C4.P.5 Hội nghị đại biểu của đảng ở Praha năm 1912.

 

Những người Bolshevik chính thức lập đảng marxist độc lập. Cuộc đấu tranh chống phải thủ tiêu và phái triệu hồi cũng như cuộc đấu tranh chống bọn Trotsky, đặt cho những người Bolshevik một nhiệm vụ khẩn cấp - đoàn kết tất cả những người Bolshevik thành một khối và chính thức lập một đảng Bolshevik độc lập. Việc đó bức thiết không những để chấm dứt những xu hướng cơ hội chủ nghĩa trong đảng chia rẽ giai cấp công nhân, mà còn dễ hoàn thành sự nghiệp tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân và chuẩn bị cho giai cấp công nhân tiến tới cao trào cách mạng mới.

Nhưng muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết cần phải thanh trừ ra khỏi đảng bọn cơ hội, bọn Menshevik.


Lúc bấy giờ, trong số những người Bolshevik ai cũng nhận thấy rõ là không thể tiếp tục ở trong cùng một đảng với bọn Menshevik được. Hành động phản trắc của bọn Menshevik trong thời kỳ phản động Stolypin, mưu đồ của chúng thủ tiêu đảng vô sản và tổ chức một đảng mới, đảng cải lương, làm cho việc cắt đứt với chúng trở thành một điều không thể tránh được. Nếu còn cùng ở trong một đảng với bọn Menshevik thì bằng cách này hay cách khác, những người Bolshevik cũng phải chịu trách nhiệm về mặt tinh thần, về hành động của bọn Menshevik. Nhưng nếu những người Bolshevik không muốn chính mình trở thành những kẻ phản bội đảng và giai cấp công nhân thì họ không thể chịu trách nhiệm về mặt tinh thần, về sự phản bội công khai của bọn Menshevik được. Như vậy, thống nhất với bọn Menshevik trong khuôn khổ một đảng duy nhất sẽ trở thành phản bội giai cấp công nhân và phản bội đảng của giai cấp công nhân. Cho nên cần phải thực sự cắt đứt hẳn với bọn Menshevik, cần phải đi đến một sự cắt đứt chính thức về tổ chức và đuổi bọn Menshevik ra khỏi đảng.


Chỉ có làm như thế mới xây dựng lại được một đảng cách mạng của giai cấp vô sản có một cương lĩnh duy nhất, một sách lược duy nhất, một tổ chức giai cấp duy nhất.


Chỉ có làm như thế mới xác lập được sự thống nhất thực sự (chứ không phải là sự thống nhất hình thức) trong đảng, sự thống nhất đã bị bọn Menshevik phá hoại. Hội nghị đại biểu toàn đảng lần thứ VI do người Bolshevik chuẩn bị phải hoàn thành nhiệm vụ ấy.


Nhưng nhiệm vụ ấy chỉ là một phương diện của vấn đề. Việc chính thức cắt đứt với bọn Menshevik và việc những người Bolshevik chính thức lập thành một đảng riêng biệt tất nhiên là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng. Nhưng những người Bolshevik còn có nhiệm vụ khác, quan trọng hơn. Nhiệm vụ đề ra không những là cắt đứt với bọn Menshevik và chính thức lập thành một đảng riêng, mà còn là, trước hết, sau khi cắt đứt với bọn Menshevik, phải lập một đảng mới, một đảng kiểu mới, khác với những đảng dân chủ-xã hội thông thường ở phương Tây, một đảng không có những phần tử cơ hội và có khả năng dẫn dắt giai cấp vô sản đấu tranh giành chính quyền.


Trong cuộc đấu tranh chống những người Bolshevik, tất cả bọn Menshevik bất cứ thuộc màu sắc nào, từ Axelrod và Martynov đến Martov và Trotsky, đều cùng dùng một vũ khí mượn ở kho vũ khí của phái dân chủ-xã hội Tây Âu. Họ muốn ở Nga cũng có một đảng như đảng dân chủ-xã hội Đức hay Pháp chẳng hạn. Họ đấu tranh chống những người Bolshevik, chính là vì họ cảm thấy những người Bolshevik có cái gì mới lạ, khác hẳn bọn dân chủ-xã hội phương Tây. Vậy các đảng dân chủ-xã hội phương Tây lúc bấy giờ là thế nào? Một sự hỗn hợp, trà trộn những phần tử marxist và cơ hội, những bạn và thù của cách mạng ,những kẻ tán thành và chống lại tính đảng, và bọn người thứ nhất dần dần thỏa hiệp về tư tưởng với bọn thứ hai, dần dần thực sự phục tùng bọn thứ hai. Thỏa hiệp với bọn cơ hội, với bọn phản bội cách mạng để làm gì, - đó là câu hỏi mà những người Bolshevik đặt ra cho bọn dân chủ-xã hội Tây Âu. Người ta trả lời những người Bolshevik rằng: để có “hòa bình trong đảng”, để “thống nhất”. Thống nhất với ai, với bọn cơ hội chăng? Người ta trả lời: phải, với bọn cơ hội. Rõ ràng những đảng như thế không thể là đảng cách mạng được.


Những người Bolshevik không thể không thấy rằng sau khi Engels mất, những đảng dân chủ-xã hội Tây Âu đã bắt đầu thoái hóa, từ đảng cách mạng xã hội trở thành đảng “cải lương xã hội”, và mỗi đảng ấy, với tư cách là một tổ chức, đã từ lực lượng lãnh đạo trở thành cái đuôi của nhóm nghị viện của mình trong nghị viện.


Những người Bolshevik không thể không biết rằng một đảng như thể đối với giai cấp vô sản chẳng tốt lành gì và không thể lãnh đạo giai cấp công nhân làm cách mạng được.


Những người Bolshevik không thể không biết rằng giai cấp vô sản không cần có một đảng như thế, mà cần có một đảng khác, một đảng mới, một đảng marxist chân chính, không thỏa hiệp với bọn cơ hội và cách mạng đối với giai cấp tư sản, đoàn kết vững chắc và nhất trí, một đảng cách mạng xã hội, một đảng của chuyên chính vô sản.


Những người Bolshevik muốn có một đảng mới như thế. Và họ xây dựng, chuẩn bị một đảng như thế. Toàn bộ lịch sử đấu tranh chống phái kinh tế, chống bọn Menshevik, Trotskyist, bọn thủ tiêu và bọn duy tâm đủ các màu sắc cho đến cả bọn kinh nghiệm phê phán, là lịch sử chuẩn bị thành lập một đảng như thế. Những người Bolshevik muốn lập một đảng mới, Đảng Bolshevik, có thể làm gương cho tất cả những người muốn có một đảng marxist cách mạng thực sự. Những người Bolshevik đã chuẩn bị xây dựng một đảng như thế ngay trong thời kỳ đầu của tờ báo Tia lửa. Họ kiên trì bền bỉ chuẩn bị, bất chấp mọi trở ngại. Những tác phẩm của Lenin như "Làm gì ?", "Hai sách lược", v..v. đã đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong công việc chuẩn bị này. Cuốn "Làm gì ?" của Lenin là sự chuẩn bị về mặt tư tưởng cho đảng ấy. Cuốn "Một bước tiến, hai bước lùi" là sự chuẩn bị về mặt tổ chức cho đảng ấy. Cuốn "Hai sách lược của Đảng dân chủ-xã hội trong cách mạng dân chủ" là sự chuẩn bị về mặt chính trị cho đảng ấy. Cuối cùng, cuốn "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" là sự chuẩn bị về mặt lý luận cho đảng ấy.


Có thể nói chắc chắn rằng trong lịch sử chưa có một nhóm chính trị nào lại chuẩn bị chu đáo để chính thức lập đảng như phái Bolshevik.


Với những điều kiện như vậy, việc những người Bolshevik chính thức lập thành đảng là một việc đã chuẩn bị đâu vào đấy, đã chín muồi.


Nhiệm vụ hội nghị đại biểu đảng lần thứ VI là hoàn thành công việc đã chuẩn bị xong bằng việc trục xuất họn Menshevik và chính thức thành lập đảng mới, đảng Bolshevik.


Hội nghị đại biểu toàn Nga lần thứ VI của đảng hop Praha tháng Giêng 1912. Tham dự hội nghị có đại biểu của hơn 20 tổ chức của đảng. Vì vậy, về mặt hình thức, hội nghị này có ý nghĩa một đại hội đảng.


Trong thông báo của hội nghị về sự khôi phục bộ máy trung ương của đảng trước đây đã bị phá hoại, về sự thành lập Ban Chấp hành trung trọng, nói rằng những năm phản động là những năm khó khăn nhất cho đảng từ khi Đảng dân chủ-xã hội Nga hình thành với tính cách là một tổ chức hẳn hoi. Nhưng mặc dầu tất cả những sự truy nã, đàn áp, những đòn tấn công nặng nề từ ngoài vào, những sự phản bội và dao động của bọn cơ hội trong đảng, đảng của giai cấp vô sản vẫn giữ được ngọn cờ của mình và tổ chức của mình.


Trong thông báo của hội nghị có nói: “Không phải chỉ có ngọn cờ của Đảng dân chủ-xã hội Nga, cương lĩnh của nó, phương châm cách mạng của nó còn nguyên vẹn, mà cả tổ chức của nó cũng còn nguyên vẹn; bất kỳ những thủ đoạn truy nã, đàn áp nào cũng chỉ có thể phá hoại và làm suy yếu, chứ không thể phá hủy hoàn toàn được tổ chức của đảng”. 


Hội nghị nêu lên những dấu hiệu đầu tiên của một cao trào công nhân mới ở Nga và sự phục hồi lại công tác đảng.


Qua báo cáo của đại biểu các địa phương, hội nghị nhận thấy rằng “ở khắp các nơi các cơ sở đảng tiến hành công tác khẩn trương trong công nhân dân chủ xã hội để củng cố các tổ chức và các nhóm dân chủ xã hội bất hợp pháp”.


Hội nghị nhận định rằng ở khắp nơi các tổ chức cơ sở đều thừa nhận nguyên tắc chủ yếu của sách lược Bolshevik trong thời kỳ thoái trào là kết hợp hoạt động bí mật với hoạt động hợp pháp trong các hội và đoàn thể công khai của công nhân.


Hội nghị Praha bầu ra Ban Chấp hành trung ương Bolshevik của đảng. Ban chấp hành ấy gồm có Lenin, Stalin, Ordjonikidze, Sverdlov, Spandaryan và một số người khác. Các đồng chí Stalin và Sverdlov được bầu vắng mặt vào Trung ương, vì lúc ấy hai đồng chỉ này đang bị đi đày. Đồng chí Kalinin được bầu làm ủy viên dự khuyết.


Một trung tâm thực tiễn đã được thành lập đề lãnh đạo công tác cách mạng ở Nga (Cục trung ương Nga) đứng đầu là đồng chí Stalin. Cục trung ương Nga còn có các đồng chí Sverdlov, Spandaryan, Ordjonikidze, Kalinin.


Hội nghị Praha đã tổng kết toàn bộ cuộc đấu tranh trước đây của những người Bolshevik chống chủ nghĩa cơ hội và đã quyết định khai trừ bọn Menshevik ra khỏi đảng.


Khai trừ bọn Menshevik ra khỏi đảng, hội nghị Praha đã chính thức thừa nhận sự tồn tại độc lập của đảng Bolshevik.


Sau khi đập tan bọn Menshevik trên địa hạt tư tưởng và tổ chức và khai trừ chúng ra khỏi đảng, những người Bolshevik đã giữ được về phía mình ngọn cờ cũ của đảng: cái tên đảng công nhân dân chủ xã hội Nga (Đ.C.N.D.C.X.H. Nga.). Vì vậy cho nên mãi đến năm 1918, đảng Bolshevik vẫn tiếp tục gọi là Đảng công nhân dân chủ-xã hội Nga có thêm chữ Bolshevik trong dấu ngoặc.


Đầu năm 1912, Lenin viết cho Gorky về kết quả hội nghị Praha như sau: “Bất chấp bọn thủ tiêu bị ổi, chúng tôi cuối cùng cũng đã tái lập được đảng và bầu lại Ban Chấp hành trung trong. Mong rằng anh cũng mừng với chúng tôi về việc ấy”.


Đánh giá tầm quan trọng của hội nghị Praha, đồng chí Stalin viết: “Hội nghị này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử đảng ta, vì nó đã vạch ranh giới giữa những người Bolshevik và Menshevik và tập hợp những tổ chức Bolshevik trong toàn quốc thành đảng Bolshevik duy nhất”.


Sau khi bọn Menshevik bị khai trừ và những người Bolshevik chính thức lập thành một đảng độc lập, đảng Bolshevik trở nên vững mạnh hơn. Đảng được củng cố nhờ thanh trừ những phần tử cơ hội, đó là một trong các khẩu hiệu của đảng Bolshevik, một đảng kiểu mới, về nguyên tắc khác hẳn những đảng dân chủ-xã hội của Quốc tế II. Các đảng của Quốc tế II, ngoài miệng thì tự nhận là marxist, nhưng thực tế thì để những kẻ thù địch của chủ nghĩa Marx, bọn cơ hội công khai ở lại trong hàng ngũ của mình và để cho bọn này làm tan vỡ, giết chết Quốc tế II. Trái lại, những người Bolshevik đấu tranh quyết liệt chống bọn cơ hội, gọt sạch những vết nhơ của chủ nghĩa cơ hội trong đảng của giai cấp vô sản và thành lập một đảng kiểu mới, một đảng leninist, một đảng sau đó đã giành được chuyên chính vô sản.


Nếu bọn cơ hội còn đứng trong hàng ngũ đảng vô sản, thì đảng Bolshevik không thể bước vào con đường rộng lớn và lôi kéo giai cấp vô sản đi theo mình, không thể giành được chính quyền và tổ chức được chuyên chính vô sản, không thể chiến thắng được trong cuộc nội chiến, không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội.


Hội nghị Praha đã quyết nghị đề ra một cương lĩnh tối thiểu của đảng làm khẩu hiệu chính trị chủ yếu trước mắt: thực hiện chế độ cộng hòa dân chủ, ngày làm 8 giờ, tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ.


Dưới những khẩu hiệu cách mạng đó, những người Bolshevik đã tiến hành cuộc vận động tuyển cử trong cuộc bầu cử viện Duma Nhà nước IV.


Dưới những khẩu hiệu ấy đã diễn ra một cao cách mạng mới của quần chúng công nhân năm 1912-1914.


#Gấu