Chương VI


Bị cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười lật đổ, bọn đại địa chủ và tư bản Nga đã cấu kết với bọn tư bản các nước khác để tổ chức cuộc can thiệp quân sự chống nước Cộng hòa Xô viết non trẻ. Chúng mưu đồ đè bẹp công nhân và nông dân, lật đổ chính quyền Xô viết và nô dịch chúng ta một lần nữa.

Mùa xuân 1918, bọn đế quốc Anh – Pháp tổ chức cuộc nổi loạn của quân đoàn Tiệp Khắc, gồm những tù binh của đạo quân Áo – Hung, lúc đó trên đường Xi-bi-ri trở về Pháp, sau hòa ước với Đức đã được ký kết.

Cuộc phiến loạn của quân đoàn Tiệp nổ ra để hòa một nhịp với các cuộc bạo loạn của quân Bạch vệ và bọn xã hội cách mạng trong 23 thành thị ở lưu vực sông Vôn-ga (Volga), cuộc bạo động của bọn xã hội cách mạng tả phái ở Mát-xcơ-va, việc đổ bộ của quân đội Anh ở Muc-man-sk (Musmansk) đã làm trỗi dậy tất cả những lực lượng phản cách mạng. Cuộc bạo loạn của quân đội Tiệp nổ ra giữa lúc tình hình cực kỳ nghiêm trọng. Nước Nga chỉ vừa mới thoái khỏi gọng kìm của chiến tranh đế quốc. Sự thống trị của bọn tư bản và đại địa chủ đã đưa Tổ quốc lâm vào tình thế hiểm nghèo. Công nhân trong các đô thị chỉ được lĩnh 50 gam bánh mì mỗi ngày. Nước Cộng hòa thì bị cắt đứt khỏi vựa lúa của U-cờ-ren và Xi-bi-ri. Chỉ còn một vùng ở Đông Nam, lưu vực sông Vôn-ga và Bắc Cáp-ca-dơ là có thể cung cấp được lúa, nhưng lại phải chở trên sông Vôn-ga, đi ngang qua Tờ-xa-rít-xưn (Tsarina) (1). Phải có lúa mới cứu vãn được cách mạng. Lê-nin kêu gọi các công nhân Pê-tờ-rô-gờ-rat tổ chức một phong trào kéo về thôn quê, giúp dân nghèo chống lại bọn đầu cơ thóc lúa, bọn ku-lắc (2), bọn thổ hào. Sta-lin được Trung ương Đảng cử đi làm phái viên và được toàn quyền trong công tác tổ chức tiếp tế lương thực ở miền Nam Nga, để từ đó có thể chuyên chở bánh mỳ từ vùng Vôn-ga và Bắc Cáp-ca-dơ về Pê-tờ-rô-gờ-rat tránh vòng vây của quân Đênikin (Denikin) (3) – lúc đó đang chiếm đóng vựa lúa mỳ ở U-cờ-ren và sông Đông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này, lãnh tụ Lê-nin – Chủ tịch Xô viết các dân ủy đã viết giấy giới thiệu như sau: “Thành viên hội đồng dân ủy, đồng chí I.V. Sta-lin được bổ nhiệm là Ủy viên dân ủy lãnh đạo chung các hoạt động ở vùng Nam nước Nga với các quyền đặc biệt. Các ủy ban địa phương, các phòng tham mưu và chỉ huy các đơn vị, các trưởng ga đường sắt, các tổ chức thu gom hàng hóa, các hạm đội chở hàng đường sông, biển, các tổ chức bưu điện… có trách nhiệm chấp hành mệnh lệnh của đồng chí Sta-lin” (4).

Ngày 6 tháng Sáu 1918, Sta-lin lãnh đạo một đội công nhân tới Tờ-xa-rit-xưn. Đồng chí Sta-lin đã nhìn thấy tầm quan trọng chiến lược của Tờ-xa-rit-xưn, nơi đây có thể trở thành hướng tấn công chủ yếu của các lực lượng phản cách mạng. Tờ-xa-rit-xưn mà thất thủ, thì nước Cộng hòa sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn lợi cuối cùng về lúa mì và đứt khỏi miền dầu hỏa Baku: bọn Bạch Nga sẽ thừa thế nối liên lạc với bọn phản cách mạng miền sông Đôn, với bọn Kôn-sắc (Cossack) và bọn phản cách mạng Tiệp, để cùng nhau hợp sức tấn công Mát-xcơ-va. Do đó, chính quyền Xô viết nhất định phải giữ Tờ-xa-rit-xưn.

Sau khi quét sạch bọn Bạch vệ trong thành phố, sau khi củng cố hệ thống lương thực và tiếp tế lương thực cho các thành phố bị đói, Sta-lin đã ra sức củng cố phòng thủ Tờ-xa-rit-xưn. Đồng chí sống trong toa xe lửa được các chiến sĩ cận vệ đỏ canh gác. Với cương vị đại diện đặc biệt, Sta-lin đã yêu cầu các cán bộ Đảng, chính quyền và quân đội ở địa phương báo cáo tình hình. Tuy nhiên về vấn đề quân sự Sta-lin không cảm thấy hài lòng khi thấy một số đơn vị trước đây do Tờ-rốt-ski phái tới đã không tuân lệnh, Sta-lin đã gửi điện cho Lê-nin, yêu cầu trao quyền về cả lĩnh vực quân sự cho mình, vì phát hiện thấy nhiều điều bất ổn. Ban Chấp hành Trung ương lúc đầu không đồng ý với đề nghị này và yêu cầu Sta-lin làm đúng nhiệm vụ của mình.

Bằng cuộc đấu tranh quyết liệt, Sta-lin đã chứng minh cho mọi người thấy việc bố trí phòng thủ của những chuyên gia do Tờ-rốt-ski gửi tới trước đó là sai, và cấp tốc tổ chức lại công việc phòng thủ đó. Ông kêu gọi những đơn vị của Vô-rô-si-lốp (Voroshilov) (5) từ Đôn-bát-xờ (Donbass) đến, - những đơn vị ấy, trở thành khối trung kiên của Đạo quân thứ Mười mới thành lập. Nhờ ý chí sắt đá và kiên cường cũng như tầm nhìn chiến lược của Sta-lin, Tờ-xa-rit-xưn đã được bảo toàn và quân Bạch Vệ không thể đánh lọt qua được để tiến đánh Mát-xcơ-va.

Cuộc phòng vệ anh dũng Tờ-xa-rit-xưn vừa khớp với cuộc thất bại của quân Đức ở U-cơ-ren. Tháng Mười một 1918, cách mạng nổ ra ở Đức và Áo – Hung. Trung ương Đảng cử Sta-lin đi tổ chức mặt trận U-cờ-ren để hỗ trợ cho công nhân và nông dân U-cờ-ren. Hai mươi cán bộ cấp chỉ huy của Đảng, thuộc Đạo quân thứ Mười, do Vô-rô-si-lốp đứng đầu, đã được điều động đến, đặt dưới quyền chỉ huy của Sta-lin. Cuối tháng Mười một, Hồng quân U-cờ-ren tiến tới đánh Pet-li-u-ra (Petliura) và quân Đức, giải phóng Khác-kôp (Kharkov). Ở phía Tây, thành phố Min-sk cũng được giải phóng. Sta-lin nỗ lực hoạt động để giải phóng các vùng phía Tây và thành lập Cộng hòa Bê-lô-rút-xia.

Ngày 30 tháng Mười một 1918, Hội đồng Quốc phòng Công nông được thành lập, Lê-nin làm chủ tịch. Nhiệm vụ của Hội đồng là chỉ huy toàn bộ công tác quốc phòng, từ các mặt trận đến hậu phương, để động viên công nghiệp và vận tải, cũng như tất cả các nguồn lực của đất nước. Được tham gia vào Hội đồng ấy với tư cách là đại biểu của Ủy ban Chấp hành Xô viết Trung ương, Sta-lin thực tế đã trở thành cánh tay phải đắc lực của Lê-nin.

Cuối năm 1918, tình hình nguy cấp xảy ra trên mặt trận phía Đông. Đạo quân Cô-dắc vội vã liên lạc với quân đội Anh tấn công từ phía Bắc. Nhân danh Hội đồng Quốc phòng, Lê-nin yêu cầu phải củng cố bằng được tình thế phía trước Pẹc-mờ (Perm) và đề nghị Trung Ương cử đồng chí Sta-lin đến Dẹc-din-ski (Dzerzhinsky) (6) để cứu vãn tình thế. Ở miền Nam, phía dưới Tờ-xa-rit-xưn, Sta-lin cũng đã ngăn cản bọn phản cách mạng ở sông Đôn, làm cho chúng không bắt tay liên lạc được với đồng minh ở miền U-ran và lưu vực sông Vôn-ga. Tại miền Bắc, Sta-lin phá tan kế hoạch của bọn đế quốc định tiếp tay cho quân đoàn Tiệp Khắc lẫn Cô-dắc, Hồng quân đã đánh bại hoàn toàn và cắt đứt liên lạc của bọn chúng với quân Đồng minh ở phía Nam và Bắc.

Sau khi ở mặt trận Đông về, Sta-lin tham gia vào công tác kiểm tra của Trung ương. Theo đề nghị của Lê-nin, tháng Ba 1919, Sta-lin được ủy nhiệm giữ chức vụ Dân ủy Thanh tra, sau này đổi tên thành Dân ủy Thanh tra Công nông. Sta-lin giữ chức vụ ấy cho đến tháng Tư 1922. Công tác đã làm cho người lao động tham gia tích cực vào chính quyền non trẻ.

Tháng Năm 1919, tướng Iu-đê-nit-sờ (Yudenich) (7), do quân Bạch vệ Phần Lan và E-stô-ni (Estonia) giúp sức, đã tiến đánh Pê-tờ-rô-gờ-rat, làm nghi binh để cho Hồng quân ngừng tấn công quân Cô-dắc. Cuộc tấn công ấy của Iu-đê-nt-sờ được hạm đội Anh ủng hộ. Tại hậu phương của Hồng quân, hai pháo đài “Kra-snai-a Goc-ka” (Krasnaya Gorka) và “Xê-nai-a Lô-sát” (Seraya Loshad) nổi loạn. Phòng tuyến của Hồng quân co lại, quân thù tiến đến cửa thành Pê-tờ-rô-gờ-rat.

Trung ương cử đồng chí Sta-lin tiếp tục đi chống quân Bạch vệ. Những chiến sĩ cộng sản ra mặt trận. Cùng với sự hỗ trợ của tàu chiến, cuộc phiến loạn tại hai pháo đài hậu phương đã bị dập tắt, đồng thời quân Bạch vệ cũng bị đánh lui. Mưu đồ chiếm lấy thành Pê-tờ-rô-gờ-rat của quân Đồng Minh đã bị thất bại. Tàn quân của Iu-đê-nít-sờ đã trốn sang E-stô-ni tị nạn. Mùa hạ 1919, đồng chí Sta-lin chuyển sang công tác tại mặt trận phía Tây, ở Smô-len-sk (Smolensk), tổ chức lực lượng đánh quân xâm lược Ba Lan.

Quân Đồng minh đã thất bại trong chiến dịch đầu tiên.

Sau khi tiến công các nơi như Ba-vi-e (Baravia), Hung-ga-ri, E-stô-ni, Let-tô-ni (Lithunia), quân Đồng minh đã mở chiến dịch thứ hai chống nước Nga Xô viết vào mùa thu năm 1919. Chiến dịch ấy, Sớc-sin (Churchill), nguyên Bộ trưởng chiến tranh của Anh lúc đó gọi là: “Chiến dịch 14 nước”.

Trong khi Hồng quân đánh Cô-dắc ở phía Đông thì Đê-ni-kin chiếm vùng Đôn-bát-xờ và xâm phạm vào U-cờ-ren trên một phạm vi rộng lớn. Tờ-rốt-ski đã làm xáo trộn công tác ở mặt trận phía Nam. Hồng quân liên tiếp thất bại nhiều trận. Quân xâm lược Ba Lan hỗ trợ cho Đê-ni-kin, chúng chiếm được Min-sk. Iu-đê-nit-sờ quay trở lại tấn công Pê-tờ-rô-gờ-rat; quân Cô-dắc thì cố thủ ở Tô-bôn (Tobol). Chưa bao giờ quân thù lại tiến sát thủ đô Xô viết như thế. Bọn tư bản ở Đôn-bát-xờ treo giải thưởng một triệu rúp cho đơn vị Bạch vệ nào tiến vào Mát-xcơ-va sớm nhất.

Trước sự tiến công của Bạch vệ, Lê-nin nhân danh Trung ương kêu gọi các tổ chức Đảng: “Đem toàn lực ra chiến đấu chống Đê-ni-kin!”.

Mặt trận phía Nam nhận được nhiều tiếp viện về người và quân trang dụng. Trung ương tiếp tục cử đồng chí Sta-lin ra mặt trận miền Nam để tổ chức lực lượng để đánh trả quân xâm lược và phiến loạn.

Hỗn loạn, không kế hoạch chiến lược, đó là tình trạng chung của mặt trận phía Nam. Sau các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Sta-lin với Tờ-rốt-ski, Sta-lin đã đề nghị Trung ương không cho phép Tờ-rốt-ski can thiệp vào công việc của mặt trận. Sta-lin nhanh chóng bỏ đi những phương án cũ, không nhằm hướng đi từ sông Vôn-ga đến No-vô-ri-isk (Novorossisk) để đánh thủng phòng tuyến của Đê-nin-kin. Sta-lin đã thay thế bằng phương án khác có lợi thế hơn, đem lực lượng chủ yếu đánh Đê-ni-kin từ khu vực Vô-rô-nê-giờ (Voronezh), theo hướng Khắc-kôp – Đôn-bát-xờ – Rô-stôp (Rostov), để cắt đạo quân phản cách mạng ra làm đôi. Kế hoạch ấy không những đã đánh bại quân thù mà còn đưa Hồng quân tiến vào những vùng trung tâm mà giai cấp vô sản đang đón chờ đội quân cách mạng của họ, đồng thời còn có thể tranh thủ được hệ thống đường ray xe lửa thuận lợi cho việc tiếp tế lương thực cho mặt trận. Kế hoạch còn đồng thời đặt ra nhiệm vụ giải phóng vùng Đôn-bát-xờ – một nơi có nhiều khoáng sản về mỏ và cung cấp khối lượng than lớn, là một nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp cách mạng.

Trung ương Đảng ngay lập tức thông qua kế hoạch của Sta-lin.

Để tổ chức thắng lợi, đồng chí đích thân ra tận chiến tuyến, động viên cổ vũ tinh thần binh sĩ, sửa chữa ngay những khuyết điểm, lựa chọn những sĩ quan và các sĩ quan chính trị. Chính dưới sự chỉ đạo của Sta-lin, mặt trận Miền Nam, các chính ủy quân đoàn đã nhận được chỉ thị vạch rõ nhiệm vụ cụ thể của các chính ủy một cách chính xác:

Người chính ủy quân đoàn là người chỉ đạo chính trị và giáo dục cho đơn vị của mình, là người thứ nhất bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của đoàn. Nếu tư lệnh đoàn là đầu não, thì chính ủy là người cha và là linh hồn của quân đoàn” (8).

Chính sách ấy của Sta-lin đã đạt được kết quả, đánh bại hoàn toàn quân Đê-ni-kin. Sta-lin đã thành lập binh đoàn kỵ binh thứ nhất Bu-đi-ôn-nư (Budemny) (9), Vô-rô-si-lốp, Stờ-sa-đen-kô (Schadenko) (10) lãnh đạo. Binh đoàn kỵ binh ấy với sự hỗ trợ của các lực lượng các mặt trận miền Nam, đã tiêu diệt được Đê-ni-kin.

Trong thời gian ngắn ngủi, tạm yên ổn sau khi Đê-ni-kin bị đánh tan, Sta-lin được Lê-nin ủy nhiệm lãnh đạo công cuộc khôi phục nền kinh tế quốc dân bị tàn phá ở U-cờ-ren. Trong những ngày tháng Hai, Ba 1920, Sta-lin được bầu vào cương vị đứng đầu Hội đồng đội quân lao động U-cờ-ren, đồng chí đã động viên các công nhân tăng gia sản xuất than. Trong lời kêu gọi đạo quân lao động, tháng Ba 1920, Sta-lin nói: “Trong lúc này, than cũng quan trọng cho nước Nga, như chiến thắng Đê-ni-kin” (11). Dưới sự lãnh đạo của Sta-lin, những người Bôn-sê-vích U-cờ-ren đã đạt được những thắng lợi lớn trong việc cung cấp nhiên liệu cho nước nhà và trong công cuộc tổ chức vận tải.

Tháng Năm 1920, nhận sự ủy nhiệm của Trung ương, Sta-lin xuống mặt trận Tây – Nam để chống lại bọn quý tộc Ba Lan đang mở chiến dịch thứ ba của Đồng minh chống nước Cộng hòa Xô viết. Sta-lin đã lãnh đạo cuộc tiến công phá vỡ phòng tuyến quân Ba Lan, giải phóng Ki-ép (Kiev) và đưa quân bao vây thành phố Lơ-vâu (Lvov). Cũng trong thời kỳ này Sta-lin đã xây dựng tuyến phòng thủ chống sự tấn công của Vờ-ran-ghen (Wrangel) (12) ở phía Nam, bọn phỉ vùng Crưm (Crime).

Những năm nội chiến đã cho thấy giữa Lê-nin và Sta-lin đã có mối liên hệ mật thiết, cả hai cùng nhau trao đổi thư từ liên lạc, chủ yếu là bàn về các vấn đề chiến lược và chiến thuật quân sự, bàn về Nhà nước, bàn về việc thi hành các nhiệm vụ chính trị và quân sự quan trọng. Sta-lin thường xuyên phân tích tình hình chiến sự gửi cho Lê-nin, cũng như là gửi những yêu cầu giúp đỡ từ phía Trung ương cho mặt trận mỗi khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Trong những năm Nội chiến, Trung ương Đảng và Lê-nin đã yêu cầu Sta-lin đến các mặt trận quyết định và nguy cấp nhất. Đồng chí Sta-lin là ủy viên Hội đồng quân sự cách mạng của nước Cộng hòa và cũng là ủy viên của các Hội đồng quân sự cách mạng trên các mặt trận Tây, Nam và Tây – Nam. Vô-rô-si-lốp nói: “Bất cứ ở đâu mà sự hỗn loạn và khủng khiếp có thể tức thời đem tê liệt và tai họa đến, thì ở đó người ta thấy có mặt Sta-lin” (13).

Sta-lin tổ chức quần chúng, đảng viên và công nhân tiến hành đấu tranh chống bọn phá hoại; chống lại mọi âm mưu phản bội, bọn tráo trở, gián điệp ở tiền tuyến và hậu phương.

Trước những sự thành công từ mặt trận, Lê-nin đã đề nghị với Ban Chấp hành Trung ương về việc khen thưởng đồng chí Sta-lin vì những cống hiến của đồng chí trên các mặt trận, trong thời kỳ Nội chiến. Nghị quyết của Ủy ban Chấp hành Trung ương Xô viết Nga ngày 27 tháng Mười một 1919, đã trao tặng đồng chí Sta-lin Huân chương Cờ đỏ.

Đảng Bôn-sê-vích, dưới sự lãnh đạo của Lê-nin đã lập nên đội quân công – nông hùng mạnh, đạo quân bách chiến bách thắng của giai cấp vô sản, đạo quân của công nhân và nông dân đã được giải phóng, đạo quân đoàn kết giữa các dân tộc trong nước Nga cũ, đạo quân được rèn luyện bởi học thuyết cách mạng chân chính và tinh thần quốc tế vô sản. Dưới ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa Lê-nin và tinh thần anh dũng của hàng ngàn chiến sĩ ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng, của Đoàn thanh niên Côm-xô-môn (Komsomol), cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của nước Cộng hòa công – nông đầu tiên trên thế giới đã thắng lợi to lớn.

Sta-lin là người khích lệ và tổ chức trực tiếp các cuộc thắng lợi vĩ đại của Hồng quân. Trên tất cả các nơi mặt trận có liên quan đến vận mệnh của cách mạng. Từ Tờ-xa-rít-xưn, Pec-mờ, trước Pê-tơ-rô-gờ-rat, chống Đê-ni-kin, chống quân Ba Lan, và chống Vờ-ran-ghen, khắp nơi đều để lại dấu ấn của Sta-lin cho sự thắng lợi của cách mạng. Sta-lin là người giáo huấn và lãnh đạo cho các ủy viên thế hệ đầu tiên trong quân đội. Những ủy viên chính trị ấy là những người – như Lê-nin nói, - không có họ thì không thể có Hồng quân.

Tên tuổi của đồng chí Sta-lin được gắn liền với những chiến công vinh vang của Hồng quân anh hùng!

Ghi chú

(1) Sau này chính là thành phố Stalingrad.

(2) Phú nông Nga

(3) Denikin: một tướng lĩnh chế độ Nga hoàng, sau đó trở thành tướng lĩnh của Bạch Vệ tham gia Nội chiến chống Hồng quân công - nông.

(4) Đại Nguyên soái, Vladimir Karpov, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 15.

(5) Voroshilov: một tướng lĩnh nổi tiếng của Hồng quân Liên Xô, một trong 5 Nguyên soái đầu tiên.

(6) Địa phương được đặt tên theo tên của Dzerzhinsky: Cha đẻ của ngành công an nhân dân, người sáng lập tổ chức Cheka, Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc dân. Một đảng viên Bôn-sê-vích cực kỳ nổi tiếng về tinh thần hăng hái, sự trung thực và lòng nhiệt thành cách mạng, ông cùng với Sta-lin tham gia tích cực trong việc đấu tranh chống lại sai lầm của các phải đối lập trong Đảng.

(7) Yudenich: một tướng lĩnh Nga hoàng, sau là Tướng Bạch vệ.

(8) Sự thật, số 344, ngày 14-2-1939, Xã luận “Những chính ủy trong quân đội”.

(9) Budenny (Budyonny): một tướng lĩnh hàng đầu của Hồng quân, một trong 5 Nguyên soái Liên Xô đầu tiên.

(10) Schadenko: một tướng lĩnh quân sự Liên Xô, sau này là Phó ủy viên Nhân dân Quốc phòng.

(11) Cách mạng vô sản, số 3, 1940, tr.164.

(12) Wrangel: một tướng lĩnh quân đội Nga hoàng, về sau trở thành lãnh đạo đám Bạch Vệ ở Crime

(13) Vô-rô-si-lốp: Sta-lin với Hồng quân, Bureau d’Éditions Paris, 1937.