C7.P3 Đảng Bolshevik thành công ở thủ đô. Quân đội Chính phủ làm thời thất bại trong cuộc tấn công ngoài mặt trận. Đàn áp cuộc biểu tình tháng Bảy của công nhân và binh sĩ.

 3. Đảng Bolshevik thành công ở thủ đô. Quân đội Chính phủ làm thời thất bại trong cuộc tấn công ngoài mặt trận. Đàn áp cuộc biểu tình tháng Bảy của công nhân và binh sĩ.


Trên cơ sở những nghị quyết của hội nghị tháng Tư, đảng ra sức hoạt động để giành quần chúng, giáo dục và tổ chức họ đấu tranh. Đường lối của đảng trong thời kỳ này là kiên nhẫn giải thích chính sách Bolshevik, vạch trần sự thỏa hiệp của bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa-cách mạng để cô lập những đảng ấy với quần chúng và để chiếm đa số trong các Xô-viết.


Ngoài sinh hoạt động trong các Xô-viết, những người Bolshevik còn công tác nhiều trong các công đoàn, trong các ủy ban nhà máy, công xưởng.


Những người Bolshevik đặc biệt hoạt động tích cực trong quân đội. Những tổ chức quân sự được thành lập khắp nơi. Ngoài mặt trận và ở hậu phương, những người Bolshevik làm việc không biết mỏi để tổ chức binh sĩ và thủy quân. Tờ báo Bolshevik ở ngoài mặt trận Sự thật trong chiến hào giữ vai trò đặc biệt to lớn trong việc cách mạng hóa binh sĩ.


Nhờ công tác tuyên truyền và cổ động của những người Bolshevik, ngay từ những tháng đầu của cách mạng, công nhân ở nhiều tỉnh đã bầu lại các Xô-viết, nhất là các Xô-viết khu phố, gạt bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng ra khỏi các Xô-viết và bầu những người tán thành đảng Bolshevik thay vào.


Công tác của những người Bolshevik đã đem lại những kết quả rực rỡ, nhất là ở Petrograd.


Từ 30 tháng Năm đến 3 tháng Sáu 1917, hội nghị các ủy ban nhà máy, công xưởng ở Petrograd họp. Trong hội nghị này, ba phần tư đại biểu đứng về phía những người Bolshevik. Hầu hết giai cấp vô sản trong tinh này đều theo khẩu hiệu Bolshevik: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết !“.


Ngày 3 (16) Tháng Sáu 1917, đại hội I các Xô-viết toàn Nga hop. Lúc đó những người Bolshevik hãy còn thiểu số trong các Xô-viết, ở đại hội họ chỉ có hơn một trăm đại biểu bên cạnh 700 - 800 Menshevik, xã hội chủ nghĩa - cách mạng và các nhóm khác.


Trong đại hội I các Xô-viết, những người Bolshevik kiên tâm vạch trần tính chất tai hại của sự thỏa hiệp với giai cấp tư sản, bóc trần tính chất đế quốc của chiến tranh. Tại đại hội, Lenin đọc một bài diễn văn chứng minh đường lối của những người Bolshevik là đúng, tuyên bố rằng chỉ có chính quyền Xô-viết là có thể đem lại bánh mì cho những người lao động, ruộng đất cho nông dân, đạt được hòa bình và đưa đất nước thoát ra khỏi sự tàn phá.


Trong lúc đó, một cuộc vận động có tính chất quần chúng đang diễn ra trong các khu công nhân ở Petrograd, nhằm tổ chức một cuộc biểu tình và đề ra những yêu cầu gửi cho đại hội các Xô-viết. Muốn ngăn ngừa một cuộc biểu tình tự phát của công nhân và mong lợi dụng tinh thần cách mạng của quần chúng đề thực hiện mục đích của mình, Ban chấp hành Xô-viết Petrograd quyết định cuộc biểu tình ở Petrograd tiến hành vào ngày 18 tháng sáu (1 tháng Bảy). Bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng hy vọng rằng cuộc biểu tình sẽ diễn ra với những khẩu hiệu chống Bolshevik. Đảng Bolshevik kiên quyết bắt tay chuẩn bị cho cuộc biểu tình đó. Lúc đó đồng chí Stalin viết trong tờ Sự thật : “... Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào cho cuộc biểu tình ngày 18 tháng Sáu ở Petrograd sẽ diễn ra theo những khẩu hiệu cách mạng của chúng ta”.


Ngày 18 tháng Sáu 1917, đoàn biểu tình diễu qua đài kỷ niệm các chiến sĩ hy sinh cho cách mạng đã thật sự là một cuộc biểu dương lực lượng của đảng Bolshevik. Nó chứng tỏ tinh thần cách mạng của quần chúng đang lên và lòng tin tưởng của họ đối với đảng Bolshevik đang ngày càng tăng. Những khẩu hiệu của bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng về sự tín nhiệm đối với Chính phủ lâm thời, về sự cần thiết phải tiếp tục chiến tranh, bị chìm đắm trong khối rất lớn những khẩu hiệu Bolshevik. Bốn trăm ngàn người biểu tình kéo đi với những lá cờ ghi khẩu hiệu “Đả đảo chiến tranh”, “đả đảo mười bộ trường tư bản !”, “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết !”.


Đó là sự thất bại hoàn toàn của bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng, sự thất bại của Chính phủ lâm thời ở ngay thủ đô.


Nhưng được sự ủng hộ của đại hội I các Xô-viết, Chính phủ lâm thời quyết định vẫn tiếp tục chính sách đế quốc của họ. Đúng vào ngày 18 tháng Sáu, theo ý muốn của đế quốc Anh, Pháp, Chính phủ lâm thời ra lệnh đưa bộ đội ra mặt trận để tấn công. Giai cấp tư sản coi cuộc tấn công ấy là khả năng duy nhất để chấm dứt cách mạng. Trong trường hợp tấn công thắng lợi, giai cấp tư sản hy vọng nắm được toàn bộ chính quyền trong tay, đánh bại được các Xô-viết và đè bẹp được những người Bolshevik. Nếu thất bại, người ta có thể đổ tất cả mọi tội lên đầu những người Bolshevik ấy, kết tội họ đã làm tan rã quân đội.


Có thể tin chắc rằng cuộc tấn công sẽ thất bại. Mà quả thật như thế. Quân lính mệt mỏi, không hiểu mục đích của cuộc tấn công, không tín nhiệm bọn chỉ huy xa lạ với mình, thiếu đạn và trọng pháo, tất cả những cái đó quyết định sự thất bại của cuộc tấn công ngoài mặt trận.


Tin tấn công ở ngoài mặt trận và sau đó tin cuộc tấn công thất bại, làm náo động cả thủ đô. Công nhân và binh sĩ hết sức công phẫn. Rõ ràng Chính phủ lâm thời tuyên bố chính sách hoạt bình là để lừa bịp nhân dân. Rõ ràng là Chính phủ lâm thời muốn tiếp tục chiến tranh đế quốc. Rõ ràng là Ban Chấp hành trung trong các Xô-viết và Xô-viết Petrograd không muốn hay không thể chống lại hành động tội lỗi của Chính phủ lâm thời và đã theo đuôi chính phủ ấy.


Lòng căm phẫn có tính chất cách mạng của công nhân và binh sĩ Petrograd đã trào lên. Ngày 3 (16) tháng Bảy, những cuộc biểu tình tự phát nổ ra và kéo dài suốt ngày ở khu phố Vyborg. Những cuộc biểu tình ấy lúc đầu còn lẻ tẻ, về sau họp thành cuộc biểu tình vũ trang khổng lồ, với khẩu hiệu giao chính quyền cho các Xô-viết. Lúc bấy giờ, đảng Bolshevik phản đối hành động vũ trang. Đảng cho rằng khủng hoảng cách mạng chưa chín muồi, bộ đội và các tỉnh chưa sẵn sàng để ủng hộ khởi nghĩa ở thủ đô ; một cuộc khởi nghĩa cô độc và quá sớm ở thủ đô chỉ giúp cho phe phản cách mạng dễ đánh tan đội tiền phong của cách mạng. Nhưng khi đã không thể ngăn quần chúng biểu tình nữa thì đảng Bolshevik quyết định tham gia biểu tình nhằm làm cho nó có tính chất hòa bình và có tổ chức. Và đảng đã đạt được ý định: hàng trăm nghìn người biểu tình tiến đến trụ sở Xô-viết Petrograd và Ban Chấp hành trung ương các Xô-viết Nga ; họ đòi các Xô-viết nắm lấy chính quyền, cắt đứt liên hệ với giai cấp tư sản đế quốc và thi hành một chính sách hòa bình tích cực.


Mặc dầu cuộc biểu tình có tính chất hòa bình, nhưng người ta đã điều đến những đơn vị phản động, những đội học sinh quân và sĩ quan phản động để chống lại những người biểu tình. Máu của công nhân và binh sĩ chảy đầy các đường phố Petrograd. Muốn đánh bại công nhân, người ta đã gọi những đội quân vô sỉ nhất, phản cách mạng nhất từ mặt trận trở về.


Sau khi đàn áp cuộc biểu tình của công nhân và bình sĩ, bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng liên minh với giai cấp tư sản và bọn tướng lĩnh bạch vệ xúm vào tấn công đảng Bolshevik. Trụ sở tòa soạn báo Sự thật bị phá. Người ta đóng cửa các báo Sự thật, Sự thật của những người lính và nhiều báo Bolshevik khác. Anh thợ Voinov chỉ vì bán tờ báo Sự thật khổ nhỏ, đã bị bọn học sinh quân giết chết ở ngoài phố. Người ta bắt đầu tước vũ khí của đội cận vệ đỏ. Những đơn vị cách mạng của trại lính Petrograd bị đưa ra khỏi thủ đô và đưa ra mặt trận. Người ta tiến hành việc bắt bớ ở hậu phương và ngoài mặt trận. Ngày 7 tháng Bảy, có lệnh bắt Lenin. Nhiều nhà hoạt động nổi tiếng của đảng Bolshevik bị bắt. Nhà in Lao động - vẫn in sách báo Bolshevik bị phá. Một thông cáo của viên chưởng lý tòa án Petrograd nói rằng Lenin và nhiều người Bolshevik bị đưa ra tòa vì tội “phản quốc” và tổ chức khởi nghĩa vũ trang. Việc kết tội Lenin đã được bày đặt ra ở phòng tham mưu của tướng Denikin, dựa vào những tài liệu của bọn mật thám và bọn khiêu khích.


Như vậy là chính phủ liên hiệp lâm thời, trong ấy có bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng nổi danh như Tsereteli, Skobelev, Kerensky và Chernov, đã sa xuống vũng bùn của chủ nghĩa đế quốc và của bọn phản cách mạng công khai. Đáng lẽ thi hành chính sách hòa bình thì chính phủ lại thi hành chính sách tiếp tục chiến tranh. Đáng lẽ bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân thì chính phủ lại thi hành chính sách thủ tiêu những quyền ấy và đàn áp công nhân và binh sĩ bằng vũ khí.


Những việc mà bọn đại biểu của giai cấp tư sản – Guchkov và Milyukov – không dám làm thì bọn xã hội chủ nghĩa Kerensky và Tsereteli, Chernov và Skobelev dám làm.


Tình trạng hai chính quyền song song tồn tại đã chấm dứt. Nó đã chấm dứt có lợi cho giai cấp tư sản, vì toàn bộ chính quyền đều chuyển sang tay Chính phủ lâm thời, còn các Xô-viết, dưới sự lãnh đạo của Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng, đã trở thành cái đuôi của Chính phủ lâm thời.


Thời kỳ hòa bình của cách mạng đã chấm dứt, vì lưỡi lê đã được đề ra trong chương trình nghị sự.


Do tình hình đã thay đổi, đảng Bolshevik quyết định thay đổi sách lược của mình. Đảng rút vào bí mật, giấu kín vị lãnh tụ Lenin của mình trong bí mật và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và thiết lập chính quyền Xô-viết.