung tâm” của Rokossovsky vào trận tấn công ở hướng chính. Quân Đức không chịu được đòn tấn công này đã rút chạy. Lúc đó, Stalin điện thoại và ra lệnh cho Zhukov lập tức đến phương diện quân Voronezh để điều phối hoạt động tác chiến của các đơn vị phương diện quân Voronezh và phương diện quân “Thảo nguyên”, và yêu cầu Zhukov nắm tình hình hướng Prokhorovk nơi có trận đọ xe tăng lớn nhất.
Vậy điều gì đã xảy ra ở đây?
Trong lúc tấn công về phía trước được 8km trong 3 ngày đầu, Thống chế Manstein quyết định tập trung lực lượng đế bao vây các đơn vị Hồng quân trong chiều sâu chiến thuật, Manstein đã tập trung ở đây 700 xe tăng của cụm quân “Nam” và 300 xe tăng của cụm quân “Kempf” . Tức là tổng số có đến 1.000 xe tăng. Trong lúc đó, Vasilevsky và Vatutin cũng quyết định tập trung lực lượng để phản công nhằm ngăn chặn đòn tấn công của phía Đức - Và như vậy, hai cụm quân khổng lồ đã chạm trán nhau trong trận đối đầu ác liệt ở khu vực Prokhorovk vào ngày 12 tháng 7, Stalin trực tiếp chỉ huy các đơn vị Hồng quân trong trận chiến quyết định này. Chính tại thời điểm này, Stalin đã ra lệnh cho Zhukov đến khu vực diễn ra trận đấu xe tăng khốc liệt nhất ở vòng cung Kursk.
Tôi không thể tìm được từ nào để mô tả vẻ hào hùng và khốc liệt của “trận đấu tăng” ở khu vực Prokhorovk, với sự có mặt của gần 2.000 xe tăng trong một khoảng không gian không lớn, các cuộc đấu pháo, các xác xe tăng bốc cháy... Diễn ra trong suốt một ngày, sự khốc liệt của trận đấu tăng này thể hiện rõ trong số liệu: hơn 400 xe tăng của Hitler và cũng không ít hơn là số xe tăng của Hồng quân bị tiêu diệt nằm la liệt trên chiến trường.
Trận chiến ác liệt ở Prokhorovk đã là thời điểm quyết định của chiến dịch.
Như vậy, ở mặt trận phía Bắc của vòng cung Kursk, đòn tấn công của ba phương diện quân “Tây”, Bryansk và “Trung tâm” đã tiêu diệt toàn bộ quân địch. Chiến dịch này đã được chuẩn bị rất kỹ và mang mật danh “Kutuzov”. Trong chiến dịch này, Stalin đã lại một lần nữa đánh bại đạo quân của Thống chế Von Kluge, kẻ mà trước đó đã từng thất bại ở Moskva, khi hắn là Tư lệnh tập đoàn quân số 9 của Đức ở mặt trận đó. .
Ở cánh phía nam của vòng cung Kursk, sau trận chiến ác liệt ở Prokhorovk, quân Đức đã buộc phải rút khỏi các trận địa mà trước đó chúng đã chiếm được.
Sau khi quân Đức đã rút về vị trí tập kết, Zhukov cho rằng trước khi chuyển sang tiếp tục tấn công, cần để các đơn vị được nghỉ ngơi, tổ chức lại các cụm quân, nhưng Stalin không cho phép dừng lại, và yêu cầu Zhukov tiếp tục tấn công để tranh thủ thế áp đảo khi quân địch đang hoảng loạn. Zhukov và Vasilevsky đã tìm mọi cách để thuyết phục Stalin rằng cần phải có thời gian chuẩn bị đầy đủ trước khi tiếp tục tấn công và cuối cùng Tổng tư lệnh đã đồng ý.
Sau khi Stalin chết, có nhiều kẻ cho rằng Stalin không bao giờ nghe ý kiến của ai. Nhưng ví dụ vừa rồi đã chứng minh Stalin rất biết lắng nghe, nếu như báo cáo đó có lý lẽ đầy đủ, trong một số trường hợp, ông đã rút lại các quyết định hoặc ý kiến của mình.
Giai đoạn hai của chiến dịch vòng cung Kursk đã được Stalin phê chuẩn từ tháng năm. Giai đoạn một của chiến dịch đã được hoàn thành vào ngày 12 tháng 6 ở mặt trận “Trung tâm”, còn ở mặt trận Voronezh là ngày 21 tháng 6.
Tình hình ở mặt trận phía bắc có thuận lợi hơn do các lực lượng chủ yếu của phương diện quân "Thảo nguyên" vẫn được bảo toàn. Stalin đã quyết định đưa các đơn vị của 3 phương diện quân “Trung tâm”, Bryansk và “Tây” chuyến sang tấn công trước. Ngày 3 tháng 8, Stalin quyết định số dụng các lực lượng của phương diện quân Voronezh và “Thảo nguyên” để tấn công - Ngày 5 tháng 8, các đơn vị của phương diện quân “Thảo nguyên” đã tiến vào Belgorod và tiếp tục tiến về hướng Kharkov - Cũng trong ngày hôm đó, thành phố Orel được giải phóng. Trong phòng Stalin lúc đó có mặt Antonov và Shtemenco, Stalin bước vào phòng rất vui vẻ hỏi:
Các anh có hay đọc lịch sử quân sự không? .
Các vị tướng không hiểu Stalin định nói về cái gì - Stalin nói tiếp:
- Nếu các anh đã đọc lịch sử thì các anh sẽ thấy từ thời cổ đại, người ta đã gióng chuông để đón chào các vị tướng và quân đội chiến thắng trở về. Sẽ rất tốt, nếu chúng ta nghĩ ra một cách nào đó để chào mừng chiến thắng cho thật rôm rả, chứ không chỉ có các bài diễn văn chúc mừng. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ - Ông hướng về các thành viên Đại bản doanh đang ngồi quanh bàn - Hãy đánh dấu chiến thắng của các sĩ quan và quân đội bằng các loạt pháo hoa và hãy nghĩ ra hình tượng nào đó.
Như vậy là ý tưởng về bắn pháo hoa chào mừng chiến thắng đã ra đời, và chính là vào dịp giải phóng các thành phố Orel, Belgorod, tại Moskva lần đầu tiên đã tổ chức bắn pháo hoa. Nhưng lúc đó pháo hoa chưa được đẹp và rất nhiều khói cùng nhiều mảnh vỏ đạn. Vì vậy về sau đã quy định là chỉ bắn đạn không có thuốc súng và tạo ra nhiều loại pháo hoa với hình tượng đẹp trên bầu trời.
Như vậy trong một thời gian ngắn hai chiến dịch đã chiến thắng, đó là chiến dịch “Kutuzov” ở phía bắc và chiến dịch “Rumyanstev” ở phía nam. Ngày 23 tháng 8, các binh đoàn của phương diện quân “Thảo nguyên” đã giải phóng thành phố Kharkov. Các phương diện quân đồng loạt tiến về phía sống Dnepr, chuẩn bị cho các chiến dịch quyết định trong thời gian tới.
Chiến thắng ở vòng cung Kursk có ý nghĩa quốc tế rất lớn, nhiều đồng minh của Đức hiểu rằng, số phận của chiến tranh đã sớm được quyết định. Để đối phó với tình hình ở mặt trận phía đông, quân Đức buộc phải rút từ phía tây để bổ sung cho phía đông 14 sư đoàn, điều này tất nhiên đã góp phần rất quan trọng để thúc đẩy việc mở mặt trận thứ hai của phe Đồng minh.
Ở đây tôi muốn giới thiệu với bạn đọc mệnh lệnh của Hitler gửi cho các chiến binh của Đức trước chiến dịch. Tôi cho rằng đọc mệnh lệnh này của Hitler độc giả sẽ thấy được Hitler đã tin tưởng thế nào vào chiến dịch này, và Hitler sẽ thất vọng thế nào trước chiến thắng oanh liệt của Hồng quân dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Stalin.
“Gửi các tướng lĩnh!
Tôi ra bản mệnh lệnh về trận tấn công đầu tiên của năm nay. Sứ mệnh của các anh và các chiến binh dưới quyền các anh là trong bất kỳ tình huống nào phải giành chiến thắng, ý nghĩa của trận tấn công đầu tiên này rất lớn. Sự bắt đầu của chiến dịch này không chỉ củng cố tinh thần cho nhân dân, ảnh hưởng đến tâm trạng của các nước, mà trước hết là đem đến cho người lính Đức niềm tin mới. Củng cố lòng tin, của các đồng minh của chúng ta vào thắng lợi cuối cùng, còn các nước trung lập sẽ phải thận trọng và giữ gìn - Thất bại của quân Nga trong chiến dịch này sẽ tác động đến Bộ chỉ huy Xô Viết trong các sự kiện tiếp theo của cuộc chiến.
Quân đội được thành lập là để tấn công, họ được trang bị các loại vũ khí, được sản xuất theo tinh thần Đức cao nhất. Chiến dịch này cũng sẽ được bảo đảm đầy đủ trang thiết bị và nhiên liệu. Không lực của chúng ta với tất cả sức mạnh của mình đã tiêu diệt không lực của kẻ địch, nó còn giúp sức tiêu diệt các cụm trận địa pháo phòng không của kẻ thù và yểm trợ không ngừng cho bộ binh của chúng ta.
Vì vậy, tôi tha thiết yêu cầu các bạn, các tướng lĩnh của tôi trước khi bước vào trận đánh, mặc dù đã là năm thứ 4 của chiến tranh nhưng hơn bao giờ hết kết cục của cuộc chiến sẽ tùy thuộc vào các bạn, vào tài năng chỉ huy và khát vọng tiến lên về phía trước, vào sự kiên cường không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ sức mạnh nào của các bạn và cả vào hành động anh hùng cá nhân của các bạn.
Tôi hiểu rằng các anh xứng đáng được đánh giá cao từ khi chuẩn bị chiến dịch, tôi xin cảm ơn các anh về điều đó. Nhưng các anh phải hiểu rằng chỉ có thành công trong chiến dịch đầu tiên và vĩ đại này của năm 1943 mới giải quyết được kết cục hơn bất kỳ trận chiến thông thường nào khác.
Trong điều kiện như vậy, tôi không nghi ngờ gì, thưa các tướng lĩnh, là tôi có thể đặt sự tin cậy vào các anh.
Adopph Hitler”.
"Mệnh lệnh này phải được huỷ sau khi thông báo ở các Bộ tham mưu sư đoàn”.
Tất cả kỳ vọng này của Hitler đã không được thực hiện, gần như một nửa số binh lính và sĩ quan được nghe huấn thị này của Hitler đã thiệt mạng hoặc bị thương hoặc bị bắt làm tù binh. Tinh thần của quân Đức sau chiến dịch này hoàn toàn bị sụp đổ - Còn Thống chế Kluge - Tư lệnh cụm quân “Trung tâm” vì quá lo sợ đã tự vẫn vào năm 1944. Nên nhớ rằng, ông ta đã được Hitler tha thứ sau thất bại ở Moskva. Cũng tại vòng cung Kursk, Stalin lại một lần nữa giành chiến thắng trước Thống chế Manstein.
Chiến thắng tại vòng cung Kursk một lần nữa chứng tỏ độ chín tài năng quân sự của Stalin trong tất cả các giai đoạn: từ lúc chuẩn bị chiến dịch giai đoạn phòng ngự, và sau đó là tập hợp lực lượng và chuyển sang tấn công.
Tất cả các quyết định đó được Stalin quyết định một cách tự tin, kiên quyết, chứng tỏ sự vượt trội của ông về nghệ thuật quân sự so với các tướng lĩnh của Đức quốc xã.
====================