C3.P6 Giải tán viện Duma Nhà nước I. Triệu tập viện Duma Nhà nước II. Đại hội V của đảng. Giải tán viện Duma Nhà nước II. Nguyên nhân thất bại của cuộc cách mạng Nga thứ nhất.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



==========================================

Chương 3. Men-Sê-Vich và Bôn-Sê-Vich trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật và cuộc cách mạng Nga thứ nhất (1904-1907).


3.6. Giải tán viện Duma Nhà nước I. Triệu tập viện Duma Nhà nước II. Đại hội V của đảng. Giải tán viện Duma Nhà nước II. Nguyên nhân thất bại của cuộc cách mạng Nga thứ nhất


Vì viện Duma Nhà nước I đã tỏ ra không ngoan ngoãn lắm, chính phủ Nga hoàng giải tán nó vào mùa hạ 1906. Chính phủ Nga hoàng lại tăng cường đàn áp nhân dân hơn, phát triển hoạt động của những đạo quân trừng phạt ở khắp nước, và tuyên bố quyết định triệu tập viện Duma Nhà nước II trong một thời gian rất gần. Chính phủ lộ vẻ kiêu căng rõ ràng. Nó không còn sợ cách mạng, nó thấy cách mạng đang đi xuống.

Những người bolshevik phải giải quyết vấn đề tham gia hay là tẩy chay viện Duma II. Khi nói tẩy chay, những người bolshevik thường có ý nói tẩy chay tích cực, chứ không phải chỉ tiêu cực, không tham gia bỏ phiếu. Họ coi việc tẩy chay tích cực là một phương sách cách mạng đề phòng cho nhân dân khỏi sa vào mưu mô của Nga hoàng muốn kéo nhân dân từ con đường cách mạng sang con đường “hiến pháp” của Nga hoàng, là phương sách đánh bại mưu mô ấy và tổ chức một cuộc tấn công mới của nhân dân chống chế độ Nga hoàng.

Kinh nghiệm tẩy chay viện Duma Bulygin đã cho thấy rằng “tẩy chay là sách lược duy nhất đúng được các sự kiện xảy ra hoàn toàn xác nhận” (Lenin, tập X, trang 27). Việc tẩy chay ấy đã đạt được kết quả vì không những nó tránh cho nhân dân nguy cơ con đường hiến pháp Nga hoàng, mà còn làm cho viện Duma ấy thất bại trước khi ra đời nữa. Việc tẩy chay ấy đã có kết quả vì được áp dụng trong thời kì cao trào cách mạng đương lên và dựa theo cao trào ấy, chứ không phải áp dụng trong thời kì cách mạng giảm xuống, - vì người ta chỉ có thể đánh bại viện Duma trong điều kiện cao trào cách mạng mà thôi.

Việc tẩy chay viện Duma Witte tức là viện Duma I được tiến hành sau sự thất bại của cuộc bạo động tháng Chạp, khi mà Nga hoàng là kẻ thắng, tức là vào lúc người ta có thể nghĩ rằng cách mạng đương đi xuống.

Lenin viết:

“Nhưng tất nhiên là thắng lợi ấy (của Nga hoàng – B.T.) chưa có cơ sở để coi là thắng lợi quyết định. Cuộc khởi nghĩa tháng Chạp 1905 vẫn còn tiếp tục với hàng loạt cuộc khởi nghĩa quân sự và bãi công lẻ tẻ và bộ phận vào mùa hạ 1905. Khẩu hiệu tẩy chay viện Duma Witte là khẩu hiệu đấu tranh để tập trung và phổ biến hóa những cuộc khởi nghĩa ấy” (Lenin, tập XII, tập 20).

Việc tẩy chay viện Duma Witte lúc bấy giờ không đánh bại được viện Duma, mặc dù nó có làm cho cho uy tín của viện ấy; việc tẩy chay đó không đánh bại được viện Duma vì, như bây giờ ta thấy rõ, nó được tiến hành trong điều kiện cách mạng đi xuống, cách mạng suy yếu. Vì vậy, việc tẩy chay viện Duma năm 1906 thất bại. Về việc này, Lenin viết trong tác phẩm nổi tiếng “Bệnh ấu trĩ, “bệnh tả khuynh” trong phong trào cộng sản”:

“Việc tẩy chay của bolshevik đối với “nghị viện” năm 1905 làm cho giai cấp vô sản cách mạng giàu thêm kinh nghiệm chính trị cực kì quý báu, chỉ cho họ thấy rằng khi người ta kết hợp dùng hình thức đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp, trong nghị viện và ngoài nghị viện, thì việc biết gạt bỏ những hình thức nghị viện đôi khi là điều có lợi và thậm chí là điều bắt buộc… Nhưng việc những người bolshevik tẩy chay viện Duma năm 1906 là một sai lầm, mặc dù là sai lầm không nghiêm trọng lắm và dễ sửa chữa… Cái gì áp dụng cho chính trị và cho các đảng – với những sự thay đổi tương ứng. Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm. Những con người như thế không có và không thể có. Người thông minh là người có sai lầm, không nghiêm trọng lắm, và biết sửa chữa sai lầm một cách dễ dàng và nhanh chóng” (Lenin, tập XXI, tr. 182 – 183).

Về viện Duma Nhà nước II, Lenin cho rằng, trước sự thay đổi tình hình và sự suy yếu của cách mạng, những người bolshevik “phải xem lại việc tẩy chay viện Duma Nhà nước” (Lenin, tập X, tr. 26).

Lenin viết:

“Lịch sử đã chỉ rõ rằng khi viện Duma họp, thì có thể mở một cuộc cổ động có lợi ở trong và xung quanh viện ấy; rằng sách lược gần gũi nông dân cách mạng chống lại bọn Kadets là điều có thể làm được trong viện Duma” (như trên, tr. 29).

Từ tất cả những cái đó ta rút ra kết luận là không những phải biết quyết tâm xông lên tấn công, dẫn đầu cuộc tấn công, khi có cao trào cách mạng, mà còn phải biết lùi đúng, lùi sau hết, khi không còn cao trào cách mạng, thay đổi sách lược tùy theo tình hình thay đổi; không rút lui vô trật tự mà phải rút lui có tổ chức, bình tĩnh, không hốt hoảng, lợi dụng cả những khả năng nhỏ nhất để cho cán bộ tránh khỏi những đòn của quân thù; xây dựng lại, tích lũy lực lượng và chuẩn bị một cuộc tấn công mới vào quân thù.

Những người bolshevik quyết định tham gia bầu cử viện Duma II.

Nhưng những người bolshevik vào viện Duma, không phải để cùng với bọn Kadets làm các công việc “lập pháp” về tổ chức, như bọn menshevik đã làm, mà là để lợi dụng Duma làm một diễn đàn có lợi cho cách mạng.

Ban Chấp hành trung ương menshevik, trái lại, kêu gọi thỏa thuận với bọn Kadets trong việc bầu cử, kêu gọi ủng hộ bọn Kadets trong viện Duma, coi viện Duma như là một cơ quan lập pháp có thể đánh bẹp chính phủ Nga hoàng.

Phần lớn các tổ chức của đảng đều phản đối chính sách của Ban Chấp hành trung ương menshevik.

Những người bolshevik yêu cầu triệu tập lại đại hội đảng.

Tháng Năm 1907, đại hội V của đảng họp ở London. Trước khi họp đại hội này, Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga có tới 150.000 đảng viên (kể cả những tổ chức dân chủ - xã hội của các dân tộc). Tổng cộng có 336 đại biểu dự đại hội. Bolsheviks có tới 105 đại biểu; mensheviks có 97. Còn thì là những đại biểu khác thay mặt cho các tổ chức dân chủ - xã hội của các dân tộc: Ba Lan và Latvia và Bulgaria, mấy tổ chức này được kết nạp vào Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga trong đại hội trước.

Trotsky định thành lập một nhóm riêng của y trong đại hội, một nhóm trung phái, tức là nhóm nửa mensheviks, nhưng không ai theo y.

Vì phe bolsheviks có những người Ba Lan và Latvia ủng hộ nên họ chiếm đa số vững chắc trong đại hội.

Một trong những vấn đề chính tranh luận tại đại hội là vấn đề thái độ đối với các đảng tư sản. Vấn đề này đã gây ra đấu tranh giữa bolsheviks và mensheviks ngay từ đại hội II. Đại hội đã có một nhận định bolsheviks đối với tất cả các đảng không phải vô sản – bọn Trăm Đen, bọn tháng Mười, bọn Kadets, bọn xã hội chủ nghĩa – cách mạng – và đã đề ra sách lược bolsheviks đối với những điều ấy.

Đại hội thông qua chính sách của những người bolshevik và quyết định tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các đảng Trăm Đen – “Hội liên hiệp nhân dân Nga”, bọn bảo hoàng. Hội đồng quý tộc thống nhất, cũng như với “Hội liên hiệp ngày 17 tháng Mười” (đảng tháng Mười), đảng công thương nghiệp và đảng “hòa bình cách tân”. Tất cả những đảng ấy rõ ràng là phản cách mạng.

Còn về giai cấp tư sản tự do, đảng Kadets, thì đại hội đề nghị đấu tranh thẳng tay vạch mặt nó. Đại hội đề nghị vạch trần thứ “chủ nghĩa dân chủ” giả nhân giả nghĩa và dối trá của đảng Kadets, và đấu tranh chống những mưu toan của giai cấp tư sản tự do muốn cầm đầu phong trào nông dân.

Đối với những đảng gọi là dân túy hay đảng cần lao (những người xã hội nhân dân, nhóm cần lao, những người xã hội chủ nghĩa – cách mạng), đại hội đề nghị vạch trần những mưu toan của họ định ngụy trang làm những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng đồng thời đại hội cũng cho phép có thể có những thỏa hiệp riêng biệt nào đó với những đảng ấy, để tổ chức cuộc tấn công chung và cùng một lúc chống chế độ Nga hoàng và bọn tư sản Kadets, vì những đảng ấy lúc đó là những đảng dân chủ và thể hiện lợi ích của giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn.

Ngay trước đại hội, bọn menshevik đề nghị triệu tập cái gọi là “đại hội công nhân”. Kế hoạch của bọn menshevik là triệu tập đại hội trong đó có những người dân chủ - xã hội, xã hội chủ nghĩa – cách mạng và bọn vô chính phủ tham dự. Đại hội “công nhân” ấy phải tạo ra một cái gì như loại “đảng phỉ đảng” hay như loại một đảng công nhân tiểu tư sản “rộng rãi” không có cương lĩnh. Lenin vạch trần mưu toan hết sức có hại của bọn menshevik muốn thủ tiêu đảng công nhân dân chủ - xã hội và hòa tan đội tiền phong của giai cấp công nhân trong quần chúng tiểu tư sản. Đại hội nghiêm khắc lên án khẩu hiệu “đại hội công nhân” của bọn menshevik nêu ra.

Vấn đề công đoàn giữ một địa vị đặc biệt trong công việc của đại hội. Bọn menshevik bênh vực “tính trung lập” của các công đoàn, nghĩa là họ chống lại vai trò lãnh đạo của đảng trong các công đoàn. Đại hội bác bỏ đề nghị của bọn menshevik và chấp thuận nghị quyết bolsheviks về công đoàn. Trong nghị quyết này chỉ rõ rằng đảng phái nắm quyền lãnh đạo các công đoàn về tư tưởng và chính trị.

Đại hội V là thắng lợi lớn của những người bolshevik trong phong trào công nhân. Những người bolshevik không tự cao tự đại, không thỏa mãn với thắng lợi đã đạt được. Lenin không dạy họ như thế. Những người bolshevik biết rằng trước mắt họ còn phải đấu tranh nữa chống bọn menshevik.

Trong bài báo “Bút ký của một đại biểu” viết năm 1907, đồng chí Stalin có nhận định về kết quả của đại hội như sau:

“Thực sự thống nhất những công nhân tiên tiến của toàn thể nước Nga vào một công đảng duy nhất, dưới lá cờ dân chủ - xã hội cách mạng, đó là ý nghĩa của đại hội London, đó là tính chất chung của đại hội”.

Trong bài báo này đồng chí Stalin dẫn những số liệu về cơ cấu của đại hội. Những đại biểu bolshevik về dự đại hội chủ yếu là do các miền công nghiệp lớn (Peterburg, Moskva, Ural, Ivanovo, Voznesensk, v.v…) cử đến. Còn những người menshevik về dự đại hội là do những miền sản xuất nhỏ cử đến, những miền mà thợ thủ công, nửa vô sản chiếm ưu thế, và cũng do cả những miền thuần túy nông dân cử đến.

Đồng chí Stalin tổng kết về đại hội đã chỉ ra rằng:

“Rõ ràng là sách lược của những người bolshevik là sách lược của những người vô sản đại công nghiệp, sách lược của những người miền mà mâu thuẫn giai cấp đặc biệt rõ rệt và đấu tranh giai cấp đặc biệt gay gắt. Chủ nghĩa bolshevik, - đó là sách lược của những người vô sản thực sự. Mặt khác cũng rất rõ là sách lược của những người menshevik thường là sách lược của thợ thủ công và những người vô sản nông thôn, sách lược của những miền mà mâu thuẫn giai cấp không thật rõ rệt và đấu tranh giai cấp còn lu mờ. Chủ nghĩa menshevik, - đó là sách lược của những phần tử nửa tư sản trong giai cấp vô sản. Những số liệu đã nói lên như thế” (Biên bản của đại hội V Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga, tr. XI và XII, 1935).

Sau khi giải tán viện Duma I, Nga hoàng mong có viện Duma II, ngoan ngoãn hơn. Nhưng cả viện Duma II cũng không đáp ứng điều mong mỏi của y. Vì vậy Nga hoàng quyết định giải tán viện Duma II và triệu tập viện Duma III, theo một luật bầu cử tệ hại hơn nữa, hy vọng rằng viện Duma này sẽ ngoan ngoãn hơn.

Ít lâu sau đại hội V, chính phủ Nga hoàng làm cái gọi là cuộc đảo chính ngày 3 tháng Sáu. Ngày 3 tháng Sáu năm 1907 Nga hoàng tuyên bố giải tán viện Duma Nhà nước II. Đảng đoàn dân chủ - xã hội trong viện Duma, gồm có 65 đại biểu, đã bị bắt và đày đi Siberia. Người ta ban bố luật bầu cử mới. Quyền của công nhân và nông dân càng bị cắt xén nhiều hơn nữa. Chính phủ Nga hoàng tiếp tục tấn công.

Bộ trưởng chính phủ Nga hoàng Stolypin tiến hành cuộc đàn áp đẫm máu đối với công nhân và nông dân. Hàng ngàn công nhân và nông dân cách mạng bị các đội quân trừng phạt bắn và bị treo cổ. Trong các nhà tù của Nga hoàng, những chiến sĩ cách mạng bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn. Các tổ chức công nhân và trước nhất là những người bolshevik bị khủng bố một cách đặc biệt dã man. Bọn mật thám của Nga hoàng đi lùng Lenin, lúc đó sống bí mật ở Phần Lan. Chúng muốn bức hại lãnh tụ của cách mạng. Nhưng, sau khi đã vượt muôn ngàn nguy hiểm, tháng Chạp 1907, Lenin lại vượt được ra khỏi biên giới, sống ở nước ngoài.

Những năm đen tối của thời kỳ phản động Stolypin bắt đầu.

Như vậy là cuộc cách mạng Nga thứ nhất đã thất bại.

Những nguyên nhân sau đây đã đưa cách mạng đến thất bại:

1. Trong cuộc cách mạng chưa có sự liên minh vững chãi giữa công nhân và nông dân chống chế độ Nga hoàng. Nông dân vùng dậy đấu tranh chống địa chủ, và liên minh với công nhân chống lại địa chủ. Nhưng họ vẫn chưa hiểu rằng không lật đổ được địa chủ nếu không lật đổ Nga hoàng, họ chưa hiểu rằng Nga hoàng cùng một đuộc với địa chủ, và một bộ phận rất lớn nông dân vẫn còn tin ở Nga hoàng và đặt hy vọng vào viện Duma của Nga hoàng. Vì vậy nhiều nông dân không muốn liên minh với công nhân để lật đổ chế độ Nga hoàng. Nông dân còn tin tưởng ở đảng thỏa hiệp của bọn xã hội chủ nghĩa – cách mạng, hơn là ở những người bolshevik. Kết quả là cuộc đấu tranh của nông dân chống địa chủ không được tổ chức đầy đủ. Lenin chỉ ra rằng:

“…nông dân hành động một cách quá rời rạc, không có tổ chức, không tấn công mạnh mẽ, và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cách mạng thất bại” (Lenin, tập XIX, tr. 435).

2. Tình trạng một bộ phận rất lớn nông dân không muốn đi với công nhân để lật đổ chế độ Nga hoàng thể hiện cả trong thái độ của quân đội, mà phần lớn là con nhà nông khoác áo lính. Những cuộc bạo động và khởi nghĩa có nổ ra trong một số đơn vị quân đội Nga hoàng, nhưng phần đông bính lính vẫn còn giúp Nga hoàng đàn áp bãi công và khởi nghĩa của công nhân.

3. Cả công nhân cũng hành động chưa thật là nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Năm 1905 những đội tiền phong của giai cấp công nhân đã mở cuộc đấu tranh cách mạng anh dũng. Các tầng lớp lạc hậu nhất – công nhân các tỉnh ít công nghiệp, sống ở nông thôn – chuyển chậm hơn. Họ tham gia đấu tranh cách mạng nhiều nhất năm 1906, nhưng lúc đó đội tiền phong của giai cấp công nhân đã suy yếu nhiều.

4. Giai cấp công nhân là lực lượng tiền phong, lực lượng chủ yếu của cách mạng, nhưng hàng ngũ đảng của giai cấp công nhân không có sự thống nhất và đoàn kết cần thiết. Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga  - chính đảng của giai cấp công nhân chia làm hai nhóm: bolsheviks và mensheviks. Những người bolshevik tiến hành đường lối cách mạng triệt để và kêu gọi công nhân lật đổ chế độ Nga hoàng. Bọn menshevik với sách lược thỏa hiệp đã kìm hãm cách mạng, làm cho một bộ phận rất lớn công nhân bị mơ hồ, chia rẽ giai cấp công nhân. Vì vậy, công nhân hành động không được luôn luôn nhịp nhàng ăn khớp với nhau trong cuộc cách mạng và giai cấp công nhân, lúc ấy hàng ngũ còn chưa thống nhất, chưa thể trở thành lãnh tụ chân chính của cách mạng được.

5. Bọn đế quốc Tây Âu đã giúp chế độ chuyên chế Nga hoàng đàn áp cách mạng 1905. Bọn tư bản ngoại quốc lo sợ cho số vốn chúng đã đầu tư ở nước Nga và những lợi tức lớn thu được ở đấy. Ngoài ra, chúng còn sợ khi cách mạng Nga thắng, công nhân các nước khác sẽ vùng dậy làm cách mạng. Vì vậy bọn đế quốc Tây Âu đã giúp tên Nga hoàng đao phủ. Bọn chủ nhà băng Pháp cho Nga hoàng vay một số tiền lớn để đàn áp cách mạng. Vua Đức sẵn sàng một đạo quân lớn hàng mấy nghìn người để can thiệp giúp Nga hoàng.

6. Hòa ước ký với Nhật hồi tháng Chín 1905 đã giúp Nga hoàng rất nhiều. Sự thất bại trong chiến tranh của Nga hoàng và sự phát triển kinh khủng của cách mạng đã buộc Nga hoàng phải ký nhanh hòa ước. Thất bại trong chiến tranh đã làm yếu chế độ Nga hoàng. Việc ký hòa ước đã củng cố vị trí của Nga hoàng.

TÓM TẮT

Cách mạng Nga lần thứ nhất đã đánh dấu cả một thời kỳ lịch sử trong sự phát triển của nước ta. Thời kỳ lịch sử ấy gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi cách mạng nổi lên từ cuộc tổng bãi công chính trị tháng Mười đến cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng Chạp, lợi dụng lúc Nga hoàng suy yếu vì thất bại trên mặt trận Mãn Châu, quét sạch viện Duma Bulygin và bắt Nga hoàng phải chịu hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác; giai đoạn thứ hai là khi Nga hoàng đã ổn định lại tình hình của hắn sau khi ký hòa ước với Nhật, lợi dụng tâm lý của giai cấp tư sản tự do sợ sệt cách mạng, lợi dụng sự dao động của nông dân, quẳng ra như kiểu bố thí cho họ viện Duma Witte và chuyển sang tấn công giai cấp công nhân, tấn công cách mạng.

Trong vòng có ba năm cách mạng (1905 – 1907) giai cấp công nhân và nông dân đã thu được một bài học chính trị phong phú mà có lẽ 30 năm phát triển và bình thường một cách hòa bình không thể đem lại cho họ được. Vài năm cách mạng đã soi sáng nhiều việc mà có lẽ hàng chục năm trong điều kiện phát triển một cách hòa bình không thể làm rõ được.

Cách mạng còn cho thấy chế độ Nga hoàng là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân, là con cà cuống chết đến đít vẫn còn cay.

Cách mạng chỉ rõ rằng giai cấp tư sản tự do không liên minh với nhân dân, mà với Nga hoàng, rằng giai cấp ấy là lực lượng phản cách mạng, thỏa hiệp với nó có nghĩa là phản bội nhân dân.

Cách mạng chỉ rõ rằng chỉ có giai cấp công nhân mới có thể là lãnh tụ của cuộc cách mạng dân chủ - tư sản, rằng chỉ có giai cấp công nhân là có đủ sức đánh lui bọn tư sản tự do kadets, giải phóng nông dân khỏi ảnh hưởng của chúng, đập tan bọn địa chủ, tiến hành cách mạng đến cùng và dọn đường cho chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng, cuối cùng, chỉ rõ rằng nông dân lao động mặc dù có ngả nghiêng dao động, nhưng vẫn là lực lượng duy nhất quan trọng có thể liên minh với giai cấp công nhân.

Hai đường lối đối lập đấu tranh với nhau trong Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga trong thời gian có cách mạng: đường lối bolsheviks và đường lối mensheviks. Những người bolshevik nhằm phát triển cách mạng, lật đổ chế độ Nga hoàng bằng vũ trang khởi nghĩa, thực hiện bá quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân, cô lập giới tư sản kadets, liên minh với nông dân, lập chính phủ lâm thời gồm đại biểu công nhân và nông dân, đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Bọn menshevik, trái lại, nhằm kìm hãm cách mạng. Đáng lẽ phải lật đổ chế độ Nga hoàng bằng khởi nghĩa thì họ lại đề nghị cải lương và “cải thiện” chế độ ấy, đáng lẽ là bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản thì họ lại chủ trương bá quyền lãnh đạo của giai cấp tư sản tự do, đáng lẽ phải liên minh với nông dân, thì họ lại chủ trương liên minh với giai cấp tư sản kadets, đáng lẽ phải lập chính phủ cách mạng lâm thời, thì họ lại tán thành viện Duma Nhà nước, coi đó là trung tâm của các “lực lượng cách mạng” trong nước.

Bọn menshevik đã sa vào vũng lầy thỏa hiệp, trở thành người tuyên truyền ảnh hưởng tư sản vào giai cấp công nhân, thực tế đã trở thành tay sai của giai cấp tư sản trong giai cấp công nhân.

Những người bolshevik là lực lượng cách mạng marxist duy nhất trong đảng và trong nước.

Tự nhiên là sau khi có những ý kiến bất đồng nghiêm trọng như vậy thì Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga trên thực tế phân liệt thành hai đảng: đảng bolsheviks và đảng mensheviks. Đại hội IV của đảng không làm thay đổi chút gì về tình hình thực tế trong nội bộ đảng. Nó chỉ duy trì và củng cố được đôi chút sự thống nhất hình thức của đảng. Đại hội V tiến thêm được một bước trong việc thống nhất thực sự đảng và sự thống nhất ấy được thực hiện dưới lá cờ của chủ nghĩa bolshevik.

Tổng kết phong trào cách mạng, đại hội V của đảng lên án đường lối của những người menshevik là đường lối thỏa hiệp, và tán thành đường lối của những người bolshevik là đường lối cách mạng marxist. Như vậy, đại hội V xác nhận một lần nữa những điều đã được chứng tỏ trong suốt quá trình cuộc cách mạng Nga thứ nhất.

Cách mạng chỉ rõ rằng những người bolshevik biết tấn công khi tình thế đòi hỏi, rằng họ đã học đi hàng đầu trong cuộc tấn công và dẫn dắt nhân dân theo mình tấn công. Ngoài ra, cách mạng còn chỉ rõ rằng những người bolshevik cũng biết rút lui có trật tự, khi tình hình không thuận tiện, khi cách mạng xuống, rằng những người bolshevik đã học rút lui đúng quy tắc, không hốt hoảng, không hấp tấp, để bảo toàn cán bộ, tập hợp lại lực lượng, và sau khi đã chỉnh đốn lại hàng ngũ theo tình hình mới, lại tấn công vào kẻ thù.

Không thể thắng quân thù nếu không biết tấn công đúng.

Không thể tránh được tan rã khi thất bại nếu không biết rút lui đúng quy tắc, rút lui không hốt hoảng và có trật tự.

#Gấu