C5.P1. Cao trào cách mạng trong những năm 1912 - 1914


Sự phản động của Stolypin thắng thế không được bao lâu. Một chính phủ chỉ muốn cho nhân dân roi vọt và dây treo cổ thì không thể bền vững được. Đàn áp đã trở thành việc thông thường đến nỗi không làm cho nhân dân sợ được nữa. Sự mệt mỏi của công nhân trong những năm đầu sau khi cách mạng thất bại tiêu tan dần. Công nhận lại nổi dậy đấu tranh. Tiên đoán của những người Bolshevik rằng nhất định sẽ có cao trào cách mạng mới, đã tỏ ra là đúng. Năm 1911, số thợ bãi công đã lên quá 100.000 người trong khi những năm trước chỉ có 50.000 đến 60.000 người. Hội nghị đại biểu của đảng họp ở Praha tháng Giêng 1912 đã nhận định rằng phong trào công nhân bắt đầu hồi phục. Nhưng cao trào cách mạng chỉ thực sự bắt đầu từ tháng Tư, tháng Năm 1912, khi nổ ra những cuộc bãi công chính trị quy mô lớn nhân vụ tàn sát công nhân ở Lena.


Ngày 4 tháng Tư 1912, trong cuộc bãi công ở mỏ vàng Lena ở Siberia, theo lệnh của một sĩ quan sen đầm Nga hoàng hơn 500 thợ bị giết và bị thương. Vụ tàn sát quần chúng công nhân mỏ không vũ khí ở Lena trong lúc họ đi một cách hòa bình đến đàm phán với ban quản trị của mỏ, đã làm xôn xao cả nước. Bọn chuyên chế Nga hoàng đã gây ra tội ác đẫm máu ấy đã làm đẹp lòng bọn chủ các mỏ vàng miền Lena là bọn tư bản Anh, để phá vỡ cuộc bãi công kinh tế của công nhân mỏ. Bọn tư bản Anh và bọn tư bản Nga đã thu được những món lợi kếch sù ở các mỏ ấy…mỗi năm trên 7 triệu rúp – bằng cách bóc lột công nhân một cách hết sức vô liêm sỉ. Bọn chủ trả cho công nhân một số lương rẻ mạt và cho thợ ăn những thực phẩm thối hỏng. Không chịu được ngược đãi áp bức, sáu nghìn công nhân mỏ vàng Lena đã bãi công.


Trả lời cuộc tàn sát ở Lena, giai cấp vô sản đã bãi công, biểu tình, mít tinh hàng loạt ở St. Petersburg, Moskva, ở tất cả các trung tâm và khu công nghiệp. Trong nghị quyết của công nhân một số nhà máy viết như sau: “Chúng tôi rất lấy làm kinh ngạc và xúc động không tìm được lời để diễn đạt ngay bây giờ. Dù chúng ta phản kháng thế nào thì cũng chỉ nói lên được một phần tinh thần sôi sục của mỗi người chúng ta. Nước mắt, lời kháng nghị đều không giúp ích được chúng ta. Chỉ có đấu tranh có tổ chức của quần chúng mới giúp ích được chúng ta mà thôi”.


Sự phẫn nộ sôi sục của công nhân càng tăng thêm khi tên bộ trưởng của Nga hoàng là Makarov trả lời đảng đoàn dân chủ - xã hội trong viện Duma chất vấn về vụ thảm sát ở Lena, trâng tráo tuyên bố rằng: “Trước đã thế, sau này cũng vẫn thế”. Số người tham gia bãi công chính trị đề phản kháng vụ tàn sát dã man ở Lena lên tới 300.000. Sự kiện Lê-na giống như một cơn bão phá tan bầu không khí “yên tĩnh” mà chế độ Stolypin đã tạo ra.


Về việc này, đồng chí Stalin đã viết như sau trong tờ báo Bolshevik Ngôi sao xuất bản ở St. Petersburg năm 1912: “Tiếng súng ở Lena đã phá tan khối băng yên lặng, và dòng sông lớn của phong trào nhân dân bắt đầu chảy. Nó chảy!.. Tất cả những cái gì xấu xa và có hại trong chính thể hiện tại, tất cả những cái mà nước Nga đau khổ nhiều phải chịu đựng, đều tập trung vào một sự việc, vào những tiếng súng ở Lena là những tiếng báo hiệu bãi công và biểu tình”.


Bọn thủ tiêu và nhóm trotskyist đã mất công đi chôn vùi cách mạng. Sự kiện Lena chứng tỏ rằng lực lượng cách mạng vẫn sống mạnh, rằng một khối nghị lực cách mạng vĩ đại đã tích tụ trong giai cấp công nhân. Cuộc bãi công ngày 1 tháng Năm 1912 có gần 400.000 công nhân tham gia. Cuộc bãi công này có tính chất chính trị rõ rệt và tiến hành dưới những khẩu hiệu cách mạng của những người Bolshevik: thực hiện chế độ Cộng hòa dân chủ, ngày làm 8 giờ, tịch thu tất cả ruộng đất của địa chủ. Những khẩu hiệu chủ yếu này không những nhằm đoàn kết đông đảo quần chúng công nhân mà còn nhằm đoàn kết cả quần chúng nông dân và binh lính để tấn công cách mạng vào chế độ chuyên chế.


Trong bài báo nhan đề là “Cao trào cách mạng” Lenin viết: “Cuộc bãi công khổng lồ của giai cấp vô sản toàn Nga hồi tháng Năm và những cuộc biểu tình ở đường phố theo sau đó, những tuyên bố và diễn văn cách mạng trước quần chúng công nhân, đã chứng tỏ rõ ràng rằng nước Nga đã bước vào giai đoạn cao trào cách mạng”.


Bọi thủ tiêu, lo ngại về tinh thần cách mạng của công nhân, đã chống lại cuộc đấu tranh bãi công, gọi đó là ở điên cuồng bãi công . Bọn thủ tiêu và đồng minh của chúng là Trotsky chủ trương thay sự đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản bằng cuộc “vận động thỉnh nguyện”. Người ta đề nghị công nhân ký vào một tờ giấy, một bản “thỉnh cầu” xin những “quyền lợi” (bỏ việc hạn chế công đoàn, hạn chế bãi công, vv.) để rồi gửi đơn ấy lên viện Duma Nhà nước. Bọn thủ tiêu chỉ lấy được có 1.300 chữ ký, trong khi đó thì chung quanh những khẩu hiệu cách mạng của những người Bolshevik tập hợp được hàng chục vạn công nhân.


Giai cấp công nhân đi theo con đường mà những người Bolshevik đã vạch ra.


Trong thời kỳ này, tình hình kinh tế trong nước như sau. Sự định trệ công nghiệp đến năm 1910 thì kết thúc, trong các ngành công nghiệp chủ yếu sản xuất hoạt động trở lại và được mở rộng. Năm 1910, sản lượng gang là 186 triệu pút, năm 1912 là 256 triệu, đến năm 1913 tăng lên tới 283 triệu pút. Năm 1910, số than khai thác được là 1.522 triệu pút, năm 1913 lên tới 2.214 triệu pít.


Cùng với sự phát triển công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp vô sản cũng phát triển nhanh chóng. Đặc điểm của phát triển công nghiệp là sản xuất tập trung hơn nữa trong các xí nghiệp lớn và cực lớn. Năm 1901, những xí nghiệp lớn có từ 500 công nhân trở lên chiếm 46,70% tổng số công nhân, năm 1910, các xí nghiệp kiều ấy đã chiếm gần 54% tức là quá nửa tổng số thợ. Đó là sự tập trung công nghiệp chưa từng có. Ngay ở một nước công nghiệp phát triển mạnh như Mỹ, các xí nghiệp lớn lúc bấy giờ cũng chỉ dùng có gần một phần ba tổng số công nhân.


Khi đã có một đảng cách mạng như đảng Bolshevik, sự phát triển và sự tập trung của giai cấp vô sản trong các xí nghiệp lớn đã làm cho giai cấp công nhân Nga trở thành lực lượng lớn nhất trong đời sống chính trị của nước nhà. Những hình thức bóc lột dã man đối với công nhân trong các xí nghiệp đi đôi với chế độ cảnh sát không thể chịu đựng được của bọn cấm vệ quân của Nga hoàng đã làm cho mỗi cuộc bãi công quan trọng đều có tính chất chính trị. Đấu tranh kinh tế xen lẫn với đấu tranh chính trị đem lại cho các cuộc bãi công của quần chúng một sức mạnh cách mạng đặc biệt.


Đi tiền phong trong phong trào cách mạng của công nhân là giai cấp vô sản anh dũng St. Petersburg; sau St. Petersburg là các tỉnh vùng Baltic, thành phố Moskva, và tỉnh Moskva rồi đến lưu vực sông Volga và miền Nam nước Nga. Năm 1913, phong trào lan tới miền tây, tới Ba lan, tới Caucasus. Báo cáo chính thức ghi rằng năm 1912 có 725.000 công nhân bãi công; còn theo những số liệu đầy đủ hơn thì số công nhân bãi công lên quá một triệu. Năm 1913, theo báo cáo chính thức cỏ 861.000 công nhân bãi công, và theo những số liệu đầy đủ hơn thì có 1.272.000. Trong sáu tháng đầu năm 1914 gần một triệu rưởi công nhân tham gia các cuộc bãi công.


Như vậy cao trào cách mạng trong những năm 1912 - 1914 và quy mô của phong trào bãi công đã đưa nước Nga tới tình thế giống như hồi đầu cuộc cách mạng 1905.


Những cuộc bãi công cách mạng đông đảo của giai cấp vô sản có ý nghĩa toàn dân. Những cuộc bãi công ấy nhằm chống chính thể chuyên chế, được đại đa số, nhân dân lao động đồng tình. Bọn chủ xưởng trả thù công nhân bãi công bằng cách đóng cửa xưởng. Năm 1913, ở tỉnh Moskva, bọn tư bản đuổi 50.000 thợ dệt. Tháng Ba 1914, ở St. Petersburg 70.000 công nhân bị đuổi trong một ngày. Công nhân các nhà máy khác và 4 các ngành công nghiệp khác quyên góp tiền ủng hộ công nhân bãi công và công nhân bị đuổi, có khi họ bãi công hưởng ứng.


Cao trào công nhân và các cuộc bãi công đông đảo thức tỉnh và lôi kéo quần chúng nông dân vào cuộc đấu tranh. Nông dân lại nổi lên chống địa chủ, phá các đồn ấp của địa chủ và các trang trại của cu-lắc (phú nông). Từ 1910 đến 1914 đã có hơn 13.000 cuộc đấu tranh của nông dân.


Hoạt động cách mạng cũng bắt đầu cả trong quân đội. Năm 1912 một cuộc bạo động vũ trang nổ ra trong quân Turkestan. Khởi nghĩa đã chín muồi ở hạm đội Baltic và ở Sevastopol.


Phong trào bãi công cách mạng và các cuộc biểu tình - do đảng Bolshevik lãnh đạo chứng tỏ rằng giai cấp công nhân đấu tranh không phải cho những yêu sách cục bộ, không phải để đòi “cải lương”, mà là để giải phóng nhân dân khỏi chế độ Nga hoàng. Nước Nga đang đi đến một cuộc cách mạng mới.


Để được ở gần nước Nga hơn, mùa hè năm 1912, - Lenin rời Pari đến ở miền Galicia (nước Áo ngày xưa). Ở đây, Lenin đã chủ tọa hai cuộc hội nghị Ban Chấp hành trung ương và cán bộ phụ trách: một hội nghị ở Cracow vào cuối năm 1912, và một hội nghị mùa thu năm 1913 ở thị trấn Poronino gần Cracow. Những hội nghị này đã thông qua nhiều quyết định về những vấn đề quan trọng nhất của phong trào công nhân: vấn đề cao trào cách mạng, vấn đề bãi công và nhiệm vụ của đảng, vấn đề tăng cường các tổ chức bất hợp pháp, vấn đề đảng đoàn dân chủ-xã hội trong viện Duma, vấn đề báo chí của đảng, vấn đề vận động bảo hiểm.

#Gấu