Lịch sử đấu tranh chống Đảng của các phái đối lập

Lịch sử đấu tranh chống Đảng của các phái đối lập


Việc phản bội của một số lãnh tụ trong hàng ngũ Bolshevik ngay trước những ngày khởi nghĩa tháng Mười chính là mầm mống của phe đối lập trong Đảng. Ngay sau Cách mạng tháng Mười, trong Đảng xuất hiện những phần tử đối chọi với Ban chấp hành Trung ương và Lenin, họ tập họp nhau lại trong các nhóm, trong các tiểu tổ của một tổ chức đảng cơ sở nào đấy và tự gọi mình dưới tên gọi “các nhóm đối lập”, tức các nhóm bất đồng với nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng.


Sự hình thành của phái đối lập là rất sớm.


Ngay sau Khởi nghĩa tháng Mười, một nhóm những người đối lập bắt đầu tập hợp gồm có: Kamenev, Zinoviev, Rykov, Shlyapnikov và một số khác. Họ bất đồng với Trung ương trong việc thành lập Chính phủ xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là về vấn đề thành phần. Họ đòi hỏi phải liên minh với phái Menshevik và xã hội cách mạng cánh tả. Phái đối lập quên béng đi rằng, mới hôm qua, Đảng Bolshevik vừa bắt giam toàn bộ Chính phủ Lâm thời tư sản gồm những tay Menshevik và xã hội cách mạng cánh tả, thì hôm nay họ lại đòi đưa đám đấy vào Chính phủ, đưa những kẻ mà vừa mới hôm qua còn tuyên bố rằng nhấn chìm những người Bolshevik trong biển máu, đòi tuyên án tử cho Lenin, đòi thiết lập trật tự tư sản. Ngày 15 tháng Mười một 1917, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết bác bỏ việc hợp tác với những kẻ phản bội kia. Thì ngày 17 tháng Mười môt 1917, Kamenev, Zinoviev, Rykov, Milyutin đã tuyên bố rút khỏi Ban chấp hành Trung ương (bất bình vì mình là thiểu số), đồng thời cũng Nogin, Rykov, Milyuntin, Teodorovich, Shlyapnikov, Ryazanov, Yurenev và Larin đã tuyên bố không tán thành với nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và xin ra khỏi Hội đồng dân ủy nhân dân (Chính phủ). Ngay trong giờ phút gam go nhất của cách mạng, ngay khi Chính phủ Xô viết vừa thành lập, còn chưa được củng cố thì họ tuyên bố “đào ngũ” khỏi hàng ngũ của các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước, giáng một đòn nặng nề vào hệ thống chính trị non trẻ của nước Cộng hòa Xô viết.


Vấn đề thứ hai, đó là hòa ước Brest-Litovsk. Nguyên nhân của việc phải ký kết hòa ước đó chính là quân đội Nga Sa hoàng đang tan rã, chưa kịp củng cố và tổ chức quân đội mới của giai cấp công nhân; nền kinh tế quốc dân bị tàn phá và nhân dân mệt mỏi vì chiến tranh và đang trong tình trạng đói nghèo, một ước tính sơ bộ đã diễn ra, nước Nga Sa hoàng đã mất khoảng 40% tổng khối lượng tài sản quốc dân cho cuộc chiến đó, chưa kể các gánh nặng khác về nợ nần cho giới chủ tư bản của Anh và Pháp; chiến tranh đã làm cho quần chúng nổi dậy bóp chết chế độ Sa hoàng, sau đó Chính phủ tư sản lâm thời không những từ bỏ mà còn tiếp tục chiến tranh, và chính nhân dân lại một lần nữa bóp chết chế độ tư sản, nếu không kịp thời củng cố và tổ chức nền kinh tế mới để ổn định đời sống nhân dân, thì một cuộc chiến tranh tiếp nữa bóp chết nước Nga cách mạng. Hòa ước hay là chết. Đó là một vấn đề then chốt của tình thế cách mạng Nga lúc bấy giờ, mà Lenin đã kiên quyết phải ký kết hòa ước, nhằm tạo ra một thời kỳ hòa bình nhất định để củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng lực lượng vũ trang mới của giai cấp công nhân và tổ chức lại hệ thống kinh tế để có thể tổ chức cho cuộc chiến tranh tiếp theo, đủ sức mạnh để có thể bảo vệ Tổ quốc.


Tất cả các thế lực phản cách mạng đều ủng hộ việc không ký kết hòa ước, từ bọn Menshevik, xã hội cách mạng, bạch vệ, tư sản, địa chủ, các tầng lớp phong kiến cũ, …, tất cả đều muốn mượn tay Đế quốc Đức hòng mưu toan đập tan Chính phủ Bolshevik. Trong thời điểm đó, bên trong hàng ngũ của Đảng cũng xuất hiện những kẻ đồng lõa và tán thành những quan điểm của tất thảy bọn phản cách mạng: phái “cộng sản cánh tả”. Họ gồm có: Trotsky, Bukharin, Radek, Pitakov. Họ đấu tranh cực liệt chống quan điểm hòa ước của Lenin, đòi tiếp tục chiến tranh. Ngày 10 tháng Hai 1918, theo mệnh lệnh của Ban chấp hành Trung ương chỉ thị buộc phải ký hòa ước, Trotsky, trưởng phái đoàn Xô viết tại Brest - Litovsk đã vi phạm mệnh lệnh của Trung ương Đảng, tự ý tuyên bố từ chối ký kết hiệp ước hòa bình và đồng thời tự tuyên bố giải ngũ quân đội mặc cho việc Đức có đồng ý hay không. Kết quả, đế quốc Đức xé bỏ việc đình chiến và tung những cú đấm vào hàng ngũ quân đội Nga đang trên đường tan rã, kết quả là những tổn thất nghiêm trọng đã xảy ra, quân Đức chiếm nhiều vùng trọng yếu và uy hiếp thủ đô Petrograd. Sự vi phạm mệnh lệnh của Đảng của Trotsky đã đẩy nước Nga vào những tổn thất lớn hơn và phải chịu cái giá là một bản hiệp ước đình chiến bất lợi, và dã man hơn, mất toàn bộ vùng Baltic, Ba Lan, Ukraina và phải bồi thường phí chiến tranh. Trong những ngày ấy Lenin đã nói rằng Trotsky và Bukharin “thực tế giúp bọn Đức và ngăn cản bước tiến và sự phát triển của cách mạng Đức” (Lenin toàn tập, tập XXII, tiếng Nga, tr.307)


Nhưng phái “cộng sản cánh tả” không chấp nhận thực sự rằng họ đã sai, rằng họ đã gây tổn thất cho sự nghiệp cách mạng không chỉ của nước Nga Xô viết, mà còn của Đức. Họ tiếp tục dấn sâu vào con đường chống Lenin và chống Đảng. Tỉnh ủy Moskva ngày đó tạm thời do “cộng sản cánh tả” nắm đa số, gồm có Bukharin, Ossinsky, Yakoleva, Stukov và Mantsev, đã thông qua một nghị quyết chia rẽ rằng họ không tín nhiệm Ban chấp hành Trung ương. Chưa bao giờ, từ hồi đảng Bolshevik mới thực sự thành lập (1912) cho đến năm 1918, một sự phản bội và chống Trung ương Đảng như thế lại xảy ra. Và chúng ta đều biết, việc tỉnh ủy Moskva ra nghị quyết như vậy là vi phạm Điều lệ của Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Để đập tan những hành động lạ lùng và nguy hại ấy, Đảng đã triệu tập Đại hội VII (6/3/1918). Tại Đại hội Lenin đã nhấn mạnh:


<< ...Cuộc khủng hoảng nặng nề mà đảng ta đương trải qua do sự hình thành nhóm đối lập phái tả trong đảng là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà cách mạng Nga đã trải qua >> (Lenin toàn tập, XXII, tiếng Nga, tr.321)


Với 30 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 4 phiếu trắng, Nghị quyết về hòa ước Brest-Litovsk do Lenin đề xuất đã được thông qua. Đại hội đã lên án lập trường của Trotsky và Bukharin, và đảng đã cô lập hoàn toàn nhóm “cộng sản phái tả”. Việc ký kết hòa ước đã tạo cho nước Nga Xô viết một thời gian hòa bình ngắn để tái tổ chức lại, lập ra đội quân công nông, tổ chức nền kinh tế, ….chính là những cơ sở, nguồn lực cho những năm Nội chiến. Không có hòa ước Brest-Litovsk, cách mạng Nga sẽ bị quân thù đè bẹp trong vũng máu của các cuộc tàn sát.


Công tác quan trọng nhất trong năm 1918 đó chính là bước đầu củng cố và phát triển nền kinh tế Xô viết, chính là triển vọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Tất cả những vấn đề đó đã được diễn giải trong tác phẩm nổi tiếng của Lenin, “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”. Nhưng phái đối lập “cộng sản phái tả” lại tiếp tục chống Lenin trên những vấn đề này. Bukharin, Ossinsky và nhiều kẻ khác đã chống lại việc thực hiện chế độ kỷ luật, chống lại việc thi hành chế độ nhất trưởng trong xí nghiệp, chống lại việc sử dụng chuyên gia trong công nghiệp, chống lại việc hạch toán kinh tế. Họ coi các chính sách ấy là thiết lập lại trật tự của giai cấp tư sản, đáng lẽ là phải đập tan nó đi, đồng thời họ tán thành quan điểm nước Nga không thể xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Trotsky, một quan điểm Menshevik đã có từ 1915, trước cả khi Trotsky đầu quân sang Đảng Bolshevik.


Đại hội VIII của Đảng tổ chức vào tháng 3/1919. Tại Đại hội này, phái đối lập vẫn không ngừng chống Lenin. Cụ thể, Đại hội đã chấp nhận đề nghị của Lenin khi nói về chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản, thì ghi thêm trong Cương lĩnh chính trị của Đảng một đoạn nói về chủ nghĩa tư bản công nghiệp và nền kinh tế hàng hóa đơn giản. Bukharin đã không tán thành điều đó và đòi xóa bỏ nó, không tán thành việc nói về chủ nghĩa tư bản, về kinh tế hàng hóa nhỏ, và về trung nông. Đại hội đã bác bỏ quan điểm đó của Bukharin. Đại hội còn bác bỏ quan điểm phi Bolshevik về vấn đề dân tộc của Bukharin và Pitakov. Cả hai đều phản đối việc ghi vào cương lĩnh đoạn nói về quyền tự quyết dân tộc, phản đối sự bình đẳng và pháp luật của các dân tộc, viện dẫn rằng nó sẽ cản trở thắng lợi của cách mạng vô sản quốc tế. Lenin đã bác bỏ những quan điểm sô-vanh nước lớn đó. Vấn đề xây dựng Hồng quân công nông có một vị trí quan trọng, phe đối lập xuất hiện dưới tên gọi phái “đối lập quân sự”, thực chất đây là những thành viên của phái “cộng sản phái tả” cũ, sau khi bị tan rã, họ tập trung trong một tổ chức mới, nhằm chống lại các vấn đề mới. Nhưng “đối lập quân sự” không đi cùng Trotsky, tại Đại hội VIII, họ chống lại Trotsky, khi ấy là Tổng tư lệnh Hồng quân. Họ bất bình với sự lãnh đạo của Trotsky, phản đối việc Trotsky tôn sùng các chuyên gia quân sự quân đội Sa hoàng, chống lại thái độ thù địch của Trotsky đối với các đồng chí Bolshevik cũ trong quân đội, việc Trotsky đề nghị xử bắn và trấn áp quá tay các đồng chí trong quân đội, buộc Trung ương phải can thiệp. Không chỉ đấu tranh chống “cộng sản phái tả”, “Trotsky”, Trung ương Đảng còn phải đấu tranh chống phái “đối lập quân sự” trên một số vấn đề như, chống tàn tích của chủ nghĩa du kích trong quân đội, đấu tranh cho việc thành lập Hồng quân chính quy, củng cố kỷ luật, dùng chuyên gia quân sự.


Tháng 3/1919, Đại hội IX của Đảng được triệu tập, lần này nhiệm vụ của Đảng là đánh tan một nhóm mới nổi, nhóm “tập trung dân chủ chủ nghĩa”. Họ phản đối chế độ thủ trưởng và chế độ trách nhiệm cá nhân của giám đốc trong công nghiệp, bênh vực chế độ tập thể vô hạn và sự vô trách nhiệm trong việc lãnh đạo công nghiệp. “Lãnh tụ” của các phái này gồm có Sapronov, Ossinsky, Smirov. Nhóm này được Tomsky và Rykov ủng hộ tại Đại hội IX.


Sau khi Nội chiến kết thúc, nước Nga Xô viết cần chuyển sang hòa bình xây dựng kinh tế và do đó phải thanh toán chế độ cộng sản thời chiến. Tuy nhiên, chính trong thời điểm chuyển giao này, các phái đối lập tiếp tục công kích Trung ương Đảng. Trotsky, nhóm “đối lập công nhân”, “cộng sản phái tả”, “tập trung dân chủ”,... tất cả đều dao động hoang mang trước những khó khăn của con đường chuyển sang hòa bình xây dựng kinh tế. Trong đảng lúc bấy giờ có nhiều loại “cựu”, những người trước kia là Menshevik, xã hội chủ nghĩa cách mạng, Bun Do Thái, phái “Đấu tranh” và các nhà dân tộc chủ nghĩa các miền biên thùy của Nga. Nội chiến thắng lợi đã đưa một loạt các thành phần đủ loại gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, họ những người chưa được rèn luyện qua thử thách của cách mạng, những người chưa rèn luyện tinh thần của chủ nghĩa Lenin và còn chưa biết chủ nghĩa Lenin là gì. Ngày hôm qua họ còn là địch, là những kẻ nằm chờ thời, ngày nay họ xin vào Đảng vì Đảng đang mạnh và giữ chính quyền và sẽ còn giữ chính quyền trong một thời gian dài. Những kẻ đó mang theo mầm mống của chủ nghĩa cơ hội vào trong Đảng.


Trotsky là người khởi xướng cuộc tranh luận và cuộc đấu tranh chống Lenin và Ban chấp hành Trung ương. Trotsky phát biểu trong cuộc họp các đại biểu đảng viên cộng sản dự hội nghị đại biểu V của các công đoàn toàn Nga đầu tháng Mười một 1920, nêu ra khẩu hiệu “xiết chặt đinh ốc” và “rũ sạch các công đoàn”. Các Trotskyist đã đi đến chỗ đòi “Nhà nước hóa công đoàn”, phản đối phương pháp thuyết phục quần chúng công nhân, dùng phương pháp cưỡng bách, pháp lệnh; phản đối mở rộng dân chủ trong công đoàn; phản đối chế độ bầu cử các cơ quan công đoàn.


Nhóm “đối lập công nhân” do Shlyapnikov, Medvedyev, Kollontai cầm đầu, đã đưa ra khẩu hiệu trao quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân cho “Đại hội những người sản xuất toàn Nga”. Nhóm này phủ định vai trò của đảng, phủ nhận vai trò của chuyên chính vô sản trong việc xây dựng kinh tế. Nhóm này đem đối lập công đoàn với Đảng và Nhà nước Xô viết, xem công đoàn là hình thức tổ chức cao nhất, nhóm này có khuynh hướng sa vào con đường của các nhà vô chính phủ công đoàn chủ nghĩa.


Nhóm “tập trung dân chủ” gồm Sapronov, Drobnis, Boguslasky, Ossinsky, Smirnov cầm đầu, đòi tự do hoàn toàn cho các phái và nhóm nhỏ. Phái này đi lại vết xe đổ của đám Menshevik từ hồi 1903-1905, thực chất là họ đứng hẳn trên lập trường tiểu tổ của chủ nghĩa Menshevik. Nhóm này chống Lenin kịch liệt.


Nhóm “cộng sản phái tả” gồm có Bukharin, Preobrazhensky, Serebryakov và Sokolnikov cầm đầu. Nhóm này thực chất là đi theo con đường của Trotsky và ủng hộ lập trường của Trotsky, chống lại lập trường công đoàn của Lenin.


Lenin và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đấu tranh bảo vệ vấn đề công đoàn, xem công đoàn là trường học quản lý, trường học làm chủ, trường học chủ nghĩa cộng sản. Công đoàn hoạt động bằng lối thuyết phục quần chúng. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ vấn đề công đoàn, gay gắt nhất là ở Moskva. Hầu hết phe đối lập tập trung tại đây, và họ mưu toan chiếm đa số trong Ban chấp hành tỉnh đảng bộ thủ đô Moskva. Nhưng cuối cùng thất bại, tỉnh đảng bộ Moskva đã ủng hộ Lenin và Ban chấp hành Trung ương. Ngoài ra những nơi khác đều ngả hẳn về Trung ương. Ví dụ như ở Ukraina, đồng chí Molotov và Ban chấp hành Trung ương Đảng Ukraina đã giành chiến thắng trước những Trotskyist và Shlyapnikovist. Ở Baku (Azerbaijan), đồng chí Ordjonikidze đã đập tan phái đối lập. Ở Trung Á, Kaganovich cũng đập tan phe đối lập. Kết quả, hầu hết các địa phương trong cả nước đều ủng hộ lập trường của Lenin và Ban chấp hành Trung ương, bác bỏ các đề nghị của các phái đối lập.


Tháng 3/1921, Đại hội X của Đảng đã khai mạc. Tại Đại hội, Lenin đã lên án tất cả các phái đối lập và cho rằng sự tồn tại của các phái đối lập đe dọa sự thống nhất trong Đảng. Đại hội đã thông qua báo cáo của Lenin và chỉ thị ngay lập tức giải tán tất cả các nhóm bè phái và các nhóm đối lập trong Đảng, bất cứ ai không chấp hành nghị quyết của Đại hội sẽ lập tức khai trừ khỏi Đảng. Nghị quyết Đại hội ghi rõ:


<<Tuy vậy, ngay từ trước khi có cuộc tranh luận về vấn đề công đoàn trong toàn đảng, trong đảng đã có những dấu hiệu bè phái, nghĩa là đã thấy xuất hiện những nhóm có lập trường riêng và có xu hướng muốn đứng riêng rẽ đến một mực nào đấy và muốn lập ra kỷ luật riêng của nhóm mình. Cần phải làm sao cho tất cả những công nhân giác ngộ nhận thức rõ rằng bất kỳ thứ bè phái nào, thì cũng đều có hại và không thể dung thứ được, vì hoạt động bè phái thực tế nhất định sẽ đưa đến chỗ làm suy yếu sự hòa hợp trong công tác và làm cho kẻ thù đang bám lấy đảng chấp chính tăng cường việc lặp lại những mưu toan khoét sâu sự chia rẽ và lợi dụng sự chia rẽ ấy để đạt mục đích phản cách mạng>> (Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô)


Đại hội X đã thông qua một chủ trương lớn của Đảng, đó là Chính sách kinh tế mới (NEP). Chính sách kinh tế mới là “một sự tụt lùi tạm thời” so với chính sách Cộng sản thời chiến, nói đúng hơn, nó tụt lại đúng vị trí đáng ra phải đứng, còn chủ nghĩa cộng sản thời chiến lại là một dấu hiệu tả hơi quá, nó đi trước cái vị trí đáng lẽ ra nó phải đứng. Nhưng không phải ai trong đảng cũng hiểu Chính sách kinh tế mới của Lenin, những kẻ đối lập tiếp tục công kích. Có hai loại. Một loại như Lominadze, Shatskin, … chứng minh rằng Chính sách kinh tế mới là một sự phản bội đối với Cách mạng tháng Mười, rằng đang trên con đường quay trở lại chủ nghĩa tư bản; Một loại như Trotsky, Radek, Zinoviev, Kamenev, Shlyapnikov, Sokolnikov, Bukharin, Rykov, … những người không tin rằng nước Nga có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước.


Hai loại ấy đều xa lạ với Chủ nghĩa Lenin. Và Lenin, đã tiến hành cuộc thanh đảng vào năm 1921 nhằm loại khỏi đảng <<...những tên ăn cắp, những tên quan liêu hóa, những tên gian dối không trung thực, những đảng viên mềm yếu không kiên quyết, và những tên Menshevik bên ngoài đã thay đổi “bộ mặt” nhưng trong thâm tâm vẫn là Menshevik>> (Lenin toàn tập, tập XXVII, tiếng Nga, tr.13). Kết quả là có 170.000 người bị khai trừ khỏi Đảng, tức 25% tổng số đảng viên. Việc thanh đảng làm cho đảng mạnh hơn, củng cố thành phần và tăng tính kỷ luật.


Đại hội XII của Đảng họp tháng Tư 1923, tại Đại hội này, lần đầu tiên, Lenin vắng mặt, Người ốm nặng. Nhưng những lời giáo huấn của Lenin vẫn tiếp tục là kim chỉ nam cho Đảng. Stalin đã thay mặt Lenin trở thành đại diện của Ban chấp hành Trung ương Đảng tranh luận với các thành viên đối lập. Đại hội đã bác bỏ những đề nghị của phái đối lập khi quan niệm rằng Chính sách kinh tế mới là sự ly khai khỏi lập trường xã hội chủ nghĩa. Đại hội còn phê phán các ý kiến của Radek, Krassin thuộc nhóm Trotsky đã đưa ra luận điệu đó. Đại hội cũng bác bỏ quan điểm của Bukharin và Sokolnikov khi đề nghị từ bỏ độc quyền ngoại thương. Đại hội lên án việc Trotsky đề nghị một chính sách tai hại cho nông dân, sự không thừa nhận liên minh công - nông. Đại hội còn đi đến chỗ đập tan những xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong đảng như Mdivani, Sultan Galiev, Faizulla Khodjayev.


Trong suốt thời kỳ sau đó, tình hình sức khỏe của Lenin chuyển biến xấu, gần như Người không thể tham gia các phiên họp, Stalin thường xuyên trực tiếp đến gặp Lenin để trao đổi về tình hình Đảng. Lợi dụng lúc Lenin vắng mặt, phái đối lập đã tiếp tục mở ra những cuộc tranh luận mới. Trotsky đã cầm đầu phái đối lập thảo ra cái gọi là Cương lĩnh phái đối lập hay Tuyên bố của 46 người đối lập nhằm chống lại các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Thành phần của họ gồm có tàn dư của tất cả các nhóm đối lập cũ : cộng sản phái tả, tập trung dân chủ, đối lập công nhân. Tiếp tục là những khẩu hiệu cũ rích đã bị Lenin đánh bại tại Đại hội X, và Đại hội XI, sau đó là Đại hội XII. Họ tiếp tục kêu gào rằng cách mạng Nga không thể giành thắng lợi, thất bại của cách mạng Đức và Hungary đã cho thấy khả năng không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia (vì họ trông chờ vào cách mạng Tây Âu); họ đòi cho phép thành lập các nhóm, tiểu tổ đối lập. Như vậy, phái đối lập đã đi đến chỗ không chấp hành Nghị quyết Đại hội X, mưu toan xé bỏ nghị quyết cấm bè phái của Lenin. Trotsky không ngừng công kích và bôi nhọ bộ máy của Đảng và Nhà nước và Trung ương Đảng. Ông ta viết một bức thư trong đó rêu rao rằng bộ máy Đảng đã thoái hóa, bôi nhọ các đảng viên Bolshevik, tự tâng bốc mình như một vai trò dẫn dắt Đảng trong tương lai. Bản Cương lĩnh 46 người và bức thư do Trotsky viết, đã được phái đối lập sao thành nhiều bản và gửi đi khắp các cấp bộ, chi bộ cơ sở của Đảng trong toàn quốc hòng tổ chức một cuộc tranh luận mới trong Đảng.


Cần phải nói là tình hình Liên Xô năm 1924 còn rất nhiều khó khăn, kinh tế đang khôi phục từng bước, chưa thanh lý hết tất thảy tàn tích của Nội chiến. Nhưng Đảng vẫn một lòng hướng đến sự hòa giải và thống nhất nên đã chấp thuận việc tổ chức các cuộc tranh luận do phái đối lập khởi xướng. Có hai nguyên nhân: Đảng muốn thông qua cuộc tranh luận này mà phân biệt cho mọi người thấy đâu là Chủ nghĩa Lenin, đâu là chủ nghĩa Trotsky; Đảng muốn thông qua cuộc tranh luận này mà giáo dục cho các lớp đảng viên trẻ, những đoàn viên thanh niên cộng sản, những người chưa từng trải qua những năm tháng cách mạng hay kinh nghiệm còn ít, những người chưa thực sự trưởng thành về mặt lý luận; Đảng muốn đập tan nát những mớ lý luận và quan điểm sáo rỗng của phái đối lập, trên một cơ sở là tranh luận công khai và dân chủ, để toàn đảng, toàn dân, toàn quân biết phái đối lập là những kẻ như thế nào. Kết quả là, giống như trước, phe đối lập thất bại hoàn toàn trong các cuộc tranh luận, chỉ một số ít chi bộ trường đại học và một số cơ quan bỏ phiếu (do các thành viên phe đối lập nắm đa số), còn trong công nhân và quần chúng, họ một lòng ủng hộ Ban chấp hành Trung ương Đảng.


Tháng Giêng 1924, hội nghị XIII của Đảng họp sau khi Lenin vừa mất. Hội nghị bày tỏ đối với sự mất mát to lớn mà Đảng vừa phải trải qua. Lãnh tụ không còn nữa, nhưng phe đối lập thì tấn công điên cuồng. Chính tại Hội nghị này, Ban chấp hành Trung ương đã thông qua một tuyên bố lên án những hành động của phe đối lập vừa qua và xem đó là những khuynh hướng tiểu tư sản đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác trong Đảng. Đại hội V của Quốc tế Cộng sản đã tán thành những nghị quyết của Hội nghị XIII, trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế do Quốc tế Cộng sản lãnh đạo bắt đầu quá trình thanh lọc những phần tử bị tiêm nhiễm tư tưởng của phe đối lập.


Mùa thu năm 1924, Trotsky vẫn chưa chịu chấp nhận sự thật rằng ông ta đã thất, ông ta đã viết cuốn sách có nhan đề “Những bài học tháng Mười”, trong đó mưu toan xét lại một số quan điểm của Lenin và hành động của Lenin trong thời kỳ tổ chức khởi nghĩa tháng Mười; mưu toan thay thế Chủ nghĩa Lenin bằng Chủ nghĩa Trotsky; tự tâng bốc vai trò cá nhân của mình với tư cách là Chủ tịch Xô viết Petrograd hòng đánh lập con đen rằng chính ông ta mới là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa tháng Mười. Toàn Đảng bức xúc với tác phẩm đó của Trotsky, ngay cả trong hàng ngũ những thành viên phe đối lập, có những người từng tham gia trong thời kỳ ấy cũng không tán thành. Tiêu biểu là vợ của Lenin - Krupskaya, mặc dù là thành viên của phe đối lập, nhưng trong một bài phát biểu, bà đã lên án và chỉ trích về những hành động xuyên tạc của Trotsky và mưu toan thay thế Chủ nghĩa Lenin bằng Chủ nghĩa Trotsky của ông ta. Để đáp trả những hành động đó của Trotsky, Stalin đã thay mặt Trung ương Đảng viết tác phẩm “Những nguyên lý của Chủ nghĩa Lenin”, trong đó đồng chí đã bảo vệ về mặt tư tưởng của Chủ nghĩa Lenin, về sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Lenin và Chủ nghĩa Trotsky là gì. Không dừng lại, Stalin còn liên tục viết những bài viết chất lượng như “Chủ nghĩa Trotsky hay Chủ nghĩa Lenin” đọc tại hội nghị của đảng đoàn trong Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên Xô, hay tác phẩm “Cách mạng tháng Mười và sách lược của những người cộng sản Nga” trong đó, Stalin đã trích dẫn các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thời kỳ Khởi nghĩa tháng Mười, minh chứng cho thấy rằng những lời nói của Trotsky trong cuốn sách “Những bài học tháng Mười” là những câu chuyện hoang đường, Stalin còn chứng minh cho mọi người thấy rằng Trotsky khi đó mặc dù là Chủ tịch Xô viết Petrograd nhưng thực chất cũng chỉ giống như bao đảng viên khác của Đảng Bolshevik, đều chấp hành các nghị quyết của Trung ương, và cơ quan đảng lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng tháng Mười được bầu ngày 16 tháng Mười, trong đó không hề có tên của Trotsky. Như vậy, thực chất, tác phẩm “Những bài học tháng Mười” của Trotsky chỉ là những câu chuyện mà ông ta bịa ra nhằm tâng bốc bản thân. Đại hội XIII của Đảng được triệu tập vào tháng Năm 1924, Đại hội dựa trên sự thắng lợi của Hội nghị Trung ương XIII, đã đi đến chỗ lên án Cương lĩnh của phe đối lập, phê phán khuynh hướng chống và xét lại Chủ nghĩa Lenin, lên án những hoạt động của Trotsky.


Năm 1925 có ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh của Đảng chống phái đối lập. Trước mắt, năm 1925, Liên Xô căn bản đã khôi phục xong những tàn tích của chiến tranh, mặc dù sức sản xuất chỉ mới đạt ¾ mức trước chiến tranh, nhưng cũng đủ mở ra những khả năng, phương hướng mới trong việc phát triển kinh tế, xây dựng những cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Chính thời điểm này, vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã trở thành một vấn đề thực tiễn. Và đây cũng chính là vấn đề then chốt, vấn đề mâu thuẫn chủ yếu giữa phái đối lập với Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trước đây, vấn đề này chưa được đề cập nhiều, nguyên nhân là vì nó chưa tới lúc, chưa có những cơ sở thực tiễn, nhưng đến năm 1925, khi những tiền đề, cơ sở đã xuất hiện thì vấn đề này trở thành một trong những vấn đề chủ chốt. Mà ở đây như chúng ta đã biết, cầm đầu phe đối lập là Trotsky luôn có thái độ chống quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước của Lenin, từ hồi những năm 1915.


Lần này các phái đối lập tấn công và mưu toan tấn công mãnh liệt hơn nữa vào Đảng. Nhóm do Trotsky cầm đầu thì chủ trương thuyết “Cách mạng thường trực” trông chờ vào cách mạng Tây Âu và chế giễu rằng không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhóm do Bukharin cầm đầu thì chủ trương tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân với khẩu hiệu “Hãy làm giàu đi”. Nhưng nhóm nổi trội nhất lần này là nhóm của Zinoviev và Kamenev. Tại Đai hội XIV, họ đã triệu tập ở Leningrad cái gọi là “phái đối lập mới”. Khác với trước kia, có thể nói, lần này là rất nghiêm trọng. Nếu trước kia phái đối lập chỉ tập trung trong các nhóm, tiểu tổ nhỏ, thì lần này họ tập trung trong một Trung tâm lớn của Đảng ở thành phố Leningrad, mưu toan chống Ban chấp hành Trung ương.


Tháng Mười hai 1925, Đại hội XIV của Đảng được triệu tập. Trong Đại hội, Zinoviev và Sokolnikov đã đề xuất một kế hoạch kinh tế như sau: Liên Xô tiếp tục là một nước nông nghiệp với sản xuất chủ yếu là nguyên liệu và lương thực, xuất khẩu những thứ đó và nhập về những loại máy móc mà ở Liên Xô không có khả năng chế tạo. Hay nói cách khác, biến Liên Xô phụ thuộc vào thị trường các nước đế quốc chủ nghĩa thù địch. Và tất yếu, kế hoạch đó sẽ đi đến chỗ đẩy Liên Xô vào con đường diệt vong vì phụ thuộc vào hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Còn kế hoạch khác do Stalin chủ trương đó là tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, với ý định mau chống biến Liên Xô trở thành một cường quốc công nghiệp; tạo ra những cơ sở sản xuất xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển cao, năng suất lớn hòng từng bước đánh bại những thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tiểu nông; hòng tạo ra những cơ sở cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Đại hội XIV đã đi đến chỗ tán thành kế hoạch kinh tế của Stalin. Trong bài kết luận của báo cáo Ban chấp hành Trung ương ngày 23/12/1925, đồng chí Stalin đã vạch trần những quan điểm chống lại “khả năng có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội” trong phạm vi một nước của Zinoviev và Kamenev, Stalin đã chứng minh rằng lập trường của Zinoviev và Kamenev thực chất chỉ là quanh đi quẩn lại lập trường Menshevik của Trotsky, xung quanh cái lập trường chống Lenin đã bị Lenin đập nát.


Thất bại tại Đại hội XIV đã làm Zinoviev tỏ ra bất mãn. Phái đối lập mới đã triệu tập Ban chấp hành tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Leningrad. Dưới sự ủng hộ của Zinoviev, Zalutsky, Bakayev, Yevdokimov, Kuklin, Safarov, và tại đây, một nghị quyết chưa từng có trong lịch sử đã ra đời. Ban chấp hành tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Leningrad đã ra nghị quyết không phục tùng các nghị quyết của Đại hội XIV của Đảng. Nhưng, những quan điểm đó không phải là sự phản ánh của đoàn thanh niên cộng sản ở Leningrad, mà chỉ phản ánh tâm trạng bất mãn của các lãnh đạo của họ trong tổ chức này, và chính bởi vì nó thiếu cơ sở ủng hộ rộng rãi của quần chúng, cho nên những kẻ bất mãn này nhanh chóng bị loại khỏi tổ chức, bắt đầu từ những chi bộ nhỏ đi lên. Trung ương Đảng còn phái các đồng chí Molotov, Kirov, Voroshilov, Kalinin, Andreyev và một số đồng chí đã đến Leningrad, diễn thuyết, giải thích các quan điểm của Trung ương Đảng cho các chi bộ, tiểu tổ hiểu đúng và rõ quan điểm của Trung ương Đảng. Hội nghị bất thường của Đảng bộ Leningrad được triệu tập và tại đây, với 97% sự ủng hộ, Hội nghị đã bác bỏ những quyết nghị của Ban chấp hành tỉnh đảng bộ đoàn thanh niên cộng sản Leningrad, phái đối lập tại đây tan rã.


Stalin đã viết:


<<Ý nghĩa lịch sử của Đại hội XIV của Đảng cộng sản Liên Xô là ở chỗ nó bóc trần tận gốc những sai lầm của phái đối lập mới, vứt bỏ sự ngờ vực và than vãn của phe đối lập, vạch rõ ràng và rành mạch con đường đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, đem lại triển vọng thắng lợi cho đảng, và do đó vũ trang cho giai cấp vô sản lòng tin vững chắc vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội>> (Stalin, Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin).


Sự thất bại hoàn toàn về mặt chính trị của phái đối lập tại Đại hội XIV đã đẩy phái đối lập đi đến một hình thức chống đảng cao hơn trước đây. Phái đối lập, từ chỗ là các tiểu tổ, các tổ chức nhỏ, thì nay quyết định hình thành như một trung tâm Đảng trong lòng nội bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nó đi đến chỗ là những thiểu số bất đồng trong Đảng đến chỗ trực tiếp chà đạp lên Điều lệ tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô. Do đó, khác với tất cả các cuộc đấu tranh chống phe đối lập trước đây, Đảng Cộng sản Liên Xô đi từ chỗ lên án, ra nghị quyết, cảnh cáo (chưa hề thi hành kỷ luật) thì nay đến chỗ phải căn cứ vào Điều lệ Đảng để tống khỏi Đảng những phần tử chống Đảng, những phần tử mưu toan bè phái chống Đảng. Tất cả những việc đó, là căn cứ trên chỉ thị của Lenin tại Đại hội Đảng lần thứ X.


Nếu trước đây, các phái đối lập là những nhóm, tổ chức tách rời cùng chống Ban chấp hành Trung ương, nhưng không phải lúc nào cũng thống nhất. Họ có thể đồng tình với nhau trong một số vấn đề, nhưng đồng thời cũng bất đồng với nhau trong những vấn đề khác. Do đó, chúng ta thường thấy, mỗi nhóm tranh luận với Ban chấp hành Trung ương ở một số vấn đề khác nhau, riêng rẽ hoặc có khi cùng chống Ban chấp hành Trung ương trong một số vấn đề chủ yếu. Nhưng từ mùa hạ năm 1926, các phái đối lập này liên minh lại với nhau và hình thành cái gọi là liên minh phái đối lập. Phái này bí mật hoạt động, họ tổ chức các nhà in bất hợp pháp, và tự thu phí “phái đối lập” (tức là đảng phí trong đảng phí, vừa đóng đảng phí Đảng, vừa đóng đảng phí phái đối lập). Những việc này đã bị bóc mẽ, nhiều kẻ bị cảnh cáo, nhưng liên minh phái đối lập đã không chấp nhận mà tiếp tục công bố cái gọi là Cương lĩnh của 83 người và mưu toan kéo Đảng tiếp tục vào cuộc tranh luận mới. Tháng Mười 1927, tức là hai tháng trước khi khai mạc Đại hội XV, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công cuối cùng hòng đập tan phái đối lập hoàn toàn về mặt chính trị. Kết quả của cuộc tranh luận đã khiến Trotsky - Zinoviev chuốc lấy thất bại nhục nhã. Với 724.000 đảng viên tán thành chính sách Trung ương Đảng, 4.000 đảng viên tán thành cái gọi là Cương lĩnh 83 người, tức là phái đối lập chưa chiếm nổi 1% trong Đảng. Trung ương Đảng đã đi đến chỗ bác bỏ Cương lĩnh của phái đối lập, và đồng thời trên cơ sở rằng phái đối lập đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ của Đảng Cộng sản Liên Xô, vi phạm nghị quyết Đại Hội X về tính chất bè phái, tự tổ chức nhà in bí mật và thu đảng phí “đối lập”. Ngày 14 tháng Mười một 1927, hội nghị liên tịch Ban chấp hành Trung ương và Ban giám sát Trung ương đã khai trừ Trotsky và Zinoviev ra khỏi Đảng, những kẻ còn lại bị cảnh cáo và kỷ luật. Đảng chỉ đuổi bọn đầu sỏ, còn những kẻ khác, Đảng vẫn tạo điều kiện cho họ chuộc lỗi. Đến thời điểm này, phái đối lập đã đi đến chỗ “đếm trước” của sự tan rã.


Đại hội XV khai mạc tháng Mười hai 1927, trên cơ sở của những thắng lợi bước đầu của chính sách kinh tế và thắng lợi trong việc loại khỏi hàng ngũ cộng sản những tên đầu sỏ chống Đảng. Đại hội đã quyết định thanh toán và thủ tiêu về mặt tổ chức hoàn toàn khối chống Đảng gồm những phần tử theo Trotsky và Zinoviev. Đại hội nhấn mạnh:


<<Phái đối lập đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Lenin về mặt tư tưởng; nó thoái hóa thành một nhóm Menshevik, đi vào con đường đầu hàng trước sức mạnh giai cấp tư sản quốc tế và trong nước, và khách quan biến thành công cụ của lực lượng thứ ba chống lại chuyên chính của giai cấp vô sản>> (Đảng cộng sản (B) Liên Xô qua các nghị quyết, phần II, tiếng Nga, tr.232).


Đại hội XV đã tán thành việc khai trừ Trotsky và Zinoviev ra khỏi Đảng, đồng thời quyết định khai trừ Radek, Preobrazhensky, Rakovsky, Pitakov, Serebryakov, I. Smirnov, Kamenev, Sarkis, Safarov, Lifshitz, Mdivani, Smilga, Sapronov, V. Smirnov, Boguslasky, Drobnis. Nói cách khác, những kẻ cầm đầu và tham gia tích cực và liên minh phái đối lập đều bị khai trừ khỏi Đảng. Đại hội XV đã đấm vỡ về mặt tổ chức của phái đối lập, làm tan rã những hình thức tổ chức công khai của họ. Ít lâu sau, trong hàng ngũ phái đối lập cũng bắt đầu xẻ lẻ, một số kẻ tuyên bố đoạn tuyệt với Chủ nghĩa Trotsky, cắt đứt liên hệ với Trotsky và Zinoviev, xin gia nhập lại Đảng. Nhưng chắc chắn một điều rằng Ban chấp hành Trung ương không thể tín nhiệm họ một lần nữa, do đó họ chỉ có thể hoạt động trong các chi bộ nhỏ, không nắm các vai trò chủ chốt, do đó từ đó về sau vĩnh viễn không thể tác động và tham gia vào các cơ cấu của các cơ quan Trung ương Đảng. Đảng đã cho họ một cơ hội sửa chửa sai lầm như thế.


Tại các phiên khôi phục đảng tịch, những kẻ từng là thành viên của liên minh phái đối lập đã tuyên bố:


  1. công khai lên án Chủ nghĩa Trotsky, xem đó là hệ tư tưởng phi chủ nghĩa Bolshevik và chống Liên Xô.

  2. tuân thủ và chấp hành duy nhất các nghị quyết của Trung ương Đảng và tuân theo điều lệ Đảng.

  3. chấp nhận thời gian thử thách.


Đến đây, liên minh phái đối lập tan rã hoàn toàn. Hiện tượng các nhóm đối lập và bè phái trong Đảng đến đây chấm dứt tan rã. Vụ Bukharin về sau không phải là phái đối lập, đó là một khuynh hướng trong Đảng, cho nên ở đây tôi tạm không đề cập tới.


==========


Tóm:


- Trên mạng nó có những mẩu truyện "truyền thuyết" như: Stalin liên minh với Bukharin để đánh bại Trotsky-Zinoviev-Kamenev. Người ta cố ý biến Đảng Bolshevik trở thành một tập hợp của các bè phái đánh nhau. Nhưng sự thật thì không phải vậy, Stalin từ trước và sau đều đứng về phía Ban chấp hành Trung ương Đảng, còn các lãnh tụ khác thì hoạt động một cách bè phái, lập nhóm chống Ban chấp hành Trung ương. Sự thật đây chỉ là vấn đề giữa Trung ương Đảng và các nhóm bè phái và chắc chắn rằng kết cục sẽ đi đến chỗ các phe phái, bè phái đối lập tan rã.


- Trên mạng có những kiểu "truyền thuyết" như: Stalin đã sử dụng những thủ đoạn abc nào đó hòng đoạt chiếm quyền lực Đảng trong tay, đàn áp phe đối lập. Sự thật đã cho thấy phương pháp mà Đảng đánh tan phái đối lập là phương pháp hoàn toàn công khai và dân chủ - bằng các cuộc tranh luận và biểu quyết - kết quả là phe đối lập thua một cách nhục nhã khi chưa chiếm nổi 1% trong Đảng. Chỉ có những kẻ đầu óc không bình thường mới đi ảo tưởng về thế và lực của phái đối lập trong Đảng cộng sản (B) Liên Xô.


- Chúng ta thấy rõ, phái đối lập đã phát triển đến chừng nào: từ chỗ là các nhóm, tiểu tổ đến chỗ trở thành một mặt trận liên minh giữa các phái đối lập; từ chỗ là phương pháp đấu tranh bằng cách không thực thi mệnh lệnh, mở tranh luận, đến chỗ ra nghị quyết đơn phương (Leningrad), ra Cương lĩnh chính trị, tổ chức nhà in bí mật, thu đảng phí riêng, phái đối lập đã đi đến chỗ đã có cơ sở trở thành đảng chính trị riêng biệt rồi. Tất nhiên, nó sẽ tỉ lệ thuận đối với thái độ và cách phản ứng của Trung ương Đảng, đi từ chỗ: giải quyết bằng cách tranh luận, hòa giải, thuyết phục đến chỗ phải khai trừ khỏi Đảng vì các lãnh tụ phái đối lập đã vi phạm Điều lệ Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, đã nhiều lần bị cảnh cáo nhưng không từ bỏ. Thế thì trách gì được ? Rõ ràng là tại Đại hội XII, đại hội lần đầu vắng mặt Lenin, Trung ương đã thắng, và các đại hội sau đó vẫn thắng, nhưng đã không trì chiết hay khai trừ phái đối lập mà hết lần này đến lần khác nhân nhượng, thuyết phục, thậm chí là nhiều lần đồng ý tranh luận với phe đối lập. Thế thì đâu phải là lỗi của Stalin và Ban chấp hành Trung ương khi khai trừ đảng đối với phe đối lập ? ; đâu phải là lỗi của Stalin và Ban chấp hành Trung ương khi phe đối lập mất uy tín trong đảng ?


- Stalin đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đánh tan phái đối lập, và dĩ nhiên, đồng chí ấy trở thành mục tiêu mà phải đối lập không thể nào "tha thứ" được và không ngừng bôi nhọ đồng chí ấy trên khắp các mặt trận truyền thông và tuyên truyền. Từ năm 1924 cho đến năm 1926, trong tất cả các bài diễn văn tranh luận, Stalin đã thay mặt Ban chấp hành Trung ương tranh luận với phái đối lập, và kết quả cho thấy rằng các lãnh tụ Trotsky, Zinoviev, Kamenev và những người khác đều thất bại trước Stalin. Có thể nói, việc Stalin đập tan lý luận của phái đối lập Trotsky, Zinoviev, Kamenev có ý nghĩa giống như việc Lenin đập tan mớ lý luận Menshevik của Plekhanov, Martov, Trotsky và những người khác thời kỳ trước Hội nghị Praha 1912 (hội nghị khai trừ phái Menshevik ra khỏi đảng). Stalin đã củng cố về mặt tư tưởng cho Đảng, và củng cố lập trường của Chủ nghĩa Lenin trong Đảng sau khi Lenin qua đời. Vai trò của Stalin có một ý nghĩa quan trọng như thế.


- Việc Hội nghị XV và Đại hội XV của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô khai trừ Trotsky, Zinoviev, Kamenev và những đầu sỏ khác ra khỏi hàng ngũ của Đảng có vai trò và tầm quan trọng không thua kém Hội nghị Praha 1912, khi đó Lenin và đảng Bolshevik quyết định khai trừ phái Menshevik ra khỏi Đảng. Điều đó củng cố Đảng về mặt tổ chức, làm Đảng trở nên mạnh mẽ hơn, làm Đảng trở nên thống nhất hơn. Vai trò của Hội nghị XV và Đại hội XV có một ý nghĩa quan trọng như thế.


- Việc khai trừ những kẻ đầu sỏ trong phái đối lập, đồng thời sau đó chấp nhận cho họ gia nhập Đảng nhưng buộc phải thử thách đã cho thấy Đảng không tin tưởng lắm vào những kẻ đối lập, và do đó ảnh hưởng chính trị của phe đối lập trong Đảng là không tồn tại trong thời gian sau đó. Phe đối lập không bao giờ được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, tức là được vào lại cơ quan quyền lực của Đảng, hay nói cách khác: KHÔNG TỒN TẠI MẦM MỐNG CHO CUỘC ĐẤU TRANH TRONG ĐẢNG VỚI PHE ĐỐI LẬP TRONG TƯƠNG LAI, tức là ở đây tôi muốn nói các sự kiện 1934-1938 hoàn toàn không phải là do sợ phe đối lập abc nào đó mà phải tiến hành thanh trừng trong Đảng, tiến hành đấu tranh nội bộ trong Đảng, đó là những câu chuyện hoang tưởng của những kẻ chống chính quyền Xô viết.