P. 20 - TIẾN VỀ PHÍA SÔNG DNEPR!


Tiến về phía Sông Dnepr!


Ngay từ khi trận chiến vĩ đại ở vòng cung Kursk đang diễn ra, và khi biết chiến thắng đã ở trong tầm tay, Stalin đã sớm chuẩn bị kế hoạch tiếp theo cho chiến cuộc mùa hè năm 1943.

Stalin đã hai lần gọi Phó Tổng tham mưu trưởng Antonov đến để thống nhất việc chuẩn bị kế hoạch cho các chiến dịch tiếp theo. Stalin hiểu rằng, sau thất bại ở vòng cung Kursk, Hitler không còn đủ lực lượng dự bị và sẽ tạo cơ hội cho các mặt trận của Hồng quân trải dài từ biển Baltic đến biển Đen tiếp tục tấn công.

Ý tưởng chiến lược của Stalin rất to lớn, tất cả các chiến dịch do ông khởi thảo đều đã được thực hiện. Smolensk và sự khởi đầu của việc giải phóng Belorussia; giải phóng Ukraine, Chernihiv, chiến dịch Bryansk, chiến dịch giải phóng Caucasus, chiến dịch Sevastopol... Tất cả các chiến dịch này đã không cho quân địch nghỉ ngơi để tập hợp lực lượng

Stalin đã chỉ thị cho Antonov và Bộ Tổng tham mưu:

- Không được để mất thời cơ vì công việc chuẩn bị cho chiến dịch quá phức tạp - Điều này làm mất công sức và thời gian, cần tận dụng tối đa thuận lợi do tình hình chiến sự mang lại để nhanh chóng đẩy lùi quân địch về phía sông Dnepr.

Ngày 25 tháng 8 năm 1943, Hội đồng quốc phòng đã họp, sau khi nghe báo cáo, Stalin đã chỉ thị về các vấn đề chiến lược, chiến dịch và nêu ra một loạt các vấn đề rộng lớn liên quan khác - như vấn đề các mỏ than ở vùng Baku, dầu mỏ ở Siberia và Ural, vấn đề các xí nghiệp sản xuất vũ khí ở nơi sơ tán. Năm 1943, đã sản xuất 35 ngàn máy bay thế hệ mới, hơn 24 ngàn xe tăng. Stalin với hiểu biết rất sâu sắc đã ra các chỉ thị về công tác quản lý xí nghiệp, về công tác sáng tạo của các Tổng công trình sự, về chất lượng sản phẩm, về ứng dụng công nghệ mới... Ông tham gia vào hầu như tất cả các lĩnh vực quan trọng nhất của đất nước.

Sau khi đã giải quyết một loạt các vấn đề về sản xuất, ông quay lại nghe các báo cáo quân sự. Sau khi nghe Antonov báo cáo, ông chỉ thị:

- Bây giờ điều quan trọng nhất là phải tiến về phía sông Dnepr, phải nhanh chóng tiến công vì khi rút lui Hitler sẽ phá hỏng tất cả ở vùng Donbass. Cần phải nhanh chóng đẩy lùi Hitler ra khỏi khu vực này.

Để đạt mục tiêu chiến lược này Stalin đã dày công xây dựng một loạt các đơn vị dự bị chiến lược.

Nhằm động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, Stalin đã ra mệnh lệnh “Ai là người chiếm được bàn đạp phía bên kia sông Dnepr sẽ được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô!”. Tất nhiên, sĩ quan, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, vượt qua lửa đạn để vượt sông Dnepr và rất nhiều người đã đạt được danh hiệu cao quý này. Lời hứa của Stalin đã được thực hiện, 2.500 sĩ quan chiến sĩ đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích vượt sông Dnepr.

Stalin rất hiểu ý nghĩa chiến lược của việc vượt sông Dnepr, đã không để Hitler thực hiện được ý đồ phòng ngự ở đây. Cuộc tấn công vượt sông kiên quyết với 23 bàn đạp chiếm được ở bờ Tây trải dài trên 750km là rất có ý nghĩa. Lại một lần nữa mọi người kinh ngạc về quyết tâm và nghị lực của Stalin. Cùng với các tướng lĩnh và binh sĩ, ông đã thực hiện một chiến công bất hủ, có ý nghĩa chiến lược cực kỳ to lớn.

Chiến thắng này đã tác động rất sâu sắc đến quyết tâm chiến lược của Hitler. Hitler đã đích thân đến tận mặt trận để đôn đốc binh sĩ cố giữ phòng tuyến chiến lược cuối cùng ở mặt trận phía đông.

Sau khi chiếm được bàn đạp ở gần Kiev, Hồng quân bắt đầu chuẩn bị chiến dịch giải phóng thủ đô Kiev của Ukraine. Nhưng lần này, Manstein đón trước được ý định của Zhukov đã phản công rất quyết liệt. Trước tình hình đó, Zhukov đã báo cáo Tổng tư lệnh cho dời trọng tâm chiến dịch về phía Lyutezhsky - nhưng Stalin yêu cầu Giucốp tiếp tục tấn công giải phóng Kiev. Cả hai lần tấn công tiếp theo đều không thành công.

Zhukov lúc đó không hiểu tại sao Tổng tư lệnh lại “cứng” như vậy ở khu vực này. Nguyên soái lúc đó không biết rằng sắp có một cuộc hội nghị quan trọng giữa Stalin với Roosevelt và Churchill sẽ diễn ra ở Teheran (Iran), Stain muốn đến dự hội nghị với tư thế của người vừa giải phóng thành Kiev. Stalin tiếp tục thông qua một kế hoạch khác để giải phóng Kiev ở khu vực Bukrinsky. Ông rất muốn Kiev được giải phóng trước khi Hội nghị Teheran khai mạc.

Stalin và Zhukov đã triển khai một số hoạt động nghi binh, đánh lừa quân địch và tập trung ở hướng chính một lực lượng rất lớn, riêng hỏa tiễn Kachiusa là thứ mà bọn Đức sợ nhất đã tập trung tới 500 chiếc- Stalin rất vội.

Ngày 1 tháng 11, các tập đoàn quân 27 và 40 bắt đầu tấn công ở khu vực Bukrinsky. Manstein tưởng rằng đây là hướng tấn công chính đã lập tức điều các đơn vị dự bị về đây, trong đó có cả sự đoàn xe thiết giáp SS “Reich”.

Stalin chờ đợi chính điều này! Chỉ sau một ngày toàn bộ phương diện quân Ukraina 1 đã chuyển sang tấn công ở bàn đạp Lyutezhsky. Điều này là bất ngờ cho quân Đức, tập đoàn xe tăng cận vệ số 3 của tướng Rybalko, sáng ngày 5 tháng 11 đã vượt tuyến đường Kiev - Zhitomir và vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau Tập đoàn quân 38 của Thượng tướng Moskalenko đã tiến vào Kiev và giải phóng thành phố này.

Nhận được thông tin và quan sát tình hình các đơn vị vượt sông, Stalin đã quyết định: những đơn vị nào đã chiếm được vị trí bàn đạp bến bờ Tây thì vừa tiến về phía trước vừa mở rộng phạm vi để liên kết với các vị trí bàn đạp bên cạnh, mà không nhất thiết phải vượt sông ở các vị trí khác.

Để dễ nhớ tôi muốn nhắc lại từ ngày 20 tháng 10 các phương diện quân Voronezh, Thảo nguyên, Tây Nam và Nam đã được đổi tên là các phương diện quân Ukraina số 1, 2, 3 và 4. Như vậy, Konev lúc bắt đầu chiến dịch là tư lệnh phương diện quân Thảo nguyên thì khi kết thúc chiến dịch là tư lệnh phương diện quân Ukraina số 2. Sáng ngày 15 tháng 10, sau đợt pháo kích và oanh kích của không quân, bốn tập đoàn quân bộ binh và một tập đoàn quân xe tăng đã tấn công bất ngờ vào các đơn vị ở bên sườn các cánh quân ở tả ngạn sông Dnepr của quân Đức.

Còn Manstein đã ném tất cả các đơn vị mà mình có vào trận đánh ở Kiev để chống trả lại các đợt tấn công của Konev - Các trận đánh diễn ra rất ác liệt.

Trong chiến dịch với quy mô lớn này, Bộ Tổng tư lệnh đã tạo ra một thế chiến lược mới chỉ bằng một lực lượng ít hơn so với ý định vượt sông đồng loạt trên cả chiều dài mặt trận dọc theo sông Dnepr.

=======================