C3.P2 Bãi công chính trị và biểu tình của công nhân. Phong trào cách mạng của nông dân lớn mạnh. Khởi nghĩa trên chiến hạm Pô-tem-kin.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 3. Men-Sê-Vich và Bôn-Sê-Vich trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật và cuộc cách mạng Nga thứ nhất (1904-1907).


3.2  Bãi công chính trị và biểu tình của công nhân. Phong trào cách mạng của nông dân lớn mạnh. Khởi nghĩa trên chiến hạm Pô-tem-kin.


Sau ngày 9 tháng Giêng 1905, cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân có tính chất kịch liệt hơn, có tính chất chính trị. Từ những cuộc bãi công kinh tế và những cuộc bãi công hưởng ứng đoàn kết, công nhân tiến đến những cuộc bãi công chính trị, những cuộc biểu tình, có nơi, vũ trang chống lại quân đội Nga hoàng. Đặc biệt có tổ chức và ngoan cường là những cuộc bãi công ở các thành phố tập trung đông đảo quần chúng công nhân như ở Pê-téc-bua (Peterburg - thủ đô nước Nga Sa hoàng), Mát-xcơ-va, Vác-xô-vi, Ri-ga, Baku. Dẫn đầu giai cấp vô sản là công nhân ngành kim khí. Qua những cuộc bãi công, các đội ngũ công nhân tiền phong đã lay chuyển những tầng lớp kém giác ngộ hơn, đã thúc đẩy toàn bộ giai cấp công nhân đấu tranh. Ảnh hưởng của đảng dân chủ xã hội lớn lên rất nhanh.

Những cuộc biểu tình ngày 1 tháng Năm ở nhiều nơi đều xảy ra xung đột với cảnh sát và quân đội. Ở Vác-xô-vi người ta bắn vào đám biểu tình, hàng trăm người chết và bị thương. Sau vụ giết người ở Vác-xô-vi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng dân chủ xã hội Ba Lan (Ba Lan lúc này vẫn thuộc nước Nga Sa Hoàng), công nhân đã tổng bãi công để phản đối. Suốt tháng Năm, bãi công và biểu tình đã diễn ra không ngừng. Trên 20 vạn công nhân đã tham gia những cuộc bãi công ngày 1 tháng Năm ở Nga, công nhân ở Ba -ku, ở Lốt, ở I-va-nô-vô Vô-dơ-ne-xen-xcơ đã tổng bãi công. Những vụ xung đột giữa công nhân bãi công, công nhân biểu tình và quân đội Nga hoàng, càng ngày càng nhiều. Những cuộc xung đột như thế diễn ra ở hàng loạt thành phố như Ô-đét-xa, Vác-xô-vi, Ri-ga,...

Cuộc đấu tranh ở thành phố Lốt, một trung tâm công nghiệp lớn ở Ba-Lan đặc biệt gay gắt. Công nhân ở đây đã dựng hàng chục ụ chướng ngại ở các phố và trong ba ngày 22-24 tháng Sáu 1905, họ đã tiến hành các trận chiến đấu trên đường phố chống lại quân đội Nga Hoàng. Ở đây hoạt động vũ trang đi đôi với tổng bãi công. Lê-nin coi những trận ấy là những hoạt động vũ trang đầu tiên của công nhân ở nước Nga.

Trong cuộc bãi công vào mùa hạ năm ấy, cuộc bãi công của công nhân ở I-va-nô-vô Vô-dơ-xen-xcơ đặc biệt nổi bậc lên. Cuộc bãi công kéo dài từ cuối tháng Năm đến đầu tháng Tám 1905, nghĩa là gần tháng rưỡi. Gần 7 vạn công nhân tham gia bãi công, trong đó có nhiều phụ nữ. Cuộc bãi công ấy do Đảng ủy Bôn-sê-vích miền Bắc lãnh đạo. Hàng nghìn công nhân tập hợp hầu như là hàng ngày ở ngoại thành, trên bờ sông Tan-ka. Ở đấy, họ hội họp thảo luận về những nhu cầu của họ. Những người bôn-sê-vích phát biểu ý kiến của mình trong những cuộc họp của công nhân. Để đàn áp bãi công, chính quyền Nga hoàng ra lệnh dùng quân đội bằng biện pháp bạo lực giải tán công nhân, bắn vào công nhân. Hàng chục công nhân chết và hàng trăm người bị thương. Thành phố tuyên bố thiết quân luật. Nhưng công nhân vẫn giữ vũng và không đi làm. Công nhân cùng với gia đình thà chịu đói chứ không đầu hàng. Chỉ đến khi đã thật kiệt sức họ mới phải trở lại lam việc. Bãi công đã rèn luyện công nhân. Bãi công đã cho thấy rõ gương dũng cảm, cương quyết, kiên định và đoàn kết của giai cấp công nhân. Đối với công nhân I-va-nô-vô Vô-dơ-xen-xcơ, bãi công là một trường học giáo dục chính trị rất tốt.

Trong thời kỳ bãi công, những công nhân I-va-nô-vô Vô-dơ-xen-xcơ đã lập ra Xô viết đại biểu công nhân đầu tiên ở Nga.

Những cuộc bãi công chính trị của công nhân làm náo động toàn quốc. Sau thành thị đến nông thôn nổi dậy. Mùa xuân, những cuộc bạo động của nông dân bắt đầu. Từng đoàn lớn nông dân nổi lên chống bọn địa chủ: phá dinh cơ, tài sản, xưởng đường, xưởng rượu của địa chủ, đốt lâu đài và nhà cửa, vườn tược của địa chủ. Ở nhiều nơi nông dân đã chiếm ruộng đất của địa chủ, chặt phá nhiều rừng của địa chủ, đòi phải trao ruộng đất của địa chủ cho nhân dân. Nông dân lấy lúa mì và các thứ khác của địa chủ chia cho những người bị đói. Bọn địa chủ sợ quá phải trốn ra tỉnh. Chính phủ Nga hoàng phái quân lính và bọn cô-dắc đi đàn áp những cuộc nổi dậy của nông dân. Quân đội bắn vào nông dân, bắt giam những người "cầm đầu", đánh đập, tra tấn họ. Nhưng nông dân vẫn không ngừng đấu tranh.

Phong trào nông dân ngày càng lan rộng ở vùng trung tâm nước Nga, trong lưu vực sông Vôn-ga, ở Nam Cáp-ca-dơ và nhất là Gru-di-a.

Những người dân chủ xã hội càng đi sâu vào nông thôn. Ban chấp hành trung ương Đảng ra một bản tuyên cáo gửi cho nông dân: "Anh em nông dân hãy nghe chúng tôi nói". Các ban tỉnh ủy dân chủ - xã hội các tỉnh Tơ-ve, Xa-ra-tốp, Pôn-ta-va. Tséc-ni-gốp, I-ê-ca-tê-ri-nô-sláp, Ti-phơ-lít (Tiflis) và nhiều tỉnh khác cũng đều ra các bản kêu gọi nông dân. Ở nông thôn, những người dân chủ xã hội tổ chức các cuộc họp, lập những nhóm nông dân, thành lập các ủy ban nông dân. Mùa hạ năm 1905, những cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp do những người Dân chủ xã hội tổ chức nổ ra nhiều nơi.

Nhưng đây chỉ mới là cuộc khởi đầu cho cuộc đấu tranh của nông dân. Phong trào nông dân chỉ mới ở 85 huyện, tức là khoảng 1 phần 7 tất cả số huyện ở nước Nga đế quốc thuộc phần Châu Âu. Phong trào công nhân và nông dân và hàng loạt những thất bại của Nga hoàng trong chiến tranh Nga-Nhật đã ảnh hưởng đến cả quân đội. Cái chỗ dựa đó của chế độ Nga hoàng đã lung lay.

Tháng Sáu 1905, một cuộc khởi nghĩa nổ ra trong hạm đội Hắc Hải, trên chiến hạm Pô-tem-kin. Chiếm hạm lúc nay đang đậu ở gần Ô-đét-xa (Ukraina), một thành phố đang có tổng bãi công của công nhân. Những thủy thủ khởi nghĩa đã trừng trị bọn võ quan và đưa chiến hạm vào Ô-đét-xa. Chiến hạm Pô-tem-kin đứng về phía cách mạng.

Lê-nin cho cuộc khởi nghãi đó có ý nghĩa rất quan trọng. Lê-nin cho rằng những người bôn-sê-vích cần phải lãnh đạo phong trào ấy, gắn nó với phong trào của công nhân, nông dân và các trại lính địa phương. Nga hoàng đã phái những chiến hạm khác đến dẹp cuộc khởi nghĩa của chiến hạm Pô-tem-kin, nhưng thủy thủ các chiến hạm không chịu bắn vào các đồng chí của họ đang khởi nghĩa. Lá cờ đỏ của cách mạng phấp phới trên chiến hạm Pô-tem-kin trong nhiều ngày. Lúc bấy giờ, năm 1905, đảng bôn-sê-vích chưa phải là đảng duy nhất lãnh đạo phong trào như lúc năm 1917.

Trên chiến hạm Pô-tem-kin còn nhiều người thuộc các phái men-sê-vích, vô chính phủ, xã hội chủ nghĩa cách mạng. Cho nên dù có những người tham gia, cuộc khởi nghĩa vẫn không có sự lãnh đạo đúng đắn và đầy đủ kinh nghiệm. Trong những lúc quyết liệt, một phần thủy thủ đã do dự. Các chiến hạm khác trong hạm đội Hắc Hải không hưởng ứng chiến hạm khởi nghĩa. Vì thiếu than và lương thực, chiến hạm khởi nghĩa buộc phải chạ về bờ biển Ru-ma-ni và cập bến tị nạn tại Ru-ma-ni.

Cuộc khởi nghĩa trên chiến hạm Pô-tem-kin kết thúc thất bại. Những thủy thủ về sau rơi vào tay chính phủ Nga hoàng, đã bị truy tố trước tòa án. Một số vị xử tử, một số bị tù khổ sai. Nhưng bản thân sự việc khởi nghĩa ấy đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cuộc cách mạng quần chúng đầu tiên trong quân đội và hải quân, đó là lần đầu mà một bộ phận quan trọng của quân đội Nga hoàng đi theo cách mạng. Cuộc khởi nghĩa đó làm cho tư tưởng kết hợp giữa lục quân và thủ quân với giai cấp công nhân, nhân dân, trở nên dễ hiểu hơn và gần gũi hơn đối với quần chúng công nông và nhất là đối với chính quần chúng lính bộ và lính thủy.

Việc công nhân chuyển sang những cuộc bãi công chính trị và biểu tinh có tính chất quần chúng, phong trào của nông dân mạnh lên, những cuộc xung đột vũ trang của nhân dân với cảnh sát và quân đội và sau cùng là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong hạm đội Hắc Hải - tất cả những việc đó chứng tỏ rằng điều kiện khởi nghĩa vũ trang của nhân dân đang chín muồi. Hoàn cảnh ấy bắt buộc giai cấp tư sản tự do phải hành động thật sự. Sợ cách mạng nhưng đồng thời muốn lợi dụng cách mạng để uy hiếp Nga hoàng, giai cấp tư sản tự do tìm cách thỏa hiệp với Nga hoàng để chống lại cách mạng và đòi những "cải cách nhỏ" cho nhân dân để "làm dịu" nhân dân, chia rẽ lực lượng cách mạng và do đó ngăn ngừa những "điều khủng khiếp của cách mạng".

"Phải cắt đất cho nông dân, nếu không họ sẽ cắt cổ chúng ta" - đó là lời của bọn địa chủ tự do. Giai cấp tư sản tự do chuẩn bị chia quyền hành với Nga hoàng. Trong những ngày đó, khi nói về sách lược của giai cấp công nhân và sách lược của giai cấp tư sản tự do, Lê-nin viết: "Giai cấp vô sản đấu tranh, còn giai cấp tư sản thì lẻn vào cầm quyền".

Chính phủ Nga hoàng tiếp tục đàn áp tàn bạo công nhân và nông dân. Nhưng chúng không thể không nhận thấy rằng chỉ một mực khủng bố thôi thì không thể dẹp được cách mạng. Cho nên, ngoài việc đàn áp, chúng còn dùng những chính sách khác. Một mặt, nhờ những phần tử khiêu khích của chúng, chúng xúi dục các dân tộc Nga chống lại nhau, gây những vụ thảm sát người Do Thái và người Tác-ta , Ác-me-ni để kích động tâm lý chia rẽ mặt trận giai cấp vô sản của các dân tộc. Mặt khác, chúng hứa hẹn sẽ triệu tập một "cơ quan đại biểu" theo kiểu Dem-ski Xô-bô (Hội nghị những đại biểu đẳng cấp triệu tập vào thế kỷ XVI và XVII để đàm phán với chính phủ) hay còn gọi là Đu-ma Nhà nướ, ủy cho bộ trưởng Bu-lư-ghin thảo dự án về viện Đu-ma ấy, nhưng với tinh thần là viện Đu-ma không có quyền lập pháp. Tất cả những phương sách ấy đưa ra cốt lõi để chia rẽ lực lượng cách mạng và tách những tầng lớp ôn hòa trong nhân dân ra ngoài cách mạng.

Những người bôn-sê-vích tuyên bố tẩy chay Đu-ma của Bu-lư-ghin, và đề ra mục đích là vạch mặt cái cơ quan đại diện nhân dân giả hiệu ấy. Bọn men-sê-vích, trái lại, quyết định ủng hộ Đu-ma và cho rằng cần phải tham gia vào cái viện ấy.

#Gấu