Chút chuyện về Stalin trong Ngày Duyệt binh mừng Chiến thắng 1945

Chút chuyện về Stalin trong Ngày Duyệt binh mừng Chiến thắng 1945 


Chắc có lẽ cũng sẽ có người thắc mắc rằng : Tại sao Nguyên soái Zhukov lại là người duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, chứ không phải là Stalin ? 

Câu trả lời mà nhiều người dễ hình dung nhất đó là vì Zhukov là vị tướng giỏi , vị tướng bách chiến bách thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tuy nhiên thực tế khi đó mọi tướng lĩnh đều nghĩ rằng Stalin với cương vị là Tổng chỉ huy toàn quân, sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm và duyệt hàng ngũ binh sĩ sau chiến thắng trước phát xít Đức. 

Chuyện gì đã xảy ra ? 

Ngày 12-6-1945, tại Điện Kremli, chủ tịch Kalinin đã trao cho Nguyên soái Zhukov huân chương Sao Vàng thứ ba vì thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh giao trong cương vị tư lệnh chiến dịch Berlin. Sau lễ trao huân chương, Stalin cho gọi Zhukov đến . Sau khi chúc mừng Zhukov về danh hiệu anh hùng lần thứ ba, Stalin hỏi: 

- Anh chưa quên cưỡi ngựa đấy chứ ? 

- Chưa, thưa đồng chí. 

- Như vậy, anh sẽ là người nhận lễ duyệt binh, Rôcôxốpxki sẽ chỉ huy bộ đội duyệt binh. Zhukov trả lời 

– Cảm ơn Tổng tư lệnh vì danh dự này, nhưng sẽ là tốt hơn nếu Tổng tư lệnh đích thân nhận, đồng chí là Tổng tư lệnh, theo quy ước và trách nhiệm thì đồng chí là người nhận lễ duyệt binh. 

Stalin đáp – Tôi đã già rồi, anh trẻ hơn, anh hãy nhận đi. 

Sau khi chia tay, Stalin còn nói: 

- Tôi khuyên anh hãy cưỡi con ngựa trắng khi nhận lễ duyệt binh, Budienưi sẽ chỉ cho anh xem con ngựa này. Có một câu chuyện mà mãi về sau, theo lời kể của con trai Stalin, Vasily. Câu chuyện là thế này: Stalin hiểu rằng ông đã không còn trẻ nữa và đã lâu rồi không cưỡi ngựa kể từ thời Nội chiến. Do vậy, ông đã quyết định luyện tập, để không có gì sơ suất xảy ra trước buổi ra mặt ba quân trên Quảng trường Đỏ. Buổi tối người ta đã đem đến cho Stalin một con ngựa trắng đến khu Manegiơ (cạnh điện Kremli) để ông tập cưỡi ngựa chuẩn bị cho buổi Lễ duyệt binh. Và cứ vào ban đêm, khi ở Kremli người ta đã đi ngủ thì Stalin cùng một số sĩ quan cận vệ thân tính – tướng Vlaxic đi đến quảng trường Manegiơ – những buổi tập này thường có mặt cả Vasily. Người ta chiếu đèn khắp khu Manegiơ, cạnh đó là chú ngựa trắng. Stalin bước đến, vỗ tay vào yên ngựa, đặt chân vào bàn đạp. Vlaxic bước đến định giúp Stalin lên yên ngựa, nhưng Stalin nói: “Không cần, tôi tự làm”. Sau đó ông nhún mạnh lên, chân phải vắt qua lưng ngựa và ngồi rất mạnh lên yên ngựa. Chú ngựa bất ngờ vì động tác lên ngựa rất mạnh đã vểnh tai và đạp hai chân. Stalin vội ghìm dây cương ép mạnh hai chân vào hông ngựa. Lúc này chú ngựa bắt đầu chệnh choạng ngã, Stalin đã bị văng ra khỏi yên ngựa và rơi vào vòng tay đỡ của Vlaxic và Vasily khi họ chạy đến cố giúp không để Stalin ngã. 

Khi đứng lên được, Stalin lắc vai một cách bực bội, hất tay mọi người ra và nói “Lùi ra đi!”. Máu giận sôi lên, ông quyết định chinh phục con ngựa này, ông tiếp tục leo lên. Stalin tức giận cưỡi lên ngựa và đạp mạnh hai chân vào hai bên mình ngựa. Chú ngựa lồng lên gõ móng trên nền sân và chạy được nửa vòng. Stalin muốn ngồi cho thẳng, nhưng lại thúc mạnh vào hai bên hông ngựa, làm nó đau và nhảy chồm lên, một lần nữa hất Stalin rơi xuống đất. Mọi người chạy đến giúp ông, đỡ ông và lau chùi các vết bẩn. Stalin nắm chặt tay lại nói: “Không, cái này không phải dành cho tôi” – ông khoát tay và quay về phòng. 

Khi công việc chuẩn bị lễ duyệt binh Chiến thắng đã hoàn tất, còn một vấn đề vẫn còn bỏ ngõ : đó là quyết định ai sẽ nhận lễ duyệt binh. Stalin đi quanh phòng, theo thói quen ông lắng nghe ý kiến của mọi người, sau đó ông nói: “Người nhận lễ duyệt binh phải xuất hiện tại Quảng trường Đỏ trên mình ngựa, mà tôi thì đã già rồi, không cưỡi ngựa được”. 

Một số các đồng chí nêu ý kiến: “Tại sao nhất thiết phải cưỡi ngựa, Tổng thống Mỹ cũng là Tổng tư lệnh mà ông ta lại đi trên ô tô để duyệt binh?”. Stalin cười và bảo: 

- Roosevelt – Đó là chuyện khác, ông ta bị tật ở chân, còn tôi thì nhờ trời vẫn khỏe mạnh. Truyền thống của chúng ta là thế này: phải tiến vào Quảng trường Đỏ trên mình ngựa. Tôi nhấn mạnh lại: Đó là truyền thống, trên mình ngựa trắng. 

Sau một lúc im lặng ông nói tiếp: 

- Chúng ta có hai vị nguyên soái kỵ binh, đó là Zhukov và Rôcôxốpxki, hãy để một người làm chỉ huy còn một người nhận lễ duyệt binh. 

Ngày 22 tháng 6 năm 1945, Bộ Tổng tư lệnh đã ra nhật lệnh: “Lễ mừng chiến thắng phát xít Đức trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được ấn định vào ngày 24 tháng 6 năm 1945 tại Moskva trên Quảng trường Đỏ bằng lễ duyệt binh của các đơn vị quân đội và quân khu Moskva – Đó là lễ duyệt binh chiến thắng. Tại lễ duyệt binh sẽ có sự tham dự của các trung đoàn thuộc các phương diện quân, các trung đoàn của Hội đồng quốc phòng, các trung đoàn thuộc hạm đội, các học viên quân sự, các trường sĩ quan và các đơn vị quân khu Moskva. Lễ duyệt binh sẽ được nguyên soái Liên Xô – Zhukov tiếp nhận – Chỉ huy trưởng đội duyệt binh là nguyên soái Liên Xô Rôcôxốpxki…”. Buổi lễ duyệt binh mừng chiến thắng đã diễn ra dưới thời tiết không được đẹp lắm, nhưng khá hào hùng và hoành tráng. 

Ngay sau lễ duyệt binh, Stalin cho mời Budienưi đến phòng mình và nói: 

“Đồng chí có biết tại sao tôi cho gọi đồng chí không ? Tôi cho rằng đồng chí không biết. Hôm nay tôi không muốn làm mất tâm trạng ngày lễ của đồng chí, nhưng tình hình không cho phép tôi kéo lùi giải quyết những vấn đề đã chín muồi, ở đây là nói đến vấn đề giải thể kỵ binh như một binh chủng của Hồng quân”. 

Stalin quan sát thái độ của Budienưi và tiếp tục nói: 

“Vấn đề là sau chiến tranh nông nghiệp rất cần sức kéo. Đất nước bị tàn phá rất nặng nề. Khôi phục nền kinh tế chỉ có thể bằng cách giải nghũ một số binh sĩ đã lớn tuổi, tinh giản đội ngũ kỵ binh. Như vậy, trong thời gian tới nền kinh tế có thể được nhận một phần tư số ngựa của kỵ binh. Còn tinh giản các đơn vị cơ giới sẽ có thể cung cấp cho nền kinh tế quốc dân hàng chục ngàn ô tô, máy móc”. 

Budienưi hiểu rằng đã đến lúc phải chia tay vĩnh viễn với binh chủng kỵ binh. Stalin ra lệnh tập trung tất cả các đơn vị kỵ binh về khu vực Ukraina và Belorussia để tổ chức lại, còn số ngựa thì giao cho chính quyền địa phường. Budienưi trong lòng vẫn ấm ức nghĩ rằng: Trước kia Tukhachevsky (nguyên soái – sau này trở thành kẻ phản quốc và bị xử bắn vào năm 1937) đã có lần đề nghị giải thể kỵ binh, nhưng chính lúc đó Stalin đã ủng hộ Budienưi trong việc bảo vệ binh chủng kỵ binh. Stalin chắc đoán biết được bạn mình nghĩ gì, ông cũng nói rõ luôn: 

“Chúng ta đã nhiều năm bảo vệ kỵ binh. Năm 1934, Tukhachevsky đã đề nghị giải tán kỵ binh để thành lập các binh đoàn cơ giới – Về lý thuyết điều này là đúng, nhưng trên thực tế lúc đó không thực hiện được, vì nền công nghiệp của chúng ta lúc đó chưa đủ để sản xuất xe tăng và xe cơ giới. Nếu chúng ta giải tán kỵ binh thì bộ binh trở thành binh chủng duy nhất và rất đơn độc”. 

Budienưi liền nói: 

- Làm sao chúng ta có thể thiếu kỵ binh ! – Đồng chí chính là người đã sáng lập ra kỵ binh cơ động mà, thưa đồng chí Stalin ? 

Stalin đáp: 

– Đừng quá xúc động, đồng chí Budienưi. Chúng tôi không để đồng chí nghỉ ngơi đâu. Sẽ giao cho đồng chí các công việc quan trọng khác.