Chương X

 

Nhờ đường lối chung của Đảng thành công, nền công nghiệp và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Kế hoạch 5 năm lần hai hướng về công nghiệp, đã hoàn thành vào tháng Tư 1937, trước thời hạn, - trong bố năm và ba tháng. Việc cải tạo công nghiệp và nông nghiệp hoàn thành đã đạt kết quả là làm cho nền kinh tế quốc dân có một nền kỹ thuật tiên tiến. Công nghiệp đã cung cấp một số lượng lớn máy móc, và các công cụ sản xuất khác. Nông nghiệp đã nhận được nhiều máy kéo tối tân, máy gặt đập và nhiều máy cày lớn khác do các xưởng, nhà máy Xô viết chế tạo. Vận tải được nhận những ô-tô, đầu xe lửa, tàu thủy, máy bay. Hồng quân nhận được các trang thiết bị hiện đại: đại pháo, xe tăng, máy bay, tàu chiến.

Trong hầu hết những công tác vĩ đại để cải tạo nền kỹ thuật cho kinh tế Liên Xô đều có dấu vết của đồng chí Sta-lin. Đồng chí chỉ huy trực tiếp và giám sát chặt chẽ công cuộc cải tạo ấy. Đích thân, Sta-lin đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các quá trình cải tạo về kỹ thuật, nông nghiệp và nông nghiệp; đồng chí động viên cho các công nhân và kỹ sư, các giám đốc xí nghiệp, cá nhà phát minh và chế tạo. Đồng chí cũng dành sự quan tâm không nhỏ đến việc trang bị kỹ thuật cho Hồng quân, cho Không quân và Hải quân. Quân đội đã được trang bị hiện đại và trở thành lực lượng khiến kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phải lo ngại.

Một trong những vấn đề quan trọng trên lĩnh vực kiến thiết xã hội chủ nghĩa, những vấn đề mà Đảng đã phải ra sức giải quyết – đó là về vấn đề đào tạo cán bộ cho xã hội Xô viết, đào tạo những trí thức cho nhân dân Xô viết và, trước hết là cho giai cấp công nhân. Căn cứ vào những lời di huấn của Lê-nin, đồng chí nói rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là điều kiện chính yếu để đẩy một đà mãnh liệt cho văn hóa trí thức của quần chúng nhân dân phát triển, đồng chí Sta-lin đã coi vấn đề lực lượng văn hóa của giai cấp công nhân là một trong những vấn đề quyết định trong cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Sta-lin nói:

Nội trong tất cả các giai cấp lãnh đạo từ xưa đến nay trong lịch sử, giai cấp công nhân, đứng về mặt giai cấp thống trị mà nói, đã có một hoàn cảnh hơi đặc biệt và không thuận lợi chút nào cả. Tất cả những giai cấp thống trị từ trước đến nay – chủ nô, địa chủ, tư bản, - đều là những giai cấp phú hữu (sỡ hữu giàu có). Những giai cấp ấy có thể dạy cho con cái họ khoa học và tập quán thống trị. Giai cấp công nhân khác những giai cấp này ở chỗ họ không phải là một giai cấp phú hữu có khả năng dạy cho con cái mình khoa học và tập quán thống trị, và chỉ hiện nay, sau khi đã nắm được chính quyền họ mới có khả năng ấy. Vấn đề cách mạng văn hóa ở nước ta gay go chính là ở chỗ đó” (1).

Trong khi Liên Xô đã có đầy đủ một nền kỹ thuật mới, đã thấy cần phải có gấp những người lao động có nghiệp vụ chuyên môn, có khả năng tận dụng để mở mang Tổ quốc thì vấn đề đạo tạo cán bộ lao động riêng cho đất nước đã chiếm một địa vị đặc biệt quan trọng.

Kỹ thuật mới mẻ và lớn mạnh đòi hỏi phải có những nhân tài đủ khả năng để nắm vững kỹ thuật, để lợi dụng tất cả những gì kỹ thật có thể cung cấp được. Phải định hướng tất cả ý thức của cán bộ vào việc học tập kỹ thuật mới, vào việc xúc tiến mạnh mẽ công tác để đào tạo cho được nhiều cán bộ đủ năng lực vận dụng kỹ thuật ấy với hiệu quả cao nhất. Về mặt ấy, bài diễn văn của đồng chí Sta-lin đọc trước khóa học sinh tốt nghiệp Hồng quân Học viện, tháng Năm 1935, đã mang ý nghĩa sâu sắc.

Đồng chí Sta-lin nói: “Muốn làm cho kỹ thuật vận hành, và lợi dụng nó một cách triệt để, phải có những nhân tài làm chủ được kỹ thuật ấy, phải có những cán bộ đủ khả năng học tập tinh thông và vận dụng được kỹ thuật ấy, một cách chuyên nghiệp. Kỹ thuật mà không có người tinh thông để vận dụng, là kỹ thuật chết. Kỹ thuật mà có người tinh thông lãnh đạo, thì có thể và phải lập được những kỳ công. Nếu trong những nhà máy và công xưởng tiên tiến của chúng ta, trong những nông trường quốc doanh và nông trường tập thể, trong công tác vận tải, trong Hồng quân mà có đầy đủ cán bộ có khả năng làm chủ kỹ thuật ấy, thì nước ta sẽ đạt được năng suất gấp ba, bốn lần ngày nay… Sau hết, cần phải hiểu rằng nội trong tất cả các vốn quý giá trên thế giới, vốn quý giá nhất và quyết định hơn hết, ấy là con người, là cán bộ. Phải hiểu rằng, ở ta, trong những điều kiện hiện tại “cán bộ quyết định tất cả”. Nếu chúng ta có được những cán bộ giỏi và nhiều, trong công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, quân đội, nước ta sẽ vô địch. Nếu chúng ta không có được những cán bộ ấy, chúng ta sẽ què cả hai chân” (2).

Những lời ấy của đồng chí Sta-lin đã góp phần mãnh liệt vào việc giải quyết một trong những vấn đề trọng đại nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: về cán bộ. Chỉ thị ấy của lãnh tụ Đảng có sức mạnh lớn lao, không phải vì chỉ thị ấy đã hướng đã hướng được chú ý của tất cả các tổ chức của Đảng và các cơ quan Xô viết vào vấn đề cán bộ. Sức mạnh của chỉ thị ấy là ở chỗ nó đã dội một tiếng vang trong quần chúng, nó đã thúc đẩy tạo một nguồn động lực hăng hái mới cho công tác.

Do sáng kiến của những người công nhân tiên tiến, phong trào Sta-kha-nô-vít (Stakhanov) (3) ra đời. Bắt nguồn từ khu mỏ Đô-net-dờ, trong công nghiệp than đá, phong trào ấy lan tỏa đến tất cả các ngành kinh tế quốc dân. Hàng vạn người, hàng trăm anh hùng lao động đã nêu những tấm gương sáng cho việc nắm vững kỹ thuật và tăng năng suất lao động xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp, vận tải, nông nghiệp.

Đồng chí Sta-lin đã trình bày trước Đảng và toàn quốc ý nghĩa lịch sử vĩ đại của phong trào mới ấy. Tháng Mười Một 1935, đọc báo cáo trước Hội nghị đầu tiên của những người Sta-kha-nô-vit Liên Xô, Sta-lin đã nói rằng phong trào là một “biểu hiện một đà mới trong cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa, một giai đoạn mới, cao độ, của cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa… Ý nghĩa quan trọng của phong trào Sta-kha-nô-vit là ở chỗ nó đã đánh đổ những mức kỹ thuật cũ, coi như không thích hợp nữa, nó đã nhiều lần vượt xa năng suất lao động ở các nước tư bản tiên tiến, và do đó, đã mở những khả năng thực tiễn để củng cố chủ nghĩa xã hội hơn nữa trong xứ ta, những khả năng để làm cho nước ta trở thành nước phát triển bậc nhất” (4).

Đồng chí Sta-lin đã chứng minh rằng phong trào ấy đang mở đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, phong trào ấy chứa sẵn mầm mống của một đà tiến, về văn hóa và kỹ thuật, của giai cấp công nhân, - đà ấy sẽ dẫn đến chỗ thủ tiêu tình trạng đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

Nói đến tiền đề của phong trào Sta-kha-nô-vit, đồng chí Sta-lin đã chỉ rõ cái gì đã làm nên sức mạnh vô biên của cuộc cách mạng của chúng ta:

Cuộc cách mạng của chúng ta là cuộc cách mạng duy nhất, không những đã bẻ gẫy xiềng xích của chủ nghĩa tư bản và đem lại tự do cho nhân dân, mà hơn nữa, nó còn có thể đem lại cho họ điều kiện vật chất để tạo một đời sống đầy đủ. Đó là điều đã làm cho cuộc cách mạng của chúng ta mạnh, đã làm cho nó vô địch” (5).

Sta-lin đã đích thân lãnh đạo công tác của Hội nghị Sta-kha-nô-vit toàn Liên Xô, cũng như các hội nghị khác của người lao động tiên tiến trong công nghiệp, vận tải và nông nghiệp, họp tại điện Crem-li. Cùng với những chiến sĩ Sta-kha-nô-vit trong công nghiệp và vận tải, cùng với những người lái máy gặt đập, máy kéo, cùng với những chị nông dân vắt sữa bò, những nữ anh hùng trên “mặt trận” củ cải, đồng chí Sta-lin nghiên cứu sâu sắc những vấn đề kỹ thuật và sản xuất trong tất cả các ngành của nền công nghiệp quốc dân.

Ở điện Crem-li, cùng với các ủy viên Trung ương và Chính phủ, Sta-lin đã tiếp nhiều phái đoàn của những nước Cộng hòa anh em. Đó là biểu hiện của tình hữu nghị giữa các dân tộc Xô viết, có được điều đó là nhờ con đường của Lê-nin về vấn đề dân tộc. Với những công nhân và hội viên nông trường tập thể tiên tiến, đồng chí Sta-lin và những người bạn chiến đấu của ông đã đề ra những nghị quyết quan trọng về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lê-nin dạy rằng chỉ những lãnh tụ nào, không những biết giáo dục công nhân và nông dân, mà còn biết học hỏi họ nữa, thì mới có thể trở thành những lãnh tụ Bôn-sê-vích chân chính” - Đó là lời đồng chí Sta-lin nói trong khi diễn thuyết tại Hội nghị Sta-kha-nô-vit.

Công cuộc cải tạo toàn thể nền kinh tế quốc dân theo đường lối xã hội chủ nghĩa đã triệt để thay đổi mối tương quan giữa các giai cấp trong nước. Tình hình ấy khiến bản Hiến pháp thông qua từ năm 1924, cần phải được sửa đổi lại. Đồng chí Sta-lin đã trình bày sự cần thiết phải thay đổi đó, Trung ương Đảng đã thông qua và đề nghị Đại hội VII các Xô viết toàn Liên Xô sửa đổi lại Hiến pháp.

Một ủy ban đặc biệt do đồng chí Sta-lin làm chủ tịch đã thảo ra đề án Hiến pháp mới. Trong năm tháng rưỡi, đề án đã được trình bày cho nhân dân xem xét và thảo luận. Không một hang cùng ngõ hẻm nào trong đất nước, mà người lao động lại không nghiên cứu và thảo luận bản tài liệu vô cùng quan trọng ấy. Toàn thể nhân dân Xô viết vui mừng và hãnh diện, chào đón và tán đồng bản dự án Hiến pháp.

Trong bản báo cáo trước Đại hội VIII, Đại hội bất thường các Xô viết toàn Liên Xô vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1936, đồng chí Sta-lin phân tích cặn kẽ về bản dự án Hiến pháp và chỉ rõ những thay đổi lớn lao đã xảy ra trong đất nước Xô viết kể từ bản Hiến pháp 1924 được thông qua. Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đã cho phép Liên Xô tiếp tục dân chủ hóa chế độ tuyển cử, ban hành đầu phiếu phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bí mật.

Tất cả những thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đều được thừa nhận trong bản Hiến pháp mới của Liên Xô. Theo Hiến pháp ấy, xã hội Xô viết gồm hai giai cấp là công nhân và nông dân. Cơ sở chính trị của Liên Xô chính là những Xô viết đại biểu lao động. Quyền công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất là cơ sở kinh tế của Liên Xô. Tất cả những công dân Liên Xô đều được bảo đảm quyền có công ăn việc làm, quyền nghỉ ngơi, quyền được học hành và quyền được bảo hiểm về vật chất khi về già, cũng như là trường hợp bệnh hoạn, không còn khả năng làm việc. Các quyền công dân, ai cũng được hưởng ngang nhau, không phân biệt dân tộc, chủng tộc hay nam nữ. Để củng cố xã hội xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp còn đảm bảo quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tự do hội họp và mít-tinh, quyền tổ chức thành những đoàn thể xã hội, quyền bất khả xâm phạm về cá nhân, bất khả xâm phạm về nhà cửa và bất khả xâm phạm về bí mật thư tín, quyền cư trú cho những công dân ngoại quốc bị ngược đãi vì bênh vực quyền lợi của lao động, vì hoạt động khoa học hoặc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những quyền tự do ấy của người lao động, chưa hề có trong lịch sử, đều được bảo đảm về mặt vật chất và kinh tế, bằng toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa – là hệ thống không hề có sản xuất vô chính phủ, không có nạn thất nghiệp. Bản Hiến pháp của Liên Xô, đồng thời cũng buộc những công dân phải làm theo những nhiệm vụ nghiêm chỉnh là: tuân theo luật lệ, tuân theo kỷ luật lao động, làm tròn bổn phận xã hội, tôn trọng kỷ cương phép tắt cư xử trong xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và củng cố chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Điều mà, hàng bao thế kỷ nay, những nhà ưu tú nhất, tiên tiến nhất của nhân loại mơ ước, điều ấy, Hiến pháp Liên Xô – Hiến pháp của chủ nghĩa xã hội toàn thắng và của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã đạt được.

Bản Hiến pháp ấy đã được Đại hội VIII các Xô viết toàn Liên Xô chấp nhận và thông qua, ngày 5 tháng Mười hai 1936. Các dân tộc Liên Xô đồng thanh gọi Hiến pháp mới của Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, là Hiến pháp “Sta-lin”, để nêu lên công trạng của người sáng lập ra Hiến pháp. Đối với các công dân Xô viết, đó là tổng kết một chương dài lịch sử các cuộc chiến đấu và chiến thắng; đối với công nhân các nước tư bản, đó là một cương lĩnh vĩ đại cho cuộc đấu tranh. Hiến pháp ấy đã ghi lại dấu ấn trọng đại này đối với lịch sử là: Liên Xô đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, bước một bước nữa trên con đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Hiến pháp ấy cung cấp cho lao động toàn thế giới một vũ khí tinh thần và chính trị để đấu tranh chống bọn phản động tư sản. Hiến pháp ấy chứng tỏ: điều đã thực hiện được ở Liên Xô thì cũng có thể thực hiện được trên các nước khác.

Khi định nghĩa tầm quan trọng quốc tế của Hiến pháp 1936, Sta-lin nói:

Lúc này đây, chủ nghĩa phát xít đang phun ra bao nhiêu là ô uế vào phong trào xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và bôi nhọ những ý muốn thiết tha dân chủ của những người ưu tú nhất trong thế giới văn minh, bản Hiến pháp mới của Liên Xô sẽ là một bản án kết tội chủ nghĩa phát xít, bản án chứng thực rằng chủ nghĩa xã hội và chế độ dân chủ là vô địch. Hiến pháp mới của Liên Xô sẽ là một sự giúp đỡ về tinh thần và một trợ lực hiệu nghiệm cho tất cả những người hiện nay đang đương đầu chiến đấu chống bọn dã man phát xít” (6).

Những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà Đảng đạt được đã làm cho bọn thù địch điên cuồng. Năm 1937, đã phát hiện hành loạt các âm mưu bạo loạn lật âm mưu lật đổ chính quyền Xô viết của những phần tử Tờ-rốt-kít – Bu-kha-rin, các tổ chức gián điệp, phá hoại, âm mưu khủng bố, ám sát. Những vụ án xử công khai chúng cho thấy một sự thật khủng khiếp rằng ngay từ những ngày đầu Cuộc cách mạng xã hội tháng Mười, chúng đã âm mưu chống Lê-nin, chống Nhà nước Xô viết non trẻ. Chúng mưu toan phá hoại công cuộc quốc phòng để cho sự can thiệp của các nước đế quốc từ bên ngoài được dễ dàng. Đảng và Chính quyền Xô viết đã phá tan những âm mưu khủng khiếp của bọn phản bội. Trong báo cáo đọc trước Hội nghị toàn ban Trung ương họp tháng Ba 1937, về những “Khuyết điểm trong công tác của Đảng”, Sta-lin đã đề ra một chương trình nhằm củng cố các cơ quan của Đảng và Xô viết, một chương trình gồm những biện pháp phải dùng để tăng thêm cảnh giác chính trị, đồng thời, đưa ra khẩu hiệu: “Học tập chủ nghĩa Bôn-sê-vích”. Sta-lin đã vũ trang cho Đảng để đấu tranh chống những kẻ thù của nhân dân.

Tòa án Xô viết đã điều tra về những tội ác của chúng và kết án tử hình đối với bè lũ Tờ-rốt-kít và Bu-kha-rin. Bản án lịch sử dành cho chúng đã được thi hành và toàn thể nhân dân Xô viết tán thành điều đó, những phiên họp xử công khai đã được tiến hành.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và đồng chí Sta-lin, Đảng bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử. Bản Hiến pháp mới đã ghi một hướng chuyển mới trong sinh hoạt chính trị của đất nước, tiến lên con đường dân chủ hỏa. Chể độ tuyển cử mới đề cao hoạt động chính trị của quần chúng, đề cao việc kiểm soát của quần chúng đối với những cơ quan chính quyền Xô viết, tăng thêm trách nhiệm của những cơ quan ấy đối với dân chúng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và đồng chí Sta-lin, Đảng đã cải tổ những hình thức công tác của mình cho hợp với nhiệm vụ mới bằng cách phát triển nguyên tắc: dân chủ trong nội bộ Đảng, củng cố nguyên tắc tập dân chủ tập trung, đề cao phê bình và tự phê bình, tăng thêm của những cơ quan Đảng đối với quần chúng đảng viên. Trong cuộc vận động tuyển cử, Đảng đặt lên hàng đầu ý kiến mà đồng chí Sta-lin đã đề xuất, đó là lập nên một khối những người cộng sản và phi đảng.

Ngày 11 tháng Mười hai 1937, trước ngày tuyển cử thì đồng chí Sta-lin đã diễn thuyết tại Mát-xcơ-va. Đồng chí Sta-lin vạch rõ chỗ khác nhau chủ yếu giữa những cuộc tuyển cử ở Liên Xô, - tuyển cử trong sự tự do, và dân chủ - và những cuộc tuyển cử ở các nước tư bản, trong đó những giai cấp bóc lột vẫn còn đè nặng trên đầu nhân dân. Còn ở Liên Xô những giai cấp bóc lột đã bị thủ tiêu, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực và chính nó là nền tảng cơ sở cho cuộc tuyển cử ấy. Sta-lin còn chỉ rõ những người được nhân dân bầu cử, những đại biểu Xô viết Tối cao phải như thế nào. Nhân dân phải đòi hỏi những đại biểu ấy trở thành những nhà chính trị theo kiểu Lê-nin, cũng sáng suốt, cương quyết, dũng cảm trong chiến đấu, kiên định trong hành động, quyết liệt đối với kẻ thù của nhân dân, thận trọng và không hấp tấp khi phải giải quyết những vấn đề chính trị phức tạp, phải đúng hướng, phải chân thành và ân cần đối với nhân dân, phải học tập tấm gương của lãnh tụ Lê-nin.

Cả nước đã nghe bài phát biểu đó của Sta-lin, những lời đồng chí nói đã đi sâu vào tâm trí những người lao động. Bài diễn văn đó đã trở thành phương hướng dẫn dắt các bước đường hoạt động của các đại biểu nhân dân; cổ vũ nhân dân, làm cho khối những người cộng sản và phi đảng ngày càng được củng cố.

Ngày 12 tháng Mười hai, cuộc tuyển cử đại biểu Xô viết Tối cao được tiến hành, đó là một ngày lễ lớn, một thắng lợi của nhân dân Xô viết. Trong số 94 triệu cử tri, hơn 91 triệu (96,8%) đã tham gia tuyển cử; 90 triệu người đã xác nhận, bằng lá phiếu của mình, nhất trí tán thành khối cộng sản và phi đảng, xác nhận sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Đó thực sự là một thắng lợi trọng đại của liên minh nhân dân, giữa những người cộng sản và phi đảng, đó là một thành công trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô.

Sự thống nhất về chính trị và tinh thần của nhân dân Xô viết, đó là điều minh chứng cho sự lựa chọn của nhân dân. Sta-lin là người đầu tiên trúng cử, người đại biểu đầu tiên của Xô viết Tối cao Liên Xô.

Sự hăng hái hoạt động của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đặt ra một thực tế là vấn đề rèn luyện tư tưởng và chính trị cho các cấp cán bộ Liên Xô ngày càng trở nên cấp bách. Nhiều lần đồng chí Sta-lin đã đề ra cho các cấp cán bộ những vấn đề mà phải học tập chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Đồng chí chỉ rõ chúng ta có đầy đủ phương tiện và khả năng để rèn dũa tư tưởng, huấn luyện chính trị cho cán bộ; tất cả các vấn đề thực tiễn của chúng ta giải quyết được hay không là tùy thuộc vào vấn đề công tác cán bộ, chiếm đến chín phần mười.

Năm 1938, xuất bản cuốn Lịch sử giản yếu Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, do tiểu ban của Trung ương Đảng Cộng sản (b) Liên Xô biên soạn và đồng chí Sta-lin tham gia chỉnh lý. Cuốn sách ấy ra đời là một bước ngoặt trong sinh hoạt tư tưởng của Đảng Bôn-sê-vích. Đảng nhận được một vũ khí tư tưởng sắc bén của chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Tác phẩm đã trình bày tổng hợp được những kinh nghiệm lịch sử hoạt động của Đảng cộng sản, những kinh nghiệm mà trước đó chưa một chính Đảng nào có được. Lịch sử giản yếu Đảng Cộng sản (B) Liên Xô đã trình bày chủ nghĩa Mác đang phát triển trong điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp của vô sản, chủ nghĩa Mác trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác trong thời kỳ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, trên một phần sáu địa cầu. Trong thời gian ngắn, cuốn sách ấy đã được phát hành với con số khổng lồ và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Gi-đa-nốp nói ở Đại hội XVIII của Đảng rằng: “Phải nói thẳng ra từ khi có chủ nghĩa Mác đến nay, đây là cuốn sách mác-xít đầu tiên được phát hành nhiều đến thế”.

Trong cuốn Lịch sử giản yếu, bộ phận nhan đề “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”, đã trình bày một cách chính xác những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong đó, đồng chí Sta-lin đã tổng hợp những điều mà Mác, Ăng-ghen và Lê-nin đã đem vào học thuyết phương pháp biện chứng và lý luận duy vật, đồng thời phát triển, sâu xa hơn nữa, học thuyết chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, bằng cách dựa trên những thành quả mới nhất của khoa học và trên hành động thực tiễn của cách mạng.

Đồng chí Sta-lin đã phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng sản, quan điểm của Đảng theo tư tưởng Mác - Lê-nin để vũ trang về mặt tư tưởng cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giành quyền chuyên chính vô sản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm ấy chứng minh rõ ràng mối liên quan mật thiết giữa triết học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và hoạt động cách mạng thực tiễn của Đảng Bôn-sê-vích. Để tránh sự đi chệch đường lối chính trị, Sta-lin đã dạy phải căn cứ vào những nguyên tắc và phương pháp biện chứng mác-xít, phải biết quy luật phát triển của lịch sử.

Tháng Ba 1939, Sta-lin đã lãnh đạo công tác của Đại hội XVIII của Đảng. Đây là Đại hội biểu thị cho sự đoàn kết và thống nhất chưa từng có trong Đảng, là sự tập hợp toàn Đảng chung quanh Trung ương theo con đường của Lênin – Sta-lin.

Trong bản báo cáo về hoạt động, Sta-lin đã phân tích sâu sắc địa vị quốc tế của Liên Xô và tố cáo kê hoạch của bọn âm mưu gây chiến hòng can thiệp, chống lại Liên Xô.

Từ ngày họp Đại hội XVII của Đảng họp, đã năm năm trôi qua. Đối với các nước tư bản, đó là thời kỳ chấn động nghiêm trọng, kể cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1932, và từ nửa cuối năm 1937 thì lại tiếp tục cuộc khủng hoảng kinh tế mới, lan tràn đến Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước tư bản khác. Tình hình quốc tế trở niên nghiêm trọng đến cùng cực; hệ thống các hòa ước sau chiến tranh bị sụp đổ. Một cuộc chiến tranh mới, chiến tranh thế giới thứ hai, đã bắt đầu.

Cuộc chiến tranh ấy do hai đế quốc xâm lược chính là Đức và Nhật gây ra. Đồng chí Sta-lin nói rằng cuộc chiến tranh ấy đã lôi cuốn vào vòng khói lửa hơn năm trăm triệu người, lan tràn trên một vùng rộng lớn từ Thiên tân, Thượng Hải và Quảng Đông xuyên qua Ê-thi-ô-pi (Ethiopia) đến tận Gi-bran-ta (Gibraltar). Cuộc chiến tranh đụng chạm lần lần đến quyền lợi của các đế quốc khác, mà trước hết là Anh, Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ các nước này vẫn không tích cực chống bọn phát xít. Họ đã cự tuyệt chính sách an ninh tập thể và dùng một chính sách “trung lập” bất can thiệp. Dùng chính sách bất can thiệp, tức là dung túng bọn xâm lược, dung túng bọn gây chiến. Người ta đẻ ra cái gọi là “Hiệp ước Mu-ních” – bọn Sam-béc-lanh và Đa-la-đi-ê, toan tính hướng cuộc xâm lược của phát xít Đức về phía Đông, tức là chống Liên bang Xô viết.

Đồng chí Sta-lin đã tố cáo những âm mưu của bọn gây chiến chống Liên Xô, bọn chúng tuyên bố rằng việc nhượng bộ bọn xâm lược ở Mu-ních và hiệp ước Mu-ních về sự bất can thiệp đã mở đầu cho một thời kỳ bất ổn mới. Đồng chí Sta-lin cảnh báo trước rằng: “cái lối chơi chính trị lớn và nguy hiểm ấy, mà bọn chủ trương chính sách bất can thiệp đã bắt đầu, rất có thể kết thúc bằng những thất bại nghiêm trọng cho chúng” (7).

Đồng chí Sta-lin đã phân tích rõ, vạch ra cho Đảng và nhân dân Xô viết thấy tất cả sự nghiêm trọng và nguy hiểm của tình hình quốc tế lúc đó, đồng chí đã đề ra những nguyên tắc cho chính sách đối ngoại của Liên Xô. Đồng chí nói:

Những nhiệm vụ của Đảng trong chính sách đối ngoại là:

1. – Tiếp tục chính sách hòa bình và củng cố các mối liên hệ thương mại với tất cả các nước;

2.- Phải khôn khéo và đừng để cho bọn khiêu khích chiến tranh lôi kéo nước ta vào vòng xung đột;

3. – Tăng cường, bằng đủ mọi phương tiện, lực lượng chiến đấu của Hồng quân và Hồng hải quân;

4.- Củng cố mối liên hệ hữu nghị quốc tế với công nhân toàn thế giới đang thiết tha duy trì hòa bình, và củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc” (8).

Sau khi đã nêu lên những thành công và thắng lợi của chủ xã hội, những tiến bộ của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, mức sống được nâng cao về vật chất và văn hóa của nhân dân, sự củng cố không ngừng của chế độ xô viết. Đồng chí Sta-lin đã đề ra cho Đảng và nhân dân Xô viết một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ lịch sử: trong vòng mười hay mười lăm năm sắp tới, phải theo kịp và vượt các nước tư bản lớn về mặt kinh tế, nghĩa là vượt về khối lượng sản xuất, tính bình quân theo đầu người trong dân số.

Đồng chí Sta-lin phát biểu: “Chúng ta đã vượt những nước tư bản lớn về mặt kỹ thuật sản xuất và tốc độ phát triển công nghiệp. Tốt - Nhưng chưa đủ. Phải vượt họ về mặt kinh tế. Chúng ta có thể làm và phải làm cho kỳ được. Chỉ với điều kiện duy nhất là vượt được những nước tư bản lớn về mặt kinh tế, chúng ta mới có thể tính đến việc làm cho nước ta hoàn toàn có đầy đủ các tiêu chí phẩm, làm cho chúng ta có đầy đủ nhu yếu phẩm và có thể chuyển được từ giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa xã hội bước đầu) qua giai đoạn thứ hai (chủ nghĩa xã hội phát triển)” (9).

Trong bản báo cáo, đồng chí Sta-lin đã đề ra cả một chương trình hành động Bôn-sê-vích, là một trong những nhiệm vụ trung tâm của Đảng, - chương trình dựa trên khoa học và nhằm để đào tạo, rèn luyện, tuyển chọn, đề bạt và kiểm tra cán bộ.

Chỉ rõ những chặng đường đã qua của Đảng từ Đại hội XVII đến Đại hội XVIII, đồng chí Sta-lin nói:

Kết quả chủ yếu, chính là sau khi đã thủ tiêu nạn bóc lột giữa người và người, vững vàng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân nước ta đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rõ sự nghiệp của họ là chính đáng. Đó là kết quả tất yếu, vì nó đã làm cho người ta vững lòng tin vào các lực lượng của giai cấp công nhân và sự thắng lợi cuối cùng chắc chắn của họ” (10).

Báo cáo của Sta-lin tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô là một văn kiện - chính cương về chủ nghĩa xã hội, là một bước tiến trong sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Sta-lin đã cụ thể hóa lý luận chủ trương có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước duy nhất, và đã kết luận rằng có thể xây dựng được chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, ngay cả trong trường hợp vẫn còn vòng vây của chủ nghĩa tư bản.

Lãnh tụ Lê-nin đã viết cuốn sách nổi tiếng Nhà nước và Cách mạng vào tháng Tám 1917, tức là vài tháng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại và thành lập nên Nhà nước Xô viết. Trong cuốn sách, Lê-nin đã bênh vực học thuyết về Nhà nước của Mác và Ăng-ghen, chống lại bọn cơ hội chủ nghĩa đã làm người ta hiểu sai lệch về học thuyết ấy. Lê-nin đã tính viết tiếp phần thứ hai của cuốn Nhà nước và Cách mạng để rút ra bài học kinh nghiệm chủ yếu qua các cuộc cách mạng Nga 1905 và 1917. Tuy nhiên, lãnh tụ đã không kịp hoàn thành công việc ấy, những điều Lê-nin chưa thể làm được trong vấn đề lý luận về Nhà nước đã được Sta-lin bổ sung và hoàn thành.

Căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử hơn hai mươi năm tồn tại của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngay giữa lòng thế giới tư bản chủ nghĩa, đồng chí Sta-lin đã chuẩn bị hoàn chỉnh về một học thuyết có tính hệ thống về lý luận Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Sta-lin đã phân tích rõ ràng những chặng đường của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, sự biến đổi chức vụ của Nhà nước theo sự chuyển biến của tình hình; đồng chí đã tóm tắt tất cả các kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng Nhà nước Xô viết và kết luận cần thiết phải duy trì Nhà nước dưới chế độ cộng sản, trong chỉ trường hợp, Nhà nước vẫn còn phải tồn tại trong vòng vây của thế giới tư bản.

Sta-lin nhấn mạnh một cách rõ rệt về tác dụng và ý nghĩa lớn lao của công tác tuyên truyền của Đảng và việc giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho các đảng viên – trong các bộ máy của Đảng, cho các đoàn viên – trong các bộ máy của Đoàn thanh niên Cộng sản, trong các công đoàn, hợp tác xã, bộ máy hành chính Xô viết, các tổ chức kinh tế, giáo dục, quân sự,…

Đồng chí Sta-lin nói:

Nếu công tác giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho các cán bộ ta bắt đầu kém đi, nếu công tác của chúng ta để nâng cao trình độ chính trị và lý luận cho những cán bộ ấy giảm sút đi, và do đó, chính những cán bộ cũng không còn tha thiết đến triển vọng bước tiến của chúng ta nữa, không còn hiểu chính nghĩa của công cuộc xây dựng của chúng ta và biến thành những người sự vụ tầm thường không triển vọng, chấp hành một cách mù quáng và máy móc chỉ thị cấp trên – thì tất cả những công tác của chúng ta về mặt Nhà nước và Đảng nhất định sẽ bị suy yếu. Phải nhận thấy như một định lý, rằng trình độ chính trị và sự giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin của các cán bộ càng cao thì công tác, tự nó, cũng cao lên và có hiệu lực, và kết quả càng rõ rệt, bất cứ trong lĩnh vực nào của công tác Chính phủ hay Đảng cũng thế; trái lại, trình độ chính trị và sự giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin của cán bộ càng thấp thì những khuyết điểm và thất bại trong công tác càng dĩ nhiên, những cán bộ càng dễ sa ngã và biến thành những người sự vụ lý sự cùn, càng dễ đi đến chỗ hoàn toàn trụy lạc. Có thể nói chắc chắn rằng nếu chúng ta tiến tới cải tạo được tư tưởng cho cán bộ trên khắp các lãnh vực công tác, và tôi luyện họ về mặt chính trị, để họ có thể tự mình tìm được phương hướng dễ dàng trước tình hình trong nước và quốc tế, nếu chúng ta đạt được mục đích cải tạo họ thành những người Mác-xít – Lê-nin-nít hoàn toàn chính chắn, có khả năng giải quyết những vấn đề lãnh đạo quốc gia mà không đến nỗi phạm lỗi lầm nghiêm trọng – thì chúng ta có đủ tất cả những lý do để tin rằng chín phần mười trong tất cả các vấn đề của chúng ta như thế là đã được giải quyết. Chúng ta chắc chắn có thể giải quyết được vấn đề ấy, vì chúng ta có tất cả mọi phương tiện và tất cả mọi khả năng để giải quyết” (11).

Sta-lin nói tiếp : 

Song, có một ngành mà nhất định những người Bôn-sê-vích công tác trong tất cả các lĩnh vực khoa học phải biết, ấy là khoa học Mác – Lênin về xã hội, về các quy luật phát triển của xã hội, về các quy luật phát triển của cách mạng vô sản, về các quy luật phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, về sự thành công của chủ nghĩa cộng sản; bởi vì người ta không thể coi là Lê-nin-nít chân chính bất kỳ ai khi chỉ bó mình trong ngành chuyên môn như toán học, thực vật học hay hóa học chẳng hạn, mà không hề nhìn thấy gì ngoại phạm vi chuyên môn của mình. Một người Lê-nin-nít quyết không thể chỉ là một nhà chuyên môn ngành khoa học mình đã chọn; người ấy, đồng thời phải là một nhà chính trị, một nhà hoạt động xã hội thiết tha đến vận mệnh của nước nhà, hiểu thấu được những quy luật phát triển của xã hội, biết căn cứ vào những quy luật ấy mà quyết tâm góp phần tích cực vào việc lãnh đạo chính trị quốc gia. Lẽ tự nhiên, như thế sẽ thêm một công tác nữa cho những nhà chuyên môn Bôn-sê-vích, nhưng công tác ấy sẽ đem lại kết quả bù đắp được đối với công sức đã bỏ ra.

Công tác tuyên truyền của Đảng, công tác rèn luyện chủ nghĩa Mác- Lê-nin có nhiệm vụ phải giúp đỡ các cán bộ chúng ta, trong tất cả mọi ngành hoạt động, để hấp thu khoa học Mác - Lê-nin về các quy luật phát triển xã hội” (12).

Bản báo cáo của đồng chí Sta-lin tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô là cương lĩnh để hoàn thành công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã không giai cấp và tuần tự chuyển từ chủ nghĩa xã hội lên chế độ cộng sản chủ nghĩa (mà trước nó phải trãi qua chủ nghĩa xã hội phát triển). Đại hội của những người Bôn-sê-vích đã thông qua báo cáo của Sta-lin và xem nó như là một phương hướng cho sự hoạt động của Đảng.

Trong Báo cáo của đồng chí Sta-lin tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, đồng chí đã trình bày đúng đắn về chính sách ngoại giao của Nhà nước Xô viết, vai trò của Liên Xô được nâng cao, trở thành một lực lượng quốc tế có khả năng ảnh hưởng đến tình hình quốc tế và thay đổi tình hình ấy theo đúng lợi ích của những người lao động. Khi ký những hiệp ước tương trợ với các nước Ban-tích, Liên Xô không những củng cố vị trí của mình trên trường quốc tế mà còn củng cố công cuộc quốc phòng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chính phủ Xô viết ra sức ngăn chặn không cho chiến tranh thế giới lan rộng và đấu tranh đòi thi hành một chính sách an ninh tập thể. Song, chính sách ấy không được các nhà cầm quyền Anh – Pháp tán thành. Chính sách bất can thiệp ở Mu-ních đã làm cho nhân dân các nước châu Âu chịu tác hại nặng nề. Ngay từ tháng Ba 1939, được sự dung túng trong chính sách ngoại giao của Anh – Pháp, Đức Quốc xã đã tiến hành xâm lược Tiệp Khắc. Ngay sau đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Đức đối với các nước Đông Âu. Đế quốc Nhật, đồng minh của Đức ở Viễn Đông, cũng tích cực ráo riết hành động. Tháng Năm 1939, Nhật nhiều lần đem quân khiêu khích biên giới Cộng hòa nhân dân Mông – Cổ, nhưng quân Nhật đều bị Hồng quân đánh bại, điển hình là trận Kha-hin-Gon.

Các nhà ngoại giao Anh – Pháp bằng nhiều cách, họ đã kéo dài cuộc thương thuyết với Liên Xô về cuộc tổ chức một hiệp ước an ninh chung để chống lại chủ nghĩa phát xít xâm lược. Đứng trước sự bất hợp tác giữa chính phủ Anh – Pháp, Liên Xô trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và phòng thủ đất nước buộc phải tự tìm cách bảo vệ mình.

Tháng Tám 1939, Chính phủ Xô viết ký kết với Đức một hiệp ước bất xâm phạm. Hiệp ước ấy, như Sta-lin sau này đã nói, dù trực tiếp hay gián tiếp đều không làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ, đến độc lập và danh dự của Liên Xô. Hiệp ước ấy, trái lại đã đảm bảo cho Liên Xô có thời gian hòa hoãn để tranh thủ tăng cường về tiềm lực quốc phòng trong trường hợp bị xâm lược.

Chấp hành đúng các chỉ thị của Đảng về sự cần thiết phải làm cho đất nước sẵn sàng đối phó với cuộc xâm lược vũ trang từ bên ngoài, Chính phủ và Nhà nước Xô viết đã tiến hành công cuộc chuẩn bị lâu dài, liên tục để Liên Xô có điều kiện chủ động phòng vệ. Chính trong quá trình thực hiện chính sách công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp, trãi qua các kế hoạch 5 năm, Liên Xô đã tạo dựng được một cơ sở kinh tế khổng lồ để có thể dùng vào công việc xây dựng lực lượng phòng thủ.

Nền sản xuất trong nước ngày càng lớn mạnh, có thể sản xuất đầy đủ các loại kim loại để chế tạo vũ khí, để trang bị cho các xí nghiệp; có thể sản xuất đầy đủ nhiên liệu cần thiết cho các xí nghiệp và vận tải; có thể sản xuất đầy đủ vải may quân phục; có thể sản xuất đầy đủ lúa để cung cấp lương thực cho bộ đội.

Chính sách công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp đã cho phép Liên Xô sản xuất trong năm 1940: 15 triệu tấn gang, tức là nhiều hơn gần 4 lần thời Nga hoàng năm 1913; sản xuất 18 triệu 300 ngàn tấn thép, tức là gấp 4 lần rưỡi; sản xuất 166 triệu tấn than, tức là gấp 5 lần; sản xuất 31 triệu tấn dầu hỏa, tức là gấp 3 lần rưỡi; sản xuất 38 triệu 300 ngàn tấn ngũ cốc thương phẩm tức là hơn 17 triệu tấn so với thời Nga hoàng.

Đồng chí Sta-lin nhận xét: “Sản xuất, mà tăng lên ghê gớm như thế, ta không thể coi đó là bước phát triển giản đơn và bình thường của một nước chuyển từ tình trạng lạc hậu lên tiến bộ. Đó là một bước nhảy vọt cho phép Tổ quốc chúng ta chuyển đổi từ một nước lạc hậu trở thành một nước tiên tiến, từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp” (13).

Mùa thu 1939, đứng trước sự kiện sụp đổ của Nhà nước Ba Lan trước cuộc xâm lược của phát xít Đức. Hồng quân tiến vào vùng đất mà trước đây giai cấp tư sản Ba Lan đã ăn cướp của nước Nga Xô viết trong cuộc xâm lược vào năm 1920-1921. Nhân dân miền Tây U-cờ-ren và Tây Bê-lô-rút-xia, đã được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn đại địa chủ Ba Lan. Họ tiến hành thành lập chính quyền đại diện cho quần chúng lao động và xin gia nhập vào đại gia đình các dân tộc anh em trong Liên bang Xô viết. Năm 1940, những nước Cộng hòa miền Ban-tích: Li-tu-a-ni, Let-tô-ni và E-sto-ni cũng đã xin gia nhập vào Liên Xô.

Ngày 20 tháng Mười Hai 1939, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Sta-lin, Chủ tịch Xô viết Tối cao đã trao tặng cho Sta-lin danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa vì những công lao phi thường của ông đã đóng góp vào việc xây dựng và tổ chức Đảng Bôn-sê-vích ngày càng lớn mạnh, thành lập Nhà nước Xô viết, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và củng cố mối liên hệ anh em giữa các dân tộc Liên Xô.

Ngày 22 tháng Mười Hai 1939, đồng chí Sta-lin được cử làm hội viên danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Từ 15 đến 20 tháng Hai 1941, Hội nghị toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản (B) Liên Xô họp. Hội nghị đã xem xét những nhiệm vụ trên những lĩnh vực công nghiệp và vận tải, những kết quả của kinh tế năm 1940 và kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân của Liên Xô trong năm 1941. Hội nghị cũng tán thành những đề nghị của đồng chí Sta-lin về phương hướng tiếp tục tăng cường lực lượng phòng thủ cho Nhà nước Xô viết.

Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô và Chính phủ Xô viết căn cứ vào nghị quyết của Đại hội XVIII của Đảng đã ủy nhiệm cho Ban Kế hoạch của Liên Xô (Gosplan) đã đặt ra một tổng kế hoạch kinh tế 15 năm cho Liên Xô. Kế hoạch ấy đã trù tính phải vượt các nước tư bản lớn về phương diện kinh tế, tức là về sản xuất tính theo đầu người trong dân số về các sản phẩm như: gang, thép, nhiên liệu, điện, cơ khí và các tư liệu sản xuất khác.

Ngày 6 tháng Năm 1941, Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao Liên Xô ra sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Sta-lin vào cương vị Chủ tịch Hội đồng Ủy viên Nhân dân Liên Xô (Thủ tướng).

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Xô viết đang gặt hái nhiều thành công tốt đẹp thì bị chặn đứng lại bởi cơn lốc của cuộc chiến mới. Ngày 22 tháng Sáu 1941, bọn xâm lược phát xít Đức bất ngờ bội ước tấn công Liên bang Xô viết, cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô đã bắt đầu.

Ghi chú

(1) Sta-lin: Công tác của Hội nghị toàn ban của Trung ương và Ban kiểm tra Trung ương. Báo cáo trước Hội nghị những phần tử tích cực trong Đảng bộ Moskva, 13-4-1928, tr.15, Nga văn, 1928.

(2) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.512.

(3) Người đã lập kỷ lục sản xuất than tại một hầm mỏ ở khu vực Lugansk vào những năm 1930, anh ấy trở thành một hiện tượng và được hàng triệu người Liên Xô noi theo.

(4) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.515-516.

(5) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.515-516.

(6) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.565.

(7) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.593.

(8) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.595.

(9) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.559.

(10) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.632.

(11) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.620.

(12) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.620-621

(13) Sta-lin: Diễn văn đọc tại Hội nghị các cử tri trong khu vực tuyển cử Sta-lin ở Moskva, ngày 9-2-1946.