Câu 41 - 50




41. Quyền lợi của đảng viên

Mọi đảng viên có những quyền lợi như sau:

1) Có quyền tự do và thiết thực thảo luận cách thi hành chính sách của Đảng, trên các báo chí và trong các cuộc hội nghị của Đảng.

Để thi hành triệt để chính sách và công tác của Đảng, mọi đảng viên có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình (trên báo chí và trong hội nghị của Đảng), dù ý kiến ấy không đồng ý với ý kiến của đại đa số, không ai được ngǎn cấm.

2) Có quyền tuyển cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

3) Có quyền đưa ra những đề nghị, những thanh minh, những lời kêu nài trước các cơ quan của Đảng, từ chi bộ đến Trung ương, không ai được ngǎn trở.

4) Trong các cuộc hội nghị của Đảng có quyền phê bình đảng viên và cán bộ, phê bình công tác của các cơ quan Đảng.

Vì quyền phê bình ấy có thể nâng cao tính hǎng hái và tinh thần phụ trách của các đảng viên; có thể đảm bảo sự đấu tranh của đảng viên chống những cái gì có hại đến Đảng; quyền phê bình là một vũ khí chống quan liêu, mệnh lệnh; nó cải thiện sự quan hệ giữa cán bộ và đảng viên; nó giúp cải thiện các công việc của Đảng.

Vì vậy, mọi người phải tôn trọng quyền phê bình của đảng viên.

42. Chế độ dân chủ tập trung của Đảng

Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi uỷ lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi uỷ. Trên chi uỷ thì có huyện uỷ, tỉnh uỷ, khu uỷ lên đến Trung ương. Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung. Nghĩa là:

A- Tập trung trên nền tảng dân chủ.

Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ. Nghĩa là:

1- Các cơ quan lãnh đạo đều do quần chúng đảng viên bầu cử lên.

2- Phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành. Rồi lại do các cuộc hội nghị của Đảng thảo luận giải quyết, chứ không ai được tự ý độc đoán.

3. Quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do quần chúng đảng viên giao phó cho, chứ không phải tự ai tranh giành được. Vì vậy, người lãnh đạo phải gần gũi và học hỏi quần chúng đảng viên, nghe ngóng ý kiến của họ. Nếu lên mặt với quần chúng, lạm dụng quyền lực – thế là sai lầm.

4. Trật tự của Đảng là: cá nhân phải phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng số nhiều; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; các địa phương phải phục tùng Trung ương.

B. Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.

ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn.

1- Chỉ có cơ quan lãnh đạo có quyền khai các cuộc hội nghị.

2- Tất cả các nghị quyết của Đảng phải do cơ quan lãnh đạo chuẩn bị kỹ càng, rồi giao cho các cấp thảo luận. Không được làm qua loa, sơ sài,

3- Khi bầu cử các cơ quan lãnh đạo trong Đảng, phải xem xét rất kỹ lưỡng để lập danh sách những đảng viên ứng cử.

4- Toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương.

Nói tóm lại: Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật.

43. Hệ thống tổ chức của Đảng

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Toàn quốc đại biểu đại hội.

Đại hội có quyền:

1- Nghe, thảo luận và phê chuẩn các báo cáo của Trung ương.

2- Quyết định và sửa đổi Đảng cương, Đảng chương.

3- Quyết định chính sách và phương châm chính của Đảng.

4- Bầu cử Trung ương.

Trong khoảng từ Đại hội này đến Đại hội khác, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Trung ương.

Trung ương không thể ngày ngày khai hội. Để lãnh đạo mọi công tác, Trung ương cử ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Để chỉ đạo những địa phương xa, Trung ương có thể đặt những Cục Trung ương.

Khi cần, Trung ương có thể họp Toàn quốc đại biểu hội nghị. Hội nghị có quyền:

1- Quyết định chính sách trước mắt của Đảng.

2- Cử thêm một số Uỷ viên Trung ương mới, hoặc cất chức Uỷ viên nào không làm tròn nhiệm vụ.

Những nghị quyết của Hội nghị phải có Trung ương phê chuẩn mới được thi hành.

Các cấp xã, huyện, tỉnh, khu cũng có đại hội của cấp mình; do đại hội cử ra chi uỷ, huyện uỷ, tỉnh uỷ, khu uỷ.

Trung ương và các cấp có thể họp những cuộc hội nghị cán bộ và hội nghị những phần tử hoạt động, để giải thích và thảo luận những nghị quyết quan trọng, sắp xếp công tác và kiểm tra công tác.

Trung ương và các cấp có thể lập ra những ban: Quản lý việc Đảng, Tuyên truyền giáo dục, Dân vận, Kinh tế, Quân sự … Ban của cấp nào, do uỷ viên hội cấp ấy lãnh đạo.

Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Bài sau chúng ta sẽ nói kỹ về chi bộ.

44. Chi bộ

Ở mỗi xưởng máy, hầm mỏ, xí nghiệp, cơ quan, trường học, đường phố, nông thôn, đại đội – có 3 đảng viên trở lên thì lập một chi bộ. Chi bộ là đồn luỹ của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng.

Mỗi chi bộ có thể chia làm mấy tiểu tổ, để công tác cho dễ. Nhưng không nên chia nhiều tiểu tổ quá.

Nơi nào đảng viên quá đông (ở nông thôn quá 50, ở nhà máy, cơ quan, v.v., quá 100 đảng viên) thì có thể lập Tổng chi bộ, dưới Tổng chi bộ, lập mấy Phân chi bộ.

Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Nhiệm vụ của chi bộ là:

– Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng.

– Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ.

– Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và vǎn hoá của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân.

Chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy, thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

– Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hǎng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ đến tiêu chuẩn đảng viên. Khi giới thiệu họ vào Đảng, thì phải hết sức cẩn thận.

– Chi bộ phải hiểu rõ lý lịch, mặt mũi chính trị, trình độ giác ngộ, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia mọi công tác của Đảng.

Đối với những phần tử xấu chui vào trong Đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy trừ họ ra. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật của Đảng.

Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi uỷ vững tức là chi bộ mạnh.

45. Chủ nghĩa xã hội

Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản.

Cộng sản là gì? Lênin đã trả lời rất giản đơn vắn tắt: Cộng sản là nhà máy, ruộng đất đều là của chung; lao động cũng chung của toàn dân.

Cộng sản là không có chế độ tư hữu, không có giai cấp áp bức bóc lột. Là của cải đều là của chung, sức sản xuất rất cao, nhân dân lao động hoàn toàn giải phóng và sống rất tự do, sung sướng.

Cộng sản có hai giai đoạn.

Giai đoạn thấp, tức là chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn cao, tức là chủ nghĩa cộng sản.

Hai giai đoạn ấy giống nhau ở nơi: Sức sản xuất đã phát triển cao; nền tảng kinh tế thì tư liệu sản xuất đều là của chung; không có giai cấp áp bức bóc lột.

Hai giai đoạn ấy khác nhau ở nơi: Chủ nghĩa xã hội vẫn còn chút ít vết tích xã hội cũ. Xã hội cộng sản thì hoàn toàn không còn vết tích xã hội cũ.

ở Liên Xô, nǎm 1936 đã tuyên bố chủ nghĩa xã hội thành công; ngày nay đang tiến mạnh sang giai đoạn chủ nghĩa cộng sản.

Cǎn cứ theo tình hình thực tế ở Liên Xô, thì thấy đặc điểm của chủ nghĩa xã hội là:

1- Công cụ sản xuất và tư liệu sản xuất đều là của chung. ở nông thôn thì có nông trường chung. Ngoài nông trường, nông dân vẫn có ít của riêng như: nhà ở, lợn gà, vườn trồng rau, một con bò sữa, nghề phụ, v.v..

2- Tư bản, địa chủ, phú nông không có nữa.

Chỉ có công nhân và nông dân. Không ai bóc lột họ; cố nhiên họ cũng không bóc lột ai.

Khoa học ngày càng phát triển, máy móc ngày càng nhiều, cho nên công nhân và nông dân ngày càng đỡ khó nhọc.

3- Nguyên tắc sinh hoạt là: “Ai không làm thì không được ǎn” và “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”.

4- Kinh tế có kế hoạch. Cả nước có một kế hoạch chung. Mỗi ngành theo kế hoạch chung đó mà đặt kế hoạch riêng: Sản xuất thứ gì và bao nhiêu. Mục đích là nâng cao đời sống của nhân dân và củng cố quốc phòng của Tổ quốc. Do kinh tế có kế hoạch, mà không có nạn khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp; mà sức sản xuất thì phát triển mau chóng.

5- Không có sự đối lập giữa thành thị và thôn quê, giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Vì thôn quê ngày càng vǎn minh, công nông ngày càng thông thái.

Đặc điểm của chủ nghĩa xã hội tóm tắt là như vậy.

46. Chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa xã hội tiến lên cao nữa là chủ nghĩa cộng sản.

Đồng chí Xtalin nói: chủ nghĩa xã hội tiến sang chủ nghĩa cộng sản, cần có ba điều:

1- Mọi ngành sản xuất phát triển rất cao và không ngừng.

2- Nông trường công cộng biến dần thành của chung cả nhân dân.

3- Nâng vǎn hoá lên thật cao (bớt giờ làm việc, mỗi ngày chỉ làm độ 5, 6 giờ, để cho mọi người đủ thì giờ học vǎn hoá và kỹ thuật).

Đồng thời phải tǎng lương bổng cho công nhân và công chức, tiếp tục giảm giá hàng, luôn luôn nâng cao mực sinh hoạt của mọi người.

Dưới chế độ cộng sản, nguyên tắc là “Mọi người làm hết tài nǎng; ai cần dùng gì có nấy”.

Nghĩa là: lúc đó mọi người đều có đạo đức; đối với mọi việc, ai cũng xung phong. Sản xuất thứ gì cũng phong phú. Cho nên ai cần gì có nấy. Cố nhiên tiêu dùng hợp lý và đúng mực, chứ không phải vì giàu mà lãng phí.

Liên Xô đã chứng tỏ chủ nghĩa cộng sản đã thực hiện dần dần, chứ không phải là mộng tưởng. Vài thí dụ: Hiện nay, giáo dục phổ thông ở Liên Xô là 10 nǎm, thành thử vǎn hoá của nhân dân rất cao.

ở Mạc Tư Khoa có những nhà máy tự động, một công tác trước kia cần 58 người, nay chỉ cần 2 người. Có công tác trước kia cần 90 phút đồng hồ, nay chỉ trong 3 phút thì làm xong. Có những công tác trước kia phải một tháng, nay chỉ một đêm đã làm rồi. Nghĩa là kỹ thuật rất cao. Từ sau Thế giới đại chiến thứ hai đến nay, Liên Xô đã 6 lần giảm giá hàng hoá, cái gì cũng rẻ, cho nên dân rất sung sướng.

Đến ngày cộng sản thực hiện khắp thế giới, thì sẽ không còn giai cấp chống nhau, dân tộc chống nhau; sẽ hết áp bức, hết chiến tranh. Toàn thế giới sẽ sống như anh em. Mọi người đều tự do, bình đẳng, sung sướng.

Lúc đó, thì bộ máy nhà nước cũng không cần nữa. Song xã hội vẫn cần có những cơ quan để lãnh đạo công việc kinh tế và vǎn hoá; chứ không phải cộng sản là hoàn toàn không tổ chức, không kỷ luật.

47. Chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công

Từ đời xưa đến nay, chế độ công cộng nguyên thuỷ sụp đổ do chế độ nô lệ thay thế.

Chế độ nô lệ sụp đổ, do chế độ phong kiến thay thế. Chế độ phong kiến sụp đổ, do chế độ tư bản thay thế. Đó là quy luật nhất định trong sự phát triển của xã hội.

Lịch sử loài người là do người lao động sáng tạo ra. Người lao động sáng tạo ra của cải, luôn luôn nâng cao sức sản xuất. Sản xuất phát triển tức là xã hội phát triển. Chế độ nào hợp với sức sản xuất thì đứng vững. Nếu không hợp thì giai cấp đại biểu của sức sản xuất mới sẽ nổi lên cách mạng lật đổ chế độ cũ.

Hiện nay, chế độ tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được. Một là nhà tư bản sản xuất hàng hoá quá nhiều, quá mau, nhưng không bán hết được; vì công nhân thì nghèo khổ, lớp trung và tiểu tư sản thì nhiều người đã phá sản. Hai là tính chất sản xuất là công cộng – hàng nghìn hàng vạn công nhân cùng làm ở một nhà máy. Mà tư liệu sản xuất thì lại nằm trong tay một số rất ít người. Mâu thuẫn ấy gây ra nạn thất nghiệp và nạn kinh tế khủng hoảng.

Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa) mới giải quyết được mâu thuẫn ấy.

Mác và Lênin đã vạch rõ con đường để giải quyết: phải kinh qua giai cấp công nhân tổ chức, đấu tranh cách mạng. Kinh qua trường kỳ xây dựng, để thực hiện chế độ cộng sản.

Ngày nay, Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Các nước dân chủ mới Đông Âu và Trung Quốc đang tiến mạnh đến chủ nghĩa xã hội. Ngay ở các nước tư bản cũng có những đảng cộng sản và đang đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản. Thế là chủ nghĩa cộng sản không chỉ ở trong lý luận mà đã thực hiện dần dần ở phần khá lớn trong thế giới. Phong trào cách mạng ngày càng cao, giai cấp lao động đấu tranh ngày càng hǎng cho nên chúng ta có thể đoán chắc rằng: chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công khắp thế giới.

48. Dân chủ mới

Từ cộng sản nguyên thuỷ đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tuỳ hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau.

Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v..

Những đặc điểm của dân chủ mới là gì?

1) Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính (trừng trị) bọn phản động.

2) Trong chế độ dân chủ mới, có nǎm loại kinh tế khác nhau:

A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).

B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).

C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).

D- Tư bản của tư nhân.

E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).

Trong nǎm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản.

3) Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác – Lênin) là tư tưởng lãnh đạo, ngày càng phát triển và củng cố.

4) Đảng Lao động kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động. (Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân có đoàn thể cách mạng chắc chắn của nó như: công đoàn, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ…) thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

5) Trong nước thì nhân dân ta hǎng hái kháng chiến, thi đua sản xuất; quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên. Trên thế giới thì có phe dân chủ hoà bình ủng hộ ta. Vì những lẽ đó ta nhất định thành công.

49. Đấu tranh để thực hiện chủ nghĩa cộng sản

Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản.

Hiểu rõ quy luật phát triển của xã hội, ra sức đấu tranh để thực hiện chế độ cộng sản tức là nhân sinh quan của người cách mạng.

Để thực hiện hoàn toàn dân chủ mới (là bước đầu để tiến dần đến chế độ cộng sản) thì mọi người, trước hết là những người đảng viên phải làm kiểu mẫu:

1- Ra sức đoàn kết đánh đổ thực dân và phong kiến, kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, ra sức củng cố chính quyền nhân dân.

2- Ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

3- Ra sức nâng cao trình độ vǎn hoá và giác ngộ chính trị của nhân dân lao động. Giúp đỡ anh em trí thức cải tạo tư tưởng, cải tạo con người, thành người trí thức của cách mạng.

4- Ra sức củng cố Đảng, làm cho Đảng ngày càng lớn, càng mạnh, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài và gian khổ để đạt mục đích ấy. Nhưng chúng ta nhất định đạt được, vì Đảng ta kiên quyết, dân ta hǎng hái.

Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc và các nước Đông Âu đang nhanh chóng thực hiện chủ nghĩa xã hội. Các nước bạn dẫn đường đi trước cho chúng ta kinh nghiệm và ủng hộ chúng ta. Chúng ta có quyết tâm: quyết tâm học tập, quyết tâm kháng chiến, quyết tâm công tác, quyết tâm vượt mọi khó khǎn, thì chúng ta nhất định thắng lợi.

50. Kết luận

Chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu Thường thức chính trị 49 lần, hôm nay chúng ta kết thúc.

Chúng ta đã nghiên cứu những vấn đề chính mà mọi người phải biết như:

– Giai cấp là gì?

– Phong kiến là gì?

– Tư bản là gì?

– Đế quốc chủ nghĩa là gì? vân vân… Và đường lối cách mạng và các tổ chức cách mạng như:

– Chính quyền nhân dân.

– Mặt trận dân tộc thống nhất.

– Đảng Lao động.

Chúng ta cũng đã nghiên cứu: chế độ và cách thực hiện dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Vì muốn cho những bài ấy giản đơn và tóm tắt, dễ hiểu, dễ nhớ mà không đào sâu vào các vấn đề. Nhưng nếu các bạn đọc kỹ nhớ suốt, và khéo liên hệ với công việc hàng ngày của mình, thì chắc rằng, những bài ấy giúp ích cho các bạn khá nhiều. Mong rằng các bạn xem lại, ôn lại cho kỹ.

Cái tinh thần nó xuyên khắp các bài ấy là: quyết tâm và tin tưởng.

Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Quyết tâm vượt khó khǎn gian khổ, làm tròn nhiệm vụ, bất kỳ ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, phụ trách việc to việc nhỏ. Quyết tâm đứng hẳn về phe lao động, phe cách mạng. Quyết tâm đưa hết tinh thần, lực lượng mà phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Tin tưởng vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân. Tin tưởng vào tương lai vẻ vang của dân tộc, của thế giới lao động. Tin tưởng vào kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Tin tưởng vào chính sách đúng đắn và lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Chính phủ ta. Tin tưởng vào mình cố gắng thì nhất định thành công.

Nắm vững tinh thần ấy, thấm nhuần tinh thần ấy, là cái chìa khoá để hiểu và để giải quyết các vấn đề.

Chúng ta có hơn 25 triệu đồng chí trong các Đảng Cộng sản và Đảng Lao động.

Chúng ta có hơn 800 triệu anh em là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới khác.

Chúng ta có hàng trǎm triệu bầu bạn là công, nông, lao động trí óc khắp các nước tư bản.

Sức ta rất to, thế ta rất mạnh, thời đại ta rất oanh liệt, tiền đồ ta rất vẻ vang. Chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thành công khắp thế giới.



Vậy, mỗi một người chúng ta cần phải cố gắng cho xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng, một người thợ xây dựng xã hội mới, đầy hạnh phúc và tự do.