C7.P7. Nguyên nhân thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa.


Dưới đây là những nguyên nhân chính trong số những nguyên nhân quyết định sự thắng lợi tương đối dễ dàng như vậy của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga :


1. Cách mạng tháng Mười có một kẻ thù tương đối yếu, kém tổ chức, ít kinh nghiệm về chính trị, là giai cấp tư sản Nga. Chưa vững mạnh về kinh tế, và hoàn toàn phụ thuộc vào những đơn đặt hàng của chính phủ, giai cấp tư sản Nga không độc lập về chính trị và cũng không có sáng kiến để tìm được một lối thoát khỏi tình thế bế tắc. Giai cấp tư sản ấy không có kinh nghiệm về những âm mưu chính trị và những thủ đoạn lừa bịp chính trị quy mô lớn như giai cấp tư sản Pháp chẳng hạn, và cũng chưa kinh qua những trường học thỏa hiệp gian lận đại quy mô như giai cấp tư sản Anh chẳng hạn. Hôm trước còn đi tìm một sự thỏa thuận với Nga hoàng đã bị cách mạng tháng Hai lật đổ, và hôm nay có chính quyền rồi, giai cấp ấy cũng không nghĩ ra được gì hay hơn là tiếp tục về cơ bản chính sách cũ của Nga hoàng. Cũng như Nga hoàng, giai cấp tư sản vẫn chủ trương “chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng” mặc dầu chiến tranh là một gánh quá nặng cho đất nước và đã làm suy yếu nhân dân và quân đội đến tột bậc. Cũng như Nga hoàng, về cơ bản giai cấp tư sản vẫn tán thành duy trì quyền tư hữu ruộng đất của bọn địa chủ mặc dầu nông dân chết vì thiếu ruộng đất và vì ách của địa chủ. Về phương diện chính sách đối với giai cấp công nhân thì giai cấp tư sản Nga, vốn dĩ căm ghét giai cấp công nhân, còn đi xa hơn cả Nga hoàng, vì không những chúng ra sức duy trì và tăng cường sự áp bức của bọn chủ nhà máy và chủ xưởng, mà còn làm cho sự áp bức ấy đi tới mức khó thể chịu được.


Không có gì lạ khi nhân dân không thấy sự khác nhau căn bản giữa chính sách của Nga hoàng và chính sách của giai cấp tư sản và chuyển lòng căm ghét Nga hoàng sang Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản.


Chừng nào mà những đảng thỏa hiệp xã hội chủ nghĩa cách mạng và Menshevik còn có ảnh hưởng nhất định trong nhân dân, thì giai cấp tư sản còn có thể nấp sau những đảng ấy và giữ được quyền chính. Nhưng sau khi bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng tự lột mặt nạ là tay sai của giai cấp tư sản đế quốc và do đó tự làm mất ảnh hưởng trong nhân dân, thì giai cấp tư sản và Chính phủ lâm thời của nó sẽ không còn chỗ dựa nữa.


2. Đứng đầu cách mạng tháng Mười là một giai cấp cách mạng như giai cấp công nhân Nga, giai cấp đã được rèn luyện trong chiến đấu, đã trải qua hai cuộc cách mạng trong một thời gian ngắn, và khi gần đến cuộc cách mạng thứ ba thì đã có được uy tín của người lãnh tụ nhân dân trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, ruộng đất, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nếu không có lãnh tụ cách mạng được nhân dân tín nhiệm như giai cấp công nhân Nga thì đã không có liên minh công-nông, mà không có liên minh công-nông thì Cách mạng tháng Mười không thể thắng lợi được.


3. Giai cấp công nhân Nga trong cách mạng đã có một đồng minh quan trọng là nông dân nghèo chiếm tuyệt lại đa số trong nông dân. Kinh nghiệm tám tháng cách mạng mà người ta có thể mạnh dạn đem sánh với kinh nghiệm của hàng chục năm phát triển “bình thường” – đã không phải là vô ích đối với quần chúng nông dân lao động, Trong thời gian ấy, căn cứ vào việc làm họ đã có thể thử thách tất cả các đảng phái ở Nga và tin tưởng rằng không phải bọn tư sản, không phải bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng và Menshevik sẽ thực sự gây chuyện với bọn địa chủ và sẽ đổ máu vì nông dân, rằng chỉ có một đảng ở Nga không bị ràng buộc với bọn địa chủ và sẵn sàng đè bẹp chúng để thỏa mãn nhu cầu của nông dân, đó là đảng Bolshevik. Điều đó là cơ sở thực sự của sự liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân nghèo. Việc liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân nghèo còn quyết định cả thái độ của trung nông, những người đã từ lâu vẫn do dự và chỉ đến trước khi nổ ra khởi nghĩa tháng Mười, mới thực là quay về với cách mạng và đoàn kết với nông dân nghèo.


Không cần phải chứng minh cũng thấy rằng nếu không có sự liên minh ấy thì Cách mạng tháng Mười không thể thắng lợi được.


4. Đứng đầu giai cấp công nhân là đảng Bolshevik, một đảng đã được thử thách trong đấu tranh chính trị. Chỉ có một đảng như đảng Bolshevik mới có đủ dũng cảm để lãnh đạo nhân dân tấn công quyết liệt, và đủ khôn ngoan để tránh mọi trở ngại trên bước đường đi đến mục đích, - chỉ một đảng như thế mới có thể khéo léo hợp nhất thành một trào lưu cách mạng chung tất cả những phong trào cách mạng khác nhau như phong trào dân chủ cùng đấu tranh cho hòa bình, phong trào dân chủ của nông dân để giành lấy ruộng đất của địa chủ, phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức đấu tranh đòi quyền bình đẳng dân tộc và phong trào xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản nhằm lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản.


Không nghi ngờ gì cả, sự hợp nhất tất cả các trào lưu cách mạng khác nhau ấy thành một trào lưu cách mạng chung mạnh mẽ, đã quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản ở Nga.


5. Cách mạng tháng Mười bắt đầu vào lúc chiến tranh đế quốc đương diễn ra kịch liệt, lúc các nước tư sản chủ yếu chia làm hai phe thù địch nhau, lúc vì mải lo chiến tranh và mải làm suy yếu lẫn nhau, các nước tư sản ấy không thể thật sự can thiệp vào “những việc ở Nga” và không thể tích cực chống cách mạng tháng Mười được.


Không nghi ngờ gì cả, tình hình ấy đã giúp rất nhiều cho sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười.