C6.P5. Cách mạng tháng Hai. Chế độ Nga hoàng sụp đổ. Việc thành lập các Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Thành lập Chính phủ lâm thời. Hai chính quyền tồn tại song song

 5. Cách mạng tháng Hai. Chế độ Nga hoàng sụp đổ. Việc thành lập các Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Thành lập Chính phủ lâm thời. Hai chính quyền tồn tại song song


Năm 1917 mở đầu bằng cuộc bãi công ngày 9 tháng Giêng. Trong thời gian bãi công nổ ra những cuộc biểu tình ở Petrograd, Moskva, Baku, Nizhni-Novgorod. Ngày 9 tháng Giêng, ở Moskva, gần một phần ba công nhân bãi công. Một cuộc biểu tình gần hai nghìn người trên đại lộ Tverskoi bị cảnh sát giải tán. Trên đường Vyborg ở Petrograd, binh lính tham gia biểu tình.


Sở cảnh sát Petrograd báo cáo rằng: “Tư tưởng tổng bãi công ngày càng lôi kéo thêm được nhiều người và trở nên có tính chất quần chúng như năm 1905”.


Bọn Menshevik và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng ra sức đưa phong trào cách mạng vừa chớm nở vào khuôn khổ cần thiết cho giai cấp tư sản tự do. Ngày 14 tháng Hai, khi viện Duma khai mạc, bọn Menshevik đề nghị tổ chức công nhân diễu hành tới viện Duma. Nhưng quần chúng công nhân đã theo những người Bolshevik, không đi đến viện Duma mà đi biểu tình.


Ngày 18 tháng Hai 1917 bãi cùng nổ ra trong nhà máy Putilov ở Petrograd. Ngày 22 tháng Hai, đa số công nhân các xí nghiệp lớn bãi công. Nhân ngày 23 tháng Hai (8 tháng Ba), ngày phụ nữ quốc tế, theo lời kêu gọi của thành ủy Bolshevik Petrograd, nữ công nhân xuống đường biểu tình chống đói, chống chiến tranh, chống chế độ Nga hoàng. Cuộc biểu tình đó được công nhân ủng hộ bằng một cuộc tổng bãi công toàn thành Petrograd. Cuộc bãi công chính trị biến thành cuộc tổng biểu tình chính trị chống chế độ Nga hoàng.


Ngày 24 tháng Hai (9 tháng Ba) lại nổ ra cuộc biểu tình mãnh liệt hơn nữa của công nhân. Gần 20 vạn công nhân bãi công.


Ngày 25 tháng Hai (10 tháng Ba), phong trào cách mạng bao gồm toàn bộ công nhân Petrograd. Những cuộc bãi công chính trị ở các khu phố trở thành bãi công toàn thành. Chỗ nào cũng có biểu tình và xung đột với cảnh binh. Trên đầu quần chúng công nhân phất phới những ngọn cờ đỏ có ghi khẩu hiệu : “Đả đảo Nga hoàng !”, “Đả đảo chiến tranh !”, “Bánh mì ?”.


Sáng ngày 26 tháng Hai (11 tháng Ba ), cuộc bãi công chính trị và biểu tình bắt đầu biến thành ý định khởi nghĩa. Công nhân tước vũ khí của cảnh binh và sen đầm và tự vũ trang. Nhưng cuộc xung đột vũ trang với cảnh binh kết thúc bằng vụ bắn vào đám biểu tình ở quảng trường Znamenskaya.


Tướng Khabalov chỉ huy quân khu Petrograd tuyên bố rằng ngày 28 tháng Hai (13 tháng Ba) Công nhân phải trở lại làm việc, nếu không sẽ bị đưa ra mặt trận. Ngày 25 tháng Hai (10 tháng Ba), Nga hoàng ra lệnh cho tướng Khabalov: “Tôi hạ lệnh ngày mai phải dập tắt ngay những vụ rối trật tự ở thủ đô”.


Nhưng không “dập tắt” cách mạng được nữa rồi.


Ngày 26 tháng Hai (11 tháng Ba), đại đội 4 của tiểu đoàn dự bị của trung đoàn Pavlovsky nổ súng, nhưng không bắn vào công nhân mà bắn vào những đội cảnh binh đang bắn công nhân. Cuộc đấu tranh để lôi kéo bộ đội diễn ra rất kiên quyết và bền bỉ, nhất là nữ công nhân, họ trực tiếp kêu gọi binh lính, bắt tay thân ái với binh lính, kêu gọi binh lính giúp nhân dân lật đổ chế độ chuyên chế của Nga hoàng.


Lãnh đạo công tác thực tế của đảng Bolshevik lúc bấy giờ là Trung ương cục đóng ở Petrograd đứng đầu là đồng chí Molotov. Ngày 26 tháng Hai (11 tháng Ba), Trung ương cục ra một bản tuyên ngôn kêu gọi tiếp tục đấu tranh vũ trang chống chế độ Nga hoàng, lập chính phủ cách mạng lâm thời.


Ngày 27 tháng Hai (12 tháng Ba) bộ đội ở Petrograd không chịu bắn vào công nhân và chuyển sang hàng ngũ nhân dân khởi nghĩa. Buổi sáng chỉ có 10.000 lính khởi nghĩa, buổi chiều đã có hơn 60.000.


Công nhân và lính khởi nghĩa bắt các bộ trưởng và tướng của Nga hoàng, thả những người cách mạng bị cầm tù. Vừa ra khỏi nhà tù, những người này lao ngay vào cuộc chiến đấu cách mạng.


Ngoài phố vẫn còn bắn nhau với cảnh binh và sen đầm, bọn này đặt súng liên thanh trên gác nhà. Nhưng việc bộ đội nhanh chóng chạy sang hàng ngũ công nhân, đã quyết định số phận chế độ chuyên chế của Nga hoàng.


Tin cách mạng thắng lợi ở Petrograd truyền đến các thành phố khác và ra mặt trận, công nhân và binh sĩ khắp nơi nổi lên lật đổ bọn quan lại của Nga hoàng.


Cuộc cách mạng dân chủ-tư sản tháng Hai đã thắng lợi.


Cách mạng thắng lợi vì giai cấp công nhân là người khởi xướng ra cách mạng và lãnh đạo phong trào của hàng triệu nông dân khoác áo lính, đấu tranh đòi “hòa bình, bánh mì, tự do”. Bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản quyết định sự thành công của cách mạng.


Trong những ngày đầu của cách mạng, Lenin viết:


“Giai cấp vô sản đã hoàn thành cách mạng, đã tỏ ra anh dũng, đã đổ máu, đã lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân lao động và dân nghèo... “ (Lê-nin, tập 13, tr. 23-24).


Cuộc cách mạng thứ nhất năm 1905 đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng thứ hai năm 1917 thắng lợi mau chóng. Lenin chỉ rõ rằng:


“Nếu không có ba năm đấu tranh giai cấp vĩ đại và nếu không có nghị lực cách mạng của giai cấp vô sản Nga trong thời kỳ 1905 - 1907 thì không thể có cuộc cách mạng thứ hai nhanh chóng như thế, với nghĩa là không thể hoàn thành giai đoạn đầu của nó trong một vài ngày được” (như trên, tr. 13).


Trong những ngày đầu của cách mạng đã xuất hiện các Xô-viết. Cuộc cách mạng thắng lợi dựa vào các Xô viết đại biểu Công nhân và binh sĩ. Công nhân và binh sĩ khởi nghĩa đã lập ra các Xô-viết đại biểu Công nhân và binh sĩ. Cách mạng 1905 đã chỉ rằng Xô-viết là cơ quan của khởi nghĩa vũ trang, đồng thời là mầm mống của một chính quyền mới, chính quyền cách mạng. Ý niệm Xô-viết vẫn sống trong ý thức quần chúng Công nhân và ngay sau khi lật đổ chế độ Nga hoàng họ liền thực hiện ý niệm đó, nhưng có điều khác là năm 1905 Xô-viết chỉ gồm đại biểu công nhân, còn tháng Hai 1917 thì theo sáng kiến của những người Bolshevik đã lập ra các Xô-viết đại biểu công nhân và bình sĩ.


Trong khi những người Bolshevik lãnh đạo cuộc chiến đấu trực tiếp của quần chúng ở phố thì những đảng thỏa hiệp, bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa-cách mạng chiếm những ghế đại biểu trong các Xô-viết và giành đa số về họ. Một điều giúp thêm cho tình trạng ấy là đa số các lãnh tụ đảng Bolshevik lúc ấy đang bị cầm tù hay bị đi đày (Lenin còn ở nước ngoài, Stalin, Sverdlov bị đày ở Siberia), trong khi đó thì bọn Menshevik và bọn xã hội chủ nghĩa-cách mạng tự do đi chơi khắp các phố Petrograd. Vì vậy, đại biểu các đảng thỏa hiệp – Menshevik và xã hội chủ nghĩa-cách mạng - đã đứng đầu Xô-viết và ủy ban hành chính Petrograd. Ở Moskva và nhiều thành phố khác cũng vậy. Chỉ có ở Ivanovo-Voznesensk, Krasnovarsk và một vài thành phố khác, thì ngay từ lúc đầu những người Bolshevik đã chiếm đa số trong các Xô-viết.


Nhân dân vũ trang công nhân và binh sĩ - khi cử đại biểu vào các Xô-viết coi Xô-viết là cơ quan chính quyền nhân dân. Họ cho rằng và tin rằng Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ sẽ thực hiện tất cả các yêu sách của nhân dân cách mạng và trước hết là hòa ước sẽ được ký kết.


Lòng tin tưởng của công nhân và binh sĩ đã bị lừa dối. Bọn xã hội chủ nghĩa-cách mạng và bọn Menshevik không thèm nghĩ đến việc từ bỏ chiến tranh giành hòa bình. Chúng muốn lợi dụng cách mạng đề tiếp tục chiến tranh. Đối với cách mạng và yêu sách cách mạng của nhân dân, bọn xã hội chủ nghĩa-cách mạng và Menshevik cho rằng cách mạng đã làm xong, bây giờ nhiệm vụ đề ra là phải củng cố cách mạng và đi vào chung sống “bình thường” theo hiến pháp với giai cấp tư sản. Vì vậy bọn lãnh đạo xã hội chủ nghĩa-cách mạng và Menshevik trong Xô-viết Petrograd dùng mọi cách để tránh vấn đề thủ tiêu chiến tranh, vấn đề hòa bình và đã giao chính quyền cho giai cấp tư sản.


Ngày 27 tháng Hai (12 tháng Ba) 1917, những đại biểu phái tự do của viện Duma Nhà nước, sau khi bí mật thỏa thuận với các lãnh tụ xã hội chủ nghĩa-cách mạng và Menshevik, đã lập ra Ủy ban lâm thời của viện Duma Nhà nước do chủ tịch viện Duma IV là Rodzyanko, một tên địa chủ bảo hoàng, cầm đầu. Mấy ngày sau, Ủy ban lâm thời và bọn lãnh tụ xã hội chủ nghĩa-cách mạng và Menshevik trong Ban chấp hành của Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ bí mật thỏa thuận với nhau, không cho những người Bolshevik biết, lập chính phủ mới của Nga, Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản đứng đầu là hầu tước Lvov, người mà Nga hoàng Nikolai II định cử làm thủ tướng trước cuộc đảo chính tháng Hai. Chính phủ lâm thời gồm có lãnh tụ Đảng dân chủ - lập hiến là Milyukov, lãnh tụ Đảng tháng Mười là Guchkov và những đại biểu nổi danh khác của giai cấp tư sản: tên xã hội chủ nghĩa cách mạng Kerensky được cử vào Chính phủ lâm thời với tư cách là đại biểu của phái “dân chủ”.


Kết quả là bọn lãnh tụ xã hội chủ nghĩa cách mạng và Menshevik trong Ban chấp hành của Xô-viết đã giao chính quyền cho giai cấp tư sản; về sau, khi biết chuyện ấy, đa số trong Xô-viết đại biểu công nhận và binh sĩ cũng đã thông qua hành động của bọn lãnh tụ xã hội chủ nghĩa-cách mạng và Menshevik, mặc dầu những người Bolshevik phản đối.


Thế là chính quyền Nhà nước mới ở Nga được thành lập, gồm có, theo như Lenin nói, bọn đại biểu của “giai cấp tư sản và địa chủ tư sản hỏa”.


Nhưng bên cạnh chính phủ tư sản còn có một chính quyền khác là Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Đại biểu binh sĩ trong Xô-viết chủ yếu là nông dân bị động viên cho chiến tranh. Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ là cơ quan liên minh công nhân và nông dân chống chính quyền Nga hòang và đồng thời là cơ quan chính quyền của họ, là cơ quan chuyên chính của giai cấp công nhân và nông dân.


Như vậy thành ra có hiện tượng đặc biệt là hai chinh quyền, hai nền chuyên chính xen kẽ lẫn nhau: chuyên chính của giai cấp tư sản mà đại biểu là Chính phủ lâm thời, và chuyên chính của giai cấp vô sản và nông dân mà đại biểu là Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ.


Hai chính quyền song song tồn tại.


Tại sao bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa-cách mạng lúc đầu chiếm được đa số trong các Xô-viết ?


Tại sao công nhân và nông dân đã giành được thắng lợi lại tự nguyện giao chính quyền cho đại biểu của giai cấp tư sản?


Lenin giải thích: vì có hàng triệu người chưa am hiểu chính trị vừa mới được thức tỉnh và lôi cuốn vào chính trị. Phần lớn họ là những người tiểu chủ, nông dân, công nhân cách đây không lâu còn là nông dân. những người ở giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Nước Nga lúc đó là nước có nhiều tính chất tiểu tư sản nhất trong số các nước lớn ở châu Âu. Và trong nước này, “một làn sóng tiểu tư sản rất lớn làm ngập tất cả. đè lên giai cấp vô sản giác ngộ, không những chỉ bằng số lượng, mà cả bằng tư tưởng của họ nữa, nghĩa là làn sóng ấy đã truyền nhiễm vào đông đảo công nhân những quan điểm tiểu tư sản về chính trị” (Lenin, tập XX, tr. 115).


Chính làn sóng tự phát tiểu tư sản ấy đã làm nổi lên những đảng tiểu tư sản: Menshevik và xã hội chủ nghĩa-cách mạng.


Lenin chỉ rằng một nguyên nhân nữa là cấu thành của giai cấp vô sản trong thời kỳ chiến tranh đã thay đổi và trình độ giác ngộ cùng trình độ tổ chức của giai cấp vô sản trong thời kỳ đầu của cách mạng còn kém. Trong thời gian chiến tranh, cấu thành của chính giai cấp vô sản đã thay đổi rất nhiều. Gần 10% công nhân cốt cán đã bị động viên vào quân đội. Trong những năm chiến tranh, nhiều tiểu chủ, thợ thủ công, chủ hiệu, xa lạ với tâm lý của giai cấp vô sản, đã vào làm việc ở các xí nghiệp để trốn động viên nhập ngũ.


Những tầng lớp tiểu tư sản trong công nhân ấy là miếng đất màu mỡ cho bạn chính khách tiểu tư sản bọn Menshevik và xã hội chủ nghĩa cách mạng.


Chính vì thế mà quần chúng nhân dân đông đảo chưa am hiểu chính trị, bị tràn ngập trong làn sóng tự phát tiểu tư sản và say sưa với những thắng lợi đầu tiên của cách mạng, trong mấy tháng đầu của cách mạng đã bị các đảng thỏa hiệp chi phối, thỏa thuận nhường chính quyền Nhà nước cho giai cấp tư sản, họ ngây thơ tưởng rằng chính quyền tự sản sẽ không ngăn trở các Xô-viết hoạt động.


Một nhiệm vụ đặt ra trước đảng Bolshevik là: bằng cách kiên nhẫn giải thích trong quần chúng, vạch rõ tính chất đế quốc của Chính phủ lâm thời, bóc trần sự phản bội của bọn xã hội chủ nghĩa cách mạng và bọn Menshevik và chứng minh rằng nếu không thay chính phủ lâm thời bằng chính phủ Xô-viết thi không thể giành được hòa bình.


Và đảng Bolshevik đem toàn lực ra làm việc đó.


Đảng Bolshevik phục hồi các cơ quan báo chí công khai của mình. Năm ngày sau khi nổ ra cách mạng tháng Hai, báo Sự thật xuất bản ở Petrograd; mấy ngày sau, báo Người dân chủ - xã hội xuất bản ở Moskva. Đảng đứng ra lãnh đạo quần chúng hiện không tin giai cấp tư sản tự do, không tin bọn Menshevik và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng nữa. Đảng kiên nhẫn giải thích cho binh sĩ, nông dân thấy cần thiết phải hành động chung với giai cấp công nhân. Đảng giải thích cho họ hiểu rằng nông dân sẽ không có hòa bình, không có ruộng đất nếu cách mạng không tiếp tục phát triển, nếu Chính phủ lâm thời tư sản không được thay thế bằng chính phủ Xô-viết.