Chương VIII


Trong thời hạn lịch sử ngắn nhất, mà phải công nghiệp hóa một đất nước rộng mênh mông mà lại lạc hậu về mặt kinh tế như Liên Xô là một điều tưởng chừng như bất khả thi. Phải gầy dựng lên, toàn bộ nền công nghiệp trước nay chưa từng có trong nước Nga của Nga hoàng. Phải tạo ra một nền công nghiệp quốc phòng mới chưa từng có trong nước Nga cũ. Phải dựng lên những nhà máy chế tạo máy cày tối tân mà các làng mạc xưa kia chưa hề biết. Công cuộc ấy cần những món tiền lớn vô cùng. Các chính phủ tư bản muốn có số tiền ấy phải dùng cách bóc lột nhân dân cùng cực, dùng chiến tranh xâm lược, dùng mọi cách cướp bóc đẫm máu từ các thuộc địa và các nước phụ thuộc, dùng cách vay mượn bên ngoài. Nhưng Nhà nước Xô viết của nhân dân không thể dùng những kế sách bần tiện ấy, và con đường vay mượn bên ngoài lại càng bị bọn tư bản phong tỏa. Chỉ còn cách duy nhất là tìm kiếm những tài nguyên cần thiết ngay trong đất nước để tiến hành công cuộc ấy.

Căn cứ vào những lời di huấn của Lê-nin để lại, Sta-lin đã đề ra Luận cương công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Đồng chí đã nói rằng:

1. – Việc công nghiệp hóa, thực chất, không phải là sự trưởng thành đơn giản của nền công nghiệp, mà là sự phát triển công nghiệp nặng - trước hết, là phát triển cái trung tâm của công nghiệp nặng, tức là những nghành công nghiệp cơ khí; vì chỉ có tạo ra được một nền công nghiệp nặng và các công nghiệp chế tạo cơ khí riêng của chúng ta, thì mới có thể xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, và làm cho chế độ chủ nghĩa xã hội thoát khỏi sự phụ thuộc đối với thế giới tư bản;

2. – Việc tịch thu tài sản của bọn đại địa chủ và tư bản trong nước ta, sau cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, việc bãi bỏ quyền tư hữu về đất đai, về xưởng chế tạo, công xưởng, ngân hàng, … để sung làm của công toàn dân, những việc đó đã tạo một nguồn tích lũy xã hội chủ nghĩa mãnh liệt cho bước phát triển công nghiệp;

3. – Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa căn bản khác hẳn công nghiệp hóa của tư bản. Bọn tư bản công nghiệp hóa bằng cách chiếm đoạt, cướp bóc thuộc địa, dùng quân sự đi chinh phục, mở rộng công trái nô dịch, cũng như là bóc lột tàn tệ quần chúng công nhân và các dân tộc thuộc địa. Còn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là dựa trên chế độ công hữu về phương thức sản xuất, dựa trên sự tích lũy và tiết kiệm của cải do sức lao động của công nhân và nông dân làm ra: công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nhất định phải đưa đến cải thiện thường xuyên sinh hoạt vật chất cho các quần chúng lao động;

4. – Cho nên những nhiệm vụ chủ yếu trong việc tranh thủ công nghiệp hóa là nâng cao năng xuất sản xuất của lao động, giảm hạ giá hàng, đấu tranh đề cao kỷ luật lao động, đề cao chế độ tiết kiệm…;

5. – Những điều kiện kiến thiết chủ nghĩa xã hội, sự hăng hái của giai cấp công nhân trong công tác đều cho phép ta thực hiện tốc độ sản xuất cao, cần thiết cho việc công nghiệp hóa;

6. – Con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa cho nông nghiệp phải đi ngang qua công nghiệp hóa quốc gia, vì chính con đường này mới tạo ra cơ sở kỹ thuật cho việc cải tạo ấy. Tất nhiên là các hình thức nông nghiệp phải phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống kinh tế quốc dân.

Được vũ trang bằng cương lĩnh sáng tỏ và chính xác ấy, những người lao động Liên Xô đã bắt tay vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa quốc gia.

Các nước đế quốc thù địch trông thấy những thắng lợi của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, đã đâm ra hoảng sợ, họ mưu đồ phá hoại, ngăn cản quá trình công nghiệp hóa ở Liên Xô bằng nhiều hình thức, trong đó có cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao – thương mại với Liên Xô (nước Anh) và ám sát Đại sứ Liên Xô tại Ba Lan. Còn phía bên trong, cuộc đấu tranh chống Đảng – chống lại đường lối công nghiệp hóa của Tờ-rốt-ski, Di-nô-vi-ép ngày càng tăng mạnh, họ họp lại thành khối mới để chống lại đường lối của Đảng.

Đó là một mặt trận thống nhất đi từ Săm-bec-lanh đến Tờ-rối-ski. Không thể nào đưa công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi được, nếu không đánh tan khối Tờ-rối-ski – Di-nô-vi-ép về mặt trận tư tưởng và tổ chức.  Bản báo cáo của đồng chí Sta-lin đọc trong Hội nghị Đại biểu lần thứ XV của Đảng, dưới nhân đề “Nhân nói về khuynh hướng xã hội dân chủ trong Đảng ta” (Tháng Mười một năm 1926), và bản báo cáo đọc tại Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản với nhan đề “Một lần nữa, nhân nói về khuynh hướng xã hội dân chủ trong Đảng ta (Tháng Mười hai 1926), đã vũ trang về mặt tư tưởng cho Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Liên Xô và Quốc tế Cộng sản, vừa củng cố sự thống nhất và đoàn kết trong hàng ngũ của Đảng.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong nghị quyết ấy đã lên án khối Tờ-rối-ski – Di-nô-vi-ép và đồng bọn là những kẻ chia rẽ và sa lầy trong lập trường Men-sê-vích.

Đồng chí Sta-lin không chỉ là nhà lãnh đạo công cuộc công nghiệp hóa mà chính đồng chí cũng đã có những sáng kiến đóp góp trong việc thành lập các ngành công nghiệp mới, phát triển và xây dựng lại những ngành công nghiệp cũ lạc hậu ở nước Nga chuyên chế. Sta-lin đã chỉ đạo trong việc thành lập một cơ sở than và kim khí thứ hai ở Liên Xô, tức là vùng mỏ Ku-dờ-netsk (Kuzbass). Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sta-lin, hàng loạt các công trình cải tạo chủ nghĩa xã hội vĩ đại ở Liên Xô đã được tiến hành, điển tích như là Xưởng chế tao máy kéo ở Sta-lin-gờ-rat (Sta-lingrad), Nhà máy thủy điện Đờ-niep-rô-stờ-rôi (Dnepr), Xưởng luyện kim Ma-nhi-tô-stờ-rôi (Magnitostroy), Xưởng chế tạo kim khí U-ran-mat-stờ-roi (Uralmashstroy), Xưởng chế tạo cơ khí nông nghiệp Ro-stop, Xưởng liên hợp Ku-dờ-net-skờ-roi (Kuznetskstroi), đường sắt Tuc-xip (Turksib), Nhà máy gặt đập ở Xa-ra-tôp, Nhà máy ô-tô ở Mát-xcơ-va và ở Goc-ki, và nhiều công trình khác nữa.

Cảnh tượng hùng tráng, hào hùng khí thế của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã làm cho công nhân các nước tư bản chủ nghĩa hân hoan chào đón. Hàng chục, hàng trăm đoàn đại biểu đã đến thăm Liên Xô; người ta cảm thấy hứng thú và cảm động khi quan sát thấy chính bàn tay của những người công nhân, sau khi đánh đổ bọn áp bức – bóc lột, đã làm việc như thế nào để xây dựng nên một xã hội mới. Các đoàn đại biểu rất quan tâm chăm chú và tìm hiểu về công cuộc xây dựng ở Liên Xô. Ngày 5 tháng Mười một 1927, đồng chí Sta-lin đã có buổi trò chuyện rất lâu với những đoàn đại biểu công nhân Đức, Pháp, Áo, Tiệp, Trung Quốc, Bỉ và nhiều nước khác.

Ngay từ cuối năm 1927, chính sách công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thắng lợi quyết định. Tổng kết đầu tiên được nêu trong Đại hội lần thứ XV của Đảng, họp vào tháng 12 năm 1927. Trong báo cáo công tác, Sta-lin đã ghi lại những thành tựu quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, và nêu lên sự cần thiết phải tiếp tục mở rộng và củng cố vị trí chỉ huy xã hội, ở thành thị cũng như nông thôn, bằng cách hướng công tác nhằm thủ tiêu các phần tử tư bản trong nền kinh tế quốc dân.

Trong Đại hội lần thứ XV, đồng chí Sta-lin cũng đã vạch rõ sự chậm trễ của nông nghiệp đối với công nghiệp, và chỉ ra con đường để thoát khỏi cái tình trạng đã làm cho toàn bộ nền kinh tế có thể lâm vào tình trạng tồi tệ.

Đồng chí Sta-lin phát biểu: “Lối thoát, là chuyển những đơn vị sản xuất nhỏ, phân tán của nông dân thành những đơn vị sản xuất lớn, thống nhất trên cơ sở canh tác chung, là chuyển sang canh tác tập thể trên cơ sở kỹ thuật mới, cao hơn. Lối thoát là ở chỗ dần dần nhưng kiên quyết, không phải bằng cách ép buộc, mà bằng cách nêu những sự việc thực tế và thuyết phục, hợp nhất các đơn vị sản xuất nhỏ và hết sức nhỏ của nông dân thành những đơn vị sản xuất lớn, dựa trên việc làm ruộng công cộng, theo nhóm đối công, tập thể, dùng máy móc nông nghiệp và máy kéo, áp dụng phương pháp khoa học thâm canh. Không có lối thoát nào khác lối thoát ấy” (1).

Tại sao Liên Xô lại đi vào con đường kiết thiết nông trường tập thể?

Ngay từ Đại hội XV của Đảng, sự chậm trễ của nông nghiệp, nhất là ngành ngũ cốc, càng làm thấy rõ rệt hơn. Sản lượng ngũ cốc đã hơn mức trước chiến tranh, song sự sản xuất lúa mì – thương phẩm để cung cấp cho thành thị và quân đội, chỉ đạt được một phần ba (37%) mức trước chiến tranh. Ở nông thôn, có đến 25 triệu hộ khai khẩn nhỏ của nông dân, căn bản là nền kinh tế bán tự nhiên, chỉ đủ sức cung cấp một số lúa mì tối thiểu mà không thể khuếch trương thành nền sản xuất dùng máy kéo và các thứ máy móc để nâng cao năng suất được. Tình trạng sản xuất lẻ tẻ của các hộ nhỏ ở nông thôn và sản xuất ngũ cốc giảm sút vẫn đang tiếp tục.

Trước tình trạng sản xuất ngũ cốc như thế, thì nhất định quân đội và các thành thị sẽ lâm vào cảnh đói kém thường xuyên” (2).

Có hai con đường để dẫn đất nước tiên lên nông nghiệp đại sản xuất để đủ sức dùng máy kéo và các loại máy móc khác, và có thể nâng cao được mức sản xuất ngũ cốc lên hàng chục lần. Đường thứ nhất là: tiến theo lối đại sản xuất tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, nghĩa là đẩy quần chúng nông dân vào cảnh phá sản, tập hợp ruộng đất vào các tầng lớp trên, tức tập trung tư bản ở nông thôn. Điều đó sẽ đẩy hàng triệu người sa vào cảnh thất nghiệp, khối liên minh công nông tan rã, làm cho các tầng lớp phú nông tăng cường thêm sức mạnh và đẩy Đảng ta vào con đường tiêu vong.

Đường thứ hai là: tập hợp các trại khai khẩn nông nghiệp nhỏ thành những trại khai khẩn xã hội chủ nghĩa đại quy mô, thành những nông trường tập thể, đủ sức dùng những máy kéo và máy móc tối tân khác để đẩy việc trồng trọt ngũ cốc và bộ phận sản xuất thương phẩm tiến vọt lên với một đà mạnh mẽ. Và Đảng Bôn-sê-vích không có con đường nào khác ngoài con đường thứ hai, con đường phát triển nông nghiệp bằng những nông trường tập thể.

Đảng Bôn-sê-vích đã tuân thủ những lời di huấn của lãnh tụ Lê-nin về sự cần thiết phải chuyển những khai khẩn nhỏ của nông dân lên thành những khai khẩn nông nghiệp tập thể đại quy mô, thành nông nghiệp cơ giới, vì chỉ có nông nghiệp cơ giới mới có khả năng lôi cuốn hàng chục triệu khai khẩn nhỏ ra khỏi sự cùng cực.

Lãnh tụ Lê-nin đã nói: “Không thể nào thoát khỏi cảnh cùng khổ bằng lối khai khẩn nhỏ” (3).

Yêu cầu kinh tế bức thiết nhất, sự thiếu thốn chung buộc chúng ta phải đi theo con đường tập thể hóa. Đảng Bôn-sê-vích dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sta-lin, đã nhận thấy rõ sự cần thiết phải tiến hành con đường ấy, Đảng cần phải hướng hàng triệu nông dân vào con đường tập thể hóa.

Đại hội thứ XIV (1925) đã thông qua một nghị quyết về sự phát triển mạnh mẽ tập thể hóa nông nghiệp. Đồng thời Đại hội cũng chỉ thị đặt ra kế hoạch 5 năm đầu tiên cho nền kinh tế quốc dân. Vì thế, trong lúc công cuộc xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa đang sôi nổi, Sta-lin đã đề ra nhiệm vụ vĩ đại mới: tập thể hóa nông nghiệp. Việc thực hiện nhiệm vụ lịch sử ấy đòi hỏi phải chuẩn bị tỉ mỉ, với tầm nhìn sâu xa và được đặt ngang hàng với công cuộc “chuẩn bị” cho cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười lịch sử.

Đảng đã chuẩn bị mọi điều kiện vật chất cần thiết cho nông dân tham gia đông đảo vào các nông trường tập thể. Một cơ sở nông nghiệp được lập ra để cung cấp các trang thiết bị máy móc hiện đại cho nông thôn, còn một cơ sở nữa để cải tạo kỹ thuật cho nông nghiệp. Tài chính đã được tích góp đủ để chi dùng cho việc tổ chức các nông trường tập thể và nông trường quốc doanh. Những phần tử ưu tú của Đảng và giai cấp công nhân được cử đi làm tấm gương điển hình; những nông trường tập thể đầu tiên được củng cố lại để nêu lên làm những kiểu mẫu về cách quản trị nông nghiệp tập thể cho các nông dân cá thể thấy. Những trạm máy cày và máy kéo, những nông trường quốc doanh được thành lập để giúp đỡ nông dân cải thiện về việc khai khẩn.

Công cuộc tập thể hóa sẽ dẫn đến tình trạng xung đột với giai cấp ku-lắc, điều đó dẫn đến việc ku-lắc sẽ tiến hành phản kháng, chúng tổ chức cuộc “bãi công lúa”, tưởng làm như thế sẽ buộc Đảng phải chùn bước. Trong năm 1928, người ta phát giác ra được một tổ chức phá hoại quan trọng, trong số đó có các nhà chuyên môn tư sản ở Sac-tư (Shakhty) vùng Đôn-bát-xờ, và trong vài vùng khác nữa. Bọn phá hoại này đều có mối liên hệ với các nước tư bản đế quốc bên ngoài.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Sta-lin, giai cấp ku-lắc đã phải chùn bước, đập tan sức phản kháng của chúng và tiêu diệt chúng về mặt giai cấp. Ku-lắc mất đi ý nghĩa là một lực lượng có tính chất chính trị. Những kẻ phá hoại bị xử lý nghiêm minh. Đồng chí Sta-lin kêu gọi Đảng phải rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm trong vụ án Sac-tư. Trước hết là những người lãnh đạo Bôn-sê-vích trong công nghiệp phải tự mình học tập chuyên môn về mặt kỹ thuật và gấp rút đào tạo cán bộ kỹ thuật mới trong giai cấp công nhân.

Đảng vừa tấn công bọn ku-lắc thì trong những năm 1928, 1929, thì Bu-kha-rin cùng Rư-kôp, Tôm-ski và thành viên phái hữu đã đứng lên chống Đảng. Họ thay thế vị trí của phái Tờ-rốt-ski và Di-nô-vi-ep vào phe đối lập chống Đảng. Đồng thời bọn đế quốc cũng muốn một lần nữa, mưu toan đẩy Liên Xô vào cuộc chiến tranh mới, một cuộc can thiệp mới chống Liên Xô vào những năm 1929 – 1930.

Cũng như thắng lợi của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười sẽ không thể có được nếu Đảng ta không đánh bại được những thành phần phản bội, bọn Men-sê-vích và xã hội cách mạng, thì ngay lúc này, cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nông thôn sẽ không thể thắng được, nếu chúng ta không đánh tan được phái hữu khuynh trong Đảng. Diễn văn của Đồng chí Sta-lin “Bàn về nguy cơ hữu khuynh trong Đảng Cộng sản (B) Liên Xô” đọc tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành và Ban kiểm tra thành ủy Moskva tháng Mười 1928 và “ Bàn về hữu khuynh trong Đảng Cộng sản (B) Liên Xô” tại Hội nghị toàn thể Ban Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô tháng Tư 1929, đã có một vai trò quan trọng đặc biệt góp phần vào cuộc thắng lợi của Đảng đối với bọn Bu-kha-rin, Rư-kôp âm mưu chống lại Đảng.

Những bài diễn văn ấy của Sta-lin đã lột mặt nạ bọn hữu khuynh, những kẻ công khai chống lại chủ nghĩa Lê-nin.

Trong cuộc đấu tranh chống bọn hữu khuynh, toàn Đảng đã đoàn kết xung quanh Sta-lin tấn công vào “thành trì” cuối cùng của những phần tử tư bản chủ nghĩa ở Liên Xô. Với ý chí gan thép và nghị lực cách mạng phi thường, đồng chí Sta-lin đã dẫn dắt toàn Đảng bước trên con đường mới. Trong bài diễn văn có giá trị lịch sử “Một năm chuyển hướng lớn”, viết năm 1929, về dịp kỷ niệm lần thứ XII Cách mạng tháng Mười, đồng chí Sta-lin phát biểu:

Năm qua là một năm chuyển hướng lớn trên khắp các mặt trận kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Chuyển hướng ấy đã diễn ra và còn tiếp diễn với sự tấn công quyết liệt của chủ nghĩa xã hội chống những phần tử tư bản ở thành thị và nông thôn. Cuộc tấn công ấy có điểm này đặc biệt là nó đã đưa lại cho chúng ta một loạt những thành công quyết định trên những lĩnh vực chính của cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, trên nền kinh tế quốc dân của chúng ta” (4).

Về phương diện khả năng sản xuất lao động, Đảng cũng đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo. Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa – công việc tích lũy tài nguyên cho việc kiến thiết công nghiệp nặng – đã được thực hiện trong bộ phận chủ yếu. Trong việc phát triển nông nghiệp, phát triển nông dân, Đảng đã mở một chuyển hướng căn bản. Phong trào nông trường tập thể đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, hơn cả bước tiến của nền công nghiệp nặng, về mặt tốc độ phát triển. Đó là bước đầu của cuộc vận động quần chúng và nông trường tập thể.

Điều mới mẻ và quyết định trong phong trào nông trường tập thể hiện nay, là nông dân không gia nhập từng nhóm lẻ tẻ, như trước nữa, mà từng ấp, từng xã, từng huyện cho đến cả từng vùng. Thế nghĩa là gì …? Nghĩa là trung nông đã bước vào con đường nông trường tập thể. Đó là cơ sở của sự chuyển hướng căn bản đã diễn ra trên bước phát triển của nền nông nghiệp, và chuyển hướng ấy là một thành quả chủ yếu nhất của chính quyền Xô viết…” (5).

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Sta-lin, một chuyển hướng lịch sử đã được sửa soạn, bắt đầu từ chính sách hạn chế và loại trừ các phần tử ku-lắc từ chính sách thủ tiêu ku-lắc với tính chất là một giai cấp, trên cơ sở tập thể hóa toàn thể.

Ưu điểm lớn của Sta-lin, chính là trong thời kỳ ấy, thời kỳ phát triển đầu tiên của công cuộc công nghiệp hóa và tập thể hóa, khi tất cả lực lượng lao động của dân chúng đều cần phải động viên để giải quyết những vấn đề lớn lao, thì Sta-lin đã nêu lên tất cả tầm quan trọng của vấn đề phụ nữ, vấn đề liên quan đến tình hình phụ nữ, của nữ công nhân và nữ nông dân trong sinh hoạt kinh tế, chính trị và xã hội; và khi đã đề cao vấn đề ấy lên mức đích đáng, Sta-lin liền đưa ra giải pháp.

Đồng chí Sta-lin nói: “Không một phong trào lớn lao nào của những người bị áp bức – diễn ra trong lịch sử của nhân loại, mà lại không có phụ nữ lao động tham gia. Những người này là những người bị áp bức nhất trong tất cả những người bị áp bức, không bao giờ họ chịu và cũng không thể nào chịu đứng ngoài con đường vĩ đại của phong trào giải phóng nô lệ, đã xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn nữ sĩ và nữ anh hùng vĩ đại. Trong số những chiến sĩ đấu tranh cho cuộc giải phóng nông nô, có hàng vạn phụ nữ lao động tham gia. Không lạ gì phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, phong trào hùng mạnh nhất trong tất cả các phong trào giải phóng của quần chúng bị áp bức đã tập hợp dưới lá cờ của họ hàng triệu phụ nữ lao động” (6).

Đồng chí Sta-lin nói tiếp: “Những phụ nữ lao động, - những nữ công nhân và nữ nông dân là đội hậu bị lớn mạnh của giai cấp công nhân. Đội hậu bị ấy bao gồm cả một nửa dân số. Đội hậu bị phụ nữ ấy theo hay chống giai cấp công nhân, vận mạng của phong trào vô sản, thành công hay thất bại của cách mạng vô sản, thành công hay thất bại của chính quyền vô sản là tùy cả nơi đó. Cho nên, bổn phận đầu tiên của giai cấp vô sản là đội tiên phong của nó, Đảng Cộng sản, - là phải gây ra cuộc đấu tranh quyết liệt để giải phóng cho phụ nữ, cho nữ công nhân và nữ nông dân khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản, để giáo dục về chính trị và tổ chức nữ công nhân và nữ nông dân dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản” (7).

Đồng chí Sta-lin còn nói: “Tuy nhiên, phụ nữ lao động không phải chỉ là đội hậu bị. Họ còn có thể và phải trở thành đạo quân hẳn hoi của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản, miễn là giai cấp vô sản có một chính sách đúng đắn. Đào tạo, với những dự trữ nhân công phụ nữ, một đạo quân nữ công nhân và nữ nông dân chiến đấu sát cánh đạo quân vĩ đại của giai cấp vô sản, đó là nhiệm vụ thứ hai, nhiệm vụ quyết định của giai cấp công nhân” (8).

Lời của đồng chí Sta-lin trong bài diễn văn đọc tại Đại hội thứ nhất của các đoàn viên xung phong trong các nông trường tập thể về vai trò và sự quan trọng của phụ nữ trong các nông trường tập thể:

Các đồng chí! Vấn đề phụ nữ, trong các nông trường tập thể, là một vấn đề trọng đại. Tôi biết có nhiều người trong số các đồng chí coi nhẹ vai trò của phụ nữ và lại còn khinh thường chị em nữa. Song, các đồng chí đã lầm, các đồng chí ạ. Không phải chỉ vì phụ nữ chiếm phân nửa trong dân số đâu. Mà chính vì phong trào nông trường tập thể đã cho thấy khá nhiều phụ nữ xuất sắc, phụ nữ minh mẫn lên cương vị chỉ huy. Các đồng chí hãy nhìn Đại hội này, nhìn thành phần của nó, các bạn sẽ thấy phụ nữ, từ địa vị lạc hậu trước kia, đã theo kịp đội tiền phong từ lâu rồi. Phụ nữ trong nông trường tập thể là một lực lượng trọng đại. Dìm lực lượng ấy đi, là một tội ác. Bổn phận chúng ta là phải đẩy phụ nữ tiến tới trong các nông trường tập thể, và làm cho lực lượng ấy phát động” (9).

Đồng chí Sta-lin tiếp tục nói: “Về phần các chị em trong nông trường tập thể, các chị em không được quên vai trò và sự quan trọng của các nông trường tập thể đối với phụ nữ; các chị em không được quên rằng chỉ trong nông trường tập thể các chị em mới có thể đứng ngang hàng, bình đẳng với nam giới. Ngoài nông trường tập thể, là bất bình đẳng; trong nông trường tập thể là bình đẳng về mọi quyền lợi. Các đồng chí phụ nữ trong nông trường tập thể hãy nhớ lấy và bảo vệ chế độ nông trường tập thể như con ngươi của mắt mình” (10).

Làm cho quảng đại quần chúng nhân dân – kể cả lao động trong các dân tộc trước kia bị áp bức và chậm tiến – tham gia vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đó là một thắng lợi vĩ đại của hệ tư tưởng Xô viết, rằng chỉ có quần chúng mới thật là những người sáng tạo ra lịch sử, khác hẳn với tư tưởng hệ tư sản chuyên gieo rắc những suy nghĩ rằng quần chúng không có khả năng sáng tạo, trong bất cứ lĩnh vực sinh hoạt nào. Đồng chí Sta-lin đã tố cáo tính chất phản động của thứ “lý luận” chủ trương rằng những người bị bóc lột không thể không cần đến những người bóc lột. Đồng chí Sta-lin viết: “Một trong những kết quả tối quan trọng của Cách mạng tháng Mười, là đánh một đòn chí tử vào “lý luận” ấy” (11).

Đồng chí Sta-lin cũng đã tố cáo câu chuyện hoang đường phản động cho rằng các dân tộc đều chia ra thành hai hạng người, thượng lưu và hạ lưu.

Xưa kia “người ta được phép” nghĩ rằng thế giới, từ đời thượng cổ, vẫn phân ra thành giống người hạ đẳng và giống người thượng đẳng, thành giống Đen và giống Trắng, giống thứ nhất không có khả năng văn minh và sinh ra để bóc lột, còn giống thứ hai mới thật là duy nhất đại biểu cho văn minh, có quyền bóc lột giống người thứ nhất. Ngày nay, câu chuyện hoang đường ấy phải được đập tan và vứt bỏ. Một trong những kết quả quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Mười, là đã đánh đòn chí tử vào câu chuyện hoang đường ấy, chứng minh thực sự rằng các dân tộc khác, ngoài các dân tộc châu Âu, nếu được giải phóng và được đưa vào con đường phát triển theo lối Xô viết, đều có khả năng, như các dân tộc châu Âu, làm cho văn hóa và văn minh thật sự tiến triển” (12).

Ghi chú

(1) Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, sdd, trang 341.

(2) Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, sdd, trang 335.

(3) Lê-nin toàn tập, tập 24, tr.540, Nga văn, in lần 3.

(4) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.281.

(5) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.290.

(6) Báo Sự Thật, số 56, ngày 8-3-1925.

(7) Báo Sự Thật, số 56, ngày 8-3-1925

(8) Báo Sự Thật, số 56, ngày 8-3-1925

(9) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.440.

(10) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.440

(11) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, Sdd, tr.440

(12) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, Sdd, tr.440.