Chương III


Cuộc Cách mạng Nga đầu tiên đã kết thúc bằng một thất bại. Từ cuối cuộc cách mạng thứ nhất đến đầu cuộc cách mạng thứ hai, mười năm đã qua, trong khoảng thời gian ấy, những người Bôn-sê-vích, anh dũng và đầy lòng quả cảm, kiên quyết và không hề mệt mỏi, đã tổ chức quần chúng, giáo dục tinh thần cách mạng, hướng dẫn họ đấu tranh để giành lấy thắng lợi tương lai cho cách mạng.

Đối với Lê-nin và Sta-lin, đó là những năm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ và củng cố Đảng cách mạng bí mật, áp dụng đường lối Bôn-sê-vích vào tình hình mới; những năm hoạt động mạnh mẽ để tổ chức và giáo dục quần chúng công nhân, những năm đấu tranh cực kỳ dẻo dai chống bọn cảnh sát Nga hoàng. Nga hoàng thấy rõ Sta-lin không phải là một nhà hoạt động cách mạng tầm thường nên tìm mọi cách để ngăn cản Sta-lin tiến hành các hoạt động cách mạng. Bắt bớ giam cầm rồi tù đày liên tiếp. Từ năm 1902 đến 1913, Sta-lin đã bảy lần bị bắt, sáu lần bị đày và năm lần vượt ngục. Cảnh binh của Nga hoàng cứ vừa giải Sta-lin đến chỗ đày thì Sta-lin đã vượt ngục; mỗi khi được “tự do”, Sta-lin lại bắt tay ngay và công việc rèn luyện tinh thần cách mạng cho quần chúng. Sta-lin thoát khỏi nơi tù đày cuối cùng, là nhờ vào cuộc cách mạng Tháng Hai 1917.

Từ tháng Bảy 1907, bắt đầu thời kỳ hoạt động cách mạng của Sta-lin ở Ba-ku. Ở Đại hội thứ V của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga về, Sta-lin từ giã Ti-phờ-lít, chấp hành mệnh lệnh của Đảng, đến ở Ba-ku, vùng công nghiệp quan trọng bậc nhất của vùng Nam Cáp-ca-dơ và trung tâm lớn của phong trào công nhân Nga. Đồng chí Sta-lin làm việc tích cực để tập hợp Đảng bộ Ba-ku chung quanh những khẩu hiệu của lãnh tụ Lê-nin, để tập hợp quần chúng công nhân dưới lá cờ chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Sta-lin tổ chức cuộc đấu tranh để lật đổ bọn Men-sê-vích ở các khu phố công nhân tại Ba-ku (Ba-la-kha-nư, Bi-bi Ây-bat (1), Thành phố Đen, Thành phố Trắng).

Sta-lin lãnh đạo các báo chí Bôn-sê-vích bí mật và công khai: Người vô sản Ba-ku, Còi tầm, Người thợ Ba-ku; lãnh đạo cuộc vận động tuyển cử vào viện Đu-ma quốc gia thứ III. Bức “Thư ủy nhiệm các đại biểu xã hội dân chủ tham gia viện Đu-ma quốc gia III” do Sta-lin thảo, đã được hội nghị các đại biểu cho đoàn tuyển cử công nhân Ba-ku thông qua ngày 22 tháng Chín. Sta-lin đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba-ku. Phương pháp khoa học Sta-lin dùng để lãnh đạo cuộc đấu tranh này là một dấu ấn đặc biệt trong phong trào công nhân Ba-ku, một cuộc tiếp xúc giữa giới thợ và giới chủ mỏ dầu đã diễn ra, một bản hợp đồng tập thể đã được ký kết đánh dấu bước thắng lợi ban đầu của phong trào công nhân ở Ba-ku. Đây là một mẫu mực trong việc áp dụng một cách sáng tạo đường lối của chủ nghĩa Lê-nin: phối hợp hoạt động bí mật với hoạt động hợp pháp công khai trong thời kỳ phản động.

Vận dụng một cách linh hoạt sách lược của Lê-nin trong việc động viên quần chúng công nhân tham gia cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ quân chủ Nga hoàng, Sta-lin đã đem lại toàn thắng cho những người Bôn-sê-vích Ba-ku trong cuộc vận động ấy. Trong thời kỳ phản động dưới chế độ của Stô-lư-pin (Stolypin) (2), Ba-ku của giai cấp vô sản hiện ra trong một cảnh tượng khác thường: cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản phát triển trong toàn cõi nước Nga, người ta nghe dội vang tiếng những tờ báo Bôn-sê-vích công khai do Sta-lin sáng lập. Lê-nin miêu tả cuộc chiến đấu anh dũng của công nhân Ba-ku năm 1908 đã nói: “Đó là những Mô–hi–can cuối cùng của cuộc bãi công chính trị có tính chất quần chúng” (3).

Sta-lin tập hợp được chung quanh mình, một nhóm trung kiên vững vàng gồm những người Bôn-sê-vích – Lê-nin-nít được tôi luyện cứng rắn trong thử thách như: Phi-ô-le-tốp (I.T.Violetov), Xa-ra-tô-vét (Saratov), Vat-xec (Vacek), Bô-kôp (Bokova), Ma-lư-ghin (Malygina), Oc-giô-ni-kit-dê (Ordzhonikidze), Đờ-gia-pa-rit-giê (Japaridze), Sa-u-mi-an (Shahumyan), Span-đa-ri-an (Spandaryan), Khan-la (Khanlar), Mê-mê-đôp (Memedova), A-di-bê-kôp (Azizbayov), Ki-a-di Ma-mêt (Kyazi Mamed) và nhiều người khác nữa. Sau hết, Sta-lin đã thu được những thắng lợi cho chủ nghĩa Bôn-sê-vích, cho hàng ngũ Đảng bộ Ba-ku, làm cho tổ chức ấy, từ đó, trở thành một thành trì vững chắc của chủ nghĩa Bôn-sê-vích. Dưới sự lãnh đạo của Sta-lin, giai cấp vô sản Ba-ku đấu tranh anh dũng, trở thành phong trào vô sản hàng đầu trong phong trào cách mạng Nga.

Thời kỳ Ba-ku chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong các thời kỳ hoạt động của Sta-lin. Đồng chí Sta-lin đã từng nói:

Hai năm công tác cách mạng, giữa những công nhân dầu hỏa đã làm cho tôi dày dạn, trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ thực tiễn. Một mặt, được tiếp xúc với những công nhân tiên tiến Ba-ku, như Vat-xec, Xa-ra-tô-vet, … và một mặt khác, được sống những phút gay go nhất trong những cuộc xung đột sâu sắc giữa thợ và chủ mỏ dầu; lần đầu tiên tôi đã học hỏi được thế nào là lãnh đạo những quần chúng công nhân đông đảo. Chính ở Ba-ku tôi đã chịu phép “tẩy lễ” cách mạng lần thứ hai” (4).

Ngày 25 tháng Ba 1908, đồng chí Sta-lin đã bị bắt. Sau gần tám tháng giam cầm, Sta-lin lại bị phát lưu tại tỉnh Vô-lốc-đa (Vologda), ở Xôn-vư-chê-gôt-sk (Solvychegodsk). Nhưng, đến 24 tháng Sáu 1909, Sta-lin lại vượt ngục trở về Ba-ku để tiếp tục hoạt động bí mật. Sta-lin hoàn toàn ủng hộ lập trường của Lê-nin, cương quyết chống bọn thủ tiêu (5) và Ôt-dô-vit (6). Báo chí Trung Ương của Đảng đăng những Bức thư từ Cáp-ca-dơ nổi tiếng của Sta-lin; tờ Vô sản Ba-ku đăng những bài: “Bước khủng hoảng của Đảng và nhiệm vụ của chúng ta”, “Sinh hoạt của Đảng”, … trong đó, tác giả phê bình mạnh dạn tình trạng các tổ chức của Đảng và đề ra kế hoạch giải quyết bước khủng hoảng ấy của Đảng. Những văn kiện đó của Sta-lin đả phá bọn thuộc phái thủ tiêu. Căn cứ vào thực tế của bọn Men-sê-vích ở Ti-phờ-lít, những bức thư ấy tố cáo bọn thủ tiêu đã phủ nhận những vấn đề cương lĩnh và sách lược. Những bức thư ấy đã kịch liệt lên án bọn Tờ-rốt-kít (Trotskyist) và đề ra những nhiệm vụ khẩn thiết, những nhiệm vụ ấy sau này được Hội nghị toàn quốc của Đảng, họp tại Pra-ha (Tiệp Khắc) thực hiện, tức là triệu tập cuộc Hội nghị đại biểu toàn Đảng, xuất bản một tờ báo công khai của Đảng và thành lập ở Nga một trung tâm bí mật cho Đảng để làm công tác thực tiễn.

Ngày 23 tháng Ba 1910, Sta-lin bị bắt một lần nữa ở Ba-ku. Sau 6 tháng bị giam cầm, lại bị đày ở Xôn-vư-chê-gôt-sk. Ở đó, Sta-lin liên lạc được với Lê-nin. Cuối năm 1910, trong một bức thư gửi lãnh tụ Lê-nin, Sta-lin bày tỏ sự tán thành với sách lược của Người, tóm lược: thành lập một nhóm trung kiên của Đảng gồm những người tán thành duy trì và củng cố Đảng vô sản bí mật. Sta-lin kịch liệt chỉ trích sự “vô nguyên tắc thối nát” của Tờ-rốt-kít và trình bày một kế hoạch tổ chức công tác của Đảng ở Nga.

Từ nửa cuối năm 1911, thời kỳ hoạt động cách mạng của đồng chí Sta-lin ở Pê-stéc-bua bắt đầu. Ngày 6 tháng Chín, đồng chí Sta-lin bí mật trốn khỏi Vô-lốc-đa để về Pê-stéc-bua. Tới đó, đồng chí Sta-lin liên lạc được với Đảng bộ Pê-stéc-bua; liền tự đảm nhiệm tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống bọn thủ tiêu Men-sê-vích (trong đó có cả Tờ-rốt-kít); đoàn kết và củng cố các tổ chức Bôn-sê-vích ở Pê-stéc-bua. Ngày 9 tháng Chín 1911, đồng chí Sta-lin lại bị bắt trong thành phố ấy và bị đày đi Vô-lốc-đa, rồi tháng Hai 1912, lại trốn thoát lần nữa.

Tháng Giêng 1912, một biến cố quan trọng xảy ra trong Đảng. Hội nghị đại biểu Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga họp tại Pra-ha (Tiệp Khắc) đã công khai chỉ trích và khai trừ phái Men-sê-vích ra khỏi Đảng và đặt cơ sở cho một Đảng kiểu mới, Đảng theo kiểu Lê-nin-nít, Đảng Bôn-sê-vích.

Những người Bôn-sê-vích đã chuẩn bị thành lập đảng ấy, một đảng kiểu mới, từ thời kỳ tờ Tia Lửa cũ. Họ đã chuẩn bị cho đảng ấy một nền tảng, với thái độ một cách kiên quyết và bền bỉ, không quản khó khăn. Lịch sử cuộc đấu tranh chống những bọn “kinh tế chủ nghĩa”, Men-sê-vích, Tờ-rốt-kít, Ôt-dôt-vit, duy tâm đủ màu sắc, kể luôn cho đến cả bọn phê phán kinh nghiệm chủ nghĩa, - lịch sử ấy, từ đầu đến cuối, là lịch sử chuẩn bị một đảng theo kiểu ấy.

Những tác phẩm dưới đây của Lê-nin: Làm gì; Một bước tiến, hai bước lùi; Hai sách lược của Đảng Xã hội Dân chủ trong cuộc cách mạng dân chủ; Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm đã đóng một vai trò chủ yếu, một vai trò quyết định trong cuộc chuẩn bị đó.

Đồng chí Sta-lin là người bạn chiến đấu trung thành của Lê-nin trong cuộc chiến đấu ấy chống bao nhiêu địch thủ, là cánh tay phải trung thực của Lê-nin trong cuộc đấu tranh sáng tạo nên đảng Mác-xít cách mạng, đảng Bôn-sê-vích.

Ghi chú

(1) Tức là Blakhani và Bibi-Heybat.

(2) Pyotr Arkadyevich Stolypin (1862-1911): Bộ trưởng Bộ Nội vụ và là Thủ tướng của đế quốc Nga dưới triều đại của hoàng đế Nikolai II. Ông được xem là một nhà cải cách, một người chống lại những quan điểm cách mạng đương thời.

(3) V.I. Lê-nin toàn tập, tập 5, Nga văn, in lần 3.

(4) Báo Sự thật số 136, ngày 16-6-1926.

(5) Trotsky cùng với một số người thuộc phái Mensheviks âm mưu thi hành chính sách thủ tiêu Đảng.

(6) Phái cấp tiến trong Đảng Xã hội Dân chủ Nga, sau cách mạng 1905, họ chủ trương Đảng rút khỏi hoạt động hợp pháp, còn Lê-nin muốn tranh thủ hoạt động hợp pháp đó để vạch mặt Đu-ma Quốc gia của Nga hoàng.