C2.P3 Đại hội của Đảng Công nhân dân chủ -xã hội Nga. Việc thông qua cương lĩnh, điều lệ và việc thành lập một đảng duy nhất. Những ý kiến bất đồng ở đại hội và sự xuất hiện hai trào lưu trong đảng : Bolsheviks và Mensheviks.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương II. Việc thành lập Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga. Sự xuất hiện của phái Bolsheviks và Mensheviks trong nội bộ Đảng (1901-1904)


2.3 Đại hội của Đảng Công nhân dân chủ -xã hội Nga. Việc thông qua cương lĩnh, điều lệ và việc thành lập một đảng duy nhất. Những ý kiến bất đồng ở đại hội và sự xuất hiện hai trào lưu trong đảng : Bolsheviks và Mensheviks.


Như vậy là sự thắng lợi của những nguyên tắc của Lenin và cuộc đấu tranh thắng lợi của báo Tia Lửa cho kế hoạch tổ chức của Lenin, đã chuẩn bị mọi điều kiện cơ bản cần thiết để thành lập đảng, hay là lúc bấy giờ người ta thường nói, thành lập một đảng thật sự. Phương hướng do báo Tia Lửa vạch ra đã thắng các tổ chức dân chủ - xã hội ở Nga. Bây giờ đã có thể triệu tập Đại hội II của đảng.

Đại hội II của Đảng công nhân dân chủ xã hội Nga khai mạc ngày 17 (tức là ngày 30) tháng Bảy 1903. Đại hội họp ở nước ngoài, bí mật. Ban đầu các cuộc họp tiến hành tại Bơ-ru-xen. Nhưng về sau cảnh sát Bỉ yêu cầu các đại biểu rời nước Bỉ. Đại hội phải chuyển sang Luân-đôn họp.

Đi dự đại hội có tất cả 43 đại biểu của 26 tổ chức. Mỗi ban chấp hành có quyền cử 2 đại biểu tới đại hội, nhưng một số ban chấp hành chỉ cử 1 đại biểu. Như vậy 43 đại biểu có 51 phiếu có quyền quyết nghị.

Nhiệm vụ chính của đại hội là “thành lập một đảng thật sự, trên cơ sở những nguyên lý và nguyên tắc tổ chức đã được, nghiên cứu và đề ra trên báo Tia Lửa”.

Thành phần đại hội không thuần nhất. Do đã bị thất bại nên những kẻ rõ ràng là thuộc “phái kinh tế” không có đại biểu dự đại hội. Nhưng trong thời kỳ đó, chúng đã hết sức khéo léo đổi lốt nên đã luồn được vài đại biểu của chúng vào đại hội. Ngoài ra, các đại biểu phái Bun ( Do Thái) chỉ khác phái “kinh tế” trên lời nói thôi, kỳ thực thì vẫn ủng hộ bọn này.

Thế là tại Đại hội không phải chỉ có những người theo phái Tia lửa (Lenin) mà còn có cả những kẻ đối địch với phái ấy nữa. Những người theo phái Tia lửa có 33 người, nghĩa là đa số. Nhưng không phải tất cả những người tự coi là thuộc phái Tia lửa đều là những người Tia lửa Lê-nin-nít (những người theo chủ nghĩa Lenin) chân chính cả. Các đại biểu chia làm nhiều nhóm. Nhưng người đứng về phía Lenin, hay những người Tia lửa vững chắc có 24 phiếu; 9 người Tia lửa theo phe Mác-tốp: đó là những người Tia lửa không kiên định. Một số đại biểu ngả nghiên giữa phái Tia lửa và phái đối địch với phái Tia lửa, số này có 10 phiếu ở đại hội. Đó là nhóm đứng ở giữa. 

Những kẻ ra mặt đối địch với phái Tia lửa có 8 phiếu (3 của phái “kinh tế” và 5 của phái Bun Do Thái). Chỉ cần phái Tia lửa chia rẽ nhau là kẻ thù của phái Tia lửa có thể thắng ngay.

Do đấy, có thể thấy rõ tình hình ở đại hội phức tạp đến mức nào. Lenin đã mất biết bao tâm lực mới đảm bảo được thắng lợi cho phái Tia lửa tại đại hội.

Việc quan trọng nhất của đại hội là thông qua cương lĩnh của đảng. Vấn đề chủ yếu đã làm cho các phần tử cơ hội chủ nghĩa ở đại hội nổi lên phản đối trong khi thảo luận cương lĩnh đảng là vấn đề chuyên chính của giai cấp vô sản. Bọn cơ hội chủ nghĩa cũng không đồng ý với bộ phận cách mạng trong đại hội cả về nhiều vấn đề khác nữa trong cương lĩnh. Nhưng họ quyết định đấu tranh chủ yếu là về vấn đề chuyên chính vô sản, viện cớ rằng đảng dân chủ xã hội các nước ngoài trong cương lĩnh của họ không có điều khoản nói về vấn đề này, vì vậy có thể không để vấn đề ấy trong cương lĩnh của Đảng dân chủ xã hội Nga.

Bọn cơ hội còn phản đối cả việc để những yêu sách về nông dân vào cương lĩnh của đảng. Những người ấy không muốn làm cách mạng, vì vậy họ xa lạ với đồng minh của giai cấp công nhân là nông dân, có thái độ ác cảm với nông dân.

Những người thuộc phái Bun Do Thái và các đảng viên dân chủ xã hội Ba Lan thì lại phản đối quyền dân tộc tự quyết. Lenin luôn dạy rằng giai cấp công nhân có nghĩa vụ phải đấu tranh chống sự áp bức dân tộc. Phản đối yêu sách ấy trong cương lĩnh, tức là từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, trở thành đồng lõa với sự áp bức dân tộc.

Lenin đã giáng một đòn chí mạng vào tất cả những điều phản đối ấy. Đại hội đã thông qua cương lĩnh do phái Tia lửa đề nghị.

Cương lĩnh gồm 2 phần: cương lĩnh tối đa và cương lĩnh tối thiểu. Trong cương lĩnh tối đa nói về nhiệm vụ chủ yếu của đảng của giai cấp công nhân là cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ chính quyền của bọn tư sản, thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản. Trong cương lĩnh tối thiểu nói về những nhiệm vụ trước mắt của đảng, cần thi hành trước khi lật đổ chế độ tư bản, trước khi thiết lập nền chuyên chính vô sản: lật đổ chế độ chuyên chế của Nga hoàng, thiết lập nền cộng hòa dân chủ, thi hành ngày làm việc 8h cho mọi công nhân, thủ tiêu mọi tàn tích chế độ nông nô nông thôn, trả lại cho nông dân những ruộng đất trước kia địa chủ đã cướp của họ (ruộng cắt).

Sau này, những người Bolsheviks đem yêu sách tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ thay thế cho yêu sách đòi trả lại đám “ruộng cắt”.

Cương lĩnh được đại hội II thông qua là cương lĩnh cách mạng của đảng của giai cấp công nhân. Cương lĩnh ấy tồn tại mãi đến đại hội VIII, khi mà đảng đã thông qua cương lĩnh mới sau khi cách mạng vô sản giành được thắng lợi.

Sau khi thông qua cương lĩnh , đại hội II chuyển sang thảo luận về dự án điều lệ đảng. Sau khi thông qua cương lĩnh và xây dựng cơ sở cho việc thống nhất đảng về mặt tư tưởng, đại hội còn phải thông qua điều lệ đảng nữa để chấm dứt lối làm việc thủ công nghiệp và đầu óc tiểu tổ, tình trạng tản mạn về tổ chức và thiếu một kỷ luật cứng rắn trong đảng.

Nhưng nếu việc thông qua cương lĩnh đảng tiến hành tương đối êm thấm, thì vấn đề điều lệ đảng lại gây nên cuộc tranh luận kịch liệt ở đại hội. Những ý kiến bất đồng gay gắt nhất xoay quanh cách nêu điều 1 của điều lệ, nói về điều kiện gia nhập đảng. Ai có thể là đảng viên, thành phần của đảng phải như thế nào, về phương diện tổ chức, đảng là gì: một chỉnh thể có tổ chức hay một cái gì đó không hình thù – đó là vấn đề nêu lên chung quanh điều 1 trong điều lệ. Hai công thức đối chọi nhau: công thức của Lenin, có Plekhanov (người đầu tiên truyền bá CN Mác vào nước Nga) và những người Tia lửa vững chắc ủng hộ, và công thức của Mác-tốp có Ác-xen-rốt, Da-xu-li-tsơ, bọn Tia lửa lưng chừng, Trotsky và tất cả những phần tử cơ hội rõ mặt ở đại hội ủng hộ.

Công thức của Lenin nói rằng: có thể là đảng viên, tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh đảng, ủng hộ đảng về vật chất và là thành viên của một trong những tổ chức đảng. Còn ý kiến đề xuất của Mác-tốp, cũng cho việc thừa nhận cương lĩnh và ủng hộ đảng về vật chất là những điều kiện tất yếu để gia nhập đảng, song không cho rằng sự tham gia một tổ trong những tổ chức của đảng là điều kiện gia nhập đảng, cho rằng một đảng viên có thể không có chân trong một tổ chức nào trong đảng.

Lenin coi đảng là một đội ngũ có tổ chức, những thành viên của đội ngũ đó không thể tự nhận mình là đảng viên được nếu không được một trong những tổ chức của đảng kết nạp, do đó phải tuân theo kỷ luật của đảng; còn Mác-tốp thì lại coi đảng như một cái gì không có “hình thù” về tổ chức, những thành viên của nó tự nhận mình là đảng viên, và do đó không phải tuân theo kỷ luật đảng, vì họ không gia nhập một tổ chức nào của đảng cả.

Như thế, khác hẳn với công thức của Lenin, ý kiến của Mác-tốp mở rộng cửa đảng cho những phần tử phi vô sản không vững chắc. Ngay trước khi nổ ra cuộc cách mạng dân chủ tư sản, trong tầng lớp trí thức tư sản cũng có những người nhất thời đồng tình với cách mạng. Thậm chí đôi khi cũng có thể giúp cho đảng một việc nhỏ gì đó. Song những người đó không gia nhập tổ chức, không tuân theo kỷ luật của đảng, không làm những nhiệm vụ đảng giao cho, do đó không phải dấn thân vào gian lao nguy hiểm. Mác-tốp và những người mensheviks khác đã đề nghị phải coi những người như thế là đảng viên, đề nghị cho họ có quyền và khả năng ảnh hưởng đến công việc của đảng. Bọn Mác-tốp lại còn đề nghị cho mỗi người dự bãi công được quyền “nhận” mình là đảng viên; mặc dầu tham dự các cuộc bãi công còn có cả những người không thuộc phái xã hội chủ nghĩa như bọn vô chính phủ, bọn xã hội chủ nghĩa –cách mạng.

Kết quả là bọn Mác-tốp không muốn có một đảng đoàn kết nhất trí muôn người như một, có tính chiến đấu và có tổ chức rõ ràng, mà Lenin và những người theo theo Lenin đấu tranh thực hiện ở đại hội; bọn họ muốn có một đảng ô hợp và không rõ ràng, không thành hình, đảng ấy không thể là một đảng chiến đấu được ít ra cũng vì nó ô hợp và không thể có kỷ luật chặt chẽ được.

Những người phái Tia lửa không kiên định đã tách khỏi những người Tia lửa kiên định, liên minh với những người đứng giữa, bọn cơ hội rõ mặt lại nhập theo họ, do đó Mác-tốp đã thắng trong vấn đề này. Với đa số phiếu 28 phiếu tán thành và 22 phiếu phản đối và 1 phiếu trắng, đại hội đã thông qua điều 1 trong điều lệ, theo công thức của Mác-tốp.

Sau khi xảy ra việc những người Tia lửa chia rẽ nhau về điều 1 trong điều lệ, cuộc đấu tranh ở đại hội càng trở nên gay gắt. Công việc của đại hội đã đến giai đoạn chót, đến lúc bầu các cơ quan lãnh đạo của đảng – bộ biên tập báo Tia lửa, cơ quan trung ương của đảng và Ban chấp hành Trung ương. Nhưng trước khi đại hội bầu, một vài sự kiện đã xảy ra làm thay đổi lực lượng so sánh trong đại hội.

Nhân thảo luận điều lệ đảng, đại hội bàn đến phái Bun Do Thái. Phái này đòi có một vị trí đặc biệt trong đảng. Họ đòi công nhận họ là đại biểu duy nhất của công nhân Do Thái ở Nga. Thừa nhận yêu sách của tổ chức đảng căn cứ theo đặc điểm dân tộc, từ bỏ các tổ chức giai cấp thống nhất của giai cấp công nhân trên cơ sở lãnh thổ. Đại hội đã bác bỏ chủ nghĩa dân tộc về mặt tổ chức của phái Bun Do Thái. Lúc đó phái Bun Do Thái đã bỏ đại hội không dự nữa. Hai đại biểu phái “kinh tế” cũng rút lui luôn khi đại hội không nhận tổ chức của họ ở nước ngoài là đại diện đảng ở nước ngoài.

Việc bảy người cơ hội chủ nghĩa rút khỏi đại hội đã thay đổi lực lượng so sánh, có lợi cho phái Tia lửa của Lenin.

Ngay từ đầu, Lenin đã hết sức chú ý đến vấn đề thành phần các cơ quan trung ương của Đảng. Lenin cho rằng cần đưa những người cách mạng vững chắc và triệt để vào Ban chấp hành Trung ương. Bọn Mác-tốp thì tìm cách cho những phần tử lưng chừng, cơ hội chủ nghĩa thắng thế trong Ban chấp hành Trung ương. Vấn đề này, đa sô ở đại hội đã theo Lenin. Những người ở phái Lenin được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.

Theo đề nghị của Lenin, người ta bầu Lenin, Plekhanov và Mác-tốp vào bộ biên tập Tia lửa. Tại đại hội, Mác-tốp yêu cầu để cho tất cả sáu biên tập viên cũ của tờ báo phần đông thuộc phái của ông ta được vào bộ biên tập Tia lửa. Đại hội với nghị quyết đa số đã bác lời đề nghị ấy. Ba người do Lenin đề nghị được bầu bộ biên tập. Mác-tốp tuyên bố không tham gia bộ biên tập của cơ quan trung ương.

Như vậy, là qua việc bầu các cơ quan trung ương của đảng, đại hội đã xác nhận sự thất bại của phái Mác-tốp và sự thắng lợi của phái Lenin. Từ đây, người ta bắt đầu gọi phái của Lenin là Bolsheviks, vì họ đượ đa số phiếu bầu trong thời kỳ bầu cử ở đại hội, còn những người đối lập với Lenin được ít phiếu bầu thì gọi là Mensheviks.

Tổng kết công việc của Đại hội II, có thể đi đến những kết luận sau:

1) Đại hội đã xác nhận sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác đối với “chủ nghĩa kinh tế” và chủ nghĩa cơ hội công khai.

2) Đại hội đã thông qua cương lĩnh và điều lệ, đã thành lập đảng dân chủ xã hội, như vậy là đã dựng nên cái khung cho một đảng duy nhất.

3) Đại hội cho tấy có những bất đồng ý kiến nghiêm trọng về tổ chức, phân chia đảng thành hai phái Bolsheviks và Mensheviks: phái Bolsheviks bảo vệ những nguyên tắc tổ chức đảng dân chủ xã hội cách mạng, còn phái Mensheviks thì đắm mình trong vũng bùn của sự mơ hồ về tổ chức, vũng bùn của chủ nghĩa cơ hội.

4) Đại hội cho thấy rằng, trong đảng, bọn cơ hội chủ nghĩa mới, tức phái Mensheviks, bắt đầu giữ vị trí của bọn cơ hội chủ nghĩa cũ đã bị đảng đập tan, vị trí của phái “kinh tế”.

5) Về các vấn đề tổ chức, đại hội đã không xứng với vị trí của mình, đã ngả nghiên dao động, thậm chí có khi còn làm bọn Mensheviks thắng thế, và mặc dầu lúc cuối đã sửa chữa, nhưng không những vẫn không vạch trần được chủ nghĩa cơ hội của bọn Mensheviks trong các vấn đề tổ chức và không cô lập được chúng ở trong đảng, mà thậm chí cũng không biết đề nhiệm vụ như thế ra trước đảng.

Điều đó là một trong những nguyên nhân chính đã làm cho cuộc đấu tranh của phái Bolsheviks với phái Mensheviks sau đại hội chẳng những dịu bớt đi, mà ngược lại càng trở nên gay gắt hơn nữa.

#Gấu