C3.P4 Cao trào cách mạng tiếp tục. Bãi công chính trị toàn nước Nga tháng Mười 1905. Chế độ Nga hoàng lùi bước. Tuyên ngôn của Nga hoàng. Các Xô viết đại biểu công nhân xuất hiện

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.


===============================

Chương 3. Men-Sê-Vich và Bôn-Sê-Vich trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật và cuộc cách mạng Nga thứ nhất (1904-1907).


3.4 Cao trào cách mạng tiếp tục. Bãi công chính trị toàn nước Nga tháng Mười 1905. Chế độ Nga hoàng lùi bước. Tuyên ngôn của Nga hoàng. Các Xô viết đại biểu công nhân xuất hiện.


Mùa thu năm 1905, phong trào cách mạng đã lan ra khắp nước. Phong trào phát triển mạnh mẽ không gì ngăn cản nổi.

Ngày 19 tháng Chín, ở Mátxcơva nổ ra cuộc bãi công của công nhân nhà in. Cuộc bãi công lan đến Pê-téc-bua và nhiều tỉnh khác. Ngay ở Mátxcơva, cuộc bãi công của công nhân nhà in được các công nhân ngành khác hưởng ứng, biến thành cuộc tổng bãi công chính trị.

Đầu tháng Mười nổ ra cuộc bãi công trên đường xe lửa Mátxcơva – Cadan. Hôm sau, toàn bộ mạng lưới xe lửa đường sắt Mátxcơva bãi công. Không bao lâu, phong trào lao ra khắp các đường xe lửa trong nước. Bưu điện ngừng làm việc. Hàng nghìn công nhân họp mít – tinh ở nhiều tỉnh nước Nga và quyết định ngừng làm việc. Bãi công lan từ xí nghiệp này đến xí nghiệp khác, từ thành phố này đến thành phố khác, từ vùng này đến vùng khác. Các viên chức nhỏ, sinh viên, trí thức, luật sư, kỹ sư, thầy thuốc, cũng hưởng ứng bãi công của công nhân.

Cuộc bãi công chính trị tháng Mười trở thành bãi công của toàn nước Nga, lan ra hầu khắp nước, đến tận những nơi xa xôi nhất, thu hút hầu hết công nhân, cả những tầng lớp lạc hậu nhất. Tham gia tổng bãi công chính trị ấy có gần một triệu công nhân công nghiệp, không kể công nhân xe lửa, những người làm việc trong ngành bưu điện và các ngành khác; ở những ngành này, một số lớn thợ cũng bãi công. Toàn bộ sinh hoạt trong nước ngừng lại. Lực lượng của chính phủ bị tê liệt. 

Giai cấp công nhân đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại nền chuyên chế quân chủ.

Khẩu hiệu của những người bôn-sê-vích về bãi công chính trị của quần chúng đã có kết quả. Cuộc tổng bãi công tháng Mười đã tỏ rõ lực lượng , sức mạnh của phong trào vô sản, đã buộc Nga hoàng hết sức khiếp sợ phải ra bản tuyên ngôn ngày 17 tháng Mười 1905, nhà vua hứa với nhân dân “những cơ sở vững chắc của quyền tự do công nhân; quyền bất khả xâm phạm thực sự về thân thể, quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp và lập hội”. Nhà vua còn hứa hẹn sẽ triệu tập một viện Duma lập pháp, để tất cả các giai cấp trong nhân dân tham gia tuyển cử.

Thế là viện Duma có tính chất tư vấn của Bu-lư-ghin đã bị lực lượng cách mạng quét sạch. Sách lược bôn-sê-vích tẩy chay viện Duma ấy là đúng đắn.

Nhưng tuy thế, tuyên ngôn 17 tháng Mười là một thủ đoạn lừa dối nhân dân, một mánh lới xảo quyệt của Nga hoàng, một lối hoãn chiến cần thiết cho Nga hoàng để ru ngủ những người dễ tin, để tranh thủ thời gian, tập hợp lực lượng và sau đó đánh lại cách mạng. Chính phủ Nga hoàng ngoài miệng hứa hẹn tự do nhưng thực tế không cho một chút gì thiết thực cả. Công nhân và nông dân không nhận được gì của chính phủ, ngoài những lời hứa. Đáng lẽ có cuộc ân xá rộng rãi về chính trị, thì ngày 21 tháng mười người ta chỉ ân xá một số ít tù chính trị. Đồng thời, để chia rẽ lực lượng nhân dân, chính phủ đã tổ chức những vụ tàn sát người Do Thái, hàng nghìn và hàng nghìn người đã chết trong những vụ thảm sát ấy; để đàn áp cách mạng, chính phủ đã lập ra những tổ chức như “Hội liên hiệp nhân dân Nga”, “Hội thánh Mi-sen”. Những tổ chức ấy, trong đó có bọn lưu manh, bọn vô liêm sỉ, đóng vai trò quan trọng, nhân dân đặt tên bọn này là bọn “Trăm đen”. Bọn “Trăm đen” được cảnh sát tiếp tay công khai đánh đập và giết chóc những công nhân tiên tiến, tri thức cách mạng, sinh viên, chúng đốt và bắn vào cuộc mít – tinh và hội họp của công dân. Đó là kết quả của bản tuyên ngôn Nga hoàng đã đưa lại.

Hồi bấy giờ có bài hát phổ biến trong nhân dân về Bản tuyên ngôn Nga hoàng:

“Nga hoàng sợ hãi ra tuyên ngôn
Người chết được tự do, còn người sống thì bị bắt”.

Những người bôn-sê-vích giải thích cho quần chúng thấy rằng bản tuyên ngôn 17 tháng Mười là một cái bẫy. Những người bôn-sê-vích lên án hành vi của chính phủ sau bản tuyên ngôn là một sự khiêu khích. Những người bôn-sê-vích kêu gọi công nhân cầm vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Công nhân càng cương quyết lập các đội chiến đấu hơn. Họ đã hiểu rằng thắng lợi đầu tiên ngày 17 tháng Mười, do cuộc bãi công giành được, đòi hỏi họ phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phải tiếp tục đấu tranh hơn nữa để lật đổ chế độ Nga hoàng.

Lenin coi bản tuyên ngôn 17 tháng Mười là đánh dấu một sự quân bình lực lượng tạm thời, khi giai cấp vô sản và nông dân đã bắt Nga hoàng phải ra bản tuyên ngôn, nhưng chưa đủ sức lật đổ chế độ Nga hoàng, còn chế độ Nga hoàng thì đã không còn có thể cai trị bằng những phương sách cũ nữa và bắt buộc phải hứa hẹn bằng miệng những “quyền tự do công dân” và viện Duma lập pháp.

Trong những ngày bão táp của cuộc bãi công chính trị tháng Mười, trong ngọn lửa đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, sự sáng tạo cách mạng của quần chúng công nhân đã tạo ra được một vũ khí mới mạnh mẽ: những Xô viết đại biểu công nhân.

Xô viết đại biểu công nhân tập hợp đại biểu tất cả các công xưởng và nhà máy, là tổ chức chính trị quần chúng của giai cấp công nhân chưa hề thấy trên thế giới. Xô viết lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1905 là tiền thân của chính quyền Xô viết, mà giai cấp vô sản đã xây dựng năm 1917 dưới sự lãnh đạo của đảng bôn-sê-vích. Xô viết là hình thức cách mạng mới của sự sáng tạo của nhân. Nó được thành lập do các tầng lớp cách mạng trong nhân dân, lật đổ mọi luật lệ và nghi thức của chế độ Nga hoàng. Nó biểu hiện sáng kiến của nhân dân nổi dậy đấu tranh chống chế độ Nga hoàng.

Những người bôn-sê-vích coi Xô viết là mầm mống của chính quyền cách mạng. Họ cho rằng sức mạnh và ý nghĩa của Xô viết hoàn toàn tùy theo sức mạnh và sự thắng lợi của khởi nghĩa.

Những người men-sê-vích không coi Xô viết là cơ quan mầm mống của chính quyền cách mạng, và cũng không coi đó là cơ quan khởi nghĩa. Họ coi đó chỉ là những cơ quan tự quản địa phương, kiểu những cơ quan tự quản ở thành phố dân chủ hóa.

Ngày 13 (26) tháng Mười 1905, ở khắp các công xưởng và nhà máy tại Pê-téc-bua đã tiến hành bầu cử Xô viết đại biểu công nhân. Tối hôm ấy, Xô viết họp phiên đầu tiên. Theo sau Pê-téc-bua, Xô viết đại biểu công nhân ở Mátxcơva được thành lập.

Xô viết đại biểu công nhân Pê-téc-bua với tư cách là Xô viết của trung tâm công nghiệp và cách mạng lớn nhất của nước Nga, của thủ đô đế quốc Nga, tất phải đóng vai trò quyết định trong cuộc cách mạng năm 1905. Nhưng nó không làm tròn nhiệm vụ ấy, vì sự lãnh đạo hỏng, theo đường lối men-sê-vích . Như người ta đã biết, bấy giờ Lenin chưa có ở Pê-téc-bua, Lenin còn ở nước ngoài. Bọn men-sê-vích lợi dụng lúc vắng Lenin, đã len lỏi vào các Xô viết Pê-téc-bua, nắm lấy quyền lãnh đạo. Thời kỳ ấy lãnh đạo Xô viết Pê-téc-bua không ai khác chính là bọn men-sê-vích, Trotsky, Khơrustalép, Pácvusơ và một vài phần tử khác đã chèo lái Xô viết chống lại chủ trương khởi nghĩa. Đáng lẽ làm cho binh lính gần gũi các Xô viết, thu hút họ vào cuộc đấu tranh chung thì bọn men-sê-vích lại đòi phải rút binh lính khỏi Pê-téc-bua. Đáng lẽ phải vũ trang công nhân và chuẩn bị cho công nhân khởi nghĩa thì Xô viết lại giẫm chân một chỗ và có thái độ tiêu cực đối với khởi nghĩa.

Xô viết Mátxcơva lại có vai trò khác hẳn trong cuộc cách mạng . Ngay mấy ngày đầu khi mới thành lập, Xô viết Mátxcơva đã triệt để thi hành chính sách cách mạng. Sự lãnh đạo trong Xô viết Mátxcơva thuộc về những người bôn-sê-vích. Nhờ họ mà ở Mátxcơva Xô viết đại biểu binh lính đã được thành lập bên cạnh Xô viết đại biểu công nhân. Xô viết Mátxcơva trở thành cơ quan của cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Từ tháng Mười đến tháng Chạp 1905, các Xô viết đại biểu công nhân được thành lập ở nhiều thành phố lớn và ở hầu hết khắp những nơi tập trung công nhân. Đã có những cố gắng tổ chức Xô viết đại biểu lục quân và thủy quân, hợp nhất Xô viết ấy với Xô viết đại biểu công nhân. Rải rác ở một số nơi thành lập Xô viết đại biểu công nhân và nông dân.

Ảnh hưởng của Xô viết rất lớn. Mặc dù các Xô viết thường xuất hiện một cách tự phát, mặc dù không chính thức và cơ cấu không rõ rệt, các Xô viết cũng đã hành động với tư cách là một chính quyền. Các Xô viết đã dung quyền lực thực hiện tự do báo chí, ấn định ngày làm việc 8 giờ, kêu gọi nhân dân không đóng thuế cho chính phủ Nga hoàng. Trong một số trường hợp, các Xô viết ấy đã tịch thu tiền của chính phủ Nga hoàng và dung tiền ấy phục vụ cho cách mạng.

#Gấu