Lược sử vấn đề “khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia”

Lược sử vấn đề “khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia”


Lenin là người đầu tiên và phân tích sâu nhất về chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn mới, và từ đó Người đã đặt ra vấn đề về khả năng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trong riêng từng nước tư bản chủ nghĩa và từ đó Người đi đến chỗ khẳng định rằng có thể. Vào năm 1915, trên tờ báo Người dân chủ xã hội, cơ quan báo Trung ương của Đảng Bolshevik đã đăng tải một bài viết do Lenin là tác giả, có nhan đề “Bàn về khẩu hiệu Liên bang Châu Âu”. Trong đó Người viết:


<< Song, nếu coi khẩu hiệu Liên bang thế giới là một khẩu hiệu độc lập, thì khẩu hiệu đó không đúng, thứ nhất là vì khẩu hiệu đó sẽ lẫn lộn với chủ nghĩa xã hội; thứ hai, vì khẩu hiệu đó có thể đẻ ra một lối giải thích KHÔNG ĐÚNG CHO RẰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG THỂ THẮNG LỢI TRONG MỘT NƯỚC DUY NHẤT ĐƯỢC và giải thích không đúng về quan hệ giữa nước đó với nước khác.


Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể trước tiên thắng lợi trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc ngay cả trong độc một nước tư bản chủ nghĩa nữa. Giai cấp vô sản chiến thắng của nước đó, SAU KHI ĐÃ TỊCH THU TÀI SẢN CỦA BỌN TƯ BẢN VÀ ĐÃ TỔ CHỨC NỀN SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG NƯỚC MÌNH sẽ đứng lên chống lại cái phần thế giới còn lại, tức là thế giới tư bản chủ nghĩa, bằng cách lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, bằng cách thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, bằng cách sử dụng khi cần, ngay cả những lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và Nhà nước của chúng>> (Lenin toàn tập, t.21, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.339)


Thế nào là quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, cái quy luật mà trong điều kiện đế quốc chủ nghĩa có tác dụng làm cho chủ nghĩa xã hội có khả năng thắng lợi trong một nước ?


Khi nói đến quy luật đó, Lenin xuất phát từ vấn đề là: chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc; nền kinh tế thế giới đã bắt đầu trong điều kiện các nhóm đế quốc chủ yếu nhất tiến hành cuộc cạnh tranh điên cuồng để chiếm lấy lãnh thổ, thị trường và nguyên liệu… dẫn đến quá trình phân chia thế giới; sự phát triển của các nước tư bản đã diễn ra không đều, có nước cao, nước thấp, có nước giàu, có nước nghèo; trình tự đó tất yếu sẽ dẫn đến các cuộc xung đột và phân chia lại thế giới; sự xung đột đó sẽ làm cho chủ nghĩa đế quốc yếu đi, và do đó mặt trận đế quốc yếu đi, và cách mạng có thể nổ ra ở một số nước hoặc thậm chí một nước. Hãy liên hệ thực tiễn, trước thế chiến thứ nhất, rõ ràng là Anh là đế quốc hùng mạnh nhất, sau đó là các đế quốc trẻ nổi lên, sự cạnh tranh và đòi chia lại thị trường giữa các đế quốc trẻ và đế quốc già đã làm nổ ra Chiến tranh đế quốc chủ nghĩa - Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Chiến tranh đã làm bần cùng hóa nước Nga, biến nước Nga trở thành mắt xích yếu nhất trong hệ thống các nước đế quốc chủ nghĩa và do đó tạo ra cơ sở cho Cách mạng nổ ra lật đổ chế độ Sa hoàng, sau đó là lật đổ Chính phủ lâm thời, thành lập Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Vị tất, sự ra đời của nước Nga Xô viết đã minh chứng rằng công thức của Lenin là đúng đắn và hợp thời đại.


Tất nhiên, công thức của Lenin đã làm cho những người dân chủ xã hội, phái Menshevik khó chịu. Và chính vì thế nổ ra cuộc luận chiến với Trotsky hồi năm 1915. Và đây là những lời Trotsky phản đối Lenin, được đăng trên tờ báo “Lời nói của chúng ta” - một tờ báo Menshevik do Trotsky làm chủ bút ở Pari - cũng vào năm 1915, sau này nó được đăng lại trong các tuyển tập các bài viết của Trotsky dưới nhan đề “Cương lĩnh hòa bình”, xuất bản tháng Tám 1917:


<<Cái lý do thứ nhất, phần nào cụ thể, có tính chất lịch sử, để chống lại khẩu hiệu Liên bang, đã được diễn đạt trong tờ Người xã hội dân chủ ở Thụy sĩ, bằng một câu như sau: “Tình trạng phát triển không đều về mặt kinh tế và chính trị là một quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản”. Do đó, tờ báo Người xã hội dân chủ đã kết luận rằng chủ nghĩa xã hội có khả năng thắng lợi ở trong một nước duy nhất, và bởi vậy không phải cứ có Liên bang châu Âu, mới có thể thực hiện được chuyên chính vô sản trong từng nước riêng biệt. Sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở các nước diễn ra một cách không đều, đó là một ý kiến hoàn toàn không thể tranh cãi được. Nhưng bản thân tính chất không đều ấy cũng lại hết sức không đều. Trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa ở Anh, ở Áo, ở Đức hoặc ở Pháp, là không như nhau. Nhưng so với châu Phi và châu Á thì tất cả những nước này lại là cái “Châu Âu” tư bản chủ nghĩa đã trưởng thành để có thể tiến hành được một cuộc cách mạng xã hội. Trong cuộc đấu tranh của mình, không một nước nào nên “chờ đợi” các nước khác, đó thật là một điều sơ đẳng mà người ta nên và cần nhắc lại để cho tư tưởng chờ đợi tiêu cực trên quốc tế khỏi thay thế cho tư tưởng hoạt động đồng thời trên quốc tế. Không cần phải chờ đợi các nước khác, chúng ta bắt đầu và theo đuổi cuộc chiến tranh trên địa hạt quốc gia với tinh thần hoàn toàn chắc chắn rằng sáng kiến của chúng ta sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh trong các nước khác; và nếu sự thật lại sẽ không như thế, thì KHÔNG CÓ MỘT HY VỌNG NÀO ĐỂ TIN TƯỞNG ĐƯỢC - đó là điều mà kinh nghiệm lịch sử và suy luận lý luận đã chứng minh là đúng - rằng, chẳng hạn, nước Nga cách mạng sẽ có khả năng đương đầu được với châu Âu bảo thủ, hay nước Đức xã hội chủ nghĩa sẽ đứng đơn độc được ở giữa một thế giới tư bản chủ nghĩa. Đứng trên phạm vi dân tộc mà xem xét những triển vọng của một cuộc cách mạng xã hội, như thế là MẮC BỆNH DÂN TỘC HẸP HÒI, bệnh này là thực chất của chủ nghĩa xã hội ái quốc >> (Trotsky, 1917, tập III, phần thứ nhất, tiếng Nga, tr.89-90)


Có thể thấy rằng quan điểm của Trotsky và Lenin là hoàn toàn đối lập nhau. Lenin thì cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trong một nước, còn Trotsky thì cho rằng không. Lenin cho rằng giai cấp vô sản sau khi giành chính quyền sẽ trở thành một lực lượng tích cực và sáng tạo, có khả năng tổ chức nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và tiến xa hơn nữa. Ngược lại, Trotsky cho rằng sau khi giành chính quyền, giai cấp vô sản sẽ biến thành một lực lượng bán thụ động, trông chờ vào cách mạng Châu Âu, và không có cơ hội nào có thể tồn tại nếu không có cách mạng Châu Âu.


Năm 1921, khi Đảng Cộng sản Bolshevik Nga chủ trương áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP), Lenin lại một lần nữa nêu ra vấn đề khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội dưới những hình thức cụ thể hơn, tức là khả năng có thể xây dựng được các cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Thời điểm đó, nhóm đối lập “công nhân đối lập” đã cáo buộc Lenin rằng đó là một chủ trương xa rời con đường chủ nghĩa xã hội. Để lý giải những vấn đề đó, Lenin đã viết “Bàn về thuế lương thực” và những bài viết bài nói khác liên quan đến Chính sách kinh tế mới để lý giải cho mọi người hiểu về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, trong đó có việc phải dựa vào liên minh công - nông.


Để tỏ thái độ phản đối quan điểm đó của Lenin, tháng Giêng 1922, Trotsky đã cho in “Lời nói đầu” viết cho cuốn Năm 1905, trong đó Trotsky đã phủ định khối liên minh công - nông, và phủ định khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Trotsky viết:


<<Sau khi cướp chính quyền rồi, giai cấp vô sản sẽ có những sự xung đột thù địch không những với tất cả các tập đoàn tư sản đã ủng hộ nó trong thời kỳ đầu của cuộc đấu tranh cách mạng mà nó tiến hành, mà còn với cả đông đảo quần chúng nông dân đã giúp nó nắm chính quyền>> hay <<ở một nước lạc hậu mà đại đa số dân cư là nông dân thì những mâu thuẫn trong địa vị của chính phủ công nhân chỉ có thể được giải quyết trên phạm vi quốc tế, trên vũ đại cách mạng vô sản thế giới>> (Trotsky, “Lời nói đầu” viết cho cuốn Năm 1905, viết năm 1922)


Ở đây, hai vấn đề này cũng hết sức đối lập, Lenin cho rằng cùng với nông dân có thể xây dựng cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, thì ngược lại Trotsky cho rằng giai cấp công nhân không thể cùng đi với nông dân, và sẽ xung đột với nhau và chỉ có thể giải quyết trên vũ đài cách mạng thế giới mà thôi.


Năm 1922, trong hội nghị toàn thể của Xô viết Moskva, Lenin đã phát biểu về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội:


<<Hiện nay chủ nghĩa xã hội không còn là vấn đề một tương lai xa xôi, hoặc là một bức tranh trừu tượng nào đó, hoặc là một ngẫu tượng nào đó nữa. Về ngẫu tượng, chúng ta vẫn giữ ý kiến cũ, hết sức xấu. Chúng ta đã đưa chủ nghĩa xã hội vào trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần nhận rõ điều này. Đó là nhiệm vụ trước mắt của chúng ta, của thời đại chúng ta. Để kết thúc, xin cho phép tôi biểu lộ niềm tin vững chắc rằng dù nhiệm vụ này có khó khăn như thế nào đi nữa, có mới mẻ như thế nào đi nữa so với nhiệm vụ trước đây, và dù nhiệm vụ ấy có gây nhiều khó khăn cho chúng ta như thế nào đi nữa, nhưng tất cả chúng ta, qua vài năm nữa chứ không phải là ngày mai, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết cho bằng được nhiệm vụ đó, để nước Nga chính sách kinh tế mới sẽ trở thành nước Nga xã hội chủ nghĩa>> (Lenin toàn tập, tập XXVII, tiếng Nga, tr.366)


Để đáp lại lời đó của Lenin, Trotsky đã xuất bản “Lời bạt” cho cuốn Cương lĩnh hòa bình, trong đó có viết:


<<Đối với một số độc giả, thì hình như kinh nghiệm gần năm năm của nước Cộng hòa xô viết của chúng ta đã chứng minh rằng lời khẳng định nói rằng cuộc cách mạng vô sản không thể nào kết thúc một cách thắng lợi trong phạm vi quốc gia được, tức là lời khẳng định đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong “Cương lĩnh hòa bình”, là một lời khẳng định không đúng. Nhưng kết luận như vậy là vô căn cứ. Nhà nước công nhân chống với toàn thế giới đã đứng vững được trong một nước duy nhất, mà lại là một nước lạc hậu, điều đó chứng tỏ sức mạnh vĩ đại của giai cấp vô sản là giai cấp, trong những nước khác tiền tiến hơn và văn minh hơn, sẽ thật sự có khả năng làm nổi những việc phi thường. Nhưng về phương diện Nhà nước, thì tuy chúng ta đứng vững về mặt chính trị và quân sự, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đã đạt tới chỗ sáng lập ra được một xã hội xã hội chủ nghĩa, ngay cả gần đạt được tới chỗ đó, chúng ta cũng chưa đạt được. Cuộc đấu tranh để duy trì Nhà nước cách mạng của chúng ta, suốt trong thời kỳ đó, đã khiến cho những lực lượng sản xuất bị giảm sút một cách phi thường; thế mà chỉ có dựa vào sự tiến triển và sự phát đạt của những lực lượng sản xuất đó thì mới có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Những cuộc đàm phán mậu dịch với các Nhà nước tư sản, những tô nhượng, hội nghị Geneva,... là một bằng chứng quá rõ rệt rằng KHÔNG THỂ NÀO XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MỘT CÁCH ĐƠN ĐỘC, TRONG PHẠM VI QUỐC GIA CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯỢC...Sự phát triển chân chính của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước Nga chỉ có thể thực hiện được sau khi giai cấp vô sản trong những nước chủ yếu ở châu Âu đã giành được thắng lợi>> (Trotsky toàn tập, tập III, phần 1, tiếng Nga, tr.92-93)


Ở đây quan điểm giữa Lenin và Trotsky cũng khác biệt. Lenin cho rằng dù còn khó khăn thì nhất định nước Nga Chính sách kinh tế mới sẽ trở thành nước Nga xã hội chủ nghĩa. Còn Trotsky thì phủ định điều đấy và trông chờ vào cách mạng châu Âu.


Cuối cùng là bút ký “Bàn về chế độ hợp tác”, có thể coi là những lời di huấn chính trị của Lenin để lại cho Đảng trước khi Người tạ thế. Trong tác phẩm “Về cuộc cách mạng của chúng ta” Người viết:


<<..Chúng (những người dân chủ xã hội Quốc tế II) đã viện một lý lẽ hết sức tầm thường mà chúng đã học thuộc lòng trong thời kỳ phát triển của phái xã hội dân chủ phương Tây, lý lẽ cho rằng chúng ta chưa được thành thục để có thể thực hiện chủ nghĩa xã hội, rằng theo lời một số những nhân vật “thông thái” của chúng thì chúng ta chưa có những tiền đề kinh tế khách quan để thực hiện chủ nghĩa xã hội. Chưa thấy ai tự hỏi rằng: đứng trong một hoàn cảnh cách mạng, như hoàn cảnh đã diễn ra trong thời kỳ chiến tranh đế quốc chủ nghĩa lần thứ nhất, đứng trước một tình thế không lối thoát, thử hỏi dân tộc đó lại không có thể lăn mình vào một cuộc đấu tranh để mang lại cho mình, dù chỉ đôi chút hy vọng là đạt được những điều kiện không hẳn là thông thường, đặng phát triển nền văn minh của mình hay sao>>


<<Nếu muốn thiết lập chủ nghĩa xã hội cần phải có một trình độ văn hóa nhất định, thế thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu trước hết bằng cách dùng biện pháp cách mạng mà giành lấy những điều kiện tiên quyết cho trình độ nhất định đó đã, rồi sau đó mới dựa trên những cơ sở một chính quyền công nông và chế độ Xô viết, mà chuyển bước để đuổi kịp được những dân tộc khác>>


<<Các anh nói là muốn tạo ra Chủ nghĩa xã hội thì phải có trình độ văn minh. Đứng lắm. Nhưng tại sao chúng ta lại không có thể bắt đầu tạo ra ở nước ta những điều kiện tiên quyết ấy của văn minh, bằng cách đuổi cổ bọn địa chủ, đuổi cổ bọn tư bản ra khỏi nước Nga, để rồi bắt đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội ? Các anh đã học trong những quyển sách nào đấy, mà nói rằng những thay đổi như thế trong trình tự lịch sử thông thường là không thể thừa nhận được, không thể có được ?>> (Lenin toàn tập, tập XXVII, tiếng Nga, tr.399-401).


Còn trong bài Bàn về chế độ hợp tác, Lenin viết:


<<Thật vậy, việc chính quyền Nhà nước chi phối hết thảy mọi tư liệu sản xuất chủ yếu, việc giai cấp vô sản nắm giữ chính quyền Nhà nước, việc giai cá6p vô sản liên minh với hành triệu và hàng triệu tiểu nông và tiểu nông, việc giai cấp vô sản nắm vững quyền lãnh đạo nông dân … - phải chăng những việc đó không phải là tất cả những thứ cần thiết để có thể xây dựng, với việc hợp tác hóa và chỉ riêng với việc hợp tác hóa mà trước đây chúng ta coi là có tính chất con buôn, và bây giờ đây, dưới Chính sách kinh tế mới, về một vài mặt nào đó, chúng ta vẫn có quyền coi như thế - PHẢI CHĂNG NHỮNG VIỆC ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ NHỮNG THỨ CẦN THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TOÀN VẸN HAY SAO ? Đó chưa phải là xây dựng xong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng đó là tất cả những cái cần thiết và đầy đủ để làm việc xây dựng đó>> (Lenin toàn tập, tập XXVII, tiếng Nga, tr.392).


Trên đây là hai lý luận khác nhau và đối nghịch nhau giữa Lenin và Trotsky. Trong đó, Lenin đặt ra vấn đề có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước, còn Trotsky thì phủ định vấn đề này.


=============

Tóm:


- Lenin là đầu tiên đề cập đến vấn đề "khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia", chứ không phải Stalin, và do đó nó là một phần của Chủ nghĩa Lenin.


- Chính vì nó không phải là sáng tạo của Stalin, thì do đó không thể kết luận rằng Stalin đi chệch hướng khỏi Chủ nghĩa Lenin, mà rõ ràng Stalin đã đấu tranh để bảo vệ Chủ nghĩa Lenin trong phạm vi chủ đề này trước âm mưu thay thế nó bằng Chủ nghĩa Trotsky của phái đối lập.


- Như vậy, việc phái đối lập mưu toan xóa bỏ vấn đề "khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia" không phải là xóa bỏ đi sự sai lệch của Stalin đối với Chủ nghĩa Lenin, mà thực chất là mưu toan xóa bỏ Chủ nghĩa Lenin và thay nó bằng Chủ nghĩa Trotsky với lý thuyết Cách mạng thường trực làm trung tâm.