Chương XII


Chủ nghĩa tư bản đế quốc Mỹ sau hậu chiến nhanh chóng trở thành một siêu cường thế giới. Giai cấp tư ngân hàng, lũng đoạn tìm mọi cách để “nô dịch” lại chính đồng minh của mình và đặt ách thống trị lên những dân tộc vừa mới được giải phóng. Nhưng chính chiến tranh đã mang lại những lợi nhuận khổng lồ cho nước Mỹ, đồng thời cũng mang lại những khó khăn cho nước Mỹ. Một loạt các quốc gia dân chủ nhân dân vừa được giải phóng khỏi ách phát xít đã rời khỏi hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Thị trường của các nước tư bản bị thiệt hại nghiêm trọng, thiếu nơi tiêu thụ hàng hóa cho giới tư bản đế quốc. Nền kinh tế Mỹ bị kiểm soát bởi 8 tay tài phiệt ở phố U-ôn gây nên những cảnh cùng khổ cho hàng triệu dân Mỹ. Tia hy vọng cuối cùng của nền kinh tế Mỹ là chiến tranh, để có thể giải phóng lượng hàng hóa sản xuất trong thời kỳ chiến tranh. Thủ đoạn được biểu hiện qua các mục tiêu:

a) Đặt kế hoạch thâu tóm tài nguyên các nước tư bản chủ nghĩa thông qua sự lệ thuộc kinh tế vào Mỹ (kế hoạch Mác-san).

b) Đặt các căn cứ quân sự bao quanh “miền đất trái tim” (theo học thuyết vùng rìa của Mackinder) nhằm kiểm soát sự ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, sử dụng các hình thức, thủ đoạn, can thiệp vũ trang vào các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa.

c) Lập khối quân sự, hình thành khối quân sự các nước “vùng rìa” nhằm đối trọng lại “miền đất trái tim” (lục địa Á – Âu) Liên Xô.

d) Dùng ngoại giao, tình báo, mua chuộc các lực lượng đối lập, xây dựng đội quân thứ năm nhằm lật đổ các chính thể không theo Mỹ.

e) Dùng văn hóa tư bản, tuyên truyền nhằm chống phá Liên Xô, các Đảng Cộng sản và các phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tiến bộ.

Sự kiện cho thấy tư duy của giới lãnh đạo các cường quốc tư bản phương Tây ngay sau hậu Thế chiến thứ hai, đó là bài phát biểu của cựu thủ tướng Anh – Sớc-sin tại trường Đại học Oét-min-tơn (Westminster), trong chuyến thăm Mỹ vào năm 1946. Trong bài phát biểu này, Sớc-sin đã công khai đưa ra chiến lược mới của chủ nghĩa tư bản, mà nội dung cốt lõi của nó là chống lại chủ nghĩa cộng sản và sức mạnh của Liên Xô. Đồng chí Sta-lin đã đánh giá và nghiên cứu thận trọng bài phát biểu của Sớc-sin, để đề ra chiến lược đối ngoại của Liên Xô trong tình hình quốc tế mới.

Ưu tiên hàng đầu của Liên Xô ngay sau chiến tranh đó là khôi phục và phát triển đất nước Xô viết đã bị tàn phá nặng nề. Hơn 27 triệu người chết, 1710 thành phố và 70.000 làng mạc bị tàn phá. Chiến tranh đã để lại những nỗi đau nặng nề trên mảnh đất Liên bang Xô viết. Gác lại những khó khăn, gác lại những mất mát đau thương không thể kể xiết, nhân dân Xô viết dưới sự dẫn dắt của đồng chí Sta-lin và Đảng Cộng sản vinh quang đã bắt tay vào công cuộc khôi phục nền kinh tế đất nước một cách thần kỳ.

Tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô khóa II (tháng Ba 1946) đã thông qua về sắc luật về kế hoạch 5 năm khôi phục và phát triển kinh tế quốc dân Liên Xô 1946-1950. Sắc luật này đã quy định những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch là “khôi phục những vùng trong nước đã bị chiến tranh tàn phá, khôi phục mức sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trước chiến tranh và sau đó vượt xa mức ấy”. Đó là hướng phát triển kinh tế của đất nước ngay sau chiến tranh.

Mặc dù kế hoạch 5 năm lần thứ tư đến cuối năm 1950 mới kết thúc, nhưng đến năm 1949 thì đã vượt mức kế hoạch 41%. Trên cơ sở đó, Liên Xô không những khôi phục hoàn toàn nền kinh tế quốc dân bị tàn phá sau chiến tranh, mà còn phát triển thêm bước nữa, là cơ sở, là tiền đề cho công cuộc phát triển kinh tế theo chiều sâu của nền kinh tế quốc dân Liên Xô.

Tháng Mười năm 1952, Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XIX đã được tổ chức trọng thể tại thủ đô Mát-xcơ-va. Tại Đại hội này, đồng chí Sta-lin, lãnh tụ tối cao của nhân dân Liên Xô đã tổng kết lại những chặng đường vẻ vang của công cuộc khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân của mình. Đồng thời, đồng chí còn vạch chặng đường lịch sử mới, đó là kế hoạch 5 lần thứ năm (1951-1955) nhằm đưa đất nước Xô viết tiến gần hơn với chủ nghĩa cộng sản.

Đại hội đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ năm trong dự tính sẽ phát triển nền công nghiệp Liên Xô lên trình độ cao hơn nữa, tạo ra khả năng sản xuất khổng lồ để có thể “nâng cao phúc lợi vật chất, trình độ văn hóa và tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.

Đại hội cũng đánh dấu sự khôi phục những nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Lê-nin, vốn bị ngăn trở do cơ cấu tổ chức Nhà nước trong chiến tranh và thời kỳ khôi phục kinh tế, đồng thời trên cơ sở đó cải tiến mạnh mẽ phương pháp lãnh đạo của Đảng, phát huy cơ chế dân chủ trong Đảng. Cũng tại Đại hội đồng chí Sta-lin đã nêu lên những nguyên tắc lãnh đạo tập thể tối cao của Đảng, đề nghị Đảng mở rộng Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị để nâng cao tính dân chủ tập thể.

Đồng chí Sta-lin còn nhấn mạnh đến việc đào tạo lớp cán bộ trẻ, những người trong tương lai sẽ gánh vác sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Đồng chí Sta-lin nói:

Một điều rất rõ ràng là chúng ta cần đưa vào Ban chấp hành một lực lượng mới. hiều người trong chúng ta đã già và chúng ta phải nghĩ đến việc sẽ trao cho ai lá cờ tư tưởng của chúng ta để tiếp tục tiến về phía trước. Để làm được việc đó, chúng ta cần bổ sung các đồng chí trẻ tuổi, trung thành, các nhà hoạt động chính trị mới. Để đào tạo một nhà hoạt động chính trị, chúng ta cần 10 đến 15 năm. Đào tạo các nhà hoạt động chính trị kiên định về tư tưởng chỉ có thể tiến hành trong thực tế cuộc sống, trong cộc đấu tranh với tư tưởng sai trái.

Chính vì điều đó, đòi hỏi phải đưa vào Ban chấp hành Trung ương lực lượng trẻ, mới và qua đó, Đảng của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh” (1).

Đó là những lời “di huấn chính trị” của đồng chí Sta-lin về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Đảng để đưa Đảng ngày càng tiến lên.

Đồng thời cũng tại Đại hội XIX, đồng chí Sta-lin một lần nữa xin từ chức đối với các vị trí và vai trò của mình trong Đảng và Nhà nước, để có thể dành nhiều thời gian hơn, sự tập trung hơn nữa trong việc tiếp tục nghiên cứu lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản mai sau. Tuy nhiên, lời đề nghị xin từ chức của Sta-lin đã bị các đại biểu từ chối, và Đại hội đã nhất trí thông qua kiến nghị tiếp tục để đồng chí Sta-lin giữ tiếp cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô là dấu mốc mở đầu cho sự chiến thắng của các chiến lược phát triển kinh tế Liên Xô. Kế hoạch 5 năm lần thứ năm đã giành thắng lợi sau đó đã đưa Liên Xô trở thành siêu cường xã hội chủ nghĩa về kinh tế, là thành trì bảo vệ cho các phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng và các phong trào vì hòa bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Tên tuổi của đồng chí Sta-lin, với tư cách là người kế tục sự nghiệp vĩ đại của Lê-nin đã được nhân loại tiến bộ ghi nhớ.

Cũng trong thời kỳ phát triển đất nước sau Chiến tranh, Liên Xô đã tiếp tục gặt hái các thành tựu lớn lao về quân sự. Trong đó, nổi bật nhất là về vũ khí nguyên tử. Các tài liệu tình báo về hoạt động nghiên cứu nguyên tử của các nước phương Tây đã được báo cáo đến Sta-lin vào tháng 11 năm 1942. Nhu cầu bức thiết về việc chế tạo vũ khí nguyên tử nhằm bảo vệ nền hòa bình và an ninh đất nước Xô viết đã được đưa lên hàng đầu. Đồng chí Sta-lin đã giao nhiệm vụ trọng đại này cho đồng chí Be-ria (Beria) (2).

Những nỗ lực không ngừng của tập thể các nhà khoa học Xô viết trong suốt những năm chiến tranh Vệ quốc và thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh đã được đền đáp. Ngày 29 tháng 8 năm 1949, lúc 6 giờ sáng, trên trường bắn thử nghiệm, Liên Xô đã cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình. Thế độc quyền của Mỹ về hạt nhân đã bị thủ tiêu. Việc chế tạo thành công bom nguyên tử không chỉ giúp Liên Xô củng cố nền quốc phòng của mình mà còn mở ra khả năng phục vụ xã hội. Tiềm lực nguyên tử mà gặt hái được đã dùng vào các công việc hòa bình, phát triển năng lượng để phục vụ nhân dân Xô viết.

Trong những năm tháng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc, tư tưởng về “Chiến lược quân sự” của Sta-lin đã được minh chứng rõ ràng. Tư tưởng “Chiến lược quân sự” của Sta-lin sau chiến tranh đã ngày càng được phát triển hơn nữa, mang tính chất quy mô toàn cầu. Tầm nhìn địa chiến lược của Sta-lin trong chính sách đối ngoại sau chiến tranh không chỉ giúp Liên Xô củng cố và phát triển địa vị của mình, đồng thời có thể xây dựng và bảo vệ vững chắc một loạt các nước xã hội chủ nghĩa trãi dài từ châu Âu đến châu Á.

Ngay khi chiến tranh kết thúc, vị thế địa chính trị của Liên Xô đã thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc tế. Một loạt các quốc gia độc lập đã ra đời ở khu vực Đông Âu, nơi mà những người lính Hồng quân đã giải phóng họ khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa phát xít Đức, lần lượt gia nhập vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa như: Đông Đức, Bungari, Hungari, Ba Lan, Rumani, Anbani, Tiệp Khắc, Nam Tư.

Đồng thời ở phía Đông cũng đã xuất hiện các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản. Sự thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nội chiến Quốc – Cộng lần hai đã dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành – nhân dân Triều Tiên đã đứng lên đấu tranh để giải phóng dân tộc mình thoát khỏi ách xâm lược của bọn phát xít Nhật, đồng thời đấu tranh kiên cường chống ách chiếm đóng của quân đội Mỹ tại miền Nam bán đảo Triều Tiên; ở khu vực Đông Dương, phong trào cộng sản đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáng những đòn đau đớn cho bè lũ quân xâm lược Pháp và tay sai của chúng trên khắp chiến trường Bắc bộ.

Mục tiêu “Chiến lược quân sự” của Sta-lin khi thiết lập một mặt trận các nước đồng minh của phong trào cánh tả xung quanh Liên Xô và trên phạm vi thế giới không chỉ để bảo vệ nền hòa bình thế giới một cách lâu dài, mà chủ yếu là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dân tộc có thể xây dựng và phát nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của chính mình .

Đồng chí Sta-lin luôn nhấn mạnh rằng, sự chiến thắng của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản không phải ở chỗ là chiến thắng bằng sức mạnh quân sự, mà chiến thắng bằng kinh tế và khoa học. Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế quốc dân của các nước xã hội chủ nghĩa sẽ là cơ sở quyết định đến thắng lợi lâu dài của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều đấy không có nghĩa là hệ thống xã hội chủ nghĩa chỉ lo phát triển kinh tế mà làm ngơ bỏ mặc các phong trào tiến bộ trên thế giới. Ngược lại, không những tập trung phát triển kinh tế, các nước xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc, vì điều ấy cũng là chiến lược nhằm làm suy yếu sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc, vốn dĩ trong hàng trăm năm nay là nhờ vào bóc lột thuộc địa.

Dưới sự giúp đỡ của Liên Xô, cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên và nhân dân Việt Nam anh hùng để giải phóng dân tộc càng được tiếp thêm sức mạnh. Quân đội nhân dân Triều Tiên và Chí nguyện quân Trung Quốc đã kề vai sát cánh bên nhau đẩy lùi các đợt tấn công của lực lượng quân sự Mỹ, đẩy lùi Mỹ và bè lũ tay sai trở lại vĩ tuyến 38 trong chiến tranh Triều Tiên, tiêu diệt hàng vạn xe tăng và máy bay của chúng. Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã lập nên nhiều chiến thắng oanh liệt đánh bại lực lượng quân sự hùng hậu và hiện đại của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, làm nên chiến công Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, chấn động địa cầu. Thắng lợi đó của nhân dân Việt Nam đánh dấu bước mở đầu cho việc sụp đổ chế độ thực dân sau 400 năm tồn tại. Điều ấy đã minh chứng cho sự suy yếu của chủ nghĩa đế quốc phương Tây đúng như lời đồng chí Sta-lin đã nói.

Càng gần cuối đời, đồng chí Sta-lin càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề viết một cuốn sách giáo khoa về kinh tế chính trị. Đồng chí để dành rất nhiều thời giờ để nghiên cứu và hoạch định những nội dung cho sự ra đời cuốn sách giáo khoa đó. Từ năm 1950, Sta-lin đã dành nhiều thời gian thường xuyên đàm thoại cùng các nhà khoa học, tiến hành các buổi thảo luận, đưa ra nhiều gợi ý cho tập thể các tác giả biên soạn cuốn sách. Công trình cơ sở để biên soạn nên cuốn sách giáo khoa đó, trước tiên phải kể đến tác phẩm hết sức nổi tiếng của đồng chí Sta-lin “Những vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô” được in vào năm 1952, cuốn sách lịch sử này đã giải quyết một số vấn đề chính như: Quy luật kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa; Sự sản xuất hàng hóa trong chế độ xã hội chủ nghĩa; Quy luật giá trị trong chế độ xã hội chủ nghĩa; Cách nâng cao tài sản của nông trường tập thể lên thành tài sản chung của toàn dân; Quy luật kinh tế căn bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại và quy luật kinh tế căn bản của chủ nghĩa xã hội; Ba điều kiện cốt yếu để chuyển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản; Sự xóa bỏ những phân biệt chính giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí thức và lao động chân tay; Hai thị trường thế giới và cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.

Việc biên soạn cuốn sách giáo khoa kinh tế chính trị đó đã được Sta-lin giao cho đồng chí She-pi-lốp (Shepilov) (3), nhóm nghiên cứu của ông dựa trên những sự tư tưởng cốt lõi của Sta-lin để biên soạn cuốn sách giáo khoa kinh tế chính trị mới. Nhưng Sta-lin đã không kịp nhìn thấy thành quả này, mãi đến năm 1954 thì cuốn sách giáo khoa này mới được hoàn thành, cuốn sách này được in hàng triệu bản công bố rộng rãi trong các nước xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách đã biến thành vũ khí tư tưởng có thể trang bị cho hàng triệu chiến sĩ cộng sản trên thế giới, là cẩm nang giúp các quốc gia tiến hành thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình. Tuy nhiên, việc làm lệch lạc học thuyết kinh tế chính trị của Sta-lin sau cuộc cải cách kinh tế 1957 đã dẫn đến Liên Xô phải đối mặt nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế.

Những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã tiêu hao rất nhiều sinh lực và thần kinh của Sta-lin. Theo năm tháng, sức khỏe và tuổi già ngày càng tác động mạnh đến Người. Khả năng làm việc của đồng chí bị giảm sút từ năm 1950. Theo ghi chép của tổ thư ký của đồng chí Sta-lin thì vào năm 1947 thì Người có 136 ngày làm việc ở văn phòng mình tại điện Krem-li; năm 1948 là 122 ngày; năm 1949 là 113 ngày; năm 1950 là 73 ngày; từ năm 1951 thì số ngày làm việc của Sta-lin càng giảm. Năm 1951 những ngày làm việc của Sta-lin là như sau: vào tháng một là mười ngày; tháng hai là sáu ngày; tháng ba là bảy ngày; tháng tư là tám ngày; tháng năm là năm ngày; tháng sáu là ba ngày. Còn từ tháng Mười năm 1951 đến ngày 11 tháng 2 năm 1952 là nghỉ phép gần nửa năm (4). Điều này tất nhiên không có nghĩa là Sta-lin hoàn toàn rút khỏi công tác chính trị hoặc không làm việc, mà ông ít đến văn phòng của mình hơn, nhưng tiếp tục điều hành từ biệt thự riêng ở Cun-se-vô (Kunsevo) và Sô-chi (Sochi).

Cuộc sống con người là hữu hạn, ai già rồi cũng sẽ yếu. Khuya ngày 1 tháng Ba 1953, đồng chí Sta-lin đột ngột ngã bệnh. Bệnh tình của đồng chí Sta-lin ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đại giáo chủ toàn Mát-xcơ-va và toàn Nga, cha Alexie đã gửi bức điện hỏi thăm sức khỏe Sta-lin khi hay tin ông ngã bệnh:

Thông báo của chính phủ về cơn bệnh bất ngờ của Sta-lin đã làm mọi công dân Xô viết lo lắng sâu sắc. Trách nhiệm của chúng ta, của tất cả giáo dân, trước hết phải cầu mong Chúa trời đem lại sức khỏe cho con người yêu quý của chúng ta – Tôi đề nghị tất cả các nhà thờ của các giáo khu hãy cầu chúc sức khỏe cho ngài Sta-lin. Nhà thờ không bao giờ quên những công lao, đóng góp to lớn của chính phủ và bản thân ngài Sta-lin đối với nhà thờ của chúng ta, chính điều đó đã đem lại thuận lợi và vinh quang cho nhà thờ Chính giáo Nga – Hãy cầu nguyện chân thành nhất để giảm bớt gánh nặng của thử thách nặng nề của nhân dân khi phải chứng kiến cơn bệnh của con người yêu quý của chính ta, lãnh tụ và người kiến tạo xuất sắc các quyền lợi của nhân dân” (5).

Vào hồi 21 giờ 50 phút đêm ngày 5 tháng Ba 1953, trái tim vĩ đại của lãnh tụ Xô viết – Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô – đồng chí Iosif Sta-lin, đã ngừng đập.

Ghi chú

(1) Vladimir Karpov, Đại Nguyên soái Stalin, Nxb Công an nhân dân, 2004, tr.653.

(2) Beria: Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô, người đứng đầu cơ quan an ninh Liên Xô, có tham vọng rất lớn, người đứng đầu đảo chính chính trị ngay sau khi Stalin qua đời vào lúc 6/3/1953. Sau đó ông bị đảo chính chính trị tháng 7/1953 bởi Bộ Chính trị dẫn đầu là Khrushchev, bị bắt giữ và bị tử hình.

(3) Vladimir Karpov, Đại Nguyên soái Stalin, Nxb Công an nhân dân, 2004, tr.653.

(4) Vladimir Karpov, Đại Nguyên soái Stalin, Nxb Công an nhân dân, 2004, tr.626.

(5) Vladimir Karpov, Đại Nguyên soái Stalin, Nxb Công an nhân dân, 2004, tr.639