Chương II


Sta-lin bị tù đày khoảng hai năm. Đó là những năm mà cách mạng bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Giê-oc-gi. Trong thời gian này, Đại hội lần thứ II của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được tổ chức, đã đánh dấu một bước thắng lợi của chủ nghĩa Mác chống “chủ nghĩa kinh tế”. Song, nối tiếp bước sau chân bọn cơ hội chủ nghĩa cũ – bọn “kinh tế chủ nghĩa” -, thì bọn chủ nghĩa cơ hội mới xuất hiện, đó là phái Men-sê-vích. Sau Đại hội, Lê-nin và những người Bôn-sê-vích đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại phái Men-sê-vích, chống lại những ý kiến cơ hội chủ nghĩa của chúng, chống lại những âm mưu chia rẽ và phá hoại tổ chức Đảng. Chiến tranh Nga – Nhật cùng với cao trào cách mạng dâng lên, càng làm cho cuộc đấu tranh ấy ngày càng sâu sắc. Lãnh tụ Lê-nin thấy rằng cần phải triệu tập Đại hội lần thứ III để đưa Đảng ra khỏi cơn khủng hoảng sâu sắc này, nên đấu tranh đòi mở Đại hội, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của những người Bôn-sê-vích lúc này.

Ở Cáp-ca-dơ, Sta-lin, người ủng hộ trung thành của Lê-nin trong cuộc đấu tranh ấy, đã đứng ra lãnh đạo những người Bôn-sê-vích ở Cáp-ca-dơ đấu tranh quyết liệt chống lại chủ nghĩa Men-sê-vích. Sta-lin, ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Cáp-ca-dơ của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, cùng với đồng chí Tờ-sa-kai-a (Mikhail Tskhakaya) (1), lãnh đạo công tác của Liên hiệp. Đồng chí Sta-lin là người đi kiểm tra các vùng ở Nam Cáp-ca-dơ (như vùng Ba-tum, Chi-a-tu-ra, Ku-tai, Ti-phờ-lít, Ba-ku, những vùng nông dân ở miền Tây Giê-oc-gi), củng cố các tổ chức cũ của Đảng, lập ra các tổ chức mới. Sta-lin tham gia vào những cuộc đấu tranh gay go, chống lại phái Men-sê-vích và kẻ thù của chủ nghĩa Mác, trong nhiều cuộc tranh luận, cương nghị bênh vực lập trường Bôn-sê-vích, tố cáo thứ chính trị giả dối và cơ hội của bọn Men-sê-vích và bọn thõa hiệp với chúng.

Dưới sự lãnh đạo của Sta-lin và Đờ-gia-pa-rit-dê (P.A. Japaridze) (2), tháng Mười hai 1904, một cuộc bãi công vô cùng lớn của công nhân Ba-ku đã nổ ra, kéo dài từ 13 đến 31 và đưa đến kết quả làm bọn chủ mỏ dầu hỏa phải ký với công nhân một hợp đồng tập thể - hợp đồng thứ nhất trong lịch sử của phong trào công nhân ở Nga. Cuộc bãi công Ba-ku đánh dấu bước đầu tiên của một phong trào cách mạng Nam Cáp-ca-dơ.

Cuộc bãi công Ba-ku “báo hiệu cho những phong trào oanh liệt tháng Giêng và tháng Hai sắp diễn ra trên toàn cõi nước Nga”. (I.V. Sta-lin)

Cuộc bãi công ấy, như trong Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã viết, giống như một làn chớp nhoáng trước cơn giông tố, trước ngày bão táp cách mạng mãnh liệt ở Nga.

Sta-lin đã áp dụng một cách kiêng quyết những lời dạy bảo của Lê-nin, phát triển và bênh vực những tư tưởng Bôn-sê-vích trước quần chúng, tổ chức cuộc đấu tranh cho Đại hội III của Đảng. Giữa Lê-nin và Ban chấp hành Liên hiệp Cáp-ca-dơ, mối liên hệ luôn luôn khăng khít bền vững. Trong những năm cuộc cách mạng Nga đầu tiên (1905), Sta-lin là người lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của những người Bôn-sê-vích ở Cáp-ca-dơ chống bọn Men-sê-vích, xã hội cách mạng, dân tộc chủ nghĩa, vô chính phủ chủ nghĩa. Vũ khí sắc bén nhất của những người Bôn-sê-vích trong cuộc đấu tranh ấy là văn kiện của Đảng, Sta-lin là người tổ chức chính và tiến hành trực tiếp xuất bản báo chí bí mật, sách, tài liệu, tuyên ngôn ở vùng Nam Cáp-ca-dơ này. Chưa bao giờ mà sách báo dưới chế độ của Nga hoàng, lại được sản xuất và in nhiều đến thế.

Nhà in bí mật ở Ap-la-ba (Avlabar) do Liên hiệp Cáp-ca-dơ của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga lập nên và tiến hành, từ tháng Một 1903 đến tháng Tư 1906, là những hoạt động phi thường và tuyệt vời về kỹ thuật Bôn-sê-vích hoạt động bí mật. Chính ở đây đã xuất bản những bài viết và sách của Lê-nin: “Nền chuyên chính Dân chủ Cách mạng vô sản và nông dân”, “Gửi các bần nông”,… ; và những cuốn sách nhỏ của chính Sta-lin như: “Nhìn thoáng qua những ý kiến bất đồng trong Đảng”, “Hai trận đánh”,… và chương trình, điều lệ của Đảng cùng với hàng chục truyền đơn. Chính tại nơi đây đã in những tờ báo như Đấu tranh của vô sản và sách báo, truyền đơn được thảo ra ba thứ tiếng, được in ra hàng nghìn bản.

Vai trò quyết định trong việc bảo vệ lập trường của chủ nghĩa Bôn-sê-vích ở Cáp-ca-dơ trong việc truyền bá và phát huy tư tưởng của Lê-nin, là thuộc về cơ quan của <Liên Hiệp Cáp-ca-dơ của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga>, tờ Đấu tranh của vô sản, xuất bản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sta-lin, là tờ báo kế thừa của tờ Đấu tranh. Tờ Đấu tranh vô sản, sau tờ Vô sản - cơ quan trung ương của Đảng, do Lê-nin chỉ đạo, là tờ Bôn-sê-vích hoàn thiện nhất và khá là quan trọng trong phong trào cách mạng ở Nga. Gần hết các số của tờ báo ấy đã đăng lại những bài của lãnh tụ Lê-nin trong báo Vô sản. Trong số những bài chính, có nhiều bài do chính Sta-lin biên tập lại, ngoài ra ông còn viết những bài đấu tranh chính trị. Trong các bài báo và tác phẩm của mình, Sta-lin đã nêu lên rõ nhiều vấn đề lý luận và chính trị, vạch ra những sai lầm tư tưởng của các trào lưu sai lầm và kẻ thù của chủ nghĩa Bôn-sê-vích, vạch ra những thứ chủ nghĩa cơ hội và phản bội của họ. Lê-nin rất tin tưởng và khen ngợi tờ Đấu tranh của vô sản, với tính chất Mác-xít kiên quyết và những ưu điểm về lý luận của tờ báo này.

Sta-lin, người học trò và người bạn chiến đấu trung thành của Lê-nin, đã đóng góp một vai trò nổi bật ở Cáp-ca-dơ trong cuộc đấu tranh đánh bại lập trường Men-sê-vích và bảo vệ những nguyên tắc của đảng Mác-xít về mặt tư tưởng, tổ chức và chiến lược. Những bài viết của Sta-lin, thời ấy, là điển hình cho việc bảo vệ kiên quyết lập trường của chủ nghĩa Lê-nin; những bài viết ấy đặc sắc về cả lý luận và độ sắc bén trong cuộc đấu tranh quyết liệt với những thành phần cơ hội.

Trong cuốn sách “Nhìn thoáng qua những ý kiến bất đồng trong Đảng”, trong “Bức thư từ Ku-tai”, và trong bài “Trả lời Đảng viên Xã hội Dân chủ”, Sta-lin đã kiên quyết bênh vực những nguyên tắc tư tưởng của một Đảng Mác-xít.

Trong những “Bức thư từ Kutai” (tháng Chín – Mười 1904), Sta-lin đã phê bình kịch liệt những bài báo của Plê-kha-nôp (3) đăng trong báo Tia Lửa (mới) chống lại cuốn “Làm gì” của Lê-nin. Bênh vực một cách liên tục ý kiến của Lê-nin về tính chất tự phát và tính chất giác ngộ của phong trào công nhân, Sta-lin viết:

Kết luận là thế này: chúng ta hãy nâng cao trình độ giai cấp vô sản lên cho đến mức họ có thể tự giác ngộ về quyền lợi giai cấp chân chính của họ, giác ngộ về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải là đem những tư tưởng hèn mọn thay thế cho lý tưởng ấy, hay là điều hòa họ theo phong trào tự phát. Lê-nin đã tạo nên một cơ sở lý luận, trên đó, chính điều kết luận thực tiễn này đã được xây dựng lên. Cứ nắm vững lấy tiền đề lý luận ấy, thì không chủ nghĩa cơ hội nào lại dám ló đầu ra với ta. Đó là ý nghĩa quan trọng của tư tưởng Lê-nin. Tôi nói tư tưởng Lê-nin, vì trong văn tự chính trị Nga chưa hề có ai nói lên tư tưởng ấy rõ ràng bằng Lê-nin” (4).

Cuốn “Nhìn thoáng qua những ý kiến bất đồng trong Đảng” (viết đầu 1905, xuất bản bí mật tháng Năm 1905) được liệt vào hàng những tác phẩm xuất sắc của Sta-lin. Nó được in ngay sau tác phẩm có giá trị lịch sử đặc biệt của Lê-nin – cuốn “Làm gì”, vì cuốn sách này đã bênh vực quyết liệt tác phẩm lý luận thiên tài ấy của Lê-nin.

Trong khi phát triển ý kiến của Lê-nin, đồng chí Sta-lin đã chứng minh rằng sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa rất quan trọng cho cuộc vận động công nhân. Đồng thời, đồng chí Sta-lin cũng lưu ý rằng đừng quá coi trọng một chiều vai trò của tư tưởng, đừng bỏ quên những điều kiện phát triển kinh tế và vai trò của cuộc vận động công nhân. Sta-lin hỏi: Có thể nào nói chủ nghĩa xã hội là tất cả, mà phong trào công nhân là không có gì đáng kể chăng? “Lẽ tự nhiên là không! Chỉ có bọn duy tâm mới có thể nói thế được. Một ngày tới đây, song còn lâu lắm, bước phát triển kinh tế, không thể tránh khỏi, sẽ dẫn giai cấp công nhân đến cách mạng xã hội, và như thế, sẽ bắt họ đoạn tuyệt mối liên hệ với tư tưởng tư sản. Song con đường ấy sẽ dài lắm và đau đớn vô cùng” (5).

Trong cuốn “Nhìn thoáng qua những ý kiến bất đồng trong Đảng”, Sta-lin đã đào sâu và phát triển lý luận về vấn đề liên hệ giữa phong trào công nhân tự phát và ý thức xã hội chủ nghĩa, rồi tóm tắt những kiến giải của phái Bôn-sê-vích trong Đảng Công nhân Xã hội Dâ n chủ Nga, theo trật tự ý kiến dưới đây:

Chủ nghĩa xã hội khoa học mà không có cuộc vận động công nhân, đó là gì? – là cái địa bàn không dùng đến, bị han gỉ, chỉ còn để mà vứt đi.

Vận động công nhân mà không có chủ nghĩa xã hội, đó là gì? – Là chiếc tàu không có địa bàn, nó cũng sẽ đi đến bến, nhưng có địa bàn, nó sẽ đi được nhanh hơn nhiều và ít lo lắng về nguy hiểm.

Hãy kết hợp hai cái với nhau, ta sẽ có một chiếc tàu kỳ diệu đưa thẳng đến bờ bên kia và sẽ cập bến an toàn.

Hãy kết hợp cuộc vận động công nhân với chủ nghĩa xã hội, ta sẽ có một cuộc vận động xã hội dân chủ đủ điều kiện tiến thẳng đến miền đất hứa hẹn” (6).

Toàn bộ lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân ở Nga đã xác nhận lý luận ấy của Sta-lin một cách rực rỡ. Trong cuốn sách ấy, đồng chí Sta-lin đã phê bình lý luận cơ hội chủ nghĩa của phong trào tự phát và cũng chứng minh rõ vai trò và tầm quan trọng của Đảng cách mạng đối với giai cấp công nhân.

Đồng chí Sta-lin viết: “Cuộc vận động công nhân phải được kết hợp với chủ nghĩa xã hội, sự hoạt động thực tiễn và tư tưởng lý luận phải hòa hợp thành một khối duy nhất và như thế, sẽ gây cho phong trào công nhân tự phát tính chất xã hội – dân chủ… Bổn phận của chúng ta, bổn phận của Đảng xã hội dân chủ là làm cho phong trào tự phát của công nhân lánh xa con đường công liên chủ nghĩa (7) để đi vào con đường xã hội dân chủ. Bổn phận của chúng ta là phải làm cho phong trào ấy có được sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa và liên kết các lực lượng tiền phong của giai cấp công nhân thành một đảng tập trung thống nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải luôn dẫn đầu phong trào và đấu tranh bền bỉ đối với tất cả những người - cả thù lẫn “bạn” – chống lại việc thi hành nhiệm vụ ấy” (8).

Cuốn sách của đồng chí Sta-lin đã được Lê-nin tán đồng. Nhận xét bài báo của Sta-lin: “Trả lời Đảng viên Xã hội Dân chủ” in trong báo Đấu tranh vô sản tháng Tám 1905, Lê-nin, trong tờ Vô sản, cơ quan trung ương của Đảng, số 22, đã khen ngợi lối đặt vấn đề rất là đặc sắc “đưa sự giác ngộ từ ngoài vào phong trào”.

Trong một số bài liên tiếp, Sta-lin đã giải thích chủ trương của lãnh tụ Lê-nin, trong Đại hội thứ II và sau Đại hội ấy. Trong bài “Giai cấp vô sản và Đảng vô sản” (đăng ngày 1 tháng Giêng 1905 trong báo Đấu tranh vô sản số 8), bàn riêng về đoạn đầu điều lệ Đảng, hoàn toàn đứng trên lập trường của Lê-nin về vấn đề Đảng, vừa phát huy vừa chứng minh những ý kiến của Lê-nin. Bài viết ấy bênh vực những ý kiến của chủ nghĩa Bôn-sê-vích về mặt tổ chức, được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng của Lê-nin – “Một bước tiến, Hai bước lùi”.

Sta-lin viết: 

Cho tới nay, Đảng ta giống như một đại gia đình hiếu khách, sẵn sàng đón mọi người đồng tình. Nhưng sau khi Đảng ta đã thành một tổ chức tập trung, thì nó lột bỏ cái vỏ gia đình để hoàn toàn biến mình thành một thành trì, mà cửa ngõ chỉ mở đón những người thật xứng đáng. Điều đó, đối với chúng ta, có một ý nghĩa quan trọng rất lớn. Trong khi chế độ chuyên chế cố sức làm mờ sự giác ngộ giai cấp của vô sản bằng cách cổ động cho “chủ nghĩa công liên”, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tôn sùng giáo hội, …, và, một mặt khác, trong khi bọn trí thức tự do quyết tâm giết chết sự độc lập chính trị của giai cấp vô sản để giam họ dưới quyền bảo hộ của chúng, - thì về phần chúng ta, nhất định phải giữ vững cảnh giác không được quên rằng Đảng ta là một thành trì chỉ mở cửa cho những người đã được thử thách” (9).

Bài “Đảng xã hội dân chủ giải quyết vấn đề dân tộc như thế nào?” (đăng trong báo Đấu tranh của vô sản, số 7, ngày 1 tháng Chín 1904), là một bài luận đặc sắc lý giải về cương lĩnh dân tộc của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga. Trong đó, Sta-lin đã chứng minh và giải thích lý thuyết và cương lĩnh của Đảng về vấn đề dân tộc như sau: kịch liệt chỉ trích nguyên tắc cơ hội chủ nghĩa của chủ trương phân biệt vô sản theo từng dân tộc và quyết bên vực chủ trương tổ chức vô sản theo tính chất giai cấp, đúng với tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Trong bài ấy, Sta-lin đã thế hiện là một nhà lý luận đặc sắc về vấn đề dân tộc. Bài viết ấy chứa đựng những mầm mống những ý kiến mà sau này Sta-lin đã phát huy trong tác phẩm rất nổi tiếng “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc”.

Ngay trong bước đầu của cuộc cách mạng Nga thứ nhất, Sta-lin đã bênh vực và áp dụng chiến lược-sách lược của Lê-nin trong cuộc cách mạng, chủ trương của Lê-nin về “nền chuyên chính của giai cấp vô sản” trong cuộc cách mạng.

Nhằm chống lại bọn tự do - bọn thõa hiệp với Nga hoàng, chứ không tính làm cách mạng. Sta-lin, ngay trước ngày 9 tháng Giêng 1905, đã nói: “Phải, thưa các ông! sự cố gắng của các ông quả là vô bổ thật. Cách mạng Nga nhất định sẽ nổ ra, không tài nào tránh khỏi. Cũng như mặt trời không thể không mọc! Các ông có thể ngăn không cho mặt trời mọc được không? Lực lượng chính của cuộc cách mạng này là vô sản thành thị và nông thôn; cầm cờ cho họ là Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ chứ không phải là các ông đâu, các ông Đảng tự do ạ” (10).

Cùng với sự cương quyết ấy, Sta-lin đã bênh vực chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Lê-nin, chủ trương nhằm đánh đổ nền chuyên chế và thành lập nhà nước Cộng hòa. Trong văn kiện viết vào khoảng năm 1905 – 1907, Sta-lin đã luận chứng về ý kiến vũ trang khởi nghĩa. Đồng chí nói: “Dân chúng được cứu mệnh là do cuộc khởi nghĩa tự tay dân chúng làm mà thắng lợi”. Cũng như Lê-nin, Sta-lin chú ý đặc biệt đến sự chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho cuộc khởi nghĩa, thành lập những đội tác chiến, tìm kiếm vũ khí, … Sta-lin chỉ rõ: “Chỉ đạo kỹ thuật và tổ chức khởi nghĩa trong toàn nước Nga, đó chính là nhiệm vụ mới mà thực tế đã đặt trên vai giai cấp vô sản” (11). Hàng ngày Sta-lin lãnh đạo các tổ chức Bôn-sê-vích Nam Cáp-ca-dơ hoạt động chuẩn bị cho cuộc vũ trang khởi nghĩa.

Sta-lin chứng minh và phát huy chủ trương của Lê-nin về vấn đề chính phủ cách mạng lâm thời. Đồng chí Sta-lin chỉ rõ: dĩ nhiên là phải đưa đến kết quả thành lập một chính phủ cách mạng lâm thời. Chính phủ ấy, - nếu vô sản và nông dân thắng trong khởi nghĩa, - thì phải tiêu biểu cho những nguyện vọng và quyền lợi của họ. Chính phủ ấy phải là một bộ máy chuyên chính cách mạng của vô sản và nông dân. Chỉ có sự chuyên chính của giai cấp cách mạng ấy mới đủ sức chế ngự và đàn áp những lực lượng phản động, đủ sức vũ trang cho nhân dân, thi hành chương trình tối thiểu của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, củng cố thắng lợi của cách mạng và đưa cách mạng đến thành công.

Sta-lin nói: “Nếu giai cấp vô sản tiên tiến là lãnh tụ của cuộc cách mạng, - và nếu giai cấp ấy tham gia tích cực tổ chức khởi nghĩa, thì lẽ tự nhiên, đến khi thành công, chúng ta không thể phủi tay mà đứng ra bênh cạnh chính phủ cách mạng lâm thời; chúng ta phải, cùng với nông dân, đoạt lấy chính quyền và tham gia vào chính phủ lâm thời; lãnh tụ của cách mạng ngoài đường phố phải là lãnh tụ của chính quyền cách mạng” (12).

Ban Chấp hành Liên hiệp Cáp-ca-dơ tuyên truyền thường xuyên những nghị quyết của Đại hội thứ III của Đảng; kêu gọi công nhân và nông dân đứng lên phát động vũ trang khởi nghĩa. Những truyền đơn của Sta-lin năm 1905, là những điển hình cho công tác tuyên truyền chủ nghĩa Bôn-sê-vích trong quần chúng. Trong những bài như “Khởi nghĩa vũ trang và sách lược của chúng ta”, “Chính phủ cách mạng lâm thời và Đảng Xã hội Dân chủ”, “Phản động hoành hành”, …. Sta-lin kịch liệt công kích bọn lãnh tụ Men-sê-vích, kiên quyết bênh vực và đề ra chủ trương cần phải nổi dậy vũ trang khởi nghĩa.

Cuộc tổng bãi công tháng Mười 1905 chứng tỏ sự hùng hậu và lực lượng mạnh mẽ của phong trào vô sản; nó làm cho Nga hoàng hoảng sợ, phải tung ra bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười. Bản này, mặc dầu hứa hẹn cho dân chúng tự do, song đó chỉ là một mớ giấy lộn lừa bịp quần chúng, một kiểu quân bài bình phong dùng làm yên lòng những kẻ ngây thơ, để đủ thì giờ gia tăng thêm lực lượng chống lại cách mạng. Những người Bôn-sê-vích giải thích cho quần chúng hiểu bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười chỉ là một cái bẫy. Khi bản <Tuyên ngôn tháng Mười> ban ra, thì Sta-lin đang ở Ti-phờ-lít, giữa lúc cuộc đấu tranh cho kế hoạch sách lược của Lê-nin, cho những khẩu hiệu Bôn-sê-vích và cách mạng – đang sôi nổi nhất. Ngay ngày ấy, khi diễn thuyết trong một cuộc mít-tinh công nhân, Sta-lin đã nói:

Chúng ta cần cái gì để nhất định thắng? Cần ba điều: thứ nhất là vũ trang, thứ hai là vũ trang, thứ ba nữa lại cũng là vũ trang” (13).

Để nhấn mạnh vào sự cần thiết phải vũ trang khởi nghĩa để đữa cách mạng đến thắng lợi, Sta-lin đã viết trong một bản tuyên bố kêu gọi “Các Công dân!” –Sta-lin viết, - và do Ủy ban Ti-phờ-lít của Liên hiệp Cáp-ca-dơ của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga đưa ra hồi tháng Mười 1905:

Vĩ đại nhất từ trước tới nay, không những trong lịch sử nước Nga mà cả trong lịch sử toàn thế giới, cuộc tổng bãi công chính trị hiện đang diễn ra, có lẽ nó sẽ chấm dứt hôm nay, mặc dầu không biến thành một cuộc khởi nghĩa toàn dân, song, nó đã khiến cho toàn quốc phải rung chuyển, để rồi mai đây, với một lực lượng ngày càng tăng lên mạnh mẽ sẽ tiến tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang hùng hậu có nhiệm vụ giải quyết cuộc tranh chấp “đã hàng bao nhiêu đời nay diễn ra, giữa nhân dân Nga và nền đế chế Nga hoàng” và đập tan đầu con ác quỷ…. Toàn dân vũ trang khởi nghĩa, đó là nhiệm vụ cao cả, ngay lúc này đây, đang đè nặng chĩu trên vai giai cấp vô sản Nga và nhất quyết phải được thực hiện!” (14).

Trong thời kỳ ấy, Sta-lin tích cực hoạt động ở Nam Cáp-ca-dơ. Dưới sự lãnh đạo của Sta-lin, Hội nghị Bôn-sê-vích thứ IV của Liên hiệp Cáp-ca-dơ của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (tháng Mười một 1905) quyết định tăng cường đấu tranh để chuẩn bị thực hiện vũ trang khởi nghĩa, tẩy chay viện Đu-ma (15) của Nga hoàng, phát triển và củng cố các tổ chức cách mạng của công nhân và nông dân, - các Xô viết đại biểu công nhân, các ủy ban bãi công, ủy ban nông dân cách mạng. Sta-lin công kích và đánh bại bọn Men-sê-vích phản đối cách mạng và khởi nghĩa vũ trang. Sta-lin đã chuẩn bị cho công nhân đánh một trận quyết liệt chống nền chuyên chế của Nga hoàng. Ngọn lửa cách mạng đã lan tràn khắp xứ Nam Cáp-ca-dơ. Khi đó, Đại hội lần thứ III của Đảng, trong một bản nghị quyết “Về những biến cố ở Cáp-ca-dơ” Lê-nin đề ra, đã đặc biệt nêu cao công tác của những tổ chức Bôn-sê-vích Nam Cáp-ca-dơ, coi như những “tổ chức quyết chiến nhất của Đảng ta” và kêu gọi toàn Đảng hãy ủng hộ những tổ chức ấy bằng mọi cách.

Tháng Mười hai 1905, Sta-lin đi dự Hội nghị toàn quốc Bôn-sê-vích Nga thứ I, họp tại Tam-mec-pho (Tampere) (16), với tư cách là đại biểu của những người Bôn-sê-vích Nam Cáp-ca-dơ. Tại cuộc hội nghị ấy, lần đầu tiên Sta-lin gặp Lê-nin. Đồng chí Sta-lin được cử cùng làm việc với lãnh tụ Lê-nin, trong tiểu ban chính trị có nhiệm vụ xác định lại các nghị quyết của Hội nghị.

Sau khi khởi nghĩa tháng Mười hai thất bại, một chuyển hướng bắt đầu mở đường cho cuộc rút lui tuần tự của cách mạng. Đảng chuẩn bị khai mạc Đại hội IV của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga. Cuộc đấu tranh giữa Bôn-sê-vích và Men-sê-vích diễn ra quyết liệt. Những phần tử vô chính phủ - công đoàn chủ nghĩa xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng hoạt động rầm rộ ở Ti-phờ-lít. Sta-lin kiên quyết chống lại các khuynh hướng phản vô sản ở Nam Cáp-ca-dơ.

Sta-lin tham gia vào Đại hội thứ IV của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (Tháng Tư 1906), trong đó, Sta-lin đã đứng về phe của Lê-nin để chống lại bọn Men-sê-vích, bênh vực lập trường Bôn-sê-vích. Để trả lời cho bọn Men-sê-vích, Sta-lin đã đặt vấn đề cương quyết:

Hoặc là nền chuyên chính của giai cấp vô sản, hoặc là nền chuyên chính của giai cấp tư sản dân chủ, đó là vấn đề hiện nay đặt ra trong Đảng ta, đó là đầu mối của mọi ý kiến bất đồng” (17).

Ít lâu sau Đại hội, Sta-lin đã viết cuốn “Tình hình hiện thời và cuộc Đại hội thống nhất của Đảng Công nhân”. Trong cuốn ấy, Sta-lin rút ra những bài học trong cuộc vũ trang khởi nghĩa Tháng Mười hai, dùng lý luận chứng minh chủ trương Bôn-sê-vích trong cuộc cách mạng và kiểm thảo công tác của Đại hội IV của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga.

Sau Đại hội, Sta-lin trở lại Nam Cáp-ca-dơ lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa Men-sê-vích và các khuynh hướng phản vô sản khác. Đồng chí lãnh đạo các tờ báo Bôn-sê-vích công khai xuất bản ở Ti-phờ-lít bằng tiếng Giê-oc-gi như tờ Đời mới, tờ Thời mới, tờ Đời sống của chúng ta, tờ Thời đại.

Chính trong thời gian ấy, Sta-lin viết liên tiếp một số bài rất có giá trị như: “Chủ nghĩa vô chính phủ hay chủ nghĩa xã hội” để chống bọn Krô-pôt-kin (Kropotkinist) (18) đang hoạt động mạnh ở Nam Cáp-ca-dơ.

Trong lúc làn sóng cách mạng rút xuống và bọn phản động bùng lên, việc bảo vệ những nguyên tắc lý luận của chủ nghĩa Bôn-sê-vích là nhiệm vụ cấp bách thường ngày của Đảng. Năm 1909, Lê-nin xuất bản một tác phẩm kinh điển đó là “Chủ nghĩa Duy vật và chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm”, trong đó Người đã công kích bọn xuyên tạc lý luận Mác và bảo vệ cơ sở lý luận của Đảng Bôn-sê-vích.

Đồng chí Sta-lin cũng bảo vệ những nguyên tắc của Đảng Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Những bài của Sta-lin về các vấn đề ấy đã được công bố năm 1906 – 1907 trên các báo Bôn-sê-vích ở Giê-oc-gi. Trong đó, ông giải thích, bằng một thể văn thật dễ hiểu và thích hợp với quần chúng, thế nào là chủ nghĩa duy vật và biện chứng, thế nào là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Những bài ấy đề ra và giải quyết những vấn đề cơ bản của lý luận Mác – Lê-nin như: cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản là bước đường tất nhiên không thể tránh khỏi; cần thiết phải có một đảng chiến đấu của vô sản, đảng theo một kiểu mới, khác hẳn các đảng cải lương cũ của Đệ nhị Quốc tế ; trong ấy lại trình bày đầy đủ những nguyên tắc chiến lược và sách lược của Đảng.

Tháng Tư và tháng Năm 1907, Đại hội thứ V (Đại hội Luân Đôn) của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được tổ chức, đã đánh dấu bước toàn thắng của phái Bôn-sê-vích đối với phái Men-sê-vích. Sta-lin tham gia tích cực vào công tác của Đại hội, kiên quyết ủng hộ nhiệt thành của mình đối với đường lối của lãnh tụ Lê-nin. Khi trở về, trong một bài viết về công tác của Đại hội, <Đại hội Luân Đôn của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (bút ký của một đại biểu)>, Sta-lin đã nói đến những nghị quyết và kết quả của Đại hội, bênh vự lập trường tư tưởng và sách lược của những người Bôn-sê-vích, công kích chủ trương tư sản tự do chủ nghĩa của bọn Men-sê-vích trong cuộc cách mạng và những xu hướng thủ tiêu Đảng cách mạng chân chính của chúng; Sta-lin đã vạch trần bản chất xã hội của chủ nghĩa Men-sê-vích, một trào lưu chính trị tiểu tư sản.

Ghi chú

(1) Mikhail Tskhakaya: một nhà cách mạng Bôn-sê-vích lão thành của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, một trong những người sáng lập và tổ chức nhóm <Mét-xa-mê đat-xi>, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, sau này còn giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia. Năm 1944, để vinh danh những cống hiến to lớn, Nhà nước Liên Xô đã trao tặng Huân chương Lê-nin cho ông. Trong cuộc sống đời thường, ông có mối quan hệ khá mật thiết với Sta-lin. Ông là cha vợ của của Sta-lin, tức cha của người vợ đầu tiên - Ekaterina Semyonovna Svanidze.

(2)P.A. Japaridze: một nhà cách mạng Bôn-sê-vích có tiếng của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, ông tham gia lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Gruzia. Năm 1918, ông là 1 trong 26 đảng viên Bôn-sê-vích bị bọn phản cách mạng xử bắn tại Ba-ku.

(3) Plekhanov (1856-1918): một nhà hoạt động cách mạng Nga, người truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Về sau trở thành một tên Men-sê-vích, chống lại những quan điểm và đường lối của Lê-nin.

(4) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.58.

(5)  Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.105.

(6) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.102-103.

(7) Tức đấu tranh có tính chất tự phát.

(8) Sta-lin toàn tập, tập 1, sdd, trang 105-106.

(9) Sta-lin toàn tập, tập 1, sdd, trang 67

(10) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.78.

(11) Sta-lin toàn tập, tập 1, sdd, tr.133.

(12) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.258-259.

(13) Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô, tr.97, ngoại ngữ, Moscow, 1946.

(14) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.86.

(15) Quốc hội đầu tiên của Nga

(16) Một thành phố của Phần Lan

(17) Sta-lin, toàn tập, tập 1, sdd, tr.240.

(18) Những người theo khuynh hướng vô chính phủ của Nhà triết học người Nga Peter Kropotkin (1842 – 1921), ông chủ trương một chính phủ Xô viết phi tập trung quyền lực, một xã hội dựa trên các hiệp hội tự quản và thõa hiệp với nhau.