Các giai đoạn của liên minh đối lập
Các giai đoạn của "liên minh đối lập"
Như đã nói, trước đây phái đối lập tồn tại không phải một tổ chức, mà nhiều tổ chức với các lãnh tụ khác nhau. Họ đôi khi đồng lòng ở một số vấn đề nhưng đôi khi lại bất đồng với nhau trong một số vấn đề. Tuy nhiên, không phải chỉ có thế, mà ngược lại, đôi khi Ban chấp hành Trung ương lại phải hòa giải bất đồng giữa các nhóm đối lập, đôi khi Ban chấp hành Trung ương phải bênh vực một số quan điểm của phái đối lập nếu như quan điểm đó là đúng. Chứ không phải tuyệt nhiên, Ban chấp hành Trung ương chống vô điều kiện với phe đối lập. Đồng thời cũng có lúc phái đối lập này tán đồng với quan điểm của Ban chấp hành Trung ương để chống phái đối lập khác. Lúc đó hoàn toàn không phải là sự liên minh nào cả, mà chỉ đơn thuần, phái này hay phái khác tán thành hoặc không tán thành quan điểm đó. Tôi lấy một số ví dụ.
Cuối năm 1924, một số đồng chí Bolshevik ở đảng ủy Leningrad đã yêu cầu khai trừ Trotsky ra khỏi Đảng. Tỉnh ủy Leningrad đã thông qua một quyết định đề nghị khai trừ Trotsky. Nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phủ quyết đề nghị đó. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử các đại biểu đến Tỉnh Leningrad, mở các cuộc tranh luận nhỏ và thuyết phục tỉnh ủy Leningrad xóa bỏ điểm nói về khai trừ Trotsky. Sau đó, Tỉnh ủy Leningrad cũng như nhóm đối lập của Kamenev cũng có yêu cầu khai trừ Trotsky khỏi Bộ Chính trị vì liên quan đến cuốn sách xuyên tạc Đảng “Những bài học tháng Mười”, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kiên quyết bác bỏ những đề xuất đó, chỉ cách chức Trotsky khỏi chức vụ ủy viên Bộ dân ủy Quốc phòng. Trung ương Đảng khi đó không đồng ý với đề nghị khai trừ Trotsky của Zinoviev và Kamenev, không vì sự bất đồng trong giữa các quan điểm trong Đảng mà đi đến chỗ khai trừ, trù dập nhóm đối lập này hay nhóm khác. Trung ương coi phương pháp thiếu tính dân chủ đó là phương pháp không đúng trong Đảng, không thể loại trừ người này hay người kia chỉ vì họ bất đồng trong Đảng được.
Một vấn đề khác là mâu thuẫn giữa Sarkis và Bukharin tại một Hội nghị ở Leningrad tháng Giêng 1925. Sarkis đã cáo buộc Bukharin đã rơi vào lập trường chủ nghĩa công đoàn:
<<Chúng tôi đã đọc trong báo Sự thật Moskva bài báo của Bukharin nói về những thông tín viên công nông. Những quan điểm như quan điểm mà Bukharin đang phát triển thì trong tổ chức chúng ta, tuyệt không có một ai tán thành cả. Song những quan điểm ấy, những quan điểm mà người ta có thể nói là có tính chất công đoàn chủ nghĩa, không Bolshevik, thù địch với Đảng, những quan điểm đó vẫn còn tồn tại ngay cả trong một số đồng chí có trách nhiệm. Những quan điểm đó chủ trương để cho các tổ chức xã hội của quần chúng công nhân và nông dân thoát ly Đảng Cộng sản và không chịu sự chi phối của Đảng>> (Biên bản tốc ký hội nghị đại biểu Leningrad)
Ban chấp hành Trung ương đã cho rằng Sarkis đã sai lầm trong việc này, trước nhất là mặc dù Bukharin có nhiều sai lầm trong vấn đề công đoàn, từng chống Lenin trong vấn đề công đoàn, nhưng không đồng nghĩa các lập luận đều đó sai, trong vấn đề thông tín viên công nông Bukharin đã tỏ ra là hoàn toàn có lý; thứ hai việc phản đối của Sarkis đã vi phạm nguyên tắc thảo luận trên tinh thần đồng chí mà Đảng đã quy định. Và sau đó, Sarkis đã công khai xin lỗi trên báo chí về vấn đề này. Rõ ràng Ban chấp hành Trung ương không thiên vị cho bất kỳ ai.
Hay hồi mùa hè 1925, phái đối lập Kamenev và Zinoviev đã lên án những khẩu hiệu “Hãy làm giàu đi” của Bukharin. Trung ương Đảng cũng không đồng tình khẩu hiệu đó của Bukharin và thuyết phục Bukharin nhận sai lầm. Tuy nhiên, phái đối lập Kamenev và Zinoviev làm quá vấn đề và công kích Bukharin. Trung ương Đảng đã nhắc lại rằng, chính Kamenev và Zinoviev đã nhiều lần được Đảng tha thứ vì những khuyết điểm và các hành động chống Đảng trong quá khứ của họ, từ hồi Khởi nghĩa tháng Mười 1917.
Trên đây là một ví dụ điển hình. Tiếp sau đây tôi nói đến các giai đoạn hình thành của liên minh phái đối lập hay thực chất là việc Trotskyist hóa các phái đối lập. Các giai đoạn này sẽ cho chúng ta thấy rằng, các phái đối lập từ chỗ bất đồng với nhau, chuyển hẳn sang tình trạng thống nhất, trước là thống nhất về mặt tư tưởng, sau đó là sẽ thống nhất về mặt tổ chức và hình thành những hoạt động bí mật chống Đảng. Và từ chỗ này, các nhóm đối lập dao động, có xu hướng dân chủ xã hội sẽ từng bước rơi vào lập trường chủ nghĩa Trotsky và đi đến chỗ thống nhất với Trotsky thành một tổ chức thống nhất.
GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT: Tức trong thời gian họp Hội nghị tháng Tư của toàn thể Ban chấp hành Trung ương hồi tháng tháng Tư 1926, những bước đầu tiên của việc hình thành khối liên minh đối lập đã được chuẩn bị. Lúc đó “phái đối lập mới” của Kamenev và Zinoviev đã đạt những sự ủng hộ với phái Trotsky. Tuy nhiên, lúc này giữa hai phái vẫn còn bảo lưu một số ý kiến bất đồng, và thống nhất hành động chống Ban chấp hành Trung ương trong một số vấn đề thống nhất. Đặc điểm của nó làm cho chúng ta nhớ lại về sự tồn tại của cái gọi là Khối tháng Tám trong thời kỳ trước cách mạng tháng Mười, tức một liên minh đối lập gồm những người Menshevik và một số cựu Bolshevik đã tách rời khỏi Lenin, họ mưu toan xóa bỏ Đảng sau khi Cách mạng 1905-1907 thất bại. Thì nay, phái đối lập mới và phái Trotsky mưu tính hình thành một liên minh chính trị như thế trong Đảng hòng chống lại Ban chấp hành Trung ương.
Nhưng liên minh phái đối lập lúc đó chưa thống nhất hoàn toàn, những bất đồng giữa họ được gọi là “ý kiến bảo lưu”. Ý kiến bảo lưu đó là gì ? Xin trích một số lời của Trotsky và Kamenev để có thể hình dung:
Trotsky : <<Tôi cho rằng thiếu sót trong những điểm sửa đổi của đồng chí Kamenev là ở chỗ trong những điểm sửa đổi ấy vấn đề phân hóa của nông thôn đã được nêu lên một cách có thể nói là phần nào không phụ thuộc vào vấn đề công nghiệp hóa. Nhưng thực ra ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của sự phân hóa và của nhịp độ phân hóa trong nông thôn lại là do ảnh hưởng của sự phát triển và nhịp độ của công nghiệp hóa đối với toàn bộ nông thôn, quyết định>> (Biên bản Hội nghị tháng Tư Ban chấp hành Trung ương 1926).
Sau đó, Kamenev phát biểu: <<Tôi không thể tán thành phần sửa đổi của họ (tức là phần của Trotsky đối với dự thảo nghị quyết của Rykov) trong đó họ đánh giá chính sách kinh tế trước đây của đảng, tức là chính sách mà tôi hoàn toàn bảo vệ>> (Biên bản Hội nghị tháng Tư Ban chấp hành Trung ương 1926)
“Phái đối lập mới” do Kamenev và Zinoviev cầm đầu lấy làm khó chịu vì bị Trotsky phê bình chính sách kinh tế trước đây, trong thời kỳ mà Kamenev đang làm Phó chủ tịch Hội đồng dân ủy. Còn Trotsky thì không đồng tình về việc phái đối lập mới tách bạch vấn đề nông dân khỏi vấn đề công nghiệp hóa.
GIAI ĐOẠN THỨ HAI: tức là thời kỳ Hội nghị tháng Bảy 1926 của toàn thể Ban chấp hành Trung ương. Thời kỳ này, liên minh các phái đối lập chính thức hình thành, họ không còn tranh cãi về những bất đồng của nhau, mà trở thành một mặt trận thống nhất chống Ban chấp hành Trung ương, cùng nhau thảo ra Cương lĩnh của phe đối lập. Nhóm của Zinoviev đã đi đến chỗ cho rằng nhóm Trotsky đã đúng trong vấn đề về sự thoái hóa của đảng, điều đó đồng nghĩa, nhóm Zinoviev đã chấp nhận lập trường của Chủ nghĩa Trotsky. Ngược lại, Trotsky cũng ra một tuyên bố mà ở đây ông ta cho rằng những điểm nói về Zinoviev và Kamnenev là phái hữu trong Đảng trong tác phẩm “Những bài học tháng Mười” là sai lầm, rằng nguồn gốc của khuynh hướng trong đảng và sự thoái hóa trong đảng không phải là ở Kamenev và Zinoviev, mà là Ban chấp hành Trung ương, trong đó có Stalin.
Zinoviev đã phát biểu như sau: <<Chúng tôi cho rằng hiện nay không thể nghi ngờ gì nữa cả, hạt nhân cơ bản của phái đối lập 1923 - như quá trình tiến triển của đường lối lãnh đạo của phái đã chỉ rõ - đã tỏ ra là đúng, khi nó dè trước về nguy cơ đi chệch đường lối vô sản, về sự phát triển khủng khiếp của chế độ quan liêu>> ((Biên bản Hội nghị tháng Bảy Ban chấp hành Trung ương 1926)
Ở đây chính Zinoviev lại tự đi phủ định chính mình, trong thời kỳ Đại hội XIII, cũng chính Zinoviev là người lên án Trotsky và cho rằng Trotsky xét lại Chủ nghĩa Lenin, rằng Chủ nghĩa Trotsky là khuynh hướng tiểu tư sản. Giờ đây Zinoviev xí xóa và nói ngược lại. Zinoviev đã đi đến chỗ tự phủ định mình.
Còn Trotsky thì tuyên bố: <<Không nghi ngờ gì cả, trong “Những bài học tháng Mười” tôi đã gắn liền những biến động cơ hội chủ nghĩa trong chính sách với tên tuổi của Zinoviev và Kamenev. Như kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng trong Ban chấp hành Trung ương đã chứng minh, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nguyên nhân của sai lầm đó là ở chỗ tôi không có khả năng theo dõi cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ của bộ bảy và không kịp thời nhận định được rằng những biến động cơ hội chủ nghĩa là xuất phát từ nhóm do đồng chí Stalin đứng đầu nhằm chống lại các đồng chí Zinoviev và Kamenev>> (Biên bản Hội nghị tháng Tư Ban chấp hành Trung ương 1926)
Sự phản bội của Zinoviev và Kamenev khi công khai việc khởi nghĩa của Đảng Bolshevik trên báo chí Menshevik và tư sản đã bị Lenin coi là một hành động phản bội đê hèn, ấy vậy mà ngày nay Trotsky lại coi đó không phải là sai lầm. Trước mắt ở đây Trotsky vừa phủ định lại chính bản thân ông ta là những người tham gia trực tiếp Bộ Chính trị và cùng bỏ phiếu trong Hội nghị liên tịch ngày 16 tháng Mười, ông ta quá hiểu rõ các hành động của Zinoviev và Kamenev; sau đó đồng thời ông ta cũng phủ định quan điểm của Lenin khi lên án Zinoviev và Kamenev; đồng thời cũng tự ông ta phủ định luôn các quan điểm của mình trong tác phẩm “Những bài học tháng Mười”. Như vậy, để bênh vực cho các đồng minh trong phe đối lập, Trotsky đã tự phủ định kinh nghiệm hoạt động cách mạng, vai trò vị trí của mình trong Đảng, trong thời gian gần 10 năm (1917-1926).
Rõ ràng đây đều là các hành động vô nguyên tắc. Đểu đấu tranh chính trị bè phái, cả hai nhóm Zinoviev-Kamenev và Trotsky đã từ bỏ các quan điểm đối lập trước đây, có tính nguyên tắc về mặt nhận thức, để liên minh lại hòng chống Ban chấp hành Trung ương - đấy là nhân tố chủ yếu của việc hình thành khối liên minh đối lập.
GIAI ĐOẠN THỨ BA: tức thời kỳ mà khối liên minh đối lập đã tổ chức cuộc tấn công công khai chống lại Ban chấp hành Trung ương cuối tháng Chín, đầu tháng Mười 1926. Đó là thời kỳ các thủ lĩnh của khối liên minh đi khắp các chi bộ trong cả nước để tuyên truyền, mở các cuộc tranh luận trong các chi bộ, đảng bộ nhằm lôi kéo lực lượng của mình, và sau đó sẽ quay trở về Trung ương mở cuộc tấn công công khai. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc tranh luận này phe đối lập đều thất bại nặng nề, kết quả đó làm phe đối lập không thể mở một cuộc tranh luận công khai chống Ban chấp hành Trung ương sớm được. Buộc họ phải tổ chức hình thức khác chống Ban chấp hành Trung ương, đó là bằng cách thảo ra Cương lĩnh của phe đối lập.
Như vậy, ở đây liên minh các phái đối lập đã hình thành như thế, và ở đây “phái đối lập mới” của Zinoviev và Kamenev cũng chuyển hẳn sang lập trường của Chủ nghĩa Trotsky. Nhưng để làm sáng tỏ hơn nữa, chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau.