C6.P4. Thất bại của quân đội Nga hoàng ngoài mặt trận. Sự tàn phá về mặt kinh tế. Khủng hoảng của chế độ Nga hoàng.

 4. Thất bại của quân đội Nga hoàng ngoài mặt trận. Sự tàn phá về mặt kinh tế. Khủng hoảng của chế độ Nga hoàng. 


Chiến tranh đã ba năm. Chiến tranh đã lấy đi hàng triệu mạng người, chết trận, bị thương, chết vì bệnh dịch do chiến tranh gây ra. Giai cấp tư sản và địa chủ phất to trong chiến tranh, còn công nông thì ngày càng khốn khổ và thiếu thốn. Chiến tranh tàn phá nền kinh tế quốc dân nước Nga. Gần 14 triệu người lao động khỏe mạnh phải nhập ngũ, tách khỏi nền kinh tế. Nhà máy ngừng hoạt động. Diện tích trồng ngũ cốc giảm sút vì thiếu nhân công. Dân chúng và quân đội ngoài mặt trận đói, không có giày, không có quần áo. Chiến tranh ngốn hết tất cả tài nguyên của nước nhà.


Quân đội Nga hoàng thua hết trận này đến trận khác. Pháo binh Đức tuôn những trận mưa đạn xuống quân đội Nga hoàng. Trong thời gian chiến tranh, người ta khám phá được sự phản bội của viên bộ trưởng chiến tranh Xu-khon-li-nốp, tư thông với bọn gián điệp Đức, Sukhomlinov thi hành nhiệm vụ của cơ quan tình báo Đức là phá hoại việc tiếp tế vũ khi ra mặt trận, không cung cấp đại bác và súng trường cho mặt trận. Một số bộ trưởng và tướng tá của Nga hoàng ngấn ngầm góp sức vào thắng lợi của quân đội Đức: cùng với hoàng hậu Nga vốn câu kết với bọn Đức, chúng cung cấp những bí mật quân sự cho Đức. Quân đội Nga hoàng phải nếm nhiều thất bại và buộc phải rút lui, điều đó không có gì lạ. Năm 1916, quân Đức chiếm được Ba-lan và một phần các tỉnh Baltic.


Tất cả những điều đó làm cho công nhân, nông dân, binh lính và trí thức căm ghét và tức giận chính phủ Nga hoàng, làm cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân chống chiến tranh, chống chế độ Nga hoàng ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến, ở trung ương cũng như ở các vùng biên khu, trở nên mạnh mẽ hơn và kịch liệt hơn.


Sự bất bình lan đến cả giai cấp tư sản đế quốc Nga. Cái làm cho họ tức giận là trong triều đình của Nga hoàng bọn gian sảo như Rasputin làm chủ, bọn này công nhiên chủ trương ký một hòa ước riêng với Đức. Giai cấp tư sản Nga ngày càng thấy rõ chính phủ Nga hoàng không thể tiến hành chiến tranh thắng lợi được. Họ sợ chính phủ Nga hoàng, để cứu vãn địa vị của mình, có thể ký hòa ước riêng với Đức. Vì vậy giai cấp tư sản Nga quyết định làm một cuộc đảo chính trong triều đình để truất ngôi Nga hoàng Nikolai II, và đưa lên ngôi một ông vua có liên hệ với giai cấp tư sản là Michael Romanov. Bằng cách đó, giai cấp tư sản muốn làm một công hay việc: một là, chen vào chính quyền và đảm bảo tiếp tục tiến hành chiến tranh đế quốc, hai là, bằng một cuộc đảo chính nhỏ trong triều ngăn ngừa sự tiến công của cuộc đại cách mạng nhân dân đang dâng lên ngùn ngụt.


Trong việc này, giai cấp tư sản Nga được các chính phủ Anh và Pháp hoàn toàn ủng hộ. Các chính phủ này thấy rõ Nga hoàng không thể tiếp tục chiến tranh được nữa. Họ sợ Nga hoàng sẽ ký hòa ước riêng với Đức. Nếu chính phủ Nga hoàng ký hòa ước riêng thì các chính phủ Anh và Pháp sẽ mất một nước đồng minh trong chiến tranh, đồng minh này không những giữ chân lực lượng dịch ở mặt trận của mình, mà còn cung cấp cho Pháp hàng vạn binh lính tinh nhuệ nữa. Vì vậy các chính phủ Anh và Pháp ủng hộ giai cấp tư sản Nga trong âm mưu tiến hành đảo chính trong triều đình.


Như vậy là Nga hoàng bị cô lập. 


Trong lúc liên tiếp thất bại ngoài mặt trận, sự phá sản về kinh tế cũng ngày thêm trầm trọng. Trong những ngày tháng Giêng, tháng Hai 1917, khó khăn về thực phẩm, nguyên liệu và nhiên liệu đã lên đến mức cao nhất và gay gắt nhất. Việc vận chuyển thực phẩm đến Petrograd và Moskva hầu như ngừng hẳn. Xí nghiệp nối tiếp nhau đóng cửa, nạn thất nghiệp thêm trầm trọng. Tình cảnh công nhân trở nên đặc biệt không chịu đựng được nữa. Quần chúng nhân dân ngày càng nhiều người tin rằng chỉ có một lối thoát khỏi tình cảnh không chịu đựng được nữa, đó là lật đổ nền chuyên chính của Nga hoàng.


Rõ ràng chế độ Nga hoàng đang ở trong một cuộc khủng hoảng nguy kịch.


Giai cấp tư sản định giải quyết khủng hoảng bằng một cuộc đảo chính trong triều đình.


Nhưng nhân dân đã giải quyết khủng hoảng ấy theo cách của mình.