C4.P1. Sự phản động của Stolypin.


Viện Duma Nhà nước II đã bị chính phủ Nga hoàng giải tán ngày 3 tháng Sáu 1907. Trong lịch sử, người ta vẫn quen gọi việc này là cuộc đảo chính ngày 3 tháng Sáu. Chính phủ Nga hoàng đã ban hành đạo luật mới về việc bầu cử viện Duma Nhà nước III và do đó đã vi phạm bản tuyên ngôn của mình ngày 17 tháng Mười 1905, vì theo bản tuyên ngôn này thì chính phủ Nga hoàng chỉ có thể ban bố những luật mới khi được sự đồng ý của viện Duma. Đảng đoàn dân chủ xã hội trong viện Duma II bị truy tố trước tòa án, các đại biểu của giai cấp công nhân bị tù khổ sai hoặc bị đi đày.

Luật bầu cử mới ban bố ra làm tăng thêm rất nhiều số đại biểu địa chủ, tư sản công thương nghiệp trong viện Duma. Đồng thời số đại biểu nông dân và công nhân, vốn đã ít lại bị giảm đi gấp bội.


Xét theo thành phần thì viện Duma III là viện của bọn Trăm đen và của bọn Dân chủ Lập Hiến (Kadet). Trong tổng số 442 đại biểu, phe hữu (Trăm đen) chiếm 171 ghế, Đảng tháng Mười và các nhóm thân bọn tháng Mười chiếm 113 ghế, bọn Dân chủ Lập Hiến và nhóm thân họ chiếm 101 ghế, phái Lao động chiếm 13 ghế và đảng dân chủ xã hội chiếm 18 ghế.


Bọn hữu (gọi như thế vì họ ngồi phía bên phải trong viện) là những kẻ thù độc ác nhất của công nhân và nông dân; đó là bọn địa chủ phong kiến Trăm đen đã đánh đập và bắn giết hàng loạt nông dân trong vụ đàn áp phong trào nông nhân ; đó là bọn tổ chức những vụ tàn sát người Do thái, những vụ khủng bố các cuộc biểu tình công nhân, những vụ đốt cháy dã man những trụ sở ở đây đã tổ chức mít-tinh trong những ngày cách mạng. Bọn hữu ủng hộ việc đàn áp hết sức dã man những người lao động, ủng hộ quyền lực vô hạn của Nga hoàng, chống lại bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười 1905 của Nga hoàng.


Trong viện Duma, Đảng tháng Mười hay “Hội liên hiệp ngày 17 tháng Mười” đi với bọn hữu. Bọn tháng Mười đại biểu cho lợi ích của đại tư bản công nghiệp và đại địa chủ kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa (lúc cách mạng 1905 bắt đầu, một bộ phận rất lớn bọn Kadet, trong đó có đại địa chủ, chạy sang hàng ngũ bọn tháng Mười). Bọn tháng Mười chỉ khác với bọn hữu ở chỗ chúng thừa nhận và chỉ ngoài miệng thôi - bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười. Bọn tháng Mười hoàn toàn ủng hộ chính sách đối nội cũng như chính sách đối ngoại của chính phủ Nga hoàng.


Trong viện Duma III, bọn Kadet hay là Đảng “dân chủ lập hiến” được ít ghế hơn trong viện Duma I và viện Duma II. Đó là vì một phần phiếu của bọn địa chủ trước bỏ cho bọn Kadet nay chuyển sang bỏ cho bọn tháng Mười.


Trong viện Duma III có một nhóm ít người gồm những phần tử dân chủ tiểu tư sản gọi là phái cần lao. Trong viện Duma, nhóm này dao động giữa bọn Kadet và phe dân chủ công nhân (Bolshevik). Lenin chỉ rõ rằng mặc dầu trong viện Duma họ rất yếu, nhưng họ đại biểu cho quần chúng, quần chúng nông dân. Sự dao động của phái cần lao giữa bọn Kadet và phe dân chủ công nhân là kết quả tất nhiên của địa vị giai cấp của những người tiểu chủ. Lenin đề ra cho những đại biểu Bolshevik, cho phe dân chủ công nhân nhiệm vụ “giúp đỡ những người dân chủ tiểu tư sản ớt, lôi họ ra khỏi ảnh hưởng của phái tự do, đoàn kết phe dân chủ chống lại bọn Kadet phản cách mạng, chứ không phải chỉ chống bọn hữu thôi…”.


Trong cách mạng 1905 và nhất là sau khi cách mạng thất bại, bọn Kadet ngày càng tỏ ra là một lực lượng phản cách mạng. Chúng ngày càng vứt bỏ hẳn cái mặt nạ “dân chủ”, hành động như bọn bảo hoàng chính cống, bọn bảo vệ chế độ Nga hoàng. Năm 1909, nhóm văn sĩ nổi tiếng thuộc phái Kadet xuất bản tập văn tuyển “Vekhi” (những cột mốc)…, trong đó bọn Kadet nhân danh giai cấp tư sản, cảm tạ chế độ Nga hoàng đã dẹp tan cách mạng. Bọn Kadet cúi rạp mình làm tay sai cho chính phủ của dùi cui và giá treo cổ, viết trắng ra rằng phải “cảm ơn chính quyền ấy đã một mình dùng lưỡi lê và nhà tù che chở cho chúng ta chống lại sự phẫn nộ của nhân dân”.


Sau khi giải tán viên Duma Nhà nước II và trấn áp đảng đoàn dân chủ xã hội trong viện Duma Nhà nước, chính phủ Nga hoàng tăng cường phá hoại các tổ chức chính trị và kinh tế của giai cấp vô sản. Các nhà tù, các trại giam, các nơi đày ải chật ních những chiến sĩ cách mạng. Họ bị đánh đập, hành hạ tra tấn giết hại rất dã man trong các nhà tù. Sự khủng bố của bọn Trăm đen thật là cùng cực. Tên bộ trưởng của Nga hoàng là Stolypin đã dựng giá treo cổ khắp nước. Vài nghìn người cách mạng đã bị treo cổ. Lúc bấy giờ người ta gọi giá treo cổ là cái “cơ-ra-vát của Stolypin”,


Nhưng trấn áp phong trào cách mạng của công nhân và nông dân, chính phủ Nga hoàng không thể chỉ đóng khung vào việc đàn áp, càn quét, bắn giết, tù đày. Chính phủ Nga hoàng lo ngại thấy rằng lòng tin tưởng chất phác của nông dân vào đức vua càng ngày nguội tắt. Vì vậy chúng phải dùng đến một phương sách lớn, định xây dựng cho mình chỗ dựa vững chắc ở nông thôn là giai cấp đông đảo bọn tư sản nông thôn tức là bon cu-lắc (phú nông).


Ngày 9 tháng Một 1906, Stolypin ban hành đạo luật ruộng đất mới, cho phép nông dân rút khỏi công xã để lập trại riêng. Luật Stolypin phá hủy chế độ ruộng đất chung của công xã. Mỗi người nông dân được lấy phần đất cấp cho mình làm của riêng, và tách ra khỏi công xã. Nông dân có thể bán phần đất của mình, việc mà trước kia họ không có quyền làm. Đối với những nông dân ra khỏi công xã, xã hội buộc phải chia ruộng đất cho họ vào một nơi (trang trại). 


Những nông dân giàu - bọn cu-lắc - như vậy là có thể mua ruộng đất của tiểu nông với giá rẻ. Trong vài năm sau khi ban bố đạo luật, hơn một triệu tiểu nông bị mất hết ruộng đất và phá sản. Do tước đoạt ruộng đất của tiểu nông mà số trang trại của bọn cu-lắc tăng lên. Chúng bóc lột, sử dụng rộng rãi lao động làm thuê, lao động của cố nông. Chính phủ bắt nông dân phải giao những ruộng đất tốt nhất trong công xã cho bọn cu-lắc chủ trang trại.


Nếu trước kia, khi nông dân được “giải phóng”, bọn địa chủ đã cướp ruộng của họ, thì bây giờ tới phiên giai cấp cu-lắc lại cướp ruộng đất công bằng cách đoạt những mảnh tốt nhất, mua phần đất của bần nông với giá rẻ mạt.


Chính phủ Nga hoàng cho bọn cu-lắc vay những món tiền để mua ruộng đất và lập trang trại. Stolypin muốn làm cho bọn cu-lắc trở thành địa chủ nhỏ, thành những người trung thành bảo vệ chế độ chuyên chế của Nga hoàng.


Trong có chín năm (từ 1906 - 1915), hơn hai triệu hộ đã ra khỏi công xã.


Chính sách của Stolypin càng làm cho tình cảnh của tiểu nông và bần nông thêm nguy khốn. Sự phân hóa nông dân càng tăng. Giữa nông dân và bọn cu-1ắc chủ trang trại nổ ra những cuộc xung đột.


Đồng thời nông dân bắt đầu hiểu rằng: còn chính phủ Nga hoàng và viện Duma của bọn địa chủ và bọn Kadet thì không bao giờ họ được hưởng ruộng đất của bọn địa chủ.


Trong những năm ráo riết thành lập những trang trại (1907-1909), lúc đầu phong trào nông dân sụt xuống, nhưng chẳng bao lâu, đến năm 1910-1911 về sau, trên cơ sở những vụ xung đột giữa nông dân trong công xã và bọn chủ trại, phong trào nông dân chống địa chủ và cu-lắc chủ trang trại lại tăng lên.


Sau cách mạng, trong lĩnh vực công nghiệp cũng có những thay đổi lớn. Sự tập trung của công nghiệp, tức là việc tăng quy mô của xí nghiệp và tập trung các xí nghiệp vào tay những nhóm tư bản ngày càng có thể lực, cũng tăng lên mạnh. Từ trước cách mạng 1905, bọn tư bản đã lập những hội để tăng giá hàng hóa trong nước, còn lợi nhuận siêu ngạch thu được thì dùng làm quỹ khuyến khích xuất cảng để có thể tung hàng hóa bán ra thị trường ngoài nước với giá hạ và chiếm đoạt thị trường ngoài nước. Những hội, những tổ chức liên hợp ấy của tư bản (tổ chức độc quyền) gọi là tơ-rớt (trusts) và xanh-đi-ca (syndicate). Sau cách mạng, các tơ-rớt và xanh-di-ca tư sản còn tăng lên nữa. Đồng thời, số nhà băng lớn cũng nhiều thêm, vai trò của chúng trong công nghiệp cũng tăng lên, tư bản ngoại quốc ùa vào Nga.


Như vậy, chủ nghĩa tư bản ở Nga càng ngày càng trở thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, đế quốc.


Sau vài năm đình trệ, công nghiệp lại hồi phục: than, dầu mỏ khai thác được nhiều hơn; kim khí, vải, đường sản xuất nhiều hơn. Số lúa mì xuất càng tăng rất mạnh.


Mặc dù nước Nga lúc bấy giờ có tiến bộ đôi chút về công nghiệp, nó vẫn là một nước lạc hậu so với Tây Âu và phụ thuộc vào bọn tư bản ngoại quốc. Ở nước Nga không có ngành sản xuất máy móc và máy công cụ; máy móc đều nhập của nước ngoài. Cũng không có công nghiệp ô-tô, công nghiệp hóa chất, không sản xuất phân bón hóa học. Nga cũng lạc hậu hơn các nước tư bản khác và chế tạo quân dụng nữa.


Nói về mức tiêu thụ kim khí thấp ở nước Nga, coi đó là dấu hiệu chứng tỏ tình trạng lạc hậu của nước Nga, Lenin viết: “Trong nửa thế kỷ sau khi giải phóng nông dân, mức tiêu thụ sắt ở nước Nga đã tăng gấp 5 lần, thế mà Nga vẫn là một nước lạc hậu, bần cùng và man rợ mà người ta chưa từng thấy và không thể tưởng tượng được; về trang bị công cụ sản xuất hiện đại thì nước Nga kém Anh 4 lần, kém Đức 5 lần, kém Mỹ 10 lần”.


Hậu quả trực tiếp của tình trạng lạc hậu về kinh tế và chính trị của nước Nga là cả chủ nghĩa tư bản Nga lẫn chế độ Nga hoàng đều phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản Tây Âu.


Điều đó biểu hiện ở chỗ các ngành quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân như than, dầu mỏ, công nghiệp điện, luyện kim, đều ở trong tay tư bản ngoại quốc, và hầu hết máy móc thiết bị nước Nga đều phải nhập của nước ngoài.


Điều đó biểu hiện ở những món nợ có tính chất nô dịch vay ở nước ngoài, mà mỗi năm chế độ Nga hoàng bóp nặn của nhân dân hàng trăm triệu rúp để trả lãi.


Điều đó biểu hiện ở những hiệp ước bí mật với bọn “đồng minh”, theo hiệp ước ấy, chế độ Nga hoàng cam kết trong trường hợp có chiến tranh sẽ đưa hàng triệu lính Nga ra mặt trận của bọn đế quốc để ủng hộ bọn “đồng minh”, và bảo đảm những lợi tức kinh người của bọn tư bản Anh, Pháp.


Đặc điểm của những năm phản động Stolypin là bọn sen đầm và cảnh sát, bọn khiêu khích tay sai cho Nga hoàng và bọn côn đồ Trăm đen tấn công giai cấp công nhân theo kiểu kẻ cướp. Nhưng không phải chỉ có bọn tay chân của Nga hoàng đàn áp công nhân mà thôi. Về mặt này thì bọn chủ xưởng, chủ nhà máy cũng không thua kém, chúng đặc biệt tăng cường tấn công vào giai cấp công nhân trong những năm công nghiệp đình trệ và nạn thất nghiệp tăng lên. Bọn chủ xưởng đuổi hàng loạt công nhân, lập “sổ đen” ghi tên những công nhân giác ngộ đã tích cực tham gia bãi công. Những công nhân nào có tên trong “sổ đen” hay “danh sách đen” thì không được nhận vào làm ở bất cứ một xưởng nào thuộc liên đoàn chủ xí nghiệp ngành công nghiệp đó. Từ năm 1908, lương công nhân giảm từ 10 đến 15%. Ở khắp nơi, thời gian làm việc kéo dài từ 10 đến 12 giờ một ngày. Chế độ phạt tiền theo lối ăn cướp lại thịnh hành.


#Gấu