Câu 21 - 30




21. Quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân

Dưới sự thống trị của đế quốc và phong kiến, nhân dân chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi. Câu tục ngữ dân ngu khu đen, đập đi hò đứng, đã nói rõ tình trạng ấy.

Dưới chế độ dân chủ cộng hoà, thì khác hẳn. Nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi. Nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, v.v. có quyền ứng cử và bầu cử. Đàn bà có mọi quyền lợi như đàn ông. Các dân tộc trong nước đều có quyền lợi như nhau.

Nhân dân được hưởng những quyền lợi ấy, cho nên mọi người cần phải hǎng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà.

Nhân dân và quốc dân khác nhau.

Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước. Đó là nền tảng của quốc dân.

Những bọn phản động chưa đến nỗi bị xử tử, vẫn là quốc dân. Nhưng chúng không được ở trong địa vị nhân dân, không được hưởng quyền lợi như nhân dân. Chúng không có quyền tuyển cử, ứng cử; không có quyền tổ chức tuyên truyền, v.v.. Song chúng cần phải làm tròn nghĩa vụ, như phục tùng trật tự, tuân theo pháp luật của nhân dân.

Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới – (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội, vân vân) – là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân.

Đối với bọn phản động, thì những tổ chức ấy là để bắt buộc chúng phải làm tròn mọi nghĩa vụ.

22. Nhiệm vụ của nhà nước dân chủ mới

Mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang.

Muốn đạt mục đích ấy, thì phải ra sức kháng chiến, đánh tan bọn đế quốc xâm lược và tiêu diệt bọn phong kiến phản quốc.

Để kháng chiến thắng lợi, nước nhà phải xây dựng nhiều mặt:

– Xây dựng quân đội – một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật. Phải luôn tǎng cường công tác chính trị để bảo đảm là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng.

– Xây dựng chính quyền – Phải cải tiến công tác trong các cơ quan chính quyền, tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Phải giáo dục nhân dân biết sử dụng quyền lợi của mình và hǎng hái làm tròn nghĩa vụ của mình. Phải đàn áp nghiêm ngặt bọn phản động, ngǎn ngừa và trừng trị mọi hoạt động phá hoại.

– Xây dựng kinh tế – Phát triển nông nghiệp, công nghệ, thủ công nghệ, thương nghiệp, giao thông vận tải, để cải tiến kinh tế và tài chính của Nhà nước, cải thiện đời sống của nhân dân.

– Xây dựng vǎn hoá – Phải xây dựng một nền vǎn hoá dân tộc, khoa học, đại chúng. Phải nâng cao trình độ vǎn hoá của nhân dân. Phải đề xướng đạo đức công dân tức là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công… Phải chống vǎn hoá nô lệ của đế quốc và phong kiến. Phải tǎng cường công việc vệ sinh, phải phát triển báo chí…

Những công việc xây dựng đó quan hệ mật thiết với nhau, lại quan hệ mật thiết với cuộc phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất.

23. Thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do)

Hiện nay, kinh tế nước ta có những thành phần như sau:

– Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô.

– Kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội. Vì tài sản các xí nghiệp ấy là của chung của nhân dân, của Nhà nước, chứ không phải của riêng. Trong các xí nghiệp quốc doanh thì xưởng trưởng, công trình sư, và công nhân đều có quyền tham gia quản lý, đều là chủ nhân. Việc sản xuất thì do sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ nhân dân.

– Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội. Nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng, hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột.

Các hội đổi công ở nông thôn, cũng là một loại hợp tác xã.

– Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, họ thường tự túc ít có gì bán, và cũng ít khi mua gì. Đó là một thứ kinh tế lạc hậu.

– Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế.

– Kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh, và do Nhà nước lãnh đạo. Trong loại này, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. Tư bản của Nhà nước là chủ nghĩa xã hội.

24. Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ

Gồm có mấy điều:

1- Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

2- Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngǎn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức.

Chủ và thợ đều tự giác tự động, tǎng gia sản xuất lợi cả đôi bên.

3- Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tǎng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông.

4- Lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hoá ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta.

Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta.

25. Ôn cũ và biết mới

Chúng ta đã nghiên cứu những mục:

1) Giai cấp là gì?

2) Phong kiến là gì?

3) Chủ nghĩa tư bản là gì?

4) Chủ nghĩa đế quốc là gì?

5) Đế quốc Pháp xâm lược nước ta.

6) Tư sản mại bản là gì?

7) Kinh tế lạc hậu là thế nào?

8) Vì sao nhân dân Việt Nam cực khổ?

9) Con đường giải phóng.

10) “Canh giả hữu kỳ điền”.

11) Động lực cách mạng.

12) Vì sao công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng?

13) Giai cấp nông dân.

14) Giai cấp tiểu tư sản.

15) Giai cấp tư sản dân tộc.

16) Cách mạng và kháng chiến.

17) Chế độ Nhà nước dân chủ cộng hoà.

18) Nhân dân dân chủ chuyên chính.

19) Mặt trận dân tộc thống nhất (Liên – Việt).

20) Dân chủ tập trung.

21) Quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

22) Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới.

23) Thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do).

24) Chính sách kinh tế của Đảng và của Chính phủ.

Học thì phải ôn cái cũ và biết thêm cái mới. Nếu không ôn lại thì những cái đã học được, sẽ quên mất.

Vậy Đ.X. xin đề nghị:

a) Các đồng chí ôn lại những bài ấy, và liên hệ những bài ấy với công tác của mình. Có chỗ nào không hiểu rõ, hoặc không đồng ý xin các đồng chí gửi thư cho Báo.

b) Xin những cơ quan, bộ đội, xưởng máy, trường học và cá nhân nào đã nghiên cứu những bài ấy, viết thư cho Báo, để Báo biết rõ những bài ấy đã giúp ích được chừng mực nào. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm những mục khác.

26. Thời đại mới

Thời đại của chúng ta là thời đại mới, thời đại cách mạng thắng lợi.

Trước kia, tư bản đánh đổ phong kiến, phát triển công nghệ; lúc đó tư bản có tính tiến bộ. Nhưng ngày nay tư bản đã thành đế quốc chủ nghĩa, tức là tư bản chủ nghĩa đã mục nát và gần chết.

Vì sao mà mục nát? Vì đế quốc chủ nghĩa tức là tư bản độc quyền. Mấy nhóm đại tư bản choán hết thị trường; không ra sức cải tiến kỹ thuật, tǎng gia sản xuất nữa. Vì đại đa số nhà tư bản đã biến thành bọn đầu cơ và nhờ vào bóc lột các thuộc địa mà sống.

Vì sao mà gần chết? Vì cách sản xuất đã xã hội hoá đến mức rất cao (một nhà máy có hàng vạn công nhân), nó tạo điều kiện cho việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì mâu thuẫn giữa các đế quốc rất sâu sắc nó tạo điều kiện cho việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Có ba mâu thuẫn chính là:

1) Mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản. Vô sản ngày càng cùng khổ, mà giác ngộ ngày càng cao, càng kiên quyết làm cách mạng để đánh đổ chủ nghĩa tư bản.

2) Mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc thuộc địa. Đế quốc bóc lột ngày càng tàn tệ. Nhân dân các thuộc địa ngày càng đau khổ, càng giác ngộ và càng kiên quyết làm cách mạng đánh đổ đế quốc chủ nghĩa. Vô sản các nước cùng với dân tộc các thuộc địa kết thành bạn đồng minh để đánh đổ kẻ thù chung là đế quốc chủ nghĩa.

3) Mâu thuẫn giữa các nhóm tư bản độc quyền và giữa các nước đế quốc. Vì chúng tranh nhau thị trường, tranh nhau thuộc địa, rồi đi đến đánh nhau.

Kết quả ba mâu thuẫn ấy làm cho cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc nổ bùng, và thắng lợi.

27. Xã hội mới

Nǎm 1914, Thế giới chiến tranh lần thứ nhất nổ bùng.

Nǎm 1917, cách mạng vô sản thắng lợi ở Nga, một nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đã thành lập – tức là Liên Xô. Từ đó thế giới chia làm hai phe.

Trước kia, toàn thế giới đều bị tư bản thống trị. Nay, tư bản đã bị đánh đổ ở một nước rất to và vô sản trở nên giai cấp thống trị.

Trước kia, nhiều dân tộc bị đế quốc Nga áp bức. Nay những dân tộc ấy hoàn toàn được giải phóng.

Vì vậy, cách mạng Nga đã khuyến khích giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa cả thế giới nổi lên cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Mười, đế quốc Pháp, Anh, Mỹ cùng 11 nước khác tiến công Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của Lênin và Xtalin, quân và dân Liên Xô đã đánh thắng bọn đế quốc và bè lũ phản động trong nước. Nǎm 1928, Liên Xô bắt đầu kế hoạch 5 nǎm thứ nhất, trong lúc các nước tư bản đang lâm vào kinh tế khủng khoảng. Hiện nay, Liên Xô đang thực hiện kế hoạch 5 nǎm thứ 5, tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản.

Nǎm 1940, Thế giới chiến tranh thứ hai bùng nổ. Kết quả là:

– Đế quốc Đức, Nhật, ý sụp đổ. Đế quốc Pháp và Anh suy yếu. Đế quốc Mỹ cô độc. Vậy là thế lực đế quốc càng thu hẹp.

– Các nước Tiệp, Hung, Bảo, Lỗ, Đông Đức, Ba Lan, Anbani, Bắc Triều Tiên đã được quân đội Liên Xô giải phóng, và thành những nước dân chủ mới. Nhờ Liên Xô thắng Nhật, mà Cách mạng Tháng Tám ta thành công, Việt Nam ta cũng thành một nước dân chủ mới. Nǎm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, 500 triệu nhân dân Trung Quốc đang thực hiện dân chủ mới.

Thế là phe dân chủ và chủ nghĩa xã hội, do Liên Xô lãnh đạo ngày càng mạnh mẽ vẻ vang.

28. Tình hình thế giới ngày nay

Hiện nay, thế giới chia thành hai phe rõ rệt. Phe đế quốc do Mỹ cầm đầu. Phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo.

Đế quốc Mỹ – Trong hai cuộc thế giới chiến tranh, Mỹ ít chết người hại của. Trái lại, Mỹ bán được nhiều hàng hoá, choán được nhiều thị trường, phát tài to. Do đó, Mỹ trở nên đế quốc số 1. Nhờ chiến tranh mà phát tài cho nên Mỹ thành một đế quốc gây chiến bậc nhất. Nếu không bán được vũ khí thì Mỹ sẽ lâm vào kinh tế khủng hoảng.

Chính sách của Mỹ là “lấy máu người, phát tài ta”. Song Mỹ sẽ thất bại vì:

– Nạn kinh tế khủng hoảng luôn luôn đe doạ Mỹ.

– Mỹ cô độc, không có một đồng minh mạnh mẽ, mà mâu thuẫn trong phe Mỹ lại rất sâu sắc.

– Chính sách xâm lược là trái với chính nghĩa, nhân dân nước nào cũng ghét.

– Quân đội Mỹ non nớt, ít kinh nghiệm.

Người địch của đế quốc Mỹ, là phe dân chủ hoà bình thế giới, rất to và ngày càng to.

Phe dân chủ hoà bình – Liên Xô là một phần sáu quả đất với 200 triệu nhân dân, ngày càng giàu mạnh. Quân đội hùng mạnh và nhiều kinh nghiệm. Quân và dân đoàn kết nhất trí, trình độ chính trị rất cao.

Trung Quốc – Đất đai rộng bằng cả châu Âu. Nhân dân đông gấp ba Mỹ, gấp 12 Pháp. Người đông, đất rộng, của nhiều, đoàn kết.

Cộng với các nước dân chủ nhân dân khác, cộng với nhân dân yêu chuộng hoà bình ở khắp thế giới, đó là một lực lượng vô cùng to lớn, mạnh hơn phe đế quốc, đủ đánh tan âm mưu đế quốc và đẩy mạnh thế giới tiến lên.

29. Tình hình trong nước

Nước ta đang kháng chiến chống đế quốc xâm lược, để tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Thực dân Pháp yếu dần, nhưng vì chúng được phe đế quốc giúp sức nhất là đế quốc Mỹ, cho nên tạm thời địch còn mạnh.

Tuy vậy, ta nhất định thắng lợi. Vì phe ta, phe dân chủ ngày càng mạnh. Vì phe địch nhiều mâu thuẫn, và ngày càng yếu. Vì ta có chính nghĩa, mà địch là bọn đi cướp nước. Vì nội bộ địch lủng củng, mà nhân dân ta thì đoàn kết một lòng.

Đoàn kết là một lực lượng vô cùng mạnh mẽ. Ngoài thì ta đoàn kết với nhân dân Miên, Lào, Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Trong thì đoàn kết toàn thể nhân dân yêu nước, tức là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những thân sĩ kháng chiến nghĩa là 99 phần trǎm toàn dân ta. Đó là một sức mạnh vô địch.

Tối đại đa số trong nhân dân là nông dân. Nông dân hǎng hái tham gia là điều kiện chính cho kháng chiến thắng lợi. Vì vậy, Đảng và Chính phủ phát động quần chúng, thực hành chính sách ruộng đất, để đưa lại quyền lợi kinh tế và chính trị cho nông dân.

Thực hiện đúng chính sách ruộng đất, tức là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

30. Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế

Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình.

Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hoà bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc. Trước đây nước ta bị đế quốc Pháp xâm chiếm. Nhờ nhân dân ta đoàn kết, nhờ Liên Xô đánh thắng đế quốc Nhật mà Cách mạng Tháng Tám thành công, từ đó dân ta làm chủ nước ta.

Song kẻ thù là đế quốc Pháp – Mỹ thông đồng với bọn phong kiến địa chủ do bù nhìn Bảo Đại đứng đầu, mong cướp nước ta một lần nữa.

Để giữ quyền tự do độc lập của Tổ quốc, chúng ta phải kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Đánh đuổi đế quốc Pháp – Mỹ không những là lợi ích riêng cho nước ta, mà cũng làm yếu thế lực đế quốc góp phần vào giữ gìn hoà bình thế giới.

Mà giữ gìn hoà bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí. Họ phải đoàn kết để giải phóng mình khỏi ách đế quốc. Vì vậy cách mạng nước nào cũng phải có nhân dân lao động thế giới ủng hộ mới thắng lợi. Và khi đã thắng lợi, ắt phải giúp đỡ cách mạng của nhân dân nước khác.

Đó là lập trường quốc tế cách mạng. Ngày nay, thế giới có hai phe: phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo và Trung Quốc giúp sức. Đứng về phe này thì tranh được độc lập và tự do. Phe đế quốc do Mỹ cầm đầu. Đi theo phe này hại dân mất nước. Ta phải cương quyết đứng về một phe, không thể đứng chông chênh giữa hai phe. Quyết không có con đường thứ ba.

Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khǎng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hoà bình thế giới.