Chương IX
Ngày 27 tháng Mười Hai 1929, đồng chí Sta-lin có bài phát biểu trước Hội nghị các nhà mác-xít chuyên môn về vấn đề nông nghiệp. Trong diễn văn, đồng chí đã đánh đổ thuyết tư sản chủ trương “quân bình” giữa các khu vực của nền kinh tế quốc dân; ông đập tan thuyết phản mác-xít chủ trương “tự phát” trong công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa và thuyết phản mác xít cho rằng kinh tế tiểu nông là “bền vững”. Sau khi đã bác tất cả những thuyết hoạt đầu, hữu khuynh tư sản, Sta-lin đã phân tích về bản chất của các nông trường tập thể, coi như một hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa và chứng minh, bằng lý luận, bước chuyển sang chính sách tập thể hóa chung cho nông nghiệp và dựa trên căn bản thủ tiêu ku-lắc về mặt giai cấp.
Ngay từ Đại hội XI của Đảng, Lê-nin đã nói còn phải đánh một trận cuối cùng và quyết định nữa với chủ nghĩa tư bản Nga, đang nảy sinh với nền kinh tế tiểu nông. Song, trong thời kỳ ấy, chưa thể xác định được ngày tháng nào trận đánh đó sẽ diễn ra. Đồng chí Sta-lin, với lý luận sắc bén và luận chứng sâu sắc đã chứng minh một cách khoa học rằng thời cơ đã đến để đánh trận đánh quyết định ấy, chống chủ nghĩa tư sản ở bên trong. Đồng chí đã luận chứng rằng việc thủ tiêu ku-lắc về mặt giai cấp, không phải là tiếp tục chính sách cũ chủ trương hạn chế và loại trừ ku-lắc, mà là một chuyển hướng đột biến trong chính sách của Đảng.
“Nếu tịch thu ruộng đất của bọn đại địa chủ là bước đầu tiên của Cách mạng tháng Mười ở nông thôn, như Nghị quyết của Đại hội XIV của Đảng đã nói, - thì việc thành lập các nông trường tập thể là bước thứ hai; bước ấy đã đánh dấu một giai đoạn vô cùng quan trọng trong công cuộc kiến thiết cơ sở cho xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô” (1).
Nông thôn đã tiến đến kinh tế xã hội chủ nghĩa, vì sự cần thiết về kinh tế buộc người ta phải chuyển lên khai khẩn theo lối đại quy mô bằng con đường ac-ten (2), chuyển lên nông nghiệp tập thể, cơ khí hóa. Đảng Bôn-sê-vích và Nhà nước Xô viết, trong bao nhiêu năm, đã tạo ra trong nông thôn những lực lượng sản xuất mới, đã đưa vào đây kỹ thuật mới, với những máy kéo, máy gặt đập, … đã tạo ra những cán bộ cho nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa; hàng triệu người đã được đào tạo về mặt chuyên môn với kỹ thuật mới.
Trong bức thư lịch sử chào mừng các công nhân nhà máy chế tạo máy kéo ở Sta-lin-gờ-rat, ngày nhà máy bắt đầu khánh thành (17 tháng Sáu 1930), đồng chí Sta-lin viết:
“Tôi chào mừng và khen ngợi tất cả các công nhân và bộ phận chỉ huy nhà máy xô viết khổng lồ đầu tiên chế tạo máy kéo đã được thưởng Huân chương Cờ Đỏ. Năm vạn máy kéo mà các đồng chí cung cấp mỗi năm cho nước nhà, đó là năm vạn tạc đạn, làm nổ bật thế giới tư sản cũ và mở đường cho chế độ xã hội chủ nghĩa mới ở nông thôn. Xin gửi tới các đồng chí lời chào thành công trong việc thực hiện kế hoạch của các đồng chí” (3).
Những lực lượng sản xuất mới – chế độ sở hữu tập thể trong nông nghiệp, đã đẻ ra những quan hệ mới, quan hệ xã hội chủ nghĩa, giữa người và người ở nông thôn.
Đồng chí Sta-lin cho rằng, có thể tiến lên tập thể hóa, song không phải do sự gia nhập giản đơn và yên lặng của các nông dân vào nông trường tập thể mà do một cuộc đấu tranh của quần chúng nông dân chống bọn ku-lắc. Phải đánh bọn ku-lắc trong một trận công khai, trước mặt tất cả các tầng lớp nông dân, để quần chúng nông dân nhận thấy rõ sự suy nhược của các phần tử tư bản. Cho nên, bước tiến lên tập thể hóa chung cho nông nghiệp, nhất định phải mật thiết liên quan đến việc thủ tiêu ku-lắc về mặt giai cấp.
Những chỉ thị của đồng chí Sta-lin về sự cần thiết mở một chuyển hướng trong chính sách của Đảng – bắt đầu từ sự hạn chế các khuynh hướng bóc lột của bọn ku-lắc đến việc thủ tiêu chung ku-lắc về mặt giai cấp, - những chỉ thị ấy là cơ sở cho Nghị quyết của Trung ương, ngày 5 tháng Giêng 1930, “Về những nhịp tiến trong việc tập thể hóa và những biện pháp Nhà nước phải dùng để giúp công cuộc kiến thiết các nông trường tập thể”.
Các nhóm chống đối trong Đảng ra sức tìm mọi cách để làm sụp đổ đường lối của Đảng trong việc thực hiện tập thể hóa nông nghiệp. Những mưu mô thù địch ấy không những đã lộ ra bằng những biểu hiện trực tiếp của bọn hữu khuynh chống tập thể hóa, mà còn bằng cách xuyên tạc, làm cho “tả khuynh” đường lối của Đảng, bằng cách thi hành sai tốc độ Đảng đã định cho việc tập thể hóa, bằng việc không tôn trọng nguyên tắc vận động tự nguyện theo lối Lê-nin - Sta-lin trong công tác tổ chức nông trường tập thể, mà vượt qua hình thức ac-ten để tiến tới công xã, cưỡng bách tập thể hóa nhà cửa, súc vật, gà vịt…
Người ta hy vọng rằng, cách thi hành “tả khuynh” ấy, có khi cố ý khiêu khích hẳn hoi, sẽ làm cho nông dân bất bình đối với chính quyền Xô viết.
Ngày 2 tháng Ba 1930, theo nghị quyết của Trung ương, đồng chí Sta-lin đã viết “Say sưa vì thắng lợi” để nghiêm nghị chỉ trích những hành động “tả khuynh” gây nguy hại cho cuộc vận động nông trường tập thể. “Bài viết ấy nhấn mạnh vào nguyên tắc tự nguyện trong công tác kiến thiết nông trường tập thể; đề ra sự cần thiết phải chú trọng đến những điều kiện phức tạp, khác nhau trong mỗi địa phương ở Liên Xô, khi định tốc độ và đặt phương pháp cho công cuộc tập thể hóa. Đồng chí Sta-lin nhắc lại rằng cái khâu chính của cuộc vận động nông trường tập thể là việc tổ chức các ác-ten… Bài viết của đồng chí Sta-lin có một ý nghĩa chính trị quan trọng bậc nhất. Nó giúp cho các tổ chức Đảng sửa chữa lầm lỗi, và đánh một đòn nặng vào bọn thù địch chính quyền Xô viết đang hy vọng, với những sự ngoa ngoắt của chúng, sẽ xô đẩy được nông dân chống lại Đảng” (4).
Sau khi đánh một đòn vào những đường lối xuyên tạc “tả khuynh” và những hy vọng của bọn can thiệp, đồng chí Sta-lin còn chỉ dạy cho đảng viên trong Đảng thấy thế nào là nghệ thuật lãnh đạo.
Sta-lin viết: “Nghệ thuật lãnh đạo là một việc nghiêm chỉnh. Không được đi sau phong trào, vì đi sau tức là tự cắt rời khỏi quần chúng. Song, cũng không được chạy quá mau, vì chạy quá mau, tức là mất liên lạc với quần chúng. Người muốn chỉ huy phong trào và đồng thời giữ được liên lạc với quần chúng đông đảo, phải đấu tranh trên hai mặt trận: vừa chống những người chậm trễ, vừa chống những người chạy quá mau” (5).
Trong bài tiếp sau đó công bố vào ngày 3 tháng Tư 1930, “Trả lời các đồng chí nông trường tập thể”, gửi cho hàng triệu người trong các nông trường, Sta-lin, sau khi đã vạch rõ nguồn gốc của các sai lầm trong vấn đề nông dân và những sai lầm chính trong cuộc vận động nông trường tập thể, liền cắt nghĩa rõ rệt những quy luật quyết định sự tấn công trên mặt trận đấu tranh giai cấp căn bản là những gì. Đồng chí Sta-lin chỉ rằng không thể mở một cuộc tấn công, nếu không củng cố được các vị trí đã chiếm lĩnh, không tập hợp được lực lượng, không làm cho tiền tuyến có sẵn quân hậu bị tiếp ứng, không được người và trang bị từ hậu phương ra cung cấp cho tiền tuyến. Bọn cơ hội không hiểu được tính chất xã hội của việc tấn công: tấn công giai cấp nào? liên minh với giai cấp nào? Sta-lin nói việc chúng ta phải làm là mở một cuộc tấn công chống bọn ku-lắc, đồng thời liên minh với trung nông.
Nhờ sự lãnh đạo của đồng chí Sta-lin, nhiều vấn đề sai lệch đã được sửa chữa, cơ sở vững vàng đã được tạo lập cho bước tiến triển mới và mãnh liệt của cuộc vận động nông trường tập thể. Đảng, Chính phủ cùng với đồng chí Sta-lin, đã giải quyết vấn đề khó khăn nhất của cách mạng vô sản, sau vấn đề cướp chính quyền, ấy là: vấn đề đưa những khai khẩn nhỏ ở nông thôn lên con đường chủ nghĩa xã hội, thủ tiêu ku-lắc là giai cấp bóc lột đông đảo nhất trong nông thôn.
“Đó là một trong những cải biến cách mạng sâu sắc nhất, một bước nhảy vọt, từ trạng thái chất lượng cũ của xã hội qua trạng thái chất lượng mới, kết quả tương đương với Cuộc cách mạng xã hội tháng Mười 1917”.
“Cuộc cách mạng này có đặc điểm đặc sắc là nó được thực hiện theo lối từ trên ban xuống, do chính quyền Nhà nước đề xướng ra, lại được sự ủng hộ bên dưới của hàng triệu nông dân chống sự bóc lột của ku-lắc để giành đời sống tự do thong thả trong các nông trường tập thể” (6).
Căn cứ vào những lời di huấn của Lê-nin về sự cần thiết phải đưa những khai khẩn nhỏ ở nông thôn tiến lên kinh tế nông nghiệp đại sản xuất dưới hình thức ac-ten, tập thể hóa; căn cứ vào kế hoạch hợp tác xã của Lê-nin, Sta-lin đã phát triển và áp dụng trong thực tế lý luận tập thể hóa nông nghiệp. Điểm mới của Sta-lin ở đây là:
1. Phát triển dồi dào vấn đề hình thức nông trường tập thể của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; không thể và không nên áp dụng chỉ duy nhất một hình thức kinh tế tập thể, mà phải tùy vào điều kiện cụ thể mà có những hình thức thích hợp.
2. Vạch ra khâu chủ yếu và chính trong công cuộc xây dựng các nông trường tập thể, trong giai đoạn này, là ac-ten nông nghiệp, coi như hình thức đúng đắn nhất và dễ cảm thông nhất đối với nông dân, có thể phối hợp được quyền lợi riêng của những người nông trường tập thể với quyền lợi chung xã hội, có thể dung hòa quyền lợi trên với quyền lợi dưới;
3. Chứng minh, về mặt lý luận, sự chuyển biến từ chính sách hạn chế và loại trừ ku-lắc sang chính sách thủ tiêu ku-lắc về mặt giai cấp, dựa trên cơ sở tập thể hóa chung;
4. Chỉ rõ sự quan trọng của những trạm máy cày, coi như những chỗ dựa cần thiết cho việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và sự giúp đỡ của Nhà nước Xô viết đối với nông nghiệp và nông dân.
Tháng Hai 1930, theo lời yêu cầu của nhiều đoàn thể, nhiều cuộc hội họp của công nhân, nông dân và Hồng quân, Ủy Ban Chấp hành Trung ương Xô viết toàn Liên Xô quyết định trao tặng cho đồng chí Sta-lin Huân chương Cờ Đỏ thứ hai, vì những chiến công mà đồng chí đã góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa.
Đại hội thứ XVI của Đảng (26 tháng Sáu – 13 tháng Bảy 1930) bước vào lịch sử, là Đại hội của cuộc tấn công xã hội chủ nghĩa mở ra trên khắp các mặt trận. Sau khi đã lý giải thế nào là thực chất cuộc tấn công của chủ nghĩa xã hội, chống lại những phần tử tư bản chủ nghĩa trên toàn mặt trận, Sta-lin nhận định, trong báo cáo, rằng đất nước đã bước vào “ngưỡng cửa” giai đoạn chủ nghĩa xã hội.
Trong khi trình bày trước Đại hội những thành công trong việc công nghiệp hóa đất nước và tập thể hóa nông nghiệp, đồng chí Sta-lin đồng thời lại nêu lên những nhiệm vụ mà giai đoạn phát triển mới đã đặt trước mắt của toàn Đảng. Nếu về mặt tốc độ phát triển, chúng ta đã theo kịp và vượt những nước tư bản tiên tiến, thì trái lại, đối với những nước ấy, về mức độ sản xuất công nghiệp chúng ta hãy còn lạc hậu nhiều lắm. Do đó, cần thiết phải đẩy tốc độ lên cao hơn nữa. Phải theo cho kịp và vượt những nước tư bản mức độ sản xuất công nghiệp nữa. Trong bản báo cáo, đồng chí Sta-lin đã đề ra những nhiệm vụ Đảng phải làm để thực hiện kế hoạch 5 năm thứ nhất trong vòng bốn năm.
Nhân dân lao động trong toàn quốc hăng hái tự nguyện giải quyết những vấn đề lớn lao mà Đại hội đã đề ra. Cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa và xung phong công tác tiến triển rất rộng rãi. Đến ngày Đại hội lần thứ XVI họp, cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa đã tỏa ánh sáng trên gần hai triệu công nhân; những đội xung phong đã bao gồm hơn một triệu công nhân.
Đồng chí Sta-lin nói tại Đại hội lần thứ XVI rằng: “Điểm đặc sắc nhất của thi đua, chính là ở chỗ nó đã làm thay đổi triệt để cái lối mà mọi người vẫn thường quan niệm về công tác lao động, vì thi đua đã làm cho công tác lao động không phải là một gánh nặng và xấu xa, hổ thẹn như trước nữa, mà là một việc suy tôn phẩm cách, một việc quang vinh, một việc anh dũng và hùng tráng. Không có và cũng không thể có cái gì tương tự như thế được trong các nước tư bản” (7).
Việc thực hiện kế hoạch năm năm thứ nhất đòi hỏi tất cả những bộ phận của nền kinh tế quốc dân phải được kiến thiết lại, trên cơ sở một kỹ thuật mới, hiện đại hơn. Kỹ thuật vì thế có vai trò quan trọng quyết định. Do sự nhận định ấy mà, ngày 4 tháng Hai 1931, trong bài diễn văn “Nhiệm vụ của những nhà lãnh đạo công nghiệp”, đọc tại Hội nghị đầu tiên của những người lao động trong công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, đồng chí Sta-lin đã đề ra khẩu hiệu mới: “Những người Bôn-sê-vích phải học tập tinh thông kỹ thuật”, “Trong thời kỳ cải tạo, kỹ thuật quyết định tất cả”.
Trong thời kỳ đất nước tham gia tích cực vào công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, việc huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho các đảng viên chính thức và dự bị, việc nghiên cứu kinh nghiệm lịch sử của Đảng Bôn-sê-vích, tất cả những công tác ấy càng ngày càng trở nên quan trọng.
Tháng Mười một năm 1931, đồng chí Sta-lin cho đăng bài viết bài trong tạp chí Cách mạng vô sản, bức thư nổi tiếng của mình, bức thư đã có tác dụng củng cố hàng ngũ của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng. Trong bức thư ấy, Sta-lin đã lật mặt nạ bọn Tờ-rốt-kít đã xuyên tạc lịch sử chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Đồng chí chỉ rõ rằng chủ nghĩa Lê-nin đã ra đời, trưởng thành và lớn mạnh trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa cơ hội đủ sắc màu; rằng những người Bôn-sê-vích họp thành tổ chức cách mạng duy nhất trên thế giới, đã đánh đến cùng bọn cơ hội chủ nghĩa và bọn phái giữa, đánh đuổi chúng ra khỏi Đảng. Đồng chí Sta-lin đã luận chứng rõ ràng rằng chủ nghĩa Tờ-rốt-kít là đội quân tiên phong mang màu sắc của bọn tiểu tư sản phản cách mạng, đội quân đó đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa Mác, chống lại chính quyền Xô viết, chống công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đầu năm 1933, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành trước kỳ hạn. Tháng Giêng 1933, Sta-lin đệ trình một bản báo cáo, trước Hội nghị toàn thể Trung ương và Ủy ban Kiểm tra trung ương, về “Sự tổng kết kế hoạch năm năm thứ nhất”. Đồng chí Sta-lin nói: Nước chúng ta đã biến đổi từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp, từ một nước tiểu nông nghiệp thành một nước nông nghiệp xã hội chủ nghĩa tiên tiến. Những giai cấp bóc lột đã bị gạt ra khỏi địa vị của chúng trong sản xuất. Những tàn dư của chúng, phân tán trong nước, đã đấu tranh chống lại chính quyền Xô viết, bằng cách phá hoại ngầm. Do đó, cần phải đề cao cảnh giác và tiến hành cuộc đấu tranh để duy trì chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, cơ sở của chế độ Xô viết, dùng tất cả những phương pháp để củng cố nền chuyên chính của vô sản.
Trong một bài diễn văn khác đọc tại Hội nghị toàn thể Trung ương, “Bàn về công tác ở nông thôn”, đồng chí Sta-lin đã phân tích rất sâu sắc những khuyết điểm trong công tác của Đảng ở nông thôn và vạch ra một chương trình công tác để củng cố chế độ nông trường tập thể.
Một nhiệm vụ mới được đặt ra trước Đảng là: đấu tranh để củng cố các nông trường tập thể, để tổ chức công tác trong nông trường tập thể, để làm cho các nông trường tập thể thành nông trường tập thể Bôn-sê-vích, đuổi ra khỏi nông trường tập thể những phần tử thù địch – phá hoại, bọn ku-lắc và phản cách mạng. Vì những lẽ đó, đồng chí Sta-lin đã đề nghị lập những ban chính trị trong các trạm máy kéo, máy cày và nông trường tập thể, quốc doanh. Những ban chính trị của các trạm máy kéo, trong vòng 2 năm (1933-1934), đã nỗ lực củng cố các nông trường tập thể và ghi nhận được nhiều thành tích.
Trong Đại hội đầu tiên của các hội viên nông trường tập thể xung phong toàn Liên Xô ngày 19 tháng Hai 1933, đồng chí Sta-lin nêu lên khẩu hiệu: làm cho tất cả những nông trường tập thể thành nông trường Bôn-sê-vích và làm cho đời sống của những người nông trường được no đủ.
Đồng chí Sta-lin nói: “Ngày nay, muốn làm cho những hội viên nông trường sống được no đủ, chỉ cần có một điều là phải thành thực làm việc trong các nông trường tập thể, sử dụng hợp lý các máy kéo và các máy móc, lợi dụng hợp lý các súc vật lao động, trồng trọt hợp lý các đất đai, quản lý được tài sản nông trường tập thể” (8).
Bài diễn văn của Sta-lin đã thấm vào tâm trí của hàng triệu người hội viên nông trường tập thể và trở thành cương lĩnh thực tiễn, cương lĩnh chiến đấu của các nông trường tập thể.
Tóm tắt kinh nghiệm về công tác kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, đồng chí Sta-lin đã đặt ra vấn đề thương nghiệp Xô viết, coi đó là một hình thức phân phối và trao đổi các sản phẩm của lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Sta-lin nói: “Thương nghiệp Xô viết là thương nghiệp không có bọn đầu cơ, cả nhỏ lẫn lớn. Đó là một thương nghiệp thuộc loại riêng mà lịch sử từ xưa đến giờ chưa từng thấy, và chỉ chúng ta, những người Bôn-sê-vích, mới thực hiện được trong những điều kiện phát triển Xô viết” (9).
Đồng chí Sta-lin nói tiếp:
“Để cho sinh hoạt kinh tế của quốc gia được phát triển, để cho công nghiệp và nông nghiệp được kích thích trong việc phát triển sản xuất, còn một điều kiện khác nữa cần phải có, tức là: những trao đổi phải được tiến hành được mạnh mẽ giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu với các vùng trong nước, giữa các ngành của nền kinh tế quốc dân” (10).
Sta-lin đã chỉ trích kịch liệt những người coi nhẹ nền thương nghiệp Xô viết hay có thái độ miệt thị đối với nó. Đồng chí Sta-lin nói: “Một số người cộng sản, còn giữ một thái độ kiêu kỳ, miệt thị đối với thương nghiệp, nói chung, và đối với thương nghiệp xô viết, nói riêng. Những người cộng sản ấy - nếu còn có thể gọi được họ là cộng sản – đã coi những nhân viên phục vụ thương nghiệp là những người hỏng… Những kẻ ấy không hiểu được rằng thương nghiệp Xô viết, đó chính là sự nghiệp của chúng ta, thực sự là của chúng ta, một sự nghiệp Bôn-sê-vích, và những lao động thương nghiệp, kể cả những người đứng bán hàng, - miễn là họ làm việc thành thực, - đều là những người thực hiện sự nghiệp cách mạng, Bôn-sê-vích của chúng ta” (11).
Những lời ấy của đồng chí Sta-lin có tác dụng trong việc củng cố thương nghiệp Xô viết và sự phát triển trao đổi trong nước.
Trong bản báo cáo về hoạt động của Trung ương Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Liên Xô, đọc tại Lê-nin-gờ-rat, trước ngày Đại hội thứ XVII của Đảng họp, Ki-rốp (Kirov) (12), nhà hùng biện sâu sắc của cách mạng, người đồng chí thân thiết của Đảng, đã nhận xét một cách chân thành về nhà tổ chức vĩ đại đã đem thắng lợi xã hội chủ nghĩa lại cho giai cấp công nhân (13):
“Các đồng chí, khi nói đến những công trạng của Đảng ta, những thành tích của Đảng ta, người ta không thể nào không nói đến nhà tổ chức vĩ đại đã đưa lại sự thắng lợi phi thường mà chúng ta đã ghi được. Người tôi muốn nói đây, là đồng chí Sta-lin.
Tôi phải nói với các đồng chí, đó là một người học trò thật xuất sắc, vẹn toàn, người kế tục sự nghiệp được để lại cho chúng ta, sự nghiệp của nhà sáng tạo vĩ đại của Đảng ta, đồng chí Lê-nin, mà chúng ta đã mất, đã mười năm nay”.
“Khó mà tưởng tượng được một người vĩ đại, tầm vóc như Sta-lin. Những năm sau này, từ khi chúng ta làm việc vắng Lê-nin, chúng ta đã thấy không một bước ngoặt nào trong công tác của chúng ta, không một sáng kiến nào, dù quan hệ bậc nào đi chăng nữa, không một khẩu hiệu, không một bước ngoặt nào trong chính sách của chúng ta, mà người khởi xướng không phải là đồng chí Sta-lin. Tất cả phần chủ yếu của công tác – điều này (toàn) Đảng cần biết cho – đều là do chỉ thị, do sáng kiến và đặt dưới sự chỉ đạo của đồng chí Sta-lin. Những vấn trọng đại nhất trong chính sách quốc tế, đều được giải quyết đúng theo chỉ thị của đồng chí. Tuy vậy, không phải chỉ những vấn đề lớn lao ấy mà thôi, đến cả những vấn đề người ta liệt vào hàng quan trọng thứ ba hay thứ mười cũng thế, đều được đồng chí tha thiết quan tâm, miễn là những vấn đề ấy quan hệ đến công nhân, nông dân và tất cả những người lao động trong nước ta”.
“Tôi phải nói rằng sự thật quả là thế, không phải chỉ trong vấn đề kiết thiết chủ nghĩa xã hội, nói chung, mà cả trong nhiều vấn đề công tác khác nữa của chúng ta. Chẳng hạn, nếu ta nhìn vào những vấn đề quốc phòng, nhất định phải nhấn mạnh điểm này: tất cả những thắng lợi nói trên của chúng ta, không trừ một cái nào, chúng ta đều hoàn toàn chịu ơn của đồng chí Sta-lin”.
“Ý chí kiên cường, tài năng phi thường về tổ chức của con người ấy, làm Đảng kịp thời đi vào những chuyển hướng lịch sử vĩ đại, gắn liền với sự kiến thiết thắng lợi của chủ nghĩa xã hội”.
“Hãy lấy những khẩu hiệu của đồng chí Sta-lin: “Làm cho mọi người trong các nông trường tập thể được no đủ”, “Làm cho các nông trường tập thể trở thành những nông trường Bôn-sê-vích”, “Hãy học tập tinh thông kỹ thuật”, với sáu điều kiện lịch sử mà đồng chí Sta-lin đề ra – tất cả những điều chỉ dẫn cho công tác của chúng ta, trong giai đoạn kiến thiết xã hội chủ nghĩa này, đều do Người chỉ ra. Và tất cả những thành tích chúng ta đã ghi được với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đều là dựa trên những cơ sở những chỉ thị của Người”.
Đầu năm 1934, Sta-lin lãnh đạo công tác của Đại hội thứ XVII của Đảng, - Đại hội mà người ta ghi trong lịch sử với cái tên là Đại hội của những người chiến thắng. Trong bản báo cáo về sự hoạt động của Trung ương Đảng cộng sản (B) Liên Xô, Sta-lin làm bản tổng kết những thắng lợi lịch sử của Đảng, những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.
Đã thắng lợi, ấy là những chính sách công nghiệp hóa quốc gia, tập thể hóa chung nông nghiệp, thủ tiêu ku-lắc về mặt giai cấp. Đã thắng lợi, ấy là lý luận chủ trương có thể kiến thiết chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia duy nhất. Hệ thống chủ nghĩa xã hội đã trở thành một lực lượng thống trị duy nhất, trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân; các thành phần kinh tế khác đã sụp đổ. Những nông trường tập thể đã thắng lợi hoàn toàn và tuyệt đối.
Tuy nhiên, Sta-lin đã cảnh báo: cuộc đấu tranh còn lâu mới chấm dứt. Mặc dầu quân thù đã bị đánh bại, song những tàn tích tư tưởng của chúng vẫn còn tồn tại dai dẳng và vẫn còn thấy rõ. Vòng vây tư bản vẫn còn đó. Nó vẫn còn làm sống lại và lợi dụng những tàn dư của chủ nghĩa tư bản trong ý thức con người.
Đồng chí Sta-lin đã chỉ ra rằng những tàn dư của chủ nghĩa tư bản còn sót lại trong ý thức người ta, rất mãnh liệt trong vấn đề dân tộc, hơn là trong bất cứ lĩnh vực nào khác. Trả lời câu hỏi cho biết giữa hai khuynh hướng – chủ nghĩa dân tộc Đại Nga và chủ nghĩa dân tộc địa phương, - cái nào là nguy hại chính, đồng chí Sta-lin nói : “Cái khuynh hướng mà ta vẫn không ngớt bài trừ, khuynh hướng mà người ta đã để nó phát triển đến mức có thể gây nguy hại cho Quốc gia, khuynh hướng ấy là nguy hại chính” (14) (khuynh hướng Đại Nga – bản chất đây là khuynh hướng dân tộc tư sản).
Phải nỗ lực, tích cực và cương quyết, chiến thắng những tàn dư của chủ nghĩa tư bản trong ý thức mỗi con người; phải quyết bài xích hệ tư tưởng của tất cả những trào lưu thù địch chủ nghĩa Lê-nin; cần phải tuyên truyền chủ nghĩa Lê-nin một cách bền bỉ và dẻo dai, nâng cao trình độ tư tưởng của đảng viên, giáo dục tinh thần quốc tế chủ nghĩa cho những người lao động. Đồng chí Sta-lin đã cương quyết nhấn mạnh vào sự cần thiết phải đề cao cảnh giác của Đảng.
“Không được ru ngủ Đảng, mà phải phát huy sự cảnh giác của Đảng, không phải làm cho Đảng ngủ, mà làm cho Đảng sẵn sàng chiến đấu; không phải là giải giáp Đảng, mà vũ trang cho Đảng; không phải là giải ngũ Đảng, mà giữ Đảng luôn luôn trong tình trạng động viên để thực hiện kế hoạch 5 năm thứ hai” (15).
Bản báo cáo của Sta-lin đã đưa ra một chương trình cụ thể cho công tác của Đảng trong công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, một chương trình cho công tác tổ chức (cán bộ, kiểm tra và giám sát việc chấp hành); đặt ra nhiệm vụ “nâng cao lãnh đạo về mặt tổ chức lên ngang hàng trình độ lãnh đạo chính trị”. Bản báo cáo của Sta-lin định ra chương trình công tác trên lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục, đấu tranh tư tưởng.
Nói về chính sách đối ngoại của Liên Xô, trong bản báo cáo, đồng chí Sta-lin tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành trên thế giới tư bản, và người ta đang điên cuồng chuẩn bị chiến tranh trong một số nước, nhất là Đức, sau khi bọn phát xít lên cầm quyền. Chính giữa những cuộc đảo lộn kinh tế và những cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự, Liên Xô vẫn cứ tiếp tục đứng vững trên lập trường hòa bình của mình, vừa đấu tranh chống chiến tranh, vừa kiên quyết thi hành chính sách hòa bình.
Đồng chí Sta-lin nói: “Chính sách đối ngoại của chúng ta thật rõ ràng. Đó là chính sách bảo vệ hòa bình và củng cố các mối liên hệ thương mại với các nước. Liên Xô không có ý hăm dọa ai, lại càng không sợ những lời hăm dọa và sẵn sàng trả miếng với bọn gây chiến… Những kẻ nào mưu đồ tấn công nước ta, sẽ được giáng trả lại những đòn nên thân để cho chúng tiệt cái thói lăm le chõ mõm vào vườn rau Xô viết của chúng ta” (16).
Theo đề nghị của đồng chí Ki-rốp, Đại hội lần thứ XVII của đã thông qua hoàn toàn bản báo cáo của đồng chí Sta-lin, thành một nghị quyết của toàn Đảng, một cương lĩnh công tác cho Đảng trong thời kỳ sắp tới. Đại hội cũng thông qua kế hoạch 5 năm lần hai nhằm phát triển kinh tế quốc dân.
Ghi chú
(1) Đảng Cộng sản (B) Liên Xô qua các Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết toàn thể, phần II, tr.428, in lần 6, Nga văn.
(2) Hình thức hợp tác nông nghiệp, góp vốn, góp công và chia lời tùy theo tầng lớp.
(3) Sự thật, số 166, ngày 18-6-1930.
(4) Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, sdd, tr.365.
(5) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, sdd, tr.322.
(6) Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, sdd, tr. 360-361
(7) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, trang 143, quyển 2, Pari, 1939.
(8) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.438.
(9) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.410.
(10) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.483.
(11) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.484
(12) Kirov: Một nhà cách mạng Bôn-sê-vích nổi tiếng, nhà hùng biện thiên tài của Đảng Cộng sản Liên Xô, người bạn chiến đấu thân cận của Sta-lin. Năm 1934, đồng chí đã bị những phần tử Tờ-rốt-kít ám sát.
(13) Kirov, Tuyển tập các bài báo cáo và diễn văn, 1912-1934, tr.609-610, Nga văn, 1939.
(14) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr. 496.
(15) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.506.
(16) Sta-lin: Những vấn đề chủ nghĩa Lê-nin, sdd, tr.459