Chương VII
Nội chiến kết thúc, nước Cộng hòa Xô viết non trẻ được bảo vệ an toàn, chấm dứt cuộc chiến tranh vũ trang can thiệp của bọn đế quốc xâm lược, chính quyền Xô viết bắt tay vào công tác hòa bình, khôi phục kinh tế. Nước Nga sau bốn năm chiến tranh đế quốc và ba năm Nội chiến tàn phá đã trở nên hoang tàn, tiêu điều. Khi Nội chiến kết thúc, nông dân tỏ ra bất mãn đối với chế độ trưng thu lương thực thừa và đòi được cung cấp đầy đủ hàng hóa. Nạn đói và mệt mỏi cũng gây bất mãn trong một phần công nhân. Quân thù cũng chưa hẳn từ bỏ ý định tiêu diệt nền công hòa non trẻ này.
Vấn đề đã được đặt ra trước Đảng: phải định rõ một phương châm mới cho tất cả mọi vấn đề kinh tế. Ủy ban Trung ương Đảng nhận thấy rõ ràng, sau khi chiến tranh kết thúc và chuyển sang công cuộc hòa bình khôi phục kinh tế, thì chế độ cộng sản thời chiến không còn thích hợp nữa. Việc trưng thu không còn lý do tồn tại; phải để cho nông dân được tự do sử dụng phần lớn những sản phẩm thừa của họ. Có như thế, mới chấn hưng được nông nghiệp, lưu thông thương phẩm và đề cao công nghiệp, cải thiện tiếp tế cho thành thị, đặt cơ sở kinh tế mới cho liên minh công nông.
Tuy nhiên, phe đối lập lại tiếp tục chống lại Trung ương Đảng muốn ngăn cản chính sách đổi mới kinh tế này, họ đòi vẫn giữ nguyên chính sách cộng sản thời chiến. Cuối năm 1920, họ buộc Đảng phải mở một cuộc tranh luận về vấn đề công đoàn, mà khi đó cuộc tranh luận này vượt quá xa phạm vị vấn đề công đoàn. Cuộc tranh luận này hướng về thái độ đối với nông dân, thái độ của Đảng đối với quần chúng công nhân phi đảng, thái độ của Đảng đối với tình hình mới. Tờ-rốt-ski đã đề nghị tiếp tục “siết chặt thêm con ốc” của chế độ cộng sản thời chiến. Bằng chính sách cưỡng bách và dùng mệnh lệnh đối với quần chúng, họ làm quần chúng công nhân phi Đảng phái chống lại Đảng, sẽ tiếp tục gây thêm trầm trọng những khó khăn đối với chính quyền Xô viết. Ngoài phe của Tờ-rốt-ski, còn có những phe phái nhỏ khác chống lại Đảng như: “phe đối lập của công nhân”, “phe dân chủ tập trung”, “cộng sản phái tả”.
Cùng với Lê-nin, Sta-lin đã đoàn kết các tổ chức Đảng xung quanh lập trường của lãnh tụ để bảo vệ triệt để đường lối của Đảng. Trong những ngày ấy, báo Sự Thật đã đăng những bài viết về kết quả của cuộc thảo luận ấy, Đảng đã toàn thắng trước những phe phái đối lập trong Đảng. Bài báo của Sta-lin dưới nhan đề “Những ý kiến bất đồng của chúng ta”, đăng ngày 19 tháng Giêng 1921, trong báo Sự Thật, đã có một ý nghĩa to lớn cho đường lối của Đảng thắng lợi và đoàn kết Đảng chung quanh Lê-nin, chung quanh phái đa số ủng hộ Lê-nin trong Trung ương Đảng. Cùng với Lê-nin, Sta-lin đã bảo toàn sự thống nhất trong Đảng, chống lại mọi sự xuyên tạc, chống đối từ các phe đối lập thù địch.
Đoàn kết trên lập trường của Lê-nin, Đảng tiến tới Đại hội lần thứ X (tháng Ba – Tư 1921). Đại hội phải giải quyết những vấn đề cơ bản quan hệ đến con đường thắng lợi của cách mạng, tổng kết cuộc thảo luận về công đoàn, và chấp nhận chính cương của Lê-nin với số phiếu đa số. Đại hội cũng thông qua một nghị quyết quan trọng về việc thủ tiêu chế độ trưng thu lương lực thừa (Cộng sản thời chiến) và đặt ra loại thuế lương thực, về việc thi hàng Chính sách Kinh tế mới đã làm cho khối liên minh công nông được vững vàng để sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ chủ yếu ấy còn được Nghị quyết của Đại hội về vấn đề dân tộc còn bổ sung thêm. Sta-lin đã trình bày trong Đại hội báo cáo về “Những nhiệm vụ cấp bách của Đảng trong vấn đề dân tộc”.
Bản báo cáo và nghị quyết của Đại hội quy định một cách rõ ràng và chính xác nhiệm vụ thực tiễn cơ bản trong vấn đề dân tộc. Sta-lin nói: “Chúng ta đã phá bỏ chế độ áp bức dân tộc, nhưng vẫn chưa đủ, còn phải phá bỏ cái di sản nặng nề của quá khứ - là tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị và văn hóa của các dân tộc trước kia bị áp bức; phải giúp đỡ họ để theo kịp nước Nga Trung ương về mọi mặt”. Sta-lin kêu gọi Đảng phải đấu tranh chống chủ nghĩa sô-vanh đế quốc Đại Nga lúc đó là nguy cơ chủ yếu và chống lại chủ nghĩa dân tộc địa phương.
Đại hội lần thứ XI (tháng Ba – Tư 1922), Đảng đã tổng kết năm đầu của Chính sách Kinh tế mới. Cuộc tổng kết ấy đã cho phép Lê-nin tuyên bố:
“Chúng ta đã lùi bước trong một năm. Thay mặt cho toàn Đảng, giờ đây, chúng ta phải nói: Thôi! mục đích của bước lùi ấy đã đạt. Thời kỳ lùi đang chấm dứt hoặc đã chấm dứt rồi. Bây giờ, một mục tiêu khác đặt ra là phải bố trí lại các lực lượng” (1).
Phải làm tròn những nhiệm vụ lịch sử mà Lê-nin đã đề ra trong Đại hội. Ngày 3 tháng Tư 1922, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng, theo đề nghị của Lê-nin đã cử Sta-lin vào vai trò vị trí Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Sta-lin đã liên tục nắm giữ cương vị đó trong suốt hơn 30 năm cho đến lúc đồng chí qua đời vào năm 1953.
Vết thương của Lê-nin khi bị mưu sát hồi năm 1918, và những công tác bận bịu liên tục đã làm cho sức khỏe của lãnh tụ ngày càng yếu. Từ cuối năm 1921 trở đi, Lê-nin phải thường xuyên nghỉ việc. Vì thế, người trực tiếp lãnh đạo trong Đảng, phần lớn đều phải do Sta-lin đảm nhiệm.
Trong những năm đầu sau khi hòa bình xây dựng đất nước, nước Nga đã giành lấy được nhiều thắng lợi to lớn lớn, xây dựng các nước Cộng hòa Xô viết dân tộc, và thành công lớn nhất đó là liên hiệp các nước Cộng hòa Xô viết từng là một phần của đế quốc Nga lại thành một Quốc gia liên bang rộng lớn: Liên bang Xô viết. Ngày 30 tháng Mười hai 1922, theo đề nghị của Lê-nin Đại hội các Xô viết các nước Cộng hòa đã ra nghị quyết lịch sử: Thực hiện sự tự nguyện liên hiệp của các dân tộc trên toàn lãnh thổ Liên bang để thành lập nước cộng hòa thống nhất, mang tên Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Trong Đại hội này, đồng chí Sta-lin đã nói:
“Ngày hôm nay đánh dấu một chuyển hướng trong lịch sử chính quyền Xô viết. Ngày hôm nay đương nằm vào giữa hai thời kỳ cũ và mới: thời kỳ cũ đã qua, các cộng hòa Xô viết, tuy hành động hòa nhịp với nhau, song mỗi cái vẫn đi một đường và trước hết vẫn đặt vấn đề lo lắng cho sống còn riêng rẽ; thời kỳ mới cũng bắt đầu, - trong đó, sự sống còn riêng biệt của các nước cộng hòa Xô viết sẽ chấm dứt, những cộng hòa sẽ kết hợp lại thành một Quốc gia Liên bang để đem thắng lợi lại cho cuộc chiến đấu chống tình trạng suy tàn của nền kinh tế; chính quyền Xô viết không những chỉ chăm chú vào sự sống còn của mình, mà còn phải tự biến mình thành một lực lượng quốc tế hẳn hỏi, đủ năng lực ảnh hưởng đến cục diện quốc tế, đủ năng lực cải biến cục diện quốc tế theo đúng lợi ích của người lao động” (2).
Việc Liên bang Xô viết ra đời đã ghi dấu sự thắng lợi của chính sách Lê-nin trong vấn đề dân tộc. Liên Xô đã được thành lập trên cơ sở nền tảng vững chắc đó là niềm tin cậy của các dân tộc – trước kia cùng bị chế độ Nga hoàng áp bức – đối với nhân dân Nga vĩ đại; Liên Xô được hình thành dựa trên tình hữu nghị giữa các dân tộc trong toàn Liên bang.
Tháng Tư 1923, Đại hội thứ XII của Đảng khai mạc. Đó là Đại hội đầu tiên từ khi Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi, mà Lê-nin đã không tham gia được do sức khỏe của Người khá là yếu. Các nghị quyết của Đại hội đều căn cứ trên những chỉ thị mà Lê-nin đã đề ra trong như bài báo và thư từ trước đó. Đại hội đã kịch liệt phản bác ý kiến của phái đối lập khi cố ý vu cáo chủ trương Chính sách Kinh tế mới của Đảng là từ bỏ lập trường Xã hội chủ nghĩa (bọn tả phái) và bọn muốn đẩy việc phát triển chủ nghĩa tư bản (bọn phái hữu). Đại hội kiên quyết phản bác những luận điệu vu cáo ấy và những đề nghị của phái Tờ-rốt-ski và phái Bu-kha-rin.
Sta-lin báo cáo công tác của Trung ương về vấn đề tổ chức và báo cáo về “Những nhân tố dân tộc trong cuộc kiến thiết Đảng và đất nước”. Trong báo cáo công tác, Sta-lin đã vạch rõ công tác lớn lao của Đảng đã làm, sự trưởng thành của Đảng, sự củng cố các mối gắn kết giữa Đảng và quần chúng (Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản, các Xô viết đại biểu, …), tổng kết hai năm thực hiện Chính sách Kinh tế mới, quy định những nhiệm vụ mà Đảng phải tiến hành trong thời gian tới. Đồng chí Sta-lin kết thúc bài phát biểu với câu nói: “Đảng ta vẫn đoàn kết, gắn bó với nhau, đảng đã thực hiện bước ngoặt vĩ đại, tiến phía trước phất cao ngọn cờ của mình” (3).
Đại hội chú ý đặc biệt đến vấn đề dân tộc. Trong báo cáo, Sta-lin nhấn mạnh về ảnh hưởng quốc tế của chính sách của Đảng; và chỉ ra rằng các dân tộc bị áp bức ở phương Đông và phương Tây đã nhận thấy ở Liên Xô một tấm gương về cách thức giải quyết vấn đề dân tộc. Sta-lin nêu ra sự cần thiết phải thủ tiêu tình trạng bất đồng về kinh tế và văn hóa giữa những dân tộc trên đất nước Xô viết. Đồng chí kêu gọi toàn Đảng đấu tranh chống chủ nghĩa Sô-vanh Đại Nga và chống lại chủ nghĩa dân tộc địa phương đang bành trướng và phục hồi từng bộ phận của chủ nghĩa tư bản. Sta-lin đã lật mặt nạ những phần tử Giê-óc-gi dân tộc chủ nghĩa ở miền Nam Giê-óc-gi. Chúng phản đối việc thành lập Liên bang Nam Cáp-ca-dơ, phản đối việc củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc Nam Cáp-ca-dơ. Đối với dân tộc khác ở Giê-óc-gi, chúng tỏ ra sô-vanh dân tộc, trục xuất tất cả những người không phải Giê-óc-gi – nhất là người Ác-mê-ni - ra khỏi Ti-phờ-lít, chúng ban hành đạo luật quy định những người phụ nữ Giê-óc-gi nếu lấy người dân tộc khác sẽ bị mất quốc tịch Giê-óc-gi.
Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thì nguy cơ mới từ các nước đế quốc cũng xuất hiện, nhằm gây khó dễ đối với các nước Cộng hòa Xô viết, đó là vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao. Những phần tử chống Liên Xô và chủ trương can thiệp trong giai cấp tư sản đã lên nắm quyền ở Anh và Pháp. Liên bang Xô viết đã khéo léo vượt qua mọi mưu tính, từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1924, các cường quốc tư bản lớn ở châu Âu bắt đầu công nhận ngoại giao Liên Xô. Đồng chí Sta-lin nhận xét rằng: “Chúng ta đã thoát khỏi nguy cơ mà không bị chút thiệt hại nào cho sự nghiệp của chúng ta, điều đó hiển nhiên chứng tỏ những người học trò của đồng chí Lê-nin đã học ở Người một chút gì đó” (4).
Tháng Giêng 1924, Hội nghị đại biểu thứ XIII của Đảng họp, nghe báo cáo của đồng chí Sta-lin tổng kết cuộc tranh luận với bọn Tờ-rốt-ski. Hội nghị đã thẳng tay kết án bọn Tờ-rốt-ski. Những nghị quyết của Hội nghị đều đượcc Đại hội XIII của Đảng (tháng Năm 1924) và Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (mùa hạ 1924) tán thành.
Ngày 21 tháng Giêng 1924, Lê-nin, nhà lãnh tụ và sáng lập của Đảng Bôn-sê-vích, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân đã từ trần tại Goc-ki (Gorki), ngoại ô thủ đô Mát-xcơ-va. Là người kế tục sự nghiệp vĩ đại của I-ly-ích (Lê-nin), là người bạn chiến đấu và người con tin cậy của Đảng, Sta-lin đã tiếp tục giương cao mãi ngọn cờ vĩ đại của Lê-nin, ngọn cờ của Đảng.
Ngày 26 tháng Giêng, Đại hội thứ II các Xô viết toàn Liên Xô đã họp bàn về vấn đề cử hành tang lễ. Đồng chí Sta-lin thay mặt Trung ương, thay mặt toàn Đảng tuyên thệ:
“Chúng ta, những người cộng sản, là những người có một tính cách đặc biệt. Chúng ta được cấu tạo từ một chất liệu riêng. Chúng ta họp thành đạo quân của nhà chiến lược vô sản vĩ đại, đạo quân của đồng chí Lê-nin. Không có gì cao quý bằng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của đạo quân ấy. Không có gì cao quý bằng danh hiệu đảng viên của đảng mà đồng chí Lê-nin là người sáng lập và lãnh đạo…
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn chúng ta phải nêu cao và giữ gìn trong sạch cái danh hiệu vinh quang là đảng viên. Thưa đồng chí Lê-nin! Chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí!>
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn chúng ta phải gìn giữ sự thống nhất trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Thưa đồng chí Lê-nin! Chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí!>
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn lại chúng ta phải đem hết sức mình bảo vệ và củng cố nền chuyên chính vô sản. Thưa đồng chí Lê-nin! Chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí!>
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn lại chúng ta phải ra sức củng cố liên minh giữa công nhân và nông dân. Thưa đồng chí Lê-nin! Chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí!>
…Đồng chí Lê-nin đã luôn luôn nói với chúng ta về sự cần thiết phải có liên minh tự nguyện của các dân tộc trong nước ta, là sự cần thiết phải có sự hợp tác anh em của các dân tộc ấy trong khuôn khổ liên minh các nước cộng hòa…
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn lại chúng ta phải củng cố và mở rộng Liên minh các nước cộng hòa. Thưa đồng chí Lê-nin! Chúng tôi thề đem hết danh dự thực hiện lời căn dặn của đồng chí!>
Lê-nin đã nhiều lần chỉ cho chúng ta thấy củng cố Hồng quân và cải thiện tình hình của Hồng quân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng ta… Các đồng chí, chúng ta hãy thề không tiếc sức trong việc củng cố Hồng quân và Hạm đội đỏ của chúng ta…
<Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lê-nin đã căn dặn lại chúng ta phải trung thành với những nguyên tắc của Quốc tế Cộng sản. Thưa đồng chí Lê-nin, chúng tôi thề không tiếc gì tính mạng trong việc củng cố và mở rộng liên minh của những người lao động toàn thế giới - Quốc tế Cộng sản!>
Đó là lời thề của Đảng Bôn-sê-vích trước người thầy, vị lãnh tụ vĩ đại Vla-đi-mia I-ly-ích Lê-nin, Người sẽ đời đời sống mãi trong sự nghiệp chân chính của nhân dân Xô viết.
Trong những ngày tang lễ, Sta-lin đã viết một bức thư gửi ban biên tập Báo Công nhân như sau:
“Hãy nhớ, hãy yêu, hãy học I-ly-ich, người thầy, vị lãnh tụ của chúng ta.
Hãy đấu tranh và chiến thắng thù trong giặc ngoài, như I-ly-ich đã làm.
Hãy xây dựng đời sống mới, sinh hoạt mới, văn hóa mới như I-ly-ich đã làm.
Không bao giờ được bỏ qua những việc nhỏ nhặt trong công tác, vì chính từ những việc nhỏ nhặt mà sinh ra những việc lớn, đó là một trong những di huấn trọng yếu của I-ly-ich”.
Lợi dụng lúc Lê-nin lâm bệnh, rồi sau khi Người từ trần, bọn phản động và kẻ thù của chủ nghĩa xã hội đã mưu toan kéo Đảng đi chệch con đường của Lê-nin. Tờ-rốt-ski và những kẻ chống Đảng đã công khai mở cuộc tranh luận mới, công kích Đảng. Những người Bôn-sê-vích đứng chung quanh Sta-lin kiên quyết giữ lập trường của vị lãnh tụ vừa mới mất.
Trong bài diễn văn “Chủ nghĩa Tờ-rốt-kít hay chủ nghĩa Lê-nin?” đọc tại Hội nghị toàn thể của Đảng đoàn trog Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên Xô, tháng Mười một 1924, Sta-lin nói: trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Tờ-rốt-kít thời kỳ ấy rằng “nhiệm vụ của Đảng là phải chôn vùi chủ nghĩa Tờ-rốt-kít, không cho nó đứng làm một trào lưu tư tưởng”. Sta-lin chỉ cho Đảng thấy, trong điều kiện lúc đó, chủ nghĩa Tờ-rốt-kít là nguy cơ chính trong Đảng.
Sta-lin phát biểu: “Lúc này đây, - sau cuộc thắng lợi tháng Mười, trong điều kiện Chính sách Kinh tế mới hiện thời, phải coi chủ nghĩa Tờ-rốt-kít là nguy cơ lớn nhất, vì nó tìm cách truyền những sự hoài nghi đối với khối liên minh công nông, hoài nghi đối với công cuộc biến chuyển nước Nga dưới chế độ Chính sách Kinh tế mới thành nước Nga xã hội chủ nghĩa” (5).
Sta-lin đã chứng minh rằng đánh bại chủ nghĩa Tờ-rốt-kít về mặt tư tưởng là một điều cần thiết để làm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Sta-lin nói:
“Không đánh tan chủ nghĩa Tờ-rốt-kít, không thể thắng trong điều kiện của thời kỳ Chính sách Kinh tế mới, không thể biến chuyển nước Nga ngày nay thành nước Nga xã hội chủ nghĩa” (6).
Trong các mặt trận chống chủ nghĩa Tờ-rốt-kít, Sta-lin đã đoàn kết Đảng chung quanh Trung ương và động viên Đảng tiếp tục đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở Liên Xô. Tác phẩm lý luận của Sta-lin “Những nguyên lý chủ nghĩa Lê-nin”, xuất bản năm 1924, đã có một tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc đánh bại chủ nghĩa Tờ-rốt-kít về mặt tư tưởng, để bảo vệ, chứng minh và phát triển chủ nghĩa Lê-nin. Đó là một bản cáo trạng lý luận sâu sắc chống lại những khuynh hướng sai phạm đang nổi lên trong Đảng.
Công việc phục hồi kinh tế quốc dân đã chấm dứt. Tình hình quốc tế và trong nước đã thay đổi. Trong những nước tư bản, làn sóng cách mạng tạm thời rút xuống; chủ nghĩa tư bản tạm thời ổn định trên từng bộ phận. Kinh tế của Liên Xô đã tiến đến mức trước chiến tranh. Phải tiếp tục tiến lên nữa. Vấn đề triển vọng của công cuộc kiến thiết, vấn đề vận mệnh của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô được đặt ra vô cùng cấp bách.
Sta-lin viết:
“Đối với các công nhân nhà máy “Đi-na-mô”(Diamond) cũng như đối với các công nhân trên toàn cõi nước Nga, tôi chúc sao cho nền nông nghiệp sẽ tiến lên, số vô sản ở nước Nga rồi đây sẽ tăng lên, đến 20 hay 30 triệu; nền kinh tế tập thể ở nông thôn phồn thịnh và chi phối được kinh tế tư nhân; nền công nghiệp tiên tiến và nền kinh tế tập thể hóa ở nông thôn sẽ hoàn toàn tập hợp được vô sản các công xưởng và lao động nông thôn thành một đạo quân xã hội chủ nghĩa duy nhất; thắng lợi của Nga sẽ đem đến thắng lợi của toàn thế giới” (7).
Bằng cách tổng hợp về mặt lý luận các kinh nghiệm của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, các kinh nghiệm trong những năm đầu của cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa trong vòng vây tư bản, Sta-lin đã bảo vệ và phát triển sâu sắc hơn nữa học thuyết của Lê-nin về vấn đề chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở riêng nước Nga.
Tháng Chạp 1924, tác phẩm của Sta-lin “Cách mạng tháng Mười và sách lược của những người cộng sản Nga”, đã xuất bản. Khi vận dụng lý luận để chứng minh lời của Lê-nin rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước, Sta-lin đã trình bày về hai phương diện: phương diện trong nước và phương diện ngoài nước. Phương diện trong nước, đó là vấn đề tương quan giữa các giai cấp trong nước trong công cuộc cải tạo xã hội; phương diện ngoài nước, đó là vấn đề tương quan giữa Liên Xô, và các nước tư bản chủ nghĩa bao vây xung quanh. Về những khó khăn bên trong, công nhân và nông dân Liên Xô hoàn toàn có thể đem sức lực bản thân ra khắc phục được: họ hoàn toàn có thể thắng giai cấp tư sản trong nước về mặt kinh tế, và có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Song, khi nào mà vòng vây tư bản còn, thì khi đó, đối với Liên Xô vẫn còn nguy cơ can thiệp của bọn tư bản và nguy cơ khôi phục chế độ tư bản. Muốn tránh nguy cơ ấy, phải thủ tiêu vòng vây tư bản. Nhưng chỉ có thể thủ tiêu vòng vây tư bản ấy khi nào cách mạng vô sản ít ra đã giành thắng lợi trong nhiều nước nữa. Chỉ đến khi đó, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô mới có thể coi là thắng lợi toàn vẹn.
Đó là cơ sở của Nghị quyết lịch sử của Hội nghị đại biểu thứ XIV của Đảng (tháng Tư 1925). Hội nghị tán thành và coi chủ trương về việc có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là phương hướng cho toàn Đảng. Trong bản báo cáo trình bày trước Hội nghị các chiến sĩ Đảng ở Mát-xcơ-va về “Tổng kết công tác của Hội nghị thứ XIV của Đảng Cộng sản Nga”, - Sta-lin đặc biệt nhấn mạnh về điểm cần thiết phải làm cho trung nông tham gia vào công cuộc cảo tạo xã hội chủ nghĩa. Sta-lin nói:
“Điều chủ yếu lúc này, là làm sao đoàn kết được trung nông chung quanh giai cấp vô sản, làm sao thu phục được họ lần nữa. Điều chủ yếu lúc này, là liên hiệp với khối căn bản của quần chúng nông dân, nâng cao trình độ vật chất và văn hóa của họ và tiến tới - với quần chúng căn bản ấy- con đường chủ nghĩa xã hội. Điều chủ yếu là phải kiến thiết chủ nghĩa xã hội cùng với nông dân, nhất định cùng với nông dân và nhất định dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, vì chỉ có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới đem lại điều kiện bảo đảm cơ bản làm cho công cuộc kiến thiết theo đúng con đường chủ nghĩa xã hội” (8).
Tháng Chạp 1925, Đại hội lần thứ XIV của Đảng khai mạc. Trong bản báo cáo chính trị đọc trước Trung ương Đảng, Sta-lin đã phác họa một cách rõ rệt bước tiến của lực lượng chính trị và kinh tế ở Liên Xô. Tuy nhiên, đồng chí Sta-lin cũng nhắc nhở là không thể coi những thắng lợi ấy là đủ, vì đất nước lúc này vẫn là một nước lạc hậu, một nước nông nghiệp. Muốn giữ vững nền độc lập về kinh tế và tăng cường khả năng phòng thủ, muốn tạo dựng cơ sở kinh tế cần thiết cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phải tiến hành cải tạo đất nước, từ nước nông nghiệp thành nước công nghiệp.
Từ trên diễn đàn Đại hội thứ XIV của Đảng, đồng chí Sta-lin phát biểu:
“Biến đổi nước ta từ một xứ nông nghiệp thành xứ công nghiệp đủ khả năng tự tạo ra đồ dụng cụ cần thiết, đó là cơ sở, là căn bản của đường lối chung của chúng ta” (9).
Chống lại kế hoạch công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Sta-lin, Di-nô-vi-ép và Ka-mê-nép đã trình bày một kế hoạch khác hẳn, ngược lại đường lối của Sta-lin, chủ trương Liên Xô phải là một nước nông nghiệp, chủ yếu sản xuất nguyên liệu và lương thực cho xuất khẩu và nhập khẩu từ bên ngoài những máy móc hiện đại. Như vậy chủ trương của họ là để cho Liên Xô phụ thuộc hoàn toàn nền kinh tế và công nghiệp của mình vào các nước tư bản ngoại quốc.
Sta-lin đã tố cáo và vạch mặt bọn Tờ-rốt-ski, Di-nô-vi-ep, Ka-mê-nép với tư cách là những phần tử tiểu tư sản – phái Men-sê-vích còn sót lại trong Đảng.
Tại Đại hội XIV, đồng chí Sta-lin cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là giữ vững sự liên minh chặt chẽ của giai cấp công nhân với trung nông.
Đại hội XIV đã tán thành nhiệm vụ chủ yếu của Đảng lúc bấy giờ là: thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tranh thủ thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.
Sau Đại hội, đầu năm 1926, tác phẩm “Vấn đề chủ nghĩa Lê-nin” ra đời. Trong cuốn sách có giá trị lịch sử ấy, Sta-lin đã đập tan thứ “triết học” thủ tiêu của Di-nô-vi-ep về phương diện tư tưởng và dùng lý luận chứng minh cương lĩnh của Đại hội XIV của Đảng chủ trương lấy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa cho đất nước và cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm. Sta-lin đã vũ trang cho Đảng và giai cấp công nhân niềm tin sắt đá vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng Bôn-sê-vích bằng những kinh nghiệm tích lũy đã dẫn dắt nhân dân bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Trong công cuộc kiến thiết vĩ đại đó, cuộc đấu tranh chống những tư tưởng đi chệch chủ nghĩa Lê-nin của bọn Tờ-rốt-ski, Di-nô-vê-ep, Bu-kha-rin và Ka-mê-nép là những chiến thắng lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại của toàn Đảng. Một đội ngũ lãnh đạo trung kiên của Đảng mới đã hình thành gồm có: Sta-lin, Ki-rốp (Kirov), Mô-lô-tốp, Ka-li-nin, Ka-ga-no-vich, Dẹc-din-ski, Vô-rô-shi-lốp, Kuy-bư-sep (V.Kuybyshev), Phờ-run-de (Frunze), Oc-giô-ni-kit-dê, Ia-rô-slap-ski (Yaroslavsky), Mi-koi-an (Mikoyan), An-đrê-ep (Andreep), Svec-nich (Shvernik), Jđa-nôp (Zhdanov), Ski-ri (Shkiryatov) và nhiều người khác nữa. Những người trung kiên ấy đã bảo toàn ngọn cờ vinh quang của Lê-nin, đoàn kết toàn Đảng chung quanh những lời di huấn của Lê-nin và đưa nhân dân Xô viết tiến lên con đường công nghiệp hóa và tập thể hóa xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Sta-lin là người lãnh đạo khối trung kiên ấy và nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Xô viết.
Mặc dù với cương vị là người đứng đầu của Đảng và Nhà nước Xô viết, nhưng đồng chí Sta-lin vẫn không biểu hiện sự tự kiêu, tự mãn. Trong cuộc phỏng vấn với nhà văn nổi tiếng người Đức Ludwig, Sta-lin đã nêu cao vai trò vĩ đại của Lê-nin trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, về bản thân, Người chỉ nhận: “Về phần tôi, tôi chỉ là một học trò của Lê-nin, và mục đích của tôi là trở nên xứng đáng với thầy” (10).
Ghi chú
(1) Lê-nin, toàn tập, tập 27, tr.238, Nga văn, in lần 3.
(2) Sta-lin: Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc và thuộc địa, tr.126, Nga văn, 1939.
(3) Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Liên Xô, Nxb Sự Thật, Hà Nội,1970, tr.406.
(4) Sta-lin: Nói về phe đối lập. Bài báo và Diễn văn, 1921 – 1927, Nga văn.
(5) Sta-lin: Vấn đề nông dân. Tập bài báo và diễn từ, 1926, tr.55, Nga văn.
(6) Sta-lin: Vấn đề nông dân. Tập bài báo và diễn từ, 1926, sdd, tr.55.
(7) G. Oc-giô-ni-kít-dê: Tuyển tập các bài báo và diễn văn (1911-1937), tr.450, Nga văn, 1939.
(8) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, tr.127-128, Nga văn.
(9) Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tốc ký, 1926, tr.448, Nga văn.
(10) Sta-lin tiếp chuyện nhà văn hào Đức Emil Ludwig 1938, tr.3, Nga văn.