Chương V


Ngày 3 tháng Tư 1917, sau một thời gian sống lưu vong tại nước ngoài, lãnh tụ Lê-nin đã về nước. Được tin lãnh tụ thân mến của cách mạng đã về, giai cấp công nhân Pê-tờ-rô-gờ-rat đã đừng chờ ở ga Bê-lô-stờ-rôp (Belostrov) chào đón Người với một tinh thần nhiệt liệt phấn khởi. Sta-lin dẫn đầu một đoàn đại biểu công nhân Pê-tờ-rô-gờ-rat đã đến đón Lê-nin. Tại nhà ga Phần Lan (Pê-tờ-rô-gờ-rat), cuộc chào đón Lê-nin được diễn ra trọng thể, một cuộc thị uy cách mạng đông đảo chào đón vị lãnh tụ của giai cấp vô sản trở về.

Ngay ngày hôm sau, Lê-nin đã có bài phát biểu bản Luận cương Tháng Tư nổi tiếng, vạch ra một con đường mới cho Đảng, đấu tranh kiên quyết để chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những luận cương của Lê-nin đặt trước Đảng một chuyển hướng mới, trong điều kiện mới của cuộc đấu tranh sau khi chế độ Nga hoàng bị lật đổ. Hội nghị đại biểu tháng Tư của Đảng đã lái Đảng vào con đường đấu tranh, biến “chiến tranh đế quốc” thành “nội chiến cách mạng”.

Trong Hội nghị Tháng Tư ấy, đồng chí Sta-lin không chỉ tán thành cương lĩnh mới của Lê-nin mà còn đấu tranh kiên quyết chống lại những chủ trương sai lầm của Ka-mê-nép, Rư-kôp (Rykov) (1) và một số đồng chí khác. Đồng chí Sta-lin còn trình bày trước Hội nghị về vấn đề dân tộc. Phát huy đường lối Mác – Lê-nin triệt để trong vấn đề dân tộc, Sta-lin đã minh chứng chính sách dân tộc của Đảng Bôn-sê-vích, nêu lên những quyền tự quyết của các dân tộc, cho rằng các dân tộc có quyền ly khai và tự lập thành những quốc gia độc lập. Chính sách dân tộc của Lê-nin và Sta-lin đã làm cho Đảng tranh thủ được sự ủng hộ của các dân tộc bị áp bức, trong cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại Tháng Mười.

Tháng Năm 1917, sau Hội nghị, Bộ Chính trị Trung ương được thành lập, trong đó có đồng chí Sta-lin tham gia. Từ năm 1917 cho đến năm 1953, Sta-lin luôn được bầu vào Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, đó là một minh chứng thực tế cho uy tín cá nhân của đồng chí ấy.

Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị Tháng Tư, Đảng hết sức triển khai các công tác để tranh thủ sự ủng hộ của quảng đại quần chúng, giáo dục họ và tổ chức họ theo tinh thần đấu tranh quyết liệt. Trong thời kỳ ấy, những biến cố tiếp tục diễn ra theo một nhịp mãnh liệt, buộc Đảng phải có một sách lược khôn khéo và linh hoạt.

Đồng chí Sta-lin kể lại:

Tôi còn nhớ năm 1917, sau khi đã trải qua bao nhiêu nhà lao và tù đày, tôi được Đảng giao cho phụ trách một công tác ở Lê-nin-gờ-rat (Lê-ningrad). Tại đó, giữa những công nhân Nga đông đảo, được trực tiếp liên lạc với người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, đồng chí Lê-nin, trong trận bão tố của cuộc chiến đấu lớn lao của giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, trong lúc chiến tranh đế quốc vẫn đang tiếp tục, lần thứ nhất, tôi đã hiểu rõ thế nào là lãnh tụ vĩ đại của một Đảng của giai cấp vô sản. Tại đó, giữa những công nhân Nga, - là những người giải phóng cho các dân tộc bị áp bức và mở đầu cho cuộc đấu tranh vô sản cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc, - tôi đã chịu phép “tẩy lễ” cách mạng lần thứ ba. Chính ở Nga, dưới sự lãnh đạo của Lê-nin, tôi đã trở thành một trong những nhà hoạt động chuyên nghiệp của cách mạng” (2).

Đồng chí Sta-lin đã ở giữa trung tâm toàn bộ công tác thực tiễn của Đảng. Là ủy viên của Trung ương, Sta-lin gióp một phần tích cực vào việc lãnh đạo công tác của Đảng ủy Pê-tờ-rô-gờ-rat; lãnh đạo báo Sự thật, viết bài cho báo ấy và báo Sự Thật của binh sĩ, hướng dẫn hoạt động của những người Bôn-sê-vích trong cuộc vận động tuyển cử thị chính ở Pê-tờ-rô-gờ-rat. Cùng với Lê-nin, Sta-lin đã tham gia công tác Hội nghị đại biểu toàn quốc của các tổ chức quân sự của Đảng, trong đó, Sta-lin đã báo cáo “Về phong trào dân tộc và các quân đội dân tộc”. Cùng với Lê-nin, Sta-lin tổ chức cuộc thị uy lịch sử, ngày 18 tháng Sáu, cử hành dưới khẩu hiệu của Đảng Bôn-sê-vích. Nhân danh Trung ương, Sta-lin đã thảo ra bản hiệu triệu công nhân và binh sĩ cách mạng ở Pê-tờ-rô-gờ-rat. Ngày 20 tháng Sáu, Đại hội đầu tiên của Xô viết toàn Nga đã cử đồng chí Sta-lin làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Sau những ngày tháng Bảy 1917, bị Chính phủ lâm thời phản cách mạng truy nã, Lê-nin đã bắt buộc phải rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Sta-lin trực tiếp lãnh đạo Trung ương và cơ quan trung ương Đảng lúc bấy giờ xuất bản các tờ báo dưới tên: Công nhân và binh sĩ, Người vô sản, Công nhân, Con đường công nhân. Đồng chí Sta-lin đồng thời cũng là người tổ chức bảo vệ Lê-nin, bảo vệ lãnh tụ cho toàn Đảng, cho nhân dân và cho sự nghiệp cách mạng bằng cách đấu tranh quyết liệt không để giao nộp Lê-nin cho chính phủ Lâm thời theo đề nghị của bọn Ka-mê-nép, Rư-kốp, Tờ-rốt-ski.

Cuộc tuần hành tháng Bảy 1917 bị đàn áp đã đưa đến một chuyển hướng trên bước phát triển của cách mạng. Trong những điều kiện mới của cuộc đấu tranh, Lê-nin đề ra cho Đảng một sách lược mới, Sta-lin cùng Svéc-lốp đã lãnh đạo công tác của Đại hội lần thứ VI của Đảng, họp bí mật vào tháng Bảy – Tám 1917. Trong cuộc Đại hội ấy, Sta-lin đọc báo cáo về công tác của Trung ương và một báo cáo về tình hình chính trị, trong đó, ông tuyên bố rõ rệt những nhiệm vụ và sách lược của Đảng trong cuộc đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sta-lin đã đập tan thuyết của Tờ-rốt-ski khi cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể thành công trên nước Nga.

Để đập tan những luận điệu ấy khi cho rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang hướng tới phải nhờ vào cuộc cách mạng vô sản ở Tây Âu mới thắng được, đồng chí Sta-lin đã tuyên bố: “Không có gì bắt buộc rằng chính nước Nga lại không phải là nước mở đường cho chủ nghĩa xã hội… Phải vứt bỏ cái ý kiến cũ rích cho rằng chỉ có châu Âu mới chỉ đường cho chúng ta được. Có một chủ nghĩa Mác giáo điều và một chủ nghĩa Mác sáng tạo. Tôi đứng vào lập trường của Chủ nghĩa Mác sáng tạo” (3). Lời nói ấy rất đúng, nước Nga là nước đầu tiên đã mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã đoàn kết chung quanh Sta-lin, người bênh vực học thuyết cách mạng của Lê-nin, học thuyết chủ trương cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thành công ở nước Nga. Đại hội VI của Đảng đã trở thành một đại hội chuẩn bị cho việc khởi nghĩa. Đại hội hướng Đảng vào con đường vũ trang khởi nghĩa giành lấy quyền chuyên chính cho giai cấp vô sản.

Tháng Tám 1917, tướng Kóc-ni-lốp (Kornilov) (4) nổi loạn, mưu lập lại chế độ Nga hoàng ở Nga. Những người Bôn-sê-vích phát động quần chúng nhân dân chống cuộc mưu phản. Cuộc phiến loạn của Kóc-ni-lốp đã bị dập tắt, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử cách mạng: thời kỳ tổ chức tấn công.

Trong khi Lê-nin buộc phải rút vào hoạt động bí mật, thì người luôn gắn bó và liên lạc mật thiết với Lê-nin qua các lá thư từ lại là Sta-lin. Hai lần Sta-lin đã đến thăm Lê-nin tại ga xe lửa Ra-dờ-lip (Razliv).

Dũng cảm và quả quyết, cương nghị và thận trọng, Lê-nin và Sta-lin đã dẫn dắt Đảng và giai cấp công nhân tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới vũ trang khởi nghĩa. Lê-nin và Sta-lin là những người khởi xướng và tổ chức cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Sta-lin, người bạn chiến đấu thân thiết của Lê-nin, đã cùng với Lê-nin chỉ huy trực tiếp tất cả những công tác chuẩn bị khởi nghĩa.

Những bài báo chỉ đạo của Sta-lin đều được đăng lại trong các báo Bôn-sê-vích địa phương. Sta-lin đã triệu tập những đại biểu của tổ chức địa phương, tập trung huấn thị và giao cho từng địa phương nhiệm vụ chiến đấu. Ngày 16 tháng Mười, Trung ương quyết định thành lập Tổng bộ của Đảng do đồng chí Sta-lin đứng đầu, trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Tổng bộ của Đảng là trung tâm chỉ đạo Ủy ban Quân sự Cách mạng bên cạnh Xô viết Pê-tờ-rô-gờ-rat, Tổng bộ đã thực sự là trung tâm lãnh đạo hoàn toàn cuộc khởi nghĩa.

Ngày 16 tháng Mười, trong bài diễn văn đọc tại phiên họp của hội nghị Trung ương Đảng, Sta-lin đã bác bỏ đề nghị của Di-nô-vi-ép (Zinoviev) và Ka-mê-nép, những kẻ đã chống lại cuộc khởi nghĩa vũ trang. Đồng chí Sta-lin nói: “Về mặt khách quan, đề nghị của Ka-mê-nép và Di-nô-vi-ép (5) đã giúp cho phe phản cách mạng chuẩn bị và tổ chức lại. Chúng ta sẽ phải lui đến cùng, và làm cho cách mạng thất bại. Tại sao lại không để chúng ta chọn trước ngày giờ và điều kiện để không cho bọn phản cách mạng tổ chức lại được ?” (6).

Ngày 24 tháng Mười, vào sáng sớm, Kê-ren-sky (Kerensky) (7) hạ lệnh cấm tờ Con đường Công nhân, cơ quan trung ương của Đảng, và cho những xe liên thanh đến bao vây tòa soạn và nhà in. Đến 10 giờ sáng, Sta-lin đã lãnh đạo các đội xích vệ và binh sĩ cách mạng đánh lui những xe liên thanh này, đồng thời củng cố canh phòng chung quanh tòa soạn và nhà in. Đến 11 giờ, tờ Con đường Công nhân lại xuất bản với bài xã luận của đồng chí Sta-lin: “Chúng ta phải làm gì?”, kêu gọi quần chúng đứng dậy lật đổ chính phủ lâm thời tư sản. Đồng thời, theo sự chỉ đạo của Tổng bộ Đảng, những đại đội binh sĩ cách mạng và tự vệ Đỏ được cấp tốc điều động đến điện Smôn-ny (Smolny). Cuộc khởi nghĩa nổ ra ngay vào ngày 24 tháng Mười dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Lê-nin. Chiều tối ngày 25 tháng Mười, Đại hội các Xô viết toàn Nga thứ II đã khai mạc, trao toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết.

Sta-lin được cử vào Hội đồng Ủy viên Nhân dân đầu tiên do Lê-nin làm chủ tịch, do Đại hội các Xô viết toàn Nga thứ II bầu ra, ngay sau khi Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại thắng lợi.

Cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại đã làm thế giới thay đổi: thế giới phân ra làm hai hệ thống, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Đảng Bôn-sê-vích phải đương đầu với những điều kiện mới, phải giải quyết những vấn đề mới mẻ lớn lao. Hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân cũng hoàn toàn biến đổi.

Từ những ngày đầu thành lập Chính phủ Xô viết cho đến 1923, đồng chí Sta-lin đã luôn luôn giữ chức Ủy viên Nhân dân bộ Dân tộc. Người trực tiếp chỉ huy công tác Đảng và chính quyền Xô viết để giải quyết vấn đề dân tộc ở Liên bang Xô viết. Dưới sự lãnh đạo của Lê-nin và Sta-lin, công nhân và nông dân bắt đầu lập nên những quốc gia cộng hòa Xô viết thay thế cho những thuộc địa của Nga hoàng cũ. Không có một cộng hòa Xô viết nào tổ chức mà Sta-lin lại không tham gia và trực tiếp chỉ đạo. Ông đã lãnh đạo cuộc đấu tranh thành lập Cộng hòa Xô viết U-cờ-ren (Ukraina), lãnh đạo công cuộc xây dựng Cộng hòa Bê-lô-rút-si-a (Belorussia), các cộng hòa Nam Cáp-ca-dơ và miền Trung Á. Người giúp đỡ các dân tộc trong đất nước Xô viết xây dựng những nước cộng hòa và khu Xô viết tự trị riêng của họ. Lê-nin và Sta-lin là những người trực tiếp sáng lập ra Nhà nước Liên bang Xô viết hùng mạnh.

Sta-lin và Svéc-lốp là những người bạn, người đồng chí thân cận nhất của Lê-nin, trong công cuộc xây dựng nước Cộng hòa Xô viết non trẻ. Cùng với Lê-nin, Sta-lin đã tiến hành cuộc đấu tranh chống Ka-mê-nep, Di-nô-vi-ep, Rư-kốp và nhiều kẻ khác. Đánh bại bọn tư sản Kê-ren-sky, Kra-snôp (Krasnov) (8), phá tan âm mưu phá hoại của bọn phản cách mạng và âm mưu đảo chính của bọn bảo hoàng, cấm báo chí tư sản, đấu tranh chống Rada (Quốc hội của bọn dân tộc chủ nghĩa) U-cờ-ren phản cách mạng, giải tán Quốc hội Lập hiến, thiết lập Hiến pháp Xô viết đầu tiên năm 1918,  - trong tất cả những biến cố lịch sử ấy, Sta-lin đã tham gia một cách rất tích cực.

Được Trung ương ủy nhiệm, tháng Giêng 1918, Sta-lin đã tổ chức cuộc hội nghị họp mặt các đại biểu cách mạng của các Đảng xã hội chủ nghĩa trên các nước Châu Âu và Châu Mỹ; cuộc hội nghị ấy có tác dụng quan trọng trong công cuộc đấu tranh để thành lập Đệ Tam Quốc tế do Lê-nin sáng lập.

Trong những ngày gay gó ký kết hòa ước Bờ-rét – Li-tôp (Brest- Litovsk), quyết định vận mệnh của nhà nước non trẻ, Lê-nin và Sta-lin đã kiên quyết đấu tranh chống lại phái cánh tả, chống lại những quan điểm của Tờ-rốt-ski và Bu-kha-rin. Chính họ day dưa không chịu ký kết hòa ước Bờ-rét – Li-tôp đã đẩy nước Cộng hòa Xô viết non trẻ vào cuộc chiến tranh với nước Đức mà kết quả là đất nước phải chịu những thiệt hại nặng nề gấp bội hơn.

Ghi chú

(1) Rykov: một nhà cách mạng Bôn-sê-vích lão thành, ông tham gia nhiều hoạt động tích cực hồi cách mạng Nga 1905. Từng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Trong thập niên 30, ông bị tố cáo vì những hành vi âm mưu lật đổ chính quyền Xô viết, có quan hệ với phái hữu Bukharin nên đã bị khai trừ Đảng và bị bắt giữ.

(2) Sự Thật, số 136, ngày 16-6-1926.

(3) Sta-lin toàn tập, tập 3, sdd, tr.186-187.

(4) Kornilov: sĩ quan chế độ Nga hoàng, một phần tử ủng hộ Chính phủ tư sản lâm thời.

(5) Zinoviev: một đảng viên Bôn-sê-vích lão thành, một trong những Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười. Về sau tham gia phe đối lập, thường xuyên chống các chính sách của Lê-nin. Thập niên 30, tham gia và là người tổ chức Trung tâm Tờ-rốt-ski – Di-nô-vi-ép, tổ chức các hoạt động khủng bố chống chính quyền Xô viết.

(6) Sta-lin toàn tập, tập 3, sdd, tr.381

(7) Kerensky: thủ tướng Chính phủ lâm thời tư sản Nga, trong Nội chiến đã trở thành lãnh đạo của phe Bạch Vệ.

(8) Krasnov: một tướng lĩnh Nga hoàng cũ, lãnh đạo của phe Bạch Vệ trong Nội chiến.