C7.P1. Tình thế trong nước sau cách mạng tháng Hai. Đảng thôi không hoạt động bí mật và chuyển sang hoạt động chính trị công khai. Lenin đến Petrograd. Luận cương tháng Tư của Lenin. Phương hướng của đảng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

1. Tình thế trong nước sau cách mạng tháng Hai. Đảng thôi không hoạt động bí mật và chuyển sang hoạt động chính trị công khai. Lenin đến Petrograd. Luận cương tháng Tư của Lenin. Phương hướng của đảng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.


Những việc xảy ra và thái độ của Chính phủ lâm thời ngày càng xác nhận đường lối Bolshevik là đúng, ngày càng chứng tỏ rằng Chính phủ lâm thời không đứng về phía nhân dân mà phản lại nhân dân, không muốn hòa bình, mà muốn chiến tranh, rằng chính phủ không muốn và không thể đem lại hòa bình, ruộng đất, bánh mì cho nhân dân. Công tác giải thích của những người Bolshevik đã tìm được miếng đất thuận lợi.


Trong lúc công nhân và binh lính lật đổ chính quyền Nga hoàng và tiêu diệt đến tận gốc chế độ quân chủ, thì Chính phủ lâm thời thiên hẳn về việc duy trì chế độ quân chủ. Ngày 2 tháng Ba 1917, chính phủ ấy bí mật phái Guchkov và Shulgin đến gặp Nga hoàng. Giai cấp tư sản chủ trương giao chính quyền cho Michael, anh trai của Nikolai Romanov. Nhưng trong cuộc mít-tinh của nhân viên đường sắt, khi Guchkov chấm dứt bài diễn văn và hô khẩu hiệu: “Hoàng đế Michael muôn năm !” thì công nhân đòi lập tức bắt và khám Guchkov ; công nhận phẫn nộ nói: “bên tám lạng, bên nửa cân”'.


Rõ ràng là công nhân không cho phép khôi phục lại chế độ quân chủ.


Trong lúc công nhân và nông dân làm cách mạng và đổ máu trông đợi chấm dứt chiến tranh, đòi bánh mì và ruộng đất, đòi có biện pháp tích cực chống sự suy sụp kinh tế, thì Chính phủ lâm thời làm ngơ trước những đòi hỏi thiết thực ấy của nhân dân. Chính phủ lâm thời gồm những đại biểu nổi danh nhất của bọn tư bản và địa chủ, không nghĩ gì đến việc thỏa mãn yêu sách của nông dân đòi giao ruộng đất cho họ. Chúng cũng không thể cấp bánh mì cho những người lao động, vì như thế thì phải đụng chạm đến quyền lợi của bọn trùm lái buôn lúa mì, phải dùng mọi biện pháp để lấy lúa mì của bọn địa chủ, cu-lắc, điều mà chính phủ không dám làm vì bản thân chính phủ cũng gắn liền với quyền lợi của những giai cấp ấy. Chính phủ lâm thời cũng không thể đem lại hòa bình được. Gắn liền với bọn đế quốc Anh, Pháp, Chính phủ làm thời không những đã không nghĩ đến việc chấm dứt chiến tranh, mà trái lại còn tìm cách lợi dụng cách mạng để làm cho nước Nga tham gia chiến tranh đế quốc một cách tích cực hơn để thực hiện tham vọng đế quốc của mình: chiếm Constantinople và các eo biển, chiếm xứ Galicia.


Rõ ràng là chẳng bao lâu quần chúng nhân dân không tín nhiệm chính sách của Chính phủ lâm thời nữa.


Rõ ràng là tình trạng hai chính quyền song song tồn tại hình thành sau cách mạng tháng Hai không thể duy trì lâu được, vì sự tiến triển của tình hình bắt buộc chính quyền phải được tập trung ở một nơi nào đó: hoặc là trong tay Chính phủ lâm thời hoặc là trong tay các Xô-viết.


Thật vậy, chính sách thỏa hiệp của bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng lúc bấy giờ vẫn còn được quần chúng nhân dân ủng hộ. Công nhân còn nhiều người, binh sĩ và nông dân thì lại còn nhiều người hơn, vẫn tin rằng “chẳng bao lâu sẽ có Hội nghị lập hiến và mọi việc sẽ đâu vào đấy”, vẫn nghĩ rằng người ta tiến hành chiến tranh không phải để xâm lược, mà vì cần thiết, để bảo vệ đất nước. Lenin gọi những người ấy là những người thật tâm bảo vệ tổ quốc nhưng bị lầm lạc. Đối với những người ấy, chính sách hứa hẹn và thuyết phục của bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng vẫn còn là một chính sách đúng. Nhưng rõ ràng là không thể kéo dài mãi những lời hứa hẹn và thuyết phục ấy được, vì sự tiến triển của tình hình và thái độ của Chính phủ lâm thời ngày càng cho thấy rõ, càng chứng minh rằng chính sách thỏa hiệp của bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng và của bọn Menshevik là chính sách trì hoãn và lừa bịp những người nhẹ dạ.


Chính phủ lâm thời không phải bao giờ cũng chỉ dùng chính sách đấu tranh ngấm ngầm chống phong trào cách mạng của quần chúng, chính sách hoạt động ngấm ngầm chống cách mạng. Chính phủ lâm thời đôi lúc còn mưu toan chuyển sang công khai tấn công vào những tự do dân chủ, mưu toan “lập lại kỷ luật”, nhất là ở trong quân đội, mưu toan “thiết lập trật tự” nghĩa là mưu toan đưa cách mạng vào khuôn khổ cần thiết cho giai cấp tư sản. Nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa để thực hiện những việc ấy thì Chính phủ lâm thời cũng không thể đạt tới đích, quần chúng nhân dân đã hăng hái thực hiện các tự do dân chủ – tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình. Công nhân và binh sĩ lợi dụng triệt để những quyền dân chủ mà lần đầu tiên họ đã giành được để tích cực tham gia sinh hoạt chính trị trong nước, đặng hiểu và nắm được tình hình đã diễn ra và quyết định sau đó phải hành động như thế nào.


Sau cách mạng tháng Hai, các tổ chức của đảng Bolshevik trước kia hoạt động bất hợp pháp trong những điều kiện khe khắt của chế độ Nga hoàng, nay đã thôi hoạt động bí mật và đã công khai phát triển công tác chính trị và tổ chức của mình. Số lượng đảng viên trong các tổ chức Bolshevik lúc ấy không quá 40 - 45 nghìn người. Nhưng đó là những cán bộ đã được tôi luyện trong đấu tranh. Các cấp ủy đảng đã được tổ chức lại theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tất cả các cơ quan đảng từ dưới lên trên đều do bầu cử mà ra.


Việc đảng chuyển sang hoạt động công khai cũng làm cho phát hiện được nhiều ý kiến bất đồng trong đảng. Kamenev và một số cán bộ của đảng bộ Moskva ví dụ như Rykov, Bubnov, Nogin đứng trên lập trường nửa Menshevik ủng hộ Chính phủ lâm thời một cách có điều kiện và tán thành chính sách của bọn vệ quốc. Stalin lúc ấy vừa đi đày về, Molotov và một số khác, cùng với đa số trong đảng tán thành chủ trương không tín nhiệm Chính phủ lâm thời, chống bọn vệ quốc và kêu gọi tích cực đấu tranh giành hòa bình, chống chiến tranh đế quốc. Một số cán bộ của đảng dao động, chứng tỏ họ lạc hậu về chính trị do bị tù đày lâu ngày.


Người ta cảm thấy thiếu vắng vị lãnh tụ của đảng - đồng chí Lenin,


Ngày 3 (16) tháng Tư 1917, sau một thời gian xuất ngoại khá lâu, Lenin trở về Nga.


Việc Lenin trở về có ý nghĩa rất lớn đối với đảng, đối với cách mạng.


Trong lúc còn ở Thụy-sĩ, mới được những tin tức đầu tiên về cách mạng, Lenin đã viết cho đảng và cho giai cấp công nhân Nga trong Thư từ phương xa như sau:


“Anh em công nhân! Anh em đã làm những việc anh hùng phi thường của vô sản và của nhân dân trong cuộc nội chiến chống chế độ Nga hoàng. Anh em phải làm những việc phi thường nữa về tổ chức vô sản và toàn dân đề chuẩn bị đánh thắng trong giai đoạn thứ hai của cách mạng” (Lenin, tập XX tr. 19).


Lenin đến Petrograd đêm hôm mùng 3 tháng Tư. Ở ga Phần-lan và ở quảng trường ga, hàng nghìn công nhân, binh sĩ và thủy quân tụ họp để đón Lenin. Một niềm phấn khởi không tả xiết tràn ngập trong lòng quần chúng khi Lenin bước chân xuống xe lửa. Quần chúng công kênh vị lãnh tụ của mình vào phòng đợi trong ga, ở đây hai đảng viên Menshevik Chkheidze và Skobelev thay mặt Xô-viết Petrograd đọc lời “chào mừng” trong đó chúng “tỏ hy vọng” rằng Lenin sẽ tìm được “tiếng nói chung” với chúng. Nhưng Lenin không nghe chúng, đi ngang qua chúng và tiến thẳng đến quần chúng công nhân và binh sĩ. Đứng trên xe thiết giáp, Lenin đọc bài diễn văn nổi tiếng kêu gọi quần chúng đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi. Lenin chấm dứt bài diễn văn đầu tiên của mình sau nhiều năm ở nước ngoài bằng khẩu hiệu ”Cách mạng xã hội chủ nghĩa muôn năm!”.


Về Nga, Lenin đem hết nghị lực của mình cống hiến cho công tác cách mạng. Ngày hôm sau, Lenin báo cáo về chiến tranh và cách mạng trong một cuộc họp của những người Bolshevik, sau đó đã nhắc lại luận cương báo cáo ở một cuộc họp mà ngoài những người Bolshevik, có cả những người Menshevik dự nữa.


Đó là luận cương tháng Tư nổi tiếng của Lenin, luận cương đã đem lại cho đảng và cho giai cấp vô sản một đường lối cách mạng rõ ràng chuyển từ cách mạng tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.


Luận cương của Lenin có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng cũng như đối với công tác của đảng sau này. Cách mạng có nghĩa là một bước ngoặt hết sức vĩ đại trong đời sống của đất nước và, trong những điều kiện mới của cuộc đấu tranh sau khi chế độ Nga hoàng đã bị lật đổ, đảng cần có một lượng mới để mạnh dạn và vững tin đi vào con đường mới. Luận cương của Lenin đã đem lại hướng mới ấy cho đảng.


Luận cương tháng Tư của Lenin đề ra một kế hoạch tài tình về sự đấu tranh của đảng để chuyển từ cách mạng dân chủ - tự sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyển từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tất cả lịch sử trước kia của đảng đã chuẩn bị cho đảng làm nhiệm vụ lớn lao ấy. Năm 1905, trong tập Hai sách lược của đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ, Lenin nói rằng sau khi lật đổ chế độ Nga hoàng, giai cấp vô sản sẽ bắt tay vào việc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cái mới trong luận cương là ở chỗ nó đưa ra một kế hoạch cụ thể, có căn cứ lý luận, dễ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.


Trong lĩnh vực kinh tế, những biện pháp quá độ chung là : quốc hữu hóa tất cả ruộng đất trong nước, đồng thời tịch thu ruộng đất của địa chủ; hợp nhất tất cả các ngân hàng thành một ngân hàng quốc gia và đặt ngân hàng ấy dưới sự kiểm soát của Xô-viết đại biểu công nhân, kiểm soát sự sản xuất của xã hội và việc phân phối sản phẩm.


Trong lĩnh vực chính trị, Lenin chủ trương chuyển từ chế độ cộng hòa đại nghị sang chế độ cộng hòa Xô-viết. Đó là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Marx. Cho đến lúc này, những nhà lý luận marxist vẫn cho rằng chế độ cộng hòa đại nghị là hình thức chính trị tốt nhất để chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, Lenin chủ trương thay chế độ cộng hòa đại nghị bằng chế độ cộng hòa Xô-viết là hình thức tổ chức chính trị hợp lý nhất của xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội :


Trong luận cương nói:


“Điều đặc biệt trong hiện tình ở nước Nga là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng, giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản vì giai cấp vô sản chưa đủ trình độ giác ngộ và ý thức tổ chức, sang giai đoạn thứ hai của cách mạng; giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo nhất trong nông dân” (như trên, tr. 88),


Và ở đoạn sau: “Không phải là chế độ cộng hòa đại nghị, - trở lại chế độ này, sau khi đã có Xô-viết đại biểu công nhân, là lùi bước, - mà là chế độ cộng hòa Xô-viết đại biểu công nhân, cố nông và nông dân trong toàn quốc, từ dưới lên trên” (như trên, tr. 88):


Lenin nói: chiến tranh dù là dưới chính phủ mới, Chính phủ lâm thời, vẫn là chiến tranh cướp bóc, chiến tranh để quốc. Nhiệm vụ của đảng là phải giải thích điều ấy cho quần chúng, làm cho họ hiểu rằng chỉ có lật đổ giai cấp tư sản mới chấm dứt được chiến tranh, chấm dứt không phải bằng một nền hòa bình do vũ lực bắt buộc, mà bằng một nền hòa bình dân chủ thực sự.


Đối với Chính phủ lâm thời, Lenin nêu ra khẩu hiệu : “Không ủng hộ Chính phủ lâm thời !”.


Trong luận cương Lenin còn chỉ ra rằng: đảng ta tạm thời lúc này còn bị thiểu số trong các Xô-viết, khối Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng thống trị trong các Xô-viết, nó truyền ảnh hưởng tư sản vào trong giai cấp vô sản. Vì vậy nhiệm vụ của đảng là phải :


“Giải thích cho quần chúng hiểu rằng Xô-viết đại biểu công nhân là hình thức duy nhất có thể có của chính phủ cách mạng và, vì thế chừng nào chính phủ ấy còn chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản thì nhiệm vụ của chúng ta chỉ có thể là giải thích một cách nhẫn nại, thường xuyên, bền bỉ để quần chúng hiểu những sai lầm về sách lược của họ, đồng thời việc giải thích phải phù hợp với những yêu cầu thực tế của quần chúng. Chừng nào chúng ta còn là thiểu số, thì chúng ta phải phê bình vạch rõ những sai lầm, đồng thời tuyên truyền sự cần thiết phải chuyển toàn bộ chính quyền Nhà nước vào tay các Xô-viết đại biểu công nhản…” (như trên, tr. 68).


Điều đó có nghĩa là Lenin không kêu gọi bạo động chống Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ đương được các Xô-viết tín nhiệm; Lenin không đòi lật đổ chính phủ lâm thời, nhưng muốn thông qua công tác giải thích và tuyển mộ giành lấy đa số trong các Xô-viết, thay đổi chính sách của các Xô-viết và thông qua các Xô-viết mà thay đổi thành phần và chính sách của chính phủ.


Đó chính là phương hướng phát triển cách mạng một cách hòa bình.


Sau nữa, Lenin kêu gọi lột bỏ những “y phục dơ bẩn” đi và đừng dùng cái tên đảng dân chủ - xã hội nữa. Những đảng trong Quốc tế II cũng như bọn Menshevik Nga, tự mệnh danh là những người dân chủ xã hội. Cái tên ấy đã bị bọn cơ hội, bọn phản bội chủ nghĩa xã hội làm dơ bẩn và ô nhục. Lenin đã nghị gọi đảng Bolshevik là đảng cộng sản, như Marx và Engels đã gọi đảng của mình. Đúng về khoa học mà nói thì cái tên ấy là đúng, vì mục đích cuối cùng của đảng Bolshevik là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Từ chủ nghĩa tư bản, nhân loại chỉ có thể đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội, nghĩa là đi đến sở hữu công cộng về những tư liệu sản xuất và phân phối sản phẩm tùy theo việc làm của mỗi người. Lenin nói rằng đảng ta còn nhìn xa nữa. Chủ nghĩa xã hội tất nhiên phải dần dần biến đổi thành chủ nghĩa cộng sản, trên ngọn cờ của chủ nghĩa này, người ta sẽ ghi: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.


Cuối cùng, trong luận cương, Lenin yêu cầu thành lập một Quốc tế mới, Quốc tế III, Quốc tế cộng sản, gạt bỏ chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xã hội - sô vanh ra ngoài.


Luận cương của Lenin làm cho giai cấp tư sản, bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa - cách mạng tức tối gầm lên.


Bọn Menshevik ra một bản kêu gọi công nhân, bản ấy mở đầu bằng một lời cảnh cáo : ”cách mạng lâm nguy”. Theo bọn Menshevik, nguy cơ là ở chỗ những người Bolshevik nêu ra yêu sách đòi giao chính quyền vào tay các Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ.


Trên tờ báo Thống nhất, Plekhanov viết một bài gọi diễn văn của Lenin là “diễn văn mê sảng”. Plekhanov dẫn lời tuyên bố của tên Menshevik Chkheidze : “Lenin sẽ một mình ở ngoài cách mạng, còn chúng tôi thì đi theo con đường của chúng tôi”.


Ngày 14 tháng Tư, có cuộc hội nghị của những người Bolshevik toàn thành phố Petrograd. Hội nghị ấy tán thành luận cương của Lenin và lấy luận cương ấy làm cơ sở cho công tác của mình.


Ít lâu sau, các tổ chức địa phương của đảng cũng tán thành luận cương của Lenin.


Toàn đảng, trừ một vài cá nhân như Kamenev, Rykov, Pyatakov, đã chấp nhận luận cương của Lenin một cách rất hài lòng.