C2.P2 Kế hoạch của Lenin xây dựng một chính đảng Marxist. Chủ nghĩa cơ hội của phái “kinh tế”. Báo “Tia Lửa” đấu tranh cho kế hoạch của Lenin.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương II. Việc thành lập Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga. Sự xuất hiện của phái Bolsheviks và Mensheviks trong nội bộ Đảng (1901-1904)


2.2.1 Kế hoạch của Lenin xây dựng một chính đảng Marxist. Chủ nghĩa cơ hội của phái “kinh tế”. Báo “Tia Lửa” đấu tranh cho kế hoạch của Lenin.


Mặc dầu Đại hội I Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga họp năm 1898 đã tuyên bố thành lập đảng, song thực tế đảng vẫn chưa thành lập được. Chưa có cương lĩnh và điều lệ đảng. Ban chấp hành trung ương Đảng do đại hội I bầu ra đã bị bắt và không khôi phục lại được nữa vì không có người phụ trách việc khôi phục lại đó. Hơn nữa sau đại hội I, sự bất đồng về tư tưởng và sự phân tán tổ chức của đảng lại càng tăng lên.

Nếu những năm 1884-1894 là thời kỳ thắng được phái dân túy và chuẩn bị về tư tưởng cho đảng dân chủ xã hội, và những năm 1894-1898 là thời kỳ cố gắng thành lập Đảng dân chủ xã hội từ những tổ chức marxist lẻ tẻ, nhưng chưa đạt được kết quả, thì từ năm 1898 trở về sau lại trở thành thời kỳ xáo trộn về tư tưởng cũng như là về tổ chức trong đảng. Sự thắng lợi của chủ nghĩa Marx đối với chủ nghĩa dân túy và những hoạt động cách mạng của giai cấp công nhân chứng tỏ những người marxist đã làm đúng, đã tăng thêm cảm tình của tầng lớp thanh niên cách mạng đối với chủ nghĩa Marx.

Chủ nghĩa Marx thành ra trở thành cái “mốt”. Tình hình đó đưa đến chỗ rất đông thanh niên cách mạng xuất thân từ tầng lớp trí thức đổ xô vào các tổ chức marxist, họ rất yếu về lý luận, lại không có kinh nghiệm chỉ có một khái niệm mơ hồ, thường là sai lầm, mà họ đã sưu tầm được trong các bài có tính chất cơ hội chủ nghĩa của bọn “marxist hợp pháp” viết đầy trên báo chí. Tình hình đó đã hạ thấp trình độ lý luận và chính trị của các tổ chức marxist, đã đem vào trong các tổ chức đó tinh thần cơ hội chủ nghĩa của bọn “marxist hợp pháp”, đã làm tăng thêm tình trạng bất đồng về tư tưởng, dao động về chính trị và lộn xộn về tổ chức.

Cao trào công nhân và tình thế rõ ràng là cách mạng sắp nổ ra đòi hỏi phải thành lập một đảng tập trung duy nhất của giai cấp công nhân, có khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng tình hình các cơ quan địa phương của đảng, các cấp ủy địa phương, các tổ, các nhóm địa phương lúc đó rất tồi, sự tách biệt về tổ chức và bất đồng về tư tưởng của các cơ quan ấy rất sâu sắc, nên nhiệm vụ thành lập một đảng như thế có nhiều khó khăn không thể tưởng tượng được.

Khó khăn không những chỉ ở chỗ phải xây dựng đảng dưới điều kiện sự truy nã của chính phủ Nha hàng, mà khó khăn còn ở chỗ số lớn các cấp ủy địa phương và cán bộ ở đó không muốn biết cái gì khác ngoài công việc thực tế nhỏ bé của địa phương mình, không hiểu cái tai hại của tình trạng thiếu sự thống nhất về mặt tư tưởng và tổ chức ở trong đảng, quen với sự tản mạn, với tình trạng lộn xộn về tư tưởng trong đảng và cho rằng cần phải có một đảng tập trung duy nhất.

Muốn thành lập một đảng tập trung, cần phải khắc phục tình trạng lạc hậu, sự trì trệ và chủ nghĩa thực tiễn hẹp hòi đó của các cơ quan địa phương.

Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Trong đảng có một nhóm người khá đông có những cơ quan báo chí riêng, như tờ báo Tư tưởng công nhân ở Nga và tờ Sự nghiệp công nhân ở nước ngoài, nhóm này dùng lý luận biện hộ cho tình trạng tản mạn về tổ chức và bất đồng về tư tưởng trong đảng, thậm chí nhiều khi còn ca tụng tình trạng đó và rằng nhiệm vụ thành lập một chính đảng tập trung duy nhất của giai cấp công nhân là không cần thiết.

Đó là phái “kinh tế” và những học trò của phái đó. Muốn thành lập một chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản, trước hết phải đánh bại phái “kinh tế”.

Lenin đã đảm nhận thực hiện những nhiệm vụ ấy và xây dựng đảng của giai cấp công nhân.

Về vấn đề xem xét bắt đầu từ đâu để xây dựng một đảng duy nhất của giai cấp công nhân, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nghĩ rằng xây dựng đảng phải bắt đầu bằng công việc triệu tập Đại hội II của đảng, đại hội này sẽ thống nhất các tổ chức địa phương lại và thành lập đảng. Lenin chống lại chủ trương ấy. Lenin cho rằng trước khi triệu tập đại hội, cần làm sáng rõ vấn đề mục đích và nhiệm vụ của đảng, cần biết rõ chúng ta muốn lập đảng gì, cần phải rõ ranh giới về mặt tư tưởng với phái “kinh tế”, cần chân thật và thẳng thắn noi rõ cho đảng biết rằng hiện có hai ý kiến khác nhau về mục đích và nhiệm vụ của đảng: ý kiến của phái “kinh tế” và ý kiến của phái dân chủ chủ xã hội cách mạng, cần phải tuyên truyền rộng rãi bằng báo chí cho quan điểm của phái dân chủ xã hội cách mạng, như phái “kinh tế” đã dùng các báo chí của họ tuyên truyền cho quan điểm của họ, cần phải để các tổ chức địa phương được chọn lựa một cách có ý thức giữa hai trào lưu ấy. Và chỉ khi nào công việc trù bị cần thiết ấy đã làm xong mới nên triệu tập đại hội đảng.

Lenin cho rằng xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân thì phải bắt đầu từ việc tổ chức một tờ báo chính trị có tính chất chiến đấu cho toàn nước Nga, tờ báo này sẽ tuyên truyền và cổ động cho những quan điểm dân chủ xã hội cách mạng; việc tổ chức một tờ báo như thế phải là bước đầu trong việc xây dựng đảng.

Trong bài báo nổi tiếng nhan đề “Bắt đầu từ đâu?” Lenin đã vạch ra kế hoạch cụ thể xây dựng đảng; kế hoạch này về sau được phát triển trong tác phẩm nổi tiếng “Làm gì?” của Lenin: cần thiết phải có một tờ báo chính trị cho toàn nước Nga. Lenin cho rằng một tờ báo như thế không những là phương tiện để đoàn kết đảng về mặt tư tưởng, mà còn là phương tiện để thống nhất về mặt tổ chức các tổ chức địa phương vào trong đảng. Mạng lưới nhân viên và thông tín viên của tờ báo ấy – họ là đại biểu của các tổ chức địa phương – sẽ là cái khung để tập hợp đảng một cách có tổ chức. Vì, như Lenin đã nói, “tờ báo không những là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể nữa”.

Tia Lửa phải là tờ báo như thế.

Còn về cơ cấu thành phần của đảng phải gồm hai bộ phận: a) một nhóm hỏ gồm những lãnh đạo thường trực, ở đây chủ yếu là những người cách mạng chuyên nghiệp, nghĩa là những cán bộ không bận một công việc nào khác ngoài công tác đảng, có một mức tối thiểu về kiến thức lý luận, về kinh nghiệm chính trị, về kỹ năng tổ chức và nghệ thuật đấu tranh chống cảnh sát Nga hoàng, nghệ thuật lẩn tránh bọn cảnh sát; và b) một mạng lưới rộng rãi các tổ chức đảng ở xung quanh bao gồm rất đông đảo đảng viên, được sự đồng tình và ủng hộ của hàng chục vạn người lao động.

Về tính chất của đảng được thành lập và vai trò của đảng ấy đối với giai cấp công nhân, cũng như về mục đích và nhiệm vụ của đảng, Lenin cho rằng đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, phải là lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân, lực lượng thống nhất và chỉ đạo cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Mục đích cuối cùng của đảng là lật đổ chủ nghĩa tư bản và thiết lập chủ nghĩa xã hội. Mục đích trước mắt là đánh đổ chế độ Nga hoàng và thiết lập trật tự dân chủ. Và vì không thể nào lật đổ được chế độ tư bản nếu không lật được chế độ Nga hoàng trước đã, cho nên nhiệm vụ chính của đảng trong lúc này là phải phát động giai cấp công nhân, phát động toàn dân đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, mở rộng phong trào cách mạng của nhân dân chống chế độ Nga hoàng và lật đổ chế độ Nga hoàng, trở lực thứ nhất và nghiêm trọng trên con đường đi đến chủ nghĩa xã hội.

Đó là kế hoạch của Lenin về việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân trong điều kiện nước Nga dưới chế độ chuyên chế của Nga hoàng. Phái “kinh tế” lập tức tấn công ngay vào kế hoạch ấy của Lenin.

Phái “kinh tế” khẳng định rằng đấu tranh chính trị chung chống chế độ Nga hoàng là công việc của tất cả các giai cấp, và trước hết là của giai cấp tư sản, rằng do đó đấu tranh chính trị không đem lại lợi ích gì đáng kể cho giai cấp công nhân cả, vì lợi ích chính của công nhân là đấu tranh kinh tế chống bọn chủ, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động,… Vì vậy, những người dân chủ xã hội phải coi nhiệm vụ chủ yếu trước mắt không phải là đấu tranh chính trị chống chế độ Nga hoàng, không phải là lật đổ chế độ Nga hoàng, mà là tổ chức “cuộc đấu tranh kinh tế của công nhân chống lại bọn chủ và chính phủ”; phái ấy hiểu đấu tranh kinh tế chống chính phủ là đấu tranh đòi cải tiến pháp chế về nhà máy và công xưởng. Phái “kinh tế” tin chắc rằng theo cách ấy có thể “làm cho cuộc đấu tranh kinh tế có tính chất chính trị”.

Phái “kinh tế” không còn dám công khai phản đối sự cần thiết phải thành lập một chính đảng cho giai cấp công nhân nữa. Nhưng chúng lại cho rằng đảng không nên là lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân, đảng không nên can thiệp vào phong trào tự phát của giai cấp công nhân, hơn nữa không nên lãnh đạo phong trào, mà chỉ nên đi theo phong trào, nghiên cứu phong trào và từ đó rút ra những bài học.

Sau đó phái “kinh tế” khẳng định rằng vai trò của yếu tố tự giác trong phong trào công nhân, vai trò tổ chức và hướng dẫn của sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa và của lý luận xã hội chủ nghĩa là không đáng kể hoặc hầu như không đáng kể, rằng đảng dân chủ xã hội không được nâng công nhân lên tới trình độ giác ngộ và hạ thấp xuống ngang với trình độ các tầng lớp trung bình hoặc thậm chí các tầng lớp lạc hậu hơn của giai cấp công nhân, rằng đảng dân chủ xã hội không được đưa sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa vào trong giai cấp công nhân, mà phải đợi cho bản thân phong trào tự phát của giai cấp công nhân tạo ra sự được sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa bằng lực lượng của mình.

Còn kế hoạch của Lenin xây dựng đảng về mặt tổ chức thì phái “kinh tế” cho đó là một cái gì cưỡng chế phong trào tự phát. Trong nhiều trang báo Tia lửa và nhất là trong tác phẩm nổi tiếng Làm gì ?, Lenin đã công kích triết lý cơ hội chủ nghĩa ấy của phái “kinh tế” và đã đập tan triết lý ấy.

Nội dung cơ bản của tác phẩm Làm gì ? – Cơ sở tư tưởng của đảng Marxist.

1) Lenin đã chỉ rằng làm cho giai cấp công nhân xa rời cuộc đấu tranh chính trị chung chống chế độ Nga hoàng, giới hạn nhiệm vụ của nó trong việc đấu tranh kinh tế chống bọn chủ và chính phủ, không dám động chạm đến chúng – như thế có nghĩa là đẩy công nhân đến chỗ phải đời đời sống dưới ách nô lệ. Đấu tranh kinh tế của công nhân chống bọn chủ và chính phủ là một cuộc đấu tranh có tính chất công liên chủ nghĩa nhằm cải thiện điều kiện bán sức lao động cho tư bản, nhưng công nhân thì lại muốn đấu tranh không những để cải thiện điều kiện bán sức lao động của họ cho bọn tư bản, mà còn để thủ tiêu ngay cả bản thân chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ đã đẩy họ đến chỗ cần thiết phải bán sức lao động cho bọn tư bản và phải chịu sự bóc lột. Nhưng chừng nào trên đường đi của phong trào công nhân còn có chế độ Nga hoàng, thì công nhân không thể nào mở rộng cuộc đấu tranh chống tư bản, không thể nào mở rộng cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội được. Cho nên nhiệm vụ trước mắt của đảng và của giai cấp công nhân là phải quét sạch chế độ Nga hoàng và do đấy mở đường đi đến chủ nghĩa xã hội.

2) Lenin đã chỉ rõ rằng ca tụng quá trình tự phát của phong trào công nhân và phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, quy vai trò của đảng thành người ghi chép biến cố, - như vậy là tuyên truyền chủ nghĩa “theo đuôi”, tuyên truyền việc biến đảng thành một vật phụ thuộc của quá trình tự phát, thành một lực lượng thụ động của phong trào, chỉ có thể đứng ngắm nhìn quá trình tự phát và phó mặt cho sự tự phát. Tuyên truyền như vậy có nghĩa là hướng đến chỗ thủ tiêu đảng, tức là để cho giai cấp công nhân không có đảng, tức là để cho giai cấp công nhân không có vũ khí. Nhưng để cho giai cấp công nhân không có vũ khí mà trước mặt họ có những kẻ thù như chế độ Nga hoàng được trang bị đủ các phương tiện chiến đấu và giai cấp tư sản được tổ chức theo kiểu hiện đại và có chính đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh của nó chống lại giai cấp công nhân, - như thế có nghĩa là phản bội giai cấp công nhân.

3) Lenin chỉ rõ rằng cúi đầu trước tính tự phát của phong trào công nhân và hạ thấp vai trò của tính tự giác, hạ thấp va trò của sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa và lý luận xã hội chủ nghĩa – điều đó có nghĩa là nhạo báng công nhân đang vươn tới ý thức như người ta vươn tới ánh sáng; hai là làm giảm giá trị của lý luận trước mắt đảng, tức là làm giảm giá trị của vũ khí mà đảng dùng để hiểu biết hiện tại và dự đoán tương lai; ba là hoàn toàn và triệt để dấn mình vào vũng bùn của chủ nghĩa cơ hội.

4) Lenin chỉ rõ rằng phái “kinh tế” đã lừa dối giai cấp công nhân, khi chúng khẳng định rằng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa có thể phát sinh từ trong phong trào tự phát của giai cấp công nhân, vì thật ra, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa phát sinh từ khoa học chứ không phải từ phong trào tự phát. Phái “kinh tế” phủ nhận sự cần thiết phải đưa sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa vào giai cấp công nhân, - như vậy là đã dọn đường cho hệ tư tưởng tư sản, giúp cho hệ tư tưởng này len lỏi dễ thâm nhập vào giai cấp công nhân, - do đó đã chôn vùi ý định thống nhất phong trào công nhân với chủ nghĩa xã hội, đã giúp cho giai cấp tư sản.

5) Tổng kết tất cả những sai lầm đó của phái “kinh tế”, Lenin kết luận rằng phái “kinh tế” không phải muốn có một đảng cách mạng xã hội giải phóng giai cấp công nhân khỏi chủ nghĩa tư bản, mà muốn có một đảng “cải lương xã hội” chủ trương duy trì sự thống trị của chế độ tư bản; rằng do đó phái “kinh tế” đều là bọn cải lương, phản bội lại lợi ích cơ bản của giai cấp vô sản.

6) Cuối cùng, Lenin chỉ rõ ràng “chủ nghĩa kinh tế” không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra ở Nga; rằng phái “kinh tế” là những kẻ truyền ảnh hưởng tư sản vào giai cấp công nhân; rằng chúng có đồng minh trong các đảng dân chủ xã hội ở Tây Âu, tức là bọn xét lại, bọn tán thành tên cơ hội chủ nghĩa Béc-stanh. Ở Tây Âu, trào lưu cơ hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố trong các đảng dân chủ xã hội , đã hành động dưới chiêu bài “tự do phê bình” Marx và đòi phải “xét lại” nghĩa là xem xét lại học thuyết của Marx ; đòi phải từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản. Lenin chỉ rõ rằng phái “kinh tế” Nga đã theo đường lối ấy, tức là đã từ bỏ đấu tranh cách mạng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chuyên chính vô sản.

Trên đây là những luận điểm cơ bản mà Lenin đã phát triển trong tác phẩm “Làm gì?”

Việc phổ biến cuốn “Làm gì?” đã đưa đến chỗ là một năm sau khi cuốn sách ra đời (sách xuất bản tháng Ba 1902), khi họp Đại hội II của Đảng dân chủ xã hội Nga thì người ta chỉ còn một ký ức khó chịu về lập trường tư tưởng của “chủ nghĩa kinh tế”, và biệt hiệu phái “kinh tế” lúc bấy giờ phần lớn cán bộ đảng coi như một điều sỉ nhục.

Đó là sự thất bại hoàn toàn của “chủ nghĩa kinh tế” về tư tưởng, sự thất bại của hệ tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội, của chủ nghĩa theo đuôi, và tính tự phát. Nhưng tầm quan trọng của tác phẩm không phải chỉ giới hạn có ngần ấy.

Ý nghĩa lịch sử của tác phẩm “Làm gì?” là ở chỗ, trong tác phẩm nêu:

1) Lần đầu tiên trong lịch sử, tư tưởng Marxist, Lenin bóc trần đến tận gốc rễ những nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội, chỉ rõ rằng trước hết nguồn gốc đó là ở chỗ cúi đầu trước tính tự phát của phong trào công nhân và hạ thấp vai trò của sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân;

2) Lenin nêu cao tầm quan trọng của lý luận, của sự giác ngộ, của đảng, một lực lượng cách mạng hóa và lãnh đạo phong trào tự phát của công nhân;

3) Lenin chứng minh một cách xuất sắc cho nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx: đảng marxist là sự thống nhất phong trào công nhân với chủ nghĩa xã hội.

4) Lenin phân tích một cách tài tình những cơ sở tư tưởng của đảng marxist.

Những điểm được phát triển trong cuốn “Làm gì?” về sau đã làm cơ sở cho hệ tư tưởng của đảng Bolsheviks.

Có sự phong phú về lý luận ấy, báo Tia Lửa có thể mở và thực tế đã mở cuộc vận động rộng lớn cho kế hoạch xây dựng đảng của Lenin, cho việc tập hợp lực lượng của đảng, cho đại hội II của đảng, cho đảng dân chủ xã hội cách mạng chống lại phái “kinh tế” chống lại tất cả và bất cứ bọn cơ hội chủ nghĩa, xét lại.

Sự nghiệp quan trọng nhất của báo Tia lửa là thảo ra dự án cương lĩnh của đảng. Cương lĩnh của đảng là bản thuyết trình vắn tắt nêu lên một cách khoa học mục đích và nhiệm vụ của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Cương lĩnh định rõ mục đích cuối cùng của phong trào cách mạng vô sản, cũng như những yêu sách đảng phải đấu tranh để thực hiện con đường đi đến mục đích cuối. Vì vậy việc thảo dự án cương lĩnh không thể không có tầm quan trọng đặc biệt.

Lúc thảo dự án cương lĩnh, ngay trong bộ biên tập báo Tia lửa cũng đã vạch ra những bất đồng ý kiến nghiêm trọng giữa Lenin và Plekhanov (người truyền bá chủ nghĩa Marx vào nc Nga) và nhiều ủy viên khác. Những ý kiến bất đồng và những cuộc tranh luận ấy suýt gây ra sự đoạn tuyệt hoàn toàn giữa Lenin và Plekhanov. Lenin đã đòi được phải ghi vào dự án cương lĩnh điểm hết sức quan trọng nói về chuyên chính vô sản và phải nói rõ vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng.

Toàn bộ phần nói về ruộng đất trong cương lĩnh là của Lenin. Ngay từ hồi ấy, Lenin đã chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất, nhưng trong giai đoạn đầu đấu tranh này Lenin cho là cần phải nêu yêu sách trả lại cho nông dân các đám “ruộng cắt”, tức là những đám đất mà địa chủ đã cắt lấy của nông dân lúc “giải phóng” nông dân. Plekhanov phản đối chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất.

Cuộc tranh luận giữa Plekhanov và Lenin về cương lĩnh của đảng đã quyết định một phần nào đó sự bất đồng ý kiến sau này giữa hai phái Bolsheviks và Mensheviks.

#Gấu