C1.P6 Lê-nin đấu tranh chống phái “dân túy” và “chủ nghĩa Mác hợp pháp”. Tư tưởng của Lê-nin về Liên minh giữa giai cấp Công nhân và nông dân. Đại hội I Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga.

Tài liệu: Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô được phát hành lần đầu vào năm 1938. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Pó của chủ tịch Hồ Chí Minh, chi tiết dịch sử Đảng trong bài thơ này chính là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Bolsheviks Liên Xô.



===============================

Chương 1. Cuộc đấu tranh để thành lập Đảng Công nhân Dân chủ xã hội ở nước Nga.


1.2.4. Lê-nin đấu tranh chống phái “dân túy” và “chủ nghĩa Mác hợp pháp”. Tư tưởng của Lê-nin về Liên minh giữa giai cấp Công nhân và nông dân. Đại hội I Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga.


- Mặc dầu Plekhanov trong những năm 80 đã giáng một đòn chủ yế vào hệ thống quan điểm của phái dân túy, song đầu những năm 90 một bộ phân thanh niên cách mạng vẫn đồng tình với những quan điểm ấy. Họ vẫn còn nghĩ rằng nước Nga có thể bỏ qua con đường phát triển Tư bản chủ nghĩa, rằng nông dân chứ không phải công nhân, giữ vai trò chính trong Cách mạng. Bọn dân túy còn sót lại đã tìm đủ cách ngăn cản công việc truyền bá Chủ nghĩa Mác ở Nga, đấu tranh chống lại những người marxist, bôi nhọ họ bằng đủ mọi cách. Bởi vậy để đảm bảo tiếp tục truyền bá Chủ nghĩa Mác và khả năng thành lập một đảng dân chủ xã hội, cần phải triệt để đập tan chủ nghĩa dân túy về mặt tư tưởng.

Công việc ấy, Lê-nin đã làm.

Trong tác phẩm “Những người “bạn dân” là là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao ?” (1894), Lênin lột mặt nạ bọn dân túy, một bọn giả danh “bạn dân” nhưng kì thật lại chống lại nhân dân.

Về thực chất thì những người dân túy từ những năm 90 đã từ lâu từ bỏ mọi cuộc đấu tranh chống Nga hòang. Phái dân túy tự do còn tuyên truyền hòa hoãn với Nga hoàng. Nói về bọn dân túy hồi ấy Lê-nin đã viết: “Bọn ấy nghĩ đơn giản rằng nếu người ta biết yêu cầu một chính phủ nhã nhặn dịu dàng thì chính phủ có thể giải quyết tốt tất cả mọi việc”.

Những người dân túy những năm 90 nhắm mắt trước tình cảnh bần nông ở nông thôn, trước cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn, trước việc bọn cu-lắc bóc lột bần nông, và còn tán dương sự phát triển của các hộ cu-lắc. Về thực chất họ hành động như là những người thể hiện lợi ích của cu-lắc.

Đồng thời trên báo chí của mình, phái dân túy tấn công ráo riết những người marxist. Cố ý xuyên tạc bóp méo những quan điểm của những người marxist Nga. Phái dân túy nói chắc rằng những người marxist Nga hồi đó muốn làm tan rã nông thôn, muốn “nông dân nào cũng phải đi qua lò lửa nhà máy”. Vạch trần lời xuyên tạc này của phái dân túy, Lê-nin chỉ rõ rằng vấn để không phải là sự “mong muốn” của những người marxist mà là quá trình phát triển thực tế của chủ nghĩa tư bản Nga làm cho giai cấp vô sản nhất định mỗi ngày một lớn thêm. Nhưng giai cấp vô sản lại là người đào huyệt chôn chế độ Tư bản chủ nghĩa.

Lê-nin chỉ rõ không phải bọn dân túy, mà là chính những người marxist mới là bạn chân chính của nhân dân, thực lòng muốn thủ tiêu ách áp bức của tư bản và địa chủ, thủ tiêu chế độ Nga hoàng.

Trong cuốn "Những người bạn dân là thế nào", lần đầu tiên Lê-nin nêu tư tưởng liên minh cách mạng giữa công nhân và nông dân, coi đó là phương thức chủ yếu để lật đổ chế độ Nga hoàng, địa chủ và giai cấp tư sản.

Trong nhiều tác phẩm viết hồi đó, Lê-nin còn phê phán những phương thức đấu tranh chính trị của phái dân túy mà nhóm dân túy cốt cán “Dân ý”, và sau này là bọn Xã hội chủ nghĩa Cách mạng, những kẻ kế tục phái dân túy, thường dùng đó là sách lược khủng bố cá nhân. Lê-nin cho rằng sách lược này có hại cho phong trào cách mạng, vì nó đem thay thế đấu tranh của quần chúng bằng đấu tranh của những anh hùng đơn độc. Sách lược ấy tỏ ra thiếu tin tưởng vào phong trào cách mạng của nhân dân.

Trong cuốn “Những người bạn dân là thế nào”, Lê-nin đã nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của những người marxist Nga. Theo Lê-nin thì trước hết cần tổ chức một đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa thống nhất từ những tổ marxist rải rác. Tiếp đó Lê-nin chỉ rõ rằng chính giai cấp công nhân Nga liên minh với nông dân sẽ lật đổ nền chuyên chế Nga hoàng. Sau đó vô sản Nga liên minh với quần chúng lao động bị bóc lột, sát cánh với vô sản các nước khác, thẳng tiến trên con đường đấu tranh chính trị công khai bước tới cuộc Cách mạng cộng sản thắng lợi.

Như vậy, Lê-nin đã chỉ đúng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, xác định vai trò của công nhân là lực lượng cách mạng tiên phong trong xã hội, xác định vai trò của nông dân là đồng minh của giai cấp công nhân.

Ngay từ những năm 90, cuộc đấu tranh của Lê-nin và các đồng chí chống chủ nghĩa dân túy đã đạt kết quả là đập tan hoàn toàn chủ nghĩa dân túy về mặt tư tưởng.

Cuộc đấu tranh của Lê-nin chống “chủ nghĩa Mác hợp pháp” cũng có một ý nghĩa to lớn. Như vẫn thường xảy ra trong lịch sử, những “bạn đường” tạm thời thường len lỏi vào các phong trào xã hội lớn. Những người gọi là “marxist hợp pháp” là những “bạn đường” như vậy. Chủ nghĩa Mác được truyền bá rộng ở nước Nga. Thế là những trí thức tư sản bèn khoác áo marxist. Họ in những bài báo của họ trong các tờ báo lớn và hợp pháp, nghĩa là những báo được Nga hoàng cho phép xuất bản. Do đấy người ta gọi họ là “marxist hợp pháp”.

Họ đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy theo cách của họ. Nhưng họ lợi dụng nó và ngọn cờ chủ nghĩa Mác làm cho phong trào công nhân phải phụ thuộc và thích ứng với lợi ích xã hội tư sản, lợi ích của giai cấp tư sản. Họ gạt bỏ đi phần chủ yếu nhất trong học thuyết Mác là học thuyết về Cách mạng vô sản, về chuyên chính vô sản. Pi-ốt Stơ-ru-vê, tay cừ nhất trong bọn marxist hợp pháp, ca tụng giai cấp tư sản và đáng lẽ phải đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa tư bản thì y lại hô hào “nên thừa nhận trình độ văn hóa của chúng ta còn kém, ta cần học ở chủ nghĩa tư bản”.

Trong cuộc đấu tranh chống phái dân túy, Lê-nin cho rằng có thể tạm thời hợp tác với bọn “marxist hợp pháp” để chống phái dân túy, ví dụ như in chung với họ một tập sách công kích phái dân tuý chẳng hạn. Nhưng Lê-nin đồng thời cũng phê phán gay gắt bọn “marxist hợp pháp” vạch trần thực chất của bọn này là chủ nghĩa tự do tư sản.

Nhiều người trong số “bạn đường” ấy sau này trở thành bọn Ca-đê (một chính đảng chủ yếu của giai cấp tư sản Nga) và trong thời nội chiến, họ là những tên bạch vệ rất đắc lực.

Tại những vùng dân tộc miền tây nước Nga, các tổ chức dân chủ-xã hội cũng xuất hiện cùng lúc với những “Hội liên hiệp đấu tranh” Pê-téc-bua, Mạc-tư-khoa, Kiép…..Trong những năm 90, những phần từ marxist đã tách khỏi đảng quốc gia Ba lan và lập ra đảng “Dân chủ-xã hội Balan và Li-tua-nia”. Vào khoảng cuối những năm 90, các tổ chức dân chủ xã hội Lét-tô -nia được thành lập. Tháng 10-1897, Tổng hội dân chủ xã hội Do Thái, gọi tắt là Bun, được thành lập ở miền Tây nước Nga.

Năm 1898, nhiều “Hội liên hiệp đấu tranh” như Pê-téc-bua, Mạc-tư-khoa, Kiép, Yekaterinoslav và Tổng hội Bun lần đầu tiên tìm cách hợp nhất thành đảng Dân chủ Xã hội. Với mục đích đó, tháng 3-1898, tại Minsk, các tổ chức đó đã họp đại hội I Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga (Đ.C.N.D.C.X.H.N).

Trong đại hội I của Đảng, có tất cả 9 đại biểu. Lê-nin không tham dự vì lúc đó đang bị đày ở Siberia. Ban Chấp hành TW Đảng do đại hội bầu ra chẳng bao lâu sau thì bị bắt. Bản Tuyên ngôn nhân danh Đại hội có nhiều chỗ thiếu sót. Tuyên ngôn ấy không đả động gì tới nhiệm vụ vô sản phải giành chính quyền, không hề nói đến bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản và cũng không đề cập đến vấn đề bạn đồng minh của giai cấp này chống Nga hoàng và giai cấp tư sản.

Trong các nghị quyết và Tuyên ngôn, đại hội đã tuyên bố thành lập đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga.

Hành động hình thức này có tác dụng rất lớn về tuyên truyền cách mạng; ý nghĩa của đại hội I Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga là ở đấy.

Mặc dù đại hội I đã họp, song thật ra Đảng DCHX marxist ở Nga vẫn chưa được thành lập. Đại hội chưa thống nhất được các tổ chức marxist, không liên kết được họ về mặt tổ chức. Chưa có một đường lối thống nhất trong công tác của các tổ chức địa phương, chưa có cương lĩnh, điều lệ đảng, chưa có cả sự lãnh đạo từ một trung tâm thống nhất.

Vì những lẽ ấy và do nhiều nguyên nhân khác, sự bất đồng tư tưởng trong các tổ chức địa phương mỗi ngày một tăng, tình trạng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho “chủ nghĩa kinh tế”, một trong những trào lưu cơ hội chủ nghĩa được tăng cường hoạt động trong phong trào công nhân.

Phải mất nhiều năm hoạt động tích cực, Lê-nin và báo Tia lửa do Lê-nin thành lập mới khắc phục được sự bất đồng, mới thắng được sự dao động cơ hội chủ nghĩa và chuẩn bị thành lập thực sự Đảng Công nhân DCXH Nga.

#Gấu