Chủ nghĩa Marx không phải là giáo điều mà là kim chỉ Nam cho hành động !
Chủ nghĩa Marx không phải là giáo điều mà là kim chỉ Nam cho hành động !
Xét mà nói, Chủ nghĩa Trotsky không phải là xuyên tạc hoàn toàn những lời Marx-Engels, mà không chỉ Trotsky, cả những đảng xã hội dân chủ Quốc tế II cũng thế, họ trích dẫn lại những lời nói nổi tiếng của Marx - Engels, nhưng đôi khi máy móc và giáo điều, đôi khi nó tác động tiêu cực và phá hoại phong trào công nhân và cộng sản. Sự thật là ở đây, Lenin mới chính là người đề xuất nhiều vấn đề thậm chí là đối nghịch với những lời lẽ của Marx - Engels, nhưng sự khác biệt đó đã được lịch sử minh chứng là đúng. (sự khác biệt đó CHỈ diễn ra trong phạm vi vấn đề Chiến thuật và chiến lược của cách mạng vô sản mà thôi)
MARXIST chân chính không phải là những kẻ coi những lời lẽ của Marx-Engels như một bức tượng thạch đóng khuôn.
MARXIST chân chính là những người thấm nhuần thế giới quan cách mạng và phương pháp của Chủ nghĩa Marx rồi áp dụng nó một cách sáng tạo và phù hợp vào những điều kiện lịch sử cụ thể của thời đại mình.
Vậy vấn đề ở đây là gì ? Là ở chỗ Trotsky, Zinoviev, Kamenev hay các nhà cách mạng xã hội dân chủ Quốc tế II đã trích lại các công thức nổi tiếng của Marx - Engels một cách máy móc giáo điều và rồi họ tự cho sự giáo điều ngu muội đó của mình đúng và tự xem mình mới là marxist chân chính. Tại sao nó giáo điều ? Là vì những công thức đó đã có từ hồi giữa thế kỷ XIX, nhưng họ lại áp dụng nó vào hoàn cảnh đầu thế kỷ XX. Nói cách khác, họ mang những kinh nghiệm của thời Marx - Engels cách đấy hơn 40-50 năm để áp dụng vào hiện tại cuộc sống của họ, họ mang công thức từ thời đại trước áp dụng cho thời đại sau. Sự giáo điều đó đã biến họ trở thành những kẻ phi marxist mặc dù bề ngoài họ hay dẫn những lời lẽ marxist. Hay nói hơn, họ là những kẻ giáo điều hóa Chủ nghĩa Marx.
Vấn đề bất đồng chủ yếu trong Đảng chính là vấn đề “Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi quốc gia”. Vấn đề này quyết định phần lớn các vấn đề mâu thuẫn khác giữa phe đối lập và Trung ương Đảng. Do đó, chúng ta đi sâu vào nó.
Trong tác phẩm trứ danh, Những nguyên lý của Chủ nghĩa cộng sản, xuất bản năm 1847, Engels đã nêu lên một công thức nổi tiếng mà các nhà dân chủ xã hội Quốc tế II và phái đối lập trong Đảng bám víu lấy:
<< Hỏi: Cuộc cách mạng đó liệu có thể xảy ra trong riêng biệt một nước nào đó không ?
Trả lời: Không. Đại công nghiệp đã tạo nên thị trường thế giới, chỉ riêng điều đó cũng đã làm cho nó gắn tất cả các dân tộc trên quả đất lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, do đó mỗi dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác. Sau nữa, đại công nghiệp đã san bằng sự phát triển của xã hội ở trong tất cả các nước văn minh, nên ở khắp nơi giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở thành hai giai cấp có tác dụng quyết định trong xã hội và cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu trong thời đại chúng ta. Vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ mang tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất cũng ở Anh, Mỹ, Pháp, và Đức. Trong mỗi một nước đó, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển nhanh hay chậm, là tùy ở chỗ nước nào có công nghiệp phát triển hơn. Cho nên, ở Đức cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ thực hiện chậm nhất và khó khăn nhất, còn ở Anh thì nhanh nhất và dễ nhất. Cách mạng Cộng sản chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước khác trên thế giới, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn và thúc đẩy nhanh gấp bội tiến trình phát triển trước kia của các nước đó. Nó là một cuộc cách mạng có tính chất toàn thế giới, vì vậy nó sẽ có quy mô toàn thế giới.>> (Ăng-ghen, Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội)
Thế lúc đó Engels nói đúng không ? Rõ ràng là đúng. Nhưng xin lưu ý, Engels viết những lời này vào những năm 40 thế kỷ XIX, khi mà chủ nghĩa tư bản còn đang ở giai đoạn tự do cạnh tranh. Còn những quan điểm của Lenin lại viết trong giai đoạn Chủ nghĩa tư bản đế quốc và độc quyền. Rất rõ ràng, HAI THỜI ĐẠI KHÁC NHAU, thì không thể rập khuôn máy móc bê nguyên xi các công thức và vận dụng một cách máy móc Chủ nghĩa Marx được.
Trong thời đại chủ nghĩa đế quốc đang phát triển cao độ, khi mà tính chất phát triển không đồng đều trong nội bộ các nước tư bản trở thành lực lượng quyết định, trong thời kỳ mà không thể tránh khỏi những cuộc xung đột giữa các nước đế quốc - về tính chất phát triển không đồng đều của các nước tư bản chủ nghĩa (Lenin) - đã mở ra những cơ hội có thể chọc thủng mặt trận của các nước đế quốc chủ nghĩa ở một nước hay thậm chí một nước. Sự thay đổi thời đại và tính chất thời đại của nó đã làm cho những công thức đó của Engels đã không còn phù hợp, do đó buộc phải thay bằng một công thức khác. Mà ở đây Lenin là người duy nhất tìm ra. Tức, công thức về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một quốc gia nhất định. Tất nhiên, tôi đến “công thức” tức là nói đến phạm vi của vấn đề Chiến lược và chiến thuật của cách mạng vô sản, chứ không phải nói đến vấn đề thế giới quan và phương pháp luận. Lenin vẫn tuân thủ và tán thành thế giới quan và phương pháp luận của Marx - Engels, chỉ thay đổi về Chiến lược và chiến thuật của cách mạng vô sản, trong những điều kiện mới của Chủ nghĩa tư bản độc quyền và giai đoạn chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Do đó, ai bảo Lenin xuyên tạc Chủ nghĩa Marx là những kẻ kém hiểu biết, tư duy non kém.
Sự vĩ đại của Lenin chính là ở chỗ Người kế tục sự nghiệp Marx - Engels, là ở chỗ Người không bị sa vào tình trạng “nô lệ hóa” câu chữ khi trích dẫn và vận dụng Chủ nghĩa Marx, điều mà thời bấy giờ các lãnh tụ dân chủ xã hội và các phe đối lập đều mắc phải.
Sự vĩ đại của Lenin là ở chỗ Người đã không do dự trong việc tìm tòi và đúc kết ra một công thức mới, một công thức phù hợp cho thời đại mới, công thức về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trong phạm vi một nước.
Nói như thế, không có nghĩa là muốn ám chỉ rằng Lenin là nhà tư tưởng cao hơn Marx - Engels, mà ở đây có nghĩa là:
Thứ nhất: Rất rõ ràng chúng ta không thể đòi hỏi Marx - Engels có thể nhìn thấy trước tương lai nửa thế kỷ, hay có thể đoán trước thời đại đế quốc chủ nghĩa sẽ xảy ra được.
Thứ hai: Lenin với tư cách là học trò của Marx, Engels đã tìm thấy những khả năng mới của cuộc cách mạng vô sản trong những điều kiện mới của thời đại mới.
Do đó, chúng ta phải hiểu rằng không thể hiểu và vận dụng Chủ nghĩa Marx một cách giáo điều bằng cách viện dẫn hay bám víu vào những công thức đã không còn phù hợp trong thời đại mới. Chính điều đó đã làm Lenin vĩ đại hơn tất thảy những nhà “marxist” mà chẳng hiểu Chủ nghĩa Marx còn lại.
Cần phân biệt giữa câu chữ và thực chất của Chủ nghĩa Marx, giữa những nguyên lý và phương pháp của Chủ nghĩa Marx, giữa những phần "chết" và phần "sống". Sở dĩ Lenin có thể làm được như thế là vì Người không coi Chủ nghĩa Marx là một lý luận giáo điều, mà nó là nền tảng, là kim chỉ Nam cho hành động, hay nói cách khác, "không nô lệ hóa" vào câu chữ những lời Marx-Engels dạy.
Lenin viết trong tác phẩm Bệnh Ấu trĩ tả khuynh:
<<Marx và Engels đã nói rằng lý luận của chúng ta không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động; nên sai lầm lớn nhất, tội ác lớn nhất của hạng người marxist "có môn bài" như Kautsky, Otto Baue và những người khác giống như họ, là đã không hiểu, đã không biết áp dụng chân lý đó vào những giờ phút quyết định nhất của cách mạng vô sản>> (Lenin toàn tập, tập XXV, tiếng Nga, tr.211)
Chủ nghĩa Lenin, tức là "Chủ nghĩa Marx" trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, nó vững vàng và tiếp tục vững vàng, và những người tiếp thu nó cũng phải giống như Lenin tiếp thu Chủ nghĩa Marx, tức là không thể giáo điều.
Chúng ta nên chọn: "Chủ nghĩa Marx sáng tạo" !