Kỷ niệm đồng chí Sta-lin, Bác Hồ viết về Stalin - 3/1954
Ngày hôm nay (5-3) năm ngoái, một tin đột ngột như trời long đất lở, một tin đau xót đã truyền khắp năm châu: đồng chí Sta-lin mất rồi !
Khắp thế giới, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức đều vô cùng thương tiếc người thầy học, vị lãnh đạo, người bạn tốt của mình, là đồng chí Sta-lin.
Đồng chí Sta-lin sinh năm 1879, ở Giê-oóc-gi, một xứ dân tộc thiểu số tại nước Nga. Ông cụ thân sinh là một người thợ đóng giầy. Bà cụ là con một nhà nông nô. Hai ông bà chịu cực, chịu khổ, cố gắng cho đồng chí Sta-lin đi học trường nhà giòng.
Hồi đó tư bản ở Nga đang phát triển. Phong trào cách mạng cũng bắt đầu. Chủ nghĩa Mác đã truyền bá vào nước Nga. Công nhân và thanh niên tổ chức những hội cách mạng bí mật.
Năm 15 tuổi, đồng chí Sta-lin đã tham gia cách mạng.
Năm 19 tuổi, đồng chí vào Đảng xã hội dân chủ Nga, và bí mật hoạt động mạnh: dạy chủ nghĩa Mác cho công nhân, viết báo và truyền đơn bí mật, ...
Năm 20 tuổi, bị đuổi khỏi ra khỏi trường vì tình nghi cách mạng.
Năm 23 tuổi, đồng chí bị bắt. Trong 15 năm, đồng chí Sta-lin bị bắt 7 lần, bị đày 6 lần, vượt ngục 5 lần.
Khi ở tù, đồng chí Sta-lin lợi dụng thời giờ, ra sức nghiên cứu, và vẫn liên lạc với phong trào cách mạng ở ngoài. Mỗi lần vượt ngục ra, đồng chí lại tìm đoàn thể và hoạt động ngay.
Năm 1903, đang ở tù, đồng chí Sta-lin tiếp được một bức thư của Lê-nin. Tuy chưa gặp mặt, nhưng từ đó đồng chí Sta-lin đã nhận là học trò trung thành của Lê-nin.
Sau cách mạng tháng 2-1917, đồng chí Sta-lin được tự do, đồng chí giúp Lê-nin lãnh đạo Đảng bôn-sơ-vích chuẩn bị Cách mạng tháng Mười.
Cách mạng vừa thành công, thì nước Nga bị quân đội 14 nước đế quốc (do Anh, Pháp, Mỹ, Nhật cầm đầu) xâm lược. Chúng lại giúp cho bọn Nga gian bù nhìn nổi loạn chiếm cứ lung tung. Quân đội cách mạng mới tổ chức, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả súng đạn. Năm ấy lại gặp mất mùa, đói kém; mỗi công nhân, mỗi chiến sĩ mỗi ngày chỉ được một miếng bánh mì cỏn con. Thủ đô Mạc Tư Khoa bị giặc uy hiếp... Tình hình thật là gay go. Mặt trận nào khó khăn nhất, thì Lê-nin và Trung ương Đảng phái đồng chí Sta-lin đến chỉ huy chiến đấu. Đồng chí Sta-lin đến đâu, thì thắng lợi đến đó. Trong quân đội đồng chí Sta-lin đòi hỏi cán bộ chỉ huy và chính trị viên đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, phải săn sóc đến nơi đến chốn tinh thần và vật chất của chiến sĩ. Vì vậy, mọi người đều hăng hái vượt khó khăn, làm tròn nhiệm vụ.
Từ năm 1922 về sau, đồng chí Sta-lin luôn được bầu làm Tổng thư ký của Đảng.
Cách mạng thành công đã 7 năm, mọi âm mưu của đế quốc đều hoàn toàn thất bại, chúng mới chịu thừa nhận Liên Xô.
Năm 1924, Lê-nin mất. Đồng chí Sta-lin phải gánh cả trách nhiệm lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới.
Trải qua 9 năm bị chiến tranh phá hoại, kinh tế Liên Xô rất khó khăn. Đến năm 1925, công nghiệp vẫn thấp kém, nông nghiệp thì gồm có hơn 25 triệu nông hộ sản xuất lẻ tẻ theo lối cũ. Dưới sự lãnh đạo của Sta-lin, Đảng và Chính phủ định kế hoạch 5 năm thứ nhất, nhằm mục đích xây dựng công nghiệp và tổ chức nông trường công cộng. Đó cũng là một cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ. Vì lúc đó, Liên Xô thiếu tiền vốn, thiếu máy móc, thiếu kinh nghiệm. Các nước tư bản lại tìm đủ mọi cách tẩy chay phá hoại. Song nhân dân Liên Xô quyết tâm tự lực cánh sinh, chịu đựng gian khổ, nhịn ăn nhịn mặc, vượt mọi khó khăn, để xây dựng cho kỳ được một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, mà năm 1933, kế hoạch 5 năm thứ nhất thành công rực rỡ trước thời hạn và bắt đầu kế hoạch 5 năm thứ hai rồi kế hoạch 5 năm thứ ba.
Thành công ấy, phần lớn là nhờ phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm sôi nổi và rộng khắp trong toàn thể nhân dân. Sau 8, 9 năm cố gắng, tình hình đã thay đổi hẳn: từ một nước nông nghiệp lạc hậu Liên Xô đã trở nên một nước công nghiệp tiên tiến; từ chỗ thiếu thốn nghèo khổ, đến chỗ sung sướng. So với năm 1913 thì năm 1940, công nghiệp sản xuất (dầu, than, gang, sắt, máy móc, ...) tăng gấp 4 lần; nông nghiệp sản xuất tăng gấp 3 lần rưỡi (ngũ cốc, 3.830 vạn tấn, bông 270 vạn tấn...).
Trong lúc Liên Xô đang lo phát triển đời sống tươi đẹp và hòa bình, thì 240 sư đoàn phát xít Đức bất thình lình tiến công Liên Xô. Bao nhiêu sức của, sức người của nhân dân Liên Xô đều trút cả vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Nhờ đồng chí Sta-lin và Đảng lãnh đạo sáng suốt. Hồng quân chiến đấu anh dũng, nhân dân đoàn kết kháng chiến, tháng 5-1945, phát xít Đức thất bại tan tành, cờ đỏ búa liềm của Liên Xô tung bay trên thủ đô nước Đức. Rồi Hồng quân quay sang tiêu diệt quân phiệt Nhật. Thắng lợi của Liên Xô đã cứu nhân dân thế giới khỏi ách phát xít, đặc biệt đã giúp Cách mạng tháng Tám của Việt Nam ta thành công.
Trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức (1941-1945), nhân dân Liên Xô đã hy sinh hàng chục triệu người và rất nhiều của cải để giải phóng Tổ quốc và giải phóng nhân loại. Kháng chiến thắng lợi, nhân dân Liên Xô bắt tay ngay vào việc xây dựng. Kế hoạch 5 năm lần thứ tư đã hoàn thành, kế hoạch thứ năm đến 1957 sẽ hoàn thành. Trong lúc các nước tư bản đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, thị Liên Xô tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản, và trở nên một nước giàu nhất, mạnh nhất, sung sướng nhất trên thế giới. Đó là công trạng của Sta-lin.
Sự nghiệp to lớn của đồng chí Sta-lin gắn liền với sự nghiệp của Lê-nin, của Đảng cộng sản và nhân dân Liên Xô, và gắn liền với sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Đồng chí Sta-lin đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác - Ăng-ghen - Lê-nin. Đồng chí đã chỉ đường lối cho chúng ta làm cách mạng thắng lợi. Đồng chí đã dạy chúng ta tổ chức Đảng cách mạng chân chính, quân đội nhân dân hùng mạnh và Mặt trận dân tộc thống nhất vững chắc.
Kỷ niệm đồng chí Sta-lin, chúng ta phải học tập đồng chí Sta-lin trọn đời phụng sự cách mạng, phụng sự giai cấp, phụng sự dân tộc.
Chúng ta ra sức làm trọn hai nhiệm vụ trung tâm là: đoàn kết toàn dân đẩy mạnh kháng chiến và thực hiện chính sách cải cách ruộng đất.
Chúng ta đoàn kết chặt chẽ với Đảng cộng sản Liên Xô, với nhân dân các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới.
Chúng ta phải học và hành chủ nghĩa Mác - Ăng-ghen - Lê-nin - Sta-lin.
Nhân dân
Báo Nhân dân, số 169, 5/3/1954.