Chương I


Sta-lin sinh tại Go-ri, tỉnh Ti-phờ-lít (Tiflis) ngày 21-12-1879. Cụ ông thân sinh là Vit-sa-ri-on Iva-nô-vít-sờ (Vissarion Ivanovich Dzhugashvili), người Giê-oc-gi (Gruzia), xuất thân trong một gia đình nông dân ở Đi-đi Li-lo (Didi–Lilo), một làng trong tỉnh Ti-phờ-lít, nguyên làm thợ giày, sau làm công nhân tại xưởng đóng giày A-đen-kha-nôp (Adelkhanov), tại Ti-phờ-lít. Cụ bà, tên là I-ê-ka-te-ri-na (Ekaterine Geladze), con gái của một nông nô tên là Ghê-lat-dê (Glakh Geladze), ở làng Gam-ba-rê-u-li (Gambareuli).

Mùa thu năm 1888, Sta-lin vào học trường dòng tại Go-ri. Năm 1894, tốt nghiệp, Sta-lin xin được vào học trường tu đạo chính thống tại Ti-phờ-lít.

Trong những năm ấy, do tư bản công nghiệp phát triển mạnh, phong trào công nhân ngày càng phát triển, nên chủ nghĩa Mác đã được phổ biến rộng rãi ở Nga. <Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân> do Lê-nin sáng lập và lãnh đạo, ở Pê-tec-sbua (Petersburg), đã thúc đẩy phong trào xã hội dân chủ trong toàn quốc tiến lên một bước mãnh liệt. Làn sóng phong trào công nhân lan đến tận Nam Cáp-ca-dơ (1) (Caucasus) là nơi chủ nghĩa tư bản đã thâm nhập và sự áp bức dân tộc và thuộc địa rất nặng nề. Nam Cáp-ca-dơ là một thuộc địa điển hình của chế độ Nga hoàng, một xứ nông nghiệp lạc hậu về kinh tế, còn mang nặng những tàn tích rất sâu sắc của chế độ phong kiến, một xứ có nhiều chủng tộc sống chung với nhau.

Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mau chóng ở Nam Cáp-ca-dơ; công nhân và nông dân bị bóc lột thậm tệ khiến ách nô lệ, ách áp bức dân tộc và thuộc địa ngày càng nặng nề thêm. Công nghiệp hầm mỏ, công nghiệp khai thác dầu hỏa phát triển đặc biệt nhanh chóng, những cơ sở chủ yếu đều lọt vào tay tư bản ngoại quốc chiếm đoạt. “Chủ nghĩa tư bản Nga, - đúng như lời Lê-nin viết, - đã lôi cuốn xứ Cáp-ca-dơ vào vòng mậu dịch quốc tế, đã san bằng những đặc điểm địa phương của xứ ấy – tức là những tàn tích của chế độ gia trưởng biệt lập cũ -, đã tự tìm ra những thị trường cho các công xưởng của mình. Xứ ấy, thoạt đầu tiên, khi mới bỏ chế độ nông nô, thì dân cư rất ít, hay chỉ gồm toàn những dân sơn dã, sống cách biệt nền kinh tế thế giới và cách biệt cả lịch sử, sau đã trở thành xứ của những nhà công nghiệp dầu hỏa, những lái rượu, những chủ xưởng lúa mạch và thuốc hút…” (2). Với những đường xe lửa, những xưởng chế tạo và những nhà máy xuất hiện, giai cấp công nhân cũng xuất hiện. Ba-ku dầu hỏa, trung tâm to lớn của công nghiệp và tập trung công nhân đông đảo, phát triển đặc biệt nhanh.

Tiếp theo bước phát triển của tư bản công nghiệp, phong trào công nhân cũng phát triển. Trong những năm 90 thế kỷ XIX, ở Nam Cáp-ca-dơ, đã có phong trào cách mạng do những người mác-xít (marxist) Nga bị đày ở đó nhóm lên. Chính trong thời kỳ đó, ở Nam Cáp-ca-dơ bắt đầu có cuộc tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Trường tu đạo chính thống Ti-phờ-lít lúc ấy là một lò lửa tỏa ra trong đám thanh niên đủ thứ những tư tưởng giải phóng có cả tính chất dân tộc – dân túy chủ nghĩa lẫn Mác-xít quốc tế chủ nghĩa; trong đó có biết bao nhiêu tổ hoạt động bí mật. Chế độ giả dối của trường tu đạo làm cho Sta-lin nhiều lần đã phải phản đối kịch liệt; đó cũng chính là nguồn khích lệ cho tinh thần cách mạng của Sta-lin. Năm 15 tuổi, Sta-lin đã trở thành một nhà cách mạng.

Sta-lin từng nói: “Tôi tham gia phong trào cách mạng năm tôi 15 tuổi, khi ấy tôi đã bắt liên lạc được với những tổ hoạt động bí mật của những nhà Mác-xít Nga hồi đó ở Nam Cáp-ca-dơ. Những tổ hoạt động ấy đã ảnh hưởng rất mạnh đến chí hướng của tôi và đã gây cho tôi cảm giác thích thú về những tài liệu Mác-xít bí mật” (3).

Năm 1896 – 1897, Sta-lin lãnh đạo những nhóm mác-xít của trường dòng nơi ông đang học. Tháng Tám 1898, ông chính thức gia nhập Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga ở Ti-phờ-lít. Sta-lin trở thành tổ viên của tổ <Mét-xa-mê đat-xi> (Mesame – dashi) (4), tức là tổ chức đầu tiên của Đảng Xã hội Dân chủ ở Giê-oc-gi, tổ chức đã đóng một vai trò khá tích cực trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào những năm 1893 – 1898. Nhóm <Mét-xa-mê đat-xi> không thống nhất về mặt chính trị: đa số đứng về lập trường “chủ nghĩa Mác hợp pháp” và thiên hướng về chủ nghĩa dân tộc tư sản. Đồng chí Sta-lin, đồng chí Ket-skhô-vê-li (V.Z. Ketskhoveli) (5) và đồng chí Xu-lu-kit-dê (A.G. Tsulukidze) (6) họp thành nhóm trung kiên lãnh đạo phần thiểu số của những người mác-xít cách mạng trong <Mét-xa-mê đat-xi>. Phe thiểu số ấy đã chứa sẵn mầm mống Đảng Xã hội Dân chủ cách mạng sau này của vùng đất Giê-oc-gi.

Sta-lin rất chăm học và rất có ý thức trong việc tự rèn luyện mình. Ông đọc các tác phẩm Tư Bản của Mác và Ăng-ghen. Sta-lin đọc những bài viết của Lê-nin viết chống chủ nghĩa dân túy, “chủ nghĩa Mác hợp pháp” và “chủ nghĩa kinh tế”. Ngay từ hồi đó, những văn kiện của Lê-nin đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc trong suy nghĩ của Sta-lin. Theo lời tường thuật trong ký ức của Ka-pa-nat-dê (P. Kapanadze) (7), một đồng chí gần gũi của Sta-lin, cho biết rằng Sta-lin thường nói sau khi đọc tác phẩm của Tu-lin (mật danh của Lê-nin): “Thế nào tôi cũng phải gặp đồng chí ấy mới được” (8). Phạm vi các vấn đề lý luận được Sta-lin chú trọng vô cùng: Sta-lin nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, khoa học tự nhiên, đọc những tác phẩm văn học cổ điển.

Trong thời kỳ ấy, Sta-lin tích cực tuyên truyền trong các tiểu tổ công nhân, tham gia các hội nghị công nhân bí mật, soạn truyền đơn, tổ chức những cuộc bãi công. Đấy là trường huấn luyện đầu tiên của Sta-lin khi ông tham gia vào công tác cách mạng thực tiễn giữa những người vô sản cấp tiến ở Ti-phờ-lít.

Sta-lin nói: “Tôi còn nhớ, năm 1898, lần đầu tiên, tôi được ủy nhiệm phụ trách một tổ công nhân các xưởng xe lửa… Tại đó, giữa những đồng chí ấy, lần đầu tiên tôi đã chịu phép “tẩy lễ” cách mạng…, người thầy đầu tiên của tôi là những công nhân ở Ti-phờ-lít” (9).

Việc huấn luyện chính trị trong các tiểu tổ công nhân Mác-xít ở Ti-phờ-lít đều tiến hành theo chương trình mà chính Sta-lin đã soạn thảo.

Trong trường dòng, tất cả những người thuộc diện “tình nghi” đều bị theo dõi chặt chẽ, nên hoạt động cách mạng bí mật của Sta-lin cũng bắt đầu bị để ý. Ngày 29 tháng Năm 1899, Sta-lin đã bị đuổi học khỏi trường vì tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Có một thời gian, Sta-lin phải sống với nghề dạy kèm, đến tháng Chạp 1899 thì xin một chân trong Đài thiên văn ở Ti-phờ-lít. Tuy nhiên không một phút nào, Sta-lin lại thôi không hoạt động cách mạng.

Ngay trong thời kỳ ấy, Sta-lin đã là một trong những chiến sĩ xuất sắc nhất của Đảng bộ Xã hội Dân chủ ở Ti-phờ-lít. Trong khoảng năm 1898 – 1900, đã thành lập một nhóm xã hội dân chủ trung tâm, trực tiếp lãnh đạo tổ chức Đảng Xã hội Dân chủ trong địa phận Ti-phờ-lít. Nhóm xã hội dân chủ trung tâm của Ti-phờ-lít tiến hành công tác tuyên truyền cách mạng và tổ chức rộng rãi, phát triển dần cho đến việc thành lập một tổ chức xã hội dân chủ bí mật của Đảng. Hội <Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân> (10) do Lê-nin lập ra, là một kiểu mẫu cho các đảng viên xã hội dân chủ cách mạng ở Ti-phờ-lít noi theo trong công tác. Phong trào công nhân Ti-phờ-lít do phe thiểu số cách mạng của nhóm < Mét-xa-mê đat-xi > lãnh đạo, bắt đầu từ bỏ lối công tác thuần thúy tuyên truyền nhằm vào những “phần tử ưu tú đặc biệt” trong giới công nhân. Thực tế đã chú tâm đến tầm quan trọng bậc nhất của vấn đề công tác đó là: cổ động quần chúng bằng cách rải truyền đơn giải thích các vấn đề thời sự, bằng cách tổ chức những cuộc biểu tình phản kháng và những cuộc thị uy chính trị chống lại chế độ Nga hoàng.

Phe đa số cơ hội chủ nghĩa trong nhóm < Mét-xa-mê đat-xi > phản đối sách lược mới. Họ thiên về “chủ nghĩa kinh tế”, nên coi nhẹ những hoạt động cách mạng, họ phản đối lối đấu tranh chính trị - “ra ngoài đường” chống lại chế độ độc tài của Nga hoàng. Sta-lin và phe thiểu số cách mạng đấu tranh quyết liệt và không chút nhân nhượng chống bọn cải lương, và đòi áp dụng sách lược mới, áp dụng lối cổ động chính trị trong quần chúng. Họ được những công nhân tiên tiến ở Ti-phờ-lít nhiệt liệt ủng hộ.

Trong số những đảng viên xã hội dân chủ áp dụng những phương thức hoạt động mới, ở Ti-phờ-lít, thì Vich-to Kuc-na-tôp-ski (Viktor Kurnatovsky) (11) đã đóng một vai trò xuất sắc. Vich-to là một nhà mác-xít uyên bác, một đồng chí trung thành và một bạn chiến đấu thân cận của Lê-nin, một người hăng hái tuyên truyền tư tưởng của Lê-nin. Mùa hạ 1900, Vich-to đến Ti-phờ-lít liên lạc chặt chẽ với Sta-lin và phe thiểu số cách mạng của < Mét-xa-mê đat-xi >, rồi sau đó trở thành bạn chiến đấu thân cận của Sta-lin.

Tháng Chạp 1900, khi báo Tia Lửa của Lê-nin xuất bản, Sta-lin không ngần ngại đứng hẳn về lập trường của tờ báo ấy. Đồng chí Sta-lin nhận thấy ngay rằng Lê-nin thật sự là vị lãnh tụ chân chính của Đảng, người sẽ sáng lập ra một Đảng Mác-xít chân chính mà sau này ai nấy đều biết, Đảng Bôn-sê-vích.

Sta-lin nói: 

Sự hoạt động cách mạng của Lê-nin năm 1900, và nhất là từ 1901 về sau, từ khi tờ báo Tia Lửa ra đời, đã đem lại cho tôi một tin tưởng sắt đá rằng Lê-nin là một nhân tài phi thường. Theo nhận xét của tôi, thì hồi đó, đồng chí không phải là một lãnh tụ thông thường; đồng chí quả là một nhà sáng tạo chân chính duy nhất hiểu được thực chất sâu xa và những nhu cầu khẩn thiết của Đảng ta. Khi tôi so sánh đồng chí với những lãnh tụ khác trong Đảng ta, tôi luôn luôn thấy những bạn chiến đấu của Lê-nin, Plê-kha-nôp (Plekhanov), Mac-tôp (Martov), Axen-rốt(Paven Axelrod) (12) và nhiều người khác nữa còn thấp hơn Lê-nin đến một cái đầu ; đem so sánh với họ, Lê-nin không phải chỉ là một trong những lãnh tụ mà thôi, Lê-nin còn là một lãnh tụ thiên tài, là đại bàng núi, không hề biết khiếp sợ trong cuộc chiến đấu, dũng cảm đưa Đảng tiến tới, trên con đường chưa hề khai phá của phong trào cách mạng Nga” (13).

Lòng đầy tin tưởng không bờ bến vào thiên tài cách mạng của Lê-nin, Sta-lin đã bước theo con đường của vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản. Từ đó, Sta-lin đã không bao giờ từ bỏ con đường ấy. Khi Lê-nin từ trần, Sta-lin đã tiếp tục vững bước đi trên con đường cách mạng mà Lê-nin đã vạch ra.

Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế mới nổ ra, dưới ảnh hưởng của phong trào công nhân ở Nga, và do sự hoạt động của những đảng viên xã hội dân chủ, ở Ti-phờ-lít, trong vòng 1900 - 1901, một làn sóng bãi công kinh tế đã dâng lên, lôi cuốn hết xí nghiệp này đến xí nghiệp khác. Tháng Tám 1900, một cuộc bãi công lớn lao bùng nổ trong đám công nhân các xưởng và sở đầu máy, Ka-li-nin (M.I. Kalinin) (14) lúc ấy bị trục xuất từ Pê-tec-sbua về Cáp-ca-dơ đã tham gia tích cực vào phong trào ấy. Ngày 22 tháng Tư 1901, một cuộc thị uy vao dịp Một tháng Năm đã bùng nổ giữa Ti-phờ-lít, Sta-lin là người tổ chức và lãnh đạo phong trào. Cuộc biểu tình ấy được báo Tia Lửa của Lê-nin nhận định coi như một biến cố có ý nghĩa lịch sử cho toàn vùng Cáp-ca-dơ; cuộc thị uy ấy quả có một tác dụng phi thường đối với phong trào công nhân Cáp-ca-dơ sau đó.

Thế là, trong những năm đó, dưới sự chỉ đạo của phe thiểu số cách mạng của <Mét-xa-mê đat-xi >, phong trào công nhân Giê-oc-gi đã từ bỏ lối cổ động tuyên truyền bó hẹp trong tiểu tổ để áp dụng lối cổ động chính trị trong quần chúng. Do đó, sự kết hợp thực sự chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân đã được thực hiện ở Cáp-ca-dơ, cũng như đã được <Hội Liên hiệp đấu tranh> ở Pê-tec-sbua thực hiện vài năm trước, - đã thành công một cách rực rỡ dưới sự lãnh đạo của Lê-nin.

Cuộc đấu tranh cách mạng của vô sản phát triển ở Nam Cáp-ca-dơ làm cho chính phủ Nga hoàng chú ý, càng ngày càng đàn áp mạnh mẽ. Chúng tưởng làm như thế là có thể ngăn chặn phong trào, nhưng đã lầm. Ngày 21 tháng Ba 1901, cảnh sát đến khám xét Đài Thiên văn, nơi Sta-lin ở và làm việc. Việc khám xét ấy và cái lệnh truy nã ở sở mật thám Nga hoàng – mà sau này Sta-lin mới biết – đã buộc đồng chí phải rút vào hoạt động bí mật. Từ đó, Sta-lin sống một cuộc đời oanh liệt của một nhà cách mạng chuyên nghiệp theo phương thức Lê-nin, hoạt động trong vòng bí mật ở nước Nga cho đến cuộc Cách mạng Tháng 2 năm 1917.

Bọn chức trách Nga hoàng đều chịu bất lực trước làn sóng cách mạng ngày một dâng cao. Bắt đầu từ tháng Chín 1901, dưới sự lãnh đạo của Sta-lin và Ket-skhô-vê-li, tờ báo Đấu Tranh ra đời, là tờ báo xã hội dân chủ bí mật đầu tiên ở Giê-oc-ghi đã áp dụng tư tưởng của báo Tia Lửa do lãnh tụ Lê-nin sáng lập. Tờ Đấu Tranh, sau tờ Tia Lửa là tờ báo Mác-xít có giá trị nhất ở Nga.

Sta-lin là người đã viết bài xã luận số đầu tiên của tờ báo Đấu Tranh (tháng Chín 1901), dưới đầu đề “Lời của tòa soạn”. Để xác định nhiệm vụ của tờ báo ấy, Sta-lin đã viết: “Tờ báo xã hội dân chủ Giê-oc-gi phải giải đáp một cách chính xác tất cả những vấn đề có mối quan đệ đến phong trào công nhân, giải thích những vấn đề về nguyên tắc, giải thích về mặt lý luận, vai trò của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh và đem ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học soi rọi mọi hiện tượng mà người công nhân gặp phải” (15).

Sta-lin vạch rõ nhiệm vụ của tờ báo là phải lãnh đạo phong trào công nhân, cố gắng liên hệ thật chặt chẽ với quần chúng công nhân, làm sao để có thể luôn luôn ảnh hưởng đến họ, là một trung tâm nhắc nhở, một trung tâm chỉ đạo họ.

 Một số khác của tờ Đấu Tranh (tháng Mười một và tháng Mười hai) đã đăng một bài quan trọng của Sta-lin về vấn đề “Đảng xã hội dân chủ Nga với những nhiệm vụ khẩn cấp của Đảng”.  Trong bài ấy, Sta-lin nhấn mạnh vào sự cần thiết phải kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân tự phát; chỉ rõ vai trò chỉ đạo của giai cấp công nhân trong phong trào đòi quyền tự do dân chủ, và đề ra nhiệm vụ tổ chức một chính đảng độc lập, chính đảng của giai cấp vô sản.

Sự phát hành những tờ truyền đơn bằng đủ các thứ tiếng trong xứ Nam Cáp-ca-dơ đa dân tộc cũng tăng lên gấp bội. Tờ Tia Lửa của Lê-nin đã tả sự hoạt động của những đảng viên xã hội dân chủ ở Ti-phờ-lít, Người viết: “Những bản tuyên ngôn thảo một cách đặc sắc bằng tiếng Nga, tiếng Giê-oc-gi và tiếng Ac-mê-ni (Armenia) tràn ngập các khu phố Ti-phờ-lít” (16). Ket-skhô-vê-li, bạn chiến đấu thân cận của Sta-lin, thành lập tại Ba-ku một nhóm hoạt động theo những nguyên tắc đề ra trong báo tia lửa của Lê-nin và sáng lập nên một nhà in bí mật. Ngày 11 tháng Mười một 1901, Hội nghị toàn thể tổ chức xã hội dân chủ hợp tại Thành ủy Ti-phờ-lít của Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga, Sta-lin đã được bầu. Song Sta-lin ở Ti-phờ-lít không được bao lâu. Cuối tháng Mười một, Sta-lin được Thành ủy cử đi Ba-tum, một trung tâm vô sản quan trọng đứng hàng thứ ba sau Ba-ku và Ti-phờ-lít ở vùng Cáp-ca-dơ này, để lập nên những tổ chức Đảng xã hội dân chủ.

Ở Ba-tum, Sta-lin hoạt động mạnh: liên lạc với những công nhân tiên tiến, lập các tổ xã hội dân chủ, tự mình lãnh đạo công tác một số tổ xã hội dân chủ ấy, lập một nhà in bí mật, thảo những truyền đơn, in ấn và phát hành, lãnh đạo cuộc đấu tranh công nhân ở nhà máy “Rôt-sin” (Rothschild) và “Man-ta-sep” (Mantashova), tổ chức cuộc tuyên truyền cách mạng ở nông thôn. Sta-lin thành lập Ủy ban Ba-tum của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, lãnh đạo các cuộc bãi công ở nhà máy. Ngày 9 tháng Ba 1902, Sta-lin đã tổ chức cuộc tuần hành thị uy nổi tiếng có tính chất chính trị ở Ba-tum, tự mình lãnh đạo và dẫn đầu đoàn biểu tình. Về mặt thực tế, ở đây Sta-lin đã kết hợp hai lối đấu tranh: bãi công và thị uy chính trị.

Thế là trong thời kỳ ấy, với cuộc đấu tranh quyết liệt và không chút khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội, tổ chức của Đảng theo kiểu Tia Lửa của Lê-nin tại Nam Cáp-ca-dơ đã thành lập và lớn mạnh. Người sáng lập và lãnh đạo của tổ chức ấy chính là đồng chí Sta-lin mà công nhân Ba-tum, ngay hồi đó, đã gọi là người thầy của của công nhân Nam Cáp-ca-dơ. Tổ chức theo kiểu Tia Lửa của Lê-nin ở Nam Cáp-ca-dơ được xây dựng trên cơ sở vững vàng của chủ nghĩa quốc tế vô sản; tổ chức ấy bao gồm những vô sản tiên tiến đủ các chủng tộc: Giê-oc-gi, Ac-mê-ni, A-déc-bai-gian (Azerbaijan), Nga. Sau này, Lê-nin nhiều lần nêu tổ chức Nam Cáp-ca-dơ của Đảng lên làm gương mẫu về tinh thần quốc tế vô sản cho toàn Đảng.

Sự phát triển của cuộc đấu tranh công nhân Ba-tum đã làm cho Chính phủ Nga hoàng hết sức lo ngại. Bọn mật thám ra sức đi lùng những “kẻ cầm đầu”. Ngày 5 tháng Tư 1902, Sta-lin đã bị bắt. Những ngày ở trong tù – lúc đầu là ở Ba-tum, rồi từ ngày 19 tháng Tư 1903 là ở Ku-tai, rồi sau đó lại trở về Ba-tum – Sta-lin vẫn bắt liên lạc được với cách mạng bên ngoài.

Đầu tháng Ba 1903, Đại hội đầu tiên của các Đảng bộ xã hội dân chủ ở Cáp-ca-dơ họp, thành lập <Liên hiệp của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga>, Sta-lin, mặc dầu còn bị tù đày, cũng đã được đề cử vào Ủy ban của Liên hiệp. Chính trong lúc ở tù, Sta-lin đã được các đồng chí đi Đại hội lần thứ II của Đảng về báo tin cho hay là giữa hai phe Bôn-sê-vich – phái đa số (Bôn-sê-vích) và Men-sê-vích – phái thiểu số (Mensheviks) có những mối bất đồng ý kiến rất sâu sắc. Sta-lin đã quyết đứng về phe của Lê-nin, phe Bôn-sê-vích.

Mùa thu năm 1903, Sta-lin bị đày đi miền Đông Xi-bi-ri (Siberia), quận Ba-la-gan (Balagansky), tỉnh Ia-kut (Irkutsk), làng No-vai-a U-đa (Novaya Uda) trong thời hạn ba năm. Ngày 17 tháng Một năm ấy, Sta-lin tới nơi đày thì nhận được một bức thư của Lê-nin, Sta-lin nói:

- “Tôi được làm quen với Lê-nin năm 1903. Thật ra làm quen, nhưng không được gặp mặt mà chỉ bằng thư từ. Tuy vậy, đối với Người, tôi vẫn giữ một ấn tượng vô cùng sâu sắc, ấn tượng ấy không bao giờ rời tôi trong suốt thời gian tôi hoạt động trong Đảng. Hồi đó, tôi bị đày ở Xi-bi-ri… Thư của Lê-nin tương đối không dài, nhưng bao giờ cũng hàm một ý nghĩa phê bình quả quyết và mạnh dạn về sự hoạt động thực tiễn của Đảng ta, không khác một bài tường trình vô cùng sáng suốt và xúc tích về toàn bộ kế hoạch công tác của Đảng trong thời kỳ sắp tới” (18).

Sta-lin không ở nơi lưu đày lâu, ông nóng lòng trở về hoạt động để thực hiện kế hoạch xây dựng một Đảng Bôn-sê-vích theo đúng ý kiến của Lê-nin. Ngày 5 tháng Một 1904, Sta-lin vượt ngục. Tháng Hai 1904, Sta-lin lại ở Cáp-ca-dơ, đầu tiên là ở Ba-tum, sau lại về Ti-phờ-lít.

Ghi chú
  1. Tức vùng Kavkaz, khu vực nằm phía Nam Liên Bang Nga ngày nay, ngày nay vùng Nam Cáp-ca-dơ là bao gồm một bộ phận khu vực của nước cộng hòa Armenia, Azerbaijan và Gruzia.

  2. V.I. Lê-nin toàn tập, tập 3, tr.464, Nga văn, in lần thứ 3.

  3. Chủ nghĩa Mác và lịch sử, Câu chuyện của Sta-lin với nhà văn hào Đức Emil Ludwig, Bureau d’ Editions, Pari, 1939.

  4. Tiếng Gruzia, nghĩa là “nhóm thứ ba”, được thành lập vào năm 1892, ban đầu nhóm theo ý thức hệ chủ nghĩa cải lương, ủng hộ giải pháp hòa bình cho các vấn đề xã hội thông qua biện pháp cải cách, bất bạo động.

  5. V.Z. Ketskhoveli: một nhà cách mạng xã hội dân chủ chống Nga hoàng. Năm 1900, ông được điều đến Baku để hoạt động và bị bắt vào năm 1902, sau đó đã chết trong tù vào năm 1903.

  6. A.G. Tsulukidze: là một nhà cách mạng xã hội dân chủ và cũng là một nhà phê bình văn học. Sinh ra và lớn lên trong gia đình quý tộc, nhưng sớm tiếp cận với chủ nghĩa Mác, người cùng Sta-lin tổ chức cuộc đình công của công nhân tại Tiflis và Batum.

  7. Kapandze Andrey Pavlovich: nguyên Ủy viên nhân dân Quốc gia và Nội vụ của nước Cộng hòa tự trị Adjara, thuộc thành phần nước CHXHCNXV Gruzia.

  8. Cuốn sách “Hồi ức của những công nhân già ở Nam Cáp-ca-dơ thuật về Sta-lin vĩ đại” của tác giả P. Kapanadze, Nxb Thanh vệ đội, 1937, tiếng Nga, tr.37.

  9. Báo Sự thật (Prava), số 136, ngày 16-6-1926.

  10. V.I. Lê-nin thành lập tổ chức này vào năm 1895, đóng vai trò khá quan trọng trong việc hợp nhất các tổ chức Mác-xít ở Petersburg. Đầu năm 1896, Lê-nin và nhiều nhà hoạt động của tổ chức bị bắt, Hội bắt đầu lâm vào chủ nghĩa cơ hội và tan rã vào năm 1904.

  11. Viktor Kurnatovsky: một nhà cách mạng Nga nổi tiếng, một trong những đảng viên xuất sắc của Đảng Xã hội Dân chủ Nga, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang trong cách mạng Nga 1905 để thành lập nước Cộng hòa Chita do giai cấp vô sản nắm quyền và tồn tại trong 2 tháng từ 22-11-1905 đến 22-1-1906.

  12. Plekhanov, Martov và Axelrod đều là những nhà cách mạng mác xít Nga đầu tiên, từng có một thời gắn bó với Lê-nin. Về sau họ trái quan điểm và trở thành những phần tử Men-sê-vích phản bội chủ nghĩa Mác, trở thành những kẻ cải lương chủ nghĩa.

  13. Sta-lin toàn tập, Tập 1, tr.9, Tiếng Nga.

  14.  Mikhail Ivanovich Kalinin (1875 – 1946), một nhà cách mạng Bôn-sê-vích rất nổi tiếng, từng giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và Chủ tịch BCH TW Xô viết toàn Liên bang. Từ năm 1926, là thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

  15. Sta-lin toàn tập, Tập 1, sdd, tr.9.

  16. Tia Lửa số 25, ngày 15-9-1902.

  17. V.I. Lê-nin, qua sự nhật xét của Sta-lin, Nxb Ngoại ngữ, Moskva, 1946, tr.36-37