C3.P5 Khởi nghĩa vũ trang tháng Chạp. Khởi nghĩa thất bại. Cách mạng lùi bước. Viện Đuma Nhà nước I. Đại hội IV của Đảng (đại hội thống nhất).

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 3. Men-Sê-Vich và Bôn-Sê-Vich trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật và cuộc cách mạng Nga thứ nhất (1904-1907).

3.5. Khởi nghĩa vũ trang tháng Chạp. Khởi nghĩa thất bại. Cách mạng lùi bước. Viện Đuma Nhà nước I. Đại hội IV của Đảng (đại hội thống nhất).


Tháng Mười và tháng Một năm 1905, cuộc đấu tranhh cách mạng của quần chúng tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ không gì ngăn lại được. Những cuộc bãi công của công nhân vẫn tiếp tục.

Mùa thu năm 1905, cuộc đấu tranh của nông dân chống địa chủ lan rộng, Phong trào nông dân lan ra hơn một phần ba số huyện trong nước. Những cuộc khởi nghĩa thực sự của nông dân nổ ra ở các tỉnh Saratov, Tambov, Chernigov, Tiflis, Kutais và nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên, sự tấn công của quần chúng nông dân vẫn còn chưa đủ mạnh. Phong trào thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo.

Những cuộc nổi dậy trong binh lính tăng lên ở nhiều thành phố Tiflis, Vladivostok, Tashkent, Samarkand, Kursk, Sukhumi, Warszawa, Kiev, Riga. Khởi nghĩa nổ ra ở Kronstadt, khởi nghĩa của lính thủy hạm đội Hắc Hải cũng nổ ra ở Sevastopol (tháng Một 1905). Nhưng, vì có lẽ không liên kết với nhau, những cuộc khởi nghĩa ấy đều bị chế độ Nga hoàng dẹp tan.

Nguyên nhân của những cuộc khởi nghĩa trong các đơn vị bộ đội và thủy quân thường là thái độ quá thô bạo của bọn sĩ quan, sự ăn uống kham khổ, v.v… Quần chúng thủy quân và lục quân khởi nghĩa vẫn chưa có ý thức rõ rệt về sự cần thiết phải lật đổ Nga hoàng, về sự cần thiết phải kiên quyết tiếp tục đấu tranh vũ trang. Khởi nghĩa của thủy quân và lục quân còn hòa bình quá, thanh thản quá, họ thường phạm phải khuyết điểm là thả bọn sĩ quan bị bắt lúc đầu khởi nghĩa và nghe theo những lời hứa hẹn và thuyết phục của bọn chỉ huy.

Cách mạng tiến gần tới khởi nghĩa vũ trang. Những người Bolshevik kêu gọi quần chúng vũ trang khởi nghĩa chống Nga hoàng và địa chủ, giải thích cho quần chúng thấy khởi nghĩa là việc không thể tránh được. Họ chuẩn bị khởi nghĩa không biết mỏi. Công tác cách mạng được tiến hành trong lúc lục quân và thủy quân: những tổ chức quân sự của đảng được thành lập trong bộ đội. Ở nhiều thành phố người ta lập những đội chiến đấu của công nhân và luyện tập cho các đội viên biết sử dụng vũ khí. Người ta tổ chức việc mua vũ khí mới ở nước ngoài và bí mật chuyển vào trong nước. Những cán bộ xuất sắc của đảng tham gia tổ chức vận chuyển vũ khí.

Tháng Một 1905, Lenin trở về Nga. Lẩn tránh bọn sen đầm và mật thám của Nga hoàng, những ngày ấy Lenin trực tiếp tham gia chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Những bài của Lenin trong tờ báo Bolshevik Đời sống mới là những chỉ thị công tác hằng ngày của đảng.

Lúc đó, đồng chí Stalin tiến hành công tác cách mạng lớn lao ở vùng Nam Caucasus. Đồng chí vạch mặt và đập tan bọn menshevik là những kẻ thù của cách mạng và của khởi nghĩa vũ trang. Đồng chí kiên quyết chuẩn bị cho công nhân chiến đấu quyết liệt chống chế độ quân chủ chuyên chế. Trong cuộc mít tinh ở Tiflis ngày công bố bản tuyên ngôn của Nga hoàng, đồng chí Stalin nói với công nhân:

“Chúng ta phải làm gì để chiến thắng thật sự? Phải làm ba việc: thứ nhất là vũ trang, thứ hai là vũ trang, thứ ba vẫn là vũ trang”.

Tháng Chạp 1905, hội nghị Bolshevik họp ở Tampere tại Phần Lan. Mặc dầu về hình thức bolshevik và menshevik cùng ở trong một đảng dân chủ - xã hội, nhưng thực tế họ lập thành hai đảng khác nhau, mỗi bên có Trung Ương riêng. Trong cuộc hội nghị ấy, Lenin và Stalin đã gặp nhau lần đầu tiên. Trước đó hai người liên hệ với nhau bằng thư từ hay qua các đồng chí khác làm trung gian.

Trong những nghị quyết của hội nghị Tampere tại Phần Lan, cần chú ý hai nghị quyết: một là nghị quyết về việc lập lại sự thống nhất trong đảng lúc ấy đã thực tế phân liệt thành hai đảng: một nửa là tẩy chay viện Duma thứ nhất, cái gọi là viện Duma Witte.

Vì bấy giờ cuộc khởi nghĩa vũ trang đã bắt đầu ở Moskva, theo lời khuyên của Lenin, hội nghị kết thúc công việc sớm và các đại biểu trở về địa phương tham dự khởi nghĩa.

Nhưng chính phủ Nga hoàng cũng không nằm yên. Nó cũng chuẩn bị chiến đấu quyết liệt. Sau khi ký hòa ước với Nhật và nhờ đó bớt được khó khăn, chính phủ Nga hoàng đã chuyển sang tấn công vào công nhân và nông dân. Chính phủ Sa hoàng tuyên bố tình hình chiến tranh ở nhiều tỉnh có nông dân khởi nghĩa và ra lệnh độc ác “không bắt”, “không tiếc đạn”. Ra lệnh bắt những người lãnh đạo phong trào cách mạng và giải tán các Xô Viết đại biểu công nhân.

Những người Bolshevik Moskva và Xô Viết đại biểu công nhân Moskva do họ lãnh đạo, có liên hệ với quần chúng công nhân đông đảo, quyết định tiến hành ngay việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ngày mồng 5 (18) tháng Chạp, đảng ủy Moskva quyết định: đề nghị với Xô Viết tuyên bố tổng bãi công chính trị, để trong quá trình đấu tranh, biến cuộc bãi công ấy thành khởi nghĩa. Nghị quyết ấy được các hội nghị quần chúng công nhân hưởng ứng. Xô Viết Moskva, tuân theo ý chí của giai cấp công nhân, đồng thanh quyết nghị bắt đầu tổng bãi công chính trị.

Giai cấp vô sản Moskva khi bắt đầu khởi nghĩa đã có tổ chức chiến đấu của mình – gần một nghìn người mà quá một nửa là những người Bolshevik. Những đội chiến đấu cũng thành lập trong nhiều xưởng ở Moskva. Tổng cộng nghĩa quân có gần hai nghìn người trong các đội chiến đấu. Công nhân dự tính có thể trung lập hóa các trại lính, tách một phần những trại lính ra và lôi kéo theo mình.

Ngày 7 (20) tháng Chạp, bãi công chính trị bắt đầu mở ra ở Moskva. Tuy nhiên người ta không thể mở rộng bãi công ra khắp nước. Cuộc bãi công không được ủng hộ đầy đủ ở Peterburg, điều đó làm cho ngay từ đầu hy vọng khởi nghĩa thắng lợi đã bị giảm. Đường xe lửa Nikolayevskaya, vẫn nằm trong tay chính phủ Nga hoàng. Sự giao thông không bị gián đoạn trên đường này, và chính phủ có thể điều các tiểu đoàn binh lính từ Peterburg đến Moskva để đàn áp khởi nghĩa.

Ở ngay Moskva, các trại lính cũng do dự. Một phần trông vào sự ủng hộ của các trại lính, công nhân đã bắt đầu khởi nghĩa. Nhưng những người cách mạng đã bỏ lỡ thời cơ; các cuộc bạo động trong trại lính đều bị chính phủ Nga hoàng đàn áp.

Ngày 9 (22) tháng Chạp, những chướng ngại vật đầu tiên xuất hiện ở Moskva. Không bao lâu các phố Moskva đều đầy những chướng ngại vật. Chính phủ Nga hoàng ra lệnh cho pháo binh hành động. Chính phủ đã tập trung quân đội nhiều gấp bội quân cách mạng. Trong chín ngày, hàng nghìn công nhân vũ trang đã anh dũng chiến đấu. Chỉ sau khi có những sư đoàn từ Peterburg, Tver và các miền Tây tới tiếp viện, Nga hoàng mới dẹp được khởi nghĩa. Những cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa, một phần thì bị bắt trước ngày khởi chiến, một phần bị cô lập. Ban chấp hành Bolshevik Moskva bị bắt. Hoạt động vũ trang trở thành khởi nghĩa ở trong khu vực bị cắt rời nhau. Không có trung tâm lãnh đạo, không có kế hoạch đấu tranh toàn thành phố, các khu chỉ chủ yếu là giữ thế phòng ngự. Đó là lý do chủ yếu khiến cho cuộc khởi nghĩa Moskva yếu thế và đó là một trong những nguyên nhân làm cho khởi nghĩa thất bại, như Lenin nhận xét sau này.

Cuộc khởi nghĩa có tính chất đặc biệt ngoan cường và quyết liệt ở khu phố Presnensky đỏ ở Moskva. Presnensky đỏ là thành lũy chính, là trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Những đội chiến đấu giỏi nhất do những người Bolshevik lãnh đạo tập trung ở đây. Nhưng Presnensky đỏ đã bị bắt và lửa đè bẹp, bị đắm mình trong máu; nó bị thiêu trong ngọn lửa đại bác của quân thù. Khởi nghĩa Moskva thất bại…

Khởi nghĩa nổ ra không phải chỉ ở Moskva. Những cuộc khởi nghĩa cách mạng còn nổ ra ở nhiều tỉnh và nhiều vùng. Ở Krasnoyarsk, Motovilikhinsky (Perm), Novorossiysk, Sormovo, Sevastopol, Kronstadt đều có vũ trang khởi nghĩa.

Các dân tộc bị áp bức ở Nga đều nổi dậy cầm vũ khí đấu tranh. Hầu khắp Georgia có khởi nghĩa. Một cuộc khởi nghĩa quan trọng nổ ra ở Ukraine vùng Donbass: Gorlovka, Aleksandrovsk, Lugansk (nay là thành phố Voroshilov). Cuộc đấu tranh ở Latvia diễn ra ngoan cường. Ở Phần Lan, công nhân lập đội Xích vệ và bắt đầu nổi dậy.

Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa ấy, cũng như cuộc khởi nghĩa ở Moskva, đều bị Nga hoàng đàn áp tàn nhẫn, vô nhân đạo.

Menshevik và Bolshevik đánh giá cuộc vũ trang khởi nghĩa tháng Chạp khác nhau.

Plekhanov thuộc phái menshevik, sau cuộc vũ trang khởi nghĩa, trách đảng: “Lẽ ra không nên cầm vũ khí!”. Bọn menshevik chứng minh rằng khởi nghĩa không cần thiết và có hại, rằng trong cách mạng có thể không cần phải khởi nghĩa, rằng có thể đạt tới kết quả, không phải bằng khởi nghĩa vũ trang, mà bằng những phương pháp đấu tranh hòa bình.

Những người Bolshevik lên án việc đánh giá ấy là một sự phản bội. Họ cho rằng kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Moskva càng xác nhận khả năng đấu tranh vũ trang đi tới thắng lợi của giai cấp công nhân. Đối với lời trách móc của Plekhanov: “Lẽ ra không nên cầm vũ khí”, Lenin nói:

“Trái lại phải cầm vũ khí một cách quyết tâm hơn, cương nghị hơn và có tinh thần tấn công hơn; phải giải thích cho quần chúng biết không thể chỉ bãi công hòa bình, mà còn cần phải vũ trang đấu tranh dũng cảm và không khoan nhượng”.

Cuộc khởi nghĩa tháng Chạp 1905 là điểm cao nhất của cách mạng. Trong tháng Chạp, nền chuyên chế Nga hoàng đã đánh bại khởi nghĩa. Sau khi khởi nghĩa tháng Chạp thất bại, bắt đầu một bước ngoặt: cách mạng rút lui dần dần. Sau thời kì cao trào, cách mạng dần dần đi xuống.
Chính phủ Nga hoàng vội vàng lợi dụng sự thất bại ấy để kết liễu cách mạng. Bọn đao phủ và cai ngục của Nga hoàng càng tăng việc tàn sát hơn. Ở Ba Lan, Latvia, Estonia, Nam Caucasus, Siberia, những đạo quân trừng phạt hoành hành dữ dội.

Tuy nhiên, cách mạng vẫn không bị đè bẹp. Công nhân và nông dân cách mạng rút lui từ từ, có chiến đấu. Nhiều tầng lớp công nhân mới được lôi cuốn tham gia đấu tranh. Năm 1906, các cuộc bãi công có hơn một triệu công nhân tham gia. Năm 1907, 74 vạn. Trong 6 tháng đầu năm 1906, phong trào nông dân lan đến gần một nửa số huyện của nước Nga Nga hoàng, trong 6 tháng sau, một phần năm tổng số huyện. Những vụ bạo động vẫn tiếp tục trong bộ đội và thủy quân.

Chính phủ Nga hoàng, trong khi đấu trang chống cách mạng, không phải chỉ dùng những biện pháp đàn áp. Sau khi thu được thắng lợi đầu tiên bằng đàn áp, chúng quyết định đánh cách mạng một đòn mới, bằng cách triệu tập một viện Duma mới, một viện Duma “lập pháp”. Chúng hy vọng nhờ việc triệu tập ấy sẽ tách được nông dân ra khỏi cách mạng để vật ngã cách mạng. Tháng Chạp năm 1905, chính phủ Nga hoàng ban hành đạo luật triệu tập viện Duma mới, “lập pháp”, khác với viện Duma cũ, viện Duma “tư vấn” của Bulygin mà những người Bolshevik đã quét đi bằng cách tẩy chay nó. Đương nhiên, luật tuyển cử của Nga hoàng là phản dân chủ. Bầu cử không phổ thông đầu phiếu. Quá nửa nhân dân không có quyền bầu cử, ví dụ như phụ nữ và trên hai triệu công nhân. Bầu cử không bình đẳng. Cử tri chia làm bốn đoàn tuyển cử, như người ta nói lúc bấy giờ: đoàn tuyển cử có chiếm hữu ruộng đất (địa chủ), đoàn tuyển cử thành thị (tư sản), đoàn tuyển cử nông dân và đoàn tuyển cử công nhân. Bầu cử không trực tiếp mà nhiều nấc. Thật ra việc bầu cử lại không bí mật. Luật bầu cử bảo đảm cho một dúm địa chủ và tư bản chiếm địa vị ưu thế rất lớn trong viện Duma đối với hàng triệu công nhân và nông dân.

Thông qua viện Duma, Nga hoàng muốn kéo quần chúng ra khỏi chúng cách mạng. Phần rất lớn nông dân lúc đó tin tưởng có thể nhờ viện Duma mà được đất đai. Bọn dân chủ lập hiến, bọn menshevik, bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng đánh lừa công nhân và nông dân, nói rằng có thể thực hiện một chế độ theo ý muốn của nhân dân, không cần đến bạo động và cách mạng. Đấu tranh chống sự lừa bịp nhân dân ấy, những người Bolshevik đã tuyên bố và thực hiện sách lược tẩy chay viện Duma Nhà nước I, đúng như nghị quyết của hội nghị Tampere.

Trong khi đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, công nhân đòi hỏi phải thực hiện sự thống nhất lực lượng của đảng, thống nhất đảng của giai cấp vô sản. Những người Bolshevik được trang bị bằng nghị quyết mà người ta đã biết của hội nghị Tampere về việc thống nhất, ủng hộ yêu sách này của công nhân và đề nghị với phái menshevik triệu tập đại hội thống nhất đảng. Dưới sự thúc đẩy của quần chúng công nhân, phái menshevik phải nhận thống nhất.

Lenin tán thành thống nhất, nhưng tán thành một sự thống nhất không lấp liếm những sự bất đồng ý kiến trong các vấn đề cách mạng. Bọn thỏa hiệp (Bogdanov, Krasnin và nhiều người khác) cố chứng tỏ rằng không có những sự bất đồng ý kiến nghiêm trọng giữa bolshevik và menshevik, đã làm hại đảng rất nhiều. Đấu tranh chống bọn thỏa hiệp, Lenin đòi những người Bolshevik phải tham dự đại hội với lập trường riêng của mình, để công nhân thấy rõ những người Bolshevik đứng ở lập trường nào, và thống nhất phải thực hiện trên cơ sở nào. Lập trường ấy, những người bolshevik thảo ra và giao cho các đảng viên thảo luận.

Tháng Tư 1906, đại hội IV Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga, gọi là đại hội thống nhất, họp ở Stockholm (Thụy Điển). Tham dự đại hội có 111 đại biểu có quyền biểu quyết, thay mặt 57 tổ chức ở trong nước của đảng. Ngoài ra, tại đại hội còn có cả đại biểu của những đảng dân chủ - xã hội dân tộc: 3 của Bulgaria, 3 của Đảng dân chủ - xã hội Ba Lan và 3 của tổ chức dân chủ - xã hội Latvia.

Các tổ chức Bolshevik bị đàn áp dữ dội trong và sau cuộc bạo động tháng Chạp, nên một số không phái đại biểu đến được. Ngoài ra, trong những “ngày tự do” 1905, phái menshevik đã kết nạp vào hàng ngũ của họ một số lớn trí thức tiểu tư sản, số này không có gì giống với chủ nghĩa Marx cách mạng cả. Chỉ cần dẫn việc phái menshevik Tiflis (ở đây có ít công nhân công nghiệp) cử đến đại hội một số đại biểu ngang với số đại biểu của tổ chức vô sản lớn nhất là tổ chức Peterburg cũng đủ rõ. Do đó đa số ở đại hội Stockholm, tuy là đa số không lớn lắm, thuộc về phe menshevik.

Cơ cấu đại hội như thế quyết định tính chất menshevik của những nghị quyết trong cả hàng loạt vấn đề.

Tại đại hội này chỉ diễn ra sự thống nhất hình thức. Thật ra thì bolshevik và menshevik đều giữ quan điểm riêng của mình và tổ chức độc lập của mình.

Những vấn đề chính bàn ở đại hội IV là: vấn đề ruộng đất, tình hình hiện tại và nhiệm vụ giai cấp của giai cấp vô sản, thái độ đối với viện Duma Nhà nước, các vấn đề tổ chức.

Mặc dù bọn menshevik chiếm đa số trong đại hội, họ cũng đã phải chấp nhận công thức mà Lenin đã nêu trong phần 1 của điều lệ nói về tư cách đảng viên, để cho công nhân khỏi lánh xa họ.

Về vấn đề ruộng đất, Lenin bảo vệ việc quốc hữu hóa ruộng đất. Lenin cho rằng việc quốc hữu hóa chỉ khi lật đổ chế độ Nga hoàng. Trong trường hợp này việc quốc hữu hóa ruộng đất giúp cho giai cấp vô sản liên minh với nông dân nghèo dễ dàng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quốc hữu hóa ruộng đất là lấy lại (tịch thu) tất cả ruộng của địa chủ không bồi thường để phục vụ quyền lợi của nông dân. Cương lĩnh ruộng đất Bolshevik kêu gọi nông dân làm cách mạng chống Nga hoàng và bọn địa chủ.

Lập trường menshevik thì khác hẳn. Họ bênh vực cương lĩnh thị hữu hóa. Theo cương lĩnh này, ruộng đất của địa chủ không giao cho các công xã nông dân sử dụng, thậm chí cũng không giao cho họ hưởng, mà giao cho các thị xã (tức là các tổ chức tự quản địa phương hay là hội đồng tự trị địa phương) sử dụng. Nông dân phải thuê ruộng đất ấy, mỗi người tùy theo khả năng của mình.

Cương lĩnh thị hữu hóa của menshevik là một cương lĩnh thỏa hiệp và do đó có hại cho cách mạng. Cương lĩnh ấy không thể động viên nông dân đấu tranh cách mạng, không nhằm hoàn toàn thủ tiêu chế độ địa chủ chiếm hữu ruộng đất. Cương lĩnh menshevik nhằm thực hiện một cuộc cách mạng nửa vời. Phái menshevik không muốn nông dân làm cách mạng.

Đại hội đã thông qua cương lĩnh menshevik với đa số phiếu.

Bọn menshevik đã phơi trần tâm địa chống giai cấp vô sản và cơ hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong khi thảo luận những nghị quyết về đánh giá tình hình hiện tại và về viện Duma Nhà nước. Tên menshevik Martov công khai công kích bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng. Để trả lời bọn menshevik, đồng chí Stalin đã nêu thẳng vấn đề:

“Hoặc là giai cấp vô sản nắm bá quyền lãnh đạo hoặc là giai cấp tư sản dân chủ nắm bá quyền lãnh đạo, đó là vấn đề đặt ra trong đảng, đó là sự bất đồng ý kiến giữa chúng ta”.

Còn về viện Duma Nhà nước thì bọn menshevik, trong nghị quyết của họ, coi đấy là phương pháp hay nhất để giải quyết các vấn đề cách mạng, để giải phóng nhân dân khỏi chế độ Nga hoàng. Trái lại, những người Bolshevik coi viện Duma là cái đuôi bất lực của chế độ Nga hoàng, và bọn này sẽ bỏ ngay khi nào nó không thuận tiện cho chúng nữa.

Ban Chấp hành trung ương bầu tại đại hội IV gồm có 3 bolshevik và 6 menshevik. Tham gia tòa soạn của cơ quan trung ương hoàn toàn chỉ có bọn menshevik.

Rõ ràng là cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng vẫn tiếp tục.

Cuộc đấu tranh giữa bolshevik và menshevik càng găng thêm sau đại hội IV. Trong những tổ chức địa phương đã thống nhất về hình thức, người ta thường thấy hai báo cáo viên về đại hội, người nào cũng có bản thuyết trình của mình: một của bolshevik, một của menshevik. Sau khi thảo luận hai đường lối, đa số đảng viên của tổ chức thường đứng về phe Bolshevik.

Thực tế càng chứng tỏ rằng những người Bolshevik đúng: Ban Chấp hành trung ương menshevik bầu ra tại đại hội IV càng ngày càng tỏ ra cơ hội, hoàn toàn bất lực trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Mùa hạ và mùa thu 1906, cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng lại tăng cường. Ở Kronstadt và Sveaborg lính thủy nổi dậy, cuộc đấu tranh của nông dân chống địa chủ lại nổ ra. Ban Chấp hành trung ương menshevik nêu ra những khẩu hiệu cơ hội, quần chúng không theo.

#Gấu