Chương IV
Hội nghị Pra-ha đã tiên đoán trong bản nghị quyết tất nhiên thế nào phong trào cách mạng cũng sẽ phát triển, nên đã chuẩn bị đủ những biện pháp cần yếu để Đảng sẵn sàng đảm đương lãnh đạo. Hội nghị cử ra một Ủy ban Trung ương Bôn-sê-vích, lập lên một trung tâm thực tế lãnh đạo hành động cách mạng ở Nga (Trung ương Cục Nga), và quyết định xuất bản tờ Sự Thật. Đồng chí Sta-lin, từ 1910, là người ủy quyền của Trung Ương, là phái viên của Trung Ương, khi ấy vắng mặt, cũng được Hội nghị cử làm ủy viên Trung ương. Theo đề nghị của Lê-nin, Sta-lin được chỉ định lãnh đạo Trung ương Cục Nga. Song lúc này Sta-lin còn đang bị đi đày, cần phải tiến hành vượt ngục. Xec-gô Oc-giô-ni-kit-dê được ủy nhiệm đến tận Vô-lốc-đa, báo tin nghị quyết của Hội nghị Pra-ha cho Sta-lin. Thế là ngày 29 tháng Hai 1912, Sta-lin lại vượt ngục một lần nữa. Trong khoảng thời gian được “tự do” ngắn ngủi ấy, Sta-lin hoạt động mãnh liệt: được Trung ương ủy nhiệm, Sta-lin đi kiểm tra các miền chính yếu trong nước Nga, chuẩn bị cuộc “tập hợp kỷ niệm ngày mùng Một tháng Năm” sắp tới, thảo tờ truyền đơn của Trung ương vào dịp Một tháng Năm, lãnh đạo tờ tuần báo Bôn-sê-vích Ngôi Sao ở Pê-stéc-bua, trong khi các cuộc bãi công ở Lê-na diễn ra.
Tờ Sự Thật, nhật báo Bôn-sê-vích có tính chất quần chúng, xuất bản ở Pê-stéc-bua, là một vũ khí mạnh mẽ trong tay Đảng Bôn-sê-vích để củng cố các tổ chức và tạo thêm ảnh hưởng trong quần chúng. Tờ báo ấy thành lập, theo sáng kiến của Lê-nin. Tờ Sự Thật ra đời, vừa khớp với đà phát triển mới của phong trào cách mạng. Ngày 22 tháng Tư (tức 5 tháng Năm lịch mới) 1912, số đầu tiên ra đời. Đối với công nhân, đó thật là một ngày lễ vui mừng. Để kỷ niệm ngày báo Sự Thật thành lập, ngày 5 tháng Năm đã được tuyên bố làm ngày báo chí của giai cấp công nhân.
Đồng chí Sta-lin đã viết trong dịp kỷ niệm năm thứ 10 của báo Sự Thật: “Báo Sự Thật 1912, đó là một bước xây dựng căn bản cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa Bôn-sê-vích năm 1917” (1).
Ngày 22 tháng Tư 1912, Sta-lin bị bắt giữa phố ở Pê-stéc-bua, sau nhiều tháng bị giam cầm, lại bị đày lần nữa đi xa hơn, ở tận Na-rưm (Narym), một thời hạn là ba năm. Nhưng ngày 1 tháng Chín 1912, Sta-lin lại tiếp tục vượt ngục trở về Pê-stéc-bua. Làm chủ bút của tờ báo Bôn-sê-vích Sự Thật tại đó; và lãnh đạo sự hoạt động của những người Bôn-sê-vích trong cuộc vận động tuyển cử vào viện Đu-ma quốc gia IV. Bị mạng lưới cảnh sát bao vây, mặc dầu gặp nguy hiểm có thể xảy ra, nhưng Sta-lin vẫn tiếp tục tham gia diễn thuyết trong các cuộc mít-tinh tổ chức tại các nhà máy.
Cuộc vận động tuyển cử ấy kết thúc bằng một thắng lợi cho Đảng. Trong cuộc vận động ấy, bức “Thư ủy nhiệm của các công nhân Pê-stéc-bua gửi đại biểu công nhân của họ” do chính đồng chí Sta-lin soạn, được lãnh tụ Lê-nin hết sức tán đồng, đã đóng góp một vai trò khá quan trọng. Khi gửi bức “Thư ủy nhiệm” ấy đi nhà in, lãnh tụ Lê-nin đã viết “PHẢI TRẢ LẠI, không được xuy xuyển!! Không được làm bẩn. HẾT SỨC CẦN phải giữ cẩn thận tài liệu này”. Trong bức thư gửi tòa soạn báo Sự Thật, Lê-nin tiếp tục dặn:
“Nhất định phải đăng bức Thư ủy nhiệm gửi các đại biểu Pê-stéc-bua ấy ngay, vào chỗ đặc biệt và bằng chữ lớn” (2).
Bức “Thư ủy nhiệm” ấy của Sta-lin nhắc nhở công nhân những nhiệm vụ chưa thi hành năm 1905, và kêu gọi họ đấu tranh cách mạng, đấu tranh trên hai mặt trận – vừa chống chính phủ Nga hoàng, vừa chống giai cấp tư sản tự do, vì bọn này vẫn tìm đủ mọi cách thỏa hiệp với chế độ Nga hoàng. Sau cuộc tuyển cử, Sta-lin đã lãnh đạo một nhóm Bôn-sê-vích của Đảng Xã hội dân chủ trong viện Đu-ma quốc gia. Cùng làm việc với Sta-lin ở Pê-stéc-bua, có Svec-lốp (Sverdlov) (3) và Mô-lô-tốp (Molotov) (4) cùng tham gia một cách đắc lực vào việc chỉ đạo tờ Sự Thật, chỉ đạo cuộc vận động tuyển cử và Đảng – đoàn ở viện Đu-ma. Trong thời kỳ ấy, mối liên lạc giữa Lê-nin và Sta-lin hết sức chặt chẽ. Trong thư, lãnh tụ Lê-nin tán thành các hoạt động của Sta-lin, tán thành những diễn từ và những bài báo của ông. Hai lần, Sta-lin đi Kra-kô-vi (Krakow) gặp Lê-nin – tháng Mười một và cuối tháng Mười hai 1912 – để tham gia Hội nghị Trung ương mở rộng cho các cán bộ Đảng.
Trong thời gian ở nước ngoài, Sta-lin viết cuốn “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc” đã được Lê-nin nhiệt liệt tán thành. Đây là lời phê bình của Lê-nin về cuốn sách ấy: “Trong các văn kiện lý luận Mác-xít… những nguyên tắc cương lĩnh của Đảng Xã hội Dân chủ về vấn đề dân tộc đã được trình bày tường tận trong thời gian gần đây (trước hết chúng ta phải kể đến bản luận văn của Sta-lin)” (5). Tác phẩm của Sta-lin “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc” trước cuộc chiến tranh, quả là cuốn sách quan trọng nhất đã trình bày những luận điểm Bôn-sê-vích về chủ đề dân tộc.
Đấy là lý luận và tuyên ngôn cương lĩnh của chủ nghĩa Bôn-sê-vích về vấn đề dân tộc.
Trong đó, người ta thấy hai phương pháp, hai cương lĩnh, hai quan niệm về vấn đề dân tộc đối chọi nhau một cách mạnh mẽ và nổi bật lên: một bên là của Đệ nhị Quốc tế, một bên là của chủ nghĩa Lê-nin. Đồng chí Sta-lin, cùng với Lê-nin, đã đập tan những quan niệm cơ hội và giáo điều của Đệ nhị Quốc tế về vấn đề dân tộc. Tác phẩm của Sta-lin đã nêu rõ lý luận Mác-xít về vấn đề dân tộc; đã nói lên những nguyên tắc Bôn-sê-vích trong cách giải quyết vấn đề dân tộc (sự cần thiết phải đặt vấn đề ấy coi nó như là một bộ phận của toàn bộ vấn đề cách mạng, có liên quan mật thiết với toàn cục tình hình quốc tế trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa); đã đặt cơ sở lý luận cho nguyên tắc Bôn-sê-vích , để đoàn kết công nhân trong phạm vi quốc tế.
Ngày 23 tháng Hai 1913, trong một buổi họp do Đảng ủy Bôn-sê-vích Pê-stéc-bua tổ chức tại phòng chứng khoán Ka-lac-ni-kôp (Kalashnikov), Sta-lin lại bị bắt. Lần này, chính phủ Nga hoàng cho đày Sta-lin đi một nơi xa, ở Tu-ru-khan-sk (Turukhansk) trong bốn năm. Thoạt tiên, Sta-lin được đưa đến một trại ở Kô-sti-nô (Kostino). Đầu năm 1914, bọn hiến binh của Nga hoàng lại sợ Sta-lin vượt ngục nữa, nên giải đi đày tại một nơi xa hơn nữa về phía Bắc, trong trại Ku-rê-i-ka (Kurieka), giáp vòng Bắc cực, Sta-lin ở đấy trong những năm 1914, 1915 và 1916. Đó là nơi khắc khổ nhất trong những nơi lưu đày chính trị, một nơi hẻo lánh ở Xi-bi-ri.
Mùa hạ 1914, chiến tranh đế quốc bùng nổ. Những Đảng theo Đệ nhị Quốc tế phản bội giai cấp vô sản, nhảy về phe giai cấp tư sản đế quốc chủ nghĩa. Chỉ có Lê-nin và những người Bôn-sê-vích tiếp tục chủ trương trung thành, đứng dưới lá cờ chiến đấu của chủ nghĩa quốc tế; chỉ mình Đảng Bôn-sê-vích là cương quyết không chút do dự, giương cao ngọn cờ chống chiến tranh đế quốc. Bị cô lập với thế giới bên ngoài, xa Lê-nin và những trung tâm của Đảng, nhưng Sta-lin vẫn kiên định lập trường quốc tế chủ nghĩa của Lê-nin về các vấn đề chiến tranh, hòa bình và cách mạng. Sta-lin đã viết thư cho Lê-nin; diễn thuyết trong các cuộc họp của những người bị đày ở làng Mô-na-stưa-skôi (Monastyrskom) năm 1915, ông chỉ trích kịch liệt những hành động đê hèn và phản bội của Ka-mê-nép (Kamenev) (6) trong vụ án năm đại biểu Bôn-sê-vích ở viện Đu-ma quốc gia IV. Cùng với một nhóm những người Bôn-sê-vích bị đày (1916) gửi thư về chào mừng tạp chí Bôn-sê-vích công khai có tên Vấn đề Bảo hiểm, Sta-lin đã viết trong thư nêu bật nhiệm vụ của tạp chí ấy là : “đem hết sức ra bảo toàn về mặt lý luận, cho công nhân nước ta tránh khỏi những truyền thuyết của các ngài Pô-tờ-rét-xôp (A. Potresov), Lê-vít-ski (Levitsky) và Plê-kha-nốp (7), truyền thuyết vô cùng đồi bại, phản vô sản và triệt để trái nghịch với những nguyên tắc quốc tế chủ nghĩa”.
Tháng Chạp 1916, Sta-lin bị động viên nhập ngũ, nên được đưa về, đến Kra-snôi-ac (Krasnoyarsk) rồi tiếp đến At-sin-sk (Achinsk). Tới đây, được tin cách mạng Tháng Hai bùng nổ, Sta-lin rời khỏi At-sin-sk ngày 8 tháng Ba 1917. Dọc đường, Người có gửi điện tín chào mừng Lê-nin, khi đó lãnh tụ đang ở Thụy Sĩ.
Ngày 12 tháng Ba 1917, sau khi đã can đảm chịu đựng mọi khốn khổ ở nơi tù đày Tu-ru-khan-sk, Sta-lin đã trở về Pê-tờ-rô-gờ-rat (Petrograd) (8), thủ đô cách mạng của nước Nga. Trung ương Đảng giao cho Sta-lin trách nhiệm điều hành tờ báo Sự Thật.
Đảng Bôn-sê-vích lúc đó vừa mới ra công khai hoạt động. Nhiều đảng viên ưu tú và tích cực của Đảng từ những nơi bị tù đày xa xôi đã trở về. Lãnh tụ Lê-nin vẫn đang còn ở ngoại quốc. Chính phủ Lâm thời tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc Lê-nin trở về nước Nga. Trong thời kỳ ấy, Sta-lin cùng với Mô-lô-tốp, lãnh đạo công tác của Trung ương và Đảng ủy Bôn-sê-vích ở Pê-tờ-rô-gờ-rat. Những bài viết của Sta-lin là những chỉ thị về nguyên tắc công tác cho những người Bôn-sê-vích. Ngay trong bài đầu “Nói về những Xô viết đại biểu công nhân và binh lính”, Sta-lin đã định rõ nhiệm vụ cơ bản của Đảng:
“Củng cố các Xô viết ấy, phổ biến ra khắp nơi, liên kết các Xô viết với nhau, đặt dưới quyền của Xô viết đại biểu công, binh trung ương, coi như cơ quan của chính quyền cách mạng nhân dân” (9).
Trong bài “Nói về chiến tranh”, Sta-lin chỉ rõ rằng chiến tranh đế quốc, không vì lẽ chính quyền đã qua tay Chính phủ Lâm thời mà biến đổi tính chất; và chiến tranh 1914-1917, dù dưới Chính phủ tư sản lâm thời đi chăng nữa, cũng vẫn còn là chiến tranh cướp bóc, chiến tranh không chính nghĩa.
Sta-lin, Mô-lô-tốp và nhiều đồng chí khác nữa, cũng như là đa số của Đảng đều chủ trương nhất quyết không tín nhiệm Chính phủ Lâm thời có tính chất đế quốc; phản đối chính sách chiến tranh đến cùng của bọn Men-sê-vích – bọn xã hội cách mạng, và chống thái độ nửa Men-sê-vích chủ trương ủng hộ có điều kiện với Chính phủ Lâm thời, tức là thái độ của Ka-mê-nép và các phần tử cơ hội chủ nghĩa khác.
Ghi chú
(1) Sự Thật số 98, ngày 5-5-1922.
(2) Lê-nin toàn tập, tập 29, tr.78, Nga văn.
(3) Sverdlov: một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Bôn-sê-vích, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Toàn Nga sau cách mạng tháng Mười. Một người bạn chiến đấu thân cậy của Lê-nin.
(4) Molotov: một nhà cách mạng, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô. Người bạn chiến đấu thân cận của Sta-lin.
(5) Lê-nin toàn tập, tập 17, tr.116, tiếng Nga.
(6) Kamenev: một nhà cách mạng Bôn-sê-vích, ủy viên Bộ Chính trị khóa đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười. Về sau tham gia các phong trào đối lập chống Trung ương Đảng, chống Lê-nin. Thập niên 30 còn tham gia vào Trung tâm khủng bố Trotsky – Zinoviev tiến hành các hoạt động khủng bố chống lại Đảng. (Hồi ký Trotsky) có thừa nhận vấn đề này.
(7) Potresov: một trong những nhà mác-xít đầu tiên ở Nga, người tham gia sáng lập nên Đảng Xã hội Dân chủ Nga, về sau trở thành một Men-sê-vích; Levitsky: một nhà cách mạng Nga, sau này ông trở thành một giáo sư y học có tiếng của Liên Xô.
(8) Chính là thành phố St. Petersburg đã đổi tên.
(9) Sta-lin toàn tập, tập 3, tr.2, Nga văn.